Thứ sáu, 13/09/2024

Hội thảo khoa học “Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương”"

Thứ hai, 27/11/2023

MINH DƯƠNG

Ngày 25/8, tại thành phố Ninh Bình đã long trọng diễn ra Hội thảo khoa học: “Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương” do Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức. Đồng chủ trì hội thảo có PGS, TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình và Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Đến dự Hội thảo có các đại biểu Trung ương, ban, bộ, ngành và các tỉnh bạn: PGS,TS. Thượng tướng Bùi Văn Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Nguyễn Văn Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học có tham luận tại Hội thảo; đại diện các tỉnh, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Tĩnh.

Về phía tỉnh Ninh Bình, có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; TS. Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, đồng Trưởng ban tổ chức Hội thảo; các đồng chí Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh...

Hội thảo nhằm đánh giá, định dạng, xác định các giá trị bản sắc của Ninh Bình làm cơ sở cho lựa chọn, quy chuẩn hóa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, thương hiệu mang giá trị độc đáo, khác biệt của địa phương có tầm ảnh hưởng vùng, quốc gia, quốc tế; xây dựng thương hiệu địa phương, nâng tầm vị thế và giá trị tổng hợp của vùng đất, văn hóa - lịch sử, con người Ninh Bình; nghiên cứu đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh trong bối cảnh mới.

Tại phiên khai mạc, TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo nêu rõ: Hội thảo khoa học "Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương" diễn ra trong 1 ngày với 3 phiên tham luận chuyên đề: Phiên 1 báo cáo chung và báo cáo chuyên đề; Phiên 2 cáo cáo bổ sung; Phiên 3 báo cáo những khía cạnh chuyên biệt và trao đổi, thảo luận bàn tròn giữa lãnh đạo địa phương - chuyên gia, nhà khoa học - doanh nghiệp… về các vấn đề liên quan để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Ninh Bình, nhằm xây dựng chiến lược thương hiệu mới cho tỉnh Ninh Bình là trở thành đô thị đáng sống, đáng làm ăn và yên tâm đầu tư. Đề nghị, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, cho ý kiến chuyên sâu về tuyến vấn đề có tính trọng tâm gồm: Các luận cứ khoa học và thực tiễn nhằm nhận diện, định dạng cụ thể giá trị bản sắc mang tính đặc thù, nổi trội, lợi thế riêng có của tỉnh; trao đổi, thảo luận về việc xây dựng, quảng bá thương hiệu dựa trên giá trị bản sắc di sản văn hóa và thiên nhiên tỉnh Ninh Bình sau 30 năm tái lập tỉnh; làm thế nào để tạo được nguồn vốn bền vững cho bảo tồn các giá trị bản sắc di sản; đưa ra vấn đề gợi mở để địa phương giải được bài toán hài hòa giữa câu chuyện bảo tồn và phát triển; đánh giá bối cảnh quốc tế, tình hình trong nước, tình hình phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ tác động tới Ninh Bình, cả những thách thức và "thời cơ vàng" cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

TS. Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã có bài  báo cáo trung tâm định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương sâu sắc và cô đọng: Ninh Bình là tỉnh có vị trí địa lý quan trọng, chiến lược, với lợi thế cạnh tranh riêng có của khu vực Đồng bằng sông Hồng, những giá trị nổi bật về di sản và thiên nhiên thế giới, bề dày lịch sử truyền thống văn hóa, kết quả thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Thương hiệu mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho địa phương và công dân của địa phương mà còn cho các bên liên quan. Vì vậy, chính quyền địa phương, tổ chức và người dân cần nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu điểm đến, khai thác điểm mạnh, có chiến lược phát triển thích hợp nhằm nâng cao vị thế của địa phương trong lòng công chúng trong và ngoài nước. TS. Phạm Quang Ngọc đưa ra một số nội dung để các bộ, ngành Trung ương, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng nhau thảo luận, thống nhất, đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù góp phần thực hiện mục tiêu nhanh, bền vững của tỉnh Ninh Bình trong bối cảnh mới như: Cần xác định vấn đề và đổi mới cách tư duy về bảo tồn và phát triển di sản địa phương; xây dựng Chiến lược marketing địa phương gắn với định vị mới về Ninh Bình; xây dựng đô thị di sản gắn với đô thị 4.0; xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và đổi mới phương thức huy động, phân bổ nguồn lực.

Hội thảo nhận được gần 50 bài tham luận của chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, giảng viên ở Trung ương và địa phương, học giả quốc tế, doanh nghiệp, lãnh đạo các tỉnh lân cận với Ninh Bình. Các tham luận đều có có chất lượng, chiều sâu với nhiều góc nhìn, chiều cạnh tiếp cận nghiên cứu đa ngành, liên ngành khác nhau về định dạng bản sắc và thương hiệu địa phương, như: Lịch sử, Khảo cổ, Văn hóa, Bảo tồn, Di sản học, Kinh tế, Chính sách, Công nghiệp văn hóa, Kiến trúc, Du lịch, Tài nguyên - môi trường… nhằm nhận diện, đánh giá một cách toàn diện, chuyên sâu, khách quan, khoa học về định dạng rõ các giá trị bản sắc của tỉnh Ninh Bình trong việc xây dựng các thương hiệu địa phương, nhằm góp phần định dạng rõ các giá trị bản sắc của địa phương trong quá khứ, hiện tại và định vị tương lai.

Tại phiên thứ nhất phần báo cáo chung và báo cáo chuyên đề. Hội thảo đã được nghe các tham luận được trình bày với các chủ đề: 1. Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương; 2. Góp phần định vị bản sắc văn hóa Ninh Bình từ phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển bền vững; 3. Giá trị các địa danh, danh nhân lịch sử, lễ hội trong xây dựng thương hiệu địa phương tỉnh Ninh Bình; 4. Mô hình giá trị bản sắc cho thương hiệu tỉnh Ninh Bình.

Tại phiên thứ hai phần báo cáo bổ sung, các đại biểu, nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận bàn tròn với các nội dung: 1. Giá trị văn hóa - lịch sử cố đô Hoa Lư với việc xây dựng thương hiệu địa phương; 2. Giá trị sinh thái của Ninh Bình trong xây dựng thương hiệu địa phương, phân tích trường hợp Khu du lịch sinh thái Tràng An, rừng quốc gia Cúc Phương, khu đất ngập nước Vân Long và rừng ngập mặn Kim Sơn; 3. Phát huy giá trị thương hiệu Di sản Văn hóa ở tỉnh Ninh Bình theo hướng bền vững trong bối cảnh mới; 4. Định hướng đột phá phát triển tỉnh Ninh Bình dựa trên các giá trị bản sắc địa phương; 5. Giá trị thương hiệu Ninh Bình nhìn từ mối tương giao giữa Hoa Lư - Ninh Bình và Thăng Long - Hà Nội; 6. Chiến lược Maketting địa phương nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình.

Tại phiên thứ ba, đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành Hội thảo: Báo cáo những khía cạnh chuyên biệt. Các nhà khoa học, doanh nghiệp đã tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung: 1. Chiến lược phát triển thương hiệu tỉnh Ninh Bình và định hướng giải pháp thực hiện; 2. Thúc đẩy các thiết chế văn hóa hiện đại, đặc sắc, tạo điểm nhấn trong kiến trúc đô thị di sản gắn với xây dựng thương hiệu địa phương; 3. Xây dựng các thương hiệu du lịch mang đẳng cấp quốc tế Ninh Bình; 4. Triết lý phát triển, Slogan và các biểu tượng gắn với thúc đẩy chiến lược truyền thông trong xây dựng thương hiệu, hàm ý chính sách; 5. Xây dựng thương hiệu ngành công nghiệp ô tô tỉnh Ninh Bình, kinh nghiệm của Tập đoàn Thành Công; 6. Vai trò của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong xây dựng thương hiệu du lịch địa phương - Thực tiễn khu du lịch Tràng An.

Tại buổi trao đổi, thảo luận bàn tròn về các chủ đề: Tìm các giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy giá trị bản sắc văn hóa; Phân tích, đánh giá và làm rõ thêm định vị tọa độ phát triển tỉnh Ninh Bình trong quy hoạch địa phương với những yếu tố có tính thời đại; Giải pháp đột phá để Ninh Bình phát huy tốt nguồn lực văn hóa cho phát triển bền vững;…

Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, tính khoa học cao, các tham luận đã góp phần định dạng rõ Ninh Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt; có sự đa dạng về giá trị và bản sắc của địa phương ở dưới nhiều khía cạnh khác nhau từ bản sắc văn hóa, giá trị các địa danh, danh nhân lịch sử, lễ hội đến các giá trị văn hóa phi vật thể: văn học, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, truyền thống ẩm thực,….

Đồng thời định dạng bản sắc giá trị lịch sử nổi trội của Ninh Bình; thẳng thắn chỉ ra hạn chế, bất cập của việc xây dựng thương hiệu dựa trên các giá trị bản sắc địa phương của tỉnh Ninh Bình. Gợi mở hướng đi để Ninh Bình xây dựng các thương hiệu địa phương dựa trên các giá trị di sản đặc sắc, riêng có trong bối cảnh hiện nay; Xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành mẫu hình tiêu biểu của Đồng bằng sông Hồng và cả nước về ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc nổi bật của Ninh Bình; Giải pháp để Ninh Bình vừa bảo tồn vừa phát huy các giá trị bản sắc di sản văn hóa cho phát triển du lịch và gợi mở về xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Ninh Bình...

 

Đồng chí Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo      Ảnh của THÀNH TRUNG

Với mục tiêu và định hướng phát triển trong tương lai, tỉnh Ninh Bình cần định vị một tầm nhìn mới, vị thế phát triển mới, hình ảnh mới cho giai đoạn chuyển mình sắp tới để tăng tốc thu hút đầu tư, tạo nguồn lực cho phát triển.

Do đó, để giải phóng được hết các giá trị bản sắc địa phương trở thành nguồn lực, nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và tận dụng được những yếu tố mang tính thời cơ của bối cảnh mới mang lại. Trên cơ sở các bài tham luận khoa học và các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, Ban Tổ chức sẽ chắt lọc các ý kiến đóng góp tại Hội thảo khoa học, để có báo cáo kiến nghị chính sách về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để phát triển Ninh Bình; chắt lọc để xây dựng Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Xây dựng thương hiệu địa phương tỉnh Ninh Bình”.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Hội thảo trân trọng cảm ơn lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã về dự và đem đến cho Hội thảo sự quan tâm đặc biệt, góp phần vào thành công của Hội thảo. Đặc biệt, trân trọng cảm ơn Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Kinh tế Việt Nam và các đơn vị khác thuộc Viện Hàn lâm đã phối hợp chặt chẽ và đồng hành cùng tỉnh Ninh Bình trong suốt quá trình chuẩn bị, tổ chức Hội thảo để có được một Hội thảo ý nghĩa, hiệu quả và thành công. Trong 50 báo cáo tham luận, có 42 báo cáo tham luận của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, các tỉnh bạn, 8 báo cáo tham luận của các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý tỉnh Ninh Bình. Các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Ninh Bình, để địa phương thực hiện sứ mệnh gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, di sản nhân loại. Đặc biệt, cần có định hướng chiến lược trong việc hình thành đô thị di sản - Cố đô gắn với đô thị thông minh cho tỉnh Ninh Bình.

Tỉnh Ninh Bình trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp. Sau Hội thảo, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu làm cơ sở cho định dạng bản sắc Ninh Bình và xây dựng thương hiệu địa phương mang giá trị độc đáo, khác biệt, có tầm ảnh hưởng vùng, quốc gia và quốc tế nhằm nâng tầm vị thế và giá trị tổng hợp của vùng đất linh thiêng với bề dày lịch sử văn hóa ngàn năm. Đồng thời, đề xuất với cấp có thẩm quyền xây dựng hành lang pháp lý vững chắc để Ninh Bình có sự phát triển mang tính bứt phá, đi lên từ văn hóa, từ di sản, từ định hướng chiến lược đặc sắc với hai trọng tâm phát triển để trở thành trung tâm du lịch, trung tâm công nghiệp ô tô của quốc gia và khu vực. Trong đó, xây dựng Ninh Bình trở thành một đô thị mang tính đặc trưng "Đô thị di sản - Cố đô" là nội dung mang tính trọng tâm. Trên các kết quả thu được, Ban tổ chức Hội thảo sẽ báo cáo, tham mưu để UBND tỉnh, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch cho việc định dạng bản sắc gắn với xây dựng thương hiệu Ninh Bình để triển khai thực hiện.

                                                                                                                                                                                                                       M.D

                                                                                                                                                                                            (Nguồn: TC VNNB 285-10/2023)

 

Bài viết khác