Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ THANH DUYÊN
Nương ngồi im, mặt cúi xuống, cái khăn trên đầu phủ kín vai, có ngẩng lên cũng chẳng thấy gì ngoài một màu đỏ mờ mờ. Ngoài sân tiếng cười nói, tiếng pháo vẫn còn lẹt đẹt chưa dứt, tiếng chạm cốc, tiếng bát đũa va vào nhau, người ta húp xoàn xoạt và người ta cười nói chừng vui rôm rả.
Một bàn tay dẫn Nương đi, Nương lầm lũi rờ bước theo thấy mùi khói nhang nghi nghút, tiếng rền rễn rên rĩ. Có ai ấn đầu Nương xuống, ấn xuống ba lần như vậy. Hình như vái tổ tiên như lần nào đó. Khắp trong nhà ngoài sân người ta vẫn cười nói rôm rả hơn. Người ta nói gì Nương có hiểu đâu. Nhiều tháng Nương vẫn không hiểu người ta nói gì.
Đêm xuống, Nương trở mình khe khẽ, người bên cạnh nằm nghiêng ra phía cửa phòng, bờ vai to ù cuộn lên che khuất tầm nhìn, mùi bùn từ bàn chân người ấy sặc lên gay gay sống mũi thành thử Nương cứ phải nín thở. Căn phòng tối om, một chút mờ sáng le lói qua kẽ vách. Ngoài kia lá cây trở gió lạt sạt, lạt sạt. Cũng có tiếng con chuột rí rách trong bồ lúa.
Hôm qua, hôm kia và những ngày trước Nương không hiểu mình đang thực hay mơ. Những ngày sau và những ngày sau nữa Nương cũng vẫn tự hỏi mình đang sống thực ư hay là hoang tưởng. Trong mớ lộn xộn lúc nào Nương cũng mường tượng hình ảnh con bé con má hồng bánh bao, da trắng lem nhem khói bụi than củi với cái váy thổ cẩm xộc xệch, cái gùi nhỏ xíu trên lưng cõng hoa cải ra nương chè đi chụp hình thuê với khách du lịch. Mỗi chiều về nó xoè tay đưa cho Nương số tiền sau một ngày kiếm được với vẻ vui lắm. Rồi thế nào buổi tối đi ngủ cũng hỏi mẹ:
- Mình đã đủ tiền đi tìm bố về chưa mẹ?
Bây giờ con bé ở đâu, nó có về xuôi với ngoại, hay vẫn lên đồi chè đi dạo đứng chụp hình thuê. Chắc nó tự biết hái hoa ven suối cài vào giỏ rồi hay vẫn bứt tía lia mấy cây hoa cỏ bỏ lồng phồng vào gùi vậy. Bao giờ Nương có thể về gặp lại con bé đây! Mỗi ngày dù đi lên nương làm rẫy hay vào rừng hái củi, lúc nào Nương cũng cúi mặt rười rượi. Lúc cho lợn ăn, cúi xuống, thấy gường gượng, tay phải bấu vào cái dóng chuồng, Nương nhận ra cái bụng lùm lùm nhô lên sau lần áo.
Tri thế mà cũng biết cái bụng vợ lùm lùm, Tri săm sắm lắm, hai tay huầy huầy, miệng cười tít con mắt lại. Đến bữa ăn nó gắp con cá to nhất bỏ vào bát cho vợ ý bảo: Ăn đi, ăn đi. Bà Sõng nhìn sang nói:
- Cái mày ăn đi chớ, cho con nó khoẻ cái chân, nhanh mạnh tay, nhanh chui ra đây với bà nó nào.
Hai năm sau Đại Thụ đã con cón theo nội ra chợ bán tào phớ. Nương cũng đã nghe được nói được với người trong nhà, ngoài làng. Bây giờ cô không bị canh coi trông chừng như trước nữa, bởi bà mẹ chồng biết có Đại Thụ rồi con dâu mua sẽ không thể bỏ đi đâu nữa đâu. Người mẹ chồng ấy đưa 100 tệ cho Nương đi ra chợ tự mua thứ bản thân cần. Nương thì cần gì cơ chứ, nếu không có Đại Thụ cô đã trốn đi lâu rồi. Nhưng cái nhà này còn muốn cô sinh Tiểu Thụ, Tiểu Thảo cho họ nữa.
* * *
Mùa Đông năm nay đến sớm, gió ù ù sau nhà, gió hắt từ mặt sông hắt lên mang theo hơi ẩm luồn qua khe liếp tọc thẳng vào nhà. Khẽ trở mình giát giường cũng kêu ràn rạt.
Mơ trở dậy thật sớm. Sắp đến ngày giỗ bố thế nào nó cũng được ông ngoại cho lên quê nội ăn giỗ bố, không thì chú hay cô nó sẽ về đón lên nội vài ngày. Đường lên nhà nội xa lắm, ngồi xe đau ê ẩm cái mông, tiếc cả cái quần bò mới mua ngoài chợ xã bị hoa cỏ may bám xuyên dày đặc ống. Con đường toàn cỏ và hai bên bụi cây rậm um tùm, thơm thoang thoảng mùi cỏ, mùi hoa. Bướm thì nhiều vô kể chúng bay, chúng đậu kín những vũng nước trên đường đi. Mộ bố là một đống đất lùm lùm cỏ vàng rệu rạo. Đi một hồi qua thị trấn có nhiều ngôi nhà kính, qua mấy đồi chè, nương hoa cải thì tới bản nhà nội. Ở ngoài sàn chõ xôi đang nghi ngút khói. Mơ thấy rõ bố với mẹ nó đang giằng co đẩy đưa một đứa trẻ khóc oe oe, đứa trẻ rơi tẹt xuống đất và mẹ nó quay lưng đi quầy quậy.
- Mơ ơi, Mơ ơi... đi học đây.
Cái Mơ nghe thoang thoáng bên tai có tiếng mẹ gọi, nó cầm tay bố vịn đứng lên, nhưng mà bố nó lại săm săm đi như chạy xuống con suối trước nhà. Con suối đột nhiên ào ào lũ ống trên thượng nguồn đổ về. Đất rung, cây đổ, từng mảng đồi sầm sầm kéo nhau xuống suối, kéo bố nó nhấm chìm vào dòng nước xô đi. Bố nó chới với hai bàn tay lên rồi phút chốc chìm nghỉm theo ống lũ. Nó lẫm chẫm chạy theo kêu gào: Bố ơi, bố ơi...
- Này, con, dậy đi ra nương chè kẻo muộn con ơi.
Nó chạy dọc con suối, hoa cải vàng, cải trắng nở khắp một dải dài. Cái Lý, cái Linh đang cắt hoa đầy gùi, chắc chúng ra đồi chè chụp hình kiếm cái tiền ấy thôi.
- Mơ, dậy đi, nay chủ nhật có nhiều khách về nương chè đấy. Dậy, dậy, dậy!
Mơ quay lại khi nghe thấy tiếng mẹ gọi. Ôi mẹ đã quay trở về, nó ào đến ôm chầm lấy mẹ, ôm thật chặt... tay mẹ mềm thế.
Ôi! Hoá ra nó mơ từ nãy đến giờ, nó đang ôm con gấu bông mẹ gửi về cho từ năm ngoái chứ không phải là ôm mẹ, cũng không phải hôm nay nó đi giỗ bố. Mấy năm rồi nó đã quay trở lại quê nội đâu. Mơ trở dậy, vội vàng xuống bếp mở nồi cơm, chả còn gì. Vào chỗ thùng gạo cầm lấy gói mì tôm, đóng liếp lại, đi đến trường.
* * *
Bọn trẻ tiểu học thường buổi sáng có tiết thứ năm là uể oải, cái bụng réo sôi sùng sục. Lại lắm em xin đi ra ngoài đi vệ sinh. Cứ một em đi thì ngay lập tức năm bảy em khác ào lên xin đi. Cô giáo uốn nắn rất nhiều, rồi chúng cũng biết dùng từ vệ sinh thay cho mấy cái từ ngại nghe kia. Nhưng đến tiết năm thì kiểu gì chúng cũng xin ra ngoài ba bốn em một lần. Mơ chả buồn đi vệ sinh nhưng cũng xin ra. Môn mĩ thuật này Mơ thích lắm. Cô giáo khen Mơ có năng khiếu ngay từ bài đầu tiên cô dạy. Mà sao cô không về trường sớm hơn, sớm từ lâu đi. Sao cô mới về được có mấy tuần nay. Thế mà cô cũng biết Mơ giỏi ngay bài vẽ đầu tiên. Cô còn khen Mơ biết việc, cao lớn và xinh gái. Mơ chả biết việc thì sao, Mơ lớn là tất nhiên. Hồi Mơ ở trong bản, Mơ cao hơn cái gùi một chỏm đầu Mơ đã biết gùi hoa ra nương chè để các cô đến nương chè nhờ Mơ đứng chụp hình, rồi các cô cho tiền. Mẹ bảo tiền ấy nhiều hơn mẹ vào rừng cả ngày hái măng đấy. Về ngoại Mơ đã phải đi học chậm một năm. Nhà chỉ có ông ngoại và Mơ. Ông thì đi phụ hồ hàng tuần mới về. Thành ra Mơ lại “giỏi” biết quán xuyến cửa nhà. Đêm ngủ một mình trong căn nhà liếp cuối làng Mơ không sợ. Sợ gì? Ông bảo: “Nhà mình chả có gì đáng giá. Trộm nó không thèm vào đâu mà sợ con ạ”. Thành ra Mơ không sợ, thành ra Mơ lớn vì Mơ thấy người lớn có thể tự lo được bản thân và người bé thì phải sợ người lớn.
Mơ đứng cửa nhà vệ sinh gặm mì tôm, ở đây thế nào ấy, thôi đi vào lớp. Nhưng vào lớp cũng khó quá. Cô giáo nay cho vẽ về gia đình em. Chúng nó vẽ bố, vẽ mẹ rào rào, nào bố to cao, áo trắng, calavat, giày đen. Mẹ thì váy xoè xẹt. Còn chúng thì rõ xinh. Họ nắm tay nhau đi chơi. Sướng thế, lại bóng bay to ơi là to, bánh mì thơm nức và ăn kem ngọt ngào? Mơ vẽ làm sao được. Mơ ra đây đứng. Nhưng vào thôi, không được ra ngoài thế này.
Cô giáo Lan hôm nay nhận thấy cô học trò cuối lớp xin ra ngoài lâu, vào lớp lại không làm bài luôn mà ăn cái gì đó lúng búng trong giờ học.
- Mơ, em ăn cái gì trong giờ học thế?
- Dạ thưa cô em ăn mì tôm ạ.
- Sao, em chưa ăn sáng ư?
- Dạ, chưa cô ạ.
Cô Lan đi lại phía cô học trò ôn tồn bảo:
- Từ lần sau bảo mẹ nấu cơm sáng ăn nhé, mì tôm không tốt đâu em.
- Mẹ em đi lấy chồng rồi cô ạ.
- Vậy, vậy em ở với ai?
- Em ở với ông ngoại, nhưng sáng nay có ít cơm nguội thì ngoại em ăn hết rồi.
- Thế đã bao lâu rồi em được gặp mẹ chưa?
- Dạ, mẹ thì có gặp một lần hồi mẹ mang Tiểu Thảo về chơi.
* * *
Lan bỗng nhớ một đám cưới ngày trưa tháng bảy mưa ròng qua khúc sông trước cửa nhà. Bất giác cô hỏi:
- Có phải mẹ em tên là...
- Dạ, mẹ em tên Nương cô ạ.
Mơ nhanh nhảu chớp lời cô. Cô Lan thật đi hết từ bất ngờ này sang bối rối kia. Không ngờ cô bé học trò có có gương mặt mỏng mảnh, tóc tơ lõa xõa lại có một hoàn cảnh éo le thế này. Cô chỉ còn có thể nói
- Vậy ... từ nay nói bà lo cơm sáng cho ăn đầy đủ em nha.
- Dạ, bà em cũng lấy chồng rồi ạ.
- Sao!
- Vâng, cô. Bà em đi lấy chồng trước rồi về mang mẹ em đi sang.
- Thế... em có gặp bà lần nào không? Thế...
- Dạ, từ hồi bà sinh ra hai cậu thì em không gặp bà lần nào cả. Mà cô hỏi em sao biết, bà đi từ khi mẹ em bé xíu còn em có biết bà đâu.
Trại sáng tác Thịnh Long 2020
(Nguồn: TC VNNB 252-6/2021)