Truyện ngắn của NINH ĐỨC HẬU
Ngõ Tân Mĩ có chừng vài chục nóc nhà. Số nhà đánh theo thứ tự chứ không bên lẻ bên chẵn. Nhà tôi số 5, nhà ông Thật số 6. Tôi kém ông Thật số tuổi bằng một phần tư thế kỷ. Tuy chênh lệch tuổi tác nhưng tôi và ông đều thích thơ và cũng hay làm thơ, bởi vậy chúng tôi thân nhau.
Một lần tôi bảo ông: “Có người ở ngõ Mỹ Tân chế nhạo ông cháu mình!” Ông hỏi “Nhạo như thế nào?” Tôi giả giọng của một ai đó: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Chuyện trò thoải mái xin đừng đọc thơ”. Ông Thật cười ha hả, giả giọng cụ cố Hồng trong “Số đỏ”: “Biết rồi khổ lắm nói mãi!”. Liền đó ông bảo: “Họ nói gì mặc họ.” Rồi ông bảo: “Đêm qua tôi mơ thấy bà ấy nhà tôi, tỉnh dậy làm được mấy câu, đọc cậu nghe nhá”, rồi ông cất giọng: “Mai ngày ta sẽ thành mây /Mây trên đỉnh núi mây bay về trời/ Rồi mây làm trận mưa rơi/Mưa rơi xuống đất… thế rồi!...” Ông trầm ngâm: “Đời người mỏng lắm... cũng như mây...Thoắt cái...”
Hiểu theo ý của ông, nghĩa là thoắt cái ông đã ở bên kia con dốc cuộc đời. Mới hồi nào còn trẻ trung trai tráng vậy mà giờ đây, mắt đã mờ, chân đã chậm, đầu óc nhiều lúc nhớ nhớ quên quên, nghĩ gì, định gì, mãi lâu mới thực hiện được. Ông bảo tôi: “Tiếc lắm cậu à, bao dự định, nhiều ý muốn nhưng đã kịp làm đâu mà quỹ thời gian đã mỏng như mây rồi.” Lúc ấy tôi thấy đôi mắt nhăn nheo của ông cố mở to nhìn lên bầu trời. Bầu trời đặc quánh những vầng mây, mây tụ lại vón cục, rồi mây tản ra. Trên cao vời vợi mây như một họa sĩ phóng cọ vẽ muôn vạn bức tranh. Khi là một con ngựa chiến tung bờm phi nước đại, khi là một cặp chim bồ câu dập dìu bên nhau, khi một con cá voi quẫy mình trên đại dương mênh mông... Và kia... Cậu nhìn kìa... Một thiếu nữ mặc áo blouse trắng rất gọn gàng mà vẫn thướt tha, nàng đang bay...” Giọng ông bỗng nghẹn ngào: “Bà nhà tôi... Hoài của tôi ngày xưa...”
***
Năm anh Thật gần hai mươi tuổi, cũng là giai đoạn đất nước ngập chìm trong khói lửa chiến tranh. Như bao thanh niên ở thị xã anh Thật xung phong lên đường nhập ngũ. Đơn vị đóng quân, huấn luyện ở làng Sậy ba tháng, sau đó hành quân đi B vào chiến trường Tây Nguyên. Trong một trận chiến ác liệt gần thị xã Công Tum anh bị dính đạn địch, phải đưa về một trạm xá tiền phương. Lúc ấy anh ngất xỉu, đầu và mặt băng kín chỉ để hở hai con mắt, một tay và một chân cũng phải nẹp tạm bằng những thanh tre. Anh Thật cũng không biết mình bị thương lúc nào, và nằm trên giường trong trạm xá đã bao lâu. Khi tỉnh dậy, cổ họng hanh khô, anh thều thào: “Có ai không... cho tôi hớp nước...” “Dạ... em đây... Ôi may quá đồng chí đã tỉnh lại!” Một giọng con gái trong trẻo, nhẹ nhàng bên tai, Thật he hé mắt. Mắt mờ, anh chỉ thấy một khuôn mặt bầu bĩnh và vài ba sợi tóc vương trên mặt. Thật hỏi: “Đây... Đây là đâu?” Cô gái bảo: “ Đồng chí ơi, đây là trạm xá tiền phương Phú Khê.” Thật thắc mắc: “Sao tôi lại ở đây?” Thật định nhổm dậy, cô y tá liền đỡ lấy anh: “Đồng chí chưa ngồi dậy được đâu... Đồng chí bị thương khá nặng, mất nhiều máu, các bác sĩ phẫu thuật mấy tiếng đồng hồ!” Thật thở dài: “Chán nhỉ... Vậy thì chiến đấu làm sao được.” Cô y tá an ủi: “Dăm bữa nửa tháng vết thương lành đồng chí lại ra trận được thôi.” Thật hỏi: “Đồng chí ơi, nơi đây xa mặt trận hay sao mà tôi không nghe tiếng bom rơi đạn nổ.” Cô y tá thì thào: “Không xa mấy đâu. Là trạm xá đặt trong lòng một địa đạo bí mật nên khá an toàn và rất thuận lợi cho việc cứu chữa chăm sóc thương binh. À… Mà vừa tỉnh dậy, đồng chí nên nghỉ ngơi, không nói chuyện nhiều nhé.”
Nằm một chỗ dễ chừng gần một tháng, Thật đã ngồi lên được. Lúc Hoài (tên cô y tá) đến thay băng, Thật thủ thỉ: “Đồng chí Hoài này tôi sốt ruột quá.” Hoài cười: “Trai trẻ thế này phải nằm bẹp một chỗ trong lúc chiến trường đang nước sôi lửa bỏng không sốt ruột mới lạ. Đồng chí... À thôi, từ giờ cho phép em được gọi anh là anh, và anh cũng gọi em là em cho gần gũi nhé.” Thật gật đầu, anh tỉ tê: “Trong lúc các đồng đội của tôi đang chiến đấu một mất một còn với quân địch, thì tôi cứ nằm khểnh ở đây, ăn không ngồi rồi!” Hoài cười: “Thương binh chữa trị vết thương cũng là nhiệm vụ. Các bác sĩ nói, anh còn phải điều trị một thời gian dài nữa, bao giờ lành hẳn những vết thương mới tính.” Anh Thật nghiêm sắc mặt: “Tính gì thì tính, nếu tính đưa tôi về hậu phương là không xong với tôi.” Bỗng anh nhăn mặt nhăn mày kêu: “Ái… Ái… Ái giời ui…” Hoài hoảng hốt: “Anh Thật... Anh lại bị đau chỗ nào à?” Thật vẫn nhăn nhó: “Đau thì không… nhưng mỏi quá Hoài ạ. Hoài có thể giúp anh đứng lên một tý không.” Hoài lưỡng lự một chút, thận trọng kiểm tra lại những vết thương trên người anh, lúc sau cô bảo: “Có vẻ ổn... Nào anh vịn vào vai em, hai anh em mình thử nhé!” Thật cố gắng đứng lên bằng đôi chân run rẩy. Cái tay không bị bó bột bám chặt vào vai Hoài. Đây là lần đầu tiên trong đời Thật được đặt tay mình vào cơ thể một người con gái, dẫu đang ở hoàn cảnh đặc biệt, mặc dù đang còn khá đau vì những vết thương nhưng Thật vẫn có cảm giác da thịt người con gái thật mềm, thật quyến rũ, bỗng dưng anh thấy mình rạo rực hẳn lên. Bất chợt Thật loạng choạng rồi ngã, Hoài nhanh nhẹn giang tay đỡ, động tác của Hoài chẳng khác nào một vòng tay ôm lấy Thật. Sợ anh ngã, Hoài xiết chặt vòng tay, cái ôm không ngờ làm cơ thể hai người như dính chặt vào nhau, hai khuôn mặt chỉ còn một khoảng cách chút xíu. Động tác theo phản xạ bản năng làm hai người cùng lúng túng ngượng ngùng, mặt Hoài còn đỏ rực lên. Vẫn còn trong vòng tay ôm của Hoài, Thật xúc động: “Hoài ơi, anh cám ơn em rất nhiều, trong những ngày qua em tận tình chăm sóc anh.” Đỡ Thật ngồi lại giường, Hoài chân thành: “Đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của y tá chúng em.” Rồi để cho mọi sinh hoạt trở lại trạng thái tự nhiên, Hoài bảo: “Bây giờ đã đến giờ ăn rồi. Hôm nay anh nuôi mệt, tự tay em nấu cháo cho anh.” Hoài bưng bát cháo, tay cầm thìa, cô nhẹ nhàng xúc từng thìa đưa lên miệng Thật. Vừa đút cháo cho anh, Hoài vừa hỏi: “Anh thấy thế nào? Có ngon không, mặn hay nhạt ạ?” Thật bảo: “Rất vừa miệng em ạ. Ăn cháo em nấu, anh lại nhớ đến mẹ anh. Ngày còn trẻ con mỗi lần anh bị sổ mũi rức đầu là mẹ lại nấu cháo, đút cho anh từng thìa một.” Hoài nói: “Anh ăn ngon miệng là em vui rồi.” Chững lại giây lát, Hoài nói với Thật, nửa như ra lệnh nửa như dỗ dành: “Ăn xong anh phải uống hết số thuốc này nhá. Thuốc đắng đấy, anh cố uống nhá. Uống thuốc xong anh nghỉ ngơi, lúc nào cần đi vệ sinh anh gọi em, không được tự động đâu.” Thật cảm như trước mặt anh không phải là cô y tá có khuôn mặt bầu bĩnh, bụ bẫm như con búp bê. Con Búp bê có nước da dẫu ở chiến trường vẫn trắng như trứng gà bóc. Con búp bê có đôi mắt đen lay láy luôn mở to nhìn về phía trước, nhìn vào đôi mắt ấy Thật thấy cả một bầu trời xanh cao vời vợi. Con búp bê có cái miệng hơi rộng, đôi môi lúc nào cũng đỏ như đánh son, và mỗi khi một nụ cười nở ra từ cái miệng ấy, đôi môi ấy, Thật ví cái cười ấy làm nghiêng đình đổ quán chứ chả chơi. Trước mặt anh, những cử chỉ tận tụy tận tâm, ân cần, chu đáo là của chị gái, hay là của mẹ. Bỗng dưng Thật thấy trong lòng, trong tim mình dâng trào cảm xúc bâng lâng. Hình như có một ngọn lửa tình bắt đầu le lói. Khi bàn tay đã cử động được, Thật nhờ Hoài mượn cây bút và xin cho anh mấy tờ giấy. Thật tập làm thơ, những bài thơ của Thật đều là những bài thơ tình dành riêng cho Hoài. Thoạt đầu là những câu thơ, bài thơ nói bóng nói gió, gợi cảm xa xôi. Dần dần thơ Thật đã nói hộ con tim, anh bộc lộ tình cảm của mình với Hoài. Tình cờ, Hoài đọc được thơ của Thật, Hoài cũng có cảm giác xao xuyến. Từ chỗ chỉ làm tốt trách nhiệm của y tá với thương binh, Hoài đã có cảm tình, và chú ý đến Thật hơn. Ừ, Thật trông cũng đẹp trai, cao dàn đấy chứ. Anh ấy lại có tài thơ phú, ái chà thơ cũng ra phết lắm. Hoài nhập tâm và mỗi lần đọc thầm câu thơ: “Trong veo giọt nắng tinh khôi/ Nõn nà búp lá ửng tươi xuân thì/ Gió mềm nâng gót sen đi/ Cỏ cây hoa lá rầm rì hoan ca/ Hoài của anh dáng thướt tha/ Diễm kiều thanh tú ngọc ngà... dễ thương...” của Thật, Hoài lại thấy nóng ran cả người, chỉ sợ ai bắt gặp thì xấu hổ chết đi được.
Người ta bảo “trong cái rủi cũng có cái may”, rủi là bị thương không được cùng đồng đội tham gia các chiến dịch phải nằm bẹp ở trạm xá tít tận rừng sâu. Còn may? Những ngày ở đây anh gặp được Hoài một nữ y tá có tấm lòng đẹp và tinh thần hết lòng vì chiến sĩ. Những ngày Thật không tự phục vụ được cho sinh hoạt cá nhân, Hoài luôn có mặt bên anh. Hoài bón cho anh từng thìa cháo, bát cơm, dỗ ngon ngọt cho anh uống từng viên thuốc… anh linh cảm ở trong mỗi việc làm đó chứa chan tình thương dành cho anh. Một buổi tối, khi ấy Thật đã tạm thời bình phục, anh hẹn Hoài ra bờ suối ven rừng. Tâm sự về quê hương, gia đình rồi bất chợt, Thật mở rộng tay anh ôm chặt Hoài. Bị bất ngờ, nhưng Hoài cũng không từ chối vòng ôm ấy của Thật. Thật cảm nhận được trong lồng ngực con tim đang đập những nhịp đập rối bời. “Hoài ơi...” phải mất một lúc khá lâu anh mới bật lên tiếng lòng mình: “Em có một sức hút đến kỳ lạ… anh đang sống những ngày như trong chuyện cổ tích … Anh… Anh yêu em...”
***
Đã hơn một lần ông Thật kể cho tôi nghe về mối tình của ông với bà Hoài. Lần nào kể xong mắt ông cũng hoe hoe đỏ. Đận ấy, sau khi bình phục ông được chuyển ra Bắc. Đúng hôm có xe đi ngay, ông không kịp chào mọi người và nhất là ông không chia tay, và hẹn hò gì được với người yêu, điều đó làm ông day dứt một thời gian dài. Khi thống nhất đất nước ông thi vào đại học Văn hóa, ra trường ông về công tác ở phòng văn hóa thị xã. Ổn định công việc ông bắt đầu hành trình đi tìm bà Hoài. Hành trình ấy người viết truyện xin kể hầu bạn đọc vào một dịp khác. Chỉ biết, ông gặp lại được bà, hai người kết hôn, rồi ba người con một trai hai gái đã ra đời trong căn nhà lúc nào cũng tràn đầy tiếng hát, lời thơ. Năm bà Hoài ngoài sáu mươi, bà thấy mỏi mệt, ông Thật cùng các con đưa bà đi khám thì phát hiện bà bị ung thư gan. Căn bệnh quái ác đã đưa bà dời xa cõi tạm. Có lẽ sự ra đi của bà là nỗi đau không nỗi đau nào đau hơn đến với ông.
Năm tháng qua đi, nỗi đau cũng dần nguôi ngao. Mỗi lần nhớ đến bà, ông Thật lại làm thơ. Những câu thơ gợi lại cho ông những kỷ niệm của một thời thanh xuân dâng hiến cho đất nước. Những câu thơ đưa ông về Trạm xá tiền phương An Khê thủa nào, nơi đã cho ông tình yêu đầu đời đẹp như những giò phong lan rừng nở giữa mùa xuân. Và tất nhiên, trong những câu thơ, bài thơ của ông luôn lấp lánh bóng hình của bà. Những lần ấy ông thường ngước lên cao xanh, tìm đám mây có hình thiếu nữ mặc áo blouse trắng, đang bay, đang bay.
N.Đ.H
(TC VNNB Số 292-4/2024)