Thứ bảy, 12/10/2024

Tổng kết và trao giải cuộc thi viết về Vườn Quốc gia Cúc Phương

Thứ năm, 24/11/2022

THANH THẢN

Ngày 24/11, tại Bảo tàng Vườn Quốc gia Cúc Phương (xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) đã diễn ra Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi viết về Vườn quốc gia Cúc Phương 60 năm xây dựng và phát triển. Dự Lễ tổng kết và trao giải có các đồng chí: Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương; Nguyễn Đăng Hào, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình; Đỗ Văn Lập - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương - Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi; Phạm Thị Duyên, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình - Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi; Phạm Văn Phương, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình; Các đồng chí thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo Cuộc thi; Giám đốc, phó giám đốc các trung tâm, trưởng, phó các phòng ban của Vườn quốc gia Cúc Phương; các tác giả có tác phẩm được giải thưởng tại Cuộc thi cùng đông đảo phóng viên các cơ quan báo, đài, tạp chí, đơn vi truyền thông đa phương tiện của trung ương và địa phương về dự.

Quang cảnh buổi lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi                                  Ảnh: MINH TUYỀN

Để chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Vườn quốc gia Cúc Phương (1962 -2022), Vườn Quốc gia Cúc Phương phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình phát động cuộc thi viết về Cúc Phương với ba thể loại: Truyện ngắn, Ký (ký sự, bút ký) và thơ, từ ngày 1.11.2021 đến  ngày 31. 10 năm 2022.

Tại lễ phát động, Cuộc thi đã được đông đảo văn nghệ sỹ, nhà báo cùng công chúng trong tỉnh ninh Bình và  ngoài tỉnh nhiệt liệt hưởng ứng. Từ ngay sau ngày có thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên mạng xã hội, tác phẩm truyện, thơ, ký từ khắp các nơi trong cả nước đã liên tục bay về với Cúc Phương, tạo nên một không khí sôi nổi cho công tác tuyên truyền tiến tới ngày kỷ niệm.

Điều ấn tượng nhất là có nhiều tác giả từ nhiều miền quê xa cũng nhanh chóng gửi bài về, như từ Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Sơn La, Hải Phòng, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh...  Xa hơn có Quảng Nam, Đà Nẵng,  Thừa Thiên - Huế, Tiền Giang, Đắk Lắc... Đặc biệt còn có tác giả từ Nhật Bản cũng có bài gửi về. Trước điều ấy, chúng ta rất vui thấy rằng: Hiểu và yêu Cúc Phương không chỉ có người trong tỉnh mà còn có rất nhiều người trong nước, người đang sống và làm việc ở  nước ngoài... cũng như nhiều người trên thế giới...

Về đối tượng dự thi cũng thật phong phú. Đông đảo hơn cả là các tác giả văn thơ, hiện là hội viên của hội Trung ương và các địa phương, là cán bộ công nhân ở các ngành nghề, có các tác giả từng gắn bó nhiều năm với Cúc Phương, có tác giả là Tiến sỹ y khoa và có 2 cặp vợ chồng cùng có bài dự thi như tác giả Ninh Đức Hậu - Lê Kim Khánh và Dương Quốc Nam - Nguyễn Thị Hồng Hạnh...

Về độ tuổi cũng khá đa dạng. Có tác giả cao tuổi nhất đã 86 tuổi (Như cụ Trịnh Hữu Thịnh ở Hòa Bình), lại có tác giả nhỏ tuổi nhất, như em Trương Bích Hà, lớp 4, trường Tiểu học Đông Thành, TP Ninh Bình và em Ngô Ngọc Thảo Chi, là học sinh lớp 7 ở Thành phố Đà Nẵng...

Về thể loại: Có tác giả tham gia cả 3 thể loại: truyện, thơ, bút ký

Các tác giả dự thi chỉ có một tác giả vượt thể lệ của cuộc thi, như cụ cao tuổi ở Hòa Bình đã nói trên gửi về tới 77 bài văn, thơ... còn hầu hết các tác giả đều thực hiện đúng thể lệ và tác phẩm dự thi cũng đều là những sáng tác mới. Tổng công có: gần 300 tác phẩm truyện ngắn, ký và thơ của hàng trăm tác giả là những cây bút chuyên nghiệp và không chuyên trên khắp cả nước tham gia.

Quang cảnh buổi lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi                              Ảnh: MINH TUYỀN

Khi nói đến Cúc Phương là chúng ta ai cũng đều biết đây là một khu rừng được hình thành đã trên nhiều triệu năm, chỉ tính từ khi cây Chò mọc cũng đã hơn nghìn năm. Quốc tế đã thừa nhận rừng Cúc Phương là một di sản thiên nhiên hàng đầu châu Á và thế giới. Cúc Phương có giá trị rất lớn về địa chất, địa mạo, về sinh học và lịch sử... Cúc Phương còn là một "mái nhà"  của bao lớp người nguyên thủy. Họ đã sống bầy đàn trong các cánh rừng, trong hang động, mò cua bắt ốc, hái lượm nuôi nhau mà tồn tại và phát triển.

Cúc Phương đến nay đã thực sự thay đổi. Một cuộc di dân cách mạng, bà con đồng bào Mường đã vui lòng di chuyển ra ngoài nhường lại một Cúc Phương cho muôn loài động thực vật quý hiếm.

Đến Cúc Phương ta còn biết được, 60 năm qua có đến hàng trăm hàng nghìn lớp cán bộ, lãnh đạo quản lý, kỹ sư, kỹ thuật viên, kiểm lâm, công nhân viên... trong nước và nước ngoài đã gắn bó, cống hiến hết mình cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng... Tất cả nhứng điều đó bạn đọc lại được gặp lại qua từng trang viết của các tác giả tham gia cuộc thi.

Nhiều bài truyện ký, tác giả đã dụng công nghiên cứu, sưu tầm, ghi nhận về Cúc Phương. Nhà văn Đinh Ngọc Lâm có chùm bút ký và truyện ký "Hành trình đến với Cúc Phương", "Những con người tận hiến" và "Trở lại Cúc Phương" là những bài viết công phu. Suốt thời gian cuộc thi ông đã đi lại nhiều lần lên với Cúc Phương, tìm hiểu, ghi chép kỹ càng về cứ liệu, số liệu, sự viêc, sâu sát, gần gũi, trò chuyện tìm hiểu về đội kiểm lâm... với tất cả tấm lòng yêu quý Cúc Phương và trách nhiệm với bài viết của mình. Nhờ đó các bài viết của ông khá sinh động, chân thực và hấp dẫn, nhiều câu chuyện xúc động khi viết về cuộc sống hàng ngày của các chiến sỹ kiểm lâm. Khi phải giáp mặt chiến đấu với bọn lâm tặc thì họ không kém gì các chiến sỹ ngoài mặt trận thuở chiến tranh...

Bài ký  "Theo chân anh, người chiến sỹ kiểm lâm" của tác giả Lương Ngọc Vỡi cũng là một tác phẩm ấn tượng. Ông nguyên là một chiến sỹ kiểm lâm nên không ai hiểu về công tác kiểm lâm bảo vệ rừng như ông. Bài ông viết dầy dặn, căn cứ, số liệu, sự việc chi tiết, cụ thể có độ tin cậy cao... lại kèm theo nhiều tấm ảnh chân thực làm cho bài viết rất sinh động, hấp dẫn.

Bút ký "Chuyện của rừng" của tác giả Vũ Thành cũng là một bài viết tốt. Ông là người con của Nho Quan, gần gũi và có nhiều hiểu biết về Cúc Phương nên tác phẩm viết có chất lượng khá.

 Ngoài ra còn một số bài ký khác cũng rất trung thực, đầy đủ vể Cúc Phương.

Về thể truyện ngắn, tuy chưa có nhiều người tham gia nhưng đều là các truyện tốt. Đặc trưng của thể truyện ngắn là hư cấu. Nhưng viết về Cúc Phương là phải hư cấu trên những thực tế của rừng. Trên cơ sở đó, tác gỉa Ninh Đức Hậu có truyện "Về nhà" cũng rất lý thú. Ông viết truyện này nhân một dịp được chứng kiến một lần Vườn thả động vật quý hiếm về rừng năm 2021. Tác giả đã nhập vai chú mèo rừng có tên KauKi, nghĩa là ánh sáng của hy vọng để kể chuyện về mình một cách chi tiết, đầy đủ... Qua đó góp phần tuyên truyền cho việc bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm và công sức của những người ở Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã.

Tác giả Phan Mai Hương có hai truyện ngắn "Rừng ma" và "Gửi rừng món nợ" lại đặt chuyện trong bối cảnh không gian văn hóa Mường. Chuyện xảy ra từ những thập niên của thế kỷ trước, với những thông điệp giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa với việc bảo vệ môi trường sống. Truyện viết dung dị, giầu chất văn... thể hiện sự hiểu biết khá sâu sắc của tác giả với bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường.

Truyện "Cây vàng anh bé nhỏ" của Mai Thị Hồng Quế lại thấm thía về phận người, lẽ đời, ca ngợi chân thành những sự đóng góp, hy sinh của các chiến sỹ kiểm Lâm. Cốt truyện hay, mang đậm dấu ấn một chuyến đi trải nghiệm ở rừng của tác giả.

Và còn nhiều truyện khác nữa...

Thơ là thể loại nhanh nhạy, nhẹ nhàng hơn nên số lượng tác giả, tác phẩm cũng nhiều hơn.

 Cúc Phương trong suốt 60 năm qua đã đi vào biết bao nhiêu những tác phẩm văn, thơ, họa, nhạc...Từ những năm đầu Vườn quốc gia được thành lập, công chúng gần xa đã được thưởng thức những vần thơ đặc sắc qua thi phẩm "Mùa xuân trong rừng Cúc Phương" của nhà thơ Xuân Diệu; qua những lời ca lay động lòng người của nhạc sỹ Trần Chung. Đặc biệt là bài "Cúc Phương" của nhà thơ Đỗ Thịnh: "Gió ru mây ngủ trên cành/ Cây ngàn cổ đại che xanh núi đồi/ Cúc Phương ơi mấy bồi hồi/ Cây phong lan giục đất trời sang xuân/ Dập dờn cánh bướm phân vân/ Thời gian như đã dừng chân nơi này...". Nhà thơ đã đi đến nhiều miền đất nước, vậy mà khi đến Cúc Phương ông mới nhận thấy: "Bước chân xuôi ngược đã từng/ Đến đây lòng mới thực lòng yêu cây ".

Từ đó đến nay, Cúc Phương đã thu hút biết bao nhiêu bước chân du khách trong và ngoài nước đến thăm rừng.  Cúc Phương vẫn chỉ còn mãi nuối tiếc là năm 1969, Bác Hồ kính yêu đã có hẹn về thăm, nhưng Người không kịp về nữa, để:  "Cây Chò già giữa đại ngàn đứng đợi/ Để bây giờ chiếc thang sắt rưng rưng " - Thơ Nguyễn Chí Diễn, Bắc Giang.

Nay 60 năm đã qua, Cúc Phương lại sôi động chào đón một ngày kỷ niệm lớn. Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm, có cuộc thi viết về Cúc Phương.

Đọc những vần thơ về Cúc Phương ta lại như được thả hồn mình về với rừng, với hoa lá, chim muông. Xin điểm đến một vài vần thơ sinh động.

Trước niềm vui mới đó, tác giả Phạm Thanh Bằng - Long Biên, Hà Nội đã thấy lòng thôi thúc:

                                      Phải về thôi, không thể chần chừ

                                      Về Cúc Phương tha hồ chiêm ngưỡng

                                      Rừng đại ngàn và bầy linh trưởng

                                      Trái đất nặng tình một kho báu nguyên sinh.

  Về đến Cúc Phương nhà thơ Trần Lâm Bình cũng reo vui, thích thú:

                                      Chúng tôi đi trong rừng Cúc Phương

                                      Đi giữa cảnh thiên nhiên tiền sử

                                      Rừng nguyên sinh muôn sắc mầu hội tụ

                                      Ngàn đời sức sống mãi sinh sôi.

 Khi vừa đến thăm Trung tâm bảo tồn động vật, tác giả Lê Hồng Sơn - Thành phố Vinh, Nghệ An đã nghe rộn tiếng chim, đã thấy cơ man cánh bướm, thấy những chú linh trưởng nhảy nhót đùa vui. Ông có những hình ảnh thơ đẹp:

                                      Sơn ca gọi nắng bình minh

                                      Hót vang linh trưởng, đu mình tiêu dao

                                      Vạn cánh bướm, vạn ngôi sao

                                      Lung linh cung nguyệt đón chào ban mai.

                                      Trong veo tiếng khiếu mỏ dài

                                      Tình xuân như níu, như cài vườn Tiên.

Tiếng chim ở Cúc Phương thì nhiều lắm. Ngày có tiếng chim ngày. Đêm có tiếng chim đêm. Tiếng chim rừng thật đậm đặc làm cho tác giả Nguyễn Loan - TP Huế có một cảm giác thật thú vị:

                                  Cúc Phương ngày đẹp nắng lên

                                 Ngỡ như vốc được tiếng chim mang về.

          Nhà thơ Vũ Đức Thanh - Ninh Bình cũng vô cùng thích thú ngắm nhìn mọi cảnh đẹp của Cúc Phương. Nhịp thơ ông dồn dập, như thúc giục lòng người cùng sẻ chia niềm vui, sẻ chia những cảm xúc trước bức tranh rừng:

                               Rủ nhau xem thú Cúc Phương

                               Xem trăng hồ Mạc, bản Mường rừng xanh

                              Vén mây xem đá chòng chành

                             Lên đỉnh Mây Bạc xem "vành non Tiên"...

          Rồi bướm... Bướm ở Cúc Phương cũng vô cùng phong phú với muôn mầu, ngàn sắc. Bướm bay rợp cả lối rừng. Bướm khi sà xuống, lúc tung lên như những chùm pháo hoa. Tác giả Nguyễn Loan - TP Huế "chụp" ngay được một bức ảnh rừng bướm Cúc Phương thật đặc sắc:

                            Cúc Phương giữa sáng mai này

                             Bướm bay, bướm lượn... tung bầy pháo bông.

          Về thăm Cúc Phương, ai cũng háo hức được đến thăm cây Chò ngàn tuổi, dù phải dắt díu nhau bộ hành theo lối rừng mà vẫn không ngần ngại.  Cây Chò nghìn tuổi là biểu tượng về sức sống, về vẻ đẹp của rừng Cúc Phương. Đã có khá nhiều thơ viết về cây Chò. Từ thế kỷ trước, nhà thơ Đỗ Thịnh đã có những câu thơ đẹp về cây Chò: "Cây cao chạm áng mây vàng/ Chim sơn tiêu đậu ngỡ ngàng không bay".

Nay trong cuộc thi này cũng có nhiều tác giả tập trung ca ngợi cây Chò ngàn tuổi mà nhiều người quý mến đã trịnh trọng gọi là "Cụ Chò nghìn tuổi". Có tác giả còn có tứ thơ lạ "Vái cây", "Viếng cây", ấy là nghĩ đến muôn sau nếu cây không còn. Nhưng chắc chắn cây Chò sẽ còn mãi mãi với non nước Cúc Phương. Tác giả Nguyễn Đức Dục - Ninh Bình khẳng định:

                             Nước non trải mấy can qua

                             Cúc Phương Chò đứng xanh qua mọi thời.

 Cùng những niềm vui, những cảm xúc ấy, tác giả Đinh Y Văn, viết:                                                   

                            Trăm năm đại thọ kiếp người

                             Ngàn năm Chò vẫn xanh tươi giữa rừng.

                             Bể dâu bao cuộc đã từng

                             Bão giông muôn trận vẫn sừng sững cao .

Rồi cũng còn nhiều những bài thơ, câu thơ hay viết về hang Trăng Khuyết, Động Người Xưa, về những động thực vật quý hiếm của Cúc Phương, về cảnh đẹp rừng chiều,  đêm trăng, vẻ  đẹp của mỗi nhành cây, ngọn lá của rừng.

Lại còn có điều đặc biệt, là đến Cúc Phương, du khách nào cũng thật xúc động trước câu chuyện xưa về mối tình thủy chung Kim Giao. Một truyền thuyết đẹp, như mối tình của Trương Chi - Mỵ Nương, như chàng Công - nàng Cốc... Đôi trai gái thủy chung son sắt ấy đã biến thành một cây rừng Cúc Phương muôn thuở làm đẹp cho rừng. Rồi cây gỗ quý ấy lại đã thành đôi đũa Kim Giao, biết phát hiện chất độc, ngăn sự độc hại cho con người... Nay tác giả Lê Kim Khánh - Ninh Bình lại có một truyện thơ thể lục bát suôn sẻ, mượt mà và hấp dẫn về Kim Giao. Tác giả coi đó là báu vật của Cúc Phương:

                             Báu vật riêng của Cúc Phương

                             Kim Giao cây quý - bản Mường đặt tên.

                             Từ trong tình ái lớn lên

                             Gỗ thơm, tay chuốt mà nên đũa vàng.

Cúc Phương là vậy. Đó là di sản vô giá không chỉ của Việt Nam ta, mà còn của cả nhân loại.

60 năm qua, đã có hàng trăm, hàng ngàn người hết mình gắn bó với Cúc Phương để quản lý, giữ gìn và xây dựng phát triển. Đó là những nhà quản lý, lãnh đạo, là anh chị em kỹ sư, kỹ thuật, là các chiến sỹ kiểm lâm, là anh chị em công nhân viên... và bà con Kinh, Mường ở Cúc Phương, ở Nho Quan... Hình ảnh con người nào đi vào thơ cũng thật đẹp, thật đáng kính trọng...

Nhà văn Đinh Ngọc Lâm đã khắc họa được hình ảnh người chiến sỹ kiểm lâm hết sức sinh động. Họ gian nan, vất vả, có nhiều khi còn ác liệt như mỗi lúc đối mặt với bọn lâm tặc. Vậy mà họ vẫn thật lạc quan yêu đời, yêu rừng:

                              Nơi rừng rú lúc ốm đau

                             Nắm lá hạ sốt, ôm nhau ngủ khì.

                              Vươn vai tỉnh giấc lại đi

                             Thấy rừng bát ngát, xanh rì là vui.

Rồi khi đi tuần tra thì không ai có được niềm vui thỏa thích ngắm rừng, ngắm muôn mầu hoa lá và nghe chim kêu, vượn hót, tiếng lá rừng reo vui như một bản hòa tấu tuyệt vời như họ. Hình ảnh đó ta lại bắt gặp trong bài "Thơ viết trên đường tuần tra" của tác giả Tâm An - Ninh Bình:

                              Tầng cây rủ bóng, chiều buông

                             Tiếng chim hót rộn nẻo đường tuần tra.

Đến với Cúc Phương, du khách còn được đến với những bản Mường nên thơ, với lễ hội cồng chiêng đặc sắc, nhất là những dịp xuân sang, dịp lễ hội...

Đặc biệt đến Cúc Phương ta còn thấy vô cùng kính mến những con người từ những miền đất xa xôi cũng đến đây với tất cả tấm lòng cao cả, với tình yêu yêu núi, yêu rừng, yêu đất nước Việt Nam, bằng tất cả tình Quốc tế cao quý... như  anh TiLo, như chị ElKe... Nhà thơ Vi Thùy Linh - Hà nội gửi về 3 bài thơ hết lời ca ngợi rừng Cúc Phương, trong đó có một bài chị dành nhiều tình cảm, nhiều lời hay ý đẹp tặng chị ElKe:

                             Thưa chuyên gia ElKe Schvvierz

                             Ở Việt Nam có danh hiệu Bà mẹ Anh hùng

                             Tôn vinh, an ủi những người có con hy sinh vì đất nước

                             Elke, một chuyên gia của Sở thú Bẻlin nước Đức

                             Đã dành 20 năm cuộc đời cho linh trưởng

                             Vườn Quốc gia Cúc Phương

                             Coi mình là người may mắn nhất

                             Cho tôi vinh danh chị nhé, một người hùng!

  Nhà thơ Phạm Trọng Thanh, Nam Định cũng gửi tặng chị  những lời trân trọng đầy quý mến như thế:

                             Người cứu hộ có trái tim Thiên sứ

                             Nỗi nhớ Bẻlin - ngôi nhà Cúc Phương

                             20 năm rừng nguyên sinh thay lá

                             Một Elke... giản dị khiêm nhường

                             Người chị cả trao trái tim đẹp nhất

                             Giữa bao người thầm lặng yêu thương…

Cúc Phương còn trăm điều muốn ca, muốn ghi nhận, muốn khẳng định. Thật khó mà có thể kể hết những lời hay, ý đẹp của mỗi tác giả, tác phẩm về với Cúc Phương. Chắc chắn mai sau sẽ còn mãi thơ ca, nhạc, họa... ca ngợi Cúc Phương.

Cúc Phương mãi mãi xanh tươi trong mỗi trái tim người Việt Nam và mọi người ở khắp năm châu, bốn biển và trong mỗi vần thơ, bức họa, lời ca tuyệt vời...

Ban giám khảo có 7 thành viên gồm đại diện lãnh đạo, quản lý Vườn là những kỹ sư lâm nghiệp, những người từng trực tiếp gắn bó với Cúc Phương đã nhiều năm;  đại diện Tổng Cục Lâm nghiệp; đại diện Báo Nông nghiệp - Nông thôn Việt Nam; đại diện Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Bình. Các thành viên đã chấm hết sức khách quan, vô tư, trung thực và kỹ lưỡng. Khi chung khảo đã căn cứ số phiếu của các thành viên. Những tác giả hạ từ hạng trên xuống đều được cộng thêm điểm vào số điểm của các thành viên đã chấm. Không ít tác phẩm Ban giám khảo đã phải phân tích, soát xét, nâng lên hạ xuống nhiều lần. Nhiều tác phẩm tuy không được chọn vào giải (Vì cơ cấu của giải có hạn), nhưng vẫn là những bài có nội dung và hình thức tốt....

Nhà thơ Thanh Thản, thay mặt Ban giám khảo Cuộc thi phát biểu tại buổi lễ                       Ảnh: MINH TUYỀN

Sau 2 vòng sơ khảo và chung khảo, ban giám khảo đã lựa chọn ra được 14 tác phẩm, cụm tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi đưa vào cơ cấu giải gộp chung cả 3 thể loại Truyện ngắn, ký và thơ, gồm 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 6 giải khuyến khích. Ban giám khảo cũng không lựa chọn được tác phẩm, cụm tác phẩm xuất sắc nhất để đưa vào cơ cấu giải Đặc biệt như trong thể lệ đã đề ra. Ban giám khảo đã trình 14 tác phẩm, cụm tác phẩm và cơ cấu giải chính thức lên Ban tổ chức Cuộc thi xem xét quyết định đồng thời đề xuất Ban Tổ chức xem xét thêm 2 giải phụ dành cho tác giả cao tuổi nhất và trẻ tuổi nhất tham gia cuộc thi..

Tại Lễ trao giải, Ban Tổ chức đã vinh danh và trao giải chính thức cho 14 tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi..

02 giải Nhất thuộc về 2 tác giả: Đinh Ngọc Lâm (Ninh Bình) với cụm tác phẩm: Ký "Hành trình đến với Cúc Phương", ký "Những con người tận hiến",  ký "Trở lại Cúc Phương", thơ "Điệu cười kiểm lâm"; tác giả Vi Thùy Linh (Hà Nội) với cụm tác phẩm  thơ: "Mẹ Elke", "Cúc Phương", "Nơi xuất xứ một giấc mơ".

Ban Tổ chức trao giải Nhất cho các tác giả                Ảnh: MINH TUYỀN

02 giải Nhì thuộc về 2 tác giả: Ninh Đức Hậu (Ninh Bình) với cụm tác phẩm: Truyện ngắn "Về nhà", thơ "Dấu ấn một thời"; Phan Mai Hương (Hòa Bình) với cụm tác phẩm:  truyện ngắn "Rừng ma", truyện ngắn "Gửi rừng món nợ". 

Các tác giả nhận giải Nhì                            Ảnh: MINH TUYỀN

4 giải Ba cho các tác giả: Trần Lâm Bình (Ninh Bình) với tác phẩm thơ "Chiều xuân rừng Cúc Phương"; Lương Ngọc Vỡi (Ninh Bình) với tác phẩm ký "Theo dấu chân anh, người chiến sỹ kiểm lâm"; Cầm Thị Đào (Ninh Bình) với tác phẩm thơ "Lên Cúc Phương đợi ban mai"; Vũ Thành với tác phẩm ký "Chuyện của rừng".

Ban Tổ chức trao giải Ba cho các tác giả                          Ảnh: MINH TUYỀN

6 giải Khuyến khích cho các tác giả: Vũ Đức Thanh (Ninh Bình) với tác phẩm thơ "Về rừng"; Phạm Trọng Thanh (Nam Định) với tác phẩm thơ "Tình yêu Cúc Phương"; Lê Hồng Sơn (Nghệ An) với tác phẩm thơ "Huyền thoại Cúc Phương"; Mai Thị Hồng Quế (Ninh Bình) với tác phẩm truyện ngắn "Cây Vàng anh bé nhỏ"; Bùi Minh Vũ (Đắc Lắc) với tác phẩm thơ "Rừng Cúc Phương"; Bùi Việt Phương (Hòa Bình) với tác phẩm thơ "Làng mạc".

Các tác giả nhận giải Khuyến khích từ Ban Tổ chức                Ảnh: MINH TUYỀN

Ngoài các giải chính thức trên, Ban tổ chức còn dành tặng thưởng cho 2 tác giả giải "Ấn tượng" là người nhỏ tuổi nhất và cao tuổi nhất: Tác giả Trịnh Hữu Thịnh, 86 tuổi (Hòa Bình) và Trương Bích Hà, 10 tuổi (Ninh Bình).

02 tác giả nhận giải Ấn tượng của Cuộc thi          Ảnh: MINH TUYỀN

                      Đồng chí Nguyễn Xuân Chính, Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương phát biểu, chúc mừng và cảm ơn các tác giả đoạt giải tại Cuộc thi                                                                                                                                            Ảnh: MINH TUYỀN

T.T 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                               

Bài viết khác