HẢI ÂU
Ninh Bình là miền đất Cố đô Hoa Lư ngàn năm văn hiến. Lịch sử văn hóa nói chung và VHNT nói riêng của Ninh Bình đồng thuộc nền văn minh lúa nước và cùng chung sắc thái văn hóa các miền Kinh đô xưa. Phát huy truyền thống văn hóa, văn nghệ chủ nghĩa yêu nước và nhân văn sâu sắc, giàu bản sắc dân tộc, văn nghệ sĩ Ninh Bình các thời kỳ luôn bám sát cuộc sống và dám đi sâu vào những mũi nhọn của cuộc sống để sáng tác. Các tác phẩm VHNT thiết thực phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.
Suốt chặng đường dài kháng chiến kiến quốc, những chiến sĩ cầm bút trên mặt trận chính trị tư tưởng, văn hóa văn nghệ nhiều thế hệ của Ninh Bình đã có mặt hầu hết trên các mặt trận tư tưởng văn hóa, kinh tế, ngoại giao, giao thông vận tải. Nhiều người đã vào sâu vùng địch hậu, các chiến trường ác liệt… Kịp thời sáng tác các tác phẩm văn hóa văn nghệ phục vụ nhiệm vụ cách mạng của Đảng, Nhà nước. Động viên cổ vũ quần chúng tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân với Đảng và Nhà nước. Các tác giả Ninh Bình là lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên trong các cơ quan, công trường, xí nghiệp bận nhiều công việc chuyên môn. Song họ vẫn đam mê dành thời gian sáng tác văn thơ, kịch, nhạc hoạ, nghiên cứu sưu tầm, lý luận phê bình văn học như: Nhà thơ hoạ sĩ Mạc Kính Dương, Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Thanh, Bùi Thiện Toại, Phạm Ngọc Cương; Nhà thơ Lâm Xuân Vi, Nguyễn Thanh Thản, Nguyễn Quang Hảo, Nguyễn Khắc Thiệu, Trần Duy Đới, Vũ Thành, Tống Xuân Điển, Lê Thi Hữu, Trịnh Như Ý, Phạm Hy, Đặng Ái Thi, Trương Minh Phố; Nhà văn Cao Sơn, Hoàng Phương Nhâm, Lê Hữu Chư, Nguyễn Đăng Trình, Ngô Xuân Hành; Nhà nghiên cứu sưu tầm Đỗ Trọng Am, Trương Đình Tưởng, Vũ Văn Lâu, Nguyễn Văn Trò, Đặng Công Nga... Đây là lớp hội viên gạo cội nòng cốt, là những cây bút xuất sắc từ trong cuộc kháng chiến kiến quốc và phong trào sáng tác VHNT Hà Nam Ninh. Những bậc đàn anh đã để lại nhiều tác phẩm văn học chất lượng, phản ánh chân thực cuộc sống đấu tranh, lao động sáng tạo của nhân dân được độc giả mến mộ.
Niềm vui được mùa Ảnh: XUÂN HỶ
Năm 1992, tái lập tỉnh Ninh Bình, nòng cốt là những hội viên VHNT Hà Nam Ninh chuyển về. Hội VHNT Ninh Bình được thành lập, chính thức đi vào hoạt động. Khó khăn ban đầu là chưa có trụ sở. Văn phòng Hội phải mượn nhà và di chuyển nhiều nơi để làm việc. Hơn mười năm sau mới xây dựng trụ sở khang trang. Đây là ngôi nhà chung nồng ấm tình bút, tình người. Các hội viên thường xuyên gặp mặt giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác văn học. Đặc biệt là Thường trực Hội chăm lo phát động phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ muôn vàn kính yêu... Những tác phẩm Đường Cách mệnh, Nhật ký trong tù, và những tác phẩm báo chí của Người để lại được các hội viên luôn tâm niệm học tập làm theo lời Bác dặn trong suốt chặng đường sáng tác của mỗi tác giả.
Hàng năm Thường trực Hội mở trại sáng tác VHNT, tổ chức cho các hội viên bộ môn chuyên ngành đi thâm nhập thực tế để sáng tác. Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình hoạt động theo đúng Luật Báo chí xuất bản và tôn chỉ mục đích hoạt động của Hội. Tập trung tuyên truyền đường lối của Đảng và Nhà nước. Giới thiệu các sáng tác VHNT phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và các hoạt động VHNT trong tỉnh. Tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm VHNT về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tạp chí thường xuyên đăng tải các bài nghiên cứu, lý luận phê bình nhằm định hướng sáng tác VHNT của tỉnh góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình được in và phát hành rộng rãi mỗi tháng một kỳ, đẹp về hình thức và có chất lượng nội dung cao trong tốp dẫn đầu của các tỉnh thành phố trong cả nước. Hội cũng đã dày công sưu tầm tuyển chọn in và xuất bản các Tuyển tập Văn thơ Ninh Bình ngàn năm, Miền lục bát Cố đô... đã để lại những áng văn thơ hay cho quê hương đất nước. Đồng thời ra các số tạp chí đặc biệt chào mừng các đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt; 25 năm tái lập tỉnh Ninh Bình. Nhiều sáng tác có chất lượng giới thiệu, quảng bá cảnh đẹp thiên nhiên các vùng miền, con người Ninh Bình với bạn bè trong nước, góp phần phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Trải qua gần 5 nhiệm kỳ, Hội đã phát hiện bồi dưỡng kết nạp nhiều hội viên mới, đến nay Hội có tổng số trên 200 hội viên trong đó nhiều hội viên do tuổi cao sức yếu đã về với tiên tổ. Các hội viên Bộ môn Văn, Thơ, Lý luận phê bình, Nghiên cứu sưu tầm đã có từ 2 – 10 đầu sách mỗi tác giả. Hàng chục hội viên trưởng thành được kết nạp vào Hội chuyên ngành Trung ương. Nhà viết kịch Nguyễn Đăng Thanh, nguyên Chủ tịch Hội được tặng Giải thưởng Nhà nước; Nghệ nhân Ưu tú Hà Thị Cầu – một giọng xẩm đặc sắc của Quốc gia. Nghệ sĩ Opera Ninh Đức Hoàng Long, thành viên Ban Văn nghệ trẻ 2 lần giành giải Nhất cuộc thi Thanh nhạc Quốc tế Smady jozsef tại Hungary.
Điểm nổi bật đáng quý nhất như một trụ cột bền vững cho Hội VHNT Ninh Bình ngày càng phát triển là sự đoàn kết nội bộ luôn được các thành viên giữ gìn, cùng nhau vun đắp, xây dựng Hội phát triển vững mạnh. Từ Thường trực Hội đến các thành viên Ban Chấp hành, 8 Trưởng bộ môn cùng toàn thể hội viên đều biết thanh thỏa giữ cho tâm mình trong sáng, có tình yêu gia đình, yêu đất nước quê hương. Đây là điểm tựa để mỗi cây bút năng động sáng tạo tác phẩm VHNT.
Đánh dấu cho sự phát triển của Hội là hội viên trong 28 năm qua đã có hàng ngàn tác phẩm chất lượng cao được đăng tải trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương. Hàng trăm lượt hội viên đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tác VHNT quốc tế, khu vực, quốc gia và chuyên ngành. Dấu son đẹp nhất là Giải thưởng VHNT Trương Hán Siêu tỉnh Ninh Bình, 5 năm trao giải một lần. Số chất - lượng mỗi lần trao giải càng nhiều hơn, tốt hơn như: Lần thứ IV(2006 - 2011) UBND tỉnh trao cho 49 tác phẩm, 3 đạo diễn, 6 diễn viên (trong đó 10 giải A, 10 giải B, 17 giải C và 21 giải Khuyến khích). Lần thứ V (2011 - 2016) trao cho 82 tác phẩm (trong đó có 10 giải A, 16 giải B, 28 giải C và 28 giải Khuyến khích. Từ năm 2013 -2017, UBND tỉnh khen thưởng 45 lượt tác giả đạt giải thưởng quốc tế, quốc gia và khu vực với số tiền 478 triệu đồng (đợt 1); đợt 2 là 43 tác giả đạt giải thưởng với số tiền 482 triệu đồng.
Nổi bật trong hơn hai thập kỷ đổi mới sau ngày tái lập tỉnh Ninh Bình là lớp hội viên mới trẻ và khỏe. Họ vừa có năng khiếu bẩm sinh lại chịu khó tìm tòi học hỏi, đam mê công việc sáng tác, sáng tạo... Mỗi người đã xuất bản từ 2 - 7 đầu sách và có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao như: Nhà thơ, NSNA Nguyễn Đăng Hào (Bình Nguyên), Nhà thơ Lâm Xuân Vi, Trần Lâm Bình, Vũ Đức Thanh, Lê Công, Võ Ngột, Lê Nhuệ Giang, Lê Văn Khôi... Nhà văn Ninh Đức Hậu, Đinh Ngọc Lâm, Vũ Thanh Lịch, Nguyễn Thị Kính, Phạm Thị Duyên, Phạm Bình, Hải Âu; Nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Bình, Đỗ Văn Chuyến, Nguyễn Mạnh Quỳnh; Nhà nghiên cứu sưu tầm Mai Đức Hạnh, Lê Doãn Đàm; NSNA Bùi Tuấn Hải, Bùi Duy Tư, Ninh Mạnh Thắng, Vũ Đức Phương, Nắng Thu, Đồng Tiệp Khắc…; Hoạ sĩ Nguyễn Phúc Khôi, Nguyễn Anh Đức, Đinh Đức Hưng, Đào Công Huân, Phan Dư; Nhạc sĩ Tương Lai, Mai Công Thắng, Trần Hà Ân, Lê Đăng Khoa, Vũ Xuân,… Họa sĩ Kù Kao Khải… Ngoài ra còn nhiều gương mặt hội viên 8 bộ môn và các nghệ sĩ sân khấu biểu diễn nghệ thuật – họ là những hạt giống đỏ đã và đang gieo nên mùa vàng VHNT Ninh Bình ngày càng đặc sắc, đậm nét văn hóa Cố đô Hoa Lư ngàn năm văn hiến như: Nhà thơ Trần Xuân Trường, An Quế, Phạm Tâm An, NSND Mai Thủy, NSƯT Mai Thế Tưởng, NSƯT Lý Thanh Kha, NSƯT Huyền Diệu, Kim Cương, đạo diễn NSƯTNguyễn Quang Thập…
Hội VHNT Ninh Bình là một tổ chức Chính trị - xã hội- nghề nghiệp mang tính đặc thù cao. Hội viên phải có phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Mỗi tác giả phải tự học nâng cao kiến thức, yêu văn học và đam mê sáng tác VHNT phục vụ đất nước, quê hương. Hàng năm Thường trực Hội đã cử và tạo điều kiện để nhiều hội viên của Hội tham dự tập huấn, trại sáng tác, đi thâm nhập thực tế của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội chuyên ngành Trung ương và Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương tổ chức. Nhiều tác phẩm của các tác giả thuộc chuyên ngành Văn, Thơ, Lý luận phê bình văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Nghiên cứu sưu tầm, Sân khấu, Nhiếp ảnh đã kịp thời phục vụ tuyên truyền cho các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và trong nước. Đặc biệt là chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; được các văn nghệ sĩ bám sát cuộc vận động xây dựng nông mới đã có nhiều tác phẩm hay, thiết thực cổ vũ phong trào sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Có 4 tác giả Ninh Bình được trao 5 giải là NSNA Vũ Đức Phương, giải C và Khuyến khích. Các giải Khuyến khích còn lại thuộc về Hoạ sĩ Nguyễn Phúc Khôi, Nhạc sĩ Mai Công Thắng và Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Đình Hồng.
Hòa vào niềm vui lớn của tỉnh và đất nước, năm 2019 Hội VHNT Ninh Bình đã và đang hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra. Các hội viên bám sát và đi sâu vào mũi nhọn của cuộc sống để tác nghiệp. VHNT trong tỉnh đang khởi sắc, hoạt động sôi nổi, có chiều sâu. Hội ổn định, đoàn kết, tiếp tục phát triển, tạo được vị thế, tiếng nói của mình trên diễn đàn VHNT trong tỉnh, khu vực và cả nước. Toàn Hội thi đua hoàn thành nhiệm vụ hướng tới Đại hội nhiệm kỳ VI của Hội.
H.A
(Nguồn: TC VNNB 241+242+243)