Thứ bảy, 22/03/2025

Bức tượng đá xanh

Thứ tư, 12/02/2025

Truyện ngắn dự thi của ĐÀO THU HÀ

Cái tin nhà Lưu đào được một bức tượng đá xanh trong vườn làm xôn xao cả làng quê yên bình nằm bên bờ sông Đáy. Nhà Lưu nghèo, cả gia tài chỉ có mấy sào ruộng trũng, con trâu già, một căn nhà ba gian truyền từ đời cha ông và sào vườn gần sông, mùa nào thức nấy trồng rau để vợ Lưu bó thành từng bó mang ra chợ bán.

            Chuyện nhà Lưu đào được bức tượng đá xanh cũng kỳ lạ. Thì từ đời ông cố, ông nội, bố mẹ Lưu rồi đến vợ chồng, con cái Lưu đã sống trên mảnh đất này không biết bao nhiêu đời. Ngày xưa thì nhà tranh, vách đất, cột tre sơ sài, mãi đến đời bố mẹ Lưu mới tự đóng được ít gạch, dành dụm mua thêm được vài trăm viên ngói xây nhà rồi dành lại cho Lưu. Mảnh vườn cũng vậy, người còn được nghỉ chứ quanh năm ngày tháng đố hề đất có được một ngày nghỉ ngơi. Hết rau dền, mồng tơi rau đay mùa hè lại đến cải bắp, su hào mùa đông. Mảnh vườn cày xới bao nhiêu vụ, từ đời này qua đời khác mà đã bao giờ tìm thấy một mảnh sành vỡ, huống gì là bức tượng. Vậy nên, khi có ông khách râu tóc dài lượt thượt, bết lại bụi đất cáu bẩn ôm chiếc bị đứng trước cửa nhà, bảo trong vườn nhà Lưu có một bức tượng quý được khắc bằng đá xanh thì Lưu phì cười. Nhà Lưu nghèo, Lưu hiền lành nhưng không dễ bị lừa lọc. Lưu không được học hành đến nơi đến chốn nhưng nếp nhà truyền lại, ông nội dạy bố, bố dạy Lưu sống trên đời phải biết trước biết sau, đừng thấy ai nghèo hay gặp bất hạnh mà khinh khi, ngoảnh mặt. Lưu rót bát nước vối, nhặt mấy củ khoai lang vợ luộc hồi sáng bỏ vào cái đĩa con mời ông khách.

            - Nhà nghèo, chẳng có cao lương mỹ vị, thịt cá đãi khách. Chắc ông từ xa đến, mời ông ăn củ khoai, uống bát nước cho đỡ mệt, đỡ khát.

            Ông khách chẳng từ chối. Ngồi bệt xuống hè, ăn hết đĩa khoai, uống hết bát nước, ông khà một tiếng rồi vỗ vai Lưu.

            - Tôi nói thật, cậu cứ đào ở góc vườn phía Đông, đào sâu xuống độ ngang thân người sẽ thấy. Cậu họ Phạm, chi trưởng tộc đúng không? Tôi chẳng lấy gì đâu, ngang qua đây thấy có duyên thì chỉ cậu. Coi như đĩa khoai luộc và bát nước vối vừa rồi là tiền công tôi đã nhận. Đào đi, đấy là tâm nguyện tổ tiên cậu truyền lại đấy.

            Ông khách đứng dậy tiếp tục cuộc hành trình, chỉ để lại mùi mồ hôi, mùi bụi đất trộn vào nhau khen khét. Lưu vẫn ngồi ngẩn ngơ bên hè, nửa tin nửa ngờ. Đến lúc sực tỉnh nhìn theo thì bóng ông khách đã khuất xuống bến đò đi thuyền sang bờ bên kia.

            Lưu bật dậy, với tay lên xà ngang tìm chiếc hộp gỗ nước sơn lên bóng loáng. Cuốn gia phả ngả vàng phải nhẹ tay lật từng trang chỉ sợ giấy tan ra hết. Họ Phạm nhà Lưu sống ở đây nhiều đời rồi nhưng gốc gác từ xa xửa xa xưa thì ở Hoa Lư, thời vua Đinh dẹp loạn mười hai sứ quân. Năm nào dịp Thanh Minh, Lưu cũng theo các cụ trong họ về Hoa Lư cúng tổ. Lạ một điều, họ nhà Lưu có nghề đục tượng đá, chỉ riêng nhánh trưởng là không một ai làm nghề này.

            Gia phả ghi, ông tổ của nhánh trưởng họ Phạm đến làng ven sông Đáy này vốn thuộc dòng thứ cùng họ với tướng quân Phạm Hạp, người đã theo Đinh Tiên Hoàng Đế dẹp loạn mười hai sứ quân, là vị tướng trung thành với nhà Đinh. Dòng chính giỏi cầm quân đánh trận, dòng thứ lại có tài điêu khắc đá. Cung đình, đền đài, miếu mạo, những cột gỗ chạm rồng được vua tin tưởng giao phó. Năm tuổi, cụ Phạm đã biết cầm cái dùi, cái đục, đẽo những miếng đá thừa thành những con vật be bé. Chín tuổi, theo cha vào cung, vừa nhìn cha làm để học nghề, vừa phụ cha mấy việc lặt vặt, cụ Phạm được lòng Hoàng tử Đinh Toàn, con của Đinh Tiên Hoàng Đế và Hoàng hậu Dương Vân Nga. Hoàng hậu được vua sủng ái, lại có danh tiếng của tướng quân Phạm Hạp, cụ Phạm được giữ ở lại làm gia nhân bầu bạn cùng hoàng tử.

            Thế sự xoay vần, lịch sử không còn đứng về phía nhà Đinh nữa. Mùa Xuân năm 978, Đinh Tiên Hoàng đế lập con thứ Hạng Lang làm Thái tử. Hậu cung nổi lên một trận sóng gió. Các vị Hoàng hậu ngấm ngầm tranh đấu, lôi kéo quần thần. Hoàng tử Đinh Toàn được phong là Vệ Vương. Hoàng Thượng phế trưởng lập thứ, mùa hạ xảy ra nạn hạn hán. Ruộng đồng nứt nẻ, khô cháy trong cơn khát mặt trời thiêu đốt. Đâu đó có lời oán thán vua bất công, hành sự không hợp lẽ trời nên trời trừng phạt. Mùa Xuân năm sau, Nam Việt Vương Đinh Liễn giết chết Thái tử Hạng Lang. Vì đại cục, Đinh Tiên Hoàng đế xóa tội cho Đinh Liễn. Nhưng cơn sóng ngầm vẫn âm ỉ chỉ chờ cơ hội để bung trào. Dường như một trận gió tanh mưa máu đang tích tụ thành hình.

            Trong dân gian nổi lên những lời đồn đại chẳng rõ đâu là mơ, đâu là thực.

            Chuyện kể rằng, thuở còn hàn vi, Đinh Tiên Hoàng Đế bắt được viên ngọc khi kéo lưới ở sông Giao Thủy. Chẳng hiểu luống cuống tay chân thế nào mà viên ngọc va vào mũi thuyền bị mẻ mất một miếng. Đêm ấy mưa to, nước sông dâng cao, ngài đành ngủ nhờ lại chùa Giao Thủy, giấu viên ngọc ở dưới đáy giỏ cá định bụng khi trời sáng, tạnh mưa sẽ mang đi bán. Nửa đêm ngọc phát sáng rực một góc chùa. Trụ trì chùa thấy lạ bèn gọi ngài dậy, hỏi han. Chẳng giấu giếm, ngài lấy viên ngọc cho trụ trì xem. Nhà sư cầm viên ngọc trên tay, trầm ngâm mãi rồi buông một tiếng thở dài: “Ngày sau, anh sẽ phú quý không biết kể thế nào cho hết, nhưng tiếc là phúc đức không được bền lâu”.

            Đêm tháng Mười định mệnh đã thay đổi số phận của vị hoàng tử nhỏ. Năm ấy, mới chớm đông mà trời đã rét buốt như ai cầm cật nứa cắt vào thịt da. Một năm khắc nghiệt. Hết hạn hán, mưa đá lại đến những giá rét căm căm bao phủ. Cây cối trong sương giá trơ trụi hết lá, chỉ còn những thân, những cành khô gầy, sắt lại, cố hết sức để chống chọi với thời tiết. Từ chập tối trời đã tối đen như mực. Một vì sao lẻ loi lướt ngang trời rồi lịm tắt. Cả hoàng cung choàng tỉnh bởi những tiếng la hét, náo loạn, tiếng khóc lóc vang vọng khắp cung cấm. Cấm vệ quân rút gươm, truy tìm thích khách khắp các ngõ ngách. Mùi máu tươi nồng đậm hòa với mùi rượu lênh láng chảy ra từ những chiếc vò vỡ nát xộc thẳng lên mũi, ám ảnh. Đêm ấy Đinh Tiên Hoàng Đế thấy trong lòng phiền muộn nên gọi Nam Việt Vương Đinh Liễn, hai cha con đối ẩm đến khuya rồi nằm ngủ ngay giữa sân cung đình. Đỗ Thích lợi dụng cơ hội để giết vua cùng Nam vệ Vương Đinh Liễn.

            Ba ngày sau, Cấm vệ quân tìm thấy Đỗ Thích khi y đang trốn trên máng nước. Y bị cung nữ phát hiện vì thò tay ra khỏi máng nước để hứng nước mưa uống. Đói và khát đã khiến y suy kiệt đến mức giờ phút bị chém đầu cũng chẳng thể nào cất nổi một lời biện giải cho mình. Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc cho biết, lúc thẩm vấn, Đỗ Thích khai khi còn làm quan ở Đồng Quan, một đêm trăng thanh gió mát ngủ quên trên cầu, y mơ thấy có vì tinh tú từ trên trời rơi xuống. Y nuốt được vì tinh tú ấy và cho rằng đó là điềm tốt nên nảy ra ý định giết vua. Chờ mãi mới có cơ hội nhà vua và Nam Việt Vương cùng uống say nên Đỗ Thích đã lẻn vào giết vua và Nam Việt Vương. Chao ôi! Chỉ một giấc mộng mơ hồ mà nhà vua cùng con cả của mình, hai vị dũng tướng của Giao Châu Thất Hùng phải bỏ mạng, vương triều của nhà Đinh chao đảo. Vệ vương Đinh Toàn lên ngôi Hoàng đế, ngơ ngác trong tấm long bào lụng thụng. Cụ Phạm thành người hầu vua.

            Từ Hoàng đế thành Phế đế chỉ như trong một cái chớp mắt. Thời cuộc đã buộc người bạn niên thiếu của cụ Phạm trưởng thành hơn lứa tuổi.

            Không còn những buổi rủ nhau lên đỉnh Mã Yên ngắm nhìn Hoa Lư. Không còn những lần nằng nặc đòi cụ Phạm khắc cho xem hình con mèo, con trâu bằng đá. Phế đế Đinh Toàn như trở thành một con người khác, trầm lặng, suy tư. Ngài không bao giờ đụng đến một giọt rượu nào. Chỉ đúng một lần trong cơn sốt mê man, thần trí không tỉnh táo, ngài hỏi cụ Phạm có nghi ngờ về cái chết của cha, của anh ngài không. Đinh Liễn chỉ là một quan nội thị, giết vua y cũng chẳng thể lên ngôi Hoàng đế được. Là ai đứng sau y, sai khiến y. Là ai trong số các đại thần đang nắm trọng quyền. Và mẹ ngài, giờ đã là Đại Thắng Minh Hoàng hậu, sao bà ấy có thể sắt đá đến mức hi sinh cả đứa con trai bé bỏng của mình. Cụ Phạm sợ hãi, đưa tay bịt miệng Phế đế, dỗ dành ngài uống hết bát thuốc rồi canh cho ngài ngủ. Ngoài hiên, có bóng đen lặng lẽ lướt qua khiến cụ giật mình chạy ra tìm. Nhưng chỉ thấy tiếng gió khua cây xào xạc.

            Lưu thủng thẳng cầm chiếc thuổng ra vườn. Thì cứ thử một lần vậy. Cũng chẳng mất gì. Không thấy thì coi như đào một cái hố để sẵn đấy, sau làm gì thì làm. Lại còn khỏe gân cốt. Vậy mà Lưu đào thấy chiếc hộp gỗ đã mủn gần hết, chỉ còn vài mảnh chạm vào là tan. Bức tượng đá lấm lem bụi đất cao khoảng độ hai gang tay người lớn. Mang vào rửa sạch, sắc đá xanh ánh lên như ngọc. Chỉ có đường nâu ngang trên vai bức tượng tựa như một dải dây buộc áo choàng thì rửa cách nào cũng không sạch. Những đường vân trắng mờ mờ như mây vần vũ thoáng ẩn thoáng hiện trong lòng tượng. Đêm ấy, bức tượng đá như phát sáng. Lưu thấy mình bước vào giấc mơ kỳ lạ.

            Bóng người quỳ trước ban thờ, mái đầu đang xanh trong thoáng chốc bạc trắng như hoa lau, gục như thân cây bị phạt ngang. Chẳng ai nhìn thấy Lưu. Người quỳ trước ban thờ lẩm bẩm những lời đau xót, như kể lể, như oán trách, như giãi bày. Lưu nhận ra đó là cụ tổ họ Phạm trong gia phả đã ghi lại. Còn người đã mất là ai? Lưu nghe cụ tổ khấn Vệ vương Đinh Toàn.

            Ngài đã đi rồi. Không một lời từ biệt, không một lời dặn dò. Không để lại chút vết tích nào trên nhân thế.

            Giặc Cử Long ở Ái Châu do Hoàng đế Lê Hoàn đích thân chỉ huy. Vệ Vương Đinh Toàn lĩnh ấn Phó tướng theo trợ giúp. Những người theo hầu vua kể lại, Vệ Vương đã tử trận một cách anh dũng, xứng danh con cháu của một người anh hùng, xứng danh Phó tướng của minh quân. Người ta ca ngợi vua có chân mệnh thiên tử nên những mũi tên của giặc sợ hãi mà rơi xuống. Vua chỉ huy thuyền đi đầu, Vệ vương chỉ huy thuyền bám sát phía sau. Khí thế ba quân hừng hực. Bỗng tên từ trên bờ bắn xuống như mua. Giặc phục kích. Tên lao về phía thuyền vua như bị thần linh chặn lại, rơi lả tả. Vệ Vương thì không may mắn. Ngài trúng tên, gục xuống trước mũi thuyền. Vua là bậc minh quân, nhân nghĩa, người gạt nước mắt thét quân sĩ báo thù cho Vệ Vương. Quân giặc bị tiêu diệt sạch. Chắc hẳn Vệ Vương cũng yên lòng nơi chín suối.

            Có phải thực vậy chăng?

            Nhưng câu trả lời dù có thế nào cũng chẳng quan trọng nữa. Lúc này, cụ Phạm mới sực nhớ những lời Vệ Vương dặn trước lúc ra trận. Trong phủ có người của vua cài vào theo dõi. Lời nói lúc ngài phát sốt mê sảng. Bậc cửu ngũ chí tôn trên cao kia cũng sẽ không tha cho cụ Phạm.

            Người thị nữ thân tín của Vệ Vương ngồi gục xuống trước linh sàng. Nước mắt ướt đẫm đôi gò má hóp lại. Cụ Phạm ngẩng đầu dậy, ngửa cổ cố kìm tiếng cười. Trời không tuyệt đường ai bao giờ.

            Suốt đêm thức trắng, cụ khắc nốt bức tượng người anh hùng ngồi trên lưng ngựa, một tay cầm gươm, một tay cầm viên ngọc sáng. Sau lưng, cờ lau trắng bời bời. Bức tượng này Vệ Vương định khắc để tưởng nhớ tới cha mình. Cất bức tượng vào chiếc hộp gỗ quý, cụ đưa cho người thị nữ thân tín nhất của Vệ Vương. Số bạc cụ đã dành dụm được cũng những lời dặn dò nếu có ai hỏi tới thì trả lời như thế nào cho đỡ bị nghi ngờ. Người thị nữ vái lạy từ biệt Vệ Vương, vái lạy ân nhân rồi lợi dụng lúc đám tang người ra vào lộn xộn bỏ trốn khỏi cửa sau, theo dòng Sào Khê tới một ngôi làng gần sông Đáy. Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất. Mấy tháng sau, một đứa trẻ ra đời, mang họ Phạm. Người mẹ kể lại, chồng bà đi dẹp loạn đã mất, nhà mẹ đẻ không còn ai, nhà chồng hắt hủi nên đành bụng mang dạ chửa tìm nơi khác nương thân. Họ Phạm từ đó sinh sống, lập nghiệp ở làng. Không một ai biết nghề chạm trổ, khắc đá. Những câu chuyện từ thuở xưa theo sự suy vong, hưng thịnh của các vương triều, theo biến thiên lịch sử cũng chẳng còn ai nhớ đến.

            Lưu giật mình tỉnh dậy. Bơ phờ. Boải hoải. Chân tay rệu rã như vừa phải trèo đèo lội suối về. Ánh mắt từ bức tượng nhìn Lưu, bình thản, thấu suốt lại như đang tìm tòi, nghiền ngẫm một điều gì đó. Cái nhìn khiến Lưu có cảm giác lạnh sống lưng.

            Tin đồn loang nhanh, nhiều người săn đồ cổ từ các nơi tìm đến, người trả giá cao, kẻ săm soi chán rồi bảo bức tượng chỉ độ vài chục năm nay, nhà Lưu chôn xuống rồi đào lên chỉ để lòe thiên hạ. Trong họ cũng chia làm hai phe, người bảo rước lên thờ, người bảo được giá thì bán mà chia cho các suất đinh trong nhánh trưởng, lộc của tổ tiên để lại. Có cụ gắt lên, bán mà chia thì được bao nhiêu, dựng am để thờ. Tượng từ ngàn xưa truyền lại chắc chắn linh thiêng. Được phù hộ, lo gì người trong họ không ăn nên làm ra. Cứ nhìn cái đền thờ ông tổ họ Trịnh, suốt ngày người xe nườm nượp kéo đến khấn vái. Chỉ nội chuẩn bị nhang, đèn, con cháu họ Trịnh cũng dư dả, giàu có, gửi cả con đi nước ngoài học.

            Dòng họ Phạm nhà Lưu và họ Trịnh dù chung sống trong cùng một làng, một xã, uống chung dòng nước con sông Đáy nhưng chẳng ưa nhau, nếu không muốn nói là có mối thù truyền kiếp. Họ Phạm truyền lại nói từ thời Đinh đã trung dũng, cụ Phạm Hạp cõng ấu đế chạy trốn, cụ tổ nhánh thứ nhưng cũng hầu hạ cả cuộc đời Phế đế. Sau này đến các triều đại khác cũng đóng góp lương thảo, tòng quân đánh giặc. Còn họ Trịnh gió chiều nào che chiều ấy, miễn có lợi cho mình. Cách đây mấy chục đời, chính họ Trịnh đã theo giặc, bán đứng khiến một vị tướng họ Phạm bị chém đầu. Bởi vậy, con trai, con gái họ Phạm, họ Trịnh bị cấm lấy nhau, nếu có ý định thì chỉ còn cách dắt nhau bỏ xứ mà đi, chấp nhận cảnh bị gia đình, dòng tộc từ mặt. Nhưng mấy trăm năm rồi, chưa có đôi nào dám vượt qua lời nguyền, vượt qua điều cấm cản.

            Chẳng biết lấy từ đâu, họ Trịnh phao tin tìm thấy cuốn gia phả thất truyền, trong đó ghi rõ câu chuyện cụ tổ vốn là người có công phò vua, giúp nước nên được phong chức tước, đến thời vua Lê thì được phong là thần. Độ mươi năm trước, làng bị một trận lụt lớn. Lúc nước rút, trên nền sân nhà thờ cụ tổ học Trịnh lộ ra một khúc gỗ khắc chữ nho đen nhánh. Đại thể dòng chữ ấy nói phải thành tâm nhang khói thờ cúng cụ tổ họ Trịnh thì việc gì cũng thành. Vừa nhìn thấy khúc gỗ thì cô con gái ế không được nhanh nhẹn như người bình thường của ông trưởng tộc ngã vật xuống sân, ngất lịm. Bà tộc trưởng qua làng bên bốc thuốc, hết ba thang cạy đổ vào miệng cô mới tỉnh. Chỉ thấy cô bắt đầu ăn chay, miệng lúc nào cũng lầm rầm những lời thánh dạy, đi từ xa đã ngửi thấy mùi trầu cay, mùi nhang trầm bám vào quần áo. Chẳng một ai dám buông lời đùa cợt, trêu ghẹo cô như ngày trước nữa. Người họ Trịnh cũng bắt đầu chuyển nghề làm vàng mã, làm tiền giấy, buôn bán hoa quả, nhang đèn, cung cấp mâm cũng lễ. Cứ bước chân vào nhà thờ cụ tổ họ Trịnh thì hoa mắt trước cơ man nào là ngựa giấy, kiệu giấy, võng giấy, người hầu giấy. Rồi thì nến, độc bình la liệt. Có những hôm chính lễ, vàng mã đốt từ sáng đến chiều chưa hết, hơi khói bay khắp làng. Chẳng biết cụ phù hộ những gì mà một đồn mười, mười đồn trăm, người kéo về cầu xin công danh, sự nghiệp, buôn may bán đắt, giàu sang phú quý càng ngày càng đông.

            Nghe ý kiến lập am thờ pho tượng, mấy đứa thanh niên trong họ hưởng ứng ngay. Nó chụp ảnh, đăng lên facebook, không quên thêm mắm dặm muối kể về việc tìm ra pho tượng như nào. Dĩ nhiên câu chuyện về giấc mơ nhìn thấy cụ tổ, Lưu giấu kín. Trong thâm tâm mình, Lưu coi đó là chuyện linh thiêng. Chắc hẳn cụ báo mộng để lớp kế cận dòng chính biết. Biết để mà nhớ gốc gác của mình. Nhưng không cần thiết phải nói ra để gây xáo trộn.

            Người ta kéo đến nhà Lưu đông hơn cả chỗ nhà thờ cụ tổ họ Trịnh. Chẳng hiểu có ai khẳng định chắc như đinh đóng cột, bức tượng đá Lưu đào được trong vườn có niên đại từ thời tiền Lê. Lẽ thường, càng cổ thì càng có giá. Trải qua cả nghìn năm hấp thu linh khí trời đất mới được tìm thấy, càng thành tâm khấn vái thì càng linh nghiệm, cầu được ước thấy. Mảnh vườn nhà Lưu cũng nhờ đó mà tăng giá chóng mặt. Có người đã trả tới hơn mười tỉ để được sở hữu. Trong họ đã có những lời ngấm nguýt rằng nhà trưởng ăn hết lộc ông bà, tổ tiên để lại. Vợ Lưu đâm mất ngủ không thấy vui mà lúc nào cũng chỉ thở dài thườn thượt.

            Lưu hiểu vợ. Hơn ai hết, thị là người hiểu cái cảnh anh em trong nhà đấu đá, tranh giành tài sản đáng sợ thế nào. Những tháng ngày đau khổ, thị chỉ muốn an lành mà sống, giàu nghèo gì cũng được, miễn có sức khỏe để cày cuốc, ngày ba bữa no bụng là đủ.

            Ông bố vợ của Lưu chết bởi một chiếc lư đồng. Chiếc lư đồng vốn là vật thờ cúng truyền đời. Bố vợ nhận chiếc lư đồng, nhường cho người anh trai lấy một mẫu ruộng để vật của ông bà, tổ tiên không rơi vào tay người ngoài. Mọi chuyện vốn êm đềm nhưng cơn sốt cổ vật kéo đến. Những tranh chấp nổ ra. Anh em lìa mặt nhau. Người anh cho rằng mình là con trưởng, có quyền thừa kế cả mảnh vườn lẫn chiếc lư đồng. Trước đồng tiền, mọi trắng đen đều vô nghĩa, tình thân cũng trở thành điều không tồn tại. Đuối lý, bạc cả tình, con trai bác trưởng chui vào nhà bố vợ Lưu ăn trộm. Bị phát hiện, quýnh quáng, anh ta vô tình đẩy ngã khiến bố vợ Lưu chấn thương sọ não, mất ngay trước thềm nhà. Mẹ vợ Lưu đau khổ, bệnh tật quấn thân nên cũng sớm lìa đời. Phận côi cút, khổ cực khiến vợ Lưu lúc nào cũng sống trong cảnh lo sợ. Thị chỉ lo nhà mình có món đồ gì có giá trị một chút bị nhòm ngó rồi dẫn đến nhà tan cửa nát. Đêm ngủ, thị ôm chặt Lưu, bảo hay anh mang bức tượng gửi sang nhà các cụ cao niên trong họ, chứ thế này em đến ôm vì mất ngủ.

            Họ Phạm đã rục rịch họp bàn với nhau sửa lại cái nhà thờ, rước bức tượng đá về thờ cúng, nhang khói. Những người họ Trịnh cũng không chịu ngồi yên. Các bài viết bôi nhọ nhau của thanh niên hai họ đăng tải đầy trên mạng. Lời nào lời nấy sắc như dao cắt. Xa gần, bóng gió, rồi đỉnh điểm dưới các bài đăng là những bình luận tục tĩu, chửi bới cả ông bà,  bố mẹ, hỏi thăm tám đời nhà nhau.

            Lưu nằm mơ, bức tượng rời nhà Lưu, tìm đến sông Sào Khê. Nhưng tượng bé nhỏ, bao nhiêu năm vật đổi sao rời, lạ lẫm. Không có cách nào thoát ra được, mắt tượng nhỏ máu, mặt tượng u sầu.

            Đám thanh niên họ Phạm và đám thanh niên họ Trịnh hẹn nhau ra cánh đồng nói chuyện phải trái. Một trận hỗn chiến diễn ra. Mấy đứa phải vào viện cấp cứu. Có Đứa con ông trưởng tộc họ Trịnh bị chém đứt một bàn tay. Nghe tin dữ, ông trưởng họ Trịnh lập cập thể nào làm đổ ngọn nến. Lửa bắt vào những ngựa giấy, xe giấy bốc cháy. Trời bất ngờ nổi gió xoáy, đến thờ cụ tổ họ Trịnh bốc cháy ngùn ngụt không cách nào dập được.

            Lưu ôm bức tượng đá, đi đò xuôi dòng Sào Khê. Nước trong như ngọc, soi rõ cả sỏi dưới đáy. Bức tượng trong tay Lưu như nóng rực lên, nhoài người lao xuống dòng nước. Vết nâu trên vai tượng rơi xuống, chìm xuống đáy sông. Một vệt sáng lóe lên rồi lịm tắt. Có chiếc đò nào lướt qua Lưu. Trên đò, ông khách lạ hôm nào đang ngửa cổ tu một bầu rượu. Ánh mắt ông chạm vào mắt Lưu, thanh lành, thấu suốt và trong sáng lạ kỳ.

                                                                                    Đ.T.H

(Nguồn: TC VNNB số 298/11/2024)

Bài viết khác