Thứ sáu, 04/10/2024

Anh thợ khoá      

Thứ ba, 23/07/2019

Truyện ngắn của NINH ĐỨC HẬU
Từ ngày về hưu, khi vào độ năm hết tết đến trong tôi lại náo nức y như hồi còn trẻ. Tôi dọn dẹp, sửa sang lau chùi, rửa ráy đồ thờ cúng, vôi ve trang trí nhà cửa từ giữa tháng chạp. Đặc biệt nhất tôi có thú vui đi chợ hoa mua đào mua quất trước ngày tết ông Táo. Khi ấy chợ hoa còn vắng khách mình tha hồ chọn lựa.

 

Năm nay cũng vậy, tôi đã có mặt ngay ngày đầu tiên Thành phố khai mạc Chợ hoa xuân. “Lượn lờ” khắp mọi nơi, phải vài chục vòng, thoả thuê ngắm nghía muôn ngàn hương sắc, rồi tôi mới đến trước một hàng bán quất. Người ta vừa xuống xe ô tô phải đến mấy trăm cây. Cây nào cũng xanh ngăn ngắt lá, vàng ươm mọng mịu quả. Tôi chọn một cây, bảo người bán hàng gỡ dây buộc, để cây quất bung ra. Tôi lùi người lại một chút, định có một khoảng cách ngắm nghía, thì va vào Thiềng. Tôi ngạc nhiên:

- Hôm nay chú không đi làm à?

Thiềng lắc đầu nhè nhẹ:

- Cuối năm ít việc lắm, với lại năm nay em cũng định mua cây quất hay cành đào chơi tết.

Tôi ngạc nhiên hơn:

- Thật á! Thế chú… - Tôi cảm thấy mình lỡ lời.

Thiềng cười:

- Là bác định bảo em không tiếc tiền nữa chứ gì. Vâng! Cũng tiếc lắm, nhưng chị Hải bảo tết sẽ cho bọn trẻ đến nhà em chơi. Vậy là, tiếc thì tiếc, em cũng muốn năm nay có hương vị mùa xuân ở trong nhà em.

Tôi gật gật đầu, thầm nghĩ “Thảo nào… Thảo nào…”

* * *

Người hàng xóm của tôi tên là Thiềng, anh ấy độc thân và sinh sống bằng nghề sửa chữa khóa. Trước đây làm nghề cố định ở chợ Đón, sau bảo ngồi một chỗ ít việc nên chuyển sang đi chữa khóa dạo. Đồ nghề cho vào một cái hòm gỗ buộc sau con xe dream cũ, hai bên tay lái treo lủng lẳng hai dây chìa khóa, loại bằng đồng, loại bằng nhôm. Hồi đầu đi chữa dạo thì Thiềng rao bằng mồm. “Ai khóa ơ…” dần dần thay bằng cái loa tay gắn ở đầu xe, có một cái âm ly nhỏ buộc đằng sau cùng với cái ắc quy 12von, công suất cũng khá, không rao “Ai khóa ơ…” nữa mà là “Ai sửa khóa, đánh chìa mới không…” Hôm nào cũng như hôm nào Thiềng đi làm từ khi còn mờ mặt người, rồi đến khi nhọ mặt người mới về. Buổi tối gặp tôi, có hôm khoe: “Nay cũng kiếm được bác ạ”. Tôi bảo: “Vậy thì mừng cho chú”. Có hôm ỉu xìu: “- Không đủ tiền xăng bác ạ”. Tôi an ủi: “Bữa này bữa nọ thế mới là làm ăn chứ”. Thực ra tôi với Thiềng cũng suýt soát tuổi nhau, nhưng ngay từ hồi mua nhà rồi chuyển đến làm hàng xóm của tôi anh ấy đã gọi tôi là bác rồi xưng em, tôi cũng chẳng muốn cải chính, lâu dần thành quen.

 Ở khu phố tôi, mọi người đến nhà nhau chơi là chuyện cực kỳ hãn hữu. Phần lớn mọi người đều đi làm, tối về thì lúi húi bếp núc, lo chuyện con cái, ít có thời gian dông dài. Trong phố, nhà ai có công việc ma chay, cưới xin thì mới có dịp gặp nhau chút ít. Nếp sống ấy cũng quen dần, và mọi người chấp nhận nó như một lẽ đương nhiên vậy.

Một hôm Thiềng về sớm, thấy tôi đứng trước cửa nhà anh, nên mời tôi vào nhà. Không tiện từ chối, tôi đành làm người khách bất đắc dĩ. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong nhà Thiềng không giường, không tủ, không bàn ghế… mấy gian nhà trống trơn. Ở giữa nhà trải một cái chiếu, dưới cái chiếu là một tấm đệm khá dày. Chỗ ấy vừa là nơi nghỉ ngơi cũng là nơi Thiềng tiếp khách.  Trên tường treo một khung kính nhỏ, bên trong lồng tấm bằng chứng nhận Trung sĩ Lê Quang Thiềng được tặng huy chương quân giải phóng, còn lại không hề treo một khung tranh ảnh gì. Ngắm kỹ tấm bằng huy chương đó , tôi hỏi: “Thì ra chú là lính xế Trường Sơn?”. Rồi tôi bảo “Tôi cũng mấy năm đóng quân ở đấy”.  Thiềng hồ hởi hẳn lên: “Thì ra bác cũng là lính”. Rồi tôi và Thiềng cùng ôn lại đôi chút kỷ niệm những ngày còn trong quân ngũ, gian nan, nguy hiểm nhưng cũng rất tự hào. Đang hào hứng như vậy bất chợt Thiềng ho. Thoạt đầu chỉ là những tiếng ho đơn lẻ, nhưng sau dồn dập, Thiềng phải co bụng lại để ho, tôi biết đó là những cơn ho như muốn đứt ruột. Sau một tràng ho, mặt mày Thiềng xanh mét, đôi mắt quầng sâu trắng dã ra. Thiềng nhìn tôi có vẻ ngượng ngùng, nói lí nhí “Xin lỗi bác”, thọc tay vào túi quần lấy ra một nắm thuốc, nhặt vài viên vã vào mồm, xòe tay vuốt vuốt từ cổ họng xuống ngực. Tôi ngạc nhiên, Thiềng cười: “Tôi uống thuốc khan kiểu này quen rồi”. Tôi bảo “ Chú mệt rồi, tôi về để chú nghỉ” Thiềng xua xua tay “Không sao… không sao”.

Sau lần ấy, tôi đến với Thiềng nhiều hơn, và anh cũng bắt đầu qua lại nhà tôi. Dần dần tôi và Thiềng thân thiết nhau hơn. Có lần Thiềng rủ tôi ra hồ máy xay uống bia. Anh ấy gọi đồ nhắm, gọi bia cho tôi và một lon nước ngọt cho mình. Tôi hỏi: “Chú không uống bia à?” “Vâng! Tôi không uống được bia” “Không uống được sao gọi tôi ra đây?” “Thì ra hóng gió với lại chuyện trò cho khuây khỏa”. Tôi gật đầu, nghĩ, có lẽ những người sống độc thân đôi khi thấy mình cô đơn trống trải. Những khoảnh khắc ấy họ chỉ muốn có một ai đó để giãi bày chia sẻ. Nghĩ thế nhưng tôi chẳng biết chia sẻ điều gì với Thiềng cả. Nghĩ linh tinh, thế quái nào tôi lại hỏi về công việc. “Dạo này kiếm được không chú?” “Cũng tạm bác ạ” “Xem ra cái nghề sửa khóa cũng không phải dễ chú nhỉ” “Thực ra cũng không hẳn là khó, xong cũng vào dạng độc… Nhiều khi gặp những ca hóc ra phết, như sửa khóa mật khẩu, khóa két bạc, khóa tủ hồ sơ… Nhưng những ca khó như vậy thường được nhiều tiền bác ạ.” Nói đến tiền, tôi thấy mắt Thiềng sáng hơn lên thì phải. Ngồi bờ hồ một lúc, gió nhiều, Thiềng lại lên cơn ho, anh ta lại móc túi lấy thuốc vã vào mồm.

Bây giờ thì vợ con tôi cũng đã coi Thiềng như người thân. Và hình như được coi gia đình tôi như người nhà cũng làm cho Thiềng phấn chấn hơn nhiều. Có lần Thiềng tâm sự với vợ chồng tôi về hoàn cảnh của anh: “Hai bác ạ, tôi mồ côi cha mẹ từ thuở lọt lòng. Tôi không có ai, mà nói đúng ra là không biết có ai là họ hàng, ruột thịt, thân thiết. Thậm chí sau này các mẹ ở trại trẻ mồ côi cũng chẳng cho tôi biết ai đã đưa tôi đến đấy. Tôi lớn lên ở  trại mồ côi. Các mẹ yêu thương chúng tôi lắm, nhưng phải cái trại nghèo quá, cho nên nguyên chỉ có  yêu thương cũng không bù đắp được sự thiếu thốn thèm thuồng của chúng tôi. Hầu như lúc nào tôi cũng thấy đói, thèm ăn. Mùa đông thì thêm cái rét nữa. Ốm đau làm gì có đầy đủ thuốc men. Hầu hết lũ trẻ mồ côi mắc bệnh lao. Tôi cũng đã mấy lần chứng kiến người ta đến mang những đứa trẻ xấu số ra đi. Những đứa bạn mồ côi ấy được cho vào những cỗ quan tài mỏng mảnh. Nhiều lúc nghĩ về ngày ấy mà nước mắt cứ ứa ra. Tuy nhiên tôi là người may mắn. Vượt qua được tất cả đói rét, bệnh tật, để sống, để tồn tại… Rồi tôi cũng được đi học, học hết cấp 2 tôi đi làm ở một hợp tác xã vận tải, sau đó tôi trúng tuyển đi học lái xe và cuối cùng thì được chọn vào quân đội làm lính vận tải trên tuyến đường Trường Sơn…”

Lại có một buổi tối Thiềng sang nhà tôi, anh ấy bảo: “Không hiểu sao hôm nay tôi thấy buồn quá!”. Tôi nhìn thấy ở mắt anh có chiều sâu thăm thẳm. Tôi mở tủ lấy chai rượu, Thiềng bảo “Tôi không uống, nhưng hôm nay thì cứ xin bác một chén”. Tôi rót rượu đưa Thiềng, anh nâng chén trên tay trầm ngâm giây lát rồi khẽ khàng: “Bác ạ, tôi nghĩ, mỗi người trên đời này sống đều có một mục đích.” Tôi đồng tình “Chú nói đúng, nhưng đôi khi ta cũng không thể hiểu rõ mục đích của ta là gì, ấy là trạng thái mơ hồ”. “Ai ở trạng thái đó thì tôi không rõ, nhưng tôi thì có mục đích rõ ràng bác ạ” Tôi khẽ cười “Vậy ư! Thế mục đích sống của chú là gì?” “Là tiền!” “Hả!” Bất giác tôi “hả” một tiếng ngạc nhiên, đó là một tiếng “hả” thật khiếm nhã thiếu tế nhị. Thiềng nghiêm sắc mặt “Không hiểu sao đêm qua tôi trằn trọc mãi, có những điều tôi cứ giấu kín , đúng ra tôi cũng chẳng biết thổ lộ với ai. Ngày trước khi ra quân tôi cũng to cao, cường tráng, lúc ấy sự mặc cảm về mồ côi, về không người thân thích cũng không đè nặng tôi nữa, cũng có vài người bạn giới thiệu cho tôi đám này, cô nọ. Nhưng tôi không thể, đúng tôi không thể làm người ta lụi tàn hạnh phúc…” Thiềng ngừng lời, anh khẽ nhấp một ngụm rượu. Tôi khẽ khàng: “Chắc hẳn chú phải có lý do chính đáng” “Bác ạ, cũng không biết, đấy có phải là lý do chính đáng không!” Thiềng lại nhấp một ngụm rượu nưa, rồi thong thả mở cái túi nhỏ mà anh mang theo, lấy ra một cái quyển sổ nhỏ, đã quá cũ, lật lật vài trang Thiềng nhặt một tờ giấy  ố vàng loang lổ, tay anh run run đưa tôi. Nét chữ trên tờ giấy đã nhòe tuy nhiên vẫn còn đọc được. Thì ra đấy là một tờ giấy của một bệnh xá tiền phương chứng nhận Lê Quang Thiềng bị nhiễm chất dioxin. Tôi trả lại tờ giấy và lặng người đi. Thiềng thản nhiên “ Chính đáng hay không chính đáng thì bây giờ cũng không còn quan trọng nữa. Với tôi tất cả đã ở đằng sau cả rồi. Dạo này tôi ít đi chữa khóa vì thấy trong người đã có những dấu hiệu khác lắm. Thực ra thì tôi tiếc lắm, nghỉ ngày nào thì mất đi một khoản tiền ngày ấy…” Tôi ngẫm ngợi, đồng tiền có ma lực thật, nó quyến rũ đến mê hồn lòng người.

Mấy ngày liền không thấy Thiềng ra ngoài, tôi sốt ruột, thêm một chút lo lắng nữa, liền bảo vợ cùng sang nhà Thiềng xem sao.

Thiềng nằm cong queo trên chiếu, anh ấy đang ôm bụng ho, những cơn ho dài, rũ rượi. Thấy vợ chồng tôi Thiềng có vẻ ái ngại lắm. Tôi bảo “Chú ốm rồi, để tôi đưa chú đi bệnh viện”. Thiềng lắc đầu “Đi viện cũng chẳng giải quyết gì, tốn tiền”. Vợ tôi bảo “Hay để tôi đi tìm bác sĩ đến” Thiềng xua tay “ Không cần đâu bác ạ” Vợ tôi nói như gắt “Chú buồn cười thật… Chú ngại cái gì”. Thiềng khẽ cười “Ngại thì tôi không ngại, nhưng tôi sợ… Tôi sợ tốn tiền… Tôi tiếc tiền lắm”. Không kìm nổi, tôi bỗng gắt gỏng rất vô lối “Chú dở người à, đến nước này còn tiếc tiền… Rồi đến lúc chết có mang tiền theo được không?”. Nghe tôi sẵng giọng, Thiềng có vẻ như hơi giật mình, anh cố nhổm lên, ngồi dậy, anh nói với vợ chồng tôi trong hơi thở khò khè: “Hai bác không sang thì em cũng phải nhắn bác sang để nhờ một việc…”. Tôi hỏi: “việc gì vậy chú?” “Ngày mai bác có rảnh không?” “Để làm gì?” “Em muốn nhờ bác đi với em một lúc!” “Được thôi”.

Hôm sau tôi đỡ Thiềng ra xe. Tôi bảo “Chú cứ bám chắc vào tôi nhá”. “Vâng! Bác cứ đi đi!” “Nhưng mà đi đâu đây?” “Bác cho em đến Trại trẻ mồ côi.” Thì ra thế! Tôi nghĩ, chắc chú Thiềng muốn thăm lại cái nơi mà chú ấy đã từng được nuôi dưỡng và lớn lên trong hoàn cảnh túng thiếu, khổ cực. Theo chỉ dẫn của Thiềng, chạy vòng vèo qua mươi con phố, xe tôi ra ngoại thành. Đi một đoạn nữa, rẽ vào một con đường đổ bê tông, hai bên có những bụi tre già xơ xác vì gió bụi, cuối con đường ấy là Trại trẻ mồ côi. Vừa nhìn thấy Thiềng cậu bảo vệ cười tươi tắn: “Anh thiêng thật đấy sáng nay chị Hải vừa nhắc đến anh.” Thiềng gật đầu với cậu bảo vệ, rồi bảo tôi đi thẳng đến phòng Giám đốc. Chị Hải, người đàn bà mảnh dẻ, có đôi mắt sáng, bắt tay chúng tôi, rồi chị nhẹ nhàng bảo Thiềng giọng ái ngại “Hình như anh không được khoẻ?” “Tôi vẫn bình thường mà chị!” Thiềng cố ra vẻ khoẻ khoắn, nhưng cái vẻ ấy không qua được con mắt chị Hải. Chị lắc đầu “Anh yếu đi trông thấy đấy, đợt này Trại không nhận tiền của anh đâu, anh dùng tiền ấy đi chữa bệnh đi”. Chị Hải vừa dứt lời, tôi đã nghe một tiếng “Hả?” rất to và giận dỗi từ miệng Thiềng. Rồi sự giận dỗi của Thiềng buông theo một câu hỏi: “Trại không nhận tiền của tôi, thì tôi đi kiếm tiền làm gì? Tôi tiết kiệm, dành dụm tiền làm gì? Hả!”. Quả thật chưa bao giờ tôi thấy Thiềng giận dỗi như lúc này, vốn dĩ anh điềm đạm, nhẹ nhàng, từ tốn, hình như những người như anh khi giận điều gì thì khó kiềm chế thì phải. Mặt anh đỏ gay gắt, có chút nước bọt sùi ra bên mép. Chị Hải, Giám đốc trại trẻ mồ côi cũng lần đầu tiên thấy anh như vậy, cuống quýt: “Thì… thì… em mới nói đùa vậy…”. Thiềng chiêu một ngụm nước nhỏ, lấy lại vẻ bình tĩnh, anh dịu giọng “Thực ra đận này làm ăn cũng khó, chẳng được nhiều đâu. Mùa đông sắp đến rồi, chị có thể thêm vào mua cho bọn trẻ ít chăn đệm…” Tôi thoáng thấy chị Hải quay mặt đi, có giọt nước mắt vừa lăn qua khoé mắt chị.

* * *

Tôi bảo người bán hàng mở thêm một cây quất nữa. Thiềng ngắm nghía một lúc, gật gật đầu. Tôi bảo:

- Thiềng này, tôi mừng tuổi chú cây quất được không?

Thiềng nhìn vào mắt tôi, nhẹ nhàng:

- Em cám ơn bác, em xin nhận… Nhưng…

- Nhưng gì?

- Em biết, năm nào nhà bác cũng phải có cây hoặc một cành đào, vì vậy em cũng xin mừng tuổi hai bác một cành đào.

Tôi đã quá biết tính khí của Thiềng , nên cũng đành vui vẻ nhận lời.

Hai chúng tôi sánh vai nhau lại đi vòng vèo chợ hoa. Đôi khi tôi  liếc mắt sang Thiềng, để chiêm ngưỡng vẻ mặt, ánh mắt ngời ngời sắc xuân của anh.

N.Đ.H

Bài viết khác