

Truyện ngắn của NINH ĐỨC HẬU
Giải B cuộc thi viết toàn quốc “Chuyện kể ở đại đội” kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) do Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam phát động.
Tôi là sĩ quan quân đội, đóng quân ở một vùng biên giới Việt – Lào. Đây là lần đầu tiên sau năm năm xa nhà tôi được nghỉ phép, lại đúng dịp xuân về tết đến. Từ đơn vị ra đường cái, để đón xe về bến xe khách huyện cũng hơn chục cây số, phương tiện duy nhất “cuốc bộ”. Hàng ngày chúng tôi đi tuần tra trên những con đường mòn xuyên rừng, vắt núi, dọc biên giới, đi bộ quen rồi, cho nên hơn chục cây số chỉ là “chuyện nhỏ”. Hơn nữa, được nghỉ phép dịp tết, khi mường tưởng cảnh gia đình sum vầy đêm ba mươi, trông nồi bánh chưng, chờ đón giao thừa cùng mẹ già và vợ con, tâm trạng tôi lại háo hức và phấn chấn đến kỳ lạ. Tuy nhiên, gắn bó với núi rừng cũng khá lâu, bây giờ tạm biệt, dẫu chỉ là một thời gian ngắn, song trong tôi vẫn có cảm xúc bồi hôi xao xuyến. Tôi không muốn rảo nhanh bước chân, mà nhẩn nha, vừa đi vừa ngắm núi rừng trong những ngày chuẩn bị giao mùa. Ban mai, trong làn sương sớm, các bản làng, người Mông, người Lào… thấp thoáng ẩn hiện sau những cánh rừng xanh ngắt, bảng lảng khói bếp bay. Đã loe hoe trên các lưng chừng núi sắc hồng hoa đào, và muốt mát trắng của hoa mận, hoa mơ. Tôi có cảm giác như, núi rừng vùng biên viễn đang được khoác lên chiếc áo mới, tươi tắn, rực rỡ, ngao ngát hương lá hương hoa.
Thật may, ra đến đường cái, tôi gặp ngay và được đi nhờ trên một chiếc xe tải của một nông trường gần đó xuống huyện lấy hàng chuẩn bị tết. Lại may nữa, tôi đến bến xe đúng lúc chuyến xe khách đường dài duy nhất trong ngày sắp đến giờ rời bến.
Xe khá đông, tuy nhiên phía cuối xe vẫn còn một vài ghế trống. Tôi len lỏi qua nhiều người, hàng hóa chất đầy, chọn một cái ghế, sát đường đi giữa của xe. Bên cạnh tôi, có một ông bác dễ chừng cũng phải ngoài bảy mươi, và một cô gái còn khá trẻ. Xe chạy được một lúc, tôi nghe hai người họ thì thào, trao đổi bằng những câu ngắn gọn. Nghe họ xưng danh, tôi đoán đây là hai bác cháu.
Ông bác ôm trước ngực một cái ba lô bộ đội cũ, cô cháu tay xách một cái túi nhỏ. Trông nét mắt họ có vẻ căng thẳng, hồi hộp, lo âu.
Đường rừng núi gồ ghề, cái xe cứ chồm lên chồm xuống. Tôi để ý mỗi lần xe vào cua, tránh một chướng ngại vật nào làm nghiêng ngả, hoặc mỗi lần phanh đột ngột, ông bác lại ghì chặt cái ba lô vào lòng, còn cô gái xòe cả hai bàn tay ra hứng phía dưới. Tôi băn khoăn, không biết bên trong cái ba lô có gì? Đã một thời tôi là lính trinh sát, cho nên bằng đôi mắt “nghiệp vụ”, tôi nhận định, hai “đối tượng” này dứt khoát có vấn đề. Một điều rất đáng khả nghi nữa, những lúc xe chao đảo thì họ cùng nhắm mắt, và lẩm nhẩm khấn vái, mặc dù ngồi sát bên nhưng tôi cũng không nghe nổi họ lẩm nhẩm khấn vái điều gì.
Tuần trước đi họp với các đồng chí bên Biên phòng tôi được biết, những ngày gần tết tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, ngày càng diễn biến phức tạp. Bọn buôn lậu dùng mọi thủ đoạn, mánh lới đưa hàng vào nội địa, nhất là hàng cấm. Là người lính, tôi nghĩ mình cũng phải có trách nhiệm đấu tranh chống bọn tội phạm.
Tôi đang nghĩ vậy, bỗng nhiên cái xe lao xuống dốc với tốc độ chóng mặt. Có ai đó hốt hoảng kêu to: “Hình như xe bị đứt phanh”. Mấy người xung quanh mặt mày tái mét. Tài xế và chú lơ xe mặt cắt không còn một giọt máu. Hành khách đã bắt đầu nhốn nháo. Người ngồi phía trước tôi là một chị nọ sụt sùi: “Ối mình ơi! Ối các con ơi!”…
Chiếc xe cứ tuồn tuột trôi với tốc độ “xuống dốc không phanh”, một bên vách núi chênh vênh, một bên vực sâu thăm thẳm. Hai bên cửa sổ, cây cối, đồi núi vun vút, vun vút lướt qua, không thể nhìn rõ hình hài… Tôi đoán chắc, trong đầu hết thảy hành khách đều đã nghĩ đến khoảnh khắc kinh khủng nhất của cuộc đời. Trong khi mọi người đều sợ hãi vì tính mạng đang ngàn cân treo sợi tóc, vậy mà hai bác cháu “đối tượng” vẫn bình tĩnh. Dường như chiếc xe đứt phanh, sự hoảng loạn của mọi người, tiếng la hét… không làm họ bận tâm. Ông bác tay vẫn ôm chặt ba lô, hai hàm răng ông nghiến chặt, đôi mắt ông mở to hơn, lúc nhìn phía trước, khi ngó xuống cái ba lô. Cô gái không hề run rẩy, cô xòe cả hai bàn tay hứng phía dưới cái ba lô. Lúc này cả hai bác cháu họ đều lẩm nhẩm khấn vái. Nhưng rồi, như có phép lạ, điều này tôi cũng không hề tin nổi, rằng tại sao lại như vậy… Ấy là khi hai bác cháu “đối tượng” vừa ngưng lời khấn vái, bất ngờ một đoạn đường thoát hiểm hiện ra trước mắt. Anh tài xế dường như cũng tỉnh táo hơn để điều khiển xe đi vào đường thoát nạn.
Xe dừng. Tài xế bảo hành khách nghỉ ngơi cho hoàn hồn đồng thời để nhà xe sửa phanh. Mọi người lục tục xuống xe, nhưng hai bác cháu “đối tượng” vẫn ngồi yên một chỗ. Ông bác còn ôm chặt cái ba lô hơn, cô gái ngồi bên cung chăm chú hơn khi nhìn cái ba lô ấy. Tôi có cảm giác họ sợ bị mất, hoặc thể lo lắng bị cướp. Mối nghi ngờ trong tôi càng tăng lên. Cũng có thể họ đang bị những “đối tượng” khác hoặc một “băng nhóm” nào đó theo dõi và chỉ đợi thời cơ chiếm đoạt cái ba lô.
Tôi cũng không xuống xe, và tôi biết mình phải làm gì, thế là tôi tiếp cận đối tượng bằng cách có vẻ quan tâm:
- Bác đặt cái ba lô lên gác hay lùa xuống gầm ghế, đỡ phải ôm, mỏi tay!
Ông bác nói nhỏ:
- Không mỏi đâu, tôi ôm thế này cũng được.
Thấy tôi quan tâm, cô gái có vẻ cảnh giác. Cô ta liếc mắt nhanh nhìn tôi một cái. Rồi cô ta đứng dậy lấy thân mình che ông bác và cái ba lô không cho tôi nhìn thấy nữa.
Đoạn đường này tôi nắm rất rõ, nên biết, chỉ vài chục cây số nữa là xe sẽ đi qua trạm kiểm soát liên ngành Phù Vân, trạm kiểm soát nổi tiếng nghiêm ngặt. Tôi định hình trong đầu kế hoạch, khi đến trạm sẽ nhanh chóng tìm cách thông báo cho các đồng chí ở đây. Xe sửa xong, cậu lơ gióng giả:
- Mời các bác lên xe… Yên tâm đi, xe ngon lành rồi ạ.
Trong “nháy mắt” xe đã đến trạm kiểm soát Phù Vân. Xe dừng, tôi làm như mình có nhu cầu đi vệ sinh, nhanh nhẹn nhảy xuống, chạy vào trong trạm. Gặp đồng chí Trưởng trạm, tôi báo cáo những nghi vấn của mình về hai bác cháu kia. Đồng chí Trưởng trạm bảo: “Đồng chí yên tâm.”
Tôi chạy lại xe. Cái áo khoác của cô gái đã được cởi ra phủ lên trên cái ba lô. Ông bác ôm cái ba lô chặt hơn, và họ đang lẩm nhẩm như đọc thần chú. Hẳn họ đang cầu nguyện cho chót lọt vụ kiểm tra ở trạm này. Đừng hí hửng nha, tôi thầm nghĩ, rồi mọi việc sẽ rõ ràng trắng đen thôi, kẻ vi phạm pháp luật ắt phải trả giá.
Ngay khi đó, trạm trưởng cùng vài đồng chí trong đội kiểm tra lên xe. Trạm trưởng nói dõng dạc:
- Xin phép bà con cho chúng tôi làm nhiệm vụ kiểm tra hành lý.
Đội kiểm tra đi dọc xe từ trên xuống dưới. Họ sờ nắn túi này, bao kia, chủ yếu là hàng nông thổ sản. Khi đến bên “đối tượng”, trưởng trạm bảo ông bác:
- Bác cho chúng tôi kiểm tra ba lô.
Ông bác nói lí nhí:
- Không có gì đâu mà kiểm tra. - Cô gái đứng vụt dậy, cô dõng dạc bảo với đồng chí trưởng trạm:
- Không có gì đâu các anh ạ.
Một đội viên đẩy nhẹ cô gái sang một bên, giọng anh nghiêm khắc:
- Đề nghị cô ngồi xuống cho chúng tôi làm nhiệm vụ.
Trạm trưởng nói to hơn:
- Bác có chúng tôi kiểm tra không? - Đồng thời như ra lệnh - Yêu cầu bác cởi ba lô ra.
Ông bác cũng cứng rắn:
- Nếu không có gì thì bác cứ bỏ ra, nêu bác không bỏ ba lô ra là chúng tôi dùng biện pháp cưỡng chế đấy.
Ông bác lưỡng lự, rồi rút trong túi ra một cái thẻ, thong thả bảo:
- Tôi là thương binh, còn các đồng chí cứ kiên quyết đòi kiểm tra, tôi đề nghị vào trong trạm, tôi sẵn sàng cho các đồng chí kiểm tra.
- Thôi được - Trạm trưởng bảo - Bác và cô theo chúng tôi.
Tôi cũng đi theo họ vào trong trạm. Tại đây ông bác bảo với trưởng trạm:
- Trước khi các đồng chí mở ba lô kiểm tra, cho phép bác cháu tôi thắp một nén nhang. - Thắp nhang cắm vào cái túi của ba lô, hai bác cháu chắp tay vái. Ông bác nói:
- Thủ trưởng Thành ơi, em là Nghĩa, quân của thủ trưởng đây. Xin thủ trưởng thứ lỗi cho em, vì lợi ích chung của xã hội nên các đồng chí ở trạm kiểm soát mới phải kiểm tra.
Nghe ông bác khấn vậy, cô gái thổn thức:
- Ông nội ơi…
Trong thâm tâm, mặc dù tôi vẫn lởn vởn nghĩ là “đối tượng” đang đóng kịch. Đã bảo, buôn lậu, buôn hàng cấm nhiều âm mưu thủ đoạn, tuy nhiên lại một ý nghĩ khác chợt đến. Biết đâu đây lại là một điều tâm linh đang hiện hữu. Mới lúc nãy thôi, lời khấn của ông bác và chiếc xe bỗng nhiên được thoát nạn, lại chẳng ứng nghiệm đó sao. Tự dưng tôi thấy hồi hộp, đôi mắt chăm chú vào tay các đồng chí đội kiểm tra đang thận trọng mở cái ba lô.
Khi mảnh vải đỏ bên trong lộ ra, và được tháo bỏ những sợi dây buộc thì tất cả mọi người trong trạm kiểm soát đều lặng đi, còn tôi, chân tay run rẩy. Ông bác nghẹn ngào :
- Cũng không còn nhiều đâu, chủ yếu là đất… đất ở nơi thủ trưởng tôi nằm xuống… nhưng là đất thiêng…
Đồng chí trạm trưởng chắp tay vái, giọng lý nhí:
- Thành thật xin lỗi bác và cô.
- Không… không sao đâu, nhiệm vụ của các đồng chí mà. - Hai bác cháu buộc lại vuông vải đỏ, sau đó ông nói với mọi người:
- Thủ trưởng Thành là ông nội của cháu Oanh đây. Đồng chí ấy hy sinh trong một trận chiến đấu ác liệt. Bà nội và bố của cháu Oanh cũng đã mất. Mẹ của cháu có nguyện vọng tìm và đưa được hài cốt của ông nội cháu về quây quần với người thân ở quê. Đồng đội cũ và các cơ quan chính sách ở nhiều địa phương đã công phu tìm kiếm bao nhiêu năm nay, và mới rồi mới có kết quả. Tôi và cháu Oanh được cử đi đón thủ trưởng trở về… Bao năm nay rồi thủ trưởng không được ăn tết ở quê nhà.
Trạm trưởng trạm kiểm soát Phù Vân định nói điều gì đó, nhưng anh đã không nói nổi thành lời có lẽ vì quá xúc động. Những người đứng xung quanh và cả tôi nữa, dường như mắt người nào cũng đã đỏ hoe. Một lúc lâu, trạm trưởng nghẹn ngào:
- Trước khi bác và cô đưa Thủ trưởng về quê, tôi đề nghị tất cả chúng ta dành một phút mặc niệm.- Đợi mọi người sửa sang lại quân phục, sau đó trạm trưởng hô: Nghiêm, phút mặc niệm bắt đầu.
Trong giây phút đó tôi nghe cô Oanh khóc nấc lên. Trạm trưởng ra lệnh cho mọi người trong trạm xếp hàng dọc, rồi lần lượt từng người chuyền tay nhau đưa cái ba lô trở lại xe. Trên xe lúc này, anh tài xế đã biết sự việc, anh sắp xếp lại chỗ ngồi, hai bác cháu và cả tôi nữa được ngồi lên phía trên, anh tài xế bảo: “Đường còn dài, vả lại còn rất xóc nữa, hãy để hài cốt đồng chí ấy an yên trên đường về quê mẹ!”
Tôi nhìn trộm bác Nghĩa và Oanh, thấy ngượng ngùng quá. Trước khi xe chuyển bánh, tôi bảo với bác Nghĩa:
- Để chuộc lại lỗi lầm về sự nghi ngờ vừa rồi, xin phép bác và cô Oanh cho tôi được ôm cái ba lô nốt hành trình còn lại.
Bác Nghĩa nhìn Oanh, Oanh nhìn tôi, và cô đỡ cái ba lô từ tay bác Nghĩa trao cho tôi. Chiếc xe bắt đầu bon bon về phía trước.
N.Đ.H
(Nguồn: TC VNNB số 299/12/2024)