LÊ CHUNG
Trong những năm qua việc thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Trung ương, của tỉnh đã được vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn của huyện Gia Viễn; từ một huyện thuần nông, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm, phần lớn là doanh nghiệp tư nhân, cá thể với quy mô nhỏ, đến nay trở thành huyện có tốc độ chuyển dịch cơ cấu, tăng trưởng kinh tế đứng đầu toàn tỉnh, hình thành rõ nét nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 29,29%/năm, giá trị sản xuất năm 2019 đạt 32.279,3 tỷ đồng, gấp 3,18 lần so với năm 2015; đến năm 2020 ước đạt 36.561,2 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ; đến cuối năm 2019 tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 78%, tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm 18,5%, tỷ trọng nông - lâm - thủy sản chiếm 3,5%. Cơ cấu sản xuất trong nội bộ các ngành kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của huyện, gắn với nhu cầu thị trường, bảo đảm phát triển theo hướng bền vững.
Với diện tích đất trồng lúa là 12.653,4 ha/năm, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Huyện đã xây dựng được vùng sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn, cơ cấu mùa vụ có sự chuyển biến tích cực, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị thương mại; năng suất lúa bình quân đạt 57,5 tạ/ha/năm; sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt 61.575,5 tấn/năm, bình quân lương thực đầu người năm 2019 đạt 503,9 kg/người/năm; giá trị sản xuất bình quân 1 ha canh tác từ 80,9 triệu đồng/ha năm 2015 tăng lên 95 triệu đồng/ha năm 2019 và năm 2020 ước đạt trên 100 triệu đồng/ha. Đến nay có 100% số xã đã hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch phát triển sản xuất phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng theo quy hoạch, ban hành và thực hiện nghiêm quy chế quản lý quy hoạch; đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thực hiện liên kết với các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp để lựa chọn một số giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như dưa, cà chua để phát triển thành vùng sản xuất 4 vụ/ha/năm với giá trị hàng hóa đạt 400 triệu đồng/ha/năm thuộc xã Gia Thắng và thị trấn Me. Qui hoạch và phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn (trên 50 ha) áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đến hết năm 2019, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 2.245,5 ha, sản lượng đạt 5.058,4 tấn (so với năm 2015: tăng 95,6% về diện tích và 108,2% về sản lượng); giá trị sản xuất toàn ngành thủy sản đạt 185,7 tỷ đồng/năm (tăng 100,7% so với năm 2015). Xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và bao tiêu sản phẩm như: mô hình trồng và chế biến dược liệu tại HTX Sinh Dược (xã Gia Sinh) qui mô vùng nguyên liệu 150 ha; mô hình trồng trọt, chăn nuôi lợn, gà hữu cơ tại Công ty S-Garden thuộc xã Gia Hòa qui mô 12 ha…
Huyện Gia Viễn đã và đang tập trung phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo hướng bền vững, an toàn như: Mô hình nhà lưới, rau an toàn, vùng sản xuất 04 vụ/năm, tổng diện tích từ 80 - 120 ha/năm đem lại giá trị trên một ha canh tác trên 300 triệu đồng/năm; đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá tập trung với diện tích 2.245,5 ha; chuyển đổi 135 ha cây màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như bưởi, mít, ổi có giá trị kinh tế cao hơn cho thu nhập từ 350 - 500 triệu đồng/ha/năm. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp và nông thôn được tăng cường. Hệ thống thuỷ lợi được đầu tư gần 800 tỷ đồng; đến nay 100% các trạm bơm lớn được nâng cấp; 100% kênh mương, kênh tưới cấp I được kiên cố hoá, 100% đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng ngành nghề dịch vụ và có chủ trương, giải pháp xây dựng thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm Gia Viễn, đó là: Thương hiệu mắm tép Gia Viễn, các món ăn ẩm thực, dưa bở, dưa lê Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Phương. Hợp tác xã nông nghiệp được tổ chức sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, đổi mới; một số hợp tác xã đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; tổng doanh thu năm 2019 của Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp đạt 46.750 triệu đồng (bình quân 820 triệu đồng/HTX), lãi 5.830 triệu đồng (bình quân 110 triệu đồng/HTX).
Chiều Vân Long Ảnh: BÙI TUẤN HẢI
Xác định phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là lợi thế, huyện Gia Viễn đã triển khai có hiệu quả các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các xã thuần nông ít hoặc chưa có nghề để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế; tích cực huy động mọi nguồn lực để xây dựng, cải thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Đặc biệt chú trọng cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, công khai, minh bạch, loại bỏ các khâu, các thủ tục không cần thiết trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký kinh doanh. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng bình quân 5 năm gần đầy ước đạt 35,15%/năm. Chú trọng công tác quy hoạch, làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm đạt 40,92%, năm 2020 ước đạt 30.810,6 đồng, gấp 5,55 lần so với năm 2015. Một số sản phẩm công nghiệp tăng mạnh sản lượng như lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, may mặc. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 01 khu công nghiệp (Gián Khẩu) và 03 cụm công nghiệp (Gia Vân, Gia Phú, Gia Lập) với 44 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh năm 2019 là 7.720 cơ sở, trong đó có 1.734 cơ sở công nghiệp, xây dựng; 5.986 cơ sở kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động với thu nhập ổn định từ 5 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng nhanh thu nhập khu vực nông thôn. Năm 2019 thu nhập khu vực nông thôn đạt 45,1 triệu/người/năm, tăng 29,6 triệu so với năm 2011. Một số làng nghề truyền thống (đan cót thôn Vân Thị, xã Gia Tân; mây tre đan thôn An Thái, xã Gia Trung; thêu ren thôn Lãng Nội, xã Gia Lập và thôn Vũ Đại, xã Gia Xuân…) được duy trì, đồng thời phát triển thêm một số nghề mới mang lại hiệu quả kinh tế như: xây dựng, đóng thuyền, sản xuất vật liệu xây dựng.
Bên cạnh lợi thế về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện cũng là địa phương có rất nhiều tiềm năng về du lịch, với 253 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó 51 di tích được xếp hạng (13 di tích xếp hạng Quốc gia, 38 di tích xếp hạng cấp tỉnh) với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh nổi tiếng như: Khu đền thờ Vua Đinh Bộ Lĩnh, Đức Thánh Nguyễn; khu du lịch tâm linh Núi chùa Bái Đính; động Địch Lộng; khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước Vân Long; suối nước nóng Kênh Gà... huyện Gia Viễn đã đề ra nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 07/KH-UBND của UBND tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; trong đó đã tập trung phát triển dịch vụ - du lịch, từng bước đưa du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, đồng thời đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch với văn hóa, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Huyện đã chủ động phối hợp với ngành du lịch xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết các khu du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống khách sạn, khu vui chơi hiện đại văn minh trên địa bàn, sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch. Chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, các di tích lịch sử - văn hóa; phát huy tối đa tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tâm linh; đa đạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với phát triển và quản lý Nhà nước về văn hóa. Đến nay toàn huyện có 74 cơ sở lưu trú, trong đó có 23 homestay với khoảng 1000 phòng; có 02 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 đến 2 sao, 04 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 đến 4 sao; số lượng khách bình quân mỗi năm ước đạt 3,85 triệu lượt (số lượt khách du lịch nước ngoài đạt 259.850 người); chất lượng du lịch không ngừng được nâng lên, được nhiều du khách trong và ngoài nước đánh giá cao.
Kết quả đạt được trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Gia Viễn cho thấy sự vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào hoàn cảnh thực tế cùng với những cách thức và bước đi phù hợp, huyện Gia Viễn đã giành nhiều kết quả rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, đến nay đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu do Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, chuẩn bị các điều kiện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong quý II năm 2020./.
L.C
(Nguồn: TC VNNB 240-7/2020)