Truyện ngắn của VŨ THANH LỊCH
Đang lúc bí ý, người làng Khấm đột nhiên nghĩ đến bãi Thè Lẽ.
Bãi Thè Lẽ là do người đi thuyền đặt cho cồn đất men theo dòng nước sông Khê, có hình lưỡi chó thè lè giữa trời hè. Bãi ở phía bên kia sông Khê. Bên này sông là đình làng Khấm, cổng đình có đôi sư tử đá nhe nanh trợn mắt. Đình làng ngoảnh mặt nhìn ra sông, nhìn sang bãi Thè Lẽ, có bến sông kè đá. Bao quanh đình là nước sông Khê, không biết do người xưa đào làm chỗ cho thuyền bè vào tránh bão hay là nước sông Khê thích quây quanh đình vậy, quây gần tròn, chừa lại một đoạn đủ làm cổng cho người làng ra vào hương khói. Cổng ở bên phải đình, nhìn về thượng nguồn sông Khê.
Đình làng Khấm bé xíu nếu so với hai cây đa cổ thụ. Mỗi cây to gần hai người ôm, cao gấp năm bảy lần chiều cao ngôi đình. Tán hai cây đan vào nhau, quanh năm xanh mướt. Đứng trên cao nhìn xuống, tán đa giống lá sen nổi trên mặt nước chứ tuyệt nhiên không nhìn thấy mái đình.
Đình Khấm xây lâu lắm lắm rồi, không ai nhớ tuổi, chỉ biết mái ngói phủ kín rêu nhung, rêu đủ ẩm cho hạt đa nảy mầm, thi thoảng, ông Dứm bắc thang lên bứng xuống, trồng ra mép nước quây quanh đình, đa con mọc lẫn với cỏ, chậm đến nỗi, nếu nhìn thoáng qua, không ai biết quanh đình còn có những cây đa con.
Ông Dứm thọt chân từ hồi vào nam đánh giặc, bị đạn xuyên qua đùi, phải lắp một đoạn chân giả. Về làng không đi cày cấy được, Dứm lôi hòm sách của ông nội ra tự mày mò học chữ, biết viết chữ Nho nên ra đình ngồi viết sớ thuê. Khách đông, có ngày, ông viết hàng trăm cánh sớ mà không đủ cho khách vào dâng lễ. Khi ông thủ từ qua đời, người làng bầu ông thay thế, ông làm thủ từ đình Khấm đến giờ cũng bốn chục năm có lẻ.
Đình Khấm thờ nữ thành hoàng, nữ thành hoàng duy nhất ở quanh sông Khấm. Chuyện về bà có cả trăm dị bản, nhưng ông Dứm hay kể nhiều nhất là chuyện bà trồng dâu khắp hai bờ sông để nuôi tằm, se tơ, dệt lụa, năm nọ có vị vua dong thuyền đi đánh giặc, chưa ra đến cửa bể đã gặp bão, rách hết dây nhợ buồm thuyền, lúc đi ngang bến sông này, bà mang tất cả tơ lụa dâng vua, còn gọi thợ khéo trong làng ra giúp sức, may buồm buộc cột, chẳng mấy chốc vua có thể giăng buồm vượt gió ra khơi. Thắng giặc trở về, nhà vua ban thưởng cho bà, phần thưởng chưa đến nơi thì lũ quét qua làng Khấm. Lũ về đột ngột giữa đêm, bà leo lên ngọn đa gào thét gọi dân làng dậy chạy lũ, tiếng thét lẫn với tiếng sấm ì ùng khiến dân làng hớt hải bỏ chạy. Đứng trên cây gào gọi nên bà không biết trên trời mưa gió kéo đến ầm ầm, vặt gẫy cành đa bà đang trèo, quăng bà xuống nước. Bà túm được rễ đa nên nước xiết không cuốn bà đi được, bao nhiêu cành cây gẫy từ đâu dồn xuống táp vào hõm sông này, bọc kín quanh bà như cái kén, giữ bà lại trong hõm sông làng Khấm. Người làng Khấm lập miếu thờ bà ngay chỗ bà tử nạn. Từ dạo ấy, thuyền bè qua lại, ai cũng dừng chân thắp cho bà nén nhang, mong bà phù trợ cho thuyền đi mát mái xuôi chèo. Từ khi lập miếu, thuyền buôn đi ngược về xuôi buôn may bán đắt. Làng Khấm cũng phất lên như diều gặp gió, có thời kỳ, làng đỗ tới mười tám ông nghè chỉ sau hai khoa thi. Tiếng tăm ngôi miếu thiêng vang xa, khách thập phương nô nức kéo về. Nhà vua kinh lý ngang qua biết chuyện bèn phong bà là thành hoàng làng, cho mở mang xây dựng đình làng Khấm để thờ phụng bà. Đình làm trong một trăm ngày, do các thầy địa lý, phong thuỷ, thợ nề, thợ mộc cao tay nhất nước tập trung đo vẽ, xây dựng.
Đình Khấm được xây theo mẫu các ngôi đình trong kinh thành, giữ nguyên hai cây đa cổ thụ làm cột chống trời, tụ khí, giữ yên khúc sông giao thông huyết mạch quốc gia.
Cổng đình đủ lút đầu người cao nhất làng. Trên trụ cổng là hai bông lửa, nhiều người gọi là nụ sen, nhưng ông Dứm thích gọi là bông lửa. Ông Dứm quét lá, quét quả đa rụng mỗi ngày hai lần nên sân vườn sạch bong, vài ngọn cỏ gấu chồi lên giữa khe gạch lát nghiêng, ông không muốn nhổ vì nó cũng chỉ cao chừng nửa gang tay là lụi, lúc nó lụi, ông cạy lên, lấy củ ngâm rượu, nhấm nháp cho thơm miệng.
Năm tháng trôi đi, đình làng vẫn thế, cây đa vẫn vậy, bãi Thè Lẽ mỗi năm được sông Khê bồi thêm ít phù sa, dài rộng thêm ra vài tấc đất, làng Khấm thì chuyển mình rầm rập, nhà lầu mọc lên như nấm, xe hơi chạy ríu ran đêm ngày.
Người làng Khấm không vô tình. Được ở nhà lầu, xe hơi mà để thành hoàng ở căn nhà cũ mom sông thì lòng dạ không yên. Họ bàn nhau lấp khúc sông cụt, mở rộng khuôn viên, xây nhà cao cửa rộng để đức thành hoàng ngự cho xứng tầm. Khổ nỗi, bao nhiêu lần ông Dứm viết sớ, dâng lễ xin được mở đất, xây lại đình làng thì bấy nhiêu lần ông bị cấm khẩu tại chỗ, đầu đau như bị ai rần, phải hết tuần hương ông mới hồi sức. Người ta chê ông không biết cúng, mời thày cúng cao tay tận đẩu đâu về, rồi cả thày địa lý, thày phong thuỷ cùng với lễ vật đầy sân đình, nhưng cúng hết bài kinh dài dằng dặc xong, lúc khấn xin đào bới tu sửa thì các thày cũng cấm khẩu. Không ai dám dỡ ra xây lại nhưng họ sửa sang bên ngoài đình, “ít ra người tây người tàu có đến, cũng không khinh làng mình nghèo hèn không lo được cho thành hoàng cái chỗ khang trang hoành tráng”. Họ đặt một đôi rồng vếch đuôi vào đình, lao mình xuống sân theo bậc lên xuống trước tiền đường, lại một đôi vếch đuôi lên giời, lao mình xuống sông ở bến đá. Sân đình lát gạch nghiêng, hai ông hổ ngồi chầu hẫu hai bên. Người ra vào đình làng Khấm ngày càng tấp nập, lễ vật, tiền dâng cúng càng lúc càng nhiều, ông Dứm xin ý kiến làng rồi thuê người mở rộng sân vườn, kè bờ sông bằng đá lục giác thủng, chỗ thủng ấy ông trồng hoa bân bấn, bụi tím bụi trắng xen kẽ nhau, nở hoa quanh năm.
Anh cai Bơn đi làm ăn xa, thành đạt nhất làng, tết năm ấy về quê, ra đình lễ thánh, ngỏ ý muốn dâng tiến đôi sư tử đá đặt trước cổng “cho bề thế oai vệ, tăng cái sự linh thiêng thần bí của đình làng mình lên”, anh chốt lại như vậy sau một hồi phân tích lý giải với ông Dứm. Ông Dứm mới ướm hỏi làng, làng chưa quyết gì thì anh Bơn đã rước hai ông sư tử về, sư tử phủ vải đỏ, thắt nơ vàng, ngự trên thùng xe tải, đi theo sau là một xe cần cẩu cũng thắt ruy băng vàng đỏ rực rỡ. Ông Dứm làm lễ cúng thánh xong đúng giờ hoàng đạo, cần cẩu nâng bổng ông sư tử lên rồi trịnh trọng đặt xuống, cho ông ngự trước cổng. Cả làng hôm ấy đứng quây xung quanh chứng kiến, lúc làm lễ nhập trạch xong, cụ trưởng làng đứng lên gỡ tấm vải đỏ ra, giao cho ông Dứm cắt nhỏ chia cho mỗi người có mặt ở đó một miếng lấy may. Hai ông sư tử ngồi chễm trệ hai bên lối vào, đỉnh đầu cao chạm bông hoa lửa, nanh nhe, mắt trợn, bờm tung gió, cơ bắp cuồn cuộn, móng vuốt nhọn hoắt, “chỉ nhìn thôi đã thấy uy lực thâm sâu huyền bí của núi rừng, ấy là chưa kể, đây là hai ông sư tử to nhất nước, không thua kém gì sư tử ở đền A đền Z bên nước X nước Y... khách khứa thập phương có đến cũng phải ngưỡng mộ cái sự hoành tráng của làng Khấm, nhất định không thua kém bố con thằng nào”, anh cai Bơn tuyên bố như thế khi hai ông sư tử đã yên vị. Bố mẹ anh em nhà cai Bơn từ đó cũng đua nhau bình phẩm tôn vinh cái uy lực hừng hực của ông sư tử, rồi bình luận tài năng của ông thợ đá, “đã biết biến cái thứ cứng rắn nhất trên đời thành những sợi lông bờm mềm mại tung bay thế kia, làm toát lên cái thần thái uy linh của ông chúa sơn lâm... nó như một tác phẩm điêu khắc làm cho đình làng trở nên hoành tráng và thâm sâu”. Một vài người thì thầm với nhau khẽ bảo “Trông dữ tợn nhề”, “Nhìn gơm gớm là”, người lại bảo “Thì ở nơi thờ thần thánh, phải làm cho người ta thấy sợ chứ”, một anh sinh viên mới về nghỉ tết đế vào: “Thánh thiêng rồi cần gì phải có vật trợ thiêng”… cứ thế, những tiếng thì thầm chỉ những người gần nhau biết với nhau, còn tiếng bình phẩm của anh cai Bơn và đám người nhà thì cứ oang oang, thi thoảng lại viện dẫn thêm vài câu nói trích ra từ những công trình nghiên cứu đình đám của chuyên gia này giáo sự nọ về văn hoá thờ cúng, rồi nguyên tắc bài trí linh vật, rồi nghệ thuật điêu khắc đá, rồi sự quý hiếm của loại đá làm sư tử… Đám đông cuốn theo những lời có cánh của cai Bơn, truyền miệng nhau, chẳng mấy chốc, người làng Khấm trở thành chuyên gia thờ cúng và nhà bình luận nghệ thuật bậc thầy. Cũng từ khi sư tử đá ngự ở cổng đình, làng Khấm cắt cử năm người thay nhau trông nom, quét dọn và phục vụ khách cúng lễ. Ông Dứm nhận phần quét dọn, chăm cây, cuốc vườn, rảnh rang ông ngồi bện rễ đa thành sợi to rồi cắm xuống đất, lại chọn một mảnh vườn để ươm đa con, đình làng nào muốn xin giống, ông cho.
Làng Khấm bận làm ăn, có tiền lại bận đi du ngoạn, thời gian đến đình làng ít dần. Rồi thì đằng đông làng Khấm, người ta xây cái chùa to hơn quả núi, đi cả ngày mới hết, bà con nô nức kéo nhau lên đó vãn cảnh nên thời gian về cửa thánh cũng bớt đi… Ông Dứm cứ tự biện minh cho người làng Khấm như thế khi số người nhờ ông viết sớ lễ thành hoàng ít dần. Tư rằm mồng một được vài người còn ngày thường, hầu như chỉ có mấy ông già ngồi uống chè vặt, chán cảnh đìu hiu, họ bỏ đình cho mình ông Dứm trông coi, lúc nào có việc thì họ đến.
Một ngày đẹp trời, anh cán bộ văn hoá xã đến thăm, hỏi han loanh quanh rồi bảo ông Dứm bàn với người làng xem nên để hay nên dỡ ông sư tử đá kia đi, “dạo này báo chí họ nói nhiều quá, hai ông đấy không phải linh vật của nước mình, người ta rước ở đâu về thờ rồi thành mốt vậy chứ ngày xưa cha ông mình có dùng nó để thờ đâu, mấy con linh vật các cụ nhà ta bày, trông cái mặt nó tươi sáng hiền hoà chứ không dữ tợn vầy, mà giả như có con nào trông cái mặt dữ dữ tí là xung quanh thế nào các cụ cũng trang trí thêm các loại hoa, người xấu bụng chỉ nhìn cái mặt là sợ, còn người tử tế dám nhìn thẳng nhìn lâu thì sẽ lại thấy nó gần gũi ông ạ”, vừa nói anh ta vừa đưa cho ông Dứm một con chó đá bé bằng quyển sách, con chó đá kiểu này ông vẫn thấy nó ngồi chồm hỗm trước ngôi đền cổ trong kinh thành, hôm cai Bơn ngỏ ý dâng đồ cúng vào đình, ông Dứm có nhắc đến chó đá, nhưng anh ấy bảo chó không oách bằng sư tử nên ông không ý kiến gì thêm nữa.
Ông hay nghe đài nên cũng biết sư tử đá là thứ nhập cư, nhập cư cũng không hề gì, nhưng ông không ưa nó vì trông nó dữ dằn cục mịch, nhìn không ai dám đến gần, nó lại là loài ăn thịt, ăn không từ loại thịt nào, nó là thú dữ... nó không hợp với ông, với người dân hiền hoà ven sông Khê này, ông nghĩ như vậy trong đầu suốt từ lúc nó ngự ở cổng đình nhưng vì nể anh cai Bơn mà không dám nói. Giờ có tiếng của anh cán bộ xã, ông mới lân la hỏi ý kiến làng, hỏi cả con cháu của làng đang làm ăn xa. Cậu sinh viên hồi nào đứng xem cẩu sư tử về cổng đình, giờ đã làm gì đó trên tỉnh, nghe điện thoại của ông xong thì bảo, “con thấy nó không hợp từ hôm các cụ đưa về, nhưng mà lúc ấy con còn trẻ ranh, nói ra sợ các cụ lại mắng cho thì chết, giờ thì con xung phong chịu phần chi phí dỡ nó đi, cụ cứ bàn với làng rồi báo lại con nhé, hôm nào dỡ nhất định con sẽ về”. Một vài chị phụ nữ trong làng cũng bàn tán rồi rỉ tai nhau nhanh hơn điện cao tần, nhất là khi thông tin rò rỉ ở dạng không chính thức, các chị đã chê là gần như cả làng Khấm chê rồi. Anh em nhà cai Bơn đánh tiếng rằng thì anh Bơn rước sư tử về làm đẹp cho làng, làm linh cho đình, làng không biết ơn biết nghĩa mà lại dỡ đi, dỡ nó thì lấy cái gì mà trấn yểm cho làng, rồi thì chị đổ tại làng có ý định dỡ sư tử nên anh Bơn, đại gia lớn nhất làng Khấm bị mất lộc, anh ấy mất lộc thì lấy ai kè sông cho làng, lấy ai xây nhà văn hoá rồi sân bóng rồi tổ chức hội hè đình đám cho làng... cô ấy cũng chỉ nói với người này, rồi người này nói với người kia, rồi người kia lại nói với người kia nữa... người ta nghe, tỏ ra đồng tình đồng cảnh cho cô ấy nói hết nhẽ rồi lúc không có cô ấy thì lại bĩu môi với nhau rằng làng làm gì cũng tập trung đóng góp, chẳng qua anh ấy góp nhiều hơn một tí, lại bù thêm suất thiếu của những người nghèo nên thế chứ ai cho anh ấy lo hết, anh ấy lo hết thì người làng thành rơm thành rác à, không nói ra người ta còn nể còn quý, chứ kể công vậy thì sau này ai thèm nhờ nữa... Mà làng không có cơ hội nhờ nữa thật, vì công ty của anh Bơn hồi nào lớn nhanh như thổi, sau có hai đợt thanh tra mà bẹp dúm như bóng xì hơi, tương lai căng lại là điều cực kì xa xôi.
Ông Dứm tung cái ý chê sư tử ra chán chê thì có cán bộ về làng Khấm nói chuyện, phân tích có lí có tình nên làng Khấm muốn nhanh nhanh chóng chóng khiêng sư tử đá đi, “kẻo rồi nó làm hại cái long mạch của làng”, “kẻo rồi nó đuổi hết khách đến đình làng, thánh không có người đến thăm thì thánh chán thánh bỏ đi thì đình để làm gì”… người làng nói thế, còn ông Dứm lại lo bê hai con sư tử đá ấy đi đâu khi không ai muốn nó ở gần nhà mình chứ nói gì đến chuyện bưng nó về nhà.
- Cho nó ra bãi tha ma.
- Cho ra đấy để dọa hồn ma người làng à, vậy thì còn ai dám đi qua nó để mà về thăm con em cháu chắt họ hàng...
- Hay ra đưa ra công viên cho trẻ con nó chơi.
- Ối giời, có mà để dọa trẻ con ấy, ông định đuổi hết trẻ con khỏi công viên à?
- Hay là xin thành phố miếng đất mà vứt.
- Làng mình sắp sửa lên phố cho thành phố còn nâng cấp đô thị, đất cát chả còn bao nhiêu, người sống còn thiếu chỗ lấy đâu ra chỗ cho cái ngữ ấy, với lại, nó là thá gì mà đòi riêng một miếng đất.
- Tôi thấy giờ khắp nơi hô hào dỡ bỏ sư tử đá, mình mà có đám đất cho hai ông này ngự khéo các ông khác ở nơi khác cũng dồn về ấy, bấy giờ thì tha hồ mà sưu tập sư tử đá, công bằng mà nói, người ta đục đẽo nó cũng đẹp đấy chứ... mình không thích thì bỏ thôi chứ...
- Chứ cái gì... ông đừng có nói là giao lưu văn hoá mà cứ câu nệ vậy thì tiếp thu với tiếp biến làm sao nhá. Tôi biết thừa, ông giao lưu ở đâu thì giao lưu chứ mang cái thứ thú hoang này về đình làng là tôi không chấp nhận.
- Ô cái ông này...
- Đừng có cãi nhau, ta đang bàn cơ mà. Kể ra thì mình mà xây được cái bãi tha ma, cứ tạm gọi vậy đi, cho đám sư tử thất thế kia thì cũng hay đấy, vừa để tưởng niệm những tháng ngày nhầm lẫn, vừa để có cái cho khách tham quan đến làng mình mà còn làm du lịch, chứ ngoài cái đình thiêng ra làng mình chả có cái gì quý giá...
- Này này, chỉ cần giữ được cái thiêng ấy là đủ, tôi chả quan tâm nhiều...
- Ông này lạ, đấy, nuôi tằm dệt vải thì giờ kén khách nên chỉ đủ ăn, trồng cấy thì được giá mất mùa, được mùa mất giá… mấy ông có máu mặt trong làng toàn là đi buôn với đi cai thầu không thì đi làm thuê cho tây...
- Tôi thì thấy làm cái bãi tập kết sư tử ở đâu khéo chỗ ấy loạn lên ấy, có hai con mà làng mình còn đang vỡ cả linh khí với long mạch, một cái bãi tha ma vài trăm, có khi vài ngàn con có mà làng này đắm sông hết à...
- Đắm sông á... hay là cho nó ra bãi Thè Lẽ xem có đắm không, bãi ấy mà đắm thì sông Khê đẹp lên bao nhiêu, mà không đắm thì nó cứ thế, cũng chả ảnh hưởng gì đến ai...
- Ở nhỉ, cái bãi Thè Lẽ... bãi ấy mà rồi có xây thành bãi tha ma thả cả đống sư tử đá vào đấy cũng được ấy nhỉ... lấy độc trị độc... biết đâu lại có cái bãi tha ma là điểm du lịch...
- Thế mà không nghĩ ra sớm, đỡ cãi nhau...
- Cãi mới ra chuyện... nhưng mà... ai bê nó ra bãi bây giờ...
Câu hỏi khiến cả đám đông đang sôi nổi bàn tính chợt im bặt. Họ nhớ lại những câu chuyện gần xa xảy ra ở bãi Thè Lẽ...
Bãi Thè Lẽ rộng hơn khu phố lớn nhất trong nội thành. Ngắm bãi Thè Lẽ, người ta đã tính chuyện xây dựng khu phố hiện đại ven sông với các toà biệt thự, nhà vườn lãng mạn. Hôm thành phố tổ chức báo cáo thiết kế quy hoạch, anh kiến trúc sư lên trình bày ý tưởng, cứ nói xong cái câu “Kính thưa các đồng chí” là hai hàm răng dính chặt lại. Bốn lần như thế, cuối cùng cả hội nghị đành tự xem trên bản vẽ và tự đọc, tự hiểu theo khả năng của mỗi người. Sau hội nghị, cuộc đua chia lô bán nền diễn ra sôi nổi một cách âm thầm như sóng sông Khê âm ỉ dưới rễ lau sậy ở bãi Thè Lẽ. Một ngày nọ, máy móc đến làm mặt bằng để chia lô, bán đất xây dựng khu đô thị ven sông. Ba cái máy xúc tiến đến dẹp lau sậy thì cả ba cái bị thụt chân xuống bùn, lún gần lút đầu anh lái máy. Người ta bắt đầu lục lại những câu chuyện từ xưa xửa xừa xưa, mà bình thường kể ra khối người bảo bịa chuyện doạ trẻ con. Những cái chuyện kiểu như có anh lái thuyền ngang qua bãi Thè Lẽ, thấy gió mát trăng thanh, lau sậy um tùm nên đứng trên mạn thuyền mà xả vòi rồng xuống sông, vòi rồng mới xả được non nửa bọng nước thì chủ nhân lăn đùng ngã ngửa ra thuyền, cái vòi rồng cứ ngỏng tướng lên mà rung bần bật như bạch đàn gặp bão, bao nhiêu nước còn lại cứ thế mà văng khắp mặt mũi chân tay anh chàng. Thuyền thì cứ trôi, người thì cứ nằm ngỏng cần câu ngoắc trăng. Gần sáng, có người nhìn thấy thì anh chàng đã cứng đơ rồi. Lại nữa, một chị chán sông nước, tính lên bờ ăn ở cho đỡ lênh đênh, cắt lau cắt sậy phơi khô lợp nhà, mang tre luồng về dựng căn lều tạm, mua vài thứ lặt vặt về buôn bán cho dân thuyền chài, khách qua khách lại đông dần, cánh đàn ông xa nhà ngang qua, mắt la mày láu, nay cho đồng quà mai cho tấm bánh, buông lời lả lơi, chị chiều lòng khách, khách ngã ngựa tắt thở ngay trên bụng chị, chị hãi quá bỏ chạy ra đến mép nước cũng tắt thở. Lại một dạo có anh kỹ sư con nhà giàu mới tốt nghiệp trường tổng hợp, nhìn bãi Thè Lẽ, nảy ý định, xin bố cấp vốn xây dựng khu ăn chơi tổng hợp bài bản, có bè cá trên sông, gà lợn trên bờ, nhà hàng ăn uống ngự trên mặt sông men theo đường cong của bãi Thè Lẽ, giữa bãi sẽ là những căn biệt thự nhỏ xinh phủ đầy dây leo và hoa đủ các màu sắc để người ta có chỗ ăn chơi thức ngủ... Hôm anh ta khởi công xây dựng cũng là ngày bố anh ta qua đời. Bố anh ta đi, các chủ nợ xé toang gia sản nhà anh như xé mảnh vải che đầu sư tử hôm rước về đình Khấm. Từ đấy, không ai dám bén mảng đến bãi Thè Lẽ nữa.
Ông Dứm thấy cái sự im lặng của cuộc sinh hoạt làng nó kéo dài và sâu đến nỗi, tiếng thở cũng khẽ khàng, ông chợt nghĩ đến anh sinh viên, thế là bấm máy:
- Này anh, làng định đưa đôi sư tử đá ra bãi Thè Lẽ, ý anh sao?
- Con ủng hộ các cụ! Gì chứ đưa được đôi sư tử ấy ra khỏi đình làng thì quá tốt. Đình làng mình như quả tim ấy, nhỏ nhắn nhưng xinh đẹp, vậy mà tự dưng có hai con sư tử đá dữ tợn chắn lối vào, khác nào đút nút mất cái ống dẫn máu về tim, đã thế, hai cái con ấy lại là giống ngoại lai, nó làm mất hết cả dấu vết riêng của làng mình. Các cụ bàn tính đi nhé, cho con góp toàn bộ phần công thợ vận chuyển nó đi.
- Anh ạ! Vấn đề là không ai dám nhận khiêng nó sang bãi Thè Lẽ.
Im lặng khá lâu. Ông Dứm cũng thấy xót tiền điện thoại cho cái quãng im lặng hoang hoải này. Mãi rồi tiếng anh ấy cũng vang lên.
- Cụ để con tính xem đã nhé, con tìm cách liên lạc xem có ai người ta giúp không rồi con báo lại cụ sau nhé!
- Vầng, vậy anh xem xem rồi báo cho tôi sơm sớm tí nhá.
- Dạ vâng cụ!
- À mà tôi bảo này, anh tính được lúc nào thì lúc ấy làng mới dời đi được đấy nhé, coi như cái sự bứng ông sư tử này, làng trông cả vào anh đấy!
Ông Dứm nói được cái câu ấy ra mà lòng dạ hân hoan như vừa ngỏ được lời tỏ tình với cô Diên đẹp nhất làng mà ông phải lòng từ trước khi đi bộ đội. Ông định bụng lúc về sẽ ngỏ lời nhưng cô ấy lấy chồng rồi, đã thế ông lại què, cũng may mà què có một chân, hôm ấy quả lựu đạn không phát nổ chứ nó mà nổ thì ông cũng toi mạng rồi, cái quả lựu đạn bọn giặc ném vào chỗ ông nằm, nó giật chốt không hết hay sao đấy mà không nổ được, ông thấy nó đẹp nên nhặt về giấu nhẹm đi, nó đẹp thế mà đi giết người thì vô duyên quá, ông giữ nó như giữ vàng, qua mấy lần cưa chân thật lắp chân giả, ông vẫn giấu được nó mang về... thì làm gì mà không giấu được cái tình yêu ông dành cho cô Diên để cô ấy hồn nhiên mà già đi với chồng con cô ấy.... Ông triệt tiêu khả năng nói những lời có cánh cũng từ đấy... vậy mà bây giờ lại nói ra được.
Ông vui vẻ bảo với người làng rằng ông đã nhờ được người lo rồi, “thống nhất là chuyển nó sang bãi Thè Lẽ nhá, tôi tính thế nào thì làng cố gắng ủng hộ tôi nhá”. Ông nói xong cái câu ấy thì trong đầu mới nảy ra cái ý nghĩ rằng biết đâu anh sinh viên kia không nhờ được ai thì sao, giờ anh ấy làm quan tỉnh rồi, cái chuyện hứa nước đôi rồi lui thời gian như thế ông thấy quen quen... mà lời ông nói trong cuộc họp làng thì không thể nói chơi... tám chục tuổi giời rồi ai còn nói chơi... Mà... ờ nhỉ... tám chục tuổi giời rồi, vợ con thì chẳng có, xuống đất cũng được rồi, vậy thì còn sợ cái gì... ngày xưa đã hi sinh hụt, giờ hi sinh nốt cái phần còn lại thì cũng có làm sao. Nghĩ đến đấy ông thấy hân hoan trong dạ.
Cuộc họp làng kết thúc, trong lòng ai cũng thấy có tí hoang mang, liệu cái sự ủng hộ mà ông Dứm đề nghị kia là ủng hộ công hay của, ủng hộ của thì được chứ công thì ...
Nhưng làng Khấm không phải lo lâu.
Ông Dứm về đến cổng đình, đã thấy thằng cu Tĩm hì hụi lôi được một con sư tử xuống thuyền rồi. Thằng Tĩm phải đến bốn chục tuổi, vậy mà cả làng gọi nó là thằng cu, chỉ vì nó lớn xác nhưng không lớn đầu. Nó bị nhiễm chất độc da cam, suốt ngày nhớt dãi thều lều đi nghênh ngang ngoài đường, đầu ngoẹo về một bên, vác mặt lên cười hô hố.
Ông Dứm dụi mắt xem có nhìn nhầm không đã thấy nó gọi:
- Dứm ơi, hộ tí...
Hoá ra nó kiếm đâu được cái bệ sắt có bánh xe rồi hì hụi thòng dây thừng lên cành đa, một đầu buộc vào cổ con sư tử, đầu kia nó ra sức kéo, nó bảo ông đẩy cái bệ sắt vào đít con sư tử giúp cho nó... ông nhìn quanh quất đoán lúc nãy nó phải buộc cái đầu dây bên nó vào gốc đa bên kia để giữ rồi mới chạy ra đút cái bệ sắt vào, “thằng dở người này khôn phết” ông nói thành tiếng nhưng Tĩm không nghe thấy.
Hai ông cháu lôi sư tử đá xuống, chống thuyền bỏ sang bãi Thè Lẽ.
Xong xuôi, hai ông cháu chèo thuyền quay lại bến đá đình Khấm, nước sông trong vắt, gió mát rười rượi, thằng Tĩm dang tay cười khành khạch, nghêu ngao hát, múa, xoay tròn người trên thuyền. Đột nhiên nó rú lên rồi lăng tay quăng gì đó lên bãi Thè Lẽ, vừa quăng vừa gọi:
- Dứm ơi... xem này...
Bùm! Ông Dứm giật mình ngoái đầu nhìn lại. Tiếng nổ của quả lựu đạn để lâu ngày kêu không lớn, chỉ đủ làm đất bãi bung ra rồi sụp xuống khiến đôi sư tử đổ kềnh, hai cái đầu đập vào nhau, văng khỏi cổ, vỡ thành nhiều mảnh to nhỏ lẫn vào bùn đất lau sậy trên bãi Thè Lẽ. Thằng Tĩm chỉ vào góc đình, nơi ông hay ngồi viết sớ trên cái hòm sắt tây, cười bảo:
- Lựu đạn Dứm xịt.
Hai ông cháu cười khinh khích, táp thuyền vào bến đá.
Từ hôm ấy, thi thoảng ông Dứm lại thấy vài cái thuyền lạ chở sư tử đến, đổ lên bãi Thè Lẽ rồi đi, con sau đè con trước, rạn vỡ tứ tung.
Không thấy người làng đồn có ai đó bị làm sao khi ném sư tử vào bãi Thè Lẽ. Ông Dứm chưa chết và cu Tĩm thì vẫn hồn nhiên như thế./.
V.T.L
(Nguồn: TC VNNB 251-5/2021)