Thứ hai, 07/10/2024

Ninh Bình với cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo gương Bác

Thứ năm, 21/05/2020

Văn nghệ sỹ Ninh Bình luôn nhận thức sâu sắc tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi sáng con đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi và vì sự tiến bộ của nhân loại.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo chỉ thị số 06 năm 2008, số 03 năm 2011 và số 05 năm 2016 của Bộ Chính trị là cuộc vận động lớn được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng và xã hội, có sức lan toả, tầm ảnh hưởng rất lớn tới tư tưởng, tình cảm, nhận thức và hành động của toàn dân, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta nói chung, với công tác thông tin tuyên truyền, bảo tồn và phát triển văn hoá, văn học nghệ thuật nói riêng.

Ngay sau khi có Kế hoạch của Tỉnh ủy, Thường trực Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình đã xác định việc thực hiện Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Hội đã bám sát thực tiễn của địa phương, đặc thù của từng loại hình văn học, nghệ thuật triển khai kịp thời đến Tạp chí Văn nghệ, các bộ môn, các ban công tác thực hiện nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả nội dung của cuộc vận động; động viên, khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho các anh chị em văn nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài Bác Hồ và đề tài học tập và làm theo Bác; tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị tổ chức các hoạt động văn học, nghệ thuật, đạo diễn các chương trình biểu diễn văn nghệ, tham dự Giải thưởng cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật của trung ương về chủ đề này…

Hằng năm, Hội đã tổ chức các cuộc trao đổi nghiệp vụ, định hướng đề tài cho các văn nghệ sĩ sáng tác thông qua các hình thức tập trung mở nhiều trại sáng tác, chuyến đi thực tế phù hợp cho từng bộ môn chuyên ngành để anh chị em văn nghệ sĩ có thêm nguồn dữ liệu sinh động của cuộc sống đưa vào tác phẩm của mình.

Hội luôn quan tâm mở các cuộc hội thảo, tọa đàm, giao lưu kết nối và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các bộ môn chuyên ngành tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề để có điều kiện cọ sát, trao đổi, truyền đạt nghề, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong sáng tác và biểu diễn. Nổi bật là Hội thảo “Nâng cao chất lượng tác phẩm cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong khuôn khổ hoạt động của Nhóm hợp tác phát triển VHNT (VN 8+4) và các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hiến của Nhóm 5 vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay.

Hội rất chú trọng đến các hoạt động công bố, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị của văn nghệ sĩ Ninh Bình bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, hấp dẫn. Từ năm 2008 đến nay, Hội đã mở 15 cuộc triển lãm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh nhằm tôn vinh cái đẹp của miền đất và con người Ninh Bình. Kết hợp với các cơ quan, địa phương, câu lạc bộ trong tỉnh, nhóm liên kết ngoài tỉnh để tổ chức nhiều đợt trưng bày sách, triển lãm ảnh nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật, chương trình đêm nhạc, biểu diễn sân khấu.

Hội đặc biệt chú trọng thúc đẩy mở rộng biên độ hoạt động công bố quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật trên 2 diễn đàn Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình số in và Trang thông tin điện tử Văn nghệ Ninh Bình. Tiêu chí tác phẩm đăng tải trên tạp chí là hướng con người tới giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Hàng ngàn tác phẩm được công bố, quảng bá trên 2 ấn phẩm của Hội hơn 10 năm qua đã góp phần thể chế hóa một cách sinh động các quan điểm, nghị quyết của Đảng và của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, khắc họa đậm nét chân dung con người, mảnh đất quê hương Ninh Bình trên con đường đổi mới và hội nhập; tuyên truyền phổ biến có hiệu quả các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật; nhiều bài nghiên cứu văn hóa mang tính phát hiện, bài lý luận phê bình có tính định hướng chuyên sâu. Chuyên mục “Sáng tác về biên giới biển đảo Tổ quốc”, “Theo gương Bác” đã thu hút nhiều bài viết hay, có chất lượng, góp phần đưa cuộc vận động tuyên truyền quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo gương Bác Hô, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương đi vào chiều sâu và tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Chuyên mục “Văn nghệ với Nhà trường”, “Sáng tác trẻ” đã góp phần bồi dưỡng tâm hồn, đạo đức cho các em học sinh trong giai đoạn vàng hình thành nhân cách đến khi trưởng thành. 

 

Tiếp nối                                                Ảnh: ĐINH NGỌC KHÁNH

Bên cạnh đó, các hoạt động tạo điều kiện về kinh phí, hỗ trợ xuất bản, công bố triển lãm, hỗ trợ mũi nhọn cho những tác phẩm xuất sắc đoạt giải thưởng cao hằng năm cũng đã phần nào kích thích những người có tâm huyết phấn khởi sáng tạo trên các lĩnh vực.

Có thể nói, hoạt động sáng tác, quảng bá đi vào chiều sâu, đã trở thành nội dung công tác thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về kết quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, các phong trào sáng tác của các bộ môn, chi hội; làm phong phú, sinh động, hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Đội ngũ văn nghệ sĩ Ninh Bình đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm có chất lượng về nội dung và nghệ thuật. Các tác phẩm đã tập trung nêu bật công lao to lớn, sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ và tình cảm, niềm kính yêu của Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, chân dung hình tượng của Bác Hồ được thể hiện một cách sinh động, sâu sắc, giàu mĩ cảm, có sức rung động mạnh mẽ đối với công chúng. Ở chủ đề học tập và làm theo gương Bác, nhiều tác phẩm đã chú trọng phát hiện, biểu dương, cổ vũ các tập thể và cá nhân có nhiều việc làm tích cực. Nhiều công trình nghiên cứu lịch sử văn hóa văn nghệ dân gian mang tính phát hiện về lịch sử, truyền thống, văn hóa sâu sắc và đa dạng ở từng vùng quê. Các triển lãm ảnh nghệ thuật với nhiều mảng đề tài phong phú, sống động và hấp dẫn. Nhiều tác giả quan tâm thể hiện mảng đề tài mang đậm tính thời sự, tính chính luận bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc gắn với học tập và làm theo gương Bác...; đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực; bồi đắp nền tảng tư tưởng, đạo đức, văn hóa trong Đảng và toàn xã hội; Xây dựng hình ảnh, nhân cách con người Ninh Bình trước yêu cầu mới.

Nhiều tác phẩm của Hội đoạt Giải thưởng về đề tài sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tiêu biểu như: Ca khúc “Bác Hồ về quê chống hạn” của nhạc sĩ Mai Công Thắng; chùm thơ “Lời người cha”, “Bác Hồ đến thuỷ điện Sơn La” và “Người sinh ra cổ tích” của Bình Nguyên; Tranh cổ động “Đảng là đạo đức, là văn minh, là hạnh phúc là hòa bình ấm no” của Họa sĩ Nguyễn Phúc Khôi; Giải xuất sắc ảnh “Tiếp nối” của NSNA Đinh Ngọc Khánh; tác phẩm ảnh nghệ thuật “Đón xuân” và “Trồng thêm rừng” của NSNA Vũ Đức Phương; tác phẩm ảnh “Chiến công thầm lặng” của NSNA Đồng Tiệp Khắc; Tập sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh - thiên tài vĩ đại mãi mãi trường tồn. Trường ca Bác Hồ vang vọng núi sông năm châu, bốn bể” của nhà Nghiên cứu văn nghệ dân gian Trần Đình Hồng; Vở diễn “Nắng quái chiều hôm” và vở diễn “Đường đua trong bóng tối” của Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương; Các hội viên chuyên ngành Sân khấu của Hội đã có nhiều kịch bản, nhiều vở diễn, đạo viễn, vai diễn xuất sắc về đề tài học tập làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh…. Riêng Họa sỹ Nguyễn Phúc Khôi đã dành phần lớn thời gian trong cuộc đời sáng tác được gần 200 tác phẩm tranh về đề tài Bác Hồ. Mỗi bức tranh đã khắc họa chân dung Bác ở từng thời kỳ khác nhau, gắn với những lời dạy của Bác đối với Đảng, Chính quyền và các đoàn thể xã hội...

Những năm qua, các văn nghệ sĩ Ninh Bình đã tích cực đóng góp một phần quan trọng vào thành công chung của cuộc vận động từ sáng tác, quảng bá đến giải thưởng. Các tác phẩm được đăng tải trên các sách báo trung ương và địa phương và được giải thưởng đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng, đã khơi dậy tình cảm thiêng liêng, kính trọng của mỗi người Việt Nam đối với Bác Hồ kính yêu, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh, duy trì và giữ gìn chuẩn mực đạo đức, lối sống nhân văn; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đưa vẻ đẹp của miền đất và con người Ninh Bình giới thiệu sâu rộng trong nước và quốc tế; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về xây dựng văn hóa con người Ninh Bình phát triển, làm giầu đẹp sắc thái văn hoá quê hương.

Trồng thêm rừng                                                  Ảnh: VŨ ĐỨC PHƯƠNG

Những kết quả đạt được của cuộc vận động sáng tác, quảng bá về chủ đề học tập và làm theo gương Bác thời gian qua là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện, những kết quả đó vẫn chưa phản ánh hết tiềm năng sáng tác của đội ngũ văn nghệ sỹ của tỉnh. Để việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, “Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong thời gian tới đi vào chiều sâu và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, Hội tiếp tục thực hiện một số giải pháp.

Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đến hội viên. Thực hiện tốt nội dung nêu gương của đội ngũ văn nghệ sĩ trong lao động sáng tạo. Tiếp tục nâng cao nhận thức về mục đích, yêu cầu của Kế hoạch số 03-KH/TW của Ban Bí thư, về ý nghĩa, tác dụng tuyên truyền của văn học, nghệ thuật, báo chí, công tác thông tin, truyền thông về hoạt động quảng bá. Bám sát hướng dẫn của Tỉnh ủy, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội chuyên ngành Trung ương, chủ động nắm, cung cấp thông tin về điển hình, gương người tốt việc tốt cho hội viên.

Tập trung xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng vững mạnh cả về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; đề cao trách nhiệm công dân và tính tích cực xã hội. Tiếp tục căn cứ vào Quy chế Giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các hội chuyên ngành Trung ương, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy để kịp thời hướng dẫn cho hội viên sáng tác.

Thư­ờng xuyên phát động các đợt sáng tác, tổ chức các trại, chuyến đi thực tế sáng tác, các cuộc thi của tỉnh, khu vực, trung ­ương và quốc tế. Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, xuất bản sách, triển lãm tranh ảnh, abum nhạc, hội diễn sân khấu về chủ đề này. Nhân rộng các hoạt động Ngày thơ Việt Nam trong nhân dân ngày càng phong phú, hấp dẫn giầu sắc thái văn hóa của vùng đất Cố đô.

Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nghệ thuật của Hội, phát triển hội viên bộ môn lý luận phê bình nhằm phát triển hoạt động lý luận phê bình trở thành động lực thúc đẩy phong trào sáng tác. Tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong VHNT, “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”

Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tác phẩm bằng nhiều hình thức, tạo sức lan tỏa, để đông đảo quần chúng nhân dân thấy rõ trách nhiệm, nhận thức sâu sắc đúng đắn về mục đích của hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật là tuyên truyền các nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác, quảng bá phổ biến tác phẩm về chủ đề làm theo gương Bác Hồ trên tạp chí in, trang thông tin điện tử văn nghệ Ninh Bình; Chú trọng chọn lọc đăng tải các tác phẩm văn học nghệ thuật hướng con người tới giá trị chân- thiện- mỹ; các tác phẩm ngợi ca về vùng đất, con người Ninh Bình trong giai đoạn mới; gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác. Duy trì và nâng cao chất lượng chuyên mục “Sáng tác về biên giới biển đảo Tổ quốc”, “Theo gương Bác”,Văn nghệ với Nhà trường”.

Tăng cường hoạt động phổ biến tác phẩm bằng nhiều hình thức: xuất bản sách, triển lãm tranh, ảnh, biểu diễn, thu phát trên đài, sản xuất băng, đĩa, tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp, nhất là các ngành trong khối tuyên truyền nhằm đưa VHNT đến mọi vùng, miền, mọi đối tượng trong nhân dân.

VNNB

Nguồn: VNNB238/5-2020

Bài viết khác