TRUNG KIÊN
Quốc hội nước ta đã cùng với dân tộc trải qua nhiều khó khăn, gian khó để thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hoạt động của Quốc hội đã góp phần đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới sâu sắc và toàn diện, phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2021) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại lịch sử hình thành và phát triển mà Quốc hội nước ta đã đạt được trong 75 năm qua nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về Quốc hội và hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội Ảnh:TL
Quốc hội khoá I (1946-1960) được bầu vào ngày 6/1/1946. Thời kỳ này, Quốc hội đã có những hành động quyết liệt để đoàn kết, thống nhất dân tộc, chống thù trong, giặc ngoài, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Ngày Tổng tuyển cử 06/01/1946, cả nước đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội. Trong đó tỉnh Ninh Bình có 6 đại biểu (Trương Văn Công, Trần Công Chính, Ngô Tử Hạ, Phạm Văn Hồng, Phạm Văn Lợi, Lê Văn Cầu). Quốc hội khóa I có 12 kỳ họp. Quốc hội đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành lập Chính phủ hợp hiến, hợp pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và “trao quyền bính cho chính quyền ấy”. Quốc hội đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Gần hai tháng sau ngày Tổng tuyển cử, Quốc hội khóa đầu tiên đã thực hiện những nhiệm vụ của cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại kỳ họp thứ nhất (ngày 2/3/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội): Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý nghĩa sự kiện lần đầu tiên diễn ra trong lịch sử đất nước. Biểu quyết thông qua danh sách các thành viên Chính phủ liên hiệp kháng chiến gồm 12 người, lập ra Cố vấn đoàn, Kháng chiến ủy viên hội; bầu Ban Thường trực Quốc hội do ông Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban và quyết định khi Chính phủ muốn tuyên chiến hay đình chiến bắt buộc phải hỏi ý kiến Ban Thường trực Quốc hội. Đồng thời, để tập hợp các lực lượng đại diện các đảng phái, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị và được toàn thể Quốc hội chấp nhận mở rộng thành phần Quốc hội thêm 70 đại biểu Việt Quốc, Việt Cách không qua bầu cử. Như vậy, tổng số đại biểu Quốc hội khóa I nâng lên thành 403 đại biểu. Vai trò của Quốc hội được thể hiện rõ nét hơn trong kỳ họp thứ hai (ngày 28/10 đến 09/11/1946) qua việc thực hiện những nhiệm vụ rất quan trọng về đối nội và đối ngoại. Quốc hội đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp 1946 với 240/242 đại biểu biểu quyết tán thành. Đây là bản Hiến pháp đầu tiên phản ánh bản chất dân chủ của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh đang lan rộng, Quốc hội lập hiến do toàn dân bầu ra ngày 06/01/1946 trở thành Quốc hội lập pháp và kéo dài nhiệm kỳ hoạt động (khóa I) 14 năm cho đến năm 1960. Nét rất đặc biệt của Quốc hội Việt Nam trong giai đoạn 1946-1954 - Quốc hội kháng chiến. Giai đoạn 1954-1960, Quốc hội tiến hành hai nhiệm vụ kiến quốc ở Miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ ở Miền Nam. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội tổ chức 12 kỳ họp, thông qua Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, 16 đạo luật và 50 nghị quyết.
Thời kỳ 1960 - 1980, Quốc hội hoạt động theo Hiến pháp 1959 và Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960 trong điều kiện miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Hiến pháp 1959 quy định rõ ràng và đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của Quốc hội. Quốc hội có 17 nhiệm vụ, quyền hạn, như: Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm pháp luật; giám sát việc thi hành Hiến pháp; bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; theo đề nghị của Chủ tịch nước quyết định cử Thủ tướng Chính phủ; theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ quyết định cử Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Hội đồng Chính phủ; bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; bầu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao... Cơ cấu tổ chức của Quốc hội bao gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban dự án pháp luật, Ủy ban kế hoạch và ngân sách và những ủy ban khác...
Thời kỳ này, Quốc hội đã có 05 khóa hoạt động: Quốc hội khóa II (1960 - 1964) bầu ngày 8-5-1960 có 362 đại biểu trúng cử cùng với 91 đại biểu Quốc hội miền Nam được lưu nhiệm theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I. Trong tổng số 453 đại biểu, tỉnh Ninh Bình có 9 đại biểu gồm: Đoàn Văn Cẩm, Trương Đình Dần, Ngô Tử Hạ, Phạm Văn Hồng, Tố Hữu, Phan Thị Quế, Trần Thị Thạo, Nguyễn Thế Vịnh, Nguyễn Văn Vôi. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên nhà nước và nhân dân đi vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân theo đường lối chiến lược do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đề ra. Quốc hội khóa II có 8 kỳ họp, đã ban hành 6 đạo luật quan trọng. Quốc hội khóa III (1964 - 1971) được bầu ngày 26/4/1964, tổng số có 453 đại biểu, trong đó có 87 đại biểu Quốc hội khóa I thuộc các tỉnh miền Nam được lưu nhiệm. Tỉnh Ninh Bình có 9 đại biểu: Hoàng Ba, Nguyễn Phan Chánh, Vũ Công Hoan, Nguyễn Văn Mấn, Hà Thị Quế, Tạ Đức Thi, Đinh Thị Thục, Nguyễn Văn Tuất, Nguyễn Thế Vịnh. Hoạt động trong thời kỳ chiến tranh nên nhiệm kỳ của Quốc hội kéo dài 7 năm, với 7 kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp 95 phiên, thông qua nhiều nghị quyết về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, về tổ chức hành chính, về nhân sự phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc, phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Quốc hội khóa IV (1971 - 1975) được bầu ngày 11/4/1971; tổng số có 420 đại biểu, trong đó tỉnh Ninh Bình có 10 đại biểu, gồm: Nguyễn Văn Đương, Tống Thị Thanh Hoa, Ngô Thị Huệ, Trần Văn Khoan, Tạ Quang, Hà Thị Quế, Trần Quỳnh, Mai Văn Tiệm (Hoàng Kim), Phạm Thị Út, Nguyễn Thế Vịnh. Trong 4 năm hoạt động, Quốc hội họp 5 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 53 phiên và đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng. Hoạt động của Quốc hội đã góp phần quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đánh đổ chế độ thực dân mới ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước. Quốc hội khóa V (1975 - 1976) được bầu ngày 06/4/1975; tổng số có 424 đại biểu trong đó tỉnh Ninh Bình có 10 đạo biểu: Nguyễn Viết Bản, Nguyễn Thị Bôn, Nguyễn Văn Đương, Phan Thị Hà, Vũ Thị Hiên, Phạm Văn Huân, Phạm Học Lâm, Hà Thị Quế, Mai Văn Tiệm, Nguyễn Thế Vịnh. Quốc hội chỉ họp 2 kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp 10 phiên, nhưng đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Quốc hội khóa VI (1976 - 1981) được bầu ngày 25/4/1976 là Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất; tổng số có 492 đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam Ninh có 26 đại biểu: Phan Điền, Ninh Đình, An Đông Hải, Đào Thị Hào, Song Hào, Nguyễn Mạnh Khoa, Nguyễn Sĩ Lâm, Phạm Thị Liên, Phạm Thế Long (Thích Thanh Long), Phạm Xuân Lự, Đào Văn Tập, Nguyễn Thị Thêu, Đặng Thị Thìn, Ninh Văn Tỉnh, Nguyễn Duy Trác, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Hoàng Tùng, Trần Thị Tưởng, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Tràng, trong đó có 6 ĐBQH khu vực Ninh Bình: Nguyễn Thị Chinh, Tô Duy, Hà Thị Quế, Bùi Xuân Sơn, Mai Văn Tiệm, Nguyễn Thế Vịnh. Quốc hội quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội. Đồng thời, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong nhiệm kỳ có 7 kỳ họp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, thông qua bản Hiến pháp 1980.
Thời kỳ 1980 – 1992, Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1980 và Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước 1981. Quốc hội được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Chức năng của Quốc hội được cụ thể hóa thành 15 nhiệm vụ và quyền hạn, trong đó có những nội dung rất quan trọng như: Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật; quyết định kế hoạch nhà nước và phê chuẩn việc thực hiện kế hoạch nhà nước; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.... Hiến pháp 1980 quy định chức danh Chủ tịch Quốc hội. Hội đồng Nhà nước là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thời kỳ này, Quốc hội có 02 khóa hoạt động: Quốc hội khóa VII (1981 - 1987) bầu ngày 26/4/1981; tổng số có 496 đại biểu, trong đó tỉnh Hà Nam Ninh, có 26 đại biểu: Nguyễn Văn An, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Lam, Nguyễn Sĩ Lâm, Phạm Thị Liên, Thích Thế Long (Phạm Thế Long), Trần Thị Lượng, Vũ Thị Mai, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Trọng Phấn, Bùi Xuân Sơn, Đào Thị Tập, Nguyễn Cơ Thạch, Đinh Thiện, Nguyễn Văn Tiếu, Phùng Huy Triệu, Hoàng Tùng, Trần Thị Tưởng, Chu Văn, Nguyễn Đại Ý, trong đó có 6 ĐBQH khu vực Ninh Bình: Vũ Văn Đăng, Hoàng Thị Sói, Trần Đăng Thành, Nguyễn Tấn Gi Trọng, Đinh Tiến Vạn, Nguyễn Thế Vịnh. Quốc hội khóa VII đã có 12 kỳ họp; ban hành được 10 đạo luật và 35 nghị quyết; Hội đồng Nhà nước ban hành được 15 pháp lệnh. Hoạt động giám sát cũng được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước coi trọng. Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992) bầu ngày 19/4/1987; tổng số có 496 đại biểu, trong đó tỉnh Ninh Bình thuộc tỉnh Hà Nam Ninh có 26 đại biểu: Nguyễn Quốc Ái, Đặng Quốc Bảo, Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Xuân Chiến, Đinh Quang Dung, Nguyễn Hữu Dương, Đinh Gia Huấn, Trương Tôn Khả, Nguyễn Hồng Kỳ, Lương Xuân Lạc, Vũ Duy Liên, Vũ Đình Mai, Vũ Mão, Trần Quang Ngọc, Trần Văn Nhẫn, Nguyễn Minh Sinh, Bùi Xuân Sơn, Nguyễn Thị Thân, Trần Công Thìn, Mai Chí Thọ, trong đó có 6 ĐBQH khu vực Ninh Bình: Trần Thị Dự, Đinh Văn Đê, Phạm Minh Hạc, Trần Thị Liên, Đặng Phúc Tựu, Nguyễn Trọng Xuyên. Quốc hội của giai đoạn đầu sự nghiệp Đổi mới toàn diện đất nước với 11 kỳ họp, thông qua 2 bộ luật, 25 đạo luật; Hội đồng Nhà nước đã ban hành 39 pháp lệnh. Hiến pháp 1992 đã thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đưa đất nước phát triển trong giai đoạn mới.
Thời kỳ 1992 đến nay, Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013. Quốc hội đã có những đổi mới cơ bản, khắc phục tính hình thức, hạn chế trong hoạt động ở các khóa Quốc hội trước và ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng là cơ quan đại biểu dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thời kỳ này, Quốc hội trải qua 6 khóa hoạt động: Quốc hội khóa IX (1992 - 1997) bầu ngày 19/7/1992; tổng số có 395 đại biểu; trong đó tỉnh Ninh Bình có 5 đại biểu: Lê Thị Bích, Lê Đức Bình, Đinh Văn Hùng, Tô Xuân Toàn, Nguyễn Trọng Xuyên Quốc hội có 11 kỳ họp, ban hành 36 luật, bộ luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 43 pháp lệnh. Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Quốc hội khóa X (1997 - 2002) bầu ngày 20/7/1997; tổng số có 450 đại biểu; trong đó Đoàn ĐBQH Ninh Bình có 6 đại biểu: Nguyễn Văn An, Lê Minh Hồng, Đỗ Thị Liên, Tăng Văn Luy, Bùi Văn Thành, Bùi Xướng. Trong nhiệm kỳ khóa X với 11 kỳ họp, Quốc hội đã ban hành 01 bộ luật, 31 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 39 pháp lệnh. Điểm nổi bật là Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992. Quốc hội khóa XI (2002 - 2007) bầu ngày 19/5/2002; tổng số có 498 đại biểu; trong đó Đoàn ĐBQH Ninh Bình có 7 đại biểu: Lê Minh Hồng, Trần Công Kích, Hoàng Văn Lượng, Nguyễn Văn Phán, Phạm Minh Tuyên, Bùi Xướng, Hứa Thị Phương. Quốc hội đã ban hành 84 luật, bộ luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 31 pháp lệnh. Quốc hội khóa XII (2007 - 2011) bầu ngày 20/5/2007; tổng số có 493 đại biểu; trong đó Đoàn ĐBQH Ninh Bình có 6 đại biểu: Đinh Trịnh Hải, Đinh Văn Hùng, Bùi Đắc Luyên, Nguyễn Thị Hồng Minh, Đinh Thị Ngoan, Phạm Minh Tuyên. Quốc hội ban hành 68 luật, 12 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 13 pháp lệnh và 7 nghị quyết. Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016) được bầu ngày 22/5/2011, tổng số 500 đại biểu, trong đó tỉnh Ninh Bình có 6 đại biểu: Trần Đại Quang, Nguyễn Thị Thanh, Lưu Thị Huyền, Đinh Trịnh Hải, Bùi Văn Phương, Phạm Thị Mỹ Ngọc. Đây là lần đầu tiên cử tri cả nước tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một ngày. Thành tựu lớn nhất là Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp năm 2013. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 100 luật, bộ luật, 10 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.
Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021) bầu vào ngày 22/5/2016 có 494 đại biểu Quốc hội; Số lượng ĐBQH chuyên trách đạt tỷ lệ 34,91%, cao nhất trong các nhiệm kỳ Quốc hội. Trong đó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình có 7 đại biểu: Nguyễn Thành Công, Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Thị Thu Hà, Mai Khanh, Bùi Văn Phương, Nguyễn Thị Thanh. Quốc hội ban hành 65 luật và 99 nghị quyết. Hoạt động giám sát ngày càng thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước. Nội dung giám sát mang tính thiết thực, bao trùm hoạt động kinh tế và đời sống xã hội. Việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước tiếp tục được nâng cao chất lượng, hoạt động đối ngoại của Quốc hội phát huy vai trò là kênh đối ngoại quan trọng, vừa mang tính đối ngoại nhà nước, vừa mang tính nhân dân sâu sắc, đóng góp tích cực vào thành công chung trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước như năm 2018 đăng cai tổ chức thành công APPF-26; năm 2020 Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA và tổ chức AIPA-41 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã thể hiện vai trò thành viên chủ động, tích cực, đối tác tin cậy và trách nhiệm của Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần quan trọng duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Đồng thời, nhiệm kỳ này đánh dấu bước tiến vượt bậc của Quốc hội trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội. Việc đổi mới cách thức thảo luận tại từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận”.
Tự hào với truyền thống 75 năm xây dựng và trưởng thành, Quốc hội Việt Nam luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự phát triển của Quốc hội là một quá trình liên tục kế thừa và không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thực sự là Quốc hội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Quốc hội nước ta sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc, son sắt vững bền phấn đấu vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
T.K
(Nguồn:TC VNNB 245+246/12-2020)