MINH DƯƠNG
Bác đã đi xa nửa thế kỷ, nhưng tình cảm và những lời căn dặn lúc sinh thời của Người vẫn luôn khắc ghi trong tâm khảm và trái tim của lớp lớp thế hệ cán bộ, nhân dân Ninh Bình.
Theo tài liệu của tỉnh, trong khoảng 15 năm, từ tháng 1/1946 đến tháng 7/1960, quê hương Ninh Bình vinh dự được 5 lần đón Bác Hồ về thăm. Mỗi lần Bác về thăm là một niềm tự hào, vinh dự lớn lao đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình. Ở đó là dịp Bác dành sự quan tâm ân cần, tình cảm sâu sắc nhất cho quê hương Ninh Bình và cũng là thể hiện rõ nhất những mong muốn căn cốt mà Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình cần phải tập trung thực hiện về đoàn kết lương giáo, đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết ngoài Đảng; tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm; thực hành tiết kiệm; tập trung dân chủ; xây dựng củng cố chính quyền cách mạng; xây dựng củng cố hậu phương, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội,... Những lời dạy của Bác mang tầm bao quát, là kim chỉ nam soi đường, chỉ lối cho Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình trong sự nghiệp cách mạng lâu dài.
Bác Hồ về thăm đồng bào Thị trấn Phát Diệm (13-1-1946) Ảnh: TL
Sau khi cách mạng mới thành công, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với cương vị là người đứng đầu Đảng, Nhà nước, tuy bận rộn biết bao công việc nhưng Bác vẫn dành thời gian đi thăm, động viên và làm việc cụ thể với chính quyền địa phương, bà con nông dân, cán bộ, công nhân. Ngày 13/1/1946, lần đầu tiên về Ninh Bình, Bác thăm đồng bào Phát Diệm huyện Kim Sơn. Bác khen ngợi đồng bào đã tích cực tăng gia sản xuất, đi học bình dân học vụ. Trước hàng vạn đồng bào, Bác đã căn dặn: “Đức chúa hy sinh vì nhân loại, Người vì loài người mà hy sinh phấn đấu, còn chúng ta thì hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Kính chúa nhưng phải yêu nước. Nước không được độc lập thì tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã”. Bác đã đến thăm Trường Huấn luyện thanh niên ở thôn Yên Phúc, xã Ninh Phúc, huyện Gia Khánh (nay là thành phố Ninh Bình), Bác khuyên học viên phải tích cực học tập vì địa phương và đất nước đang cần rất nhiều cán bộ cho cách mạng. Thăm cán bộ, nhân dân thị xã Ninh Bình (thành phố Ninh Bình), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ nhiệm vụ của cách mạng nước nhà lúc này là phải ra sức nêu cao tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái” để chống giặc đói, giặc dốt và chống giặc ngoại xâm, thực hiện kháng chiến và kiến quốc. Người căn dặn các đồng chí cán bộ lãnh đạo tỉnh cố gắng lãnh đạo nhân dân củng cố chính quyền thật vững mạnh để tạo điều kiện tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trước mắt.
Bác Hồ về dự Hội nghị điền chủ ở xã Lạng Phong - Nho Quan ( 10-2-1947) Ảnh: TL
Giữa lúc cuộc kháng chiến, kiến quốc chống thực dân Pháp diễn ra cam go, quyết liệt, Bộ Canh Nông tổ chức Hội nghị Điền chủ toàn tỉnh Ninh Bình tại xã Lạng Phong, huyện Nho Quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về dự và chủ trì Hội nghị ngày 10/2/1947. Bác kêu gọi các điền chủ, thương gia, kỹ nghệ gia, nông gia ủng hộ kháng chiến, góp tiền, góp gạo và giúp đồng bào tản cư. Tiếp đó, Bác đến thăm tu viện Châu Sơn, Bác ân cần thăm hỏi linh mục, các tu sỹ, người phục vụ đã chăm lo cho 120 đồng bào tản cư đến ở.
Ngày 14/3/1959, Bác về kiểm tra chống hạn ở Ninh Bình, cùng bà con nông dân tham gia việc đồng áng. Bác đã về thăm nhân dân xã Khánh Cư huyện Yên Khánh. Xuống cánh đồng Chằm, Bác ân cần động viên, khích lệ cán bộ, bà con nông dân và bộ đội hăng hái lao động sản xuất. Trên đường trở về Người cùng bà con nông dân xã Ninh Sơn, huyện Gia Khánh (nay là phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình) tát nước cứu lúa bị hạn trên cánh đồng chân núi Cánh Diều. Dịp này Bác thăm và nói chuyện với hơn 2000 đại biểu cán bộ và nhân dân thị xã Ninh Bình. Người khen ngợi những thành tích trong chống hạn và sản xuất. Người căn dặn: “Cán bộ phải có quyết tâm chống hạn và quyết tâm phải liên tục, bền bỉ. Biến quyết tâm của cán bộ thành quyết tâm của nhân dân, đoàn kết giúp đỡ nhau…”. “Nhân dân ta đã anh dũng trong kháng chiến, cần phải anh dũng trong sản xuất. Chúng ta phải thắng thiên tai, hạn hán, bão lụt… để sản xuất ngày càng được nhiều, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, đưa nước nhà dần tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Bác Hồ kiểm tra chống hạn (14-3-1959) Ảnh: TL
Ngày 18/10/1959, Bác về dự Hội nghị sản xuất vụ Đông Xuân năm 1959 - 1960 tỉnh Ninh Bình do Tỉnh ủy, ủy ban Hành chính tỉnh tổ chức. Hội nghị quy tụ hơn 1.300 đại biểu, là cán bộ chủ chốt các đoàn thể, các ngành từ xã đến tỉnh tham gia. Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ về dự và nói chuyện với Hội nghị. Người biểu dương, khen ngợi cán bộ và nhân dân Ninh Bình có nhiều thành tích trong vụ sản xuất đông - xuân 1958-1959 đã tích cực chống hạn cứu lúa, biết giữ nước và sản xuất khá. Người lưu ý các đại biểu bài học kinh nghiệm làm vụ đông - xuân vừa qua là “Phải đi đúng đường lối quần chúng trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch, phải biến quyết tâm của Đảng, của Chính phủ, thành quyết tâm của toàn thể cán bộ và quần chúng thì dù khó khăn mấy nhất định cũng khắc phục được và vụ đông - xuân nhất định sẽ tốt”. Người ân cần khuyên cán bộ và bà con nông dân Ninh Bình muốn sản xuất vụ đông - xuân này thắng lợi thì phải nhớ và làm đúng tám điều: “Nước phải đủ, phân phải nhiều/ Cày sâu, giống tốt, cấy đều dảnh hơn/ Trừ sâu, diệt chuột chớ quên/ Cải tiến nông cụ, là nền nhà nông/ Ruộng nương quản lý ra công/ Tám điều đầy đủ, thóc bông đầy bồ”. Đồng thời, Người căn dặn cán bộ phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu về hai con đường làm ăn cá thể và tập thể “…phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Đảng và ngoài Đảng, đoàn kết lương giáo… Đoàn kết chặt chẽ để thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.
Bác Hồ về dự Hội nghị sản xuất Đông Xuân tỉnh Ninh Bình (18-10-1959) Ảnh: TL
Ngày 20/7/1960, Bác về thăm Nông trường quốc doanh Đồng Giao, tại thị xã Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp), Bác đã đi tham quan các đội sản xuất, nhà ăn, nhà trẻ, khu chăn nuôi... Đi đến đâu, Bác đều vui vẻ hỏi chuyện cán bộ công nhân và căn dặn phải tích cực sản xuất, phải chọn những cây trồng thích hợp, phù hợp với điều kiện tự nhiên để nâng cao năng suất, xứng đáng với hình mẫu đầu tiên của kinh tế quốc doanh nông nghiệp xã hội chủ nghĩa.
Bác Hồ về thăm Nông trường Quốc doanh Đồng Giao - Thị xã Tam Điệp (20-7-1960) Ảnh: TL
Khắc ghi lời căn dặn của Bác qua những lần về thăm Ninh Bình, hơn nửa thế kỷ qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình luôn một lòng đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần cùng với quân dân cả nước giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước; cùng cả nước tích cực khôi phục kinh tế hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước phát triển văn hóa - xã hội. Bước sang thời kỳ đổi mới, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh năm 1992 đến nay, Ninh Bình đã vươn lên phát triển vững mạnh toàn diện, góp phần cùng nhân dân cả nước đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc đến thắng lợi vẻ vang. Từ một tỉnh thuần nông, nghèo nàn, sản xuất manh mún đến nay kinh tế của tỉnh phát triển khá toàn diện và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng GRDP (theo giá SS 2010) bình quân giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 8,21%/năm. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp và dịch vụ 47,10% (năm 2018). Sản xuất công nghiệp phát triển toàn diện, theo hướng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Du lịch có bước phát triển đột phá và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới - Di sản kép đầu tiên của khu vực Đông Nam Á; thu hút 7,3 triệu lượt khách đến du lịch Ninh Bình, đem lại doanh thu đạt 3.200 tỷ đồng năm 2018. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 90 xã (chiếm 84% tổng số xã), 02 huyện Hoa Lư, Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, thu ngân sách đạt 12.777 tỷ đồng. Văn hóa - xã hội luôn tỷ lệ thuận với sức phát triển của kinh tế, đời sống nhân dân được nâng cao, đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng văn hoá là nền tảng tinh thần xã hội. Đến nay, Ninh Bình đã cơ bản hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi, giải trí và sáng tạo của các tầng lớp nhân dân. Công tác xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố. Giáo dục chính trị tư tưởng được triển khai toàn diện, góp phần giữ vững ổn định tình hình tư tưởng, củng cố niềm tin, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được gắn với các Nghị quyết về xây dựng Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đã đạt nhiều kết quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong học tập và làm theo gương Bác, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tình đoàn kết lương - giáo ngày càng được củng cố vững chắc. An ninh, quốc phòng địa phương được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hơn nửa thế kỷ đi qua, quê hương Ninh Bình ngày càng khởi sắc và thân thiện.
Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ và kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm quê hương Ninh Bình, là thêm một dịp nữa để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh nhắc nhớ lại những lời căn dặn của Người, soi rọi vào cuộc sống, công việc hàng ngày, thể hiện tình cảm, quyết tâm tiếp tục thực hiện tốt lời Bác dạy, tạo thành động lực lớn lao trên con đường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
M.D