Thứ ba, 08/10/2024

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020

Thứ ba, 31/03/2020

LÊ CHUNG

Trong những năm qua, công tác dân vận của các cấp ủy đảng ở tỉnh Ninh Bình đã được quan tâm đúng mức với nhiều cách làm hay, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng luôn quan tâm, kịp thời cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân vận thành các chương trình, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận trong từng giai đoạn cụ thể và hiệu ứng tích cực trong công tác dân vận, như: Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 13/3/2017 về “Tăng cường xây dựng và nâng cao vai trò, hiệu quả họat động của tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”; Quyết định số 1248-QĐ/TU ngày 15/4/2014 Quy định về “Lãnh đạo các cấp thực hiện đối thọai trực tiếp với nhân dân”; Quyết định số 140-QĐ/TU, ngày 01/3/2016 về phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách và các doanh nghiệp kết nghĩa với các xã có tính chất đặc thù;...

Các cấp ủy đảng đã chỉ đạo tăng cường thực hiện Quy chế dân vận của hệ thống chính trị; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền, các cơ quan, tổ chức với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác dân vân. Việc nắm bắt diễn biến tâm lý, tư tưởng của nhân dân, giải quyết kịp thời, thỏa đáng những vấn đề bức xúc nảy sinh từ thực tiễn; tổ chức động viên, khích lệ nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở được chú trọng thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng luôn tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động thảo luận, bàn bạc về các chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ, tổ chức đảng nhằm phát huy sáng kiến trong việc tổ chức họat động của mình, tạo sự thống nhất trong phương thức tiến hành công tác dân vận. Để công tác dân vận đi vào thực chất và có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, nhiều tổ chức đảng trong tỉnh đã xây dựng kế họach làm việc cụ thể, chi tiết với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Đó là định hướng nội dung, phương hướng họat động và đặc biệt coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho từng tổ chức, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về kết quả họat động, đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ đảng viên, Đảng đoàn, các chi bộ thuộc khối đoàn thể; kiện toàn Ban Dân vận các cấp, nhất là khối dân vận xã, phường, thị trấn, Ban Chỉ đạo tôn giáo, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế Dân Chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy trong lãnh đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; họat động giám sát, phản biện xã hội và đối thọai được các cấp ủy đảng tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, bước đầu đi vào nề nếp, ngày càng có hiệu quả rõ nét: đã chỉ đạo 100% thôn, xóm, tổ dân phố xây dựng, bổ sung hương ước, quy ước ở khu dân cư; chỉ đạo lựa chọn nội dung và ban hành chương trình giám sát, phản biện theo từng năm đảm bảo thiết thực, phù hợp, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương và của từng cơ quan; thực hiện có nề nếp quy định việc Bí thư cấp ủy các cấp hàng tháng tổ chức tiếp công dân định kỳ; chỉ đạo việc tổ chức đối thọai trực tiếp giữa thường trực cấp ủy cấp huyện với đại diện cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở và các tầng lớp nhân dân (quy định người đứng đầu các cấp ít nhất tổ chức đối thọai 1 lần/năm);... Trong 5 năm, Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức 07 cuộc đối thọai trực tiếp với cán bộ, hội viên, đoàn viên của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 10-QĐ/TU ngày 14/01/2019 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cụ thể thành “10 xây”, “10 chống” và chỉ đạo triển khai trong toàn Đảng bộ tỉnh; ban hành Quy chế văn hóa công sở và chuẩn mực ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động làm việc trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; chỉ đạo triển khai thực hiện việc phân công các đồng chí cấp ủy viên, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở định kỳ dự sinh họat chi bộ khu dân cư;... Từ đó, giúp các cấp ủy, chính quyền nắm chắc tình hình cơ sở, tập trung xem xét, giải quyết kịp thời những nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị các cấp.

Ban Thường vụ Tỉnh đã chủ động, sáng tạo trong việc lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, việc mới, việc khó cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân vận phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nổi bật là: Ban hành, chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện Quyết định số 140-QĐ/TU về phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách, doanh nghiệp kết nghĩa giúp đỡ các xã đặc thù (56 xã), thời gian thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020 và xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ. Đến nay, các cơ quan, đơn vị phụ trách phối hợp với doanh nghiệp kết nghĩa đã ủng hộ, giúp đỡ các xã đặc thù tổng giá trị trên 52 tỷ đồng, có 34 xã đặc thù trong tổng số các xã của tỉnh về đích nông thôn mới, được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao. Ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW “Về tăng cường xây dựng và nâng cao vai trò, hiệu quả họat động của tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”, trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định cụ thể chỉ tiêu hàng năm đối với từng tổ chức. Do vây, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động thành lập được 109 tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trong lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với tinh thần đổi mới, đề cao vai trò chủ thể của người dân, tỉnh đã bổ sung thêm 01 tiêu chí về sự hài lòng của người dân khi công nhận địa phương về đích nông thôn mới trước khi Trung ương ban hành tiêu chí này trong Bộ tiêu chí quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh có 101/118 xã, 02 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 01 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 03 xã và 28 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp đổi mới phương thức họat động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành gắn với thực hiện hiệu quả chủ đề “Năm dân vận chính quyền” của Ban Dân vận Trung ương. Ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tri số 27-TT/TU ngày 04/8/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước...”. Lãnh đạo UBND các cấp đổi mới phương thức điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường tiếp xúc, đối thọai với nhân dân, dành nhiều thời gian làm việc trực tiếp với các ngành, các địa phương, cơ sở, doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo chuyển biến rõ nét trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động,... góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức (chỉ số cải cách hành chính năm 2015 xếp thứ 14 toàn quốc, đến năm 2018 xếp thứ 9; chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức năm 2017, 2018 đều đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố).

Quan tâm chỉ đạo MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đổi mới nội dung, phương thức họat động theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả, sát cơ sở; chăm lo đến lợi ích của đoàn viên, hội viên và nhân dân; phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, khu dân cư; đa dạng các hình thức tập hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể, thiết thực gắn với việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; thực hiện nếp sống văn minh; đẩy mạnh họat động xã hội, nhân đạo, từ thiện; tích cực tham gia Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội (năm 2017 Quỹ tiếp nhận 48 tỷ đồng, năm 2019 tiếp nhận 23,3 tỷ đồng tiền ủng hộ). Đặc biệt, những năm qua, công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được tập trung thực hiện. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động triển khai thực hiện Quy chế, Quy định của Trung ương, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm các nội dung giám sát, phản biện xã hội; nội dung, đối tượng góp ý xây dựng Đảng, chính quyền gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, của các địa phương, đơn vị và những vấn đề được đông đảo nhân dân quan tâm (trong 5 năm, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã tổ chức trên 4.000 cuộc giám sát, gần 2.000 cuộc đối thọai và 14 cuộc phản biện). Quan tâm xây dựng mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư (toàn tỉnh đang hướng dẫn thực hiện 4.533 mô hình tự quản với 56.501 thành viên, trong đó có 3.479 mô hình họat động có hiệu quả). Công tác tôn giáo, dân tộc tiếp tục được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên; các họat động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra bình thường, tuân thủ theo quy định của pháp luật; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được đảm bảo. Đồng bào có đạo tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Xứ, họ đạo bình yên, chùa tinh tiến về an ninh trật tự”. Những sự kiện tôn giáo lớn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện tổ chức trang trọng và thành công tốt đẹp.

Điểm nổi bật trong công tác dân vận của các cấp ủy đảng, đó là kết quả lãnh đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Thông qua các hình thức “khéo vận động” của các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân đã được phát huy. Các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh đã đăng ký xây dựng và triển khai thực hiện 1.079 mô hình “Dân vận khéo”, giai đoạn 2018 - 2020 trên các lĩnh vực (trong đó có: 421 mô hình về phát triển kinh tế; 439 mô hình về văn hóa, xã hội; 121 mô hình về đảm bảo an ninh quốc phòng; 98 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị). Phong trào “Dân vận khéo” đã thực sự lan rộng trên tất cả các lĩnh vực, ở khắp các địa phương, đơn vị trong tỉnh, mang lại hiệu quả thiết thực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và giải quyết được những vấn đề mới nảy sinh có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, nhất là ở cơ sở. Nâng cao nhận thức, thấy rõ hơn trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên trong việc làm tốt công tác dân vận đối với tất cả mọi công việc và phải có phương pháp, nghệ thuật, khéo trong công tác vận động quần chúng, cũng là học tập và làm theo tư tưởng, phong cách “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận ở tỉnh Ninh Bình, đáp ứng yêu cầu tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

 

L.C

 

 

Bài viết khác