Thứ sáu, 13/09/2024

Sáng tác Văn học trẻ từ thảo nguyên Mộc Châu về đại ngàn Cúc Phương

Thứ tư, 28/09/2022

NINH ĐỨC HẬU 

Covid-19 hung dữ là thế, hoành hành là thế, rồi cũng bị con người khống chế. Sau 2 năm không thể tổ chức vì đại dịch, năm nay Trại sáng tác Văn học Trẻ Ninh Bình lại tiếp tục được thực hiện là một hoạt động được tổ chức thường niên trong gần ba mươi năm qua.

Được sự quan tâm của Thường trực Hội, Trại Sáng tác Văn học Trẻ Ninh Bình năm 2022 được tổ chức theo hai hình thức: Đi thực tế tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La và “đóng quân” sáng tác tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Trại sáng tác Trẻ năm nay mời 26 tác giả, thuộc 3 đối tượng: Các cháu thiếu nhi có năng khiếu sáng tác thơ văn, các tác giả trẻ là cộng tác viên Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, các tác giả trẻ là hội viên có sáng tác cho thiếu nhi.

Sáng ngày 22 tháng 7, tại Văn phòng Hội, Lễ khai mạc trại sáng tác đã được long trọng tổ chức. Nhà thơ, NSNA Bình Nguyên, Chủ tịch Hội, 2 đồng chí Phó Chủ tịch Hội: NSNA Phạm Tuấn Phương và Nhà văn, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình Phạm Thị Duyên tới dự và chỉ đạo Trại sáng tác. Trong phát biểu khai mạc, Nhà thơ, NSNA Bình Nguyên nhấn mạnh: “Phát hiện, đào tạo, khích lệ các tài năng văn học trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội. Trại sáng tác là nơi trao đổi, học hỏi và tạo nguồn cảm xúc cho các tác giả. Hội tạo điều kiện tốt nhất cho trại sáng tác trẻ thành công, có được thu hoạch tốt, đó là những tác phẩm văn thơ có giá trị nội dung và nghệ thuật…”. Cháu Phạm Thu Hà đại diện cho các cháu thiếu nhi phát biểu cảm tưởng, hứa với các cô chú lãnh đạo Hội, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của trại, và cố gắng có những tác phẩm hay. Thay mặt Ban Văn học trẻ, nhà thơ Thanh Thản, điểm lại thành tích gần 30 năm qua Ban Văn học trẻ đạt được qua các kỳ mở trại sáng tác, đó là những tác phẩm, những tác giả đã thành danh trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Ngay sau lễ khai mạc, các thành viên dự trại lên đường đi thực tế tại cao nguyên Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Cao nguyên có độ cao 1050m so với mực nước biển, mang đặc trưng của khí hậu cận ôn đới, đất đai mầu mỡ phì nhiêu, thuận lợi cho phát triển cây chè, cây ăn quả và chăn nuôi bò sữa. Phần lớn các tác giả lần đầu đến Mộc Châu, nên không khỏi thốt lên những lời cảm kích, thán phục vì không khí trong lành mát mẻ, giữa mùa hè nóng bỏng mà nơi đây chẳng khác nào mùa xuân vậy. Đi thăm đồi chè, được tìm hiểu về công việc hái chè của công nhân, được sự đón tiếp chân thành và nồng hậu của người dân cao nguyên, cháu Lê Tiểu My viết: “… Núi trùng điệp núi/ Xanh biếc một màu/ Biển chè tít tắp/ Sóng vờn chân mây…/ Tình người Tây Bắc/ Trong veo suối nguồn…”. Dưới con mắt của cháu Đặng Nhật Minh, các bé ở Mộc Châu mới dễ thương làm sao “… Vài em bé lon ton/ Hớn hở chạy trên đồi/ Đáng yêu và thân thiện/ Gặp ai cũng vui cười…”. Tác giả trẻ Lường Thị Dung, giáo viên tiểu học, cộng tác viên của Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình có bài thơ “Nhớ Mộc Châu”, có những câu thơ thật da diết: “Ngày ấy anh rời xa Mộc Châu/ Nhớ dáng em gầy như cỏ lau/ Chiếc gùi đeo cả trang sách nhớ/ Gieo ước mơ đầy cho mai sau…”. Dù đã nhiều lần đến Mộc Châu, nhưng lần nào cũng vậy, trước cảnh sắc đồi chè nép dưới những đồi núi trập trùng, ở nhà thơ Thanh Thản, cảm xúc lại được dâng lên và nhà thơ như trở thành một họa sĩ: “… Chang chang nắng trải núi đồi/ Mênh mông đất trải một trời chè xanh/ Thênh thang ngọn gió mát lành/ Đàn bò no cỏ dạo quanh chân đồi…”. Vào thăm một trang trại nuôi bò sữa, tác giả Ninh Đức Hậu có bài thơ “Cô bò sữa ở Mộc Châu”, bài thơ viết cho thiếu nhi thật dễ thương: “Cô bò sữa ở Mộc Châu/ Váy áo giản dị hai mầu trắng đen/ Tung tăng theo nắng thảo nguyên/ Bỏm bà bỏm bẻm cỏ mềm non xanh/ Sương mai nước mát trong lành/ Chắt chiu từng giọt ủ thành sữa thơm/ Ngọt như sữa mẹ nuôi con/ Con thêm vạm vỡ lớn khôn mỗi ngày/ Mộc Châu lồng lộng mây bay/ Có cô bò sữa… bụng đầy sữa tươi/ Cô dành từng giọt sữa vui/ Ngọt thơm đọng lại trên môi bé hồng”.

Ở Mộc Châu các thành viên dự trại còn được đi thực tế ở cửa khẩu Loóng Sập, biên giới Việt Nam - Lào. Tìm hiểu về cột mốc đánh dấu chủ quyền của hai quốc gia. Được nghe kể về đời sống, sinh hoạt văn hóa hay một số phong tục tập quán của nhân dân nơi đây. Chuẩn bị cho chuyến đi này, NSNA Ninh Mạnh Thắng đã có quốc kỳ của hai nước Việt - Lào, tại cột mốc các thành viên dự trại đã giương cao hai lá cờ thân yêu để ghi lại những hình ảnh thiêng liêng và đẹp đẽ.

Đi thăm khu di tích Quốc gia lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, nằm ở vị trí có lẽ là đẹp nhất ở Mộc Châu. Khu di tích được thiết kế độc đáo, ở đây có thể ngắm nhìn được nhiều góc đẹp của thị trấn Mộc Châu. Khu di tích còn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục lịch sử, truyền thống Cách mạng. Là điểm về nguồn đầy ý nghĩa với nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Đang là thời điểm gần đến ngày kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7) các thành viên dự trại đã dâng hương, nghiêng mình kính cẩn nhớ đến anh linh các chiến sĩ trung đoàn 52 đã hy sinh vì Tổ quốc tại Đài tưởng niệm. Mọi người bồi hồi nhớ lại bài thơ Tây Tiến nổi tiếng của nhà thơ Quang Dũng. “… Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm/ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm/ Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành…”. Những câu thơ vừa oai hùng vừa lãng mạn. Khi nghe thuyết minh về những người lính thủa ấy gian nan thiếu thốn và anh dũng hy sinh, nhiều đôi mắt của các thành viên trại viết đã đỏ hoe. Nhà thơ, cô giáo Bùi Thị Nhài xúc động viết vào sổ lưu niệm của di tích: “… Chúng tôi vô cùng kính phục và biết ơn các chiến sỹ Trung đoàn Tây Tiến. Chúng tôi xin dâng nén hương thơm kính lễ các anh hùng liệt sỹ. Chúng tôi xin phát huy truyền thống yêu Tổ quốc của dân tộc Việt Nam.”

 

Bế mạc trại sáng tác tại Vườn Quốc gia Cúc Phương.  Ảnh của ĐỨC HẬU

Sau khi thăm khu du lịch Rừng thông Bản Áng, đoàn văn học trẻ Ninh Bình trở về hồ Mạc, vườn quốc gia Cúc Phương, bắt đầu những ngày cặm cụi bên trang giấy. Những ý tưởng được hình thành từ cảm xúc bây giờ trào dâng hình thành những áng văn thơ. Tác giả trẻ Trần Thị Hoài Thu, hoàn thành tản văn “Người cha”. Văn của Hoài Thu nhẹ nhàng, cách kể chuyện nhỏ nhẹ, hình ảnh người cha được tác giả khắc họa chân thực, mộc mạc, với những chi tiết thật giản dị và tình cảm đã để lại ấn tượng khá sâu đậm trong người đọc. Nếu biết chắt lọc hơn, điều tiết cảm xúc hơn, cô đọng hơn thì sẽ có một tác phẩm hoàn hảo. Hoài Thu còn có những bài thơ tuy chưa độc đáo xong cũng phần nào chứng tỏ được một cây bút đầy triển vọng. Đó là những bài “Thăm vườn chè”, “Thu biên giới”, “Ngỡ mình lỗi hẹn” và bài “Lời tự tình tháng bảy” với những câu thơ khá đẹp: “Tháng bảy ùa về gõ cửa/ Đem nỗi nhớ trải đầy theo con gió/ Chim líu lo lời thương sao chưa ngỏ/ Nắng sánh mật vàng ngọt tựa môi em…”. Tác giả Mai Lệ Hằng, một cộng tác viên quen thuộc với nhiều bài thơ đã được giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, có một chùm thơ 5 bài “Lời chất vấn của thiên thần”, “Lời ru tìm lại”, “Lỡ hẹn Mộc Châu”, “Hát Quốc ca trên sân vận động”, “Mùa hạ”. Thơ Mai Lệ Hằng tương đối chỉn chu và có những phát hiện khá mới mẻ. Đây là khổ thơ mở đầu của bài thơ “Lời chất vấn của thiên thần”: “Thiên thần nhỏ với đôi cánh pha lê/ Thì thầm vào tai người phụ nữ trẻ/ “Tại sao mẹ không cho con được làm người?”/ “Mẹ xin lỗi… con hãy bay về trời/ Nơi ấy không có nước mắt/ Nơi ấy không có đói nghèo chiến tranh và dịch bệnh…/ Thiên thần lắc đầu và buồn bã quay đi…” và vấn đề trong thơ của Lệ Hằng để người đọc thêm nhiều ngẫm ngợi. Đi trại sáng tác lần này tác giả Bùi Hồng với những trăn trở, suy tư, đan xen vào đó là những cảm xúc vừa nồng ấm vừa trầm lắng để nghiền ngẫm khi đọc tập truyện ngắn “Gió thổi trước hiên nhà” của Mai Hồng Quế. Viết phê bình tập truyện ngắn đầy ấn tượng với những đề tài phong phú, cốt truyện hấp dẫn, nhân vật nhiều cá tính, đầy ắp các chi tiết và văn phong vừa mạnh mẽ lại vừa nữ tính của một cây bút trẻ quả thật không hề dễ dàng gì, vì thế Bùi Hồng miệt mài trên bàn phím, để rồi một bài phê bình văn học mang tính khoa học mà không hề giảm đi tính cảm nhận văn chương của một độc giả say mê truyện ngắn. Ở tác giả trẻ Lường Thị Dung ngọn lửa đam mê văn học càng ngày càng rực cháy. Sự khát khao vươn tới của Lường Thị Dung được thổi bùng lên hơn khi tiếp xúc với các nhà văn nhà thơ, bạn viết ở trại. Ngoài bài thơ viết ở Mộc châu, Lường Thị Dung còn có những bài thơ “Tâm sự của mẹ”, “Nhật ký Trường Sơn”. Thơ chân chất, giản dị nhưng cũng để lại cho người đọc những tâm tư nặng lòng xa xót. Tác giả Bùi Thị Nhài, thành viên Ban Văn học trẻ, đầy nhiệt huyết, trách nhiệm với trại sáng tác và cũng đam mê sáng tác cho thiếu nhi. Buổi tối giữa đại ngàn Cúc Phương khi thấy những con đom đóm lập lòe, tác giả hình thành một tứ thơ khá độc đáo: đom đóm bật đèn đi tìm gì? À thì ra cu cậu đi tìm cặp sách đánh rơi: “Trống trường Rừng tan học/ Đom đóm bay về nhà/ Dưới ngàn cây xanh mát/ Vừa lượn vừa hát ca/ Ô kìa kìa đàn bướm/ Xòe cánh múa rộn ràng/ Đóm ngẩn buông túi sách/ Theo bướm rừng lang thang/ Mặt trời vừa đi ngủ/ Đom đóm trở về nhà/ Lấy sách ôn bài cũ/ Ôi quanh mình toàn hoa/ Đóm thắp đèn tìm sách/ Bay vòng xuống vòng lên/ Giờ vẫn chưa thấy sách/ Nên mãi tìm hằng đêm”. Bài thơ nhỏ thật ngộ nghĩnh dễ thương. Tác giả trẻ, cô giáo Vũ Hiển có truyện ngắn “Tiếng gọi từ mùa thu”, gợi nhớ những kỷ niệm tưởng chừng như đã xa mà vẫn gần gũi đâu đây. Tác giả Vũ Nguyệt Khánh Phượng, với truyện ngắn viết cho thiếu nhi “Cái cặp tóc”, truyện nhỏ nhẹ xinh xinh mà đậm chất nhân văn sâu lắng. Tác giả trẻ Sơn Đỗ Quyên, một cây bút nữ đã có một số bài thơ trên Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, và tạo được dấu ấn nơi bạn đọc vì điều kiện công tác không đi trại, nhưng Quyên vẫn gửi 5 bài thơ: Giữa tháng năm, Thoáng bụi, Ngõ quê, Nghe mưa, Cám dỗ của mưa. Thơ của Quyên đằm thắm, da diết, bộc lộ nồng nàn, đôi khi thể hiện một sự luyến tiếc về một điều gì đó mơ hồ mà hiện hữu. Nhưng trên hết thơ Quyên có cái tình sâu lắng, để lại nhiều dư âm, ví như bài thơ “Ngõ quê”, có những câu thơ rất thật, rất đời: “Đừng đi đâu xa nữa/ Bữa cơm nhà đây thôi/ Bình yên bên bếp lửa/ Ấm áp quanh chỗ ngồi/ Đừng đi đâu xa nữa/ Ba mẹ cũng già rồi/ Chuối xếp đôi trứng cuốc/ Mong con gần đấy thôi…”.

Phần sáng tác của các cây bút nhí năm nay làm Ban Tổ chức khá bất ngờ. Phần lớn các cháu lần đầu tiên đi trại sáng tác, nhiều bỡ ngỡ, mới mẻ, tuy nhiên sự hòa đồng của lớp trẻ nhanh chóng được hình thành, và tư duy sáng tạo cũng mau lẹ xuất hiện. Sau một ngày nghe các bác, các chú, các cô trong Ban Văn học trẻ trao đổi nói chuyện sáng tác các cháu hăm hở viết. Bích Hà, thành viên trẻ nhất trại mạnh dạn viết thơ lục bát, mà lục bát của Hà thật “già dặn”. Không thất vận, câu chữ uyển chuyển, nội dung truyền đạt rõ ràng: “Mỗi lần em đến Cúc Phương/ Lao xao gió thổi con đường cây xanh/ Ở đây không khí trong lành/ Mặt hồ gợn sóng long lanh mây trời…/ Đêm về vằng vặc ánh trăng/ Chúng em vẫy gọi chị Hằng xuống chơi.” Lần đầu tiên xa nhà đi một mình, cháu Hoàng Anh nhớ mẹ thật nhiều, và nỗi nhớ được cháu thể hiện trong bài thơ “Nhớ mẹ” với những câu thơ tình cảm: “… Nằm trên giường thút thít/ Lo lắng đủ mọi điều/ Mẹ ơi đừng lo nghĩ/ Con ở đây ngoan nhiều…”. Cháu Hà Minh Hạnh, lớp 10 chuyên Văn, trường chuyên Lương Văn Tụy được mời nhưng cháu không dự trại lần này được, tuy nhiên với trách nhiệm của mình cháu vẫn gửi về Ban Tổ chức trại 2 bài thơ “Vườn quê”, “Mùa thu”. Thơ cháu Hạnh nhẹ nhàng và lôi cuốn người đọc vì ngộ nghĩnh và thật đáng yêu: “Nhắm mắt thôi là thấy/ Quanh nhà đầy tiếng chim/ Tấm nệm vườn êm ái/ Chú mèo nằm lim dim…”; hay là dấu hiệu báo mùa sang thu thật đẹp: “Khi đất trời dịu lửa/ Hoa cúc bừng sáng thêm/ Cỏ cây cùng chim chóc/ Hát lên câu êm đềm…”. Cháu Nguyễn Kiều Trang có 2 truyện ngắn: “Nợ bạn một lời xin lỗi”, “Một bạn học”. Truyện ngắn của cháu với nội dung và cách thể hiện dung dị, thu hút người đọc ở yếu tố bất ngờ, và cách xây dựng nhân vật. Đọc truyện của cháu, chúng tôi nghĩ, cháu Trang có năng khiếu và rất có triển vọng trở thành một cây bút trong tương lai. Truyện ngắn “Bố tôi” của cháu Lê Trung Hiếu, là một truyện ngắn viết ở thể loại truyện mi ni, một thông điệp nho nhỏ dành cho các bạn nhỏ ham chơi và đôi khi có những hành động không hay ho với đấng sinh thành. Cái kết của truyện, là một sự ăn năn hối lỗi của cậu bé ham chơi và hỗn hào làm người đọc hy vọng vào một sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Hy vọng cháu Hiếu tiếp tục có những ý tưởng, cốt truyện để hình thành những truyện ngắn mi ni độc đáo như truyện “Bố tôi”. Cháu Phạm Thu Hà, một cây bút đầy triển vọng với nội lực và sức sáng tạo phong phú, vở hài kịch “Tấm Cám” chuyển thể từ chuyện cổ tích của cháu đã chinh phục được người xem (vở kịch này đã được các thành viên dự trại dàn dựng biểu diễn trong đêm lửa trại) với những trí tưởng tượng được đan xen giữa cổ điển và hiện đại, lồng vào đó cách chọn nhạc phù hợp, hấp dẫn. Cháu Hà còn có truyện ngắn viết khá chắc tay.

Nhà thơ Thanh Thản trao đổi kinh nghiệm sáng tác văn học với các cháu trại viên đi thực tế ở biên giới Việt - Lào. Ảnh: P.V

Trong thời gian ở Cúc Phương tuy không dài và bận bịu với sáng tác, xong các thành viên dự trại vẫn được Ban Tổ chức bố trí đi thăm quan Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã, một số tác giả được thăm quan Động Người Xưa, và bản Bống trong rừng Cúc Phương.

Kết thúc Trại sáng tác trẻ năm 2022 là một đêm đốt lửa trại sinh động. Dưới ánh lửa rực sáng, giữa đại ngàn Cúc Phương, bên hồ Mạc thơ mộng những tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang tính “cây nhà lá vườn” đã được các thành viên biểu diễn. Mở đầu vở hài kịch “Tấm Cám” của các cháu làm khán giả luôn rộn rã những tiếng cười. Cháu Bích Hà và cháu Tiểu My đọc thơ vừa sáng tác ở trại. Cháu Quách Lan Anh với tiết mục múa hiện đại đã thể hiện được năng khiếu và tài năng, một hứa hẹn cho nghệ thuật. Đan xen vào là các tiết mục hát, vũ điệu của các cô giáo tăng thêm sự phong phú của đêm lửa trại nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Phát biểu tại lễ bế mạc trại, Nhà thơ, NSNA Bình Nguyên, Chủ tịch Hội đánh giá cao kết quả của trại sáng tác, biểu dương nỗ lực và sự nhiệt tình của Ban Văn học trẻ, và hy vọng những tác giả tham dự trại sẽ tiếp tục duy trì ngọn lửa đam mê văn học và trở thành những lớp kế cận của Văn học Nghệ thuật tỉnh nhà.

Để động viên, khích lệ các cây bút trẻ, NSNA, nhạc sĩ Ninh Mạnh Thắng đã có phần thưởng thú vị dành cho tất cả các thành viên nhí tham gia trại sáng tác. Nhạc sĩ sẽ chọn lựa những bài thơ của các cháu để phổ nhạc.

Trại sáng tác Trẻ Ninh Bình năm 2022 kết thúc trong niềm vui và tràn đầy hy vọng.

N.Đ.H

(Nguồn: TC VNNB 269-9/2022)

 

Bài viết khác