DIỆP CHI
Chào đón Xuân mới Giáp Thìn 2024, tỉnh Ninh Bình đã long trọng tổ chức Lễ hội Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II năm 2023, với chủ đề “Sắc màu di sản - Hội tụ và lan toả”. Đây là một sự kiện văn hóa - du lịch mang tầm quốc gia, cũng là thương hiệu lễ hội đặc sắc của Ninh Bình, nhằm kết nối các di sản, các trung tâm du lịch mang tính liên vùng, thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, khu vực. Trong một tuần diễn ra Festival (từ ngày 26- 31/12/2023) nhân dân Ninh Bình và du khách đã thực sự sống trong không khí tưng bừng của lễ hội với chuỗi các sự kiện di sản văn hóa nghệ thuật đặc sắc có tính kết nối và lan tỏa cao.
Tối 26/12, Lễ Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II đã chính thức khai mạc tại Khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, tiếp sóng trên đài truyền hình một số tỉnh, thành phố và các nền tảng số.
Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước phát biểu chỉ đạo
tại Lễ khai mạc Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II, năm 2023 Ảnh của MINH TUYỀN
Dự khai mạc có các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; ông Phô-Xay-Khảy Khăm-Phi-Thun, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cùng Phu nhân; Phó đại sứ, đại diện ngoại giao, đại sứ du lịch các nước: Trung Quốc, Lào, Hàn Quốc, Thái Lan, Iran cùng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Cùng lãnh đạo các Ban, Ủy ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước; Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh: Ninh Bình, Cà Mau, Hà Giang, Nam Định, Tuyên Quang; đại biểu tướng lĩnh lực lượng vũ trang; các cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế, Trung ương, địa phương cùng đông đảo nhân dân và du khách.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình, phát biểu khai mạc Festival Ninh Bình - Tràng An năm 2023. Bài phát biểu nêu rõ vị trí, tiềm năng, thế mạnh, giá trị di sản đã được khẳng định của Ninh Bình trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc và sau hơn 30 năm tái lập tỉnh. Kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được và tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo, Ninh Bình thực hiện nhất quán, kiên định phương thức phát triển "Xanh, Bền vững và Hài hòa", dựa trên cơ sở phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới; xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên các tiêu chí đặc thù của địa phương có di sản văn hóa vật thể sở hữu danh hiệu UNESCO, lấy tính chất đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo làm giá trị cốt lõi.
Tiếp nối thành công của Festival Tràng An kết nối di sản - Ninh Bình năm 2022, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, các vùng miền trong nước, quốc tế, tỉnh Ninh Bình tổ chức Festival Ninh Bình - Tràng An năm 2023. Đây là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định nỗ lực và năng lực của Ninh Bình trong tổ chức sự kiện văn hóa có quy mô lớn; phản ánh bức tranh đa sắc của di sản văn hóa các vùng miền trong cả nước được tỏa sáng trong không gian "sơn kỳ, thủy tú, động tiên" của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An với nghệ thuật trình diễn thực cảnh đặc sắc.
Lựa chọn Chủ đề năm 2023 là "Sắc màu di sản - Hội tụ và lan tỏa", Ninh Bình hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu lễ hội riêng, có tính chất thường niên, thu hút, mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa trong nước, quốc tế, tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các quốc gia, dân tộc góp phần thúc đẩy hòa bình và hợp tác phát triển.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước bày tỏ cảm xúc rất vui mừng tham dự Chương trình khai mạc Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II và tiếp tục khẳng định: Ninh Bình là vùng đất có bề dày lịch sử văn hoá, được thiên nhiên ưu đãi bởi cảnh quan tươi đẹp, đặc sắc, sở hữu các di tích - danh thắng với mức độ đậm đặc, nhất là Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới - di sản hỗn hợp duy nhất ở Đông Nam Á đến thời điểm hiện tại. Sự kết hợp giữa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã tạo nên những bản sắc ít nơi nào có được của vùng đất này. Xác định văn hoá là nguồn lực quan trọng hàng đầu, du lịch là thế mạnh nổi trội, Ninh Bình đã không ngừng đầu tư tu bổ, phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Việc đổi mới cách thức tổ chức Festival lần này cũng cho thấy quyết tâm của tỉnh về phát huy vai trò to lớn của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân biểu dương, đánh giá cao Ninh Bình cùng các địa phương trong cả nước đã có nhiều hoạt động gìn giữ, tôn vinh, phát huy giá trị các di sản văn hóa - tài sản quý báu, niềm tự hào của dân tộc ta. Mong rằng, Festival Ninh Bình - Tràng An tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, của Nhân dân và du khách ở trong và ngoài nước, trở thành một thương hiệu văn hóa đặc sắc của Ninh Bình, mang tầm quốc gia và quốc tế.
Phó Chủ tịch nước tin tưởng rằng, cùng với cả nước, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Ninh Bình tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, yêu nước, khát vọng vươn lên, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của vùng đất Cố đô Hoa Lư, quyết tâm xây dựng Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển công nghiệp văn hóa, là hình mẫu tiêu biểu kết hợp hài hoà giữa phục dựng, bảo tồn di sản với tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Sau phần Lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật hoành tráng diễn ra với thời lượng 40 phút trên nền sân khấu thực cảnh di sản Trành An do NSƯT Thanh Hằng viết kịch bản và tổng đạo diễn. Chương trình gồm 2 chương: Chương 1: Ninh Bình - Tinh hoa miền di sản; Chương 2: Ngàn tinh hoa hội tụ; gồm các tiết mục: Màu thời gian, Huyền tích Hoa Lư , Hương Tràng An, Hội Làng, Linh diệu non sông, Mô tê răng rứa, lý vãi chài, đất phương Nam của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Mạnh Tiến, Lư Nhất Vũ… Nội dung của chương trình là câu chuyện gần gũi, bình dị về con người văn hóa đậm bản sắc của vùng đất Ninh Bình, dấu ấn văn hóa Cố đô Hoa Lư, nét đẹp của các làng nghề truyền thống và những lễ hội dân gian, đồng thời nội dung cũng đề cập đến sự kết tinh văn hóa các vùng miền, phác họa một bức tranh sắc màu di sản, hội tụ và lan tỏa, đưa khán giả đến với trải nghiệm những sắc màu di sản của các vùng di sản trong cả nước. Đây là một chương trình được dàn dựng công phu như một vở diễn thực cảnh lần đầu tiên được tổ chức trong không gian huyền ảo của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Những tiết mục nghệ thuật đặc sắc tại chương trình được trình diễn bởi khoảng 700 diễn viên, nghệ sỹ, nghệ nhân cùng biểu diễn nghệ thuật múa đương đại, những màn khinh công chạy trên nước, vẽ thư pháp bằng nghệ thuật múa kết hợp với các yếu tố của sông, núi Tràng An hòa quyện cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, sử dụng công nghệ mới lazer, mapping để trình chiếu… cùng với sự tham gia của các giọng ca vàng: Quách Mai Thy, NSƯT Như Huỳnh, NSƯT Hoàng Thanh đã mang tới cho người xem trải nghiệm mới lạ về lịch sử, văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư và tinh hoa sắc màu văn hóa các vùng, miền đất nước. Có khoảng 10.000 đại biểu và nhân dân dự Chương trình khai mạc Festival.
Không khí tưng bừng, sôi động của Chương trình khai mạc chưa kịp vơi lắng, nhân dân và du khách lại được chìm đắm trong Chương trình “Di sản văn hóa Nam Bộ - Hành trình tiếp nối” diễn ra vào tối 28/12/2023 tại sân khấu thực cảnh khu Quần thể danh thắng Tràng An với thời lượng 95 phút do NSND Hữu Từ làm tổng đạo diễn. Đây là hoạt động biểu diễn Đờn ca tài tử - cải lương - âm nhạc dân gian Nam Bộ, tái hiện cuộc sống vùng đất Phương Nam - Nơi mà những điệu lý - câu hò - đờn ca tài tử gắn đã liền với cuộc sống người dân như máu thịt của minh... tái hiện những nét văn hoá đặc sắc nhất của vùng đất Phương Nam: Chợ nổi, đò ngang, đò dọc, kiếp thương hồ, những ngành nghề truyền thống, những tính cách đặc trưng nhất của con người đất phương Nam... Các tiết mục: Nhớ về Cúc Phương của nhạc sĩ Trần Chung, Hương sắc miền châu thổ tác giả Hoàng Song Việt, Giai điệu Lý phương Nam của Lý Bông Dừa, Dạ cổ hoài Lang của Cao Văn Lầu, Ông lão chèo đò của NSND Viễn Châu, Dòng đời - đi đâu cho thiếp theo cùng sáng tác của Phạm Duy, Nguyễn Huy, Hành trình trên 9 dòng sông, Tự tình đất phương Nam tác giả Lâm Hữu Tặng, Tìm anh chiều Đồng Giao của Thuận Yến, Ninh Bình quê mẹ của Tuấn Phương, Hẹn hò đất phương Nam của tác giả Châu Giang được truyền tải bằng chất liệu âm nhạc dân gian, đờn ca tài tử qua phần ca ngâm của các nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ cải lương Nam Bộ: NSND Thanh Tuấn, NSND Phương Loan, NSND Tấn Giao, NSƯT Như Huỳnh, NSƯT Cẩm Tiên, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Võ Thành Phê, Phương Dung, Huỳnh Nhật, Như Hà, Huỳnh Tấn Phong, NNƯT Tú Ngọc Đặng, NNDG Giao Thảo Vy, Ban nhạc tài tử của NSƯT Văn Môn, NNƯT Trần Văn Sơn, NNƯT Duy Kim, nhạc sĩ Thanh Hoàng, nhạc sĩ Minh Tiến và các hình thức biểu diễn như múa, xiếc ảo thuật được sử dụng để hỗ trợ cho không gian biểu diễn đã giúp khán giả thêm hiểu, thêm yêu vùng đất phương Nam.
Khép lại Lễ hội Festival Ninh Bình năm 2023 là chương trình nghệ thuật Bế mạc đặc sắc và đón chào năm mới 2024 đã được diễn ra vào tối 31/12/2023 với chủ đề “Di sản văn hóa Bắc Bộ, Trung Bộ”, thời lượng 120 phút do NSƯT Thanh Hằng viết kịch bản và làm Tổng đạo diễn. Tinh hoa di sản văn hóa Bắc Bộ và Trung Bộ được tái hiện trên nền nghệ thuật sân khấu thực cảnh tại khu du lịch sinh thái Thung Nham. Sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật kết hợp với dàn diễn viên là người dân bản địa hệ thống đạo cụ hỗ trợ quy mô lớn, dàn âm thanh ánh sáng tiên tiến mang đến cho người xem nhiều cảm xúc và sự thăng hoa. Đối thoại Kim - Cổ giữa truyền thống - đương đại, thể loại âm nhạc truyền thống Việt Nam được tiếp biến bởi các nghệ sĩ. Nhiều nhạc phẩm dân gian đương đại đã tạo được dấu ấn trong lòng công chúng. Mỗi ca khúc đều thấy thấp thoáng chất dân ca đặc trưng của mỗi vùng miền được kết hợp hài hoà với “chất” rock, pop, R&B…, do đó các nhạc phẩm đã thực sự cuốn hút người xem. Chương trình được chia làm 3 phần. Phần 1: Di sản văn hoa Bắc Bộ, giới thiệu những tinh hoa nghệ thuật di sản: Chèo, ca trù, xẩm, quan họ, hát văn... kết hợp với các yếu tố dân gian truyền thống tái hiện những tinh túy trong văn hóa Bắc Bộ Việt Nam. Phần 2: Văn hoá di sản Trung Bộ: Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Hò Mái Nhì, Hầu Văn Huế là những di sản văn hóa phi vật thể được sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư miền Trung. Một dải đất miền Trung với màu và vị rất riêng được tái hiện qua nhiều thủ pháp của dàn dựng, sân khấu, âm nhạc... Phần 3: Kết nối di sản - đón chào năm mới. Kết nối văn hóa dân tộc truyền thống và hiện đại. Khẳng định tính bền vững, kết nối - kế thừa của tinh hoa di sản. Chương trình gồm có các tiết mục: chèo cổ Thi Nhịp Vỡ Nước; Độc Thoại Thị Màu sáng tác Nguyễn Cường; Xẩm Ngược; Ca trù Đào Hồng Đào Tuyết phổ thơ Dương Khuê; Bèo Dạt Mây Trôi; Hát Văn Thăm Lại Cố Đô phổ thơ Thế Thụ; Làng Nồi; Tháng Giêng sáng tác Ngọc Thịnh; Hò Mái Nhì; Lý Mười Thương; Lý Ba Miền; Cô Đôi Thượng Ngàn; Mùa cây trổ lá sáng tác Đỗ Bảo; Em trong mắt tôi sáng tác Nguyễn Đức Cường; Sống như những đóa hoa sáng tác Tạ Quang Thắng; Gió Mùa Xuân Tới sáng tác Hoàng Trọng; Mùa xuân làng lúa làng hoa sáng tác Ngọc Khuê; Hơi thở mùa xuân sáng tác Dương Thụ; Đi để thêm yêu Việt nam sáng tác Tạ Quang Thắng; Nối vòng tay lớn sáng tác Trịnh Công Sơn. Cùng với sự góp mặt của các ca sĩ, nghệ sĩ ưu tú của Bắc bộ và Trung bộ như: NSND Mai Thuỷ, NSƯT Như Huỳnh, Lương Nguyệt Anh, Khánh Linh, Thanh Thanh Hiền, Xuân Diệu, Tuấn Kha, Á Quân Sao Mai Thu An, Đoàn Chèo Ninh Bình, Đoàn múa Ta Dance, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, nhóm Thanh Âm Xanh, Nhóm Dòng Thời Gian, Ban nhạc Ngũ Cung… Chương trình di sản văn hóa Bắc Bộ - Trung Bộ và Bế mạc Festival - Đón chào năm mới 2024 là một đêm nghệ thuật đặc sắc, sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng hiện đại, mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc với các loại hình nghệ thuật truyền thống của Bắc Bộ và Trung Bộ.
Chương trình đón chào năm mới với cách thức tổ chức đặc biệt kết hợp giữa di sản văn hóa hai miền Nam - Bắc với những bài hát dân gian kết hợp hiện đại do các ban nhạc nổi tiếng trình bày càng làm tăng thêm sự hấp dẫn, chuẩn bị đếm ngược đón chào năm mới.
Chương trình nghệ thuật tại lễ bế mạc Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II, năm 2023 và đón chào năm mới 2024 Ảnh của MINH TUYỀN
Phát biểu Bế mạc Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II, năm 2023 và đón chào năm mới 2024 h, đồng chí Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival Ninh Bình nêu rõ: Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ II năm 2023 là lần đầu tiên tỉnh Ninh Bình hướng đến mục tiêu xã hội hóa công tác tổ chức lễ hội. Các hoạt động được tổ chức theo hướng mở, tăng tính tương tác với cộng đồng và người dân, du khách có thể trực tiếp xem và tham gia vào các hoạt động của Festival. Với tinh thần tích cực, chủ động, trọng thị và hiếu khách, tỉnh Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức các chương trình, sự kiện Festival diễn ra an toàn, đặc sắc và thành công tốt đẹp.
Có thể khẳng định rằng: Trong lần thứ II tỉnh Ninh Bình tổ chức Festival, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, mang lại cho người xem những cách tiếp cận đa chiều về các di sản văn hóa, thiên nhiên của dân tộc, hướng tới xây dựng thương hiệu Festival của Ninh Bình thực sự trở thành một thương hiệu quốc tế - nơi kết nối, tụ hội, tôn vinh và lan tỏa các giá trị văn hóa, di sản tiêu biểu của dân tộc và nhân loại, góp những bước đi đầu tiên trong ý tưởng xây dựng công nghiệp văn hóa và thành phố di sản thiên niên kỷ tại tỉnh Ninh Bình.
Lễ hội Festival Ninh Bình - Tràng An “Sắc màu di sản - Hội tụ và lan toả” năm 2023 đã khép lại trong một tâm trạng bồi hồi, xao xuyến, chúng ta tự hào về vùng đất Cố đô linh thiêng trong bề dày lịch sử văn hóa ngàn năm; tự hào về quê hương Ninh Bình với những danh lam thắng cảnh của lung linh huyền ảo, của say đắm lòng người, và hẹn gặp lại ở Festival mùa sau với tên gọi Festival Ninh Bình - Dục Thúy Sơn trong tương lai./.
Nguồn: TC VNNB số 289-01/2024