Thứ bảy, 12/10/2024

Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam

Thứ ba, 12/09/2023

TRUNG KIÊN

Sáng 25/7/2023, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã long trọng diễn ra Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2023). Lễ kỷ niệm vinh dự được đón Tổng Bí Thư Nguyễn Phú trọng về dự và có bài phát biểu chỉ đạo.

Về dự lễ kỷ niệm có các Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; các  uỷ viên TW Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đông đảo các văn nghệ sĩ đại diện cho hơn 40.000 người làm công tác sáng tạo văn học nghệ thuật trong cả nước thuộc 10 Hội chuyên ngành Trung ương và 63 Hội Văn học nghệ thuật cấp tỉnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (1948-2023)

                                                                                                                             Ảnh của NGUYỄN ĐÌNH THI 

Trong không khí trang trọng, sâu lắng, bồi hồi của buổi lễ kỷ niệm, PGS, TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã thay mặt Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đọc diễn văn ôn lại quá trình thành lập và phát triển của Liên hiệp trong 75 năm qua (25/7/1948 – 25/7/2023). Tháng 6 năm 1943, hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam được thành lập không lâu sau khi Đảng ta công bố bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam (tháng 2/1943). Đây là dấu mốc quan trọng để Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời 5 năm sau đó tại khu Dộc Phát, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Ngay từ khi ra đời, Hội Văn nghệ Việt Nam đã thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa văn hoá và văn nghệ. Hội Văn nghệ Việt Nam tự nguyện là thành viên của Hội Văn hoá Việt Nam, tham gia mặt trận đoàn kết dân tộc thống nhất, thực hiện những nhiệm vụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra trong thư gửi Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ 2: Văn hóa cần đi sâu vào quần chúng lao động, sáng tác lưu lại để đời (cho hôm nay và mai sau, cho công chúng trong nước và quốc tế) những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng đáng với truyền thống và sự nghiệp vĩ đại, những trang vàng của lịch sử dân tộc.

75 năm qua, Hội văn nghệ Việt Nam trải qua 10 kỳ Đại hội, phát triển về quy mô tổ chức và đội ngũ: từ Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 - 1957), đến Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam (1957 - 1995) và nay là Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tập hợp hơn 40.000 văn nghệ sĩ sinh hoạt trong 10 Hội chuyên ngành Trung ương và 63 Hội văn học nghệ thuật các tỉnh, thành trong cả nước.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc trải qua các chặng đường lịch sử cam go từ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Liên hiệp là tổ chức quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, bao gồm các văn nghệ sỹ - trí thức hoạt động trong các lĩnh vực: sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, sưu tầm, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật. Đội ngũ văn nghệ sĩ được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm sâu sắc; luôn một lòng một dạ đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Dưới mái nhà chung ấm áp và nghĩa tình, các thế hệ văn nghệ sỹ Việt Nam đã góp phần xứng đáng vào việc xây dựng nền văn học nghệ thuật mới của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn cao cả, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, văn học nghệ thuật Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất (1987), Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai (2008), Huân chương Sao vàng (2018). Tính đến tháng 5/2023, đã có 136 văn nghệ sĩ (tác giả và đồng tác giả) được trao tặng và truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; 665 văn nghệ sĩ (tác giả và đồng tác giả) được trao tặng và truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.  Hàng trăm văn nghệ sĩ được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng các lực lượng vũ trang và các Huân chương cao quý: Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động. 452 văn nghệ sĩ được tặng thưởng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 2.621 văn nghệ sĩ được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và hàng trăm nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú.

Trong bài diễn văn, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đại diện văn nghệ sĩ trong cả nước bày tỏ niềm xúc động biết ơn đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, của Bác Hồ trong suốt 75 năm qua; biết ơn Nhân dân, đồng bào, đồng chí, đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, chở che, đùm bọc văn nghệ sĩ trong thời kỳ khó khăn gian khổ để họ sống và sáng tác trong lòng Nhân dân, phục vụ Cách mạng, phục vụ Tổ quốc; đồng thời bày tỏ lòng kính trọng tưởng nhớ và tri ân các lớp văn nghệ sĩ tiền bối đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, để lại cho nền văn nghệ kháng chiến những tác phẩm bất hủ; cảm ơn bạn bè quốc tế, các văn nghệ sĩ - kiều bào đã sát cánh ủng hộ, quảng bá, giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài. Trong thời gian tới, đội ngũ văn nghệ sĩ nhận thức sâu sắc hơn nữa trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân không ngừng nỗ lực rèn luyện, tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phát huy tối đa sức sáng tạo của văn nghệ sĩ để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao ý thức trách nhiệm phản biện xã hội.

Tại buổi Lễ, các đại biểu văn nghệ sĩ đã phát biểu đóng góp, bổ sung toàn diện, đầy đủ và sâu sắc lịch sử hình thành phát triển hào hùng, truyền thống quý báu, vẻ vang và sự đóng góp to lớn, rất quan trọng của Liên hiệp Hội và đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà trong suốt 75 năm qua.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rất vui mừng trước bước trưởng thành đầy ấn tượng mà anh chị em văn nghệ sĩ dưới mái nhà chung của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã đạt được trong 75 năm qua. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, biểu dương và cảm ơn những kết quả, thành tựu, đóng góp to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà, của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng nêu rõ những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục. Đặc biệt là tình trạng vẫn còn một số người phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Tác phẩm của họ thường xa rời thực tiễn đời sống của đất nước, của Nhân dân. Một số phát ngôn, viết hồi ký, sách báo, trang điện tử, sử dụng YouTube có nội dung thiếu xây dựng, thậm chí rất cực đoan. Cá biệt có hiện tượng "bôi đen" giá trị thiêng liêng của lịch sử, của chế độ, đề cao quá mức cái "tôi" để kêu gọi tự do sáng tác... phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn học nghệ thuật

Tổng Bí thư nêu rõ, Đảng ta đã luôn luôn khẳng định: "Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam" trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn luôn mong đợi và tin tưởng vững chắc rằng, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam sẽ luôn luôn đồng hành cùng Dân tộc và sự nghiệp đổi mới của Đảng; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng quý báu, rất vẻ vang của mình; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hoá, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới. Để tạo điều kiện cho Văn học, nghệ thuật phát triển, Đảng và Nhà nước luôn luôn khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mỗi người nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo; vừa có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của Việt Nam hôm nay. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, văn học nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn luôn cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật thông qua các cơ chế, chính sách như: Hỗ trợ tài chính, mở trại sáng tác, đi thực tế, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng văn nghệ; huy động mọi nguồn lực, cả về vật chất và tinh thần, để văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và cống hiến nhiều hơn nữa trong những năm tới.Phải coi đây vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, xuất phát từ yêu cầu của cuộc sống, là sự nghiệp chung của tất cả chúng ta.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam từ Trung ương đến địa phương tăng cường củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động; tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ hoạt động và đóng góp cho sự phát triển nước nhà; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động; làm tốt công tác chính trị tư tưởng đối với các văn nghệ sĩ để anh chị em nhận thức sâu sắc hơn nữa trách nhiệm vẻ vang của mình đối với Tổ quốc, với nhân dân và dân tộc. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam các cấp đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành thật tốt trọng trách của mình; tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị, cũng như đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ văn nghệ sĩ; động viên anh chị em có nhiều đóng góp tài năng, trí tuệ vào sự phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật cao quý của nước nhà.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật"
và tặng hoa chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng       Ảnh của NGUYỄN ĐÌNH THI 

Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt các văn nghệ sĩ trên cả nước, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam đã trân trọng trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học, nghệ thuật Việt Nam tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu chụp ảnh chung               Ảnh của NGUYỄN ĐÌNH THI 

Trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ đã được khẳng định và đánh giá cao. Tài năng và nhiệt huyết của anh chị em văn nghệ sĩ đóng góp xứng đáng vào việc hình thành hệ giá trị mới, xây dựng nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam mới - yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo. Hy vọng và tin tưởng trong tương lai, trên mảnh đất thân yêu hình chữ S sẽ xuất hiện thêm nhiều những bậc hiền tài làm rạng rỡ vẻ vang Tổ quốc Việt Nam.

                                                                                                                                                                                                                T.K

                                                                                                                                                                                        (Nguồn: TC VNNB 283-8/2023)

Bài viết khác