Thứ bảy, 12/10/2024

Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới

Thứ tư, 28/09/2022

MINH DƯƠNG

Từ ngày 2 - 5/8, tại thị trấn Thiên Cầm (Hà Tĩnh), đã diễn ra Hội nghị tập huấn “Những vấn đề cơ bản đặt ra đối với văn học, nghệ thuật trước yêu cầu mới” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức.

Hội nghị tập huấn có sự tham dự của 275 học viên là lãnh đạo Ban Tuyên giáo phụ trách văn hóa - văn nghệ; lãnh đạo các Hội Văn học, Nghệ thuật; lãnh đạo các cơ quan báo chí văn nghệ, lãnh đạo phòng văn hóa - văn nghệ các Ban Tuyên giáo; những người làm công tác quản lý văn hóa - văn nghệ; phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình, nhà xuất bản văn hóa - văn nghệ; giảng viên các trường đại học về văn hóa, văn học, nghệ thuật đến từ 29 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và một số tỉnh phía Nam. Tỉnh Ninh Bình có 8 học viên là lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật; cán bộ phòng khoa giáo văn xã Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; phóng viên, biên tập lý luận phê bình, văn xuôi Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình; Đài Phát thanh Truyền hình Ninh Bình cùng tham dự.

Đại biểu và học viên tham dự Hội nghị                  Ảnh của MINH TUYỀN

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS. TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khẳng định: hội nghị tập huấn năm 2022 nhằm giúp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và những người hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ nắm bắt tình hình, nâng cao nhận thức, năng lực quản lý và kỹ năng nghề nghiệp; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ công tác văn hóa - nghệ thuật từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021. Đồng chí nêu rõ, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tháng 11/2021, trước bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến đổi nhanh chóng, một số vấn đề đặt ra được xác định là quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay mà văn học - nghệ thuật (VHNT) có nhiệm vụ đặc biệt lưu tâm là: Xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập quốc tế; Phòng, chống dịch COVID-19, gắn với phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước; Bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài; Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bên cạnh thuận lợi là cơ bản, đã xuất hiện những thách thức đòi hỏi VHNT không ngừng phát triển, thích ứng, đổi mới như: Toàn cầu hóa và vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong VHNT, xây dựng “quyền lực mềm” quốc gia thông qua VHNT, mối quan hệ truyền thông số và khoa học - công nghệ với VHNT... Giải pháp để VHNT đáp ứng vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hiện nay: Trước hết, cần tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước; đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới đất nước; từng bước xây dựng hệ thống lý luận VHNT Việt Nam.

Sau khi phân tích các tình hình, đồng chí Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương đề nghị: Các đồng chí học viên nghiêm túc thực hiện nội quy, quy chế của Hội nghị tập huấn; tiếp thu đầy đủ nội dung chuyên đề do các ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương truyền đạt.

Đồng chí Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh phát biểu chào mừng Hội nghị và cảm ơn Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã lựa chọn Hà Tĩnh để tổ chức Hội nghị tập huấn lần này. Đây không chỉ là hoạt động có ý nghĩa đối với nền văn học, nghệ thuật nước nhà, mà đây còn là dịp để các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, những người làm công tác tuyên giáo, quản lý văn hóa, báo chí và đội ngũ văn nghệ sĩ của cả nước cũng như Hà Tĩnh được chia sẻ, trao đổi, học tập những kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, nhằm tiếp tục xây dựng văn hóa, con người Hà Tĩnh, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần cho sự phát triển của tỉnh. Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy cũng đã giới thiệu về những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của đất và người Hà Tĩnh, một số địa danh di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh đến các đại biểu, học viên tham dự hội nghị. Đồng thời thông tin nhanh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mong muốn lãnh đạo Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy, các cơ quan báo chí, những người làm công tác nghiên cứu, sáng tạo và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tiếp tục quan tâm, ủng hộ Hà Tĩnh nhiều hơn nữa, đặc biệt có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật viết về mảnh đất, văn hóa và con người Hà Tĩnh nhằm quảng bá, giới thiệu Hà Tĩnh đến bạn bè trong và ngoài nước, để Hà Tĩnh thực sự là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, của du khách trong và ngoài nước

Ngay sau khai mạc đến hết ngày 5/8, các học viên tham gia Hội nghị tập huấn đã được nghe các giảng viên trao đổi 7 chuyên đề quan trọng, cấp thiết trong tình hình mới, đó là: 1. Chuyên đề “Vấn đề xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay” do GS. TS. Hồ Sĩ Quý, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam trình bày; 2. Chuyên đề “Tiếp thu, vận dụng các lý thuyết văn nghệ nước ngoài vào điều kiện thực tế Việt Nam hiện nay”- PGS. TS. Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Nguyên Viện trưởng Viện Văn học trình bày; 3. Chuyên đề “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các Hội Văn học, Nghệ thuật - hỗ trợ thực thi quyền tác giả trong sáng tạo văn học, nghệ thuật”- PGS. TS. Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trình bày; 4. Chuyên đề “Tình hình văn xuôi hiện nay”- Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng, Đại học Quốc gia Hà Nội làm giảng viên; 5. Chuyên đề “Từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, những vấn đề đặt ra cho hôm nay và nhiều năm tới”- PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương trực tiếp lên lớp; 6. Chuyên đề “Âm nhạc Việt Nam trên không gian mạng” - PGS. TS. Nguyễn Thị Mỹ Liên, Khoa Âm nhạc, Đại học Sài Gòn trình bày; 7. Chuyên đề “Nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, bảo đảm tự do trong sáng tạo văn học, nghệ thuật” - PGS. TS. Phạm Quang Long, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày.

Sau khi tiếp thu những nội dung của các chuyên đề quan trọng, cấp thiết trong tình hình mới mà các Giáo sư, Tiến sĩ truyền đạt tại Hội nghị lần này. Các học viên đều nhận thức rõ đây là những yêu cầu cần thiết, sát với yêu cầu của nhiệm vụ chính trị giai đoạn tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nhiệm vụ phát triển văn hóa được nêu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021; sát với thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật và chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng. Góp phần nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý, kỹ năng nghề nghiệp, góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó giúp đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ nắm bắt sát, đúng tình hình thực tiễn để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Các học viên đã viết bài thu hoạch tại chỗ về các vấn đề mà văn học, nghệ thuật đặc biệt lưu tâm.

Đoàn Ninh Bình đi thực tế tại Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du.                       Ảnh: PV

Trong khuôn khổ chương trình của Hội nghị, đại biểu và học viên còn tham gia các hoạt động tham quan thực tế một số di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh: Khu lưu niệm Nguyễn Du, Khu di tích Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, ngắm cảnh nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực tại bãi biển Thiên Cầm và thực tế tại các làng nghề của thị trấn Thiên Cầm.

Phát biểu bế mạc hội nghị, ngày 5/8, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã nhấn mạnh: Thông qua hội nghị tập huấn, đội ngũ cán bộ nghiên cứu, người làm công tác tuyên giáo, quản lý văn hóa, báo chí và đội ngũ văn nghệ sĩ được củng cố, nắm vững quan điểm, đường lối phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật của Đảng, Nhà nước - nhất là những vấn đề đặt ra trong phát triển văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2022 và định hướng, giải pháp phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; vấn đề xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay; vấn đề tiếp thu, vận dụng các lý thuyết văn nghệ nước ngoài vào điều kiện thực tế Việt Nam; nâng cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật, bảo đảm quyền tự do trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; vấn đề đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các Hội Văn học, Nghệ thuật; hỗ trợ thực thi quyền tác giả trong sáng tạo văn học, nghệ thuật; nắm bắt thông tin về tình hình văn xuôi, âm nhạc trên không gian mạng hiện nay... Trên cơ sở đó, trao đổi kinh nghiệm xử lý một số vấn đề thực tiễn nhằm nâng cao năng lực xử lý các tình huống nảy sinh trong đời sống văn học, nghệ thuật ở các địa phương, đơn vị. Đây là những yêu cầu cơ bản, cần thiết, trực tiếp góp phần nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý, kỹ năng nghề nghiệp, góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, làm lành mạnh đời sống văn hóa - văn nghệ của đất nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Kết thúc chương trình tập huấn, Ban Tổ chức Hội nghị và lãnh đạo Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã chấm bài thu hoạch và trao Giấy Chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn cho các đại biểu tham gia.

M.D

(Nguồn: TC VNNB 269-9/2022)

 

Bài viết khác