

Truyện ngắn của TRƯƠNG NGỌC HÙNG (Nguồn TC số 294/6/2024)
Tiếng bước chân rầm rập. Tiếng gọi í ới. Những ánh lửa bùng lên. “Có người bị bắt cóc”. Cả trường náo loạn. Tất cả đều chạy về một hướng, trừ Tuân. Tại sao lại thế? Không biết! Dường như có thế lực huyền bí nào đó đã mách bảo: “Cô ấy đang gặp nguy hiểm. Hãy chạy theo hướng này”. Tuân cắm đầu chạy. Chân trần giữa hai đường ray hun hút. Gió trộn lẫn cát bụi, rát rạt. Hơi thở nóng rực, cổ họng khô khỏng, đắng khé. Hai chân ríu vào nhau, lăn lên rồi thụt xuống. Mặc kệ. Kệ đá nhọn, đường trơn. Kệ trời đêm dằng dặc. Kệ mưa rơi và gió mùa hun hút. Kia rồi. Tuân bật nhanh, hút theo bóng lờ mờ đang lặc lè phía trước.
- Đứng lại. Giọng Tuân khản đặc, chìm trong tiếng mưa rơi.
Bóng đen ngoái đầu, vội bước nhanh hơn. Tuân tăng tốc. Khoảng cách dần ngắn lại. Bước chân phía trước đã loạng choạng, luống cuống. Tuân dướn lên. Tên gian vứt bịch vật gì đó trên tay, lao xuống dòng sông, sải tay bơi sang bờ bên kia… Ánh chớp lóe lên. Người con gái nằm thiêm thiếp. Mê man. Mắt khép, ngực vồng, phập phồng.
- Ơ! Vui. Vui lớp Văn.- Tuân thốt lên. Xốc vội lên vai. Ngược lại con đường cũ. Lại vấp váp, lại trơn trượt, lại lăn lên thụt xuống...
- Không sao rồi chàng trai. Lúc nữa hết thuốc mê là tỉnh ngay thôi.- Nhìn vẻ mặt thất thần của Tuân, bà y sĩ già an ủi. Chân làm sao thế kia? Vào đây ta băng lại cho.
***
Vui là cô gái đẹp nhất trường. Những người đàn ông, cả trong và ngoài trường, thường kiếm cớ đến phòng của Vui trong kí túc xá. Khá bất tiện nhưng bản tính hiền lành, Vui không dám tỏ thái độ. Vì thế họ càng lấn tới. Nhiều bạn cùng phòng không thích. Đương nhiên, vì làm đảo lộn sinh hoạt và cũng có chút ghen tỵ. Con gái mà. Chả trách được. Biết thế, cứ mỗi buổi chiều Vui thường rủ bạn gái cùng quê tìm chỗ nào văng vắng, yên tĩnh vừa yên tâm xem lại bài vừa tránh những phiền phức. Không ngờ, lại lọt vào mắt của bọn bất hảo. Sau lần chết hụt đó, Vui không dám ra ngoài. Khi nào có việc cần lắm, Vui ới Tuân đi cùng. Tuân học Toán năm ba. Vui học Văn năm hai. Không cùng khóa cùng lớp, nghĩa là không chung thời khóa biểu nhưng Tuân không từ chối bất cứ yêu cầu nào của Vui. Họ như đôi bạn cùng giới hơn là một cặp “thanh mai trúc mã”. Hai người cùng quê- một xã cực Nam của tỉnh. Chiều thứ bảy tuần cuối tháng, họ về cùng nhau trên cùng một chiếc xe đạp. Khi ruộng hoa cải trổ hoa, họ quẳng xe vội vã chìm trong sắc màu vàng rực. Gió khẽ đưa, vườn hoa lượn sóng tung những bụi hoa nhuộm vàng lên mái tóc. Giữa những mênh mông ấy, Tuân đặt nụ hôn ngọt ngào như rót mật. Sóng sông xanh, hoa cải vàng, nụ hôn hồng, đôi mắt đen, hoàng hôn sóng sánh.
Thế rồi. Tuân có lệnh lên đường nhập ngũ.
- Khi đã phải lấy đến những tinh hoa trong các trường Cao đẳng, Đại học nghĩa là cuộc chiến đã bước sang thời kì cực kì gay go, khốc liệt.- Thầy Hiệu trưởng, một cựu quân nhân trong kháng chiến chống Pháp nói.
Không ai hiểu cặn kẽ điều thầy nói, cũng không hiểu những gì đang chờ đợi, chuyến ra đi này như một lẽ tự nhiên. Tự nhiên như vào học, tự nhiên như cày xong thửa ruộng, tự nhiên như nói lời yêu nhau. Họ có một tuần dành cho nhau. Tuân thì thầm: “Có một mùa hoa cải, nắng vàng trong mê mải, cầm tay em bối rối, anh nói lời yêu thương”. Vui không thật biết đó là một lời hát, một câu thơ, hay một cái gì đó không rõ nữa cứ lơ lửng, bãng lãng. Chỉ thế thôi, một câu thơ cũ, những bông cải vàng đã nói hộ nhau. Họ vội vã cùng nhau, vội vã làm tất cả những gì có thể làm. Hôn say mê. Hôn vội vã. Thời gian như ngắn lại. Ngày trôi nhanh hơn. Đêm dài ra dằng dẵng. Ngày chia xa ập đến, cảm như vẫn thiếu, vẫn chưa làm gì được cho nhau. Mắt Vui nhòe ướt, trượt mất bóng hình anh trong đoàn quân trùng điệp.
Mới được mấy ngày, chưa kịp quen với biên chế của đơn vị. Tuân và một số anh em được lệnh chuẩn bị lên đường. Lên chiếc xe bịt bùng, bạt kín. Gần nửa ngày đến một nơi nào đó giữa một khu rừng rậm rạp. Không tiếng gà gáy, không một tiếng trẻ, không một lời ru, không một tiếng người. “Đây là đâu?”. “Đây là đơn vị đặc biệt, làm nhiệm vụ đặc biệt. Chương trình học tập cũng đặc biệt. Trong thời gian học không được ra ngoài, không được tiếp xúc với bất kì ai”. Thế thôi. Trong suốt những tháng ấy, không được viết thư về và cũng không biết địa danh mình đang ở. “Miền Bắc hay miền Trung? Đất ta hay đất địch? Chịu. Mới đầu Tuân cùng một số sinh viên học cách hoạt động hợp pháp trong lòng địch. Nhưng do giọng nói nặng trịch không thể trộn lẫn của miền quê vùng biển nên chuyển sang học lớp hoạt động bất hợp pháp. Cách đào hầm bí mật, chém vè giữa kênh rạch, trú ngụ lâu ngày dưới hầm, hình thức chiến thuật du kích… được các thầy truyền đạt và được thực hành khá kĩ. Bọn Tuân gọi đơn vị của mình là “trường biệt kích”. Phần nào cũng đúng.
Nửa năm sau, vào một đêm tối trời tất cả lại lên xe- vẫn chiếc xe bít bùng. Hết xe chuyển sang đi bộ. Đêm đi ngày nghỉ. Chỗ nghỉ thường ở những nơi hoang vắng. Ròng rã nhiều ngày. Đến một địa danh nào đó, số người lại vơi đi một ít. Tuân là nhóm người cuối cùng được bổ sung cho một đơn vị vùng ven Sài Gòn- Gia Định.
Chuyến công tác đầu tiên là cùng một tổ “đột” ấp.
- Cậu là lính mới, không có nhiệm vụ cụ thể nào. Hãy ghi nhớ để sau này sẽ phải độc lập tác chiến. Chú ý cái đồn bảo an.- Xã đội trưởng nguyên là Đại đội trưởng chủ lực “hạ phóng” về, nhắc nhủ.
Giao liên là một cô gái. Dáng nhỏ nhắn như hòa vào đêm đen, ống chiếc quần láng vo cao để lộ bắp chân trần trắng lấp lóa. “Lấy bùn thoa vào đi, lộ hết bây giờ”.- Ai đó càu nhàu. Tuân hơi khó chịu bởi lời cằn nhằn đó “Gì mà cứ làm quá lên thế” nhưng sau này va mặt vào những khốc liệt của cuộc chiến vùng ven mới nhận ra bất cứ một cái gì trắng lóa bất thường cũng là mục tiêu cho kẻ địch phát hiện. Mọi người đi lầm lũi, nhắm theo bước chân trần của người con gái, bước. Vệt đen ở cuối chân trời, lờ mờ như ngôi làng, cô gái dừng lại, ra hiệu cho mọi người tản ra. Tuân nằm xuống hất tầm mắt lên, mọi vật hiện ra rõ ràng đậm nét hơn: Ông Chủ tịch bình thản duỗi chân, bẻ ngón tay kêu răng rắc. Anh cán bộ kinh tài nhấp nhổm. Mấy anh du kích kê súng, cảnh giới. Cô gái hình như đang làm động tác dò mìn. Tuân trườn lên, ngang qua chủ tịch xã, nói khẽ: “Tôi lên giúp cô ấy”. “Không sao đâu. Đây đâu phải lần đầu”. Tuân thấy bất nhẫn. Thần chiến tranh vốn không có mắt và man rợ với phụ nữ. Bỏ mặc lời khuyên của vị cán bộ, Tuân len lên. Cô gái thoáng nhìn sang, cái nhìn nhiều ý nghĩa. Hồi còn ở trường, mỗi lần vào khoa mục dò gỡ mìn, Tuân không thể nào giữ được bình tĩnh, đầu óc cứ tê dại đi. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ là hàng trăm hàng nghìn mảnh đủ loại, đủ hình thù sẽ găm chi chít, sẽ phá nát cơ thể không phải chỉ một người. Nhưng lần này có vẻ rất khác khi ngay cạnh Tuân là một người con gái mảnh mai đang cần mẫn sờ lần từng khóm cây, ngọn cỏ. Tuân run lên khi chạm vào sợi dây mỏng manh, lạnh giá. Vuốt nhẹ theo sợi dây, tay chạm vào một khối như hòn gạch nung: “Một trái Klaymo. Xong rồi”- Tuân thì thào như trả lời cái nhìn đó. Cô gái cũng đặt sang vệ đường quả mìn đã được vô hiệu.
- Xong rồi! Tất cả lên đi. Vào đến đây là không còn trái nữa. Bọn chúng không dám gài trong ấp.- Cô gái nói khi thấy Tuân có vẻ ngạc nhiên.
Sau chuyến công tác, Tuân còn nhiều dịp đi với Lan- người con gái giao liên đó. Tuy nhiều lần ra vào ấp nhưng Tuân vẫn không thể nào quen được cảm giác hồi hộp, hơi sợ hãi rất khó tả. Trong một lần đột ấp không thành công. Tuân và người con gái đó đã phải nằm chung một căn hầm suốt một ngày đêm. Chật chội. Chỉ có thể một người nằm, một người ngồi hoặc nằm úp thìa đảo chiều. Bắp chân trần lại rực lên trắng lóa: “Lội nước ngập bùn phèn mà sao trắng thế.” Cái mùi con gái nồng nồng, ngai ngái. Lạ lắm cứ như khoan vào khứu giác. Cảm giác bồn chồn, tưng tức, bứt rứt đến khó tả. Hình như đã gặp ở đâu. Xa lắm. Tuân nhớ đến Vui- ngột ngạt. Trong hầm thiếu dưỡng khí “Có một trai một gái thì càng thiếu hơn”.- Những người đã từng nằm hầm nói thế và... họ chẳng nói đùa. Tuân ngửa cổ như cá mè úi ngày động trời. Ánh sáng lọt qua lỗ thông hơi - bầu trời nằm nghiêng, sâu thăm thẳm. Lan cũng ngồi dậy. Tấm lưng óng ả, hai cánh tay khoanh tròn trước ngực.
- Khổ thân anh Hai. Ngộp lắm hả? Mà anh Hai ở miền nào ngoài đó?
-Tôi ở vùng đất bạt ngàn hoa lau, nơi ngày xưa có một cậu bé cùng nhóm trẻ chăn trâu bẻ hoa lau làm cờ, tập trận giả. Đến tuổi trưởng thành, trước cảnh đất nước lâm vào cảnh hỗn loạn, cậu triệu tập bạn bè thuở cờ lau tập trận và các nghĩa sỹ dẹp yên lọan 12 sứ quân, sau đó lên ngôi Hoàng đế.
- Em hay nghe ngoại kể về các vị vua có công xây dựng và bảo vệ đất nước. Vậy anh có ở gần Cố đô Hoa Lư không?
- Tôi ở cách đó khoảng gần 30 km theo đường chim bay. Còn chưa đầy nửa năm nữa là tôi thành thầy giáo.
- Trong này kêu là giáo sư đó. Thể nào trông anh thư sinh thế. Công việc liên quan đến súng ống, đạn bom dường như không hợp với anh. Cố đừng “dính” nhé. Anh có bồ chưa vậy? Bồ là người yêu đó.- Cô gái cười khúc khích khi nhìn khuôn mặt đần đần của Tuân.
Tuân kể cho cô gái nghe về mẹ, về Vui, về bãi cải ven sông.
- Tội nghiệp anh Hai. Từ ngoài đó lặn lội vô đây để chia bom chia đạn, chia cái chết, chia cực nhọc cùng bà con trong này. Nếu còn sống em sẽ ra ngoài đó cám ơn mẹ, cám ơn chị Vui, cám ơn mọi người. Nhưng chiến tranh chả biết thế nào. Ba em tập kết khi em còn bé xíu. Má bị địch bắt theo luật 10-59. Em ở với ngoại. Mười lăm tuổi em vào du kích, làm giao liên từ bấy đến giờ. Tối ngày lu bu, quên cả mình là con gái. Đôi lúc, em muốn được đập, được phá, được gào, được thét. Thèm được tựa vào vai một người đàn ông, để thủ thỉ, để hờn giận, hoặc đơn giản hơn được ngủ thiếp đi, không bao giờ tỉnh dậy cũng được. Không phải không có người muốn đến với em. Nhưng ở cái vùng ven chết tiệt này, một tiếng động lạ, một dấu hiệu bất thường là “pằng”, là “oàng”, thậm chí là “ầm”. Một hoặc nhiều thân người đổ xuống. May mắn thì còn nguyên thân xác không thì tan nát, tung tóe, có khi không còn sót lại một chút gì. Người còn lại, vật vã đớn đau, giằng xé. Vậy thì ích gì... Em chỉ ao ước, trước khi chết được người đàn ông nào đó hôn lên môi em, nói với em: “Anh yêu em” dù thật hay là giả. Như thế cũng đủ sung sướng lắm rồi. Quên mất, em nói linh tinh, anh Hai bỏ qua nhen. Bất giác Tuân vòng tay ôm người con gái, nhỏ thó như bé mười lăm. “Sao em gày thế, đôi vai nhô cao, cánh tay khẳng khiu? Không gày sao được khi thỉnh thoảng mới được bữa cơm được gọi là tươm tất. Năm thì mười họa mới được một lần ngon giấc”...
***
Sau 30 tháng tư năm 1975.
Những người lính lần lượt trở về hoặc có thư về. Lác đác có những tờ báo tử theo chân người bưu chính xã. Tuân không nằm trong số đó. Chiều nay, Vui lại đạp xe ra ngồi ở bờ đất ven sông, mắt hướng về con đường xa mờ mịt. Bãi hoa cải giờ đây chỉ còn khoảng đất trống, lô mô một màu đen thẫm, trơ lại phần gốc ứa nhựa như giọt nước mắt chia xa. Trong chập chờn mộng mị, Vui như thấy những cánh hoa bay bay, nhạt nhòa rơi lã chã. Một bức thư lạ đã đánh thức một miền kí ức từ lâu lắm rồi, thẳm sâu. Xa thật xa...
“Em là Lan - đội viên du kích, giao liên ở vùng ven thành phố. Em là người đưa anh Tuân về hậu cứ và cũng là người thay chị đặt chiếc hôn đầu đời của người con gái lên môi anh trước khi anh nhắm mắt. Cuộc đời lạ lắm chị ơi! Ước muốn của em là trước khi chết được một người con trai đặt lên môi một nụ hôn. Vậy mà em không chết. Người chết lại là anh- một chiến binh dạn dày, người có mối tình đẹp đẽ đang đợi chờ. Người ta bảo người như thế không thể chết. Anh ngã xuống vì một trái mìn. Em chỉ kịp bế xốc anh, đưa anh sang được bờ bên kia. Anh mấp máy môi: “Vui...” những câu sau em không nghe được nữa. Hôm qua em làm cơm cúng cho anh. Thấm thoát đã chẵn ba năm rồi chị ạ....”
Vui phân vân lắm. Mới tháng trước còn nhận được thư anh. Anh nói đang ở Dinh Độc Lập. Vui đã từng tự hào là người duy nhất ở xã luôn nhận được thư từ chiến trường gửi về. Ngồi nhìn những bông cải đơm hoa, Vui lại nhớ về những ngày xưa cũ ấy. Mắt nhòe đi, vạt cải như con thuyền chở nặng ánh trăng.
“Có một mùa hoa cải
Chia tay bởi chiến tranh
Em đã chờ đợi anh
Sao anh mãi không về.”
Có tiếng bước chân thật nhẹ. Bàn tay cũng thật nhẹ đặt lên vai Vui. Không cần ngoái lại, cũng biết đó là Tiến- em của anh.
- Chị đang rối quá Tiến ơi! Lá thư này là thế nào?
Cánh tay Tiến trên vai Vui lỏng đi một chút...
Năm ấy, Tiến vào năm thứ nhất cùng trường. Trước khi đi, Tuân nắm tay Vui đặt vào tay Tiến: “Anh giao chị cho chú. Hãy thay anh săn sóc chị”. Tiến đã làm được nhiều hơn thế. Bất cứ lúc nào Vui cần là Tiến có mặt. Bất cứ chàng trai nào đến gần đều được Tiến nhắc nhở: “Đây là chị dâu của tôi. Anh ấy đang ở chiến trường”. Rồi những quyển vở, chiếc bút, trang giáo án, lọ dầu, quyển sách, cả những đồ dùng con gái cũng được Tiến lo đầy đủ chu toàn. Những bức thư là do Tiến giả chữ của Tuân. Bao nhiêu năm nay đã là động lực để Vui làm việc và đợi chờ. “Như thế có ích kỉ không? Gieo vào trong lòng người con gái hy vọng không có thật. Phải chăng là tàn nhẫn? “Thương nhau mà lại bằng mười phụ nhau”. Vui đã sang tuổi 25 - cái tuổi ở nông thôn đã bị coi là ế”. Tiến không dám nói ra sự thật tàn nhẫn đó.
Giọt nước như con số không tròn trĩnh từ từ lăn dài trên má Vui. Màu vàng hoa cải chìm dần, chìm dần trong ráng hoàng hôn đỏ đọc...
Tháng 7 năm 2023