Thứ bảy, 21/09/2024

Hội thảo khoa học “Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay; góp phần chấn hưng và phát triển văn hoá, văn nghệ của đất nước”

Thứ tư, 18/10/2023

MAI HƯƠNG

Sáng 17/10, tại quận Ba Đình (Hà Nội), Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay; góp phần chấn hưng và phát triển văn hoá, văn nghệ của đất nước”.

Chủ trì Hội thảo có GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng; PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Văn học nghệ thuật Việt Nam - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng. Tham dự Hội thảo có các đồng chí là thành viên Hội đồng nghệ thuật, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, lãnh đạo các Hội chuyên ngành trung ương, lãnh đạo các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, các tác giả, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận, nghệ sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, phóng viên các cơ quan báo chí.


GS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu đề dẫn Hội thảo.  
                                                                                                                                                                                Ảnh của
MINH TUYỀN

PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trong bài phát biểu đề dẫn Hội thảo đã nhấn mạnh: Quán triệt sâu sắc tư tưởng văn hóa, văn nghệ Hồ Chí Minh; các Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam những năm gần đây và căn cứ vào thực trạng, thực tiễn đời sống văn hoá, văn nghệ của đất nước hiện nay nhất là quán triệt ý kiến phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội thảo của chúng ta cần trả lời câu hỏi “Vì sao văn học, nghệ thuật Việt Nam tuy đã có thành tựu rất đáng ghi nhận, biểu dương, nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn còn ít tác phẩm đỉnh cao, ít văn nghệ sĩ lớn, có tầm cỡ như những giai đoạn trước kia?” Để trả lời câu hỏi nghiêm túc nói trên, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo cần nhìn nhận một cách đồng bộ các phương diện và cần làm rõ 3 yếu tố cơ bản góp phần làm nên những tác phẩm hay, đáp ứng kỳ vọng của công chúng yêu văn học nghệ thuật:

Thứ nhất, về yếu tố tài năng: Trước hết cần phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện tốt nhất cho tài năng phát triển. Kiên trì lý tưởng nghệ thuật vị nhân sinh cao cả; nuôi dưỡng bền bỉ những khát vọng lớn lao để tài năng cống hiến không mệt mỏi cho dân tộc và đất nước; rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất ; lao động nghệ thuật tận hiến để trở thành những văn nghệ sĩ trí thức, công dân ưu tú, có thêm được nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thật, sâu sắc, toàn diện hiện thực của đất nước, soi chiếu tâm hồn, tính cách tốt đẹp của con người Việt Nam, góp phần bồi đắp nền tảng tinh thần của xã hội, củng cố niềm tin vững chắc vào sự nghiệp Cách mạng của Đảng, chấn hưng sự nghiệp văn hóa, văn nghệ.

Thứ hai, tác phẩm hay là do con người - văn nghệ sĩ sáng tạo ra. Người nghệ sĩ vững tin vào trí lực và bút lực của mình.

Thứ ba, cần đề xuất những giải pháp hữu hiệu về kiện toàn tổ chức Hội Liên hiệp cùng với các tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương, với tư cách là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; đào tạo cán bộ quản lý Hội văn nghệ đáp ứng những đòi hỏi cao về phẩm chất và năng lực chuyên môn, năng lực quản lý; chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng thế hệ văn nghệ sĩ trẻ thành nguồn cán bộ đủ sức đảm đương kế tục và phát triển sự nghiệp; hoàn thiện các chế độ, chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ, tôn vinh lao động nghệ thuật đích thực, đề cao những tác phẩm công phu, tâm huyết, tài năng; kiến tạo môi trường xã hội, văn hóa thuận lợi đê văn nghệ sĩ sáng tạo.


Toàn cảnh Hội thảo                                                                                                                                                       Ảnh của
MINH TUYỀN

Hội thảo đã thu hút được 32 bài tham luận và nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo của các nhà lý luận phê bình, các văn nghệ sĩ. Nhìn chung, các ý kiến tham luận  tâm huyết, trăn trở,  sôi nổi, sâu sắc, thảo luận về mọi khía cạnh của văn học nghệ thuật, những hạn chế, trì trệ của văn học nghệ thuật, đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy văn học, nghệ thuật phát triển với một khởi sắc mới.

Nhà văn Lê Hoài Nam, hội viên Hội nhà Văn Việt Nam đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề “Chấn hưng văn học như thế nào?” . Ông cho rằng, đây là một công việc lớn, rất lớn, một mình Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam không thể kham nổi mà cần phải có sự tham vấn từ những chuyên gia giỏi; họ không những chỉ có bằng cấp danh giá mà còn có sự hiểu biết sâu rộng trong giới văn chương, thậm chí họ hiểu khuynh hướng và tác phẩm của từng nhà văn; họ không chỉ có tài mà còn có cái tâm trong sáng, khách quan, một lòng một dạ với đất nước, với nhân dân, với thế hệ trẻ và  các cơ quan cấp trên và các bộ, ngành có liên quan.  Trong lĩnh vực văn học,  để có một tác phẩm hay các nhà văn nếu đã coi văn chương là cái nghiệp của đời mình thì không hẳn cứ phải chờ đợi đến cái lúc công chúng trống giong cờ mở chào đón chúng ta mới nhiệt thành sáng tác.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam lập luận nội dung “chấn hưng” vì thực trạng văn học nghệ thuật của Việt Nam sau hơn 30 năm đổi mới vẫn còn thiếu tác phẩm tầm cỡ, phản ánh sinh động công cuộc đổi mới của đất nước và hiện nay văn học nghệ thuật đang sa sút, xuống cấp ở mặt này mặt khác. Tiếp tục đổi mới để có tác phẩm hay trở thành nội dung trung tâm để thực hiện nghị quyết trên, cũng là triển khai ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 năm 2022.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, văn học nghệ thuật có quan hệ với kinh tế nhưng không phụ thuộc vào kinh tế. Sau 30 năm đổi mới, đời sống đi lên nhưng văn học nghệ thuật cần phải chấn hưng. Ở mặt nào đó, văn học nghệ thuật phát triển chưa đồng thuận với kinh tế. Trước sức ép về mặt kinh tế, chúng ta vội vã tinh giảm biên chế, rồi gán ghép các bộ môn, thể loại vào một trung tâm mà không có cái gì chuyên sâu cả, làm phương hại đến tư tưởng chỉ đạo nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (tức khắc phục nghiệp dư hóa). Đã nghiệp dư hóa thì làm sao có tác phẩm hay được". Chúng ta nên suy nghĩ lại phương thức này đã thực sự tối ưu chưa.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, đã đề xuất một số giải pháp góp phần tháo gỡ những vấn đề liên quan đến việc đổi mới, sáng tạo ra tác phẩm hay: cần có những quy hoạch riêng, cuộc họp riêng để giao trách nhiệm cho những thế hệ viết sau chiến tranh, để nhắc nhở họ đã đến lúc họ cần sáng tạo nên những tác phẩm để đời; phải có sự đầu tư, sự gắn kết văn nghệ sĩ với đời sống, phải tạo điều kiện cho họ có những bám sát lâu dài, tích luỹ, trải nghiệm cuộc sống; cần cải tiến phong cách làm việc, mối liên hệ giữa các nhà xuất bản với tác giả và giữa nhà xuất bản với đơn vị quản lý xuất bản để các tác phẩm được ra đời một cách trọn vẹn nhất.

Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Viêtn Nam, Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam nêu một sô vấn đề: Sáng tác bằng tiếng dân tộc theiẻu số - một thành tố góp phần chấn hưng và phát triển sự nghiệp văn hoá, văn học nghệ thuật của đất nước.

Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nêu ra giải pháp hướng tới tác phẩm để đời. Một tác phẩm để đời chắc chắn phải hay với nhiều người ở các lứa tuổi khác nhau, với nhiều tộc người ở các thời đại khác nhau. Đó phải là tác phẩm có tính nhân văn về nội dung và giá trị nghệ thuật trong biểu hiện. Những kiệt tác của nhân loại xưa nay ít nhiều đều như thế. Sở hữu tác phẩm nhân văn và giá trị nghệ thuật cao là ước ao không chỉ của cá thể sáng tạo, mà còn của cả quốc gia, cả dân tộc. Những nhà quản lý cũng cần thấu hiểu vai trò và giá trị của văn học nghệ thuật, thấu hiểu những trăn trở của nghệ sĩ, sẵn lòng đồng hành cùng nghệ sĩ.

Nhà thơ Vũ Quần Phương chỉ ra lý do vì sao đánh giá tình hình văn học nghệ thuật hiện nay vẫn chưa có một sự thống nhất  là vì nền văn học nghệ thuật của ta không phải không có những tác phẩm hay nhưng dường như giờ đây, chúng ta thiếu sự bình tĩnh để đọc, để nghe, để xem. Trước thực tại đồng tiền len lỏi vào các ngóc ngách của đời sống, len vào cả văn hóa nghệ thuật; người dân mong Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có sức khỏe để tiếp tục công cuộc chống tham nhũng. Văn nghệ sĩ chọn mổ xẻ hay lờ đi? Văn nghệ sĩ chỉ trở thành văn nghệ sĩ khi có công chúng. Văn nghệ sĩ phải nâng cao thẩm mỹ như thế nào để bắt kịp với trí tuệ, với sự mong mỏi của nhân dân.

NSND Trần Quốc Chiêm đã nêu ra một số giải pháp nhằm chấn hưng sự nghiệp văn hoá, văn nghệ của đất nước, trong đó có nội dung góp ý xây dựng hệ thống đánh giá khoa học về chất lượng tác phẩm văn hóa và có cơ chế khích lệ, động viên kịp thời những tác phẩm xuất sắc.

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái nêu ra cách tốt nhất của việc chấn hưng và đổi mới trong lĩnh vực sân khấu trước vấn đề đi tìm khán giả đã mất là giữ vững tính chuyên nghiệp của người sân khấu, của nghề sân khấu trong tinh thần đối thoại thế sự - nghệ thuật với người xem, mà chỉ có nghệ thuật sân khấu mới có được trong tính đặc thù của mình..

Nhà văn Phùng Văn Khai, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội quan tâm tới vấn đề “Tiểu thuyết lịch sử trong xây dựng  hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại.

PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Tự do sáng tạo để có tác phẩm hay, xứng đáng và trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ. Trong lĩnh vực điện ảnh thì phim hay phải là phim thu hút khán giả, phim hay phải là phim làm cho khán giả sống đẹp hơn. Để có được tác phẩm hay, xứng đáng, tác giả - chủ thể sáng tạo phải luôn đổi mới chính mình từ tư duy, đến dám nghĩ, dám làm, dám đối diện với muôn vàn khó khăn kể cả thất bại cay đắng. Song, bên cạnh sự chi phối của những điều kiện vật chất cần và đủ, thì sự khoáng đạt của chân trời tự do - tự do sáng tác là mảnh đất ươm trồng những tác phẩm hay, xứng đáng.

Hội thảo tiếp tục mổ sẻ nhiều lĩnh vực như: PGS. TS. Trần Trí Trắc, Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nêu rõ giải pháp cần tiếp tục đổi mới để chấn hưng sự nghiệp nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay. TS. NSND Phạm Anh phương, Chủ tịch Hội nghệ sĩ múa Việt Nam luận bàn thêm về tác phẩm múa đỉnh cao, mối quan hệ và sự tương tác. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Kim Khoa trao đổi về loại hình ảnh báo chí trong tư thế độc lập. Nhà văn Niê Thanh Mai, chủ tịch Hội VHNT Đắk Lăk trao đổi thêm về giải pháp đổi mới hoạt động các trại sáng tác Tây Nguyên để hướng tới tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng và chiều sâu.

TS. KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu ra giải pháp tạo động lực bền vững cho sáng tạo tác phẩm VHNT góp phần phát triển công nghiệp hoá đất nước. Nhà thơ Bùi Việt Mỹ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà văn Hà Nội nhấn mạnh nội dung tăng cường hệ giá trị trong sáng tác văn học hiện nay.

Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh: Đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật thời kỳ mới cần có chính sách đầu tư tạo động lực.


GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng phát biểu kết luận Hội thảo            Ảnh của MINH TUYỀN

Sắp tới là kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, đây là dịp để liên hiệp đánh giá lại công tác của liên hiệp đã đạt được gì và chưa đạt được gì. Để có thể tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay, góp phần chấn hưng văn hóa, văn nghệ của đất nước, thì việc chỉ ra những điểm yếu và tìm cách khắc phục trong thời gian tới là việc làm hết sức cần thiết".

Kết luận Hội thảo, GS.TS.Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nhấn mạnh các giải pháp Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam  chấn hưng sự nghiệp văn hoá, văn học nghệ thuật trong thời gian tới.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” - câu nói của Thân Nhân Trung thế hiện chân lý vĩnh cửu của mọi thời đại và quốc gia trên thế giới. Trong bất cứ một xã hội, một đất nước nào trên trái đất này, trí thức, văn nghệ sĩ đều là những tinh hoa làm nên bộ mặt khoa học và văn hóa của một nước. Tất nhiên họ là kết quả của sự hun đúc từ đông đảo tầng lớp nhân dân của một quốc gia, là đại diện cho mọi người dân nước đó. Họ là những người con của nhân dân, cơm họ ăn, áo họ mặc đều từ nhân dân mà ra, vì thế nghĩa vụ cao cả của họ là phục vụ nhân dân. Song cũng từ tài năng và sự nhạy cảm của họ nên không tránh khỏi có lúc này, lúc nọ họ thể hiện sự ngạo mạn hay kiêu ngạo làm tổn hại đến thanh danh của mình và làm những người xung quanh khó chịu. Vì thế, vấn đề của những người quản lý, sử dụng là làm sao biết khai thác điểm hay của họ mà gạt đi những điểm dở để có ích cho đất nước.

Ở góc độ quản lý, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là nơi tập hợp những văn nghệ sĩ trí thức của rất nhiều lĩnh vực thông qua các hội chuyên ngành của mình. Khác với tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức chuyên nghiệp hay tổ chức xã hội là các hội chuyên ngành tại đây tập hợp cả những văn nghệ sĩ trí thức đã nghỉ hưu, những người không thuộc diện biên chế nhà nước, những người hoạt động tự do và một số thành phần khác... Họ có thể là những người được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, đồng thời lại có những người làm nghề tay trái hay chỉ có năng khiếu nhất định. Nói như vậy để thấy sự phức tạp và khó khăn cho người quản lý. Với một tổ chức để tập hợp một thành phần đông đảo như vậy, để thấy tầm ảnh hưởng cũng như sự bao quát của Liên hiệp có quy mô như thế nào. Vì thế, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thực sự là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, một lĩnh vực hết sức nhạy cảm và tế nhị. Do vậy, Liên hiệp cũng là nơi có thể giúp đỡ, tạo điều kiện để cho các văn nghệ sĩ, trí thức phát huy được sự sáng tạo rất tốt. Thông qua đó, Đảng và Nhà nước cũng có thể nắm bắt, tạo điều kiện hay chuyển tải những yêu cầu, mong muốn của mình trong lĩnh vực này. Cụ thể là thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng thông qua việc nắm bắt, quản lý đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức một cách rất văn hóa bằng các hoạt động sáng tạo văn hóa, nghệ thuật do đội ngũ này thực hiện. Bởi vậy, để chân hưng văn hóa của đất nước thì việc “chấn hưng” đội ngũ này thông qua các tổ chức mà họ là thành viên, là điều cần được quan tâm. Chúng ta sắp bước vào kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, một lần nữa đây sẽ là dịp để chúng ta nhìn nhận lại những vấn đề đó một cách nghiêm túc nhất. Để thực hiện tốt được những mục đích đó trong thời gian tới:

 Trước hết là công tác củng cố tổ chức từ Liên hiệp Hội Trung ương là cơ quan cao nhất cho đến các hội chuyên ngành và các Hội VHNT địa phương.

Cần có một cuộc đánh giá lại thật sự khoa học công tác Liên hiệp từ khi đất nước thống nhất đã đạt được gì và chưa đạt được gì, đặc biệt là cái gì đã cản trở sự phát triển của Liên hiệp? Cuộc đánh giá này cần được thực hiện nghiêm túc, khoa học và thực sự cầu thị để tìm ra những mặt thiếu sót, cần phải nhìn nhận thực tế những vấn đề gì đang còn tồn tại trong hoạt động của Liên hiệp và các hội chuyên ngành, có như vậy mới tìm ra những nguyên nhân hướng tới sự phát triển.   Để từ đó tìm ra những phương hướng có thể tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay, xứng đáng góp phần vào việc chấn hưng sự nghiệp văn hóa văn nghệ của gian tới là việc làm hết sức cần thiết.

Liên hiệp cần quan tâm hoạt động quan hệ quốc tế. Ngày nay, công việc  này cần được củng cố với mục đích giao lưu, học hỏi và hợp tác vì sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà. Bên cạnh kênh chính thống của nhà nước, thì Liên hiệp với tư cách là hội nghề nghiệp có thể tranh thủ được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các nhà văn hóa, các nghệ sĩ nổi tiếng cả về vật chất và tinh thần cho công việc của mình.

Thông qua các mối quan hệ quốc tế này để đẩy mạnh và cần có chiến lược đào tạo đội ngũ sáng tác, lý luận, phê bình trong tất cả mọi chuyên ngành của Liên hiệp theo con đường phi chính thống. Đó là việc đào tạo nhiều hướng từ nhà nước, tự thân, tư nhân và các doanh nghiệp các tổ chức xã hội. Bên cạnh sự đào tạo của các cơ quan nhà nước thông qua các trường đại học, các viện nghiên cứu, thì con đường mà Liên hiệp có thể khai thác bằng những sự hợp tác của các tổ chức nghề nghiệp trên thế giới.

Nhà nước cần có sự ưu tiên, bao cấp của nhà nước đào tạo những chuyên gia, những nghệ sĩ trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật truyền thống để giữ gìn văn hóa dân tộc. Với tư cách là một tổ chức nghề nghiệp, Liên hiệp có thể tham gia tích cực vào công việc này vì sự nghiệp phát triển văn hóa của dân tộc.

Một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Liên hiệp được Đảng, Nhà nước giao phó là sự tập hợp, hòa giải với tất cả các văn nghệ sĩ, trí thức ở khắp nơi trên thế giới vì sự đoàn kết và phát triển của đất nước. Đồng thời là sự vận động các văn nghệ sĩ trí thức ngay tại trong nước trước những sự tác động của mạng xã hội, những tình hình phức tạp của tham nhũng, tiêu cực và cuộc đấu tranh giữa các thế lực trên thế giới, nhiều luồng tư tưởng, trường phái khác. Tất cả những điều đó đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của văn nghệ sĩ, trí thức trong nước, làm  cho họ hoang mang, lo lắng và có thể mất phương hướng, nghiêng ngả... Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam chính là một nơi để tập hợp, giúp đỡ cho các văn nghệ sĩ, trí thức thể hiện những tư tưởng của mình, trao đổi thảo luận, chia sẻ để tránh tạo nên những bức xúc dẫn đến những hành động không đúng đắn.

Con đường phía trước còn dài, công việc trước mắt còn nhiều và nặng nề đòi hỏi trí tuệ và sự hiểu biết cũng như sự đoàn kết, cố gắng của tất cả chúng ta vì một nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như mong muốn của Hồ Chủ tịch.

M.H

 

 

Bài viết khác