Yêu thơ là một trong những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Kế thừa truyền thống này, hàng năm vào dịp rằm tháng Giêng Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Ninh Bình tổ chức ngày hội dành cho những người yêu thơ, và cùng nhau thưởng thức thơ, tôn vinh những người say mê sáng tác thơ, cùng chia sẻ công việc sáng tạo nghệ thuật thi ca. Ngày 25/2/2924 (tức ngày 16 tháng Giêng năm Giáp Thìn), với chủ đề “Bản hòa âm đất nước” Hội VHNT Ninh Bình long trọng tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 tại thành phố Ninh Bình.
Đến dự và chung vui với anh chị em văn nghệ sĩ có đại biểu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo… đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình văn học, nhạc sĩ… các phóng viên báo đài trong tỉnh và các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại Ninh Bình.
Vào rằm tháng Giêng năm Mậu Tý (1948) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tác bài thơ Nguyên tiêu, miêu tả cảnh đêm trăng, và buổi họp bàn việc quân trên sông nước ở chiến khu Việt Bắc, khởi đầu kế hoạch cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cách nay 60 năm, xuân Giáp Thìn 1964, Bác Hồ kính yêu của chúng ta có thơ chúc tết đồng bào, đồng chí, kiều bào ta ở nước ngoài. Năm 1964 là giai đoạn miền Bắc đi lên xây dựng CNXH để làm hậu phương lớn vững chắc cho miền Nam tiền tuyến lớn. Với không khí thi đua quyết tâm chi viện sức người, sức của cho quân và dân miền Nam đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, đi đến thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà.
Mở đầu chương trình Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”, Nghệ sĩ Bùi Thanh Vân đã trình bày 2 bài thơ “Nguyên tiêu” và thơ “Chúc tết năm Giáp Thìn 1964” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một bậc thi nhân, một chiến sĩ Cách mạng lỗi lạc.
Trong lời khai mạc Ngày thơ, Nhà thơ, NSNA Nguyễn Đăng Hào, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh nhấn mạnh: Ngày thơ Việt Nam năm nay diễn ra trong không khí thi đua với nhiều sự kiện, kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh, nhất là hướng tới kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Sự kiện này có ý nghĩa cho những cảm xúc, sáng tạo tươi mới của người cầm bút viết về quê hương, đất nước. Những người làm văn học nghệ thuật nói chung làm thơ nói riêng rất tự hào được sinh ra, lớn lên trên quê hương Ninh Bình yêu dấu, miền đất từ trong sâu thẳm đã nuôi dưỡng khát vọng, nhân văn để rồi nở hoa, kết trái, bừng lên từ trong gian khó. Miền đất mà thiên nhiên như muốn tìm về bầu bạn với con người... Dân tộc ta là một dân tộc yêu thơ, cùng với sự hình thành và phát triển của đất nước đã có một nền thi ca luôn thể hiện trách nhiệm cao trước cộng đồng, trước thời đại. Đất nước đi lên trang nào cũng in đậm dấu ấn của thơ. Các thế hệ người Việt Nam ta được nuôi dưỡng tinh thần bằng rất nhiều những áng thơ ca tuyệt tác. Thơ đã bắt rễ trong con người Việt Nam và người Ninh Bình, thơ có mặt trong đời sống hôm qua, hôm nay và suốt những mai sau. Nhờ yêu thơ, con người biết sống với nhau tốt hơn, tha thứ cho nhau nhiều hơn bất cứ một tình yêu nào có trong cuộc sống. Khi nào con người còn yêu cái đẹp thì còn có thơ làm nền, làm điểm tựa dọc con đường vươn tới sự hoàn thiện và chính thơ làm cho thế giới nội tâm của mỗi con người phong phú, giàu có, nhân văn. Những khi trống vắng nhất, người ta hay ngẫm ngợi một đôi câu thơ, lúc ấy thơ là bà đỡ, chia sẻ, giải tỏa nỗi buồn. Thơ là những cung bậc tình cảm của tâm hồn luôn khát khao, vươn tới những giá trị nhân văn...
Phong trào sáng tác thơ của các tác giả Hội VHNT Ninh Bình ngày một nâng cao chất lượng. Nhiều tập thơ đã được xuất bản, nhiều bài thơ đã được giới thiệu trên sách báo Trung ương. Có những tập thơ đã được nhận giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, có những bài thơ, chùm thơ giành giải cao của các cuộc thi thơ của báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội và một số báo chí Trung ương. Đặc biệt thơ Lục bát Ninh Bình được bạn bè văn chương trong cả nước ưu ái trìu mến gọi là Miền lục bát Cố đô. Thơ, một loại hình Văn học nghệ thuật luôn hướng con người tới chân, thiện, mĩ. Các tác giả thơ nói riêng và văn nghệ sĩ Ninh Bình nói chung, bằng những tác phẩm Văn học nghệ thuật đặc sắc cũng đang góp sức mình vào công cuộc xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày một văn minh, giàu đẹp.
Ngày thơ Việt Nam năm nay tập trung vào các nội dung đề cập đến sức sống mới, sức vươn lên của từng vùng đất, con người trong lao động, trong bảo vệ Tổ quốc góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đi vào cuộc sống. Đồng thời có những bài thơ, ca khúc ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tinh thần sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ đất nước quê hương.
Các bài thơ trong Ngày thơ năm nay hầu hết là những tác phẩm mới được các tác giả sáng tác. Thơ viết về quê hương: “Một thoáng Thung Nham” của tác giả Nguyễn Đình Vân; “Nắng cố hương” của tác giả Bùi Thị Nhài; “Phía ấy là quê” của tác giả Vũ Thành; “Buổi sáng ở rừng” của tác giả Mai Lệ Hằng. Những câu thơ đằm thắm, da diết về quê hương Ninh Bình, mảnh đất Cố đô lịch sử, mảnh đất được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nơi phát tích của ba triều đại với nhiều di tích lịch sử.
Thơ viết về tinh thần sáng tạo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Khát vọng vươn mình” của tác giả Nguyễn Văn Viết”; “Bên đường tuần tra” của tác giả Cầm Thị Đào; “Bản hòa âm đất nước” của tác giả Nguyễn Khánh Ngọc. Với những câu thơ hào sảng, thể hiện tinh thần của người lao động và của các chiến sĩ ngày đêm vững tay súng bảo vệ Tổ quốc.
Thơ viết về tình cảm, tình yêu có: “Qua mỗi mùa đông” của tác giả Nguyễn Thị Liên; “Tháng giêng” của tác giả Trần Lâm Bình; “Một chút mùa đông” của tác giả Tạ Ngọc Hùng; “Chim én bay về phố cổ” của tác giả Võ Ngột. “Về với mẹ” của tác giả Trần Lộc. “Nhặt duyên mùa cũ” của tác giả Lê Tuấn Nam. Ở đề tài này các tác giả đã thể hiện được tình cảm của mình với quê hương với những người thân yêu. Lời thơ nhẹ nhàng mà sâu sắc, đưa người nghe vào với những hoài niệm, quá vãng với những kỷ ức không bao giờ nhạt phai.
Viết về Ngày thơ, viết về thế thái nhân tình thể hiện quan niệm sống, truyền tải chân thiện mỹ tới bạn đọc có; “Sen” của tác giả Nguyễn Mạnh Cường; “Viết trong đêm nguyên tiêu” của tác giả Vũ Đức Thanh; “Hoài niệm tháng giêng” của tác giả Đinh Trung Hưng. Những triết lý nhỏ nhẹ quan niệm sống thiện lương mảng đề tài này đã để lại ấn tượng nhất định.
Trong Ngày thơ lần thứ 22 của Hội VHNT Ninh Bình, Ban tổ chức đã có một cuộc tọa đàm với 3 nhà thơ đại diện cho 3 thế hệ thơ Ninh Bình. Đó là các nhà thơ Thanh Thản, Nhà thơ Nguyễn Thị Bình, Nhà thơ Nguyễn Quỳnh Anh.
Nhà thơ Thanh Thản đến với thơ từ những ngày còn mặc áo lính ở chiến trường Đông Nam bộ. Rời quân ngũ, dường như ông đã dành cả đời mình cho thơ ca. Nhà thơ đã xuất bản 6 tập thơ, tập thơ nào cũng để lại dư âm trong bạn đọc, đặc biệt tập thơ “Mái Phố” của nhà thơ đã nhận được giải B, của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Trong tọa đàm nhà thơ Thanh Thản đã ôn lại những kỷ niệm chọn thơ, phát động làm thơ, in thơ trên Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình những ngày ra số đầu tiên.
Nhà thơ Nguyễn Thị Bình không những là nhà Lý luận phê bình văn học, có nhiều bài cảm nhận về thơ, có 3 tác phẩm là công trình nghiên cứu và cảm nhận văn chương được xuất bản, trong đó có 2 tác phẩm được giải thưởng của UBTQ Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, chị còn là người đam mê với thơ. Thơ của chị không chỉ xuất hiện thường xuyên trên báo chí, mà còn được các Nhà xuất bản ấn hành 2 tập thơ. Trong tọa đàm chị đã chia sẻ suy nghĩ về thơ và một chút cảm nhận về các tác giả thơ và các tác phẩm thơ Ninh Bình 30 năm qua.
Ngoài giảng dạy môn ngữ văn ở trường THPT, tác giả Nguyễn Quỳnh Anh còn dành sự say mê của mình vào với thơ ca. Mươi năm lại đây bạn đọc biết đến thơ của anh qua tập thơ “Gửi lại nhà quê”, NXB Văn học ấn hành và rất nhiều những bài thơ được đăng tải trên sách báo trung ương và địa phương. Thơ của tác giả Nguyễn Quỳnh Anh như một làn gió trong trẻo ngọt lành nhè nhẹ thấm vào lòng bạn đọc. Hình ảnh quê hương với cây đa bến nước sân đình, với những người nông dân hiền lành chất phát cần cù cày cấy trên cánh đồng trở thành những bức tranh khi lung linh rực rỡ, lúc trầm lắng gợi cảm như những bức tranh thủy mặc. Anh tâm sự về thuận lợi, khó khăn của những người làm thơ trẻ.
Cùng sự kiện Tổ chức Ngày thơ lần thứ 22 trong tỉnh.
Tại thị trấn Nho Quan, ngày 21/2/2024 (tức ngày 12 tháng giêng năm Giáp Thìn) Chi hội Văn học nghệ thuật huyện Nho Quan kết hợp cùng Câu lạc bộ thơ Việt Nam huyện Nho Quan đã tổ chức ngày thơ lần thứ 22. Các đồng chí lãnh đạo Hội VHNT tỉnh, lãnh đạo Câu lạc bộ thơ Việt Nam tại Ninh Bình, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy, Phòng Văn hóa Thể thao huyện, đông đảo các tác giả thơ, công chúng yêu thơ của huyện Nho Quan đã tới dự. Một chương trình ca múa nhạc đặc sắc của các đội văn nghệ quần chúng, đội văn nghệ của đồng bào Mường đã được biểu diễn. Gần 20 bài thơ đã được giới thiệu thể hiện sự phong phú của phong trào thơ huyện Nho Quan.
Ngày 22/2/2024 (tức ngày 13 tháng giêng năm Giáp Thìn) tại Thành phố Tam Điệp, Chi hội VHNT thành phố kết hợp Câu lạc bộ thơ Việt Nam thành phố Tam Điệp đã long trọng tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22. Tới dự có các đồng chí lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, lãnh đạo Câu lạc bộ thơ Việt Nam tỉnh Ninh Bình, lãnh đạo UBND thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Dân vận thành ủy, Phòng Văn hóa thể thao thành phố, các tác giả thơ, công chúng yêu thơ của thành phố. Các ca khúc, bài thơ của các tác giả thành phố Tam Điệp sáng tác, do các nghệ sĩ của thành phố trình bày, tập trung vào các đề tài ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, quê hương đất nước đổi mới. Ca ngợi thành phố Tam Điệp đang trên đường xây dựng một thành phố văn minh giầu đẹp.
Năm nay Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước” tại thị trấn Me, huyện Gia viễn. Được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, HĐND huyện và các phòng ban trong huyện, Nhà Văn hóa huyện Gia Viễn được trang hoàng lộng lẫy với cờ hoa, phướn thơ, báo tường thơ, không gian thơ, viết thư pháp, giới thiệu sách... đây là “sản phẩm” do chính các thầy cô giáo, các em học sinh, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Viễn, chào mừng Ngày thơ. Đến dự Ngày thơ của ngành Giáo dục Đào tạo có các đồng chí lãnh đạo Hội VHNT, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao, Lãnh đạo sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, các Phòng ban trong huyện, đông đảo các thầy cô giáo và các em học sinh. Mở đầu chương trình ngày thơ, là 3 tiết mục múa hát đặc sắc được dàn dựng công phu hoành tráng của Câu lạc bộ nghệ thuật ngành Giáo dục Đào tạo huyện Gia Viễn. Chương trình giao lưu thơ nhạc đã có 19 bài thơ và ca khúc do các thầy cô giáo, các em học sinh trong toàn tỉnh sáng tác và biểu diễn. Nhiều bài thơ, tiết mục múa hát đã để lại ấn tượng nơi khán giả, như tiết mục múa hát “Hạt gạo làng ta” của các bé Trường Mầm non Gia Phong; bài thơ “Cô tiên trên bàn nhỏ” của tác giả Diệu Thoa; Bài thơ “Anh có biết” của tác giả Mai Thị Lệ Hằng; Bài thơ “Dáng con trong dáng quê nhà” của tác giả Nguyễn Thị Hương Giang; bài thơ “Chuyện kể mùa xuân” của em học sinh Hà Minh Hạnh. Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, “Bản hòa âm đất nước” do Sở Giáo dục và Đào tỉnh Ninh Bình tổ chức đã thành công rực rỡ.
NINH ĐỨC HẬU
(Nguồn TC VNNB số 291- tháng 3.2024)