Thứ ba, 10/09/2024

Mèo già hóa cáo

Thứ hai, 06/02/2023

  Tiểu phẩm vui thành ngữ, tục ngữ về mèo của ĐỖ XUÂN THU 

         
                                                          Đón xuân (Acrylic)                                                                        Tranh của PHAN TUẤN NGỌC                                              

          Tôi là thuộc diện “mèo nằm xó bếp”, “mèo cào không xé rách vôi”, làm việc gì cũng “lôi thôi như mèo xổ ruột”, “lèo nhèo như mèo vật đống rơm”. Tính tôi nhút nhát chẳng dám “mèo đói lại đòi ăn xôi vò” bao giờ, đến ăn còn “ăn nhỏ nhẻ như mèo” cơ mà nói gì đến làm. Việc gì cũng sợ hỏng, sợ sai nên tôi cứ phải “giấu như mèo giấu cứt”. Các cụ bảo “mèo bị bỏng sợ cả nước lạnh”. Tôi thì chưa bị bỏng bao giờ nên chưa có cảm giác ấy. Tuy nhiên, nhút nhát rụt rè thì có thật. Có lẽ tôi tên là Mưu âm “ư” nhưng mọi người cứ gọi là Miu âm “i” nên thế chăng? Thì Miu là mèo mà. Lành hiền, nhút nhát lắm. Ấy vậy mà năm Nhâm Dần vừa qua, tôi lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam mới oách chứ.  

Vào quân ngũ, được các thủ trưởng và đồng đội huấn luyện đủ các khoa mục, điều lệnh, điều lệ, giờ nào việc ấy, tôi chăm chỉ luyện rèn nên tác phong nhanh nhẹn hẳn. Tôi tự tin, mạnh dạn dần. Sau ba tháng huấn luyện, tôi được điều về tỉnh đội, ở trung đội vệ binh. Một thời gian sau, tôi được đề bạt giữ chức tiểu đội trưởng. Đúng là “ở hiền gặp lành”, chẳng dám mơ “mèo nhỏ bắt chuột to”, được như vậy là tốt lắm rồi. Thế nhưng, mấy cậu ngang ngang, diện “mổ lợn đòi bèo, mổ mèo đòi mỡ”, chuyên “buộc cổ mèo, treo cổ chó”, GATO (“ghen ăn ghét ở”) với tôi, xem thường tôi. Bọn chúng bày đặt nói xấu sau lưng tôi đủ điều. Nào là tôi “mèo mù vớ cá rán”,không có chó bắt mèo ăn cứt”. Nào là cứ để xem, đã biết “mèo nào cắn mỉu nào”. Nào là làm gì cái chức “đầu binh cuối cán” này…

            Tôi nghe thấy hết nhưng mặc, tôi vẫn tự tin bắt tay vào công việc. Đừng có mà “chuột gặm chân mèo” nhá! “Cờ đến tay là phất” đấy! Các cậu gác sách cho cẩn thận kẻo lơ là để lũ “chó gio, mèo mù”, loại “mèo đàng, chó điếm”, bọn “mèo mả, gà đồng”, quân nghiện ngập rình mò, chúng mà lẻn vào đơn vị trộm cắp thứ gì, tôi mà phát hiện được thì cũng không tha cho các cậu đâu. Vẫn biết “mèo già thua gan chuột nhắt” nhưng “có chí thì nên”, cảnh giác phòng chống các loại tội phạm, tiêu cực thì “chẳng sợ bố con thằng nào cả”. Đại dịch COVID-19 đấy, chốt chặn ngày đêm cho chắc chắn. 5K cẩn thận vào. Cậu nào chủ quan dính dịch, đưa dịch vào đơn vị là không xong với các thủ trưởng và anh em đâu. Tôi tự nhủ mình phải hết sức cố gắng, sống cho đoan trang, gương mẫu, chấp hành nghiêm quân kỷ, quân phong, phấn đấu trở thành người chiến sĩ tốt, người cán bộ gương mẫu.  

Những ngày trong quân ngũ, nghe những bài giảng, lời dạy của các thủ trưởng, tôi càng nhớ mẹ tôi hơn. Mẹ tôi hay lam hay làm, chịu khó, nhẫn nhịn, vị tha nhưng rất kiên quyết, rạch ròi và có chí tiến thủ trong công việc. Mẹ dạy: “Con mèo, con chó có lông/ Cây tre có mắt, nồi đồng có quai”. Mèo lành ai nỡ cắt tai”, cứ sống tử tế, trung thực thì không sợ gì cả”. Mẹ tôi được dân làng, hàng xóm tin yêu lắm. Tổ phó tổ hòa giải của thôn cơ mà. Đảm việc nhà, giỏi việc làng, mọi vụ việc, mẹ xử lý đâu ra đấy, thấu lý đạt tình. “Nói phải củ cải cũng nghe” mẹ tôi bảo vậy. 

Mỗi một vụ việc xong, tôi lại tâm sự hỏi mẹ. Mẹ thủ thỉ vỗ về tôi: “Trăm cái lý không bằng một tí tình”. Nhưng cần lưu ý “Tình ngay mà lý lại gian/ Mèo không ăn vụng trèo giàn làm chi?” phải không con? “Nửa đêm trống trở sang canh/ Lỡ ăn vụng lại đổ quanh cho mèo” là không được. Càng không thể “mèo già ăn trộm, mèo ốm phải đòn” hay “Mèo tha miếng thịt xôn xao/ Kễnh tha con lợn ai nào biết chi” hoặc “Con mèo xán vỡ nồi rang/ Con chó xán lại nó mang lấy đòn”. Phải làm rõ nguyên nhân vụ việc tại sao nó lại thế? Các cụ đã dạy: “Mèo lành chẳng ở mả, ả lành chẳng ở hàng cơm”. Khi rõ rồi thì phải giải quyết dứt điểm, chớ để “chó tha đi, mèo tha lại” rồi thì “khỉ vẫn hoàn khỉ, mèo lại hoàn mèo”. Làm việc kiểu ấy thì như “mèo uống nước biển”. Lớn lên, sau này ra công tác con hãy nhớ lấy điều này. Phải tự tin con ạ. Đừng nhút nhát, tự ti nữa, nhất là khi con lại là con trai. Đàn ông, đàn ang là phải mạnh mẽ, nghe chưa?”. 

            Nhớ lời mẹ dạy, được các thủ trưởng và môi trường quân đội rèn giũa, tôi trưởng thành nhanh chóng. Hôm sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tôi kể chuyện mẹ tôi cho trung đội nghe. Cả đơn vị ai cũng thích. Tôi nhút nhát nhưng có khiếu kể chuyện lại thích văn chương mà. 

“Các đồng chí biết không, ở xóm tôi nha, có một cặp vợ chồng trung tuổi rất đẹp đôi nhưng anh chồng lại rất mê tín. Chỉ vì tin rằng “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang” mà vợ chồng cãi nhau. Họ “chửi chó, mắng mèo”, “đá thúng, đụng nia”, “đá mèo, quèo chó” ỏm tỏi. Hai người “như chó với mèo” với nhau. Mẹ tôi trong tổ hòa giải đến thì cô vợ ỉ eo: “Khổ em lắm bác ơi. “Chồng người đi ngược về xuôi/ Chồng em ngồi bếp sờ đuôi con mèo”. Đàn ông đàn ang” gì mà chỉ được cái toàn mê tín. Mèo đến chứ quỷ sứ đến đâu mà sợ hả bác?”. Mẹ tôi chưa kịp nói gì thì anh chồng gân cổ tuôn ra một tràng: “Mèo hoang lại gặp chó hoang”. Tự nhiên nó đến nhà là điềm gở chứ còn gì nữa? “Đồ đàn bà”! Không biết người ta nói cho biết lại còn. “Người ta năm, bảy vợ theo/ Còn tôi đơn chiếc như mèo cụt đuôi” đây!”. Lúc đó mẹ tôi mới được dịp cất lời: “Chú chỉ được cái nghĩ vớ nghĩ vẩn. Tôi cũng là đàn bà đây!”. Anh chồng biết mình lỡ lời vội lí nhí: “Em xin lỗi bác. Em hơi quá lời”. Mẹ tôi nói tiếp: “Mèo lại hoàn mèo” chứ ma quỷ gì mà sợ”. Anh chồng vội bao biện: “Loại “mèo già hóa cáo” ấy nguy hiểm lắm bác ạ. Giết một con mèo cứu muôn con chuột” bác ơi!”. Cô vợ mếu máo: “Đấy, bác xem. Lại đi cứu chuột thì còn ra sao nữa? Tôi nói để anh biết nhé “Sắc nanh chuột dễ cắn được cổ mèo”? Nhà mình có con mèo nó bắt chuột cho lại không tốt quá à?”. Mẹ tôi tiếp lời: “Cô ấy nói đúng đấy. Đừng có tin bọn “buôn thần bán thánh” mà nỡ hại loài mèo. Nó còn là thầy của hổ cơ đấy, bạn của nhà nông chúng mình đấy”. Anh chồng lủng bủng: “Lạ gì “hổ đội lốt mèo”. Dưng mà tức lắm cơ bác ạ. Chỉ toàn ăn vụng”. Mẹ tôi mới ôn tồn: “Thì “mèo nào chẳng ăn vụng mỡ”. Các cụ chả dạy “như mèo thấy mỡ” đấy là gì? Chú phải “chó treo mèo đậy” lại chứ”. Đừng có “Mèo tha miếng mỡ thì đòi/ Kễnh tha con lợn thì coi chừng chừng” chú ạ”. “Vưỡn biết thế - anh chồng vớt vát - Nhưng mà “Con mẻo con meo/ Muốn ăn thịt chuột phải leo xà nhà”, đằng này nó cứ cạy vung bảo sao mà không tức?”. Có hôm “Mèo nằm trên máng vểnh râu/ Chuột chạy không bắt lắc đầu nghêu ngao” nữa cơ”. Mẹ tôi dàn hòa: “Thì thế mới là mèo. Đừng vì con mèo mà vợ chồng mâu thuẫn, không hay ho gì đâu cô chú ạ. Xóm mình là xóm văn hóa, đang xây dựng nông thôn mới mà cô chú cứ cãi nhau suốt ngày thế này thì bao giờ mới đạt được danh hiệu khu dân cư kiểu mẫu?”. Nghe mẹ tôi nói vậy, cả hai vợ chồng nhà ấy ngồi “im thin thít như thịt nấu đông”, “tưng hửng như mèo mất tai”. Mẹ tôi về rồi nhưng vẫn lo vợ chồng nhà ấy lại lủng củng tiếp. “Mèo ra cửa, chuột xướng ca” mà. Nhưng không, từ đó trở đi nhà ấy hạnh phúc hẳn các đồng chí ạ.

            Trong xóm tôi còn có một tay hay tự mãn, thường vỗ ngực khoe khoang theo kiểu “Mèo khen mèo dài đuôi/ Chuột khoe chuột nhỏ dễ chui dễ trèo” nữa cơ. Hắn học thì ngắn nhưng lại hay nói chữ, “chưa học bắt chuột đã học ỉa bếp”. Hắn thường nghêu ngao “hát như mèo cái gào đực”. Nào là “Còn duyên anh cưới ba heo/ Hết duyên anh cưới con mèo cụt đuôi”. Nào là “Bao giờ anh lấy được cô/ Cơm hớt phần chó, đầu rô phần mèo”. Rồi thì “Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà”. Rồi lại “Con mèo nằm bếp cháy đuôi/ Ai thua cờ bạc đuổi ruồi không bay”. Lại còn “Chàng rể mà đến mụ gia/ Đánh một cái “ủm” chết ba con mèo”. Hát xong thì hắn cười hềnh hệch một mình. Vợ hắn nhiều lúc tức lắm nhưng chẳng làm gì được. Hắn như “con mèo nằm bếp co ro/ Ít ăn nên mới ít lo, ít làm” nhưng thực tế thì hắn “nam thực như hổ, nữ thực như miu”. Người ta “ăn nhạt mới biết thương mèo” đằng này hắn chẳng mảy may nghĩ ngợi gì. Chỉ tội cô vợ “Thương ai chăm bẵm đám bèo/ Cắc ca cắc củm cho mèo nó ăn”. Ông anh đồng hao với hắn góp ý cho hắn thì hắn cãi cự bảo “ông biết gì mà nói?”. Anh kia cứng họng, lủng bủng: “Đúng là phí lời. Tôi bó tay chấm com với chú đấy”. Dân làng được dịp bàn tán: “Các cụ dạy cấm có sai bao giờ. Đúng là “Anh em cột chèo như mèo với chó” vậy”.  

Mẹ tôi phải lựa lời “nói gần, nói xa” cho hắn hiểu mà thương vợ, thương con, “động chân động tay” đỡ đần các việc, đừng “ăn rồng cuốn, nói rồng leo, làm mèo mửa” như thế nữa. Hắn hề hề: “Với em, bác đừng “rình như mèo rình chuột” thế. Em chẳng dám “chó chê mèo lắm lông” đâu nhưng bác đừng có “mèo già khóc chuột”. Bác định hòa giải vợ chồng em chứ gì? Mà vợ chồng em có gì khúc mắc để bác phải “tuyên truyền” đâu. Chỉ ức là… nhiều lúc cô ấy làm em phải chịu cảnh “cơm treo mèo nhịn đói” bác ạ. Bác hiểu ý em nói chứ?”. 

Nghe lỏm được câu chuyện này, tôi cũng lơ mơ hiểu ra vấn đề. Sau đó, mẹ tôi gặp riêng cô vợ nhà kia. Chả biết mẹ tôi tâm sự gì với cô ấy mà từ đấy trở đi không khí gia đình họ êm ấm hẳn. Đố thủ trưởng và các đồng chí “cơm treo mèo nhịn đói” ở nhà kia là gì đấy? 

Cả đơn vị thoáng chút ngơ ngác rồi cùng rộ lên tiếng cười. Mọi người tranh nhau nói. Không khí buổi sinh hoạt thật tưng bừng. Có tôi diễn trình mà lị. Chưa kịp “mèo khen mèo dài đuôi” thì tiếng một cậu nào đó cất lên: “A trưởng Mưu đúng là “mèo già hóa cáo” rồi! Dí dỏm phết!”. B trưởng tủm tỉm cười, xua tay, lên tiếng: “Câu chuyện đồng chí Mưu kể rất hay nhưng tôi đề nghị đồng chí Mưu nói rõ hơn xem nào? “Cơm treo mèo nhịn đói” là gì?”. Tất cả được thể nhao nhao: “Nói rõ đi. Nói rõ đi! Không nói được thì hát bù một bài!”.

Tôi bỗng “lúng túng như gà mắc tóc”. Thì tôi có biết hát đơn ca bao giờ đâu? Chỉ máy môi hát đồng ca với anh em trong lúc sinh hoạt văn nghệ của đơn vị thôi chứ. Giờ mà bắt tôi hát thì tôi thà đọc còn hơn. Mọi người dồn tôi khiến tôi như “chuột chạy cùng sào”. Chợt có tiếng mèo kêu “meo meo” ngoài sân. Cả đơn vị cùng vội ngóng ra đó. Đúng rồi! Một con mèo tuyệt đẹp của nhà ai đang cong đuôi đuổi theo một con chuột chạy qua sân. Dưới ánh điện, nhìn chúng rõ lắm. Cả cây đào nữa kìa. Nó nở hoa tự bao giờ thế nhỉ? Mọi người cùng ngây ra quên phắt chuyện bắt tôi hát bù. 

Ngoài sân, mưa xuân lất phất bay. Gió xuân nồng nàn thổi. Ấm áp quá. Đúng là mùa xuân Quý Mão đã về thật rồi! 

 

Đ.X.T

(Nguồn: TC VNNB 277 tháng 2/2023)

Bài viết khác