Truyện lịch sử của PHÙNG VĂN KHAI
Chuyện kể về tướng quân Bồ Phá Giang bộ tướng của Phùng Hưng cùng các vị lão trượng và hai tráng sĩ trên đường thiên lý trở về vùng Hoan Châu, Diễn Châu.
Đoàn người nhằm phía Nam trực chỉ. Cứ ngày đi đêm nghỉ, tiện chỗ nào phong quang sạch sẽ liền dừng lại thổi nấu. Có khi thổi nấu một lần dùng cho suốt buổi. Lão trượng Đoàn Kiếm tuổi tuy cao, chòm râu trắng như cước phất phơ trong gió nhưng sức lực vẫn dẻo dai lắm. Trưởng lão sai mấy tráng sĩ xúc cơm dẻo còn nóng bỏng, thêm mấy thìa muối vừng đưa vào chiếc túi vải vẫn đeo bên hông luôn tay quật bôm bốp vào thân cây rừng. Thế là buổi tối mọi người không phải thổi nấu mà vẫn được dùng món cơm nắm muối vừng tuyệt ngon. Vừa bẻ từng miếng cơm thơm phưng phức, Đoàn lão trượng vừa bùi ngùi giảng giải:
- Mỗi khi cầm miếng cơm lên, lão phu lại nhớ tới Mai Thiếu Đế. Chính khi xưa, khi xông pha tên đạn cùng binh tướng, sĩ tốt, mỗi khi được dâng miếng cơm nắm lên, Thiếu Đế thường hỏi han binh sĩ đã được ăn chưa. Chính vua cha Mai Hắc Đế là người đã nghĩ ra món cơm nắm vừa dễ làm vừa có thể để được vài ba ngày dùng trong chiến trận. Mỗi khi nắm cơm trong túi vải còn là để rèn luyện gân cốt thêm dẻo vững. Mai này các tiểu điệt cùng phường săn sang Vạn Tượng bắt voi non chắc phải dùng đến món này. Nếu ở giữa rừng thiếu nước, các tiểu điệt nhớ đi xuôi dòng suối cạn ắt sẽ có những lùm tre, nứa rừng. Hãy chọn những cây bánh tẻ dùng dao chích ở các gióng ngang tầm tay ắt có nước sạch. Nhớ khi nước chảy hết hãy trét đất vào các lỗ đó. Chỉ sau vài tuần trăng là chúng liền da liền thịt như thường. Cũng thỉnh thoảng, lũ ong rừng chui vào đấy làm tổ càng tiện. Nên nhớ vào rừng tối kị giết ong. Muốn có mật, chỉ cần khéo lấy trong bọng là đủ.
Mấy tráng sĩ trẻ vừa bình thản bẻ từng miếng cơm vừa lắng nghe kinh nghiệm của người đi rừng lão luyện. Bồ Phá Giang ngừng nhai, cất giọng ồm ồm:
- Cảm ơn Đoàn huynh cho miếng ăn ngon, giản dị mà sâu sa, đặc biệt sử dụng trong lúc lâm trận khá thuận tiện. Tiểu đệ lấy làm lạ thấy Đoàn huynh tuổi cao mà vẫn gân cốt dẻo vững khiến các đệ còn thấy thua sút. Chẳng hay huynh có bí quyết gì chăng?
Đoàn Kiếm còn đang vuốt râu tủm tỉm thì lão trượng Đặng Hiệp đã cười phá lên cất lời:
- Ồ… ồ… Cái này chắc là Bồ tráng sĩ chưa biết đấy thôi. Đoàn huynh thời trẻ vốn được mệnh danh là thiên lý nhất tuần vùng châu Hoan đấy.
Bồ Phá Giang xá tay cung kính:
- Một tuần trăng đi vạn dặm đường, quả là cổ kim khó sánh. Tiểu đệ thật có mắt như mù, đứng trước núi Thái Sơn mà không biết.
- Bồ tráng sĩ quá khen – Đoàn Kiếm nói nhỏ nhẹ nhưng tiếng ngân như tiếng chuông đủ thấy sức lực của lão trượng thiên lý nhất tuần vẫn còn vững vàng lắm – Tráng sĩ quá khen đấy thôi chứ sức vóc của huynh dạo này cũng sút đi nhiều phần rồi. Năm nay cũng đã ngoài sáu mươi. Việc lớn chắc là phải trông chờ nơi tráng sĩ cùng các tiểu điệt đây. Qua thời gian ở cùng tráng sĩ, lão phu thấy tráng sĩ không những sức vóc hơn người, côn quyền dư sức mà trí lự cũng ít người sánh được, đặc biệt là tấm lòng ưu dân, ưu nước của tráng sĩ lão phu đây cảm phục lắm. Rồi mai kia đánh đuổi cường địch phương Bắc, tráng sĩ sớm giúp trại chủ Phùng Hưng lập công với nước mới thỏa chí của lão phu này.
Bồ Phá Giang cung kính nghiêm trang đáp:
- Đại huynh làm tiểu đệ xấu hổ rồi. Về côn quyền thôi thì cũng có chút sở học chứ cơ mưu đệ đây vụng lắm. May được ở với Phùng trại chủ mới mở mang được chút ít. Từ nay xin gắng học rèn, có gì mong các đại huynh chỉ giáo.
Các lão trượng đã dùng xong bữa, mấy tráng sĩ thu dọn đồ đoàn. Đoàn người lại nhằm hướng Nam cất bước. Trời dần ngả sang chiều. Phía trước mờ mờ hiện ra những dãy núi chắn ngang, mây sà xuống không nhìn hết được. Lão trượng Đặng Hiệp chỉ tay về phía trước vừa nói:
- Đoàn huynh này. Phía trước đã là núi Cổ Họng rồi. Vượt qua dãy núi này là vào vùng đất Hoan Châu ta.
Đoàn Kiếm khẽ nhíu cặp lông mày trắng như cước nói:
- Ừ… ừ… Chiều muộn sập xuống bây giờ. Đang tiết cuối thu trời chóng tối lắm. Có lẽ ta hạ trại ở vạt rừng thấp phía trước. Ngày mai hãy qua đèo cho nhàn sức.
Một tráng đinh cất lời:
- Thưa Đoàn lão trượng. Hay ta cứ vượt đèo đi. Trời hãy còn sớm chán. Vả lại, lần trước thầy trò ta vượt đèo cũng vào buổi tối đấy thôi.
Đoàn Kiếm tỏ vẻ phân vân nói:
- Trước đang mùa chính hạ, lại có trăng, vượt đèo đêm là để đỡ tốn sức. Nay cũng có trăng nhưng đã cuối tuần không được tỏ. Ta vẫn nghe đồn núi Cổ Họng có hổ dữ thường sát hại dân chúng quanh vùng. Sợ có bề gì lại hỏng đến việc lớn của Phùng trại chủ.
Bồ Phá Giang sốt sắng chen lời:
- Đoàn huynh quá lo xa rồi. Chúng ta đây đều con nhà võ cả, lại phải sợ lũ cọp rừng ấy hay sao. Mai này vào chốn rừng xanh bắt voi thể nào chả phải đánh nhau với mấy ông kễnh. Ta cứ vượt đèo đêm nay xem các ngài có dám quấy rầy không. Đoàn hiền đệ, Đặng hiền đệ hãy cùng huynh chuẩn bị tinh thần. Ba anh em ta mà không bảo vệ được hai lão trượng qua đèo thì còn mặt mũi nào mưu việc lớn nữa.
Đoàn Phương và Đặng Siêu, hai tráng sĩ trẻ từ đầu rất ít nói lúc này chừng phấn chấn cất tiếng dạ ran đoạn cùng xốc lại hành lý, nắm chắc cây gậy gốc tre sù sì. Một người cất tiếng nói:
Bồ huynh nói hay lắm. Hai đệ đang muốn xem Bồ huynh trổ tài đây. Hôm làm trọng tài sới vật ở Đường Lâm, nếu không vì giữ phép, tiểu đệ đã muốn đọ tài cao thấp với các tráng đinh ở đấy rồi. Lại được mục kích huynh chỉ một miếng vật đã nhấc bổng đô giải nhất lên trời khiến đệ vô cùng cảm phục. Nếu đêm nay có ông mãnh nào quấy quả, chẳng cần huynh phải ra tay, hãy để cho hai đệ trổ chút tài mọn là đủ.
Đoàn Kiếm và Đặng Hiệp thấy đám trai trẻ hăng hái như vậy tựa như được trở lại thời thanh niên săn voi bắt cọp ngày nào nên không can ngăn mà khoát tay cho mọi người nhằm dãy núi phía trước rảo bước.
Đoàn Phương, Đặng Siêu song song đi trước, hai vị lão trượng đi giữa, phía cuối là họ Bồ với tấm lưng lừng lững như lưng gấu khoác một túi hành lý cực lớn thuỳnh thuỵch phía sau thẳng bước vào con đường núi đang dần thắt lại. Trời sập tối rất nhanh. Sương mù núi đá lảng vảng rồi ùa ra như vây lấy toán người. Đường càng ngày càng hẹp và nhiều dốc đứng. Có những lúc, Đoàn Phương phải nhún mình bật lên gờ đá. Hai lão trượng tuy tuổi cao nhưng thân pháp rất nhanh nhẹn không hề thua sút đám trai trẻ. Hai bên vách đá âm u rờn rợn. Những lùm cây dại, dây leo gai góc tràn ra cả lòng con đường hẹp. Có lúc Đặng Siêu phải rút dao phạt những cành rùm ròa ném sang một bên. Đoàn người đi chừng hơn một canh giờ thì đến đỉnh đèo. Dừng chân ở giữa phiến đá lớn do người xưa tạo ra để nghỉ, chọn những tảng đá châu tuần xung quanh phiến đá lục tục ngồi xuống, Bồ Phá Giang cùng hai thanh niên đặt hành lý lên phiến đá. Chưa kịp định rõ phương hướng bỗng thấy lão trượng Đoàn Kiếm hít hít không khí, vẻ mặt đanh lại căng thẳng nói nhanh với mọi người:
Cọp vừa ngồi ở phiến đá này. Không phải một mà là hai con. Mọi người hãy hết sức cẩn thận.
Lời Đoàn lão trượng còn chưa dứt đã thấy ù ù gió thổi, ngay sau phiến đá lớn có lùm cây che chắn phía trước ào ào quăng ra một bóng vằn vện khổng lồ chụp thẳng vào Bồ Phá Giang.
Mọi người rúng động tâm can còn chưa kịp phản ứng đã thấy soạt một tiếng, Bồ Phá Giang phản ứng thần tốc, quăng người vào chính giữa phiến đá nhưng cũng đã bị ông mãnh xé toang tấm áo choàng rộng lớn do đích thân Phùng trại chủ khoác cho buổi lên đường.
Sau cú vồ hụt, một tiếng gầm hung tợn chấn động núi rừng vang lên. Bịch! Cái quật đuôi nhanh như chớp lóe.
Tiếng lão trượng Đặng Hiệp thét vang:
Cẩn thận!
Cái bóng vằn vện ào ào vút lên cùng lúc với câu thét. Dường như không ai kịp phản ứng. Vừa quăng người vào đống hành lý giữa phiến đá còn chưa kịp định thần đã bị ông mãnh xông vào hòng ăn tươi nuốt sống con mồi, Bồ Phá Giang thét lên một tiếng cực lớn đồng thời búng mình như con tôm giỡn nước sang phía bên phải, trong tay tráng sĩ đã lăm lăm cây gậy gốc tre mà lúc nhảy thoát cú đầu tiên còn chưa kịp rút ra. Trong ánh trăng suông mờ mờ, tấm lưng gấu to bè của Bồ Phá Giang đã loang những dòng máu đỏ.
Lại vồ hụt cú thứ hai, mãnh hổ như phát điên dựng đứng người lên, giơ hai chân trước hất bung đám hành lý giữa phiến đá. Lúc này, năm người đang thế thủ xung quanh phiến đá không khỏi kinh tâm động phách. Phía trước họ, cách có chừng năm sáu mét là một ông hổ cực lớn. Lúc ngài dựng đứng thân hình gầm rống, hai chân trước vươn cao tát tát trong không trung thật hung tợn. Miệng ngài to như cái thúng đại phả ra mùi chết chóc nồng nặc. Hai chiếc nanh cọp chìa ra, quặp xuống to như hai chiếc răng bừa trắng rợn lên. Cả thân hình ngài là một khối thẳng đứng cao đến tám chín thước. Cũng chưa ai kịp định thần sau tiếng thét như sấm của họ Bồ đã thấy vù một tiếng, Bồ tráng sĩ lao thẳng vào mãnh thú. Một tiếng rắc ghê rợn vang lên, chiếc gậy gộc tre giập nát, gãy vụn, có mảnh bắn văng ra xung quanh. Mãnh hổ gầm ghè chao đảo rồi mất thăng bằng đổ sập xuống rìa phiến đá lớn. Bồ Phá Giang sau cú đánh thần tốc bất ngờ giáng thẳng gậy vào đầu mãnh thú, băng ngay theo nhảy đè sấn lên lưng cọp cứ thế một tay túm chặt tai ông kễnh ghì sát vào phiến đá, một tay thoi như bão táp vào mắt hổ. Mới đầu còn có tiếng gầm rống động cựa cào đất đá rào rào, chỉ một lát, ông kễnh mềm nhũn, hai chân sau giãy giãy yếu ớt rồi duỗi dài bất động. Tất cả chỉ xảy ra trong khoảnh khắc. Mọi người không khỏi kinh động trước sự vũ dũng của họ Bồ.
Đoàn Phương và Đặng Siêu toan xông vào trợ chiến bỗng thấy một tiếng gầm cực lớn ngay bên phải. Soạt một cái, bóng trắng loang loáng xông thẳng về phía Bồ Phá Giang. Ngay lập tức, Đoàn Phương lia một gậy trời giáng, bóng trắng trúng đòn mất phương hướng dạt sang một bên quay ngoắt người, chiếc đuôi đập bịch xuống thềm đá. Bị trúng đòn phủ đầu choáng váng, mãnh thú bỏ mục tiêu ban đầu, quay sang tấn công kẻ vừa ra đòn với mình. Khi này mọi người đã nhận diện được mãnh thú là một con hổ trắng, chỉ rất ít vằn nhỏ nơi cổ họng và khoeo chân. Hổ trắng chỉ nhỏ bằng phân nửa con trước, lại đã dính một gậy nên toán người lập tức thủ thế gườm gườm nhìn thẳng vào mắt mãnh thú.
Sau cái đập đuôi, không như lệ thông thường của loài hổ, mãnh thú chỉ lúc lắc thân sau chứ chưa vội tấn công. Linh cảm bị bao vây từ tứ phía đồng thời thấy tiếng rên rỉ không phát ra nữa, ý chừng hổ trắng muốn tháo chạy khỏi khu vực nguy hiểm mà đồng loại vừa bỏ xác.
Bỗng hai tiếng thét lớn đồng loạt vang lên, hai bóng người nhất tề lao thẳng vào cọp trắng. Hai tiếng rắc khô gọn phát ra cũng là lúc cọp trắng bị dính đòn hiểm gục ngay xuống thềm đá chỉ giãy giãy được mấy cái đã không thể gượng dậy được nữa. Soạt một tiếng hét, Đặng Siêu rút dao sau lưng và tiếng rống chỉ cất lên được một nhịp rồi tắt lịm. Lưỡi dao đã xuyên qua cổ họng mãnh thú cắm phập xuống thềm đá chuôi còn rung bần bật. Trời đất bỗng như ngưng lại. Mây ở đâu đột nhiên che khuất mặt trăng chỉ còn một chút ánh sáng mù mờ. Phải đến một lúc lâu, khi ánh trăng le lói trở lại, mọi người mới nhận thấy một cảnh tượng thật kinh hoàng bày ra trước mắt. Giữa đỉnh đèo Cổ Họng, nơi lô nhô đá phiến đá tảng, hai con cọp lớn nằm sóng soài máu me be bét. Đầu cọp trắng chảy ra dòng máu đỏ lòm, tanh lợm. Nó đã bị dính hai gậy vào giữa đỉnh đầu vỡ toác bật cả óc trắng hếu. Còn kinh hoàng hơn, ngay sát mép phiến đá chính giữa. Bồ Phá Giang như thiên tướng nhà giời lẫm liệt ngồi trên mình cọp vằn, con cọp lớn đến mức bình sinh lão luyện như Đoàn Kiếm, Đặng Hiệp chưa bao giờ nhìn thấy. Ông cọp dài vừa vặn bằng phiến đá. Ghê gớm thay sức mạnh của cọp vằn khổng lồ, bị trúng tử thương mà bốn chân của nó còn cào hõm xuống mặt đất đá thành bốn vũng lớn. Cũng ghê gớm thay sức mạnh Bồ tráng sĩ. Chỉ một đòn như trời giáng, chiếc gộc tre đập thẳng đầu mãnh thú gãy tan khiến nó choáng váng rồi thừa cơ cứ thế vật ông hổ ép vào vách đá mà thoi mấy trăm quyền đến chết. Bồ Phá Giang lưng áo rách toang, hai vệt vuốt hổ máu chảy thành dòng ngoằn ngoèo trên tấm lưng cánh phản, một tay vẫn túm chặt tai cọp và tay kia vẫn giơ cao như canh chừng cọp dữ có thể hồi sức mặc dù nó đã chết từ lâu. Đỉnh đèo như một bãi chiến trường sau khoảnh khắc ác đấu giữa ba tráng sĩ và hai cọp dữ giữa canh khuya bắt đầu lởn vởn bóng quạ kêu sương rởn óc.
Vài năm sau, khi Bồ Phá Giang đem được đội tượng binh từ Hoan Châu ra đã giúp được chủ tướng Phùng Hưng vây đánh Cao Chính Bình phải chết trong thành Đại La. Phùng Hưng được suy tôn làm vua. Vị mãnh tướng đánh hổ họ Bồ được phong làm tướng đã đi vào sử sách.
P.V.K
(Nguồn: TC VNNB 240-7/2020)