Thứ sáu, 04/10/2024

Anh lính trẻ và cô giáo làng

Thứ sáu, 15/07/2022

Truyện ngắn của NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH

Tôi và ông đã trở thành đôi bạn thân thiết kể từ khi tôi phát hiện ra ông là một người yêu thơ đến quên ăn quên ngủ. Ông là ông Văn, tên đầy đủ là Nguyễn Trọng Văn. Quê ông và cũng là quê tôi nữa ở mãi tận phía  Bắc, nhưng gia đình ông lại định cư ở một vùng đồi hoang vắng của tỉnh Lâm Đồng.

Nơi ấy, đối với tôi là rất xa nhưng lại trở nên gần gũi và quen thuộc từ mấy chục năm trước. Kể từ khi vợ chồng cô em gái của tôi chuyển vào một nông trường dâu tằm tơ rồi sống luôn ở trong đó. Vì thế cứ mỗi lần vào thăm là tôi lại sang chơi bên nhà ông. Cũng như những dân cư trong vùng, gia đình ông, đúng hơn là gia đình con trai ông làm nông nghiệp, sống nhờ vào mấy hecta cà phê và trồng dâu nuôi tằm. Tôi hỏi ông làm thế nào mà ông lại vào tận đây sinh sống. Ông nói rằng cũng là cái duyên cái số cả thôi:

- Vợ chồng tôi sinh được bốn người con, nhưng chỉ có một cậu con trai thôi ông ạ. Học xong phổ thông nó vào bộ đội rồi được cử đi học ngành “vũ khí đạn” ở Huế. Tốt nghiệp ra trường, nó được điều về một đơn vị bộ đội đóng quân ở Đình Lập, một huyện biên giới phía Bắc. Nó tiến bộ khá nhanh nên gia đình tôi hy vọng nhiều vào nó lắm, nhưng rồi một tai nạn ập đến. Vốn là một đứa con trai hiếu động, nên trong một lần ngồi trên xe tải, nó bảo cậu lái xe là cấp dưới trao tay lái cho nó. Đi được mấy chục cây số thì chiếc xe tải ấy mất tay lái lao thẳng vào một ngôi nhà bên vệ đường. Hai đứa ngồi trên ô tô thì bình yên vô sự, chỉ bị sây sát nhẹ, nhưng ngôi nhà ấy thì bị sụp đổ hoàn toàn. Nó bị kỷ luật, phải ra quân. Về quê làm ruộng, nó buồn và xấu hổ lắm. Không giám đi đâu. Chỉ ru rú quanh nhà. Nghe theo lời mẹ và được mọi người khuyên nhủ, nó đồng ý lấy vợ ông ạ. Một thời gian sau, vợ chồng nó xung phong đi theo một đoàn người vào xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên. Vào trong ấy, được sự giúp đỡ nhiệt tình của địa phương nên chỉ một năm sau vợ chồng nó đã ổn định được cuộc sống. Có nhà có cửa. Có ruộng đất để làm ăn. Và muốn bố mẹ vào ở luôn với vợ chồng nó. Nghe nói ở trong ấy dễ sống lắm nên tôi quyết định vào thám thính trước. Và quả thật là như vây. Thời tiết mát mẻ. Có đủ bốn mùa trong một ngày. Đất đai màu mỡ. Cây trái tốt tươi. Tôi gật đầu ngay. Thế là chỉ sau ba ngày ở trong đó, bố con tôi quay ra Bắc. Giao nhà cửa ruộng vườn cho đứa con gái út lấy chồng gần nhà, vợ chồng tôi theo nó vào luôn trong này. Mới đó mà tôi đã trở thành cư dân ở cao nguyên đầy nắng gió này được hơn hai mươi năm rồi đấy ông ạ.

Tôi bắt tay mừng cho ông và nói rằng quyết định ấy của ông tuy có chóng vánh một chút nhưng hoàn toàn đúng đắn. Vào chơi nhà và đàm đạo với ông chỉ vài lần thôi tôi đã phát hiện ra cuộc sống ông khác hẳn với mọi người ở đây. Ông là bộ đội. Bà là giáo viên. Cả hai ông bà đều có lương hưu. Nhà ông có một tủ sách lớn. Ông thích đọc sách  và nói hơi quá như bà ấy thì ông chỉ biết đọc sách, đọc suốt ngày không  chán. Trong lúc chuyện trò với tôi, ông thường điểm vào những câu Kiều quen thuộc nhưng lại rất hợp với cảnh và người của câu chuyện. Ông tên là Văn mà lại thuộc thơ đến lạ kỳ. Ông thuộc thơ của mọi tác giả, kể cả những người làm thơ ở câu lạc bộ xóm thôn, nhưng phải là những bài thơ hay. Tôi cũng là một người yêu văn yêu thơ và thỉnh thoảng cũng viết lách đôi chút nên chuyện trò với ông tôi thấy thú vị lắm. Ông nói với tôi rằng thơ là tiếng lòng, là những gì huyền bí nhất, lắng đọng nhất trong sâu thẳm tâm hồn của con người. Thơ nói hộ mọi người, nên những bài thơ hay sẽ còn tồn tại mãi mãi trong cuộc sống của nhân loại. Tôi đưa cho ông xem một trang thơ trên tờ báo Văn nghệ mới nhất. Ông đọc trân trọng lắm nhưng không khen cũng không chê một lời nào cả. Ông nói thơ bây giờ là cách tân, kén người đọc lắm. Theo ông thì dù có thử nghiệm có đổi mới đến đâu chăng nữa thì thơ hay vẫn phải đến với quần chúng và được mọi người đón nhận.

Tôi hỏi ông:

- Ông thuộc thơ và mê thơ như thế thì chắc thơ của ông cũng hay lắm. Ông lắc đầu:

- Trái lại ông ạ. Tôi không làm được thơ nên càng yêu quý thơ và khâm phục những người làm được thơ hơn. Tôi cũng đã làm một vài bài thơ, nhưng đọc lên nghe chán lắm. Ý thì cạn, ngôn ngữ thì nghèo nàn, ghép vần thì lủng củng. Ấy mà bà lão của tôi lại khen hay mới chết chứ. Bà ấy còn khuyến khích còn động viên tôi làm nhiều thơ nữa.

- Ông thật tốt số và là của hiếm đấy. Tôi có quen biết một ông nhà thơ chuyên nghiệp. Thơ ông đọc được, nhưng ông lại có một nhược điểm lớn là không làm ra tiền nên bà ấy ghét cay ghét đắng. Bà ấy thường hay nói nếu biết ông là nhà thơ thì không bao giờ tôi lấy ông.   

Ở quê mới Lâm Đồng, hai ông bà Văn Nhân sống rất đầm ấm trong một ngôi nhà nhỏ xinh bên cạnh nhà con trai. Tuy đã ở gần cái tuổi tám mươi, nhưng đôi vợ chồng già vẫn tình tứ lắm. Bà cứ xưng “em” ngọt xớt với ông làm cho những người nghe cảm thấy hơi tủi thân khi chạnh nghĩ về mình. Tôi cứ đoán già đoán non chắc thời trẻ hai ông bà này có một mối tình sâu đậm lắm đây và quả thật là như vây. Ít ngày hôm sau khi đã trở thành đôi bạn già quen thân rồi, Ông đã kể cho tôi nghe một câu chuyện tình rất nên thơ và cảm động của chính ông và cô giáo dạy văn Nguyễn Thị Nhân, người vợ thủy chung của ông bây giờ:

“Đó là những năm chiến tranh chống Mỹ ông ạ. Là một anh lính trẻ, khỏe mạnh lại có bằng tốt nghiệp lớp mười nên tôi tiến bộ khá nhanh. Chưa đến ba mươi tuổi tôi đã được cử về Hà Nội học lớp bồi dưỡng cán bộ trung đoàn. Kết thúc khóa học, được nghỉ phép ít ngày, tôi về thăm nhà  luôn. Dù đã ra ga Hàng Cỏ từ rất sớm, nhưng tôi vẫn phải đứng xếp hàng trong một dòng người khá dài để chờ mua vé. Đứng trước tôi là một người con gái, ba lô trên lưng, mũ vải mềm che kín mặt. Nhìn dáng người từ đằng sau tôi cũng biết được cô gái này còn rất trẻ. Quần lụa đen bóng. Áo sơ mi không ly màu xanh trứng sáo. Thật không may cho tôi, đúng vào lúc tôi đang nhìn ra phía ngoài thì đoàn người xếp hàng được nhích lên được vài bước làm cho tôi bị tụt về phía sau. Vội vàng chạy lên thì vô tình tôi dẫm vào chân của cô gái ấy. Chiếc dép cao su màu đen rất xinh bị tụt hết quai.

- Cái anh này mắt để đâu mà làm đứt hết dép của tôi rồi.

- Mắt tôi để ở trong túi. Cho tôi xin lỗi.

Cũng là may, hôm đó tôi mặc thường phục và cũng đi dép cao su nên tôi đã chữa cháy rất kịp thời. Chẳng nói chẳng rằng, tôi cầm lấy chiếc dép của cô gái. Thò tay vào túi quần lấy ra một cái kẹp rồi ngồi xuống xuôn lại từng chiếc quai một. Làm xong đâu vào đấy tôi đưa dép cho cô gái và nhận được một lời cảm ơn rất nhẹ. Chắc ông còn nhớ thời ấy, ai đã đi dép cao su thì thường có một cái kẹp bằng sắt hoặc bằng cật tre để rút lại quai dép mỗi khi bị tuột ra. Đến bây giờ chắc mọi người đã quên cái vật dụng cỏn con ấy rồi. Còn đối với tôi thì đó là một kỷ niệm không bao giờ quên được. Bởi vì nhờ có nó mà lần đầu tiên trong đời tôi mới làm quen được với một cô gái bạn đường rất lạ. Đối với tôi ở tuổi ấy mà nói là lần đầu tiên thì không ai tin được nhưng đúng là thế ông ạ. Các cụ nhà tôi lo tôi ế vợ lắm, cứ bảo “Thằng cháu con chị ruột của anh, mới có mười tám tuổi thôi mà đang đòi cưới vợ kia kìa. Suýt soát ba mươi tuổi như anh mà chưa bạn gái là nguy to rồi đấy”.

Tầu chợ hôm ấy đông lắm. Tôi cùng toa với cô gái nhưng có đến gần được đâu. Tôi thì đứng còn cô ấy thì ngồi chen chúc ở một hàng ghế  độc nhất trong toa. Một lúc sau tôi thấy cô nhường ghế cho một thiếu phụ bồng con nhỏ. Thấy có điều kiện, tôi liền mạnh dạn chuyển sang đứng gần cô ấy để mong được chuyện trò cho thời gian ngắn lại. Ấy thế mà cô ấy chẳng thèm để ý đến tôi và đôi mắt thì cứ như nhìn đến một phương trời xa xôi nào ấy. Đoạn đường chúng tôi đi chỉ có hơn một trăm cây số mà con tầu cứ ỳ ạch như rùa. Mãi mười một giờ trưa mới đến  nhà ga tỉnh nhà. Tôi xuống tầu và đi nhanh đến bến ô tô để mua vé về quê. Vừa mới đứng xếp hàng chưa nóng chỗ thì đã nghe thấy loa phát thanh của bến xe thông báo chuyến xe cuối cùng về bến xe huyện tôi chỉ còn mấy vé để bán cho diện ưu tiên. Nhìn về phía sau tôi nhìn thấy cô gái ấy ngồi sụp xuống sàn nhà và như có vẻ đang khóc. Thì ra cô ấy cũng về chuyến này, Tôi vội chạy lên trình giấy tờ, xin mua hai vé. “Anh đi cùng bà xã à”. “Vâng”. Tôi trả lời thật to rồi đi ra. Lần này thì tôi không vội vã nữa mà rất bình tĩnh đưa vé cho cô gái. Mắt không chớp, cô gái nhìn tôi “Anh mua vé cho em à. Cám ơn anh”.

Chuyến xe khách hôm ấy chật ních, nhưng tôi vẫn tìm được chỗ để ngồi bên cô gái.

- Anh là bộ đội à. Tôi gật đầu. Sao cô biết.

- Vì anh có giấy ưu tiên.

Màn đối thoại chỉ diễn ra được đúng một câu như thế rồi cô gái lại ngồi im như tượng phật. Cứ nghĩ rằng cô gái ấy khó gần nên khi xe đến bến tôi chẳng cần biết cô ấy đi về đâu nữa, cứ thủng thỉnh đi về làng. Hôm ấy, có lẽ là do trời định hay sao ấy nên khi đến một lối rẽ, tôi lại không về nhà mình nữa mà lại về nhà ông anh song sinh của tôi ở làng bên. Học hết cấp hai, anh ấy không được học lên cấp ba như tôi mà đi học sư phạm. Ra trường lấy một giáo sinh cùng khóa rồi cả hai được về dạy học ở trường này. Đi được một đoạn, nhìn lên tôi đã thấy cô gái ấy đang đi ở phía trước rồi. Có lẽ do muốn cắt cái đuôi cứ theo mãi ở đằng sau nên tôi đã đi nhanh rồi mà cô gái ấy còn đi nhanh hơn rồi mất hút vào một cái cổng nhỏ kết bằng cành lá của cây ô rô rất đẹp. Đó chính là nhà của ông anh tôi. Thấy em về, anh chị tôi phấn khởi lắm. Anh thì ôm chặt lấy tôi. Còn chị thì ngạc nhiên tròn xoe con mắt:

- Sao hai người lại cùng về với nhau thế này.

- Ai ạ.

- Chú với cái Nhân chứ còn ai nữa. Đúng là hợp duyên hợp số rồi. Nó là em gái của chị đấy.

- Trời ơi. Thế mà em không biết. Cùng đi từ Hà Nội về, nhưng cô ấy có nói với em một lời nào đâu.

- Tính nó vậy. Ngại chuyện trò với người lạ. Đúng rồi, cô cậu có gặp nhau bao giờ đâu mà chả là người lạ. Nó vừa tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm đấy. Rồi nhìn vào phía nhà trong, chị gọi to: Nhân ơi. Ra đây tiếp khách với chị nào.

Cầm tay em gái dắt ra nhà ngoài, chị dâu cười rất vui:

- Đây là chú Văn, em trai song sinh với anh rể của em đấy.

 Nhìn thấy tôi, cô em gái có vẻ ngượng ngùng bẽn lẽn lắm. Còn chị gái thì quay về phía tôi:

- Chú về nghỉ phép à.

- Vâng. Em được về thăm nhà một tuần rồi đi B anh chị ạ.

Không khí trong nhà bỗng lặng đi một phút. Chị dâu tôi đứng lên:

- Bây giờ anh chị xuống bếp làm cơm. Hai em cứ ở đây chuyện trò tự nhiên nhé.

 Chỉ còn hai người ngồi đối diện với nhau tôi mới có điều kiện ngắm nhìn cô em gái của chị dâu. Đúng là đẹp thật. Dáng người thanh nhã. Mái tóc đen dài sóng sánh chảy xuống bờ vai. Và đúng như câu thơ của cụ Đoàn Văn Cừ “Mắt sáng môi hồng má đỏ au”. Kể từ lúc ấy cô em không còn e lệ rụt rè nữa, đã dám nhìn thẳng vào tôi và chuyện trò thì nở rộ như ngô rang. Hôm ấy, trong bữa cơm chiều, bà chị dâu đã ghé vào tai tôi nói nhỏ:

- Chú thấy cô em gái của chị thế nào. Được đấy chứ. Từ lâu anh chị đã muốn dành cho chú đấy.

- Thật không chị. Nếu thế thì phúc đức cho em quá. Nhưng em lại sắp đi xa rồi.

- Đi xa rồi cũng phải về thôi. Xem tuổi của hai đứa, chị thấy cô cậu hợp với nhau lắm đấy.

 Sáng hôm sau trước lúc về nhà, anh trai tôi đã dắt ra sân một chiếc xe đạp mới nguyên vừa được phân phối:

- Chả mấy khi được dịp thế này đâu. Cô cậu hãy đèo nhau đi thăm thú vùng quê một lúc cho thư giãn tinh thần.

Ra ngoài đường tôi hỏi:

- Chúng ta đi đâu bây giờ - Nhân cười:

- Anh đi đâu thì em theo đấy.

Thế là tôi dẫn em đến một nơi không chỉ rất hữu tình mà nó còn ẩn chứa biết bao nhiêu kỷ niệm một thời thơ dại của tôi nữa. Đó là hồ Đồng Thái. Con hồ này rộng lắm, nằm uốn lượn theo một bên là núi đá, một bên là cánh đồng lúa mênh mông xanh thẳm. Tôi thuê một chiếc thuyền câu nho nhỏ rồi mỗi đứa một tay chèo bơi ra giữa lòng hồ cũng mênh mông xanh thẳm như thế. Em chèo thạo lắm. Tôi không hỏi nhưng cũng biết rằng con gái ở miền sông nước như Nhân thì ai cũng giỏi bơi như rái cá vậy. Nghĩ thế nên tôi an tâm chèo thuyền lướt nhanh trên mặt hồ. Trời thu sao mà đẹp thế. Những đám mây hình con rùa, con vịt cứ lượn lờ như bay bổng giữa trời cao in xuống mặt nước trong xanh đến vô cùng. Giữa khung cảnh nên thơ ấy, bỗng tôi nghe thấy một câu Kiều quen thuộc văng vẳng bên tai “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”. Tôi âu yếm nhìn em:

- Trời ơi cô giáo văn của tôi. Em cũng thích truyện Kiều à. Vậy thì ta tổ chức cuộc thi xem ai thuộc Kiều hơn ai ngay bây giờ nhé. Em đọc trước đi. Đọc đoạn thơ nào mà em thích nhất ấy.

Tôi vừa ra đề xong thì Nhân đọc luôn “Cách tường phải buổi im trời/ Dưới đào dường có bóng người thướt tha/ Buông cầm xốc áo vội ra/ Hương còn thơm nức người đà vắng tanh/ Lần theo tường gấm dạo quanh/ Trên đào nhác thấy một cành kim thoa…”. Cứ thế Nhân đọc một mạch đến câu “Thoa này bắt được hư không/ Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về” thì quên hẳn không nhớ được câu tiếp theo nữa. Tôi nhẹ nhàng đọc theo “Tiếng Kiều nghe lọt bên kia/ Ơn lòng quân tử sá gì của rơi/ Chiếc thoa nào của mấy mươi/ Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao…”

- Vậy là em thua anh rồi.

Nhân cười rồi nhìn tôi không chớp. Chúng tôi không chèo nữa mà cứ nhìn trời xanh nhìn nước biếc và nghe cả chuyện học hành của Nhân, cả chuyện chiến trường của tôi. Mặc cho con thuyền thì cứ trôi bồng bềnh trên mặt hồ gợn sóng. Đến lúc này tôi mới dám ngồi sát lại bên em. Mạnh dạn cầm lấy một bàn tay nóng hổi của em và em cứ để nguyên như thế. Như cảm thấy đang có một bàn tay thừa ra, tôi liền  nhẹ nhàng quàng tay qua cổ em và áp mặt vào mái tóc đen dầy của em đang lượn lờ bay theo làn gió mùa thu mát rượi. Một mùi thơm tỏa ra. Mùi thơm của bồ kết của lá cỏ mần trầu. Mùi thơm của con gái. Mùi thơm rất lạ, mà từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến nay chưa bao giờ tôi cảm nhận được. Thời gian cứ chậm chạp trôi qua. Tình yêu đầu đời thật sự đã đến với tôi, nhưng tôi lại không dám tỏ tình với em. Tôi ôm chặt lấy em. Còn em thì thổn thức:

- Em sẽ chờ anh. Anh cứ yên tâm vào Nam chiến đấu.

- Anh rất quý mến em, nhưng em không thể chờ đợi anh được đâu. Chiến tranh mà. Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Anh không muốn vì anh mà em phải chịu khổ suốt đời.

Em nhìn tôi đắm đuối. Tôi không cầm được lòng mình nữa nhưng vẫn phải nói ra một điều muốn nói:     

- Em phải quên anh đi. Trở thành cô giáo rồi, nếu có ai thương em thật sự thì em phải nhận lời, đừng để tuổi xuân phí hoài.

Em lấy tay ấn nhẹ trên miệng tôi:

- Anh đừng nói nữa. Em sẽ chờ anh.

 Chúng tôi cứ ngồi với nhau như thế, mãi gần trưa mới về nhà. Bịn rịn chia tay em, tôi về làng ở với bố mẹ được đúng một tuần rồi lên đơn vị. Hơn ba năm sau, từ chiến trường trở về tôi nhận được tin Nhân vẫn chờ tôi và chỉ một tháng sau cô ấy đã trở thành người bạn đời son sắt thủy chung của tôi rồi ông ạ. Cho đến nay, mỗi lần nhớ về cái buổi chèo thuyền trên hồ Đồng Thái ngày ấy tôi lại tự hỏi sao những câu thơ Kiều lại đi suốt cả cuộc đời tôi như thế. Chuyện tình, chuyện thơ và chuyện thuộc Kiều của tôi là như thế đấy. Nó hơi lãng mạn một chút. Phải không ông”.

Mùa hè năm 2022

(Nguồn: TC VNNB 266-6/2022)

                                                           

 

Bài viết khác