Thứ sáu, 13/09/2024

Xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật Ninh Bình trong thời kỳ mới

Thứ năm, 15/06/2023

BÙI MAI HOA
UV BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Từ trước đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người lưu ý: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Đó cũng là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta đối với văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Từ khi bước vào thời kỳ đổi mới (1986) đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về văn hóa, trong đó, luôn chú trọng đến văn học, nghệ thuật. Đặc biệt, ngày 16/6/2008, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” (Nghị quyết số 23-NQ/TW) nhằm tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.


Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Mai Hoa trình bày báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23.  Ảnh của MINH TUYỀN

Quán triệt tư tưởng của Đảng về văn học, nghệ thuật, nhìn lại 15 năm qua có thể thấy rằng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo học tập, nghiên cứu và tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đảm bảo nghiêm túc, bài bản, sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở. Qua đó giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, văn nghệ sỹ và Nhân dân đã nhận thức đầy đủ hơn, đúng đắn hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật.

Tỉnh ủy luôn coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, các chi hội trực thuộc; phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sỹ trong việc sáng tác các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh; là một trong những động lực quan trọng góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Hằng năm, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức gặp mặt, làm việc với Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và đại biểu văn nghệ sỹ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của Hội, của đội ngũ văn nghệ sỹ để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật và các văn  nghệ sỹ. Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện để Hội Văn học Nghệ thuật phát triển, thu hút, đãi ngộ văn nghệ sỹ, nhất là tài năng văn học, nghệ thuật,...

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động, tích cực tham mưu giúp Tỉnh ủy trong việc chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật, đảm bảo hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, nhằm góp phần đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức Tọa đàm “Nâng cao chất lượng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nhằm ghi nhận, biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, đề ra giải pháp để nâng cao chất lượng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW được triển khai thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền việc sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật tại hội nghị giao ban công tác báo chí, tuyên truyền hằng tháng để thông tin về chủ trương, chính sách, các hoạt động văn học, nghệ thuật trong tỉnh, nhằm định hướng sáng tác văn học nghệ thuật, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương. Đội ngũ văn nghệ sỹ đã bám sát định hướng chính trị, chủ đề và thực tiễn đời sống, sáng tác nhiều tác phẩm chất lượng, có nội dung tư tưởng nghệ thuật tốt, đề cập đến nhiều vấn đề của đời sống, thực tiễn xã hội, nội dung hòa quyện giữa miền quê Ninh Bình với các miền quê khác của đất nước; có nhiều tác giả, tác phẩm đã đạt giải cao ở khu vực, trong nước và quốc tế.

UBND tỉnh đã ban hành quy chế và duy trì việc xét, trao tặng Giải thưởng văn học nghệ thuật Trương Hán Siêu; tổ chức thực hiện xét, đề nghị tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và các danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú. Từ năm 2008 đến nay đã tổ chức 3 đợt xét và trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trương Hán Siêu cho 225 tác giả, tác phẩm. Triển khai tổ chức 3 đợt xét đề nghị Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; 5 đợt xét đề nghị danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú; 2 đợt xét đề nghị danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đến nay Ninh Bình đã có 01 tác giả được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, 01 nghệ sỹ được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, 10 nghệ sỹ được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú, 08 nghệ nhân được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh thường xuyên phối hợp với Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội chuyên ngành ở Trung ương, liên kết với 12 Hội Văn học nghệ thuật khu vực miền Bắc, 5 hội VHNT 5 vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các trại sáng tác được các Hội của Trung ương, các tỉnh và đội ngũ văn nghệ sỹ đánh giá cao. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình đang có 206 hội viên, tăng 110 hội viên so với năm 2008, trong đó có 76 hội viên chuyên ngành Trung ương đang sinh hoạt ở 08 chuyên ngành: Thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, nghiên cứu sưu tầm. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 05 chi hội VHNT cấp huyện, thành phố là Yên Mô, Yên Khánh, Gia Viễn, Nho Quan và thành phố Tam Điệp và 05 chi hội chuyên ngành Trung ương sinh hoạt tại Ninh Bình.

Từ năm 2008 đến nay, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức 73 trại sáng tác và thực tế sáng tác, tổ chức 57 cuộc triển lãm. Mỗi năm Hội tổ chức từ 1 đến 2 trại sáng tác văn học nghệ thuật trẻ cho các em học sinh, sinh viên có năng khiếu văn học, nghệ thuật. Các hội viên của Hội VHNT tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác, cuộc thi do Trung ương, các tỉnh phát động và đạt được nhiều giải thưởng, trung bình mỗi năm đạt được gần 200 giải thưởng trong nước và quốc tế.

Hoạt động văn học, nghệ thuật ngày càng phát huy được vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch, thế mạnh, truyền thống lịch sử văn hóa của tỉnh đến bạn bè trong và ngoài nước. Thông qua các cuộc triển lãm như: triển lãm mỹ thuật - nhiếp ảnh “Đất và người Ninh Bình”, triển lãm ảnh “Mùa vàng Tam Cốc - Tràng An”, các cuộc thi và triển lãm Nhiếp ảnh quốc tế, các tác phẩm văn học nghệ thuật như: hội họa - điêu khắc, ảnh nghệ thuật, ca khúc, kịch bản sân khấu… đã góp phần quảng bá và tôn vinh vẻ đẹp của đất và người Ninh Bình, tạo nên dấu ấn, bản sắc riêng có của vùng đất Cố đô Hoa Lư.

Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã quan tâm công tác bảo tồn, khôi phục, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương. Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát xẩm truyền thống”; biên tập, đưa các trò chơi dân gian và các loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian, nhất là hát chèo, hát xẩm, múa rối nước vào các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trong tỉnh.

Hoạt động nghệ thuật quần chúng ngày càng phong phú, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia. Các tổ, đội văn nghệ, câu lạc bộ văn học, nghệ thuật, chi hội văn học nghệ thuật được thành lập và tổ chức sinh hoạt thường xuyên ở các địa phương, đơn vị, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, đó là: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ tham mưu, quản lý trên lĩnh vực này chưa được đầu tư đúng mức; Công tác lý luận, phê bình có mặt còn hạn chế; Hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật có bước phát triển mới nhưng chưa đồng đều về chất lượng, chưa đồng bộ giữa sáng tác và phổ biến tác phẩm; Công tác bảo tồn và phát huy các di sản chưa tương xứng với tiềm năng…

Đứng trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, để tiếp tục phát triển nâng tầm văn học, nghệ thuật của tỉnh giàu bản sắc dân tộc, đậm nét văn hóa, con người Cố đô Hoa Lư, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; tuyên truyền và thực hiện tinh thần chỉ đạo trong bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững”; các chương trình, đề án, kế hoạch xây dựng phát triển văn hoá, văn học nghệ thuật giai đoạn 2021-2025 của Trung ương và của tỉnh.

Tập trung tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng để đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn học nghệ thuật; vận động, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về nội dung, nghệ thuật. Đồng thời, tăng cường công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm.

Thực sự coi trọng, nâng cao chất lượng công tác giáo dục thẩm mỹ, các môn văn học, nghệ thuật trong các nhà trường; tiếp tục tổ chức dạy và học các môn nghệ thuật truyền thống. Nâng cao trách nhiệm, khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian tham gia bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, phát triển các tài năng, năng khiếu nghệ thuật.

Tăng cường đưa các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp về cơ sở, đồng thời phát triển mạnh các hoạt động nghệ thuật quần chúng, nhất là các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống, các câu lạc bộ nghệ thuật, ban, nhóm nhạc trong thế hệ trẻ, các hoạt động nghệ thuật trong các khu, cụm công nghiệp... Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật, nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội dành cho văn học, nghệ thuật. Xây dựng các sản phẩm, từng bước hình thành thị trường sản phẩm nghệ thuật (nghệ thuật biểu diễn, tranh, ảnh,...) phục vụ khách du lịch, nâng cao thu nhập cho văn nghệ sỹ, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của quê hương, đất nước.

Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ kế cận, kịp thời củng cố và kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, các chi hội văn học nghệ thuật bảo đảm đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Tập hợp, nâng cao số lượng, chất lượng hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; chú trọng phát triển hội viên trẻ, bảo đảm có sự kế thừa về đội ngũ. Thực hiện tốt chính sách đãi ngộ tài năng văn học, nghệ thuật; chính sách khuyến khích, thu hút ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên tài năng về công tác tại tỉnh; chính sách khen thưởng tài năng, nghệ sĩ, nghệ nhân có tác phẩm đạt giải ở các cuộc thi, triển lãm do Trung ương và quốc tế tổ chức.

Nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, văn học nghệ thuật hiện có nhất là tại các thôn, xóm, phố; hoàn thành đầu tư xây dựng các công trình văn hóa công cộng đang triển khai; đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế văn hóa mới đảm bảo thiết thực, tránh lãng phí.

Đẩy mạnh phối hợp hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang. Tăng cường liên kết với các cơ quan chỉ đạo, quản lý, các hội chuyên ngành ở Trung ương để tạo môi trường tốt thúc đẩy văn học, nghệ thuật của tỉnh phát triển phù hợp.

Có thể khẳng định, kết quả thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục, bồi đắp giá trị chân - thiện - mỹ cho Nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật lành mạnh, góp phần cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng của quê hương, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

B.M.H

(Nguồn: TC VNNB 280-5/2023)

 

Bài viết khác