Thứ sáu, 04/10/2024

Cây đào nơi dốc nắng

Thứ hai, 01/04/2019

Truyện ngắn của TRẦN ANH THUẬN

1. Chính nơi Dốc Nắng anh thương binh Hợi đã gặp Thắm vài bận. Từ quen đến thân và yêu. Rồi thành vợ thành chồng. Mẹ Hợi đã mua vạt đồi này cho đôi vợ chồng. Xưa Dốc Nắng không một bóng cây, đầy nắng gió. Giờ vào tay Hợi Thắm đã xanh um vòm lá. Nơi Dốc Nắng mọi người đi lại lâu năm quen rồi nên Hợi vẫn để họ qua lại không rào giậu ngăn cách. Ai cũng khen vợ chồng Hợi Thắm rộng lòng thơm thảo…

Ngày nọ đi làm xa về Hợi nhặt được gốc đào. Anh xem xét, vất nó đi rồi lại nhặt lên ngắm nhìn. Một gốc đào lạ! Anh quyết định mang về trồng nơi Dốc Nắng làm kỷ niệm. Cây đào không phụ lòng người: đã nhu nhú chồi xanh. Và chồi xanh lớn dần thành lá. Thế là từ đó có cây - đào - nơi - Dốc - Nắng.
Lúc cây đào khoe bông hoa đầu tiên thì Hợi đưa Thắm đến trạm xá để sinh nở. Bé trai kháu khỉnh chào đời. Họ bàn nhau đặt tên con là Danh. Bố là Hợi, thì con phải là Danh. Hợi Danh mà…. Sau này thêm đứa nữa cho thành Hợi - Danh - Giá. Thắm lườm yêu chồng.

Có mẹ hỗ trợ nên vợ chồng Hợi đỡ vất vả. Chiều đi làm về Dốc Nắng, ngắm hoa đào anh thấy hoa màu hồng đậm tỏa làn hương mỏng dịu thơm. Và anh thấy phần đa hoa có 6 cánh. Người ta bảo hoa đào 6 cánh là hoa quý hiếm! Hợi chợt nhớ mấy cụ già khi gặp Hợi đều nói: Chú có gốc đào quý lắm đấy! Hợi chỉ vâng dạ cảm ơn, thế thôi. Bây giờ nhìn lại mới thấy người đời tinh thật. Mấy ngày không thăm cây, nay ra Hợi thật sự ngỡ ngàng. Cả cây đào như phủ một màu hồng thắm. Trái tim anh đập mạnh như vừa chạy một đoạn đường dài. Hoa đào 6 cánh đung đưa như chào chủ nhân. Anh lặng người sung sướng "bốc" lên anh gọi thợ ảnh chụp một kiểu. Người thợ chọn một góc độ nghệ thuật lấy được cây đào và cả con dốc ngập nắng. Hợi hài lòng lắm. Hôm sau anh mang ảnh cho vợ xem. Thắm không nhận ra cây đào nhà mình, cứ bảo chồng nói dối. Trước mặt cậu con trai Hợi nói:

- Danh ơi, bố thề không nói dối vợ, con.
Thắm cười: - Cây đào đẹp quá, nhiều hoa quá lại là hoa 6 cánh nữa. Anh hỏi các cụ xem có chiết được không? Nếu được ta ươm thành rừng nơi Dốc Nắng, anh nhé!
- Được, anh sẽ thực hiện ý tưởng ấy cho mẹ con em.

2. Ngày cu Danh 2 tuổi, phong trào chơi Hội, chơi đề nở rộ lan rộng khắp nơi. Chỗ nào cũng thấy túm năm tụm ba khoe lãi suất cao, tiền tươi rói. Thắm bỏ cả làm vườn, phó mặc cho mẹ chồng chăm con, xăng xái chạy ngược chạy xuôi vay tiền nhà này, nhà khác chơi hội. Hợi ngăn lại, Thắm nói:
- Anh để em, kỳ này đang thắng. Bỏ giữa chừng tiếc lắm!
Lừa chồng đi làm vắng Thắm đã bán cặp bò lao vào cuộc đỏ đen. Hợi về chỉ biết đập nạng kêu trời…
Và ngày nọ, nếu Hợi về muộn… Nghe xôn xao ở Dốc Nắng. Hợi chạy ra thấy mấy người đang đào cây đào. Anh xộc xuống, lấy nạng gạt những người kia ra:
- Ai cho các người đào cây đào có 6 cánh hoa của tôi? Không được!
- Cô Thắm - vợ anh - bán cho chúng tôi rồi.
- Tôi báo cho công an, gọi chính quyền tới!
Mấy người kia lảng đi…

Chơi hội là chơi với thùng thuốc nổ. Vì nó, cha không nhìn mặt con. Vợ chồng xô xát, cãi vã, ly tán. Láng giềng vác dao chém nhau. Đó đây có tiếng cười đắc thắng, xỏ xiên. Vườn đào các nhà bỏ bê, không người chăm bón tưới tắm, sâu bệnh tràn lan phá phách. Làng đào tiêu điều lắm.
Chính quyền đã ra tay ngăn chặn, kêu gọi.
Vỡ hội, Thắm bỏ nhà đi mất. Không hiểu sao mấy năm ấy cây đào không ra hoa.
Còn Hợi say sưa học nghề sinh vật cảnh để có nghề và quên đi những chuyện đã xảy ra…

3. Nghề chơi nào cũng lắm công phu. Nhất là với nghề sinh vật cảnh. Bao nhiêu trường phái, quan niệm. Hợi thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài. Hợi uốn tỉa dành cây to để bán cho cơ quan công sở. Thời gian rảnh rỗi anh ươm cây bon sai mi ni. Có thời gian Hợi đi cắt tỉa cây thuê cũng được nửa triệu đồng một ngày. Đêm tối, anh vỡ hoang trồng khoai sắn, dứa để tăng thu nhập. Ai cũng khen anh thương binh khéo tay, hay làm. Người Hợi gầy đen sắt lại. Cu Danh bám lấy bà như hình với bóng. Có người bạn rủ Hợi đi Tây Bắc mua gốc đào rừng về trồng. Hợi đã đi một chuyến dài ngày. Anh mở mang thêm tầm nhìn. Đêm mưa nằm dưới vạt áo mưa giăng trong cái đói, rét lại xa nhà nhớ con. Hợi đúc kết và rút ra những bài học: những thử thách cuộc đời giúp ta khám phá ra ta là ai. Gia đình là nơi con người học yêu thương, đoàn kết và biết hy sinh. Đúng rồi, cần lòng kiên nhẫn và tính chịu đựng là hành trang ta vẫn mang theo trên đường đời này! Anh giận Thắm lắm, nhưng nghĩ thế, anh lại sẵn sàng tha thứ cho vợ và chờ vợ…

Gần một tháng Hợi mới về. Mẹ anh nhìn con thương xót, dằn vặt:
- Mày làm để sống hay chết, hả con? Mang gốc đào khô về làm gì?
- Gốc đào con mua về để trồng, mẹ ạ. Còn đây là con chó đen tuyền, có hai con mắt giả màu ngà. Bốn chân trắng như đi tất. Từ hôm con cứu nó, nó cứ quấn lấy con không rồi một bước. Con đặt tên nó là Lu.
Bà cười: - Nào đưa mẹ xem nào. Chân huyền đề, đốm lưỡi, tai vểnh thì thính lắm đấy. Đẹp. Lu, chạy cho bà xem nào… Bà quay sang Hợi: Thằng Danh nhớ con lắm. Bế bồng nó cho nó đỡ nhớ bố đi.

Hợi "dạ" nhưng anh vẫn lúi húi làm. Lâu lắm anh mới hỏi mẹ: Cháu đâu rồi mẹ?
- Cô Đào bế nó ra Dốc Nắng rồi.
Hợi đi ra Dốc Nắng. Anh nép vào lùm cây nghe hai cô cháu nói chuyện
- Danh có nhớ bố không?
- Nhớ!
- Nhớ bằng nào?
Danh giơ hai bàn tay nhỏ xíu ra. Cô ôm bé vào lòng, nói trong tiếng nắc:

- Phải như thế này cơ. Danh nghẹt thở nhoài ra. Cô tìm trong bé Danh hơi hướng người đàn ông, cô trân trọng, thầm yêu. Cô chỉ cây đào: Bố cháu trồng cây đào này đấy! Cháu yêu đào không? (Cô nhấn mạnh từ "đào")
- Có. Yêu. - Cháu gọi bố Hợi về đi! Bố không về cây đào không ra hoa đâu. Danh tưởng thực gọi to: Bố về với đào, về với con đi.
Dốc Nắng như bừng tỉnh..
- Bố Hợi về đây. Anh chống nạng khập khiễng từ trên dốc xuống, bé Danh cuống quýt chạy lên. Hợi ôm chầm lấy con. Hít hà mái tóc, hít hít đôi má thơm au đỏ, hôn đôi môi tươi son không ngớt. Đào nhìn bố con Hợi và thèm được như thế.
Lâu sau Hợi nhìn Đào: Cảm ơn em nhé. Cu Danh cứ bắt bà đưa đi chơi, mẹ anh chiều sao được. May có em… Đào ngước lên nhìn anh. Mắt lúng liếng như chờ đợi. Khi chạm ánh mắt Hợi má cô ửng đỏ, môi cô run lên:

- Em. Anh Hợi này…đào…đào…
- Đào làm sao? Hợi hốt hoảng.
- Em không sao cả. Em nói cây đào cơ. Các cây đào có nhiều rệp lắm. Phải phun thuốc. Không thì đào…
Anh nhìn sâu vào đôi mắt cô. Đôi mắt thiếu nữ màu nâu trong sáng, trẻ đẹp.
- Ngày mai anh nhờ em phun thuốc cho đào nhé, em đồng ý không?
Đào bẽn lẽn cúi xuống: - Dạ, được. Làng mình chuyển sang trồng đào ngót 10 năm rồi. Ai cũng biết chăm sóc đào. Em đâu ngoại lệ, anh.
Đào tranh bế bé Danh sánh bước cùng Hợi ngược lên Dốc Nắng.
- Em vào chơi đã
Đào nhìn Hợi đắm đuối theo vào. Bé Danh thấy bà reo: Bà nội ơi! Đào thả Danh xuống, bé chạy đến với bà. Hợi mở ba lô con cóc lấy cái khăn piêu: Anh tặng em. Tay Đào run run đỡ lấy: Em xin. Nếu như chỉ có hai người chắc cô đã sà vào lòng anh, thế là mãn nguyện lắm rồi. Đào ngước đôi mắt nâu nhìn anh thay cho lời chào. Cô quay ra phía hai bà cháu: con về bà ạ. Cô chào bé Danh nhé! Đào chạy ra ngõ…

4. Đã nhiều lời đồn thổi về "cây đào đực". Hợi để ngoài tai nhưng mẹ Hợi bực lắm. Anh khuyên mẹ không nên đáp lại, kệ thiên hạ. Bà rầu rầu nhìn con, nhìn cháu. Hợi giấu mẹ đã nhiều lần đi tìm Thắm, nhưng không biết vợ ở đâu. Chả nhẽ lại thông tin trên đài, báo như kiểu "Tìm trẻ lạc"?
Một lần về nhà không thấy hai bà cháu đâu, anh sang nhà Đào để tìm. Anh gọi: Danh ơi! Anh nghe thấy tiếng Đào: Em đây. Đào đang đội thử khăn piêu trên đầu. Cô chạy ra ôm chặt lấy anh hôn tới tấp lên mặt. Cô thầm thì: - Em thương yêu anh đến chết mất! Người cô hầm hập nóng, tay chân run rẩy. Hợi ôm lấy cô để cho cả hai người khỏi ngã.
- Đào! Bình tĩnh lại em. Anh có vợ con rồi, già rồi, lại thương binh nữa. Đừng thế… Anh né tránh những nụ hôn như lửa của Đào.
- Anh về đây. Anh chợt thấy khăn piêu rơi xuống đất…

5. Danh đã học lớp 3, nó và con Lu như cặp bài trùng, đi đâu cũng có nhau. Nhiều hôm Lu ngồi ngoài lớp chờ Danh. Hôm nay đi học về, Danh hỏi bố mẹ đâu để con viết thư gọi mẹ về con nhớ mẹ lắm! Hợi luống cuống chống chế: Mẹ sắp… về rồi. Bố đã nhờ các chú ấy tìm hộ. Hợi lảng tránh: Lu không được theo anh đến lớp. Ở nhà trông vườn tược, nghe chưa. Lu như biết lỗi, cúp đuôi chui vào gầm ghế nằm.
Đêm Hợi không ngủ được. Có phải vết thương nhức nhối do thời tiết hay câu hỏi của con xoáy vào tâm can? Biết tính sao đây? Anh kéo khăn đắp cho con, rồi đi ra sân.  Con Lu nhổm dậy đi theo. Anh cúi xuống vuốt lưng nó: Lu ngoan nhé! sẽ thưởng cho mày đấy. Lu vẫy đuôi rồi đứng lên bằng hai chân sau như làm trò. Hợi lại vào giường nằm với con rồi anh ngủ lúc nào không hay. Đêm khuya lắm anh nghe tiếng chó sủa ran, đúng tiếng con Lu ở phía Dốc Nắng. Hợi choàng dậy, với đèn pin, mở cửa gọi: Lu, Lu! Con Lu vẫn sủa. Bỗng tiếng chó kêu ăng ẳng. Việc gì đã xảy ra? Anh khập khiễng đi ra cổng, xuống Dốc Nắng. Đèn pin hướng về "cây đào đực". Chỉ còn một hốc trống không. Con Lu đâu? Mấy nhà hàng xóm xách đèn chạy ra: -Mất gì thế anh Hợi? Hợi chỉ bốc đất "Cây đào đực". Nó đánh trộm cây đào! Cậu thanh niên đến bên Hợi: Con Lu bị thương rồi. Bây giờ Hợi mới để ý. Anh cúi xuống ôm lấy nó. Anh xé ống quần băng cho con Lu. Rồi nói với mọi người:

- Xin cảm ơn bà con. Bà con cảnh giác không bị mất trộm đào đấy. Anh bế con Lu về lấy nước rửa vết thương, bôi thuốc và băng bó cho nó. Sáng hôm sau con Lu tha cái dép lốp thả xuống chân chủ. Nó ngước lên nhìn rồi sủa to ba tiếng. Nhìn cái dép Hợi biết chủ nhân của nó là ai rồi. Anh gói cái dép lại sang nhà ông Tấn hỏi cậu Tân có nhà không? Ông Tấn luống cuống ầm ừ lúc bảo có nhà, lúc lại bảo không. Đến khi Hợi mở gói giấy bọc cái dép của Tân ra, ông Tấn vội nắm tay anh:
- Xin anh nể tôi tha cho nó. Em nó dại. Anh đừng làm to chuyện. Đêm nay tôi bảo em đem cây đào hoàn lại chỗ cũ cho anh.
- Ông khuyên em đường tắt mắt có ngày không gỡ được.
- Vâng. Anh tha cho nó, tôi đội ơn anh.

6. Hơn nửa tháng nay mẹ anh lại sang trông nom cửa nhà, cơm nước cho bé Danh đi học. Như nhiều gia đình khác Hợi cũng mang đào ra thị xã bán. Tân nể phục ân nhân nên giúp anh nhiều việc. Hợi nắm tay Tân bóp mạnh. Cái bóp tay rất mạnh ấy mang một thông điệp nhiều tầng nghĩa.
Mọi việc bán đào như thế tạm ổn.
Đã 29 Tết. Nghe Tân bảo: Thằng Danh ốm đã mấy hôm. Hợi sốt ruột muốn về qua nhà thăm con. Tân bàn:
- Chiều muộn anh về, em trông hàng cho. Mai ra sớm vẫn bán được hàng mà.
Hợi nghe có lý.
- Ừ. Thống nhất như thế. Chú giúp anh.
- Vâng. Có gì đâu anh
Tối mò Hợi mới về đến nhà. Anh chỉ thấy mình mẹ:
- Cháu Danh đã khỏi chưa mẹ? Cháu đi đâu rồi?

- Nó khỏi rồi. Vừa ở đây… đi đâu rồi?... Con này, ông Tấn bảo gói hộ cho mấy cái bánh chưng. Mẹ bảo gửi tiền, ông nói sau sẽ hay.
- Vậy cũng được mẹ ạ. Chỗ hàng xóm láng giềng lo gì, mẹ.
Anh huýt sáo, con Lu chạy về. Trên lưng nó buộc cái khăn. Anh rọi đèn cởi cái khăn ra. Khăn của Thắm! Con Lu hướng ra Dốc Nắng sủa to rồi ngoạm lấy quần, kéo anh đi. Hợi đã nghe thấy tiếng Danh:
- Mẹ về đi! Bố thương mẹ, nhớ mẹ lắm. Mẹ không về thì con không chơi với mẹ nữa đâu!
- Thắm ơi! Anh đây. Danh ơi bố đây.
Anh chống nạng ào đến ôm cả hai mẹ con vào lòng:
- Sao em dại thế? Anh thương yêu em!

Thắm nức nở. Tiếng cu Danh: Bố ơi cây đào lại ra hoa rồi, nhiều lắm cơ. Hoa nở đón mẹ Thắm về đấy.
Thắm thổn thức: - Em có lỗi với mẹ, với anh và con. Em hối hận lắm. Thắm quỳ xuống lạy van. Hợi nâng vợ dậy…
Tiếng bà nội vọng ra: - Thôi các con vào nhà đi, kẻo cu Danh lạnh.
Trong làn gió đêm hương đào thoang thoảng dịu dàng. Ngày mai, ngày kia mọi người ra Dốc Nắng ngắm hoa đào 6 cánh đỏ rực một góc đồi với mùa xuân mới, niềm vui mới và hy vọng mới.

            Quỳnh Trang Viên, tháng 8/2018

 

Bài viết khác