Truyện ngắn của ĐÀO THU HÀ
(Nguồn TC số 293/5/2024)
Mấy ngày nay, chẳng biết có con chim khách từ đâu bay tới đậu trên cây bưởi đầu ngõ kêu giòn: “Khách! Khách”. Ông Thân ngồi uống nước chè ở hè, ngước mắt lên nhìn, lẩm bẩm:
- Chắc là nhà sắp có khách đến chơi. Tí ơi, Na ơi, hai chị em bảo nhau quét nhà, quét ngõ cho sạch sẽ kẻo khách đến chơi thấy nhà cửa bừa bộn người ta cười cho. Để ông hái thêm nắm chè xanh hãm nước mời khách uống cho mát ruột.
Cả nhà rộn ràng hẳn lên. Tôi cũng thấy hồi hộp. Chẳng hiểu tại sao mấy ngày nay tôi cứ thấy mình bồn chồn, xao xuyến như sắp được gặp một người bạn cũ đã lâu không gặp. Thú thật suốt bao năm qua, tôi mong gặp lại một người bạn cũ, một người bạn từ thủa ấu thơ, cùng nhau lớn lên, trải qua biết bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn. Mỗi năm, nhìn mái tóc ông Thân bạc thêm, nhìn bước chân ông ngày một khó nhọc, nỗi mong ước ấy trong tôi càng lớn. Giá kể có thể mọc đôi cánh mà bay đi tìm chắc tôi cũng sẽ làm. Nghe tiếng con chim khách kêu, tự nhiên tôi thấy lòng mình đầy hi vọng.
Gần hết buổi sáng vẫn chưa có ai tới. Thằng Tí chống cằm nhìn ra ngõ, hỏi ông liệu có phải con chim khách báo sai không. Mấy lần trước, lần nào chim khách kêu nhà cũng có khách nhưng cũng giống như lớp trưởng lớp nó, dù học giỏi nhất lớp thì thi thoảng vẫn có bài khó làm sai đấy thôi. Ông Thân ủ tích nước chè vào chiếc giỏ mây, hiền từ dặn thằng Tí đừng sốt ruột, chim khách giống như sứ giả đưa tin, chẳng bao giờ sai cả. Ông Thân vừa dứt lời, một chiếc ô tô đỗ xịch ngoài ngõ. Ông với chiếc áo sơ mi treo trên móc, cài nút áo, cẩn thận vuốt tà áo cho phẳng phiu rồi bước ra. Ánh nắng khiến mắt ông hấp háy, phải nheo lại mới nhìn rõ khách đến là ai. Tôi nghe tiếng ông reo lên:
- Trời ơi! Nam! Có phải Nam không? Đúng là Nam rồi!
Và giọng nói tôi mong ngóng bao ngày đêm nối lời:
- Thân ơi. Mìn Nam đây. Mìn là U-đan Ta-bét Nam đây.
Hai người bạn cũ nắm tay nhau bước vào nhà. Con chim khách đã báo niềm vui bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của cả ông Thân và của tôi, của tất cả mọi người trong gia đình. Bạn Nam của tôi. Bạn U-đan Ta-bét của tôi. Tôi nghĩ, lúc này mà có thể khóc, chắc nước mắt của tôi còn nhiều hơn cả nước mắt của thằng Tí và cái Na mỗi lần khóc nhè.
Tôi và U-đan Ta-bét sinh ra ở một ngôi làng nghèo, cách mảnh đất Việt Nam xinh đẹp cả nửa vòng Trái đất. Làng tựa lưng vào dãy núi hùng vĩ, lúc nào cũng vang lên những tiếng ca hát ngân nga của các bà, các chị. Ngày U-đan chào đời, bà nội tước những sợi cỏ mọc bên sườn núi, phơi khô rồi nhuộm ngũ sắc bằng thứ màu bột truyền đời để những sợi cỏ được bền đẹp không bị bục, đứt rồi tết thành vòng đeo vào cổ tay. Chiếc vòng ấy sẽ theo đứa trẻ suốt cuộc đời, mang lại may mắn, bình an, hóa giải những hiểm nguy, bất trắc. Tôi và U-đan đã trải qua những mùa hè hanh nắng, trải qua những mùa đông tuyết phủ trắng xóa, đã từng ngụp lặn dưới làn nước biển xanh biếc và hồn nhiên lớn lên. Có giàu trí tưởng tượng đến đâu, cả tôi và Nam đều chưa bao giờ nghĩ tới mình sẽ rời xa ngôi làng êm đềm tựa lưng vào núi để đi đến một mảnh đất khác, mảnh đất mình còn chưa một lần nghe tới.
Mấy chục năm không gặp, Nam cũng như ông Thân đã già đi nhiều. Nam dẫn theo một đứa bé trạc tuổi cái Na. Thằng bé núp sau lưng ông, đưa cặp mắt lạ lẫm nhìn mọi người. Nam xoa đầu cháu, khoe thằng bé có tên Việt Nam là Đức, nói tiếng Việt giỏi do được ông nội dạy hàng ngày. Chuyện nhà, chuyện cửa, chuyện con, chuyện cháu, hai người bạn cũ mấy chục năm không gặp ôn lại chuyện năm xưa. Mọi khi thằng Tí, cái Na chỉ chào khách một câu rồi chạy nhoắng đi chơi cùng mấy đứa trẻ con hàng xóm, hôm nay vì tò mò khi gặp một “ông Tây” lạ hoắc, cao lớn nên ở nhà nghe chuyện. Câu chuyện của hai ông cuốn hút hai đứa hơn cả phim hoạt hình chiếu trên ti vi. Đứa cháu nội của ông Nam cũng ngồi nghe mê say. Hình như ông Nam cũng chỉ dạy tiếng Việt chứ chưa từng kể cho nó nghe bao giờ.
Vừa bước vào tuổi thanh niên, một tối đi chơi cùng bạn, U-đan bị lính Pháp vây bắt. Chúng trói gô chân tay U-đan và bịt mắt suốt gần mười ngày đêm. Đến lúc được nhìn thấy ánh sáng mới biết mình đã bị đưa sang một đất nước xa xôi mình chưa từng nghe nhắc đến. Chàng trai U-đan Ta-bét đã bị quân Pháp bắt vào lính rồi đưa sang Đông Dương tham chiến. Điện Biên Phủ. Người Pháp muốn tiêu diệt hết Việt Minh. U-đan được dạy rằng, cần phải cho những người Việt Nam mê muội, cứng đầu dám chống lại sự khai phá văn minh của Pháp quốc biết thế nào là lễ độ. U-đan hoang mang khi nhận ra sự khai phá văn minh mà các sĩ quan người pháp nói tới là súng đạn, là bom mìn, là những trận càn phá, cướp bóc. Những đứa trẻ ngây thơ với cặp mắt tròn xoe, trong sáng kia sao mà giống các em U-đan ở nhà thế. Những người mẹ lam lũ, vất vả kia trông hiền lành, nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó chẳng khác gì mẹ U-đan ở nhà. Và cả những cô gái trẻ măng đầy sợ sệt đứng co ro với nhau, cố nép vào nhau để tránh ánh mắt soi mói, nụ cười nham nhở của những tên lính Pháp kia có khác gì những cô em gái mà U-đan thương mến trên mảnh đất U-đan đã sinh ra và lớn lên đâu. Dân làng U-đan cũng đã bao năm cam chịu, tủi nhục dưới sự “khai phá” của nước Pháp. Những mái nhà bốc cháy, những giọt nước mắt tủi nhục, những lằn lưng rớm máu. U-đan nhận ra rằng, đôi bàn tay của U-đan, đôi bàn tay mà thủa nhỏ cha mẹ U-đan hay nắm lấy để dặn dò U-đan phải biết đưa ra giúp đỡ người khác lại đang cầm súng để chĩa vào những người đứng lên để bảo vệ Tổ quốc mình trước sự xâm lăng của ngoại bang. Họ yêu làng, yêu nước họ như U-đan yêu làng, yêu nước mình. Bao đêm canh gác, nước mắt U-đan thấm vào tôi khiến những sợi chỉ màu ngũ sắc như loang ra rồi tan loãng vào ánh trăng. Trên cổ tay U-đan, tôi nghe đường gân nối với trái tim hồn hậu của U-đan truyền đến những nhịp đập đầy đau đớn và quyết tâm.
U-đan rời bỏ hàng ngũ những người lính lê dương để đứng vào hàng ngũ những người chiến đấu vì chính nghĩa.
Tôi nhớ như in đêm ấy. Đêm đặc quánh đến độ tưởng như có thể lấy dao mà xắn ra thành từng miếng được. Lợi dụng sự lo là của lính gác, U-đan chạy trốn vào rừng. Gai rừng cào rách quần áo. Khẩu súng đập vào lưng đau điếng theo từng bước chạy vội vã. U-đan căng mắt xuyên rừng mà đi. Một bàn tay U-đan nắm chặt lấy tôi như muốn được truyền thêm dũng khí và sự may mắn. Tôi truyền hơi ấm sang cho U-đan. Tôi truyền hết sức mạnh nguồn cội sang cho U-đan. Cả hai chúng tôi bỏ lại bóng tối phía sau lưng để tìm về với ánh sáng.
Ông Thân nắm tay ông Nam, cất tiếng cười sang sảng. Dẫu tóc đã bạc, chân không còn bước nhanh nhẹn nhưng ông vẫn giữ được tiếng cười trẻ trung của một anh bộ đội quen xông pha:
- Hôm ấy tớ đang gác thì thấy một anh lính Tây lao đến, Tớ giương súng thì nghe cậu hét lên “Đừn bắn, đừn bắn. Viết min. Đầu hàng. Đầu hàng”. May mà cậu chuẩn bị kỹ, học sẵn mấy câu tiếng Việt đấy.
Cái Na, thằng Tí nghe ông Thân nói, bật cười khúc khích. Bình thường nghe cô giáo kể chiến thắng Điện Biên, hai đứa ước ao được gặp các chú bộ đội, xem các chú mình đồng da sắt thế nào mà giỏi thế. Chẳng ngờ ông nội mình cũng từng là bộ đội đánh thắng giặc Pháp ở Điện Biên. Bạn ông ở tận nước nào xa tít tắp cũng là bộ đội đánh Tây ở Điện Biên luôn mới oách. Thằng Tí thì thào bảo ngày mai đi học, nhất định phải kể cho mấy đứa bạn cùng lớp nghe. Thể nào chúng cũng xuýt xoa, ngưỡng mộ. Cái Na đưa ngón tay ra hiệu thằng Tí im lặng để nghe các ông kể chuyện. Cháu nội U-đan cũng đã nhích gần vào hai đứa từ lúc nào. Ba cái đầu chụm sát vào nhau. Ba cặp mắt to tròn, háo hức nghe như nuốt từng lời.
Về với đội quân Việt Minh, U-đan được đặt tên là Nam. Việt, Nam, Chiến, Thắng là bốn cái tên Việt của bốn người lính lê dương đã quyết tâm tìm đến với chính nghĩa, đấu tranh cho độc lập của Việt Nam và mang hi vọng sẽ trở về để giải phóng cho chính quê hương của mình cũng bị thực dân giày xéo. Mỗi trận đánh, Việt, Nam, Chiến, Thắng khoác lên mình bộ quân phục sĩ quan Pháp, đột nhập vào lô cốt của địch, mở đường máu cho anh em xông lên đánh chiếm lô cốt. Để khỏi bị quân ta tưởng là địch mà bắn nhầm, mấy anh em phải nhờ các cô dân công khâu cho mấy mảnh khăn buộc vào đầu cho tóc mỗi lần đi trinh sát về. Sau mỗi trận thắng, Nam và tôi đều mơ thấy ngày chiến thắng cho ngôi làng xinh đẹp của chúng tôi lại gần thêm một chút. Nam chơi thân nhất với Thân - người lính Việt Minh đầu tiên cậu gặp khi quyết định đầu hàng. Hai người sát cánh bên nhau cùng chiến đấu, vào sinh ra tử. Chính ông Thân cũng là người đã dạy Nam biết nói và viết tiếng Việt. Nam dạy ông Thân những bài hát của quê hương.
Nhấp một ngụm nước chè xanh ông Thân hãm, U-đan khà một tiếng đầy sảng khoái. Mấy chục năm rồi mới lại được uống nước chè xanh Việt Nam. U-đan cười nhắc lại chuyện lần đầu tiên uống nước chè bị say, cô Dịu quân y phải pha cho một ly nước đường uống mới hết. Ngày ấy khó khăn, thiếu thốn, ít đường ấy phải lấy từ phần của một anh thương binh. Nhắc đến cô Dịu, cả ông Thân và Nam đều chùng xuống. Tôi còn nhớ người con gái mãi mãi ở tuổi đôi mươi ấy. Một người con gái mảnh dẻ, xinh đẹp, mạnh mẽ và kiên cường. Tôi thấy mình như bay cùng ký ức, trở về vùng đất Điện Biên anh dũng năm nào.
Trong một trận tiêu diệt lô cốt địch, Nam bị thương. Một viên đạn xuyên qua bắp chân Nam. Cậu được đưa về khu Trung thương để điều trị. Khu điều trị là những căn hầm hàm ếch để thương binh nằm. Dịu là người khám xét, cắt lọc, rửa vết thương hàng ngày cho Nam. Dịu gày gò và nhỏ bé, tưởng như chỉ một cơn gió mạnh cũng có thể thổi bay Dịu đi được. Dịu hiền lành và hay hát. Mỗi khi có một thương binh bị vết thương hành hạ, đau đớn không ngủ được, Dịu lại khẽ hát. Tiếng hát trong ngần của Dịu bay qua bom đạn, bay qua khốc liệt, bay qua máu và nước mắt đưa tâm hồn người nghe về với quê hương yên bình, với làng quê xanh ngắt bóng tre, về với cánh võng bên hè đón ngọn gió đồng mát rượi. Lúc tiễn đưa những người lính trẻ trở về với đất mẹ, tiếng hát của Dịu nghẹn ngào, da diết, nhắn nhủ những người còn sống hãy thay phần của người đã khuất. Lúc nào Dịu cũng bảo, chỉ mong nhanh đến ngày chiến thắng để Dịu ngủ một giấc thật đã cho bõ những ngày đêm thức trắng. Nhìn Dịu vui tươi, lúc nào cũng nở nụ cười dịu dàng trên môi, chẳng ai nghĩ cô gái ấy đã trải qua một tuổi thơ cơ cực, đắng cay.
Năm Dịu lên năm, quân Nhật đổ bộ. Cả nhà Dịu dắt díu nhau chạy giặc. Bố Dịu gục xuống ven đường sau khi trúng một làn đạn. Thời buổi loạn lạc, mọi người mải miết chạy, xác bố Dịu và những người dân vô tội không may bỏ mạng cứ nằm lay lắt ven đường mặc mưa nắng cho đến khi chỉ còn trơ xương trắng. Mẹ Dịu không biết lưu lạc ở đâu, Dịu lạc mẹ từ đấy. Một người dân thấy Dịu đứng bơ vơ, ngơ ngác ven đường, thương tình dẫn Dịu theo rồi xin cho Dịu đi ở. Gần mười năm trời, Dịu cứ đi ở cho hết nhà này đến nhà khác để kiếm cơm tự nuôi thân sống qua ngày. Gặp gia đình tử tế thì được bữa no, được bộ quần áo tuy cũ nhưng sạch sẽ để mặc. Gặp kẻ ác thì dù làm quần quật vẫn bị bỏ đói và đánh đập suốt ngày. Hai cánh tay Dịu còn lằn những vết sẹo. Một bên tai Dịu bị cắt đứt do có lần ở cho nhà chủ ác quá, không chịu được những hành hạ, Dịu bỏ trốn. Chủ nhà bắt lại, trói chân Dịu treo lên xà nhà, xát muối rồi dùng roi mây đánh. Như chưa hả cơn giận, chủ nhà còn xẻo một nửa tai Dịu để Dịu sợ đòn mà không dám bỏ trốn nữa.
Nhưng khi vết thương lành, Dịu lại bỏ trốn. Ở lại chỉ có nước chết. Dịu may mắn gặp một đội du kích. Các cô chú cho Dịu theo, dạy Dịu học chữ, dạy Dịu cách bắn súng, dạy Dịu cách băng bó vết thương. Dịu theo đoàn quân lên Điện Biên Phủ, làm công tác quân y đường hầm, phục vụ chiến đấu.
Được chăm sóc tận tình, Nam thầm thương trộm nhớ Dịu từ lúc nào không hay. Dịu chưa đến, Nam vào trông ra ngóng. Gặp Dịu, Nam lại đỏ mặt tía tai, ngượng ngùng chẳng dám nói lời nào. Những đêm mất ngủ, Nam chạm vào những sợi chỉ ngũ sắc, tự đặt cho mình quyết tâm ngày chiến thắng sẽ thổ lộ. Cùng đội, cậu Việt người Ma-rốc cũng đã cưới được cô dân công hiền lành, giỏi giang. Đám cưới được đơn vị tổ chức, chỉ có nước chè xanh và bánh kẹo nhưng khuôn mặt ai cũng rạng ngời hạnh phúc. Nam cũng mơ về ngày hạnh phúc ấy, về đám cưới của mình cùng Dịu.
Nhưng chiến tranh nghiệt ngã. Tình cảm lặng thầm của Nam mãi mãi chỉ có thể chôn chặt tận đáy lòng.
Dịu hi sinh khi đang cáng thương binh về trạm quân y. Một quả pháo đã hất tung Dịu lên, xé tan thân thể Dịu. Chỉ còn mảnh vụn từ chiếc mũ rơi xuống đường hào. Mảnh vụn mũ ấy, Nam khâu vào trong ngực áo để nhắc nhở mình mãi mãi không được quên người con gái Việt Nam nhỏ bé, kiên cường, dịu dàng, nhẫn nại, chưa bao giờ nổi cáu với ai. Dịu ơi ngủ ngon nhé. Ngủ ngon như Dịu đã từng ước. Dịu tan vào đất, hóa thành vì sao xanh lấp lánh trong trái tim những người ở lại.
Ngày chiến thắng, Nam về nước. Tôi được trao lại cho ông Thân. Nam muốn gửi lại người bạn thân, gửi lại mảnh đất yêu mến món quà kỷ niệm. Đó là chiếc vòng ngũ sắc, vật thiêng liêng, may mắn đã theo Nam suốt từ thời thơ ấu. Nam mong, chiếc vòng sẽ giúp người bạn thân của mình được bình yên trong suốt cả cuộc đời. Chiếc vòng còn nuôi dưỡng hi vọng về ngày gặp lại.
Nam của tôi. U-đan của tôi. Ông Thân trao lại chiếc vòng, vật về chủ cũ. Chiếc vòng chứng minh cho tình bạn thân thiết của hai con người đến từ hai đất nước cách xa, khác màu da, tiếng nói. Ông bảo sau mấy mươi năm, ông vẫn giữ chiếc vòng vẹn nguyên, dù sau chiến thắng Điện Biên Phủ ông lại vượt Trường Sơn vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những năm tháng ấy, tôi theo chàng bộ đội Thân vượt qua mưa bom, bão đạn, vượt lên mất mát, hi sinh để trở về. Lời hẹn gặp lại Nam vẫn còn nguyên, chưa bao giờ tắt trong tôi. Tôi lại được nằm trên cổ tay Nam, lắng nghe tiếng nhịp tim người bạn từ thời thơ ấu truyền những nhịp yêu thương, mừng vui gặp gỡ. Những ngày tới, tôi sẽ theo Nam đi thăm lại mảnh đất Điện Biên, đứng trước ngôi mộ gió của Dịu, cúi đầu tưởng nhớ người con gái tuổi hai mươi ngã xuống cho đất nước. Chúng tôi sẽ đưa cháu của Nam đi thăm quê hương mình. Cậu bé là người Việt, được các con của Nam nhận làm con nuôi. Trước khi trở về nước, Nam và ông Thân sẽ tặng tôi cho bảo tàng, để tôi được ở lại, kể cho mọi người nghe câu chuyện về một thời đạn lửa, có người lính lê dương đã tìm đến đội quân Việt Minh…
Những đứa trẻ sau phút xa lạ ban đầu đã kết thân với nhau, rủ nhau chơi dưới gốc bưởi đầu ngõ. Tiếng cười khúc khích theo hương bưởi lan xa…
Đ.T.H