Thứ ba, 10/09/2024

Nàng Giáng Hương

Thứ năm, 20/07/2023

Truyện ngắn của NGUYỄN MINH NGỌC 

Năm nay nàng khoảng ba chín tuổi. Trong buổi lễ ăn hỏi lần thứ hai này, nàng mặc một bộ áo dài màu đỏ kiểu vua chúa cung đình Huế; đầu đội khăn xếp đỏ đính những hạt kim cương giả lóng lánh; cổ đeo chiếc dây chuyền vàng to. Nàng trang điểm rất khéo, các đường nét trên khuôn mặt được vẽ hài hoà, tạo nên một gương mặt thanh tao; đôi hàng lông mi cong cong, khẽ khàng chơm chớp làm duyên, cho tăng thêm vẻ ngây thơ yểu điệu; vóc người nàng mảnh mai, dáng đi nhẹ nhàng như lướt trên mặt đất. Trông nàng giống như một tiên nữ giáng trần!

Nàng sinh ra và lớn lên ở thôn Thổ Sơn, thuộc vùng đồi núi. Nhà nàng ở gần một dãy núi vòng cung, giữa dãy núi này có một cái quèn thấp, có tên quèn Mơ. Một dòng suối chảy đến đây thì đổi dòng đột ngột, hình thành một cái thác, gọi là thác Mơ. Hầu như quanh năm, ngày tháng nước từ trên núi cao dội xuống, bay tung toé nom như những bông hoa trắng xoá. Hơi nước bốc lên thành làn sương mù nhẹ, làm cho một vùng núi đồi luôn mờ mờ ảo ảo, như thực như mơ. Có lẽ vì vậy mà có nhiều tên mơ: Quèn Mơ; suối Mơ; thác Mơ; đồi Mơ, làng Mơ, rồi chùa Mơ… Dòng suối Mơ, tôn thêm cảnh đẹp cho một miền núi non hẻo lánh, không mấy người biết đến nhưng đã biết rồi thì lại khó quên! Ngày lễ ăn hỏi của nàng, một nạ dòng với một trai tân, họ thuê thợ về quay phim chụp ảnh, và họ cũng dắt nhau đến bên thác Mơ chụp ảnh cho thêm phần thơ mộng.

Khi bỏ chiếc áo Hoàng hậu ra, nàng trẻ như ở tuổi chị của các con nàng. Hai cô con gái của nàng với người chồng trước, đã ở tuổi mười tám, đôi mươi, cô chị đang học cao đẳng, cô em học cấp ba. Nàng trang điểm đúng kiểu của một người con gái, ăn chơi thời đại mới: Mái tóc nhuộm mầu lông bò, tỉa tót cẩn thận; phấn son hai mươi bốn trên hai bốn tiếng đồng hồ; mười đầu ngón tay, ngón chân sơn sửa kỹ càng; váy áo hở hang kiểu cách, giày dép đúng mốt, nom nàng giống như một ca sĩ, hay người mẫu. Nàng có cái tên thật mỹ miều: Giáng Hương.

Thuở nhỏ, cô bé Hương cũng phải chịu cảnh lam lũ cùng bố mẹ và bà con lối xóm, trong cái làng quê nghèo khó của cô. Nhưng, có lẽ số cô sinh ra không phải để làm những công việc chân tay nặng nhọc. Ngôi chùa Mơ thờ bà Chúa Thượng ngàn, có tiếng là linh thiêng, dân trong thôn và  nhiều nơi khác thường về đây cúng lễ. Ngày đi học, cứ gặp khóa lễ nào Hương cũng bỏ học, bỏ làm đi xem người ta nhảy múa hầu đồng, nhiều khi mải mê ở đó thâu đêm suốt sáng. Dần dần Giáng Hương bắt quen với mấy người trong hội lễ hầu đồng, được họ cho vào chân phụ lễ. Cô chuẩn bị quần áo, trang sức cho các vai đồng rất khéo, cô nhập tâm những điệu nhảy, những câu hát của các giá đồng rất nhanh và hát rất hay.

Ở hội hầu đồng một thời gian, Giáng Hương gặp một chàng trai hát chầu văn, và có thai với anh ta. Hương bỏ học về cưới chồng, cô sinh con gái đầu lòng, rồi hơn một năm sau lại sinh đứa con gái thứ hai. Mọi công việc trong gia đình mặc chồng lo liệu, con còn nhỏ cũng như con đã lớn, Hương chỉ một niềm say mê với cúng lễ, hội hè, đồng bóng. Tới một ngày, sau khi hai cô con gái đã lớn, Hương bỏ chồng, bỏ con, đi theo một ông thầy cúng người thị xã. Hơn một năm sau trở về làng, nàng thay hình đổi lốt hoàn toàn, và trở thành một thầy đồng nổi tiếng khắp vùng.

Người ta bảo nàng được ăn lộc Thánh, nhưng quả là nàng có tài ăn nói, tiếng nàng thánh thót nghe như rót vào tai người, nàng rất nhanh nhạy trong việc “nghe nhạc hiệu đoán chương trình.” Vì vậy mà nàng xem bói cho người đúng bảy, tám mươi phần trăm; tìm mộ trúng sáu, bảy mươi phần trăm; cúng lễ rất thạo. Đặc biệt là ngồi đồng, ba mươi sáu giá đồng: các Quan, các Mẫu, cô Ba, cô Chín, ông Hoàng Bảy, Hoàng Bơ vv… Nàng về giá nào cũng điêu luyện. Nhập đồng, nàng múa còn đẹp hơn cả các cô tiên, làm mê hồn các con nhang đệ tử. Con nhang đệ tử của nàng, phần đông là những nhà giầu có, và cũng sùng bái như nàng. Địa bàn hoạt động của nàng rất rộng, hằng năm hầu như nàng đi cúng lễ ở khắp nơi: miền xuôi, miền ngược, trong Nam, ngoài Bắc và nàng không quên trở về ngôi chùa Mơ của làng mình cúng lễ.

Thời gian này, khu chùa Sơn Đỉnh mới, một trong những khu chùa lớn nhất nước, sắp sửa được hoàn thành. Khu chùa Sơn Đỉnh mới, được một doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng. Trong một vùng đồi núi rộng, có cảnh quan đẹp, đặc biệt ở đây có hai ngôi chùa cổ nằm trên hai hang động lớn trên lưng chừng núi, theo truyền thuyết thì chùa cổ đã được tạo dựng từ lâu. Chùa có nhiều di tích lịch sử trong việc giữ nước từ thời cha ông, và cuộc kháng chiến trong thời gian gần đây của dân tộc. Nhờ ngôi vào chùa cũ và thế núi, của một vùng đồi núi sơn thuỷ hữu tình, một doanh nghiệp tư nhân đã xây dựng nên khu du lịch tâm linh Sơn Đỉnh, nổi tiếng cả nước.

Chùa chưa hoàn thiện, nhưng nhờ quảng cáo rầm rộ trên ti vi nên tiếng tăm đã lừng lẫy cả nước. Dân các nơi đổ về rất đông, người ta đi chùa lễ Phật cầu may, du ngoạn cảnh núi non sông nước. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp lạ lùng của khu chùa mới, mang cấu trúc du nhập nước ngoài, chiêm ngưỡng những bức tượng, những chuông khánh to kỷ lục. Người trong nước, ngoài nước kéo về nườm nượp, trên đường xe cộ chật cứng, tắc đường hàng đoạn dài, ngày nào cũng là ngày hội. Khu chùa Sơn Đỉnh cách nhà Giáng Hương không đầy hai mươi cây số, vậy là ngày nào nàng cũng có mặt ở đây.

Ở đây nàng có nhiều cơ hội, xem bói, cúng lễ hộ hoặc rút thẻ cầu may, cho những người nhờ tới nàng. Khách đến với nàng khá đông, phần đa là những “chính nhân quân tử” chịu ăn, chịu chơi. Chỉ cần nhếch mép mỉm miệng cười, nụ cười của nàng làm mê hồn không ít các đấng mày râu, nàng có thể dễ dàng có được người tình, và nàng bỏ họ cũng dễ dàng như vậy. Ngày qua tháng lại, nàng đã làm được nhiều điều nàng mong muốn.

Thường thường ngày nào nàng cũng tới chùa rất sớm, ăn sáng xong nàng ngồi trong một quán nước ở lưng chừng đồi, ngắm nhìn quang cảnh nhà chùa mới vừa lạ lùng vừa hấp dẫn, để chờ đợi khách. Hôm ấy là một ngày đầu tháng ba, nền trời trong xanh điểm những chùm mây trắng nho nhỏ, nom như những bông hoa lững thững trôi trên lưng chừng trời. Tầm nửa buổi, nắng bừng lên, tiết thanh minh trời trong sáng và đẹp, hoa nở bừng trên các cành cây, người đi lễ chùa mỗi lúc một đông. Nàng như bị hút hồn vào đoàn người từ bãi đỗ xe tiến lên núi, nàng vô cùng ngưỡng mộ những người ăn mặc đẹp và có vẻ giầu sang. Chợt trông thấy một người đàn ông bước ra từ chiếc xe con mầu đen bóng loáng, linh cảm nghề nghiệp, nàng bật đứng dậy đi về phía anh ta. Đôi mắt nàng toả sáng, phát ra cái nhìn tình tứ vào người đàn ông sang trọng, người đàn ông cũng nhìn thấy một người đẹp đang tiến về phía mình, anh ta có ý chờ nàng đến. Tới gần nàng mỉm cười làm quen:

- Em chào anh ạ!

- Chào em. Người đàn ông vui vẻ đáp lại: Chào người đẹp!

- Em cảm ơn anh! Trời nắng, anh đi gần vào ô cho đỡ nắng ạ.

 Chiếc ô tung lên, hai người sánh vai đi bên nhau, vừa đi nàng vừa giới thiệu cảnh quan chùa với khách, như một hướng dẫn viên du lịch thành thạo. Đưa người khách đến cửa chùa chính, nàng xin cáo từ và lui ra. Chờ người khách lễ xong, nàng lại đưa lên chùa thượng, lần này khách nhờ nàng cúng lễ xin thẻ làm ăn. Đoạn đường lên chùa thượng dài, leo núi mệt nhọc, trời nắng nàng khoé léo để chàng đi sát bên mình trong chiếc ô. Sự đụng chạm và đôi mắt tìm nhau, người có tình gặp người có ý, chiều hôm ấy họ đã là đôi bạn thân thiết của nhau. Đó là một người Việt kiều, ông ta có dáng người bệ vệ, béo tốt, ăn mặc sang trọng, một mẫu người của những kẻ con buôn nhiều tiền nhưng thiếu sự đàng hoàng, chính trực. Cả hai đều vui, ý hợp tâm đầu, họ sống theo kiểu “già nhân ngãi….”  một hôm nằm trong nhà khách, anh Việt kiều hỏi nàng:

- Em yêu! Em có biết ở đây, vấn đề về các nàng “tiên nâu” thế nào không? Có tốt không em?

- Tuyệt vời lắm anh à!

Chỉ cần một vài lời như vậy, họ đã hiểu nhau về những điều cần nói. Đọc được bụng nhau, hai người cẩn trọng bàn việc làm ăn. Nàng bắt đầu vào một nghề mới. Những việc đang làm cúng lễ, xem bói, chỉ nhằm che đậy công việc lớn hơn của nàng. Giầu sang đến với nàng nhanh chóng. Làm ăn được một thời gan thì  anh Việt kiều có việc phải về nước. Họ hẹn nhau chờ dịp làm ăn tiếp theo.

Người tình đi rồi, mặc dù anh ta hẹn trở lại, nhưng Giáng Hương vẫn đứt tình. Trở lại nghề cúng lễ, cái nghề đã ăn sâu vào máu thịt nàng, lần này Giáng Hương nhận thấy cần phải tìm một vệ sĩ lâu dài cho mình, và nàng quyết định lấy chồng.

Bao ngày qua, nàng để ý đến một anh chàng ngồi ở bãi coi xe. Tìm hỏi bạn bè, Hương biết tên anh ta là Tùng, chưa có vợ, khoảng ba chín, bốn mươi tuổi. Người Tùng tầm thước, khoẻ mạnh; khuôn mặt đầy đặn phúc hậu, chỉ có đôi mắt hơi tôi tối, biểu hiện một trí não kém linh hoạt.

Tùng thuộc dạng người, hay ăn ngại làm, thích tay chơi sành điệu, tóc cũng nhuộm vàng hoe, quần áo tua túi lùng thùng, giầy khủng bố, trông có vẻ oai vệ lắm. Tùng ở một mình trong cái quán khá rộng, gần bãi đỗ xe của khu du lịch. Sinh trưởng trong một gia đình nề nếp, tuy đông con nhưng bố mẹ Tùng vẫn chăm lo cho các con ăn học chu đáo. Là con út trong nhà, được bố mẹ nuông chiều Tùng không chịu học. Không ít ngày cắp sách tới lớp, đút vào ngăn bàn rồi lên hang núi nằm ngủ, khi nghe trống tan trường thì xuống lấy sách ra về. Năm nào bị đúp thì lại được bố xin lên, cuối cùng cũng học được tới năm đầu của cấp ba thì bỏ hẳn. Đến tuổi nghĩa vụ quân sự, nhà đã có một anh liệt sĩ trong chiến tranh chống Mỹ, một anh ở trong quân ngũ đang trên biên giới, nhưng bố vẫn động viên Tùng đi, ông hy vọng Tùng sẽ được rèn luyện trong quân đội. Tuy nhiên vẫn chứng nào tật ấy, xong ba năm nghĩa vụ về nhà, Tùng tuyên bố với bố mẹ, sẽ không ở nhà làm ruộng. Bố mẹ lo lắng nói chuyện với các anh các chị, thương bố mẹ đã già, hai vợ chồng người chị ở thị xã, chạy cho em học nghề sửa xe máy, rồi bỏ tiền đóng cổ phần xin cho em vào làm trong một doanh nghiệp Hon đa. Làm được mấy năm thu nhập cũng khá, nhưng ăn tiêu hết sạch, đang làm thì bỗng thấy chán Tùng bỏ về, hành bố mẹ thuê quán để làm nghề sửa xe máy.

Tùng sửa xe được một thời gian, khách đến đông, tay nghề anh ta cũng khá, nhưng rồi lại ngại làm. Khi khách đi lễ chùa đông, bãi đỗ xe chật cứng, nghe bạn bè rủ rê, anh ta bỏ việc sửa xe ra đây ngồi cho nhàn hạ, giao du cho thoải mái. Ba chín, bốn mươi tuổi vẫn lông bông lang bang, rượu chè, cờ bạc, gái gú nhưng may không sa vào thuốc phiện.

Nhìn hình thức, Giáng Hương cảm thấy con người này hợp với mình, có thể thu nhận được, nàng chủ động gặp anh ta. Cầm bàn tay to bè, mềm mềm của Tùng, nàng âu yếm nở nụ cười rồi nói:

- Bàn tay anh đẹp lắm, anh luôn ưa thích cái đẹp, thích sự an nhàn. Và số anh sẽ được hưởng giầu sang, sung sướng.

Câu nói đúng tâm tư, cùng một nụ cười mê hoặc, làm cho Tùng bị thôi miên, anh ta dốc bầu tâm sự:

- Em nói đúng, nhà anh đông anh em, anh là con út được bố mẹ chiều, còn nhỏ không phải làm, lớn lên thích gì được nấy. Các anh chị của anh, ai cũng giầu, anh là nghèo nhất.

- Nhưng anh sẽ lấy được vợ giầu, âm phần mồ mả ba đời nhà anh tốt lắm, các ngài cho anh hưởng lộc nhiều hơn các anh chị của anh.

Trúng ý Tùng lại tâm sự một thôi một hồi về gia cảnh, về một thời thịnh vượng về dòng họ và gia đình nhà mình… Và đêm hôm ấy, nằm trong gian quán sửa xe của Tùng, nàng hé lộ cho Tùng biết kho báu của mình, rồi nhẹ nhàng gợi mở đến chuyện hôn nhân. Những con số tiền, vàng làm tối tăm mắt mũi kẻ nằm nghe. Đêm đó có lẽ là một đêm hạnh phúc nhất của đời Tùng. Tùng luôn mỉm cười với ý nghĩ: “Đúng là, số giầu đem đến rửng rưng… Không ngờ mình lại may mắn đến vậy. Cô nàng nói đúng, tổ tiên nhà ta giầu có, họ sẽ phù hộ cho ta được hưởng lộc.” Tự nhiên Tùng thấy mình mê tín, tin tưởng vào các vị thần linh. Ngày lại ngày những đồng tiền, vàng rơi ra từ miệng nàng, đã cuốn hút linh hồn Tùng gắn chặt vào nàng. Ít ngày sau, họ bàn đến chuyện cưới xin.

Tin Tùng chuẩn bị cưới vợ, cả nhà xôn xao. Trong cuộc họp gia đình, chỉ có bà mẹ là tán thành. Hôm trước Tùng đưa Hương về gặp mẹ, cô gái này hợp ý mẹ Tùng ở hình thức xinh đẹp, biết cách ăn diện, và điều chủ yếu là nói năng khéo léo, gọi mẹ ngọt sớt, giỏi khoe tiền, những con số tiền bay ra từ miệng cô ta làm mát lòng bà mẹ. Tuy nhiên các anh, các chị Tùng ai cũng tỏ ra lo lắng khuyên bảo em, nhưng Tùng bỏ ngoài tai những lời khuyên bảo, can ngăn của các anh các chị, anh ta vẫn ấn định ngày lễ ăn hỏi của mình.

Hôm ấy là một ngày đầu tháng sáu, lễ nghi ăn hỏi của họ còn sang trọng hơn cả đôi trai gái trinh nguyên. Lấy được vợ giầu, Tùng phấn khởi, nàng phán điều gì Tùng cũng bắt bố mẹ thực hiện đầy đủ. Xong việc, hai người về ở trong cái quán sửa xe của Tùng. Hôm sau nàng bảo Tùng: “Thôi nghỉ việc coi xe anh ạ, tiền lương chẳng đáng là bao mà không được tự do. Về đi lễ cùng em, công việc này nhàn và nhiều tiền.” Tùng đồng ý bỏ việc coi xe, về làm nhiệm vụ đưa đón nàng đi bất cứ nơi nào nàng muốn; gánh nước cho nàng tắm; giặt giũ quần áo, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa.. vv… Những việc mà từ bé đến lớn chưa bao giờ Tùng phải làm.

Đám cưới dự định, để qua tháng bảy ngâu, sẽ tổ chức vào tháng tám. Mấy hôm sau, hai vợ chồng về thăm bố mẹ Tùng, nàng được biết mẹ Tùng phải vay tiền sắm lễ ăn hỏi. Đã trót khoe mình giầu có, nàng đành phải đưa cho mẹ Tùng một ít tiền trả nợ. Những tưởng được vào gia đình giầu có, hoặc giả Tùng không giầu thì cũng phải có chút ít để cưới vợ, đằng này tất cả tay trắng, Hương thất vọng và tiếc của. Vừa xong công việc lễ ăn hỏi và đăng ký ở Uỷ ban, Hương đã khinh Tùng ra mặt, Cô nàng bảo Tùng :

- Bảo bố mẹ, có tiền thì hãy làm đám cưới, không thì thôi, tôi không có tiền bù nữa đâu, đừng  thấy bở mà đào mãi nhé.

Tùng nghe choáng váng, anh ta gượng nói:

- Cưới thì cưới, không cưới thì thôi, việc gì phải nặng lời như vậy.

- Phải nói vậy mới được. Nàng sẵng giọng: Chí làm trai đầu đội trời, chân đạp đất, bốn mươi tuổi đầu, vẫn còn hai bàn tay trắng, mà không biết nhục à.

Nhục lắm, nhưng hai tay đã trót nhúng chàm rồi còn biết làm sao? Tùng đành nhẫn nhịn chịu đựng, để được mang tiếng lấy vợ giầu. Nàng thực sự coi thường Tùng, mỗi khi Tùng làm việc gì không vừa ý, nàng mắng nhiếc không chút nể nang. Lễ cưới không được tiến hành.

Mùa xuân năm sau, một hôm Hương nhận được tin nhắn của người tình: “Anh đã về VN. nghe tình hình ở chùa SĐ. không ổn, công an làm dữ lắm. Ta chuyển vào SG. hoạt động em nhé. Hôn em!” Hương giấu chồng chuyện này, nàng tỏ ra phấn khởi tình tứ bàn với chồng chuyện đi du lịch Sài Gòn. Tháng ba, vợ chồng nàng lên đường đi thành phố Hồ Chí Minh.

Tới Sài Gòn, nàng nói thật với Tùng chuyện làm ăn, thế cùng hai bàn tay trắng nơi đất khách quê người lạ lẫm, Tùng đành phải chấp nhận. Mấy ngày đầu, họ giống như đôi vợ chồng đi du lịch thật sự, Hương đưa đường chỉ bảo cho Tùng làm quen với những con đường, ngõ phố. Rồi những gói hàng được giấu rất khéo trong các bộ quần áo nhảy đồng, lần lượt hết va ly này, đến va ly khác đưa đi, lấy về do một tay Tùng. Biết việc làm là nguy hiểm, nhưng vì miếng ăn, và sự vui thú chốc lát nàng ban cho, Tùng đành phải liều. Còn đôi tình nhân kia dính với nhau như keo, ngày ngày chúng mặc nhiên vui thú bên nhau. Một hôm anh người tình ôm nàng trong tay, đôi mắt lim dim nhìn tận đâu đâu, miệng nói:

- Liệu cái thằng chồng hờ của em có tin được không?

- Anh yên tâm, em rất hiểu nó. Nó là một thằng ngu độn không làm gì được đâu. Nếu nó có động tĩnh gì, em sẽ khử ngay. 

- Em giỏi quá, vậy thì chỉ còn lo bọn “cớm” nữa thôi.

- Nó mới vào đây, bọn công an chưa thể biết được đâu. Với lại trông nó hiền lành như vậy, ai nghĩ nó có thể làm được việc này?

Cứ tin như thế, bọn chúng thoải mái ăn chơi phè phỡn, việc chắp nối, giao hàng… mặc Tùng xoay sở. Rồi một lần khi đang giao hàng tại một con ngõ hẻm, không biết có mật báo hay không mà bất ngờ công an ập đến. Tùng và cả bọn bị bắt chờ ngày xét xử.

Cô đơn trong nhà giam, lo lắng, hãi hùng, nước mắt Tùng rơi lã chã. Lúc này, nghĩ đến bố mẹ, anh em ở quê nhà, Tùng cảm thấy sao mà xa vời vợi… “Ối, bố mẹ ơi!... Các anh các chị ơi!... Biết còn được gặp lại hay không…?”

Hai tay bó gối, Tùng chìm trong đau khổ, sự việc xảy ra như một cơn ác mộng, một sự kết thúc thật kinh khủng. Bản án đang chờ Tùng, liệu có phải chết không? Nếu phải tù, thì tù bao nhiêu năm? Tại sao lại ra nông nỗi này? Những câu hỏi luôn ám ảnh khiến Tùng sợ hãi. Mệt mỏi rã rời, Tùng gục đầu xuống hai cánh tay. Những hình ảnh xưa, nay hiện về loạn xạ trong đầu, Tùng nhận ra rằng, trước đây mình đã sống bừa bãi, ngu dại và vô tránh nhiệm; đã bỏ ngoài tai những lời khuyên can của bố mẹ và các anh, các chị, nên giờ đây phải gánh chịu cái hậu quả khủng kiếp này.

Tự nhiên, lời nói của bà chị cả ngày nào văng vẳng bên tai: “Em ơi, hãy đi lên bằng đôi bàn tay và khối óc của mình. Đói cho sạch, rách cho thơm em ạ!...”. Ngày ấy, Tùng đã ghét chị biết bao, nghĩ là bà ấy chỉ giỏi lý thuyết suông. Giờ thì lòng Tùng quặn thắt, anh ta thầm rên rỉ: “Chị ơi, bây giờ em mới hiểu lời nói của chị, nhưng cũng đã muộn mất rồi chị ạ!” Đau đớn và tuyệt vọng, Tùng chắp hai tay, phủ phục xuống đất, thành tâm cầu nguyện: “Con cầu trời cho con được sống, con sẽ làm lại cuộc đời để trở thành người tốt. Con cầu xin trời, phật phù hộ cho con được sống!...”

Tùng bị bắt. Giáng Hương cùng với người tình tháo chạy. Đôi tình nhân lên máy bay an toàn, cả hai đều thấy nhẹ nhõm trong lòng vì tưởng đã thoát nạn. Nhưng lưới trời lồng lộng, vừa đặt chân xuống sân bay nước bạn, cả chàng và nàng đều bị sa lưới.
                                                                                                                                                                                                          N.M.N

                                                                                                                                                                                             (Nguồn: TC VNNB 281-6/2023)

Bài viết khác