Thứ tư, 25/06/2025

Chùm thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương

Thứ hai, 04/11/2024

Vũ Quần Phương sinh 1940, ông là nhà thơ, nhà phê bình văn học. Ông đã từng là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội, Tổng Biên tập báo Người Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam.

Thơ Vũ Quần Phương sâu lắng, tinh tế, ngôn ngữ thơ mộc mạc nhưng có sức gợi, ngân vang. Hình ảnh mỗi con phố, mỗi làng quê, mỗi con sông, bến nước, sân đình… neo bám vào đời ông đã hóa tâm hồn theo mỗi bước thơ ông. Ông là thơ và thơ cũng là ông lấp lánh phù sa dọc hành trình về nguồn cội. Thơ ông đã góp phần làm giầu thêm cho bản sắc văn hóa Việt… Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình trân trọng giới thiệu chùm thơ mới của ông.

 

Chè sen

Hoa khâm niệm cho chè bằng chính thân hoa

chôn những sợi móc câu vào tầng tầng hương ngát

sương đêm ngoài kia - nước mắt

khóc cho hoa

hay khóc cho chè.

 

Chẳng khóc cho hoa, cũng chẳng khóc cho chè

sương bận việc của sương: về đất

rồi sương lại hòa vào đầm nước

lại đón hương và sắc

những mùa sen sau.

 

Tôi nâng chén chè sen ngạt ngào hương mùa hạ

tôi uống chè hay sen

không biết

chỉ biết rằng hoa thác

thì chè thành hương bay.

 

Mùa hoa bưởi

Cây bưởi vào xuân, hoa bưởi thơm

Kiến xếp hàng đôi đi rước hương

Hai con khênh một sợi tơ mật

Ong lượn xung quanh rộn cả vườn.

 

Hương bưởi làm say các ngõ quê

Cỏ gà cỏ mật xóm đường đê

Nửa đêm thức giấc nghe trong lá:

Men của mùa xuân đã rót về.

 

Vườn tược ao chuôm với cửa nhà

Rì rầm trò chuyện với đêm hoa

Mái đình thơm ngói thì tâm sự

Với một nguồn hương xa, tít xa.

 

Thơ

Đấy là nơi mình tìm mình để hỏi

để gọi và để thưa

để biết rằng mình thừa

vì thiếu

và chính mình bị thiếu

vì dư

thiếu một chút tài năng và dư nhiều vô vị

chỉ lòng yêu chẳng thiếu cũng không thừa.

 

Đấy là nơi ta gửi ta mỗi sớm 

mỗi đêm khuya chuyện với ngọn đèn

với máy tính, ngập ngừng nhịp gõ

nhịp mạch vành trăn trở với con tim.

 

Đôi khi lắng nghe tim mình vào chữ

chữ trông nhà cho tim đi chơi

tim phiêu lãng thì chữ làm ngưỡng cửa

gọi ta về, ngồi lại, nhớ xa xôi.

 

Ngồi rồi đứng… thế là thành ông cụ

hai ông cụ hay hai đứa trẻ

ai bây giờ và ai ngày xưa

ta muốn hỏi lại im, không hỏi

hỏi và im

im

hỏi

phía nào thơ?

(Nguồn: TC VNNB 297-9/2024)

 

 

 

Bài viết khác