Truyện ngắn của NGÔ XUÂN HÀNH
(Rút trong tập truyện “Đắm đuối vì con” - Giải B Giải thưởng VHNT Trương Hán Siêu tỉnh Ninh Bình lần thứ V)
Kết thúc đợt Hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, tôi đạt được loại Giỏi xuất sắc nhất. Niềm vui tràn ngập, tôi vội xuống gara lấy xe ngay, giờ này ở nhà chắc con gái đang chờ. Ra tới cổng ra về trường, mấy cô giáo còn chặn lại rối rít: “Chúc mừng chị Thuận nhé! Chùm thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương khó giảng, vậy mà chị hóa thân được vào chủ thể tác phẩm...”. Tôi cười, gật đầu cảm ơn rồi rồ máy hòa vào dòng người tan tầm. Hình như, ai cũng vội vã và vui vẻ, hàng cây hai bên đường như vừa thay lớp lá mới. Về tới nhà, không thấy con gái ra đón tôi như mọi ngày. Trên bàn làm việc đặt bó hoa hồng nhung, ghim mảnh giấy nhỏ: “Chúc mừng thành công của mẹ - Con gái yêu”. Tôi lấy lọ cắm hoa, có ý chờ con về. Bó hoa khéo chọn, những bông hồng nhung nở vừa đủ độ, tôi rất thích. Con gái chắc đoán trước thành công của mẹ, nên chuẩn bị sẵn bó hoa này. Tội nghiệp con bé sống thiếu bố nên dành hết tình cảm cho mẹ. Từ lâu nó luôn tra hỏi tôi: “Tại sao bố lại không về ở cùng với mẹ con mình?". Câu hỏi ấy của con, tôi chưa thể trả lời nó được...
Tâm trạng của tôi phần nào đồng cảm được với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nên giảng chùm thơ “Tự tình” của bà thành công. Hồ Xuân Hương đã nói lên nỗi buồn khổ của người đàn bà sống trong cảnh dang dở, lỡ làng một cách thành thật, bộc trực, bạo liệt, theo kiểu riêng, bằng ngôn ngữ riêng của bà, điều đó sách đã viết, nhiều người đã nói, tôi chỉ như người nhắc lại trong bài giảng. Ấy vậy mà cả phòng học lặng đi, một vài gương mặt học trò nhìn tôi rưng rưng ngấn lệ, đồng nghiệp ở tuổi tôi ngồi dự mím môi, cúi đầu, mấy cô giáo trẻ vừa chăm chú nghe vừa ghi ghi chép chép. Ngay sau giờ giảng, tôi đã được mọi người chúc mừng thành công. Chủ khảo bắt tay tôi vui mừng: “Cô đã làm được cái việc, đưa tâm ảnh của bà nữ sĩ lừng danh một thời đến với mọi người, khơi dậy sự cảm thông đồng điệu của mọi người”. Tôi cám ơn vị chủ khảo, thành thật: “Thưa chị, em thấy mình may mắn khi bốc thăm được giảng chùm thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương, chứ nếu bài khác thì...”.
Mải nghĩ, tôi giật mình khi nghe chuông đồng hồ báo một giờ chiều. Vẫn chưa thấy con gái về. Tôi bắt đầu lo lắng, vội vã điện cho cô giáo chủ nhiệm lớp của con và được trả lời: “Sáng nay, cháu Hòa không đến lớp...”. Tôi hốt hoảng chạy đến nhà một số đứa bạn cùng lớp của nó, chúng đều nói: “Không biết! Không thấy bạn ấy đến trường…”. Khắp người tôi nóng ran, linh cảm thấy có điều gì đó chẳng lành. Từ trước đến nay, chưa bao giờ con gái tôi ra khỏi nhà mà không xin phép hoặc chí ít cũng báo cho tôi biết. Lạ thật, nó có thể đi đâu mà đến giờ này vẫn chưa về. Tôi lại điện hỏi khắp lượt số anh em họ hàng thân thích, đoán nó có thể đến, nhưng tất cả đều trả lời: Không thấy. Đầu óc tôi choáng váng, đôi chân như muốn khụy xuống, căn phòng như mờ nhòa đi. Hình như tôi đã khóc, đã gọi, đã gào to nên một số người gần nhà chạy sang. Họ hỏi gì đó tôi cũng chỉ lắc đầu, chỉ nghe loáng thoáng: “Con gái lớn đi khỏi nhà... hôm nọ... con nhà bà.…tận biên giới…” Hai tai tôi ù ù không nghe rõ điều gì nữa. Một hồi lâu, thấy có người lay đầu, tôi tỉnh lại. Một người bảo: “Báo cho công an nhờ họ...”. Người khác: “Đừng vội, công an đến nhà mang tiếng lắm. Cứ đợi xem, biết đầu chiều tối nó về”…
Đến tối, vẫn không thấy con về. Tôi lo lắng đến cực độ, không biết phải làm gì, chỉ ôm mặt ngồi khóc. Một lúc, như chợt nhớ ra, tôi chạy vội vào phòng riêng của con, soi xét kĩ một lần nữa. Con lợn đất bị đập nát, mảnh vụn gạt dưới gầm giường. Tôi áng chừng, từ Tết đến giờ con nó tiết kiệm cũng được khoảng vài trăm ngàn đồng. Trong va li tư trang của nó, thiếu vài bộ quần áo. Vậy là, con tôi đã có chủ định đi khỏi nhà. Nhưng mà nó đi đâu, thì tôi không đoán nổi. Tôi lục tung cặp sách của nó. Một mảnh giấy rơi ra. Tôi cầm vội lên đọc: “…Con biết thế nào mẹ cũng tìm được mảnh giấy này, khi ấy con đã đi xa khỏi nhà. Con biết như vậy là có tội lớn với mẹ. Nhưng mẹ ơi! Con không thể làm khác được, bởi có việc rất gấp, rất quan trọng, con phải xa nhà vài hôm. Rồi con sẽ về, mẹ không phải đi tìm con đâu. Nhất định con phải về để còn nhận tội với mẹ và mong mẹ tha thứ chứ. Con rất yêu thương mẹ!”. Đọc xong mảnh giấy, tôi phần nào yên tâm. Qua mấy dòng chữ viết vội ấy, tôi càng hiểu con gái tôi hơn, chắc chắn có việc gì đó rất quan trọng đối với nó. Nhưng là việc gì, mà tại sao nó phải giấu tôi. Hàng ngày mẹ con tâm sự, nó có giấu giếm điều gì đâu, kể cả những chuyện thầm kín tế nhị của nữ giới. Vậy nó còn điều bí mật gì mà phải giấu tôi cơ chứ?... Bao nhiêu câu hỏi cứ rối lên trong đầu, càng tìm câu trả lời càng rối. Không! Nhất quyết con gái tôi không làm điều gì dại dột, nhưng tôi phải tìm cho ra điều bí mật này của con. Lục tận cùng hàng sách trên giá, tôi mới tìm được cuốn nhật kí của con. Tôi giở đọc lướt nhanh. Thật bất ngờ, hầu hết các trang nhật kí của nó dành viết về bố.
Ngày... Tháng... Năm..
Cho đến tận bây giờ, mình vẫn không hiểu tại sao bố mẹ mình lại bỏ nhau. Chưa bao giờ mình thấy hai người xô xát đánh chửi nhau, thậm chí chưa lần nào to tiếng với nhau. Cả hai đều yêu thương mình, chăm chút, dạy bảo mình và đều mong ước cho mình trở thành con ngoan trò giỏi cơ mà. Vậy thì vì lí do gì? Gặng hỏi mẹ, mẹ bảo: “Bố mẹ không còn hợp nhau nữa”. Hỏi bố, bố lắc đầu: “Lớn lên con sẽ hiểu”. Thế có tức không cơ chứ!
Ngày... Tháng... Năm...
Bố chuyển sang lái xe khách tuyến đường dài, chắc kiếm được tiền, nên tháng nào cũng gửi góp cho mẹ một món tiền kha khá. Thỉnh thoảng mỗi chuyến xe về, bố lại tìm cách đón mình đi chơi, bố vui lắm, cho ăn nhiều thức ngon. Mình về, bố còn cho tiền. Mình giấu mẹ, sợ mẹ ngăn cấm...
Ngày... Tháng... Năm...
Người ta bảo, lái xe thường nhiều vợ. Mình cũng nghi nghi, hay có lẽ vì thế mà bố bỏ mẹ. Một lần, mình đánh bạo hỏi bố về điều đó. Bố chỉ cười, rồi kéo mình ngồi vào lòng, trầm ngâm một lúc rồi nói: “Con ạ! Không như người ta nói đâu. Bố thương mẹ nên trả tự do cho mẹ con đấy thôi”. Mình nhảy ra khỏi lòng bố, nũng nịu: “Ứ! Không phải thế, bố giấu con”. Bố lại cười hiền: “Ừ! Thì tại bố, nhưng không phải bố có vợ khác đâu”. Mình tiếp luôn: “Vậy vì lí do gì, bố nói ngay đi!”. Bố lại bảo: “Lớn lên con sẽ hiểu”.
Ngày... Tháng... Năm..
Mình vẫn nghi ngờ bố có vợ khác. Nhất định phải tìm cách bí mật bám theo xe bố một chuyến để tìm cho ra sự thật. Nếu bố có vợ khác, mình sẽ không bao giờ đến chơi với bố nữa, thề sẽ từ mặt bố...
Thế là đã rõ, con gái tôi chắc hẳn thương mẹ lắm nên mới viết ra những dòng suy nghĩ đó. Tôi suy đoán, hôm nay nó giấu mẹ, bí mật bám theo xe bố để tìm sự thật. Nhưng, điều nó cần tìm, chúng tôi đã thỏa thuận với nhau không được để cho nó biết. Không ngờ, điều giấu kín ấy, nay dẫn đến cơ sự này. Có lẽ, đã đến lúc tôi phải nói hết sự thật với con, rồi nó phán xét thế nào, tùy nó...
Từ hồi còn học cấp III, tôi là đứa con gái khá xinh, học giỏi nên bọn con trai bị hút hồn, trong số đó có Toàn. Tốt nghiệp, mỗi đứa tản đi mỗi phương. Toàn rủ tôi thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi thi đậu, còn Toàn không may. Tôi vui mừng hớn hở bao nhiêu, thì Toàn lầm lì ủ rũ bấy nhiêu. Tuy vậy, Toàn vẫn luôn tìm cách gần gũi, thân thiết với tôi. Để động viên Toàn, tôi đã nhận lời cùng đi chơi, xem phim, xem kịch... Một lần, Toàn bảo tôi, năm sau nhất định sẽ thi đậu đại học, nhưng tôi phải hứa chờ đợi, không được yêu ai. Tôi ngúng nguấy rồi cũng gật đầu đồng ý. Toàn vui quá, bất ngờ ôm ghì lấy tôi, hôn tới tấp, vừa hôn vừa nói: “Nhớ nhé! Nhớ nhé!..”. Lúc ấy, khắp người tôi nóng ran, khó khăn lắm tôi mới gỡ đẩy được Toàn ra. Hình như, cả hai cùng thấy xấu hổ, ngượng ngùng chia tay nhau trong đêm trăng mờ ảo. Năm sau, Toàn lại thi không đậu đại học, đành phải học trường cơ khí của tỉnh. Học xong ra trường, không xin được việc, lại đi học lái xe. Có bằng lái, Toàn nhận xe lái thuê cho một công ty xe khách. Có lẽ, nghề lái xe khách phù hợp nên Toàn gắn bó với nó đến tận bây giờ.
Ở trường đại học, một hai năm đầu tôi học miệt mài mà vẫn không giỏi được, mới biết kiến thức học ở phổ thông chẳng thấm vào đâu. Tôi không còn thời gian rảnh rỗi để nghĩ đến chuyện linh tinh khác, kể cả chuyện quan hệ với Toàn, tình yêu học trò dễ quên. Trái lại, Toàn luôn gửi thư cho tôi, đọc xong tôi xếp xuống đáy va li, không viết trả lời. Dịp nghỉ hè, nghỉ tết về nhà Toàn trách, tôi lấy lí do bận học để chống chế rồi cười xí xóa. Buổi tối, Toàn rủ tôi ra ngoài đi chơi, tôi không đi, chỉ ngồi nói chuyện với nhau trong nhà, Toàn có vẻ không vui nhưng tôi mặc kệ. Tôi biết, Toàn yêu tôi thật lòng, còn tôi chỉ muốn dừng lại ở mức độ bạn thân. Cứ học xong đã, chuyện ấy tính sau.
Bước vào năm học thứ ba trở đi, lực học của tôi ngày càng đi xuống. Các môn Triết học, Sử Đảng... tôi luôn có nguy cơ nợ điểm. Rất may, tôi được một giáo viên trợ giảng của Khoa giúp đỡ, nên thoát nợ. Là giáo viên trợ giảng, nhẽ ra chúng tôi phải gọi bằng thày, nhưng thày bảo: “Mình chỉ học trước các cậu một khóa, cứ xưng hô anh em cho nó gần gũi thân mật”. Thày đẹp trai, hát hay, đàn giỏi, biết làm thơ, một số bài thơ đã được in trên báo Văn nghệ. Tóm lại, thày là mẫu người lí tưởng đối với hầu hết nữ sinh khoa Văn. Chúng tôi tự biến mình thành những vệ tinh quanh thày. Trong số vệ tinh ấy, tôi luôn bị đánh bật ra ngoài, quay ở quỹ đạo xa nhất. Ấy vậy, tôi lại được thày chú ý đến. Mấy lần tôi đến phòng thày để hỏi bài, thấy có nhiều bạn nữ vây quanh và người sát bên thày nhất là Mỹ Hạnh, tôi đành chờ ngoài cửa. Những lần ấy, tôi đều được thày chủ động gọi vào một cách tự nhiên thân mật, trước những con mắt ghen tị của nhiều đứa bạn. Có lần tôi ngồi hơi lâu bên thày, Mỹ Hạnh bực tức đứng phắt dậy, chẳng chào ai, vùn vụt bước ra khỏi phòng. Thấy tôi có vẻ lo lắng, thày bảo: “Vẫn tính đồng bóng ấy mà. Với em nào tôi cũng hết lòng, tự nhiên nhá, đồng ý không?”. Tôi nhìn thày vẻ biết ơn gật đầu làm duyên. Không ngờ cái gật đầu đáng yêu ấy của tôi, được thày lưu tâm hết mức, thày không chỉ giúp tôi nâng cao kiến thức, mà còn đưa cả tiền mỗi khi tôi bí, sau có trả lại thày dứt khoát không cầm. Thày bảo: “Chuyện tiền nong đừng bận tâm, hãy lo học cho tốt, cứ vô tư đi!”. Tôi nể trọng thày, nhưng chuyện tiền nong thì không thể “vô tư” được, đồng tiền đi liền khúc ruột. Tôi đem điều này tâm sự với mấy đứa bạn, chúng nó đều ngạc nhiên và lo lắng cho tôi: “Mày dính với ông ấy, không sợ Mỹ Hạnh di mày ra con gián à? Nó con ông “cốp” ở trên Bộ, quấn lấy ông ấy từ lâu rồi. Nghe đâu, nhờ bố nó tác động, ông ấy mới được giữ lại ở trường đấy. Còn tiền bạc ư, nếu ông ấy cần, nó tài trợ cho cả đống...”. Tôi phát hoảng. Suy nghĩ đắn đo mãi, tôi chủ động tìm và mạnh dạn hỏi thày về dư luận này. Thày thừa nhận nhẹ tênh: “Ừ đúng! Mỹ Hạnh có điều kiện hơn giúp tôi, tôi nhận. Tôi lại có điều kiện hơn giúp em thì em cứ nhận. Vô tư đi!..”. Nhưng tôi làm sao có thể vô tư như thế được. Chúng bạn lại khuyên tôi: “Tốt nhất mày phải sớm rời ông ấy ra. Còn tiền, tìm cách mà trả nợ dần cho ông ấy”. Nói thì dễ, nhưng cả hai việc đó, làm ngay một lúc, đối với tôi thật vô cùng khó khăn. Nợ tình và nợ tiền đều sâu nặng cả rồi.
Đúng vào ngày tôi nhận bằng tốt nghiệp, thì thày cũng nhận được quyết định đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Cả thày và tôi đều muốn chúc mừng cho nhau. Thày rủ tôi ăn cơm ở một nhà hàng thày chọn. Trong khi chờ bày đặt món ăn, thày cầm tay tôi nói vẻ trịnh trọng: “Thuận à, chúng ta yêu nhau đã lâu, tôi muốn tổ chức lễ cưới trước khi ra nước ngoài. Ý em thế nào?”. Tôi thực sự lúng túng. Một việc hệ trọng cả đời người đến với tôi đột ngột quá. Từ trước đến nay quan hệ của chúng tôi tuy đậm đà nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ thày sẽ cưới tôi làm vợ, bởi tôi biết thày có rất nhiều nữ sinh mến mộ và cũng được quan tâm như tôi. Vì thế, với thày tôi luôn giữ một khoảng cách nhất định, một giới hạn cần thiết, do tôi chủ động tạo ra. Không đốt cháy giai đoạn, không chấp nhận “sống thử” như tình trạng thế hệ sinh viên bây giờ. Thày càng tỏ ra ham muốn bao nhiêu, tôi càng biết cách giữ mình bấy nhiêu. Có lẽ vì thế tôi được thày tin yêu hơn chăng và nay chính thức đặt vấn đề tổ chức đám cưới. Thấy tôi im lặng hồi lâu, thày giục, tôi bặm môi nén hồi hộp nói: “Vâng!...”. Như chỉ chờ có thế, thày bỗng cười thành tiếng rồi đứng lên rót rượu... Suốt bữa ăn, thày lan man nói về việc chuẩn bị cho ngày cưới: Mua sắm, thời gian, địa điểm, hình thức tổ chức... Mọi việc như đã được thày sắp đặt chu đáo từ trước rồi. Tôi chỉ biết gật đầu mỗi khi thày hỏi, trong người rạo rực, lâng lâng cảm thấy như mình đang đi giữa ranh giới cõi thực và mơ.
Tan tiệc, tôi như người mất trọng lượng. Thày dìu tôi vào phòng trong. Rồi việc gì đến đã đến. Lần đầu tiên trong đời, tôi tình nguyện trao sự trinh tiết mà tôi đã giữ gìn suốt thời con gái... Tỉnh dậy, thày nằm nghiêng, một tay chống đầu, chằm chằm nhìn như muốn nuốt cả cơ thể tôi, vẻ chưa mãn nguyện. Thấy tôi hé mở mắt, thày ghé sát tai thì thầm: “Em đẹp lắm!... và còn trinh nguyên lắm..”. Hai cơ thể lại quấn chặt vào nhau dốc tận lực, không gian quay cuồng, thời gian tan biến, mọi vật không tồn tại, “chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại..” như một câu thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh.... Nhưng rồi, mọi cao hứng vụt tắt, bởi ngay sáng hôm sau, tôi dậy muộn không thấy thày đầu, trên bàn có một mảnh giấy, chữ viết vội: “...Hoa thơm, quả ngọt, tình quê. Dù xa muôn dặm, anh thề chẳng quên. Hẹn ngày gặp lại yêu em!”. Tôi buột miệng: “Sở khanh!”, rồi xé vụn mảnh giấy ném ra cửa, căn phòng bỗng tối sầm. Tôi biết mọi việc thế là hết. Tôi về trường, định đến thẳng Phòng Tổ chức Cán bộ để báo cáo việc này. Ông ấy không thể bỏ trốn tôi một cách dễ dàng như vậy được. Nhưng rồi, nghĩ đến một câu trong Kiều: “Mình làm mình chịu kêu mà ai thương!”, thì thấy mình thật vô duyên, đáng xấu hổ, lại thôi. Hỏi ra được biết, ông ấy và Mỹ Hạnh cùng được Bộ xét đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài đợt này. Sáng nay, họ đã lên máy bay rồi. Tôi cố lê bước về kí túc xá của trường nằm khóc, tự trách mình, khôn ba năm dại một giờ. Tôi bắt đầu lo lắng về hậu quả của cuộc truy hoan kia. Nếu xảy ra chuyện ấy, lo giải quyết sớm đi là hơn, rồi thời gian sẽ khỏa lấp tất cả. Nhưng ý đồ ấy chưa thực hiện được, thì ở quê gọi tôi về ngay để bàn chuyện cưới xin. Bên gia đình Toàn đã chính thức có “cơi trầu chạm ngõ”. Tôi biết, Toàn vẫn ôm trọn mối tình đầu với tôi và tin rằng tôi cũng giữ lời hứa sau cái gật đầu ở đêm trăng ngày ấy. Nhưng giờ đây, tôi không còn trọn vẹn như anh tưởng. Thương Toàn và trân trọng tình cảm của anh, tôi tìm cách “hoãn binh” để nhỡ chuyện kia đem đến hậu quả xấu, còn có thời gian giải quyết. Tôi không nỡ lừa dối anh, để rồi ôm hận suốt đời. Tôi lấy lí do công việc chưa ổn định để xin lui lại ngày cưới, nhưng Toàn không nghe bảo: “Công việc tính sau lo gì, cưới vợ phải cưới liền tay, chứ”. Tôi đành phải thuận theo ý anh. Ít lâu sau, tôi và Toàn tổ chức lễ cưới. Tất nhiên, buộc tôi phải giấu Toàn về sự dại dột cay đắng kia. Toàn cũng không nghi ngờ hỏi tôi chuyện đó, kể cả khi bé Hòa ra đời thiếu tháng nếu tính từ ngày cưới, mà chỉ tôi mới biết nó không phải giọt máu của Toàn. Anh chăm sóc tôi tận tình, yêu thương con rất mực. Chính anh bảo đặt tên con là Hòa, theo ý nghĩa tên của tôi là Thuận. Tôi vô cùng cảm động và biết ơn anh về điều đó. Nhưng Toàn càng tỏ ra chiều chuộng yêu thương mẹ con tôi bao nhiều, tôi càng cảm thấy cái tội lỗi kia của mình là quá lớn, nó cứ âm ỉ day dứt trong lòng tôi không có cách nào gạt bỏ đi được.
Khi bé Hòa đến tuổi đi học, tức là chúng tôi đã chung sống hạnh phúc với nhau được 6 năm, Toàn bảo tôi nên đẻ thêm đứa con nữa để Hòa có em cho vui. Tôi bảo: “Em cũng mong muốn điều đó lắm, nhưng không hiểu sao...". Sợ tôi buồn anh gạt đi: “Thôi không sao, càng chậm thì kinh tế gia đình càng ổn định, chúng mình càng có điều kiện chăm sóc bé Hòa tốt hơn”. Cũng may, bé Hòa càng lớn càng khỏe mạnh, xinh xắn, ngoan và học giỏi. Suốt 5 năm tiểu học, nó đều đạt học sinh giỏi của trường. Toàn luôn khoe với mọi người về sự tiến bộ của “cô con gái rượu”. Còn tôi, mỗi khi ngắm nhìn con, thấy nó không có nét nào giống Toàn lại thêm lo sợ, nhỡ khi Toàn biết được điều đó.
Cho đến khi con gái tôi vào học lớp 6 Trung học cơ sở, thì điều tôi lo lắng đã xảy ra. Một buổi sáng, chờ cho cái Hòa đi học khỏi nhà, vẻ mặt nghiêm nghị Toàn bảo tôi: “Hôm nay cô ở nhà, tôi có việc quan trọng”. Anh móc túi lấy ra hai tờ giấy, đặt trước mặt bảo tôi đọc. Tay tôi run lên, cầm hai tờ giấy của hai bệnh viện có tên tuổi đọc, nội dung cả hai cùng xác nhận Toàn bị vô sinh. Mắt tôi hoa lên, cảm thấy như trời đang sập xuống, ngồi bất động. Toàn chậm rãi nói: “Từ lâu tôi đã nghi ngờ điều này, nhưng đến giờ tôi mới có cơ sở tin là cái Hòa không phải con đẻ của tôi. Cô đã không thực lòng với tôi ngay từ ngày cưới, đến nay đã hơn chục năm rồi, thế là quá đủ để chúng ta không thể tiếp tục cuộc sống chung nhà mà không chung tình được nữa”. Lời lẽ anh ôn tồn mà cương quyết, minh chứng anh đưa ra quá thuyết phục. Tôi hết đường thanh minh, từ từ khụy gối dưới chân Toàn, giọng nghẹn đắng: “Em biết, em có tội lớn với anh, bây giờ anh phán xử thế nào em cũng cam chịu”. Im lặng một lát, Toàn nói một cách rành rọt: “Xét cho cùng lỗi không hoàn toàn ở cô. Ngày ấy, nếu tôi biết sớm bệnh vô sinh của mình, tôi sẽ không lấy vợ. Cũng bởi gia đình hối thúc, nên tôi có phần vội vã. Nhưng thôi, làm to chuyện này lên chẳng ai đẹp mặt cả. Tôi nghĩ kĩ rồi, chúng ta hãy sống xa nhau một thời gian, đến lúc nào có thể, hãy tính chuyện dứt điểm”. Tôi không dám ngẩng mặt lên, nói trong nước mắt: “Như thế là anh đã tha tội cho em rồi, hãy cứ làm như anh muốn, chỉ mong một ngày nào đó nghĩ lại, anh sớm quay về với mẹ con em. Có điều này, xin anh đừng cho cái Hòa biết là nó không phải con đẻ của anh”. Toàn gấp hai tờ giấy bỏ túi, đứng lên nói: “Được!”, rồi thu gọn tư trang, lặng lẽ xách va li ra khỏi nhà. Từ đấy, căn nhà thiếu vắng anh, trở nên trống trải, hẫng hụt. Cả hai mẹ con không ai nói ra, nhưng ngày nào cũng sống trong tâm trạng khắc khoải, đợi chờ...
Ba ngày sau, vừa thoáng nghe tiếng gọi “Mẹ ơi!” từ ngoài cổng, tôi quáng quàng chạy ra. Vừa nhìn thấy tôi, con đã vội quỳ ngay xuống, ôm mặt khóc mếu máo: “Mẹ ơi! Bố con bị tai nạn lật xe... nằm viện... Mẹ tha tội cho con...”. Tôi nâng con dậy, ôm chặt lấy nó đưa vào nhà, như sợ nó lại biến mất. Khổ thân con tôi, xa nhà mấy hôm đã gầy rộc đi, khuôn mặt hốc hác, nhem nhuốc. Đợi con bình tĩnh lại, tôi hỏi: “Làm sao con biết tin mà đi?”. Nó rút từ trong túi xách ra tờ báo rồi nói: “Con nghe đài đưa tin, tìm báo đọc, nhìn ảnh thấy đúng xe của bố. Lúc ấy, chắc mẹ đang bận đứng lớp nên con không dám báo tin… Cũng may bố đã qua khỏi... Con lo cho bố.… Con có tội với mẹ bỏ nhà”. Nó lại nấc lên, nói không ra tiếng. Tôi ôm lấy con, vuốt nhẹ lên mái tóc mấy hôm rồi không chải của nó, bỗng thấy nhói đau từ sâu thẳm đáy lòng. Tôi úp mặt xuống mái tóc của con mà khóc. Hai mẹ con cùng khóc. Hai dòng nước mắt cùng mặn mòi xót xa, nhưng không thể hòa lẫn vào nhau được. Bởi sự xót thương của con tôi là vô tư trong sáng, còn sự đớn đau của tôi từ một tội lỗi không đáng có ở một người mẹ, một cô giáo hàng ngày vẫn từng cao giọng rao giảng đạo lí cho đời. Tôi nâng con dậy, như nâng một báu vật. Vừa nhẹ nhàng lau nước mắt cho con, tôi vừa lựa lời an ủi nó: “Mẹ cũng thương bố con lắm. Thôi! Hãy tắm rửa, cơm nước rồi nghỉ ngơi cho lại sức. Ngày mai, cả hai mẹ con mình cùng đi thăm bố, biết đâu...”. Tôi nghẹn lời, bởi con gái bỗng dang hai tay ôm ghì chặt lấy tôi, khuôn mặt hồn nhiên tươi rói.
N.X.H
(Nguồn: TC VNNB 241+242+243)