Thứ ba, 08/10/2024

Đặc sắc Tuần du lịch "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" năm 2022

Thứ bảy, 25/06/2022

MAI HƯƠNG

Hội tụ linh khí của đất trời, Ninh Bình không chỉ là nơi phát tích ba triều đại Đinh, tiền Lê, Lý thế kỷ X mà còn là miền đất của những danh thắng độc nhất vô nhị trên trên thế giới. Nổi bật là quần thể di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An mang đặc trưng nền văn minh lúa nước, ghi dấu tích người tiền sử đã xuất hiện cách đây hơn 30 nghìn năm.

Nằm giữa vùng lõi danh thắng Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc Bích Động - danh lưu nức tiếng tự ngàn xưa “Nam thiên đệ nhị động” đã ôm trọn trong mình các giá trị thẩm mỹ, địa chất, địa mạo chứa đựng nhiều hang động xuyên thủy huyền bí, được trùm phủ bởi thảm thực vật nhiệt đới thường xanh, tầng tầng lớp lớp dãy núi đá vôi trẻ dung giăng chìm nổi tạo ra các thung đất ngập nước thơ mộng cho đàn cò diệc nhởn nhơ bay lội. Chính những lợi thế về địa chất, địa mạo quyện hòa cùng vẻ đẹp biến ảo đã tạo cho Tràng An, Tam Cốc - Bích Động có được những giá trị về lịch sử, văn hóa với dấu ấn hào hùng của ông cha một thời dựng nước, kiến tạo cơ đồ, thiết lập triều chính, xây dựng Kinh đô Hoa Lư của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam vào thế kỷ thứ X. Thế kỷ XIII, các vua nhà Trần đã chọn nơi đây để xây dựng Hành Cung Vũ Lâm, chiêu dân, lập làng, khai hoang các thung sâu tạo nên những cánh đồng lúa nước uốn lượn theo dòng suối hiền hòa lung linh ánh bạc, xây dựng căn cứ địa kháng chiến đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược nước ta lần thứ 2. Miền đất Ninh Bình không chỉ chứa đựng những trầm tích lịch sử, văn hóa riêng biệt, ẩm thực đa dạng, người dân Ninh Bình luôn mộc mạc, cần cù sáng tạo, nồng hậu, thân thiện, hiếu khách. Thế nên, từ xưa đến nay, nơi đây luôn là điểm dừng chân lý tưởng của các bậc tao nhân mặc khách trong nước và ngoài nước đến thưởng ngoạn thắng cảnh, an dưỡng và cảm tác thi tứ, ca ngâm, hội họa.. 

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
phát biểu khai mạc Tuần du lịch “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An”.  Ảnh của MINH TUYỀN

Với lợi thế đó, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước, đầu thế kỷ XXI Ninh Bình đã và đang tập trung từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Giai đoạn hiện nay, Ninh Bình là một trong những điểm đến hàng đầu Việt Nam, đã có thương hiệu và mức độ nhận diện cao, song 2 năm qua du lịch của tỉnh cũng không tránh được cơn bão của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh bình thường mới, nhằm khôi phục lại ngành kinh tế quan trọng này, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã có nhiều động thái tích cực tạo “cú hích” cho du lịch cất cánh: Tăng tốc công tác xúc tiến, quảng bá; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; nhanh chóng tổ chức hàng loạt các sự kiện văn hóa: kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình (1822-2022), 30 năm tái lập tỉnh (1992-2022), Lễ hội Tràng An, Cúc Phương đại ngàn, Tuần lễ du lịch 2022; triển khai nhiều lễ hội truyền thống ở khắp nơi: Lễ hội Cố đô Hoa Lư, Lễ hội Báo bản, Lễ hội đền Thánh Nguyễn, Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội đền Thái Vi...

Tuần du lịch Ninh Bình năm 2022 với chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An” diễn ra từ ngày 21 - 28/5/2022, tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động và Khu du lịch sinh thái Tràng An theo đúng Kế hoạch số 67 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trước đó một tháng. Những năm gần đây, tỉnh nỗ lực đưa Tuần du lịch “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An” trở thành sự kiện du lịch thường niên là sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn của địa phương nhằm tôn vinh các giá trị thiên nhiên, văn hóa, quảng bá hình ảnh đất và người Ninh Bình cùng Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đến với bạn bè trong nước và quốc tế. 

Thành công bước đầu của Tuần du lịch đã được thấy rõ ở lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế háo hức tham gia ngay từ buổi  đầu khai mạc. Sáng sớm ngày 21/5 người dân địa phương từ ấu, phụ, nam thanh, nữ tú tới người chèo đò, các cụ cao niên hân hoan, nhộn nhịp trong các bộ cổ phục sặc sỡ sắc mầu chuẩn bị cờ, thuyền, kèn, trống… và lễ vật cho nghi thức rước rồng mừng mùa lúa chín. Ấn tượng đầu tiên ngay trên sân đình Các là các nam điền cùng các cháu thiếu niên nhi đồng vận trang phục thời nhà Trần lộng lẫy đỏ vàng với màn múa trống hội dân gian rộn ràng đón chào du khách, tới lối xuống bến thuyền Tam Cốc, một khung cảnh nghiêm trang hút lấy tầm mắt, các nữ chiến sĩ nhạc công mặc quân phục mũ trắng chỉnh tề với dàn kèn đồng sáng bóng cất lên khối âm thanh giòn giã, hào hùng như thúc giục du khách mau xuống thuyền, hòa nhập vào đoàn thuyền rước rồng, rước lân đang bơi tấp nập trên sông Ngô Đồng để không chỉ cảm nhận hết thảy không khí tưng bừng của một lễ hội độc đáo đặc trưng văn hóa lúa nước vùng châu thổ sông Hồng mà còn thư thái cảm nhận sự thanh sạch của thiên nhiên, của tiếng nước thánh thót từ nhũ đá rơi xuống lòng sông, của thanh âm mái chèo khua nước mát giữa lòng hang tối, của ngai ngái bùn non quấn trong hương lúa ngọt ngào quyện lên hương cây thanh mát, của tiếng cá quẫy động đậy lớp dong tóc tiên, cua ngôm ốc nhồi cuốn ríu cong ngọn lúa.

Mát nhãn nhất là các nghệ sĩ nhiếp ảnh, họ đã leo chèo và mai phục ở trên các mỏm núi đá tai mèo cao chót vót trong thung Hai từ khi mặt trời còn chưa mọc, để lia những góc máy, bắt trọn những khoảnh khắc ánh sáng đẹp nhất chuyển động trên các cánh đồng lúa đương thì vào đòng đơm hương bụ sữa, lưu giữ lại vẻ tinh khiết của ban mai vừa lọt qua khe mây rơi xuống chân thung, dát bạc vào dải nước màu xanh non của sông Ngô Đồng, hoặc những tia nắng bừng lên xanh biếc bởi những vạt cây bụi trên sườn núi. Thời tiết năm nay không thuận lợi, trời vừa hểnh nắng rồi sầm sì tuôn mưa nhưng không vì thế mà lễ khai mạc kém vui. Khó có thể nói lên được cảm xúc các nghệ sĩ nhiếp ảnh luôn ở tư thế sẵn sàng bấm máy trong suốt quãng thời gian chùm hụp cả người và máy trong những mảnh áo mưa giấy mỏng tang chờ đợi đoàn thuyền rước rồng đi qua. Họ đếm thời gian ngược bằng cách hóng lắng tiếng trống hội xa gần vọng âm vào vách núi rồi vỡ òa cảm xúc khi một vài chiếc thuyền cờ hội như những bông hoa ngũ sắc lấp ló ở tít cửa hang Cả. Những tiếng bấm máy đã lách tách nổ giòn giã bên tai.

Vào thời điểm này, nếu có dịp nhìn từ trên các mỏm núi cao hay từ flycam, du khách sẽ có những trải nghiệm vô cùng thú vị về nét đẹp huyền ảo, trữ tình  của thung lũng lúa Tam Cốc vào hội. Tuy tuần du lịch năm nay chưa có sắc vàng lúa chín nổi bật như mọi năm nhưng vẻ kỳ diệu lại nằm ở sự luân chuyển sắc cảnh của con sông Ngô Đồng. Dòng sông vốn nhỏ xinh, mềm mại như một dải lụa tơ tằm màu xanh mạ buông hờ giữa các thung lúa, khuất khúc sau các cửa hang rồi sắc nước chuyển dần sang màu ngọc trai khi có nắng. Đoàn thuyền rước rồng ngoài bến đình Các từ từ trôi trên sông dễ gợi cho những du khách giàu trí liên tưởng tới những đôi tay vô hình nào đó đang căng dải lụa đính ngọc trai trên đôi bờ khung lúa mẩy. Thấy những vòng sóng rung rinh lấp lánh trước hàng trăm, hàng ngàn mũi thuyền do những mái chèo nhịp nhàng khỏa nước lại tưởng như đó là hàng trăm hàng ngàn cây kim bạc luồn những sợi chỉ tằm xanh, đỏ, tím, vàng… của các nàng tiên đang mải miết thêu thùa. Vừa khi đoàn rước đã di chuyển qua hang Cả, hang Hai rồi tiến vào hang Ba cũng là lúc bức tranh thêu tuyệt mỹ về lễ hội rước rồng trên sông Ngô Đồng của các nàng tiên gấp rút hoàn thành. Giữa màu xanh ngát của lúa, thâm trầm của đá núi trong màn mưa bạc là một dòng sông nhộn nhịp, lung linh, ngời lên đỏ thắm sắc màu, dẫn đầu là đoàn thuyền kỳ lân, tiếp đến là đoàn thuyền rước rồng vàng, đoàn thuyền trống, chiêng, cờ phướn rồi sau đó là hàng lớp đoàn thuyền dài của người dân, du khách tham gia trẩy hội.

Lễ khai mạc được coi là điểm nhấn của Tuần du lịch năm nay, đổi mới sáng tạo ngay từ khâu tổ chức thuyền đưa khách du ngoạn thắng cảnh, thay đổi địa điểm dựng sân khấu khai mạc ở khu vực hang Hai giữa mênh mông sông núi, nhìn ra cánh đồng lúa nghệ thuật với hình ảnh lá cờ hội ôm trọn chữ "Sắc vàng Tam Cốc" vô cùng độc đáo. Đây là một trong những cánh đồng lúa nghệ thuật đầu tiên tại miền Bắc với mong muốn mang lại cho du khách những trải nghiệm thực cảnh gần gũi, mới lạ, ấn tượng hơn.

Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Vùng đất và con người Tam Cốc - Tràng An là sự giao thoa, kết nối và hội tụ của hồn thiêng sông núi, gắn liền với hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Người dân Ninh Bình đã tiếp tục kế thừa và phát huy các thành quả, giá trị thiêng liêng mà thế hệ cha ông để lại, sử dụng bền vững cảnh quan thiên nhiên và giá trị truyền thống để phát triển du lịch, lựa chọn du lịch là trục phát triển chính. Qua đó, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, di sản vô giá mà cha ông đã trao truyền lại, đồng thời vừa dẫn dắt, thúc đẩy các ngành lĩnh vực khác cùng phát triển trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Tuần du lịch Ninh Bình "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" là sự kiện du lịch quan trọng của tỉnh, nhằm tri ân các bậc tiền nhân, đồng thời tôn vinh các giá trị cảnh quan tự nhiên độc đáo, giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương. Từ đó, quảng bá hình ảnh đất và người Ninh Bình cùng Di sản Quần thể danh thắng Tràng An đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Trong khuôn khổ lễ khai mạc, các đại biểu và du khách đã được thưởng lãm chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc với chủ đề  "Người tiền sử sinh sống và thích ứng với biến đổi khí hậu" do nghệ sĩ Dương Lan Hương tác giả kịch bản và tổng đạo diễn, đơn vị thực hiện Sở Du lịch Ninh Bình phối hợp với doanh nghiệp Xuân Trường cùng góp mặt của các ca sĩ nổi tiếng: Tùng Dương, Lê Anh Dũng, Huyền Trang, Sông Thao, NSƯT Phạm Phương Thảo, NSƯT Mai Hoa, NSƯT Việt Hoàn, sự tham gia của hơn 30 nhạc công, nhóm Vocan hát đồng dao, dàn nhạc của Học viện An ninh Quốc gia Việt Nam và 200 vũ công, diễn viên chuyên nghiệp. Trong khoảng thời lượng 60 phút, các nghệ sĩ đã thể hiện nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc với thông điệp đưa du khách trở về với Tam Cốc bằng chuyến du lịch trên con thuyền âm nhạc mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của mảnh đất Ninh Bình. Chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng, nội dung gồm 3 phần: Phần 1 tái hiện lại làng quê yên bình thông qua giai điệu: “Khúc tráng ca Ninh Bình”, “Kể chuyện ngày mùa”, “Ôi quê tôi”, “Khúc hát đồng dao”,  “Vũ điệu cánh cò”; phần 2 cảm tạ thiên nhiên với các ca khúc: “Ơn mẹ thiên nhiên”, “Em có về Tam Cốc quê tôi”, “Người ơi hãy về”,  “Vũ khúc cánh đồng”; phần 3 kế thừa và phát huy các giá trị di sản để xây dựng Ninh Bình là một điểm đến hấp dẫn được truyền tải âm hưởng qua ca khúc: “Ninh Bình một khúc tráng ca”, “Ninh Bình quê mẹ”, “Huyền thoại Tràng An”….

Có thể thấy, tuần du lịch năm nay với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật sinh động hấp dẫn và các sản phẩm du lịch đặc sắc đã làm hài lòng du khách. Du khách đến đây không chỉ đề thắng cảng mà còn được, hòa mình vào không gian lễ hội, chiêm ngưỡng các tác phẩm nhiếp ảnh đặc sắc trong triển lãm ảnh nghệ thuật “Mùa vàng Tam Cốc - Tràng An” được trưng bày tại bến thuyền Tam Cốc và trên nội các sau hang Ba, thưởng thức các chương trình biểu diễn múa rối nước, hát chèo, hát xẩm, hát các làn điệu dân ca 3 miền trên sông Ngô, chùa Bích Động, đền Thái Vi, sân Đình Các, cửa 3 hang xuyên thủy, dạo quanh tuyến phố đi bộ và chợ ẩm thực Tam Cốc, tham quan Hội chợ triển lãm phong phú các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống Ninh Bình, xem trình diễn nghề thêu ren cổ truyền Văn Lâm, tham gia tour du lịch chụp ảnh Mùa vàng Tam Cốc; chương trình khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch Ninh Bình (FAMTRIP, PRESSTRIP)…     

Với những giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, cảnh quan, thẩm mỹ, lịch sử, văn hóa của Quần thể danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động cùng vẻ đẹp thuần hậu của người dân địa phương và một quyết tâm cao của tỉnh trong việc đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ, ngành du lịch Ninh Bình đã và đang khai thác hiệu quả giá trị, bản sắc riêng có của Tam Cốc - Bích Động, Tràng An; đưa những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn của tỉnh tới đông đảo du khách trong, ngoài nước.

Tuần du lịch Ninh Bình năm 2022 đã khép lại đầy ấn tượng, thêm một lần nữa khẳng định thương hiệu, vị thế du lịch Ninh Bình là điểm đến an toàn, chất lượng, hấp dẫn, thân thiện và mến khách. Đồng thời mở ra cơ hội mới để Ninh Bình tiếp tục trao đổi, hợp tác về văn hóa, kinh tế - xã hội nhất là du lịch với các địa phương trong nước và quốc tế.

                                                                                         M.H

(Nguồn: TC VNNB 266-6/2022)

Bài viết khác