

Truyện ngắn của NINH ĐỨC HẬU
Hôm rằm tháng Chạp, bà nội tôi nhận được điện của bà Đào: “Em ốm, muốn gặp mấy chị!” Bà nội tôi càu nhàu: “Nhớ, thì bảo nhớ, còn bày vẽ ốm với đau.” Tuy nhiên bà nội tôi lại bảo: “Chắc ốm thật, chứ gần tết ai lại bày vẽ vậy.”
Ngoài đường có tiếng phanh xe, bà Thanh vừa bước ra khỏi taxi đã gióng giả: “Chị nhận được điện của dì Đào chưa?” Bà nội tôi đáp cụt lủn: “Rồi!”, rồi hỏi: “Dì Hương đâu?” Chưa dứt lời, đã lại một xe taxi đỗ trước cửa: “Hương… Hương đây!”
Ba bà da dẻ đồi mồi nhăn nheo như táo tàu, tóc bạc, chụm đầu tính toán, lúc trầm khi bổng, lúc sôi nổi, khi lắng đọng. Mua cái gì về cho dì Đào đây? Mà ở quê giờ có thiếu thứ gì đâu. Thậm chí giò chả nem mọc… có khi còn ngon hơn cả Hà Nội! Hay là phong bì cho gọn? Này bỏ cái tư duy tiền bạc đi nhé, các dì không nhớ mấy đứa con dì Đào đứa nào cũng khá giả, giàu có đấy à. “Hay là thế này…”, “Làm sao?”, “Mình cứ kệ ở quê dì ấy, đồ ăn ngon rẻ bổ thế nào không biết, ở đây mình sắm tết những gì thì cũng sắm cho dì ấy như vậy!”, “Ồ, nghe ra có lý. Chốt vậy nhé”.
Bà nội bảo tôi: “Ngày kia chủ nhật con bố trí đưa các bà về thăm bà Đào nhé.” Tôi “Vâng” rồi nói đùa: “Các bà ơi xe cháu bé lắm không chở được hết chợ Đồng Xuân đâu đấy nhá!” Bà Thanh vừa cười vừa nói: “Gớm! Anh làm như chúng tôi nhiều tiền mua sắm lắm đấy.” Ấy vậy hôm đi, túi to, túi nhớn, làn bé làn lớn cũng chất đầy cốp xe.
Từ Hà Nội về Ninh Bình có trăm cây số, chạy đường cao tốc vèo cái đã đến. Thành phố du lịch đang rộn ràng đón xuân. Theo nguyện vọng của các bà, trước khi về Phú Đông quê bà Đào, tôi lượn xe một vòng quanh thành phố. Bà Hương tấm tắc: “Đẹp! Đẹp quá! Đẹp không chê vào đâu được.” Bà Thanh có chút bồi hồi: “Ngày xưa bom đạn, vùng này là đất trắng đấy.” Bà Hương góp chuyện: “Em nhớ có hồi đất này có biệt danh là 4 B!” Bà Thanh trau mày: “4 B là sao?” “Thì là: buồn, bụi, bẩn, bực…”. Bà nội tôi lớn tiếng: “Cái ngày ấy… xưa rồi nhé. Giờ đây các dì nhìn thành phố người ta kia kìa. Tôi còn nghe nói, sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương đấy”. Bà Thanh nói: “Thảo nào dì Đào cứ mở miệng ra là khoe: Quê em bây giờ đẹp lắm nha, giàu có lắm nha. Thành phố du lịch này có cả di sản thế giớ kép đấy nha.” Bà Hương gióng giả: “Chuyến này về bắt dì Đào đưa đi chơi cả tháng, ăn đặc sản thịt dê cơm cháy, cá rô Tổng Trường… tẹt ga, cho dì ấy sạt nghiệp đi.” Bà Thanh nguýt bà Hương: “Bà xem lại hàm răng chín sáu ba không của bà đi, ăn đậu phụ trứng rán còn ngắc ngoải nữa là đòi ăn thịt dê”. Cả ba bà cùng cười rôm rả.
Bà tôi kể: Những năm chiến tranh, bà tôi, bà Thanh, bà Hương, bà Đào cùng trong một tiểu đội TNXP, đơn vị của các bà đóng quân ở khu Bốn. Thời bấy giờ chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mĩ đang diễn ra khốc liệt. Để ngăn chăn quân ta vào tiếp viện miền Nam, ngày đêm máy bay Mĩ oanh tác dữ dội, cung đường của các bà phụ trách không lúc nào ngớt tiếng bom đạn. Nhiệm vụ của các bà, lấp hố bom, san lấp mặt đường, để giao thông luôn thông suốt. Những ngày ấy vất vả gian khổ, thiếu thốn, nhọc nhằn, và lúc nào cũng cận kề với cái chết. Đã hứng chịu nhiều trận bom ác liệt, cứ ngỡ cả bốn bà đã không còn sống sót, nhưng sau mỗi làn khói lửa mịt mùng, bốn bà lại nhìn thấy nhau, rồi lại cùng hả hê cười, vì mặt mày ai cũng lấm lem cát bụi hệt cô bé lọ lem trong chuyện cổ… Một thời thanh xuân, mềm da căng ngực, má thắm, môi hường giữa bom đạn vẫn hồn nhiên vô tư, vẫn tếu táo, nghịch ngợm, cười đùa, ca hát… Như một sự sắp đặt của trời đất, bốn bà kết nghĩa chị em, thề có núi rừng Trường Sơn hùng vĩ chứng giám, bốn chị em chúng tôi coi nhau như ruột thịt, từ nay cho đến mai sau dẫu có thế nào chị em chúng tôi cũng kiên quyết không dời bỏ nhau.
Ba bà quê Hà Nội, riêng bà Đào người Ninh Bình. Bà Đào ít tuổi hơn nên gọi là em út. Bà Đào có giọng hát xẩm rất hay. Trước bữa ăn bà cầm hai cái đũa giả làm cây nhị. Cái đũa này cọ cái đũa kia, kéo tới kéo lui, cái miệng luôn tươi như hoa của bà vo lại, chúm cha chúm chím: “Ừ… ứ… ư… ư… ừ… ư… ư… ư… ư… ứ…” Bà giả tiếng nhị, đoạn bà hát: “Non nước ứ ư hữu tình/ Ninh Bình quê em non nước ứ ư hữu tình…” mọi người vỗ tay tán thưởng rầm rầm. Bà Thanh còn hét lên: “Con ranh này sao mày hát xẩm hay thế!” Nghe bà Đào hát xẩm, bà Hương sụt sịt. Bà nội tôi hỏi: “Sao vậy?” Bà Hương dụi mắt: “Nghe nó hát xẩm em lại nhớ con bé hát xẩm trên tàu điện ở Hà Nội!” Bà Đào khoe: “Quê em là cái nôi của nghệ thuật hát xẩm. Ở làng Phú Đông của em, trai gái đều mê xẩm, tán tỉnh nhau cũng bằng hát xẩm đấy.”
Hồi mới vào đơn vị, cô Đào có đôi mắt bồ câu, sáng trong lúc nào cũng long lanh như hai giọt nước in bóng nắng trời, trông ngây thơ, hồn nhiên. Cái miệng cứ như nụ hoa sẵn sàng bung nở rạng rỡ, tươi tắn. họa hoằn có buổi chiều bình yên, mấy chị em rủ nhau ra suối tắm. Ngâm mình trong làn nước suối trong vắt, da dẻ thân thể cô Đào nõn nà, trắng hồng nổi bật lên, thật quyến rũ. Ấy vậy, chỉ dăm tháng, không riêng gì cô Đào cả mấy chị em thay đổi đến kinh ngạc. Còn đâu má thắm môi hồng, còn đâu làn da nõn nà, bầu ngực tròn căng, suối tóc mượt mà. Nhưng không sao, các cô an ủi nhau, khó khăn thiếu thốn, một quả bồ kết cũng phải bẻ ra làm ba bốn phần thì làm sao giữ được mái tóc đẹp nữa cơ chứ.
Chiến tranh ngày càng khủng khiếp, không biết bao nhiêu lần bom đạn đã cày xới cung đường các cô đang phụ trách. Mặc dù vậy nhiệm vụ các cô vẫn hoàn thành. Sau những trận bom, mặt đường có sạt lở, loang lổ đến mấy, cũng chỉ trong khoảnh khắc là được các cô hàn vá kịp thời. Những chiếc xe phủ kín lá ngụy trang lắc lư đi qua hàng cột tiêu các cô đứng nắm tay nhau, chênh vênh bên bờ vực. Tiếng cười, tiếng hát, tiếng chúc nhau ra trận chiến thắng rộn ràng. Hồi ấy những tưởng chiến tranh không có hồi kết, bốn chị em sẽ sống mãi nơi mịt mùng khói lửa. Nhưng không! Mĩ phải ngừng nem bom. Những con đường ra tiền tuyến không phải oằn mình lên nữa, bốn chị em cùng tạm biệt tuyến lửa trở về quê hương.
Bà nội tôi bảo: dì Thanh, dì Hương với bà ở Hà Nội, tuy cũng có một thời vất vả nhưng cũng còn sướng hơn bà Đào nhiều lần. Khổ thân, người đẹp, nết đẹp ấy vậy mà lận đận. Hồi ấy người ta cho đi học sư phạm mười cộng hai, không đi, ở nhà làm ruộng. Lý sự, nhà có hai chị em gái, chị em đi khai hoang ở Tây Bắc, lấy chồng ở đấy, năm thì mười họa mới về quê. Ở nhà còn bố mẹ già yếu lại hay ốm đau, em mà đi học lấy ai chăm sóc cho bố mẹ! Các chị góp ý mấy cũng không nghe. Ngay cả chuyện lấy chồng, mấy đám đàn ông hiền lành tử tế dạm hỏi cũng nguẩy nguẩy từ chối. Lại lý sự: Lấy chồng theo chồng bố mẹ già để cho ai. Chịu cái tính gàn. Bố mẹ lần lượt qua đời, lúc ấy luống tuổi rồi, thực ra vẫn có người để mắt đến, song lại bảo ngại rồi, sợ nữa. Vậy là dì Đào sống một mình. Tuy nhiên sau này dì có thêm những đứa con?
***
Thấy chúng tôi bà Đào vui ra mặt. Giọng bà sang sảng: “Em chờ các chị suốt từ đêm qua. Thấp thỏm cả đêm chẳng chớp mắt được tí nào.” Bà nội tôi bảo: “Để xem ngã thế nào mà phải bó bột chân cẳng.” Bà Hương thở dài: “chắc dì đau lắm, già rồi xương cốt yếu, không cẩn thận chỉ khổ.” Bà Đào cười: “Có đau, nhưng sao bằng ngày xưa bị bom đạn nó tung lên vật xuống”. Bốn bà ha hả cười.
Có cô bé chừng mười bốn, mười lăm từ trong nhà chạy ra giúp tôi mang đồ vào nhà. Tôi hỏi, nó bảo tên Trang, cháu nội của bà Đào. Con bé khá xinh, lại còn nhanh nhẹn. Nó tranh xách hết các làn, các túi, cái mồm liến thoắng: “Bà nội ơi, các bà Hà Nội mua nhiều thứ lắm, tết này nhà mình tha hồ ăn.”
Bà Đào chỉ con bé Trang bảo: “Cũng may con bé được nghỉ tết sớm nên về chăm bà.” Bà tôi hỏi: “Thế chúng nó đứa lớn đứa bé chưa đứa nào về à?” Bà Đào tươi hơn hớn: “Về cả rồi, trai gái, dâu rể về hết rồi, cãi nhau chí chóe, inh ỏi rồi kéo nhau đi, hẹn mấy hôm nữa về cãi nhau tiếp, bao giờ ra môn ra khoai, thật hợp tình hợp lý mới chịu.” Bà Thanh nhanh nhảu: “Vậy thằng Tuấn, con cả không bảo được các em à?”. Bà Đào dài giọng: “Tiếng là đại tá trong quân đội có ối quân trong tay, thế mà có mấy đứa em cũng có bảo được đâu.” Cái Trang hóng chuyện nói leo vào: “Tại bố cháu hiền quá nên các cô các chú ấy bắt nạt.” Bà Đào quắc mắt: “Mày biết gì.” Cái Trang dề mỏ ra: “Cháu biết thừa, chẳng qua tại bà ưu ái vợ chồng chú Minh. Bà bảo, nó là út nên các anh chị phải nhường nó.” Bà Đào gườm gườm mắt, cái Trang cười như nắc nẻ: “Cháu nói trúng tim đen của bà rồi nhé!”.
Mọi người xúm vào làm cơm. Nhìn mâm cơm bà Đào cười: “May mà có cái chân gẫy này, năm nay nhà em mới được ăn tết sớm.” Bà Thanh giơ tay vả yêu vào má bà Đào: “Cái mồm… cái mồm… ngã lặt ra còn bảo may.” Bà Đào bảo: “Còn không đúng à.” Cái Trang thích thú: “Chưa tết nhà mình đã có bánh chưng, có giò nạc, giò mỡ, toàn món ngon Hà Nội bà nội ạ.”
Tôi thì thầm vào tai bà nội. Bà nội thì thầm lại với tôi: “Bốn đứa con của dì Đào là bốn hoàn cảnh. Thằng Tuấn, bố cái Trang, người ta bỏ ở cổng chùa Phúc Ân, dì đi làm đồng sớm nhặt được. Con Thảo, xinh như hoa hậu thì cũng bị mẹ đẻ nó bỏ bên đường. Còn con Mai, bữa ấy dì Đào đi chợ thấy người ta xúm đen xúm đỏ ở một túp lều bỏ hoang, tò mò dì đến, thấy con bé đỏ hỏn đang oe oe, vậy là bế về. Thằng Minh thì chính ông trưởng thôn bế đến bảo: tôi thấy thằng bé họ để ở cổng trường học, chị mát tay nuôi con nuôi nên tôi ẵm về cho chị.
Bốn đứa con nuôi, một người đàn bà làm ruộng, không có chồng… Tôi không sao hình dung nổi, bà Đào đã vất vả như thế nào để nuôi những người con ấy. Không những lo cho các cô, chú cơm no áo ấm, còn lo cho học hành. Tôi nghe nói ở thôn, xã chính quyền và mọi người cũng giúp đỡ, và ba bạn kết nghĩa thời khói lửa cũng thường xuyên gửi về cho bà chút ít hỗ trợ nuôi con.
Bà Đào tự hào vì những đứa con của mình, đứa quân đội, đứa công an, đứa giáo viên, đứa kinh doanh, đều thành đạt. Quý nhất là anh em chúng nó thương yêu quấn quýt nhau, coi nhau hơn cả anh em ruột. Vậy tại sao, khi bà bị tai nạn chúng về đây lại cãi nhau inh ỏi. Bốn người con đều thoát li, công tác xa, chúng được bà dựng vợ gả chồng, đứa nào cũng mái ấm đàng hoàng. Chỉ hiềm nỗi, chẳng đứa nào ở lại quê với bà. Bà thông cảm, vì công việc và vì sự phát triển sự nghiệp nên chúng không thể ở quê được. Chẳng may hôm trước bà trượt chân ngã, phải đi bệnh viện bó bột. Các con bà về, chúng tổ chức họp gia đình bàn về vấn đề mẹ bị ngã, và chăm sóc mẹ như thế nào. Bàn đi bàn lại, đứa ý này, đứa ý kia… chúng không thống nhất được quan điểm, vì đứa nào cũng tranh giành được đưa mẹ về nhà mình chăm sóc. Đứa nào cũng lý sự: Nhà em có điều kiện, vậy nhà tôi kém chắc, ở nhà tôi là hợp lý nhất vì tôi là con trưởng, ở tình cảnh này không trưởng thứ gì hết, em là con út các anh chị nhường em phần chăm mẹ nhá… Tết này tất cả sẽ về ăn tết với bà, sau đó sẽ họp lần nữa để đưa ra quyết định cuối cùng nhà ai sẽ có may mắn được đón bà về phụng dưỡng.
Bà Đào bảo: “Hôm nay em mời các chị về ăn tết sớm cũng là muốn tham khảo ý kiến! Giải quyết như thế nào với tranh chấp của những đứa con em?” Ba bà Hà Nội nhìn nhau. Mắt bà nào cũng mong mọng nước. Không bảo nhau cả ba bà cũng nhìn ra mảnh vườn nhỏ của nhà bà Đào. Trên những cành cây khô đã bắt đầu nhu nhú những búp lá non xanh. Mùa xuân đang về. Một mùa xuân ấm áp và tràn đầy hạnh phúc.
N..ĐH
(Nguồn: TC VNNB số 301/1/2025)