Thứ sáu, 04/10/2024

Đi là đến…mùa xuân

Thứ hai, 06/01/2020

 Truyện ngắn của TRẦN ANH THUẬN

1. Bao nhiêu gốc đào, cây lạ Tý tìm kiếm mua về đều ươm ở góc vườn. Ngày ngày Tý chăm sóc cây như người mẹ chăm con vậy. Những lúc ấy mặt Tý rạng rỡ, đôi mắt mở to, sáng lên. Anh cúi xuống ngắm gốc, tay vuốt nhẹ lên phiến lá. Anh như uống lấy mầm non xanh kia. Và cười thơ trẻ. Mẹ nhìn Tý mà nở ra từng khúc ruột. Mẹ đến bên hỏi:

- Tất cả những gốc, chồi, cây, hoa lá… đều gọi là sinh vật cảnh à con?

- Vâng, mẹ ạ. - Anh ngước lên nhìn mẹ và bê gốc cây lên - Mẹ nhìn xem gốc cây này, là gỗ lũa đấy. Những mưa nắng, thời gian đã bóc tước đi lớp vỏ thịt cây. Giờ chỉ còn thớ gỗ xoắn chắc lại con sẽ tác động thật khéo vào nó tý chút sẽ tạo ra thế rồng bay. Đây, mẹ à, mắt rồng, râu rồng, thân rồng đây, đuôi rồng vắt thế nào tạo dáng rồng bay lên vừa mềm mại, thanh thoát, nhưng lại cứng cáp. Một dáng vẻ đế vương. Mẹ ơi, còn đây, khóm lan ý con cho sống trong nước, chùm rễ trắng này con đã… Mẹ có nhận thấy nó có dáng hình gì không ạ? Đôi mắt Tý mở to, mời gọi. Mẹ cúi xuống, tay mẹ áp vào tay Tý. Mái tóc chớm bạc sát mái đầu xanh của con. Môi mẹ đã chụm lại, chỉ giây lát nữa thôi âm thanh sẽ bật ra. Từ lòng người mẹ, hơi đã cuồn cuộn đẩy lên ngực. Ánh mắt mẹ quyện chặt ánh mắt con. “Trái tim!” Người mẹ hơi loạng choạng, Tý ôm lấy mẹ bằng tay trái, tay kia áp bình thủy tinh có cụm cây lan ý vào ngực mẹ.

- Mẹ sao vậy?

- Không. Mẹ không sao. Mẹ sung sướng quá! Con đã hiểu lòng mẹ

- Con sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mẹ. Con tặng mẹ trái tim này!

Mẹ cầm lấy bình thủy tinh áp vào ngực mình, sung sướng tự hào. Mẹ hiểu thêm về con mình…

2. Có tiếng gõ cửa. Tý đang làm vườn, vội ngẩng lên, mời ông Huy vào thăm vườn. Ông Huy niềm nở:

- Bác mua nhà ở đây đã mấy năm. Nay mới đến thăm mẹ con cháu. Cháu làm sinh vật cảnh à? Nghề này, bác thích lắm. Nhưng chưa bao giờ bắt tay vào việc gì cụ thể cả. - Dạo quanh vườn một vòng, ông Huy gật gù - Cháu còn trẻ mà đã ham mê sinh vật cảnh là phúc đức lắm đấy. - Ông đến bên bộ bàn ghế, ngồi xuống - Bác nghỉ hưu mấy năm rồi. Lúc rỗi, tĩnh tâm viết bài cho một số báo, tạp chí. Lúc in được, lúc không. Có chút nhuận bút bác mua hoa và chậu trồng chơi. Lâu dần dần “nghiện” hoa lá cành. Cháu giúp Bác những bài học vỡ lòng về sinh vật cảnh nhé!

Dưới giàn hoa lý, một già một trẻ bên nhau nói chuyện vẻ tâm đầu ý hợp. Ông Huy mang kiến thức đã học được trong sách vở, nghe đài cùng trải nghiệm cuộc đời để giảng giải, gỡ những mắc mớ trong lòng Tý. Ông bào “bịt miệng chum vại chứ ai bịt được miệng thiên hạ”. Cháu cứ thật lòng với mọi người, tất người cũng thật lòng với cháu. Cho dù có bị thua thiệt một chút cũng chẳng sao. Bác nắm chặt tay Tý đồng cảm, sẻ chia. Và khi Tý tin tưởng bác Huy rồi thì anh kể cho bác nghe sự thật chuyện đi tù của mình.

- Thấy bố cháu ốm yếu vì bệnh hen siễn, lại nghe ở Bắc Giang có thầy lang nổi tiếng chữa bệnh này, thế là cháu đi mua thuốc cho bố cháu. Khi xuống ga Hà Nội, thấy người đàn ông khèo tay khom bế con nhỏ, tay lễ mễ túi to đang loay hoay xuống bậc thang toa tàu. Cháu thấy không đành lòng liền bảo mang hộ cái túi to. Người ấy đưa luôn cho cháu. Đi được một đoạn, công an mặc thường phục ập đến bắt luôn. Bên trong là ít quần áo rách quấn chặt mấy gói bột trắng (hàng cấm) và con dao găm. Cháu đã khai đúng sự thật. Nhưng đảo mắt tìm người đàn ông lúc nãy nhưng không thấy đâu nữa. Cháu khóc lóc van xin, nhưng các anh không thả cháu ra. Cháu bị dẫn giải đi ngay. Giọng Tý nghẹn lại. Tý đón chén nước từ tay bác Huy. Lát sau anh mới tiếp: Mãi sau này cháu mới biết có giấy gửi về địa phương và trường cháu đang học. Thế là niềm tin, ước mơ của cháu bị chặt đứt hoàn toàn! Lòng tốt của cháu bị lợi dụng dẫn đến tù tội khiến cháu điên lên. Thành ra giúp người lại bị người hại lại. Cháu biết bố mẹ cháu vừa làm lụng để sinh sống vừa đi gõ cửa các nơi để kêu cầu cứu cháu ra khỏi nhà tù. Nhưng nhà nghèo thiên thần hộ mệnh không có cháu đành nằm “bóc lịch” với oan ức tày trời này. Tiếng Tý trùng xuống, giọng gằn lại, hàm răng nghiến vào nhau ken két. Cái chén đã hết nước xoay tròn trong đôi bàn tay thô đen đủi dính đầy nhựa cây. Mắt Tý vằn đỏ. Chuyện qua đã mấy năm mà tưởng như vừa xảy ra…

Ông Huy kêu lên:

- Oan nghiệt, oan nghiệt thật! Làm khổ một đời người ta. Vô lương tâm, vô trách nhiệm!. - Ông Huy rót nước vào chén, đưa Tý. Giọng ông đã dịu lại:

- Cháu ạ. Cuộc đời nhiều khi là thế. Trắng thành đen, vàng thau lẫn lộn.

- Buồn lắm, bác ạ, tâm sự với bác như thế là cháu cũng nhẹ lòng đi rồi!

Ông ngừng lại nhìn chùm hoa giấy hai màu trắng tím đung đưa, nói nhỏ như nói với chính mình: “Vấp ngã rồi đứng dậy mà đi mới là người có nghị lực phi thường”. Ông vỗ vỗ vào bàn tay Tý tâm tình:

- Cháu hãy bình tâm suy nghĩ về cuộc sống thì cháu có quyền hy vọng. Cháu sống không chỉ vì cháu và còn sống vì mẹ cháu nữa! Cháu ạ, “sống là cho”. Rồi cháu sẽ nghiệm ra điều này nay mai…

3. Những khi có việc Tý phải ra khỏi nhà, gặp người làng, anh chào nhưng họ không đáp lại. Gặp trẻ nhỏ Tý vồn vã thân mật, chúng vội vàng lảng tránh hết. Tý quay về nhà rất buồn. Mẹ gặng hỏi bao lần Tý đều lắc đầu không nói. Mấy ngày sau Tý mới tâm sự:

- Mẹ ơi, sao người làng con gặp, chào họ họ lại không trả lời? Con thân mật với bọn trẻ, chúng lại lảng tránh? Thậm chí con vào hàng mua cốc nước uống họ cũng muốn xua đuổi? Sao, sao vậy mẹ?

Mẹ buồn bã, biết có ngày con sẽ hỏi điều này, mắt mẹ ngân ngấn nước:

- Kệ thiên hạ, con ạ. Mẹ con mình cứ sống tốt, trung thực, giúp được gì cho bà con thì mình cứ giúp. Ông trời có mắt đấy con ạ.

Tý nắm chặt bàn tay đầy trai sạn đen của mẹ lòng trào lên niềm thương vô hạn.

4. Chiều nọ. Tý qua vạt đồi gần nhà để tìm nguồn nước. Anh bỗng nghe thấy tiếng kêu thất thanh. Anh xộc lên đồi thấy người phụ nữ đứng tuổi ngồi bệt nắm chặt mu bàn chân kêu khóc. Tý chạy đến kịp thấy lưng rắn đang trườn vào bụi cây.

- Bác Hà bị rắn cắn ạ? Để cháu giúp. Bác nắm chặt lấy quanh mắt cá chân.

Không chần trừ Tý nằm xoài ra ghé miệng vào vết rắn cắn mút nọc độc, rồi quay ra nhổ đi. Anh làm liên tục ba lần như thế. Rồi xé bạt áo mình ga - rô và cõng bác Hà xuống đồi, vào trạm xá. Bác Hà cứ nắm chặt tay Tý cảm ơn liên hồi. Tý cười hiền “Có gì đâu bác”. Khi Tý về ngang qua nhà ông Lâm, ông chạy ra:

- Đi đâu về thế Tý? Vào nhà uống nước đã.

- Cháu ở trạm xá về. -Đi ngang qua cây xanh Tý khựng lại nói: “Cây bị phá thế rồi. Bác không cắt tỉa đi?” - Ông Lâm bảo:

- Dạo này đang bận. Bác vừa pha ấm trà xong. Ngồi uống nước đã. Nghe bà con nói mấy hôm trước cháu cứu hai cháu nhỏ khỏi đuối nước. Bà con làng nước khen lắm! Không ngờ cháu bơi giỏi vậy. Khi nào rỗi dậy thằng cháu nội nhà bác tập bơi nhé!

- Vâng ạ.

- À, chỗ cây xanh, với một số cây khác bác mấy lần định đến nhờ cháu giúp cho đôi công, nhưng… ngại, đành để vậy. Nay cháu nói thế bác cũng “Tát nước theo mưa”. Mai kia, cháu đến giúp bác đôi công, được không cháu?

- Dạ, được, được ạ.

Tý ra về, rẽ lên con đê làng lòng lâng lâng sung sướng, miệng muốn hát ca. Nhưng nào Tý có thuộc câu hát nào đâu. Tý nói thành lời: “Đọc thơ Tế Hanh vậy”. Và anh ngân nga: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước sông trong soi tóc những hàng tre/ Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Tỏa nắng xuống dòng sông lấp lánh (Nhớ con sông quê hương). Xin cảm ơn nhà thơ.” Ừ, nhưng nếu không có bác Huy thì… nếu không có bác Huy phân tích, giảng giải cặn kẽ thì Tý đào hố tự chôn sống mình rồi. Đấy là bức tường vô hình giữa người ở tù ra với những định kiến người dân thôn quê sống trong làng trong xóm. Giờ, thuật ngữ “Tý tù” không còn nữa. Nó đã tan theo gió bay cao, bay xa vĩnh viễn. Tý lại là ân nhân của cả làng Vân.

Ấy là chuyện thế này…

Cả làng Vân rộ lên phong trào ươm trồng cây hoa đào. Mọi người sục sạo các nơi mua đào về trồng. Trong vườn, ngoài ngõ, các xó xỉnh đều trồng đào.  Cây to, cây nhỏ đủ cả. Nhưng không có hiểu biết và kỹ thuật chăm sóc đào, nên đào chết hàng loạt. Tý lắc đầu, thở dài. Anh tiếp cận với mấy gia đình gần nhà. Anh xem xét từng cây đào, rồi phân tích, giảng giải và đề ra biện pháp chữa bệnh cho cây. Thế là những cây đang bị nấm mốc, vàng úa lá được phun thuốc, chăm bón. Cây hồi phục lá phủ xanh cành tràn đầy sức sống. Thế là nhà nhà, mọi người đến nhờ “Kỹ sư nông nghiệp” Tý chữa bệnh cho cây… Làng Vân trở thành làng trồng đào, đi đầu của huyện. Tý vui lắm. Giờ, Tý đi ra đường ai cũng niềm nở chào đón anh. Người ta bảo: Cho niềm vui gặp một nụ cười. Đúng thật. Đang đi anh nghe tiếng gọi: “Anh Tý.”

Anh quay lại, vì cành đào che khuất, nhưng anh nhận ra tiếng Huyền.

- Gì thế Huyền ơi!

Cô cười. Ánh nắng cười theo: “Bố em bảo… cái cây anh uốn tỉa dạo nọ giờ nó cứ lụi đi. Có nguy cơ…”

Tý nghĩ: “Ngày nào bác cũng gặp mình, sao bác không nói nhỉ?”. Tý đăm đắm nhìn Huyền:

- Cây cũng như người vậy. Có niềm vui, nỗi buồn. Khi nó bị bệnh lá rũ xuống buồn, teo tóp cả thân cành. Khi nó vui cây lá tươi xanh gọi đón gió về… Cây còn biết thở hít khí trời nữa đấy. Ban mai em ra vườn ngắm xem, lá cành treo những hạt sương như hạt ngọc trên mình. Đẹp lắm! Ơ… -  Tý “ơ” một tiếng rồi không nói gì cả anh chăm chăm nhìn khuôn mặt Huyền và nhận ra, mắt Huyền như lá đào, đen nhánh. Má Huyền chợt ửng đỏ. Cố bối rối. Bước chân cô đi như chạy, bỏ lửng câu nói:

- Tý nữa anh…

Cô cười tự thưởng cho mình một câu chơi chữ khiến “anh ta” phải lao đao cho mà xem. Không hiểu sao dạo này gặp Huyền, trái tim Tý hay rung động nhịp tim khác thường. Giờ nghe Huyền nói anh cứ nao nao cả lên. Anh rảo bước gọi: “Huyền. Chờ anh với! Tý…”. Qua Tý thương lái đã về làng Vân mua đào. Người vào, người ra nhộn nhịp, y như ngày giáp tết vậy. Nhờ vay vốn của hộ nghèo vạt đồi này mấy năm nay Tý ươm trên trăm gốc đào, lái buôn đã mua hay đăng ký gần hết. Tý xăng xái giúp bà con trong làng, nhất là nhà “người ấy”. Mấy tháng gần đây ông Huy đổ bệnh công việc dồn hết đôi vai mảnh mai của Huyền. Nhưng nhờ tuổi trẻ, sức khỏe, tháo vát nên công việc vẫn băng băng. Tý chạy đến nhà Huyền, vườn chỉ còn mấy cây đào. Anh vào nhà, ông Huy ngồi dậy, ôm ngực ho.

- Bác cứ nằm nghỉ đi ạ, kệ cháu.

- May quá - Ông Huy cười - Nhờ có anh cả làng đều có việc làm. Tránh được nạn đề đóm, hút hít, buôn dưa lê trong làng ngoài phố. Nhưng sợ có tiền lại…

- Cháu cũng nghĩ thế… Núi cao cũng có nẻo trèo mà bác. Công việc đã hòm hòm rồi, hôm nào cháu đưa bác lên tỉnh khám bệnh nhé. Cứ để lai rai thế này, hại người lắm, bác ạ.

Huyền về. Cái nắng nhuộm má cô đỏ ửng, cái răng khểnh làm môi hơi cong lên tạo nên nét duyên thầm.

- Anh ra vườn xem rồi, còn mươi gốc đào nữa thôi. Cứ “găm” đấy gần tết anh đem ra thành phố bán. Anh đã nói với bác, cuối tuần sau đưa bác lên tỉnh khám. Em đừng lo gì cả!

Huyền cúi xuống mân mê hai bím tóc dài, hàng mi cong chớp chớp. Tý ghi nhận hình ảnh lãng mạn đó và anh ước muốn ngày nào dần đây thành hiện thực…

5. Trong làng Vân đã có nhà mang đào ra thành phố bán. Tý đi “trinh sát” và hẹn Huyền hai ngày nữa xuất hành. Chỗ bán hàng của Tý và Ly sát cạnh nhau rất thuận tiện cho hỗ trợ lúc về nhà hay đi đâu đó. Bán một tuần liền chỉ được hai cây đào. Trong khi đó cây bon sai xem ra có thể “cõng” cho đào được. Tý nhẩm tính sau tết phải đẩy mạnh mặt hàng này.  Chiều ngày thứ chín Huyền điện cho Tý về nhà, bởi hai cụ đều không khỏe. Tý trả lời tối sẽ về. Chiều muộn Tý thu dọn hàng và gửi Ly. Anh đi mua mấy thứ rồi phóng về nhà. Anh Tạt vào nhà Huyền trước, biếu ông Huy cân cam. Ông bảo bệnh già ấy mà, khỏe đấy rồi ốm đấy. Hàng họ có bán được không? cháu về thăm mẹ đi. Tý chào ông, anh quay ra sân. Anh nắm tay Huyền, nói bâng quơ “Nhớ!”. Hôm nay Huyền buông tóc. Gió thổi, tóc bay bay phả hương bồ kết. Tý cứ hít hà sâu vào lòng ngực vẻ khoan khoái. Tiễn Tý ra đường, đột ngột Huyền hôn nhanh vào má Tý rồi chạy ào vào sân, đóng cổng lại. Cô dựa lưng vào cổng thở dốc. Tý lên xe, bàn tay trái còn áp chặt vào má ủ nụ hôn đầu cháy bỏng cho nó lên men. Anh sợ gió thổi bay đi cái nóng hổi, rạo rực kia… Anh như bay vào không gian tĩnh lặng của làng quê. Một lúc sau Tý mới về đến nhà. Mẹ hỏi:

 - Con về lấy gì thế?

- Huyển bảo mẹ ốm.

- Mẹ có ốm đâu! Cha bố anh, anh bị con Huyền “lừa” rồi. - Người mẹ cười mà nước mắt vui ứa ra.

6. Sáng sớm hôm sau Tý nhận được tin nhắn “Anh ra ngay”. Tý chỉ kịp chào mẹ rồi phóng ra chỗ bán hàng. Đầu Ly băng bó trắng toát. Cây cảnh đổ ngả nghiêng. Ly vắn tắt: “Nửa đêm mấy thằng chích choác kéo ra đây. Em ngăn bọn nó, chúng đánh em, rồi lấy thuốc ra hít. Chúng “đói” nên hùng hổ, hung hãn lắm. Mấy người xung quanh cũng ra ngăn cản, sau bảo báo công an chúng mới bỏ đi.” Tý nhìn những mảnh giấy bạc nhầu nhĩ qua lửa kia tự dưng nổi gai ốc. Quá khứ oan nghiệt tái hiện lại trong anh thật phũ phàng. Giống kẻ điên rồ cầm gươm phạt ngang bụi hồng đang trổ hoa. Người anh thoát nóng lại sang lạnh. Ly nhìn Tý không hiểu gì cả… Lúc sau Tý mới trở lại trạng thái bình thường.

- Em ăn sáng chưa? Đầu còn đau nữa không? Anh đi mua phở ăn xong dọn hàng. Không sao cả!

7. - Mãi hôm nay làng mình mới biết Ly bị bọn nghiện đánh. Huyền láu táu kể. Bố Ly nhờ em mang mấy thứ tẩm bổ cho cậu ấy. Bố con em sợ hết hồn. Em dấu không cho bác gái biết.

- Em xử sự như thế là đúng. Mấy giờ em mới về?

- Cái Hằng, cái Nga hẹn 8 giờ tối đến đây đón em, rồi cùng về nhà.

- Vậy là yên tâm rồi.

Thành phố đã lên đèn. Ly nháy với Tý: “Em ra đây một lát cho anh chị tâm sự nhé!”

- Việc gì phải đi đâu, Ly?

Hai người thu vén, quét dọn sạch sẽ, gọn gàng. Nhìn tấm bạt vắt qua sào, bốn phía thông thống gió lạnh lòng Huyền se sắt lại. Hỏi Tý cô biết trưa ăn mì tôm, tối cơm hộp. Vậy thôi. Thắt bụng dành dụm tiền. Nếu cốc được vào đầu Tý, thì Huyền đã cốc rồi. Đằng này… Tý ngồi cạnh Huyền. Cô nhắc nhở:

- Anh nhớ ăn uống để đảm bảo sức khỏe nhé. - Tý xoay người lại, giơ tay chào kiểu quân sự:

- Xin tuân lệnh! - Anh nhẹ bóp tay cô: “Mình ra ngoài kia thở hít khí trời một lát”

  Tý chỉ ngôi nhà cao tầng, ánh đèn màu huyền ảo, lung linh, Tý tâm tình -  “Phía trước là ánh sáng. Đến được đó ta sẽ mở toang cánh cửa cuộc đời!”. Không hiểu từ lúc nào bàn tay hai người nắm chặt lấy nhau đầy tự tin, mạnh mẽ. Hai người xoay người lại, bốn mắt nhìn nhau âu yếm:

- Em ạ. Đi là đến! - Huyền ngả đầu vào vai anh

Mùa xuân kề cận bên. Đã nghe thấy hương xuân phả vào da thịt. Mới đầu thấy dịu nhẹ. Sau vời vợi cả đất trời. Mùa xuân đến thật rồi. Tý ôm lấy Huyền, vụng về đặt nụ hôn đầu đời lên môi cô…

T.A.T

(Nguồn VNNB 232/ 12-2019)

Bài viết khác