Truyện ngắn của PHẠM THỊ THANH NHÀN
Lớp 9, Trường THCS Liên Sơn, Gia Viễn
(Nguồn TC số 296/8/2024)
Chuyến xe tìm về quá khứ đã khởi hành. Nắng đã ngả màu, càng lúc càng thêm dịu dàng, chẳng bao lâu sau đã vội ẩn mình dưới màu xanh tán lá. Con đường trước mắt tôi giờ đây bỗng dài hơn, có lẽ là vì muốn giữ chặt bước chân tôi trong cơn say của hồi ức. Không gian lặng thinh, đôi lúc xạo xạc cơn gió nhẹ cuốn theo những chiếc lá vàng rơi rụng. Cũng chẳng biết là vì gió bụi hay vì chính con đường vốn quen thuộc ngày thơ đã khiến đôi mắt như viên ngọc của tôi mang một màu u xám. Cái hồn nhiên trong ánh nhìn thơ ngây đã trở thành cái rưng rưng trong niềm đau của nội tại. Sự dâng trào trong cảm xúc đã đem theo những kỉ niệm miên man, chẳng khác gì con sóng dữ tợn cứ đánh vào những vết thương mãi chưa lành miệng.
Tôi ngẩn người ra, đờ đẫn nhìn thẳng về con đường dài phía trước. Chợt ùa về bóng dáng thân quen ngày nào của ông nội. Ông ân cần đèo tôi trên chiếc xe đạp có phần cũ kĩ. Đôi tay ông run rẩy, mắt cũng không còn nhìn rõ nữa. Bóng lưng gầy gò đã che chở cả tuổi thơ của một đứa trẻ.
Tôi còn nhớ rất rõ những kỉ niệm ấu thơ, ngày ngày đều được ông đưa đi học, lại đón về. Thuở ấy, nhà chỉ có duy nhất một chiếc đèn nhỏ, ông cũng nhường cho tôi ánh sáng, sẵn sàng để bản thân ở trong bóng tối. Ông dạy tôi tập đọc, lại tập viết, dạy tôi lẽ đời, lẽ phải, dạy tôi hơn tất cả những gì ông biết. Đêm nào trăng sáng, hai ông cháu lại trải chiếu giữa sân, tôi nằm trọn trong lòng ông nghe kể về những câu chuyện cổ tích. Ông thường bảo với tôi thế này:
Lo mà học cho đời nó sướng cháu ạ. Cứ như ông, mù tịt, sau này chỉ có khổ.
Ông còn nói thêm:
- Cả đời này thân già ông chỉ nhờ cậy vào cháu. Sẽ có một ngày ông không còn ở bên, không thể chăm sóc cho cháu được nữa. Ông còn phải sang thế giới bên kia để sống cuộc đời của ông nữa.
Trong suy nghĩ của tôi lúc ấy, "thế giới bên kia" được hiểu là xứ sở thần tiên. Nơi ấy có niềm vui, có hạnh phúc, ông sẽ được tươi cười mỗi ngày nên cũng góp thêm lời mình:
- Sao ông có thể đi một mình được chứ, nếu có đi, ông nhất định phải dẫn cháu theo cùng. Lời nói ra mang đầy sự chắc nịch, ông cũng không nói gì thêm, chỉ nhìn tôi và cười bất lực.
- Thôi! Không nói chuyện phiếm nữa, ông cháu ta đi ngủ. Rồi ông cõng tôi vào, nằm trên manh chiếu đã trải nơi góc nhà. Tôi để ý rằng, ông cứ vắt tay lên trán, thỉnh thoảng lại thở dài khe khẽ như đang bận tâm điều gì. Đôi mắt ông nheo lại đầy vẻ nghĩ ngợi và âu lo, như sợ rằng sẽ có chuyện không hay xảy đến.
Tôi mãi chẳng thể hiểu nổi cái người ta vẫn gọi là kỉ niệm vì sao lại có một sức sống, sự ám ảnh nào đó thật khó nói. Con đường tôi đi hôm nay bao trùm bởi sự đơn côi, lẻ bóng. Cũng con đường ấy, nhưng là của những ngày xa xưa, tôi và ông đã bao lần nắm tay nhau đi qua những ngày mưa, ngày nắng, đôi bàn chân 2 ông cháu lấm lem 1 màu vàng nâu, pha lẫn chút đỏ- màu đặc trưng của con đường đất. Tôi nhìn ông và than phiền:
- Bẩn ông nhỉ. Giá mà ông cháu ta được đi trên con đường to ơi là to, không phải là đường đất nữa thì thật tốt biết bao.
Ông chỉ mỉm cười đáp lại:
- Sợ bẩn thì lên lưng ông cõng, còn không nhanh là ông đổi ý đấy.
Ống quần đã được ông đích thân xắn lên 1 gang tay cũng không thể tránh nổi màu đất, chất bùn bám vào. Chiếc quần mới hiếm hoi của một đứa trẻ cứ thế bị nhuốm màu đường đi, nhanh cũ hơn, giặt sao cũng chẳng sạch nổi. Cái miệng nhỏ của tôi cũng trở nên lắm lời, hay phàn nàn cau có với nội về chiếc quần ấy mà lại chẳng để ý rằng nội không có lấy một chiếc quần mới, cứ mặc mãi cái quần màu xanh đậm có dấu tích của thời gian, của bụi gai cào xước thời ông còn đánh giặc. Đối với tôi, ông là anh hùng cứu nước và hơn cả còn là anh hùng trong suốt thời ấu thơ của chính mình.
Những cơn gió mỗi lúc một dữ tợn, nhanh chóng kéo tôi trở về với thực tại trên con đường bỗng dài hơn bao giờ hết. Vài chiếc lá vàng rơi rụng, khẽ lướt qua vai. Chẳng bao lâu sau, trời xanh sầm lại, mây đen kịt ùn ùn kéo về, hạt mưa đầu tiên đã lăn dài trên khuôn mặt không còn non nớt như một đứa trẻ. Rồi, mưa mỗi lúc một nặng hạt, tôi lại cứ đứng im ở đó không chút biến động, đôi mắt long lanh màu mưa, cảm xúc dâng trào. Bức tranh đầy nắng mà ông và tôi đã dành cả tuổi thơ để vẽ nên đã sáng bừng trong tâm trí. Ngày hôm ấy, trời mưa tầm tã, không phải là cái mưa rả rích nhưng là mưa rào, mưa xối xả, nặng hạt. Mưa như vùi dập lấy bóng lưng gầy gò của ông, tưởng như sẽ bị nó cuốn đi mất. Đẹp nhất trong ánh mắt của đứa trẻ khi ấy có lẽ là hình ảnh ông nó đội mưa, nhường lại cho cháu mảnh áo mưa mỏng, màu trong suốt. Từng lời ông dặn tôi quên sao được:
- Này, ông kiếm mãi trong nhà mới tìm thấy một chiếc áo mưa. Cháu mặc tạm vào, kẻo ngấm mưa lại ốm thì khổ.
Tôi ngây thơ hỏi:
- Cháu mặc rồi thì ông lấy gì che mưa ạ?
Mưa tạt thẳng vào mặt, ù tai, lời nói của ông càng lúc càng yếu đi:
- Mày cứ mặc ông, mưa thì ông lại được mát.
Giọng ông run run như vạch trần lời nói dối của ông vậy. Tôi biết, biết rất rõ ông đang run lên vì lạnh, ông cũng cần áo mưa nhưng lại sẵn sàng dành nó cho cháu mà không chút do dự. Ông còn tháo xuống cái nón lá đã bị rách đôi chỗ, đội lên đầu tôi mà bảo:
- Nón đấy, đội vào. Áo mưa thôi chưa đủ đâu, mưa mà vào mặt hay vào đầu là kiểu gì cũng sụt sịt.
Chiếc áo này cũng đã có vài chỗ rách, có lẽ là vì để lâu, bị lũ chuột gián cắn xé. Cứ mỗi giọt mưa len lỏi vào manh áo, đến 1 đứa trẻ khỏe mạnh đầy năng lượng còn đang không thể chịu nổi thì ông lại ra sức chở tôi đi qua cơn mưa mà không một lời than trách. Thỉnh thoảng, giọng nói nhỏ yếu của ông truyền ra:
Sao rồi, có bị mưa không đấy.
Tôi xúc động vô cùng, nước mưa đã hòa với nước mắt. Tôi lặng im không nói thành lời. Ông vừa gắng đạp xe cho nhanh, lại vừa lo lắng hỏi tôi biết bao nhiêu câu hỏi. Mọi hành động của ông đều ngập tràn sự yêu thương không thể nói hết.
Nhớ ông, tôi lại nhớ tới cái mùi bánh rán thơm lừng mỗi sáng nơi góc chợ cũ. Ông thường dậy sớm đi chợ chỉ vì tôi nói thích bánh rán. Một chút vừng, một chút đậu xanh, hai mùi thơm quyện hòa vào nhau cũng làm tôi vui sướng vô cùng. Ngày chủ nhật, 2 ông cháu đi chợ sáng, cơ mà hôm ấy đông quá, bánh đến phần tôi lại chẳng còn. Ông dắt tay tôi đi về trong sự thất vọng trên khuôn mặt của một đứa trẻ. Ông an ủi tôi:
Chợ nay đông quá, ông cháu ta lại mất phần rồi còn đâu!
Tôi bĩu môi, làm ra cái mặt xị khiến ông cũng phải não ruột. Ông tiếp tục nói:
- Cháu quên mất ông là người giỏi thế nào à. Vài ba cái bánh, ông làm nhoắng cái xong ngay.
Ông đã thắp lại nụ cười trên khuôn mặt giây trước còn ủ rũ. Về đến nhà, ông lật đật chạy ngay vào bếp, mày mò làm bánh. Bánh ông nặn không tròn nhưng nhân thì lại đầy ắp. Cả đời này, mĩ vị nhân gian có lẽ cũng không thể nào so sánh với chiếc bánh rán đong đầy tình yêu của ông khi ấy.
Tôi thích cái đẹp, đặc biệt là thích hoa. Có lẽ vì thế mà trước gian nhà nhỏ lợp bằng lá cọ, ông đã trồng đầy cả một vườn hoa, đủ màu đủ sắc. Ông thường dẫn tôi theo sau, nhìn ông tỉa tót cho những bông hoa theo sở thích của đứa cháu. Ông cười và nói với giọng đầy yêu thương:
- Từ bây giờ, vườn hoa này sẽ là của cháu, nếu cháu thích, ông sẽ tìm trồng thêm rất nhiều loại hoa khác nữa. Đồng ý không?
Tôi mỉm cười khúc khích và gật đầu cảm ơn. Nếu không có ông, tôi không thể tưởng tượng được tuổi thơ mình sẽ bất hạnh biết nhường nào.
Những ngày trời nóng như đổ lửa, ve cứ kêu inh ỏi, tôi nằm võng còn ông thì nằm đất. Chiếc quạt mo cứ đôi lúc lại phe phẩy bởi bàn tay ông cùng lời nói quen thuộc:
Chết nóng chưa? Toát hết mồ hôi rồi đây này!
Ông là người như thế, chỉ biết nghĩ cho người khác mà chả bao giờ lo cho chính mình. Bức tranh tuổi thơ dường như đã gần đến trang cuối. Cuối con đường quen thuộc với ông cháu tôi có trồng hai cây đa, tôi và ông thường ngồi nghỉ mát nơi ấy. Ông hay bảo:
- Cháu thấy không, một cây đa cổ thụ và một cây đa còn xanh non. Nó cũng giống như ông cháu ta vậy.
Ông còn nói thêm vài câu:
- Đời người có sinh - lão - bệnh - tử. Ông không biết được rằng mình còn có thể...
Đến đây, ông lại ngập ngừng không nói nữa, đánh trống lảng sang chuyện khác:
Nắng rồi, ông cháu ta về thôi.
Mãi đến sau này, tôi mới hiểu hết lời ông nói. Hóa ra, sinh - lão - bệnh - tử quả là lẽ thường đời người không thể chạy trốn. Con đường hôm nay đã đẹp hơn, bằng phẳng hơn nhưng không còn ông dắt tay đi cùng nữa. Ông đã để tôi tự bước đi một mình. Hai cây đa giờ cũng chỉ còn lại cây bé hơn, đang dần phát triển xanh tốt. Lúc ấy, tôi cũng ngộ ra một chân lí: "trưởng thành là lúc ta phải chấp nhận đi cùng sự cô đơn".
P.T.T.N