Truyện ngắn của NGUYỄN MINH NGỌC
Giờ đây tôi thường hay ngồi hồi tưởng lại về một chiều thu xa xưa, một chiều thu êm đềm dịu nhẹ như bao chiều thu đẹp trời khác. Hôm ấy là một ngày trung tuần tháng tám, khi các ngõ nhỏ vừa chìm trong bóng tối nhờ nhờ, thì đã thấy anh thấp thoáng bên ô cửa sổ phía sau nhà tôi.
Nhìn thấy tôi anh nói nhỏ: “Nhanh lên em, trăng sắp lên rồi”. Tôi thu dọn nốt phần việc còn lại, rồi xin phép mẹ và đi ra cổng gặp anh.
Lúc này trời đã tối sẫm, chúng tôi thong thả đi bên nhau trên con đường giữa làng. Hai bên đường chúng tôi đi, nỗi bên có một dãy ao, ao này nối ao kia bằng đoạn đường nhỏ dẫn vào cổng từng nhà. Nước dưới ao đen thành từng mảng, tưởng chừng như có thể cầm được những mảng đen ấy trên tay, chốc chốc tiếng ếch nhái trong các bờ khoai bãi muống vang lên, làm tăng thêm sự heo hút cho một miền quê hẻo lánh.
Ra đến cánh đồng ven làng, tôi nhận ra trong làn gió thu thoang thoảng mùi thơm của cỏ, của rơm, của hoa dại ven đường, và nồng nồng mùi bùn xông lên từ những vũng trâu đằm. Không trung phảng phất hương thu mát dịu. Chợt anh nắm tay tôi, chỉ về phía trước: “Kìa, em nhìn lên núi xem!” Theo tay anh, tôi ngước nhìn về phía quèn Nghè. Đây là một cái quèn, nằm giữa dãy núi vòng cung Nghè –Tháp, vòng cung này che chắn cho phía đông của làng tôi, và ôm trọn làng quê nhỏ bé, và một thời tuổi thơ của chúng tôi. Tôi bỗng ngỡ ngàng trước một cảnh tượng ly kỳ:
Lấp ló trên đỉnh quèn một vầng trăng vừa lọt lòng từ đất mẹ, tròn xinh như gương mặt trẻ thơ đỏ ửng giữa bao la, chiếu xuống một vùng cây lá trên đỉnh quèn, khiến chúng ánh lên đỏ rực. Tôi bật lên tiếng reo hân hoan: “Ôi, đẹp quá anh à!...” Trong ánh đỏ mờ mờ, chúng tôi đi theo con đường nhỏ lên quèn, lên đến đỉnh quèn, mắt tôi bỗng dưng như mở được to hơn. Mặt trăng đã chuyển sang màu vàng da cam rực rỡ, treo trên bầu trời bao la, lác đác những vì sao lấp lánh. Giây phút diệu kỳ này dường như trời đất thăng hoa, tôi liếc nhìn sang gương mặt anh cũng đang bừng sáng! Phải mất đến vài phút, chúng tôi lặng lẽ bên nhau, cùng thẫn thờ trước cảnh thế gian tràn ngập ánh trăng huyền ảo. Một vẻ đẹp dịu dàng thanh thản của đêm thâu!
Một lúc sau anh cất lời:
- Chà, trăng đẹp làm sao! Em có biết, thiên nhiên thường dành riêng những đêm như đêm nay cho ai không?
- Anh bảo dành cho ai?
- Cho tình yêu! Tình yêu của những người như chúng mình đấy.
- Vậy sao!..
Tôi mỉm cười nhìn lên mặt trăng, anh vòng tay sang ôm tôi, tôi đưa tay vén những sợi tóc mai gió làm vương xuống mặt, để anh đặt nụ hôn lên môi tôi. Rồi anh nâng mặt tôi về phía ánh trăng, âu yếm nói: “Kìa, trăng rơi vào đôi mắt em, thành ba ông trăng sáng, Liễu à!... Em có nhớ nhà thơ nào đã viết điều này không nhỉ?!”
Không trả lời anh, bởi lòng tôi đang mênh mang một niềm vui dịu nhẹ. Cuộc sống thật tuyệt vời đang mỉm cười với tôi. Chúng tôi ngồi xuống hòn đá cao, bằng phẳng, anh ngắt một cành hoa ngũ sắc đưa tôi. Mùa này hoa ngũ sắc nở rộ. Ngàn cây ngũ sắc vươn cao che lấp những tảng đá vôi màu xám, dệt thành một thảm hoa rực rỡ phủ trên các triền núi thoai thoải, hương hoa lan toả một mùi thơm ngọt ngào và quyến rũ.
- Ngày xưa bọn mình chăn trâu ở đây - Anh cất lời - Em thích ăn quả mật lợn chín từ bông hoa ngũ sắc này phải không?
- Vâng, quả mật lợn chín nom như những giọt mật ong, vừa ngọt lại vừa thơm, em thích mùi thơm của nó.
- Nghe em nói, anh lại muốn có quả chín ngay bây giờ để hái cho em ăn!
- Đến tháng mười nếu chưa có giấy gọi đi học, thì chúng mình sẽ được ăn quả mật lợn chín anh nhỉ.
- Anh e sẽ không còn dịp nào nữa đâu - Ngập ngừng một lát, rồi anh nói - Anh trúng tuyển bộ đội rồi, tháng sau có lệnh về, bọn anh sẽ lên đường em ạ.
- Nhanh vậy sao? - Tôi nói, tiếng nghẹn trong hơi hở - Anh đi khám sức khoẻ hôm nào, anh giấu cả bố mẹ ư?
- Ừ, anh sợ em buồn, làm nản lòng anh. Anh rất tiếc không được cùng em đi học nữa. Nhưng đất nước có chiến tranh cần đến sức trai trẻ của các anh, biết làm sao được em!
Một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, tôi chợt rùng mình... Hai nhà chúng tôi ở cùng một xóm và rất thân với nhau. Thuở còn thơ dại chúng tôi cùng nhau vui chơi đùa nghịch, đến những ngày cắp sách đến trường, chúng tôi học cùng lớp cùng trường. Hầu như ngày nào, chúng tôi cũng luôn bên nhau như hình với bóng, tôi thường được anh sẻ chia và che chở mỗi khi gặp chuyện không hay. Ngày tháng đi qua, như một định mệnh sắp đặt, quan hệ của chúng tôi dần dần thay đổi mà không một lời nói ra, cứ tự nhiên như hơi thở, tình bạn của chúng tôi trở thành tình yêu lúc nào không biết. Năm học lớp mười, năm học cuối cấp phổ thông, chúng tôi làm hồ sơ xin dự thi vào trường đại học Sư phạm và mọi việc thi cử đã xong, chỉ còn chờ ngày có giấy đến trường nữa thôi.
Làng tôi nghèo, chúng tôi là người đầu tiên được bước chân vào trường đại học. Hai bên bố mẹ rất vui và có phần tự hào về chúng tôi, hai nhà thân nhau như một, cùng vun đắp cho hạnh phúc của các con. Tuy hai bên bố mẹ chưa nói gì, nhưng tôi biết các cụ chỉ chờ ngày chúng tôi học xong, là sẽ lo chuyện trăm năm cho chúng tôi. Các bạn trong thôn có phần nể vị chúng tôi. Người lớn thì bảo, tôi xinh đẹp và học giỏi như vậy, sau này đời sẽ được sung sướng.
Tôi lớn lên chuẩn bị bước vào đời, được hưởng niềm vui giản dị và tràn đầy hạnh phúc như vậy. Trái tim non nớt của tôi chưa kịp nghĩ rằng, sẽ có một ngày phải chia ly!... Lẽ nào những điều tốt lành, và trọng đại của chúng tôi lại có một kết thúc buồn như vậy sao?... Nhỡ ra anh có mệnh hệ gì thì tôi biết sống sao đây?!... Lòng tôi thổn thức, mắt tôi ứa ra hai hàng lệ.
- Đừng khóc em! - Anh vừa nói vừa lau nước mắt cho tôi - Nhiều người đã lên đường vào chiến trường rồi, mình ngồi yên sao đành hở em?!
Chúng tôi im lặng. Trên cao vầng trăng vẫn đang gieo ánh bạc, vòng tay anh ôm gọn thân hình tôi. Bốn bề yên tĩnh, yên tĩnh đến nỗi tôi nghe rõ nhịp đập của trái tim, nhưng tôi không thể phân biệt rõ ràng, trái tim anh hay trái tim mình đang ngọt ngào rung động trong tôi!...
Tôi nhìn lên gương mặt đẹp thư sinh của anh, đôi mắt đen thông minh và cương nghị ngời sáng dưới ánh trăng, vương một chút buồn. Tôi biết anh yêu thương tôi, không muốn xa tôi, nhưng lại muốn gác tình riêng vì Tổ quốc lớn lao hơn, và thiêng liêng hơn! Tôi đưa tay lau nước mắt thì thầm:
- Em yêu anh, em sẽ chờ anh, hãy trở về với em!
- Ừ, anh sẽ về, nhất định anh sẽ về với em! - Anh nói to hơn, giọng đầy phấn chấn, khiến tôi yên lòng.
Lúc lâu sau, chúng tôi đứng dậy, dắt tay nhau xuống núi. Đêm khuya sương đã nhuộm nhạt màu ngọn cỏ. Anh vuốt tóc tôi:
- Sương rơi nhiều rồi, có làm ướt tóc em không? - Rồi anh giơ tay chỉ về phía làng tôi - Em thấy không, dưới trăng quê ta đẹp như một bức tranh. Anh sẽ nhớ và nhớ suốt đời buổi tối hôm nay em ạ!
Tôi nhìn về phía làng, ở rìa làng đống rấm nhà ai đang ngấm đỏ, khói đùn lên thành hàng thẳng tắp bàng bạc dưới ánh trăng, khói vươn cao bên trên ngọn tre, rồi tỏa ra tan vào không khí làm mờ ảo cả ánh trăng. Bỗng lòng tôi dấy lên một nỗi lo lắng mơ hồ, không gọi được thành tên…
Xuống tới lưng chừng quèn, chợt tôi không sao nhịn được cười, chỉ cho anh nhìn về phía con đường, vài giờ trước chúng tôi đã đi qua. Từ khóm tre đầu làng có bốn bóng người đang tiến về phía núi. Người thì cúi lom khom, người thì như bò sát đất, họ lật đật vừa đi, vừa chạy rồi rúc vào đống rơm ven đường.
- Anh nhìn thấy chưa, họ đi rình chúng mình đấy.
- Ừ, mình đến đó ngồi với họ đi. - Anh mỉm cười nói. Chúng tôi đi về phía họ.
Đây là bốn người bạn gái của tôi. Họ bằng tuổi tôi, nhưng cả bốn người đều học sau tôi một lớp. Bố tôi là giáo viên, ông cho tôi đi học sớm hơn một tuổi. Tuy vậy chúng tôi rất thân nhau, hầu như ngày nào chúng tôi cũng có mặt bên nhau. Vào những đêm hè, trăng sáng như đêm nay, chúng tôi thường tụ tập dưới gốc cây hóng mát trò chuyện tới khuya, nhiều khi còn ngủ tập chung với nhau đến sáng. Những niềm vui giản dị, vô tư bên nhau khiến chúng tôi quên cả thời gian luân chuyển, và cũng không mấy quan tâm đến cuộc sống đang biến động ở bên ngoài luỹ tre làng.
Đến gần họ, chúng tôi ngồi xuống vệ cỏ, tôi nhìn vào phần tối của đống rơm, bốn người đang ôm nhau cười khúc khích. Tôi cũng buồn cười quá, nhưng vẫn lấy giọng nghiêm nói với họ: “Tôi biết các chị làm gì rồi!...”. Tiếng cười lại rộ lên to hơn, mãi sau cô bạn Lan của tôi mới cất lời. Lan là cô gái tinh nghịch nhất trong bọn chúng tôi, cô vừa cười vừa nói rất trơn tru:
- Chúng tôi đương ngồi ở gốc me nhà bà Giảng... hờ…hờ… Thì cô Nhàn đến, cô ấy bảo… hờ …hờ… Nhìn thấy Anh Toàn và Liễu đi từ lúc trăng chưa lên. Tôi nói, thôi ngồi đây một lúc chờ họ về. Nhưng trăng lên đã lâu mà hai người vẫn chưa về…hờ…hờ… Tôi nói, không biết họ nói chuyện gì mà lâu thế nhỉ… Hay ta đi rình xem họ nói với nhau những gì đi. Mọi người đồng ý vậy là chúng tôi đi…hi… hi…
- Nhưng sao không đi tử tế - Tôi mỉm cười nói - mà lại đi lom kha, lom khom như vậy.
Tiếng cười lại rộ lên, trận cười lần này ròn tan và to hơn, chúng tôi cười chảy cả nước mắt, nước mũi. Hồi lâu trận cười lắng xuống. Cô bạn Lan của tôi lại nói:
- Anh chị bàn việc chuẩn bị đi đại học, phải không? Thích nhỉ. Bao giờ chúng em mới được như vậy. Hội chúng em sắp mất một người rồi anh Toàn ạ!
- Bọn anh không bàn việc đi đại học đâu. Tháng sau anh sẽ đi bộ đội, chúng mình sắp sửa chia tay nhau rồi các bạn ạ.
- Anh ấy giấu bố mẹ đi khám nghĩa sức khoẻ đấy - Tôi nói nhỏ.
Bỗng nhiên chúng tôi im lặng, một sự im lặng nhuốm buồn!... Vẫn ngồi bên nhau, nhưng mỗi người vờ quay về làm việc riêng của mình, người ngắt những ngọn cỏ dầy non rồi bấu cho nát vụn; người tìm những chiếc cỏ gà cho chúng chọi nhau. Thi thoảng lắm mới trao đổi với nhau vài câu vô nghĩa và bình thản. Có vẻ như mọi người đều muốn giấu đi nỗi lo lắng trong lòng mình… Chiến tranh. Chiến tranh đang ở đâu đây và rất gần. Chiến tranh đang lan tới cái làng quê hẻo lánh của chúng tôi, cắt đứt sự hồn nhiên vô tư của chúng tôi, và dường như nó đang đem tới cho chúng tôi những điều chẳng lành… Rất lâu sau, khi gà trong thôn vang lên tiếng gáy, chúng tôi mới đứng dậy ra về.
Đầu tháng chín anh lên đường nhập ngũ. Làng tôi có bốn người tình nguyện ra đi đợt này. Buổi sáng hôm ấy, hầu hết người dân trong thôn tập trung về trụ sở hợp tác xã tiễn chân các anh. Một cuộc họp diễn ra nhanh chóng, những lời dặn dò ân cần và thân thương của các bác cán bộ trong thôn, những đồng tiền nho nhỏ của bà con làng xóm dúi vào tay các anh, với lời chúc may mắn, hoàn thành nhiệm vụ bình an trở về!… Chiếc xe com-măng-ca của huyện đội về làng, bốn người thanh niên bước lên xe, nhiều người đưa tay lên lau nước mắt! Tôi và các bạn gái của tôi chạy đến bên xe, anh nhoài người ra ngoài thành xe, nhìn chúng tôi lần cuối! Ánh mắt anh sâu thẳm và trìu mến, anh nói to: “Anh sẽ viết thư cho em! Mình sẽ viết thư cho các bạn”. Tôi đứng lặng đi trong nỗi niềm xúc động sâu xa…!
Chiếc xe nổ máy, từ từ chạy trên “con đường của chúng tôi”. Đến chân núi Nghè, rồi khuất sau thế núi vòng cung, tiếng động cơ nhỏ dần và tắt hẳn. Chiếc xe khuất nẻo. Tôi và các bạn của tôi vẫn đứng ngây ra, bầu trời tháng chín trắng màu mây. Chúng tôi ôm nhau, mắt người nào cũng đẫm lệ.
* * *
Anh đã hy sinh trong một trận chiến đấu ở Mỹ Tho! Sau hơn một năm vào bộ đội. Năm đầu tôi học trong trường, chúng tôi tin đi nối lại cho nhau. Tôi được hạnh phúc trong niềm thương nỗi nhớ, những tưởng sự xa cách chỉ là tạm thời. Năm sau khi chuẩn bị vào chiến trường, anh gửi cho tôi tất cả những kỷ niệm về chúng tôi mà anh đã lưu giữ trong thời gian qua. Một linh tính mách bảo, mùa đông năm ấy tôi về quê thăm bố mẹ để nhận nỗi đau này!...
Từ đó, đã hơn ba mươi năm trôi qua, cuộc sống của tôi xuôi theo dòng chảy của cuộc đời. Hai chữ hạnh phúc mà ngày xưa dân làng ước đoán cho tôi, tôi đã cố công nhon nhặt nhưng chẳng đầy được trong lòng bàn tay! Một thời gian dài, tôi vẫn sống cô đơn với những kỷ niệm thắm thiết về anh. Và, đâu đó trong tôi vẫn không nguôi hy vọng, có một sự nhầm lẫn về chiếc giấy báo tử của anh.
Miền Nam giải phóng, tôi dạy học ở một trường của thị xã đã ba năm, hết hy vọng gặp lại anh, bố mẹ tôi buồn rầu nhắc nhở tôi chuyện xây dựng gia đình. Cuối cùng tôi cũng gặp một người lính xuất ngũ, anh ấy cũng học hết cấp ba cùng năm với chúng tôi, nhưng ở một trường khác. Tôi luôn nghĩ rằng, tất cả những người bộ đội đã trải qua chiến đấu gian khổ, họ đều có tấm lòng cao đẹp đáng được trân trọng. Cưới nhau được vài tháng, chồng tôi được gọi đi học đại học ở Hà Nội, một năm sau tôi sinh con gái đầu lòng.
Trong những năm chồng tôi đi học, kinh tế gia đình tôi khó khăn chồng chất khó khăn, chồng tôi đi học không có lương. Gia đình nhà chồng nghèo túng, mẹ chồng ốm liệt giường hai, ba năm trời, không nhờ cậy được gì. Vì vậy, ngoài việc dạy học tôi phải làm tất cả những gì có thể, như cấy lúa, chăn nuôi lợn, gà, và chắt chiu đến mức tối đa để nuôi con, lo cho chồng ăn học và một chút ít giúp bố chồng. Tuy nhiên, đấy lại là những năm tháng hạnh phúc nhất của cuộc đời tôi, kể từ khi mất anh.
Học xong đại học, chồng tôi ra nhận công tác ở tỉnh nhà, dù cũng còn nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng tôi sống thuận hòa êm ấm, cùng chăm lo cho đứa con gái và xây dựng gia đình. Thế nhưng, thời gian êm ấm của chúng tôi trôi đi nhanh, mùa thu năm sau, chồng tôi gặp được một người tình mới. Cô ta nhiều tuổi hơn tôi, thuộc vào loại quá lứa lỡ thì, nhưng không còn là gái tân. Mọi người cho rằng cô ta không xinh đẹp, nhưng tôi thấy cô có cái duyên của sự sắc sảo và từng trải sự đời. Theo dư luận xã hội, thì cô ta là một cô gái bao thuộc hàng cao cấp, đã có nhiều cuộc tình với những người có chức vị biến chất. Vì vậy cô ta giầu có hơn tôi, ngày ấy trong khi tôi cũng như số đông người chỉ lo được đủ bữa ăn, thì cô ta đã có tới bốn chỉ vàng.
Thời bao cấp mọi thứ khan hiếm, do quan hệ rộng cô có thể “móc ngoặc” với cửa hàng, lương thực, thực phẩm… mua được tất cả những thứ mà ta cô muốn, khiến cho không những chồng tôi mà cả mọi người trong nhà chồng tôi cũng đều ngưỡng mộ cô. Thế rồi, được anh em trong gia đình chồng tôi hậu thuẫn, cô ta dễ dàng gạt tôi ra, chiếm được cả chồng tôi và gia đình nhà chồng tôi.
Cũng phải nói thêm, bà chị chồng tôi là người là người có công lớn trong việc se nối nhân duyên mới cho chồng tôi. Xưa nay bà ta vốn có một mối thâm thù lớn với thượng đế bởi sự không công bằng của người. Vóc dáng bà chị chồng tôi chỉ nhỉnh hơn đứa trẻ 12 tuổi một ít, khuôn mặt ngắn ngủi, mũi gãy, môi thâm, môi trên dày hơn môi dưới, cái mồm nom như chiếc thuyền lật ngược, mái tóc quăn tự nhiên rủ xuống cái trán thấp làm tăng thêm vẻ ràu ràu của khuôn mặt; chỉ có đôi mắt tròn to sáng nhảo, ánh mắt lừ lừ soi mói với một vẻ hiểu biết mọi điều trong cuộc sống. Ngay từ ngày về làm dâu, bà đã không ưa gì tôi, ánh mắt bà nhìn tôi như đang thầm nguyền rủa tôi: “Con chó này về nhà tao, mày lấy hết mọi thứ của tao. Mày là cái thớ gì mà ai cũng khen mày vậy hả?...” Lấy trịch làm chị, bà ta không ngần ngại lăng mạ, hạ nhục tôi trước mặt mọi người. Nay gặp người tình của chồng tôi, về mọi mặt bà đều ưng ý. Vậy là một bài bản được bà sắp đặt rất hoàn hảo để có thể dễ dàng loại bỏ tôi.
Tôi cố tình níu giữ cái gia đình nhỏ bé của mình, đã có tới gần mười năm tôi sống cam chịu, cố làm tất cả những gì có thể, hy vọng sẽ hàn gắn lại dù chỉ là một chút hạnh phúc cho con. Tôi bị mắc một sai lầm rất lớn, là tin vào sách vở một cách ngây thơ. Tôi đọc ở đâu đó người ta nói rằng: Muốn chinh phục một trái tim, thì cần phô cả trái tim của mình ra. Và tôi đã làm như vậy. Gần mười năm trời tôi phải sống trong khổ nhục, cố gắng hết sức mình thu phục lại trái tim người chồng. Tôi hy vọng hão huyền rằng, sẽ có một vị thần định mệnh nào đó xoay lại bánh xe đời, để gia đình tôi lại được êm ấm như xưa.
Nhưng sai lầm của tôi càng lớn hơn, tôi không hiểu được cái sức mạnh của đồng tiền. Và sức mạnh tiềm ẩn trong cái vẻ chua cay đột ngột và lẳng lơ, đĩ thõa của cô nhân tình của chồng tôi, có vẻ như hai người (chồng tôi và cô nhân tình) rất hợp nhau ở điểm này. Và tôi cũng đã nhầm giữa tình yêu và lòng vị kỷ của một kẻ chỉ biết yêu mình, con người đó đã có một thời tôi gửi trọn niềm tin vào họ. Vì vậy, mà tôi đã làm một con “dã tràng xe cát biển Đông…”. Kết quả cuối cùng là, công của tôi biến thành tội. Tôi đành buông tay và chúng tôi chia ly.
Sau khi ly hôn, chồng tôi cưới ngay người đó. Họ ở với nhau được năm năm, thì một vụ tai nạn bất ngờ, cô ta qua đời. Hình như con người ta sống lâu với nhau thì tính tình cũng trở nên giống nhau, vợ chết anh ấy lại tiếp tục sống theo kiểu ân ái với nhiều loại người, những người có cách sống giông giống như hồi sinh thời của cô vợ hai. Rồi không may bị bạo bệnh, anh ấy qua đời mà không có thêm một đứa con nào.
Còn tôi ở vậy nuôi con. Cô đơn bên đứa con thơ dại, không nơi nương tựa, thuyền một mái, tôi phải chèo chống vô cùng khó khăn cực nhọc. Bị mất niềm tin, tôi đâm ra sợ lòng người, cảm thấy mình bơ vơ lạc lõng giữa cuộc đời. Nhưng rồi dần dà, tôi lấy được can đảm nhờ công việc mà tôi yêu thích, trong cái nghề trồng người của mình, và nhờ sự giúp đỡ động viên của bạn bè đồng nghiệp. Và cũng có lẽ nhờ phần nhiều ở sự điều chỉnh đầy khoan dung của tạo hoá, đối với người phải chịu nhiều bất hạnh ở đời.
Bây giờ, mỗi khi ngồi nhớ lại những gì tôi đã trải qua, buồn vui mất mát, tôi thường tự an ủi mình rằng, dẫu sao thì cuộc đời mình cũng còn có một đêm trăng thu ấy. Vâng. Đúng, đêm trăng thu ấy, là tất cả những gì đã có trong cuộc đời tôi, còn lại đều chỉ là phù phiếm mà thôi.
Hình ảnh người tôi yêu thương, trong những năm tháng đầu đời, luôn gìn giữ cho tôi đức tin vào những điều tốt đẹp của ngày mai. Giờ đây, công việc dạy học đã hoàn thành. Con gái tôi học giỏi và ngoan, nó đã lớn khôn và tìm được hạnh phúc cho mình. Tôi có thể yên tâm chờ đợi cái ngày ra đi gặp anh. Và, tôi luôn tin tưởng rằng, ở một nơi nào đó anh vẫn đang đợi tôi, và dành cho tôi những quả mật lợn chín thẫm, ngọt ngào như tình yêu tuổi trẻ của chúng tôi!
N.M.N
(Nguồn: TC VNNB 239-6/2020)