BÙI HẰNG
Sáng ngày 12/12, tại Bảo tàng Vườn quốc gia Cúc Phương, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, Hội Văn học
Nghệ thuật Ninh Bình đăng cai tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển Văn học nghệ thuật địa phương gắn với giữ gìn, phát huy sắc thái văn hóa trong thời kỳ hội nhập và phát triển”.
Chủ trì Hội thảo có nhà thơ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đăng Hào, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình, đồng chủ trì có nhà văn Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương và nhà viết kịch Tô Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng. Tham dự Hội thảo có nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình; Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Quỳnh - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Hoa Lư; nhà nghiên cứu Trương Đình Tưởng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Ninh Bình, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội, Tổng Biên tập Tạp chí, Chánh văn phòng Hội, biên tập viên tạp chí và các văn nghệ sĩ tiêu biểu của các Hội VHNT thuộc nhóm hợp tác phát triển văn học nghệ thuật VN 8+4 (Yên Bái, Phú Thọ, Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc) và lãnh đạo Hội VHNT, Tạp chí các tỉnh Nam Định, Hà Nam cùng các phóng viên Báo, Đài của tỉnh Ninh Bình,… về dự và đưa tin Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đăng Hào, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh khẳng định: Xây dựng và phát triển Văn học nghệ thuật gắn với giữ gìn, phát huy và tôn vinh sắc thái văn hóa trong sáng tác ở mỗi địa phương là việc làm thường xuyên của các Hội Văn học Nghệ thuật. Chúng ta đã làm tốt và tiếp tục làm tốt hơn nữa để mỗi tác phẩm ở mỗi vùng đất ra đời thực sự rung động và cuốn hút hơn, lắng đọng và sâu sắc hơn tâm thế và tính cách con người của mỗi địa phương trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới và phát triển.
Thời gian qua, hoạt động văn học nghệ thuật của các tỉnh đại diện về dự Hội thảo đã bám sát cuộc sống sinh động và chân thực, sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, làm hành trang bồi đắp tâm hồn cho các thế hệ tiếp theo trên con đường đi tới, bổ sung làm giàu tính nhân văn của dân tộc, góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống tinh thần của nhân dân và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương và đất nước.
Đồng chí Phạm Thị Duyên, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí VNNB tham luận tại Hội thảo Ảnh của MINH TUYỀN
Trong mỗi vùng đất, mỗi địa phương đều có những sắc thái văn hóa riêng, những sắc thái văn hóa riêng ấy hòa quyện vào nhau trong dòng chảy qua thời gian bồi đắp nên những diện mạo văn học nghệ thuật và kết dính nhau thành bản sắc văn hóa dân tộc. Tất cả những điều đó đã kết tinh thành văn hóa và văn hóa ấy đã lan truyền, tỏa hương cho mỗi vùng đất, mỗi con người...
13 tham luận được gửi về Ban Tổ chức, trong đó có 10 tham luận của 10 Hội VHNT được trình bày tại Hội thảo. Các tham luận đều đề cập đến 3 nội dung chính: Thứ nhất là chỉ rõ những nét văn hóa đặc sắc trường tồn cùng với thời gian của mỗi vùng miền, làm nên văn hóa riêng biệt không nơi nào có, là cái nôi để nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác cho các văn nghệ sĩ. Cụ thể với Ninh Bình, trong tham luận: “Bản sắc văn hóa Ninh Bình là nền tảng khơi thức ngọn lửa đam mê sáng tạo của văn nghệ sĩ” của nhà báo Phạm Thị Duyên, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Ninh Bình, Tổng Biên tập Tạp chí VNNB đã nêu lên nét khái quát đặc sắc trong bản sắc văn hóa Ninh Bình như: Ninh Bình vốn là nơi giao lưu giữa văn minh sông Hồng với văn minh sông Mã. Trong lịch sử Ninh Bình còn là kinh đô của nước Đại Cồ Việt, tự ngàn xưa, dòng chảy văn hóa dân gian đã hòa quyện cùng hiện thực đời sống xã hội nội tại, sản sinh ra nền văn học nghệ thuật chính thống như các làn điệu chèo, nghệ thuật kiến trúc,… đặc biệt Ninh Bình là một trong những cái nôi của nền văn học viết Việt Nam; Với tỉnh Thái Bình, trong tham luận của đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đã khái quát: Thái Bình hiện có 3000 công trình kiến trúc cổ, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 6 lễ hội được công nhận Di sản ăn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, hàng trăm trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian mang đậm sắc thái văn hóa cổ truyền của người Việt Nam tiêu biểu là nghệ thuật chèo và múa rối nước; Với tỉnh Quảng Ninh có hơn 600 di sản văn hóa phi vật thể, 3 khu di tích cấp quốc gia đặc biệt, có bờ biển dài 250 km; Với tỉnh Bắc Giang có khu di tích cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, có khu lưu giữ kho Mộc Bản với 3050 bản ván khắc đã được UNESCO công nhận là di sản ký ức khu vực Châu Á; Với tỉnh Yên Bái có nét đặc sắc văn hóa của vùng đồng bào dân tộc Mông, Dao Thái, Tày, với Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Nghệ thuật Xòe Thái…; Thứ hai là đưa ra một số việc làm cụ thể ở từng địa phương góp phần khích lệ văn nghệ sĩ sáng tác về bản sắc văn hóa, góp phần bảo tồn, phát huy những nét văn hóa của mỗi địa phương, là những kinh nghiệm quý báu để các Hội thành viên học hỏi như: Tổ chức các trại sáng tác, thực tế sáng tác; tổ chức các cuộc thi; tích cực tuyên truyển, nâng cao nhận thức của văn nghệ sĩ trong việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; tổ chức triển lãm, công bố tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa đến với đông đảo công chúng; Thứ ba là chỉ ra một số nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới để phát triển nền văn học nghệ thuật của mỗi địa phương gắn với giữ gìn, phát huy sắc thái văn hóa trong thời kỳ hội nhập và phát triển như: Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác phát hiện năng khiếu, đào tạo, bồi dưỡng tác giả người dân tộc thiểu số; Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, ý thức bảo vệ giữ gìn bản sắc văn hóa trong từng văn nghệ sĩ; tạo điều kiện thuận lợi cho VHNT phát triển phong phú, mạnh mẽ và đa dạng…
Trong khuôn khổ Chương trình Hội thảo, các Hội VHNT của nhóm còn tham quan Bảo tàng Rừng Quốc gia Cúc Phương, được tìm hiểu các loài côn trùng, các loài thú, các loài cây đang sinh sống trong Rừng quốc gia Cúc Phương; được đi thực tế tại Rừng quốc gia Cúc Phương, tìm hiểu về đặc điểm sinh trưởng và phát triển của các loài cây gỗ quý, được thăm cây chò hàng nghìn năm tuổi. Chuyến thực tế đem lại nhiều hiểu biết, nhiều điều mới lạ trong khu rừng nguyên sinh cùng với những thông điệp giá trị về bảo vệ và cân bằng môi trường sinh thái.
Tại Hội thảo, Hội VHNT tỉnh Ninh Bình đã trao quyền đăng cai Hội thảo lần sau cho Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng.
Đây là Hội thảo thường niên của nhóm Hợp tác phát triển VHNT VN 8+4, để cùng nhau trao đổi, học tập những kinh nghiệm quý ở mỗi địa phương, cùng nhau xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật ngày càng xứng tầm với sự phát triển chung của địa phương, của đất nước.
B.H
(Nguồn: TC VNNB 275+276 tháng 1/2023)