Thứ bảy, 12/10/2024

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh di sản vô giá của dân tộc

Thứ sáu, 04/10/2019

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng những điều Người nói, Người viết, Người làm, đặc biệt là bản Di chúc thiêng liêng Người để lại cho chúng ta mãi mãi là một văn kiện lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Nội dung bản Di chúc được Người trù tính thấu đáo, vừa cụ thể, vừa bao quát toàn bộ công việc, từ việc riêng cho đến những việc trọng đại của quốc gia, dân tộc, nhân dân.

Giá trị cốt lõi của bản Di chúc thể hiện cao tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của Người đối với Đảng, với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng đất nước; với thế hệ trẻ, các tầng lớp nhân dân ta; với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phản ánh tập trung những tư tưởng, đạo đức, tác phong và tình cảm cao đẹp của Người. “Mấy lời để lại” là tâm nguyện, là tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, Nhân dân và sự nghiệp cách mạng. Người thể hiện sâu sắc ở dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngày thống nhất đất nước, ở những chỉ dẫn về công việc của sự nghiệp cách mạng còn dang dở. Di chúc là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và Nhân dân; là tấm lòng chung thuỷ với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước

(Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua lần thứ IV) diễn ra tại Hà Nội tháng 12/1966    Ảnh tư liệu: TTXVN

 

Di chúc là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền” và nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Bác cũng dặn Đảng phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”, có như vậy mới thực hiện thành công lý tưởng xây dựng một xã hội mới, tiến bộ, văn minh. Đồng thời, Đảng phải giữ mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các đảng cộng sản và bè bạn quốc tế, dựa trên nguyên tắc “nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”.

Di chúc là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam, là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Di chúc là điểm kết tinh tư tưởng của Bác về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam, mối quan hệ giữa công bằng và tiến bộ xã hội, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá trong xây dựng xã hội mới, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại, động lực lợi ích và chăm lo chu đáo tới cuộc sống con người, tư tưởng trọng dân, coi dân là gốc, là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước. Di chúc như một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về quản lý xã hội.

Giá trị văn hoá của Di chúc chỉ dẫn con đường, mục tiêu phát triển của nền văn hoá Việt Nam; trù tính, dự liệu về những cuộc vận động lớn giáo dục văn hoá trong toàn dân, toàn xã hội, lấy văn hoá chính trị của Đảng Cộng sản cầm quyền và văn hoá trong thể chế nhà nước - một nhà nước dân chủ pháp quyền của dân, do dân, vì dân làm sức mạnh tiêu biểu nêu gương thuyết phục nhân dân. Qua lời dặn dò về việc riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến việc xây dựng một đời sống văn hoá mới; một lối sống tiết kiệm, không lãng phí; mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, môi trường sinh thái. Di chúc phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Người quan niệm, đổi mới là một tất yếu để phát triển; đổi mới là một cuộc đấu tranh bền bỉ, một quá trình xây dựng gian khổ, “là một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp”, là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Theo Hồ Chí Minh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện nước ta phải đặc biệt chú trọng phát huy khả năng sáng tạo của dân, “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. 

Bản Di chúc chỉ với 1000 từ, Người đã làm một tổng kết lớn lý luận và thực tiễn về cách mạng Việt Nam, về sự nghiệp của Đảng, của dân tộc mà Người một đời gắn bó, dấn thân và dâng hiến. Thấm nhuần nội dung và nhận thức sâu sắc hơn giá trị cốt lõi của bản Di chúc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện Di chúc của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân cả nước đã đứng lên, sức mạnh của cả dân tộc được huy động cao độ vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng đã tập trung sức lực và trí tuệ lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc cách mạng đưa cả nước đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn. Mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vượt lên gian khổ và thu được những kết quả hết sức quan trọng là khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh; thiết lập và củng cố chính quyền nhân dân trên phạm vi cả nước; phát triển sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế. Đồng thời tiến hành thắng lợi hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bước đầu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân. Thực hiện Di chúc của Người, trải qua 9 kỳ Đại hội Đảng, kể từ Đại hội IV đến Đại hội XII, Đảng ta đã ngày càng xác định rõ hơn những quan niệm về chủ nghĩa xã hội và về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, Đảng ta luôn coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, đồng thời ra sức xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển kinh tế - xã hội. Công cuộc đổi mới đất nước sau hơn 30 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

Để thực hiện những điều căn dặn về xây dựng Đảng của Bác viết trong Di chúc, Đảng ta đã xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong mỗi giai đoạn cách mạng. Xây dựng Đảng thực sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh. Việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng đã được đặt ra trong nhiều nghị quyết của Đảng, từ nghị quyết của các Đại hội đại biểu toàn quốc đến nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VIII, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Cùng với kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động và đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong Đảng và trong toàn xã hội để chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành tư tưởng chính trị chủ đạo trong đời sống của đất nước. Đảng luôn chú ý quan tâm chăm lo, xây dựng đào tạo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Đảng ta do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, ngay từ khi ra đời đã giương cao ngọn cờ xây dựng tinh thần quốc tế vô sản chân chính, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nâng cao vị thế đất nước trong hội nhập quốc tế.

Qua 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ đã đem lại những bài học kinh nghiệm vô giá về tinh thần lạc quan và bản lĩnh khoa học cách mạng của Đảng; sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; sự quan tâm đặc biệt sâu sắc tới thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước; chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; tinh thần cống hiến cho lý tưởng cách mạng.

50 năm đã qua, Di chúc thiêng liêng của Người với những giá trị tư tưởng to lớn, đặc sắc và trường tồn đã trở thành Cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

                                                                                    P.V

 

 *Tài liệu Ban TGTU.

 

 

 

Bài viết khác