Thứ sáu, 04/10/2024

Gà rút xương

Thứ ba, 30/08/2022

Truyện ngắn của nhà văn VŨ THANH LỊCH 

Gọi đến cuộc thứ ba hay thứ tư gì đó, bà Dim mới thấy con trai nghe máy. Nó nói thì thào, như đang ở giữa đông người, nhưng bà vẫn nhận ra cái giọng dằn dỗi, bực bội:

- Con đang bận, rảnh con gọi…

Bà Dim không đợi Khuê nói hết câu, bà biết mình nói chậm, không cất lời là nó tắt máy ngay.

- Ừ, khoan hẵng tắt máy. Mẹ có tí việc, nói ngay không lại quên. Mẹ thịt con gà để lấy xương nấu cháo, thịt ăn dắt răng nên mẹ lọc ra rồi, đang để tủ lạnh, chiều về lấy lên mà ăn nhá.

Nói xong bà Dim tắt máy ngay, bà chỉ cần con trai bà nghe thấy. Nghe rồi nó khắc phải làm theo, nó chưa làm luôn hôm nay thì ngày mai ngày mốt nhớ ra nó làm, chậm lắm thì cuối tuần nó về, không thì vợ con nó về lấy mang đi. Tủ lạnh mới của bà còn đầy chỗ, đựng mấy túi thịt gà róc xương nữa cũng được.

Tủ lạnh mới của bà là tủ lạnh cũ nhà Khuê. Gọi là cũ nhưng nó mới dùng chưa được một năm, to gấp rưỡi cái tủ mua từ hồi cưới chúng nó. Vậy mà vợ Khuê vẫn kêu bé, nó bảo “người ta biếu con cá hồi cả yến thịt, xắt miếng ra thì không ngon, để nguyên con thì không nhét vào tủ được, với lại, có con cá quý, đợi lúc khách khứa đông người mang ra ăn vừa sang vừa tiết kiệm, chứ xẻ nhỏ ra ai biết đấy là đâu, họ lại nghĩ mình đãi họ bằng cá đông lạnh mua ngoài siêu thị thì tầm thường lắm”. Vợ Khuê chê hôm trước, hôm sau có kẻ bê ngay cái tủ lạnh to gấp đôi cái cũ về biếu. Thế là tủ cũ nhà Khuê thành tủ mới của bà. Cái tủ nó thải ra lần trước bà dùng vẫn còn tốt, nhưng dùng hai cái thì phí điện, bà Dim ngỏ ý cho bà Mận, bà Mận sợ tốn điện, không lấy. Hỏi để cho ông Khan, ông Khan cũng sợ tốn điện. Vậy là bà để đựng lạc, vừng, đỗ, mấy túi bánh đa, miến dong, bún khô… nói chung là những thứ không thể ôi thiu mà lại cần kín khí.

Có tủ to, bà Dim nghĩ ra đủ thứ để cất vào cho khỏi trống. Thằng Sim, con Dím cháu bà thích ăn thịt gà, cá kho, nhưng ngại nhằn xương. Vậy nên cá kho cho cháu bà phải chọn con trắm ốc to nhất ao, kho kỹ, vùi dưới trấu cả đêm, cất vào tủ lạnh, khi nào chúng nó về thì mang đi, bỏ vào lò vi sóng vài phút là lấy ra ăn ngon lành. Thịt gà thì bà lọc hết xương, cất trong ngăn đông, có gửi lên cho cháu, mẹ nó chỉ thái ra cho vào nồi đun lên là xong. Trứng gà, trứng vịt bà nhặt hàng ngày xếp vào từng khay, đánh dấu ngày gà đẻ, rồi cũng cất vào tủ. Hôm nào trong xóm có nhà làm thịt lợn nuôi bằng cơm canh thừa bà cũng mua vài cân, cắt miếng vừa bữa, gói bọc cẩn thận rồi cất vào tủ. Cá chưa kho bà cũng làm sạch sẽ rồi bỏ vào tủ. Nói chung tất tật các thứ đồ ăn ở quê ngon lành sạch sẽ bà đều cho vào tủ đợi con cháu về ăn, rồi mang lên phố ăn, tuần nào chúng nó không về được, bà thấy có ai lên phố thì gửi lên. Gửi không thích bằng con cháu về lấy, nhưng bà vẫn vui. Vui vì bà là người nhà quê, quê mùa cục mịch, lại già cả xấu xí rồi, nhưng vẫn lo được cái ăn cái uống cho con cho cháu. Ngày anh Khuê còn bé, bà đã không kiếm được cái gì tử tế cho con ăn rồi, giờ bù trì được cái gì là bà cố gắng bù trì cho bằng hết. Tiền bà cho khoán lại ruộng, tiền lương liệt sĩ của ông, rồi tiền bà nhặt nhạnh từ cây rau cây hoa ngoài vườn, con cá con vịt dưới ao, ấy là chưa kể tiền anh Khuê rồi bạn bè anh ấy thi thoảng về cho, bà có dùng làm gì đâu, bà đưa cho vợ Khuê phần lớn, còn giữ lại một phần nhỏ, thi thoảng mua cái này cái khác cho con cho cháu, mà bà cũng chả phải mua đáng bao nhiêu, chủ yếu là ở vườn ở ao của bà rồi. 

Thi thoảng các cháu được nghỉ học, nó về ở với bà từ chiều thứ bảy đến chiều chủ nhật, bà nhặt cành cây khô, chụm củi giữa vườn cho chúng nó nướng củ khoai, con cá, con gà, xiên thịt, vừa nướng vừa ăn. Có trò lạ, chúng ở chơi lâu không chán, bà cũng được vui dài dài hơn, căn nhà cũng âm ấm hơn. 

Lâu nay hai đứa cháu bà bận ôn thi, con trai con dâu đều bận việc nên không đứa nào về. Bà Dim nhớ cháu đến thắt ruột. Đêm không ngủ, bà nằm kể chuyện cổ tích, kê hai cái gối hai bên, giả vờ như hai đứa cháu đang rúc hai nách bà mà nghe chuyện. Bà kể bao nhiêu chuyện trời mới chịu sáng.

Đã qua ba cái chủ nhật rồi không đứa nào về. Mấy con gà giò đến độ ăn thịt được rồi. Bà cũng đã chụm sẵn đống củi ngoài vườn, cháu về là chỉ bắt gà, câu cá mà nướng. Củi để cũng lâu lâu rồi mà chưa có đứa nào về đốt lửa. Thi thoảng bà điện thoại thấy cháu bận học, chỉ hỏi vài câu, đủ để nghe tiếng cháu nói cho đỡ nhớ, chứ hỏi nhiều, nói lâu, nó lại dằn dỗi, lại trả lời gắt gỏng thì bà lại buồn, mà bà già rồi, sợ nhất là buồn. Anh Khuê cứ hai ngày gọi điện cho bà một lần, vào buổi sáng hoặc tối tuỳ lúc anh ấy rỗi, cũng chỉ hỏi vài câu xem ở nhà có gì bất thường không. Anh Khuê gọi, là để cả mẹ cả con yên tâm, chứ nếu ở nhà có gì bất thường thì ông Khan, bà Mận đã gọi cho Khuê ngay rồi. Mấy ông bà già ở quê một mình đã cho nhau số điện thoại của các con mình, lỡ ai có chuyện gì thì tự gọi mà báo giúp rồi, đâu có đợi các ông bà trẻ ấy gọi về hỏi thăm.

Sáng nay bà Dim vãi thóc cho gà ăn rồi đi nhặt trứng, thấy lũ gà trống tơ lông đỏ rưng rức đang chành choẹ nhau để tranh mái, bà túm đại một con nhốt lại, để làm thịt, vừa đỡ hại gà mái, vừa có gà ăn. Lâu nay con cháu không về, bà nấu một nồi cơm, ăn từ sáng đến tối, bữa thì rang quả trứng, bữa miếng đậu phụ, bữa chắt thìa mắm cáy là xong. Cũng có lúc bà thấy thèm miếng thịt gà, thịt gà rang thơm phưng phức, nghĩ đến đã tứa nước miếng… Nhưng… “thịt một con gà chỉ để cái thân già này ăn cho đã mồm thì phí quá…”, mỗi lần bà Dim muốn làm món gì ngon ngon để ăn là cái ý nghĩ ấy nó lại hiện lên trong đầu. Vậy nên, bà gọi cho con trai, bảo nó là bà thịt gà rồi để nó phải về mà lấy, chứ thực tình, bà mới bắt gà, úp ngoài gốc cây, không đứa nào về thì bà lại thả ra. Trong tủ cũng đang còn đầy cá, thịt, trứng, rồi đồ ông Khan, bà Mận gửi. Chỗ thì vẫn còn nhưng mà nhiều đồ đông lạnh quá thì con cháu bà ăn khi nào mới hết, mà ăn đồ đông lạnh chắc không ngon bằng đồ tươi. Bà nghĩ vậy để yên tâm thịt gà, chứ bà không dám nghĩ hẳn ra là bà cũng đang thèm ăn thịt gà lắm. Thèm thì thèm, nhưng bà biết răng mình yếu, ngồi cả bữa mới gặm xong một miếng. Bà ở một mình, ăn bao lâu thì ăn, có ai nói sao. Nhưng bà lại nghĩ, già thế này, ăn ngon cũng chẳng để làm gì, nuôi được con gà ngon để dành cho hai đứa cháu, chúng nó ăn còn lớn còn học hành còn làm việc… Vậy là bà bắc nồi nước sôi. Trong lúc đợi nước sôi, bà gọi điện cho anh Khuê.

Bà gọi, nói xong cái câu ấy cho yên tâm, chứ không cần nghe con trai bà trả lời xem nó “vâng” hay là “để con xem đã” hay là “con bận lắm không về được”. Nghe một chữ thì còn được vui, chứ nghe vài chữ là bà lại chán, chả muốn làm nữa, mà không làm thì bà cũng chẳng được ăn. Lâu nay bà không ăn thịt cá gì là bởi có một mình nấu không bõ dính xoong, chứ thực tình bà cũng thèm ăn cá ăn thịt lắm, nhất là thịt gà. Bà làm thịt, vừa có cái để dành cho con cho cháu, vừa được ăn, một bộ xương gà bà nấu cháo ăn cũng đủ đã mồm rồi. Nếu nó không về, thì bà đành bỏ tủ, dù sao, tủ vẫn còn chỗ để, tủ to thế kia cơ mà. Gà thịt rồi nó còn mang đi, chứ nó về mà gà chưa làm thịt thì thôi, bà lại để cho gà già thêm.

Bà nhớ có lần bà mang gà lên phố cho cháu, con dâu bà sai người giúp việc mang ra vỉa hè làm, còn làu bàu với chồng, bảo chồng nhắc bà đừng mang gà còn sống lên, để thì hôi nhà, làm thịt thì tanh mấy ngày mới hết… “Tốt nhất là anh bảo bà làm sẵn, bỏ vào tủ ấy, mình về lấy được thì về, không về ngay được thì cũng không sợ ôi thiu gì, có tủ mà không biết dùng thì cắm làm gì cho tốn điện”. Nó nói với con trai bà nhưng tai bà lại chưa bị điếc, giá mà bà điếc thì tốt. Từ dạo ấy, lúc nào muốn gửi thịt gà lên cho cháu, bà Dim lại làm sẵn, róc xương, bỏ vào nồi hầm lấy nước nấu cháo, còn thịt gói cẩn thận trong túi nilon, cái túi do con dâu bà mua mang về, dặn là “con mua ở siêu thị, bà chỉ đựng thịt cá để ngăn đông thôi, còn rau để ngăn mát thì dùng túi thường cũng được…”. Chắc là túi bóng đấy cũng đắt nó mới dặn dò bà kỹ thế, cả như bà, bà nướng khô lá dong gói lại là xong, ngày xưa không có tủ lạnh, bà để thịt trong giỏ treo gác bếp cả tháng có ôi thiu gì đâu.

Bà Dim làm gà sạch sẽ rồi bắt đầu rút xương, bà tính nếu anh Khuê về kịp lúc thịt chưa đông đá thì mang đi ăn ngay là ngon nhất, không thì cứ để đó cho đông rồi ăn dần.

Thịt gà giò thơm phưng phức, giá mà nó chín rồi chắc bà vừa lọc vừa bốc. Gà vừa đến độ thế này là ăn mềm và thơm lắm đây… Nghĩ đến món thịt gà rang bà Dim nuốt nước miếng ừng ực… chả nhẽ cắt ra vài miếng mà ăn… mà thôi, mình ăn giỏi lắm cũng được ba miếng con con, mà cắt ra ba miếng thì con gà cũng chẳng còn lành lặn nữa, con cháu lại nghĩ bà cho chúng ăn đồ thừa… mà già rồi, ăn nhiều chất làm cái gì cho khổ cái thân ra, hầm một bộ xương thế này, nay cháo, mai mì tôm, ngày kia thả mấy miếng bí vào nấu là thừa dinh dưỡng rồi… Bà Dim vừa làm vừa nghĩ ra các món ăn có thể chế biến từ bộ xương gà trong tay mà phấn chấn hẳn lên. Bà cũng khéo tay, rút hết xương gà ra rồi mà bộ da vẫn còn nguyên, thịt vẫn còn nguyên, nhìn rõ là gà nguyên con chứ không mất đi đâu miếng thịt nào. Bà nghĩ đến cảnh thằng Sim, con Dím hít hà mùi thịt gà rang thơm phức, rồi cắn từng miếng thịt mềm ngọt, xúc cơm ăn ngon lành, thế là trong lòng bà vui phơi phới. Con dâu bà bận rộn nhưng cũng khéo nấu ăn. Có rau sạch, gà, cá, tôm tép rồi thịt sạch thế này, con cháu bà tha hồ mà khoẻ, chả sợ gì hoá chất với ô nhiễm môi trường, chỉ việc ăn với lớn rồi đi học. Ngày xưa bố nó học giỏi nên mới đi khỏi làng, không phải cắm mặt xuống đất nhặt từng hạt lúa nữa. Giờ chúng nó học giỏi hơn bố nó, chắc sẽ bay bổng khắp thế giới, đi đó đi đây cho mở mày mở mặt.

Bà Dim nghĩ liên miên về những đứa cháu của bà, rồi con của chúng nó, rồi cả cháu của chúng nó nữa… những đứa mà dù bà có nhìn thấy hay không nhìn thấy mặt chúng, thì đều là những dấu vết bà để lại trên cuộc đời này, chúng nó sẽ sướng gấp vạn lần bà, chúng nó không cần phải biết nuôi một con gà như thế nào, thịt một con gà thế nào, chỉ cần biết thịt nó rất thơm, ngon, bổ dưỡng. Bao nhiêu hôi hám, tanh tưởi bà lọc hết ở quê này rồi.

Có tiếng động cơ ở đâu xa xa, chưa nghe rõ là tiếng gì đã thấy tiếng gà mái mẹ vừa kêu vừa xoè cánh nựng con nấp vào. Tiếng cục cục của gà mẹ nghe quen là vậy mà cũng khiến bà Dim giật mình, ngó vội ra cửa. 

- Là tôi đây, bà lại đang ngóng vợ chồng con cái nhà Khuê hử. Gớm nhà Hiêm mua được cái xe máy cũ trên phố về mà sáng tới giờ hết người này đến người kia chạy thử, nhức cả ruột gan. Tiếng ông Khan cất lên vội như sợ nói chậm bà Dim lại mất công mừng hụt rồi tẽn tò vậy.

- Ừ, ông đấy a, tôi đang rút xương con gà, gửi cho cháu. Bà Dim trả lời cũng nhanh như sợ ông Khan biết ông làm bà khấp khởi tưởng cháu con về thật.

- Lâu không thấy chúng nó về nhỉ. Cái quân… lớn lên là quên hết lũ già này. Ông Khan định nói gì nữa nhưng lại thôi, ông đã đi vào đến cửa bếp, gần chỗ bà Dim đang lọc xương gà. Chìa cái gói giấy báo đã bọc kỹ, đánh dấu bằng ba sợi lạt dang, ông bảo:

- Bà cho tôi gửi cái gói này vào tủ với. Có con cá trắm đen sáng nay thấy ăn nổi trên mặt ao, thở lóp nga lóp ngóp, chắc sắp chết nên tôi bắt lên làm thịt. Cũng bắt chước bà, lọc xương như người ta làm cá ăn gỏi ấy, con nhà Khuê nó có thích ăn thì bà cho nó, không thì bỏ tủ hộ tôi, thi thoảng tôi lấy ít về ăn, hôm nay tôi với con Ki ăn cái đầu là đủ rồi.

- Ông bỏ vào tủ luôn đi, tay tôi đang dở. Ông có đánh dấu không đấy, chả có lại lẫn với gói của bà Mận.

- Có. Tôi vẫn nhớ bà dặn gói của tôi thì buộc ba lạt, bà Mận thì buộc hai lạt, mấy nhà ít khi gửi thì buộc một lạt đấy thôi, của nhà bà thì chỉ gói thôi không buộc, có phỏng.

- Ừ, thì các ông các bà gửi thì nhớ mà còn lấy về, khỏi lấy lẫn của nhau lại mang tiếng tôi ra, chứ tôi có ý gì đâu.

Ông Khan mở tủ lạnh, xếp cẩn thận gói cá vào ngăn đông rồi quay ra, nhìn nắng chiều xiên vào đến viên gạch thứ ba dưới nền nhà, thở dài bảo:

- Chiều rồi nhỉ

- Ừ, khi nào nắng xiên đến viên gạch thứ năm kia thì chúng nó mới nghỉ làm, mà giữa tuần bọn trẻ còn đi học thêm, bố mẹ chúng nó có về đến đây cũng tắt nắng ông nhỉ.

- Bà khéo tay, lọc thịt đẹp nhỉ, bà lọc còn có đứa nó ăn, chứ tôi chả biết lọc ra làm gì.

Ông Khan nói không nhỏ, bà Dim cũng không nặng tai nhưng không ai nói thêm gì nữa cả. Con gà mái ngoài vườn biết không có mối nguy hiểm nào nên lại xoè cánh cho đàn con chạy ra để rảnh chân bới vườn. Nhờ thế mà xung quanh hai ông bà già còn có tí âm thanh của gà con, thi thoảng thêm vài tiếng lá khô lẹt xẹt lăn trong sân sau mỗi cơn gió nhẹ. Những câu kiểu như ông Khan vừa nói, bà Dim nghe nhiều rồi, không phải mình ông ấy nói, bà Mận, bà Thớm, ông Chi, ông Dánh, rồi cả bà cũng nói nhiều lần rồi, nên đôi khi cái câu kiểu ấy cứ tự dưng bật ra khỏi miệng người già, nói cho có chuyện.

Xóm có vài mươi nóc nhà, toàn người già, ngày hí húi với mảnh vườn, cái ao, thửa ruộng, chiều nhọ mặt người ngồi tán chuyện vài câu rồi về đi ngủ. Đến lúc mỗi nhà có một cái ti vi, ti vi có đủ thứ hay ho để xem thì chả ai xúm lại tán chuyện với nhau nữa. Mà hôm nào mất điện, các ông các bà có ngồi tán chuyện thì toàn những câu kiểu như ông Khan mới nói, hoặc nhiều hơn một tí, buồn thêm một tí, vui thêm một tí, chứ cũng không có gì đáng kể lắm. Chuyện buồn mà kể ra thì có tí ý nghĩa, vì nó khiến các ông bà già có cớ mà an ủi dựa dẫm nhau, còn như chuyện vui kể ra, có khi khiến người khác chạnh lòng. Chẳng hạn như bà Dim có nhắc nhiều đến thằng Sim, con Dím là thế nào bà Mận cũng rân rấn nước mắt, kêu số tôi nó hẩm hiu, có hai đứa con đòi đi nước ngoài làm ăn cả, đi xuất khẩu lao động, chả biết bao giờ về, một đứa lấy chồng, có con rồi. Hồi cháu bà Mận năm tuổi, bố mẹ nó cho về ở với bà hai tuần để đi làm giấy tờ xuất ngoại tiếp. Hai tuần mà nó chưa chịu quen bà, không cho bà bế, không chịu ngủ chung với bà, nó còn bảo mẹ nó là bà ấy bẩn lắm, xấu lắm, kinh lắm, mẹ bảo bà ấy đừng động vào con, con thích đi chơi, nhưng bà ấy cứ đòi cầm tay con dắt, vậy thà con không đi còn hơn… Mẹ nó quát mắng nó hỗn, nó càng ghét bà, bảo tại bà mà nó bị mẹ mắng. Mỗi lần nghĩ nhớ đến cháu, bà Mận chỉ thở ngắn thở dài.

Ông Khan cũng vậy, ông có ba thằng con trai, mỗi đứa mỗi nơi. Đứa trong tù vì lái xe thuê mải chạy cho đủ năng suất nên va vào người đi đường, làm người ta chết. Một đứa làm công nhân trong Nam. Một đứa ở gần ông nhất cũng cách ông gần hai trăm cây số, đường xá bây giờ đi lại có tốt hơn nhưng vợ nó không thích về quê chồng ở, bảo ở phố cho con cái nó còn học hành mở mang đầu óc, về quê xa hun hút vậy không sống được. Mỗi năm hai ba lần chúng nó về chơi, ăn với ông bữa cơm rồi tất tưởi đi. Ông thả cá đầy ao, gà đầy vườn cũng không đứa nào bắt, hồng xiêm chín đầy cây cũng không gửi được cho cháu. Thỉnh thoảng xem phim, thấy cảnh các ông bà già lên phố với con ở như ở tù, không bạn bè, không láng giềng, ông cũng không nghĩ đến chuyện ở với con, nhưng cũng muốn thăm nom xem chúng nó ăn ở thế nào. Vài lần ông gợi ý xa gần muốn lên thăm nơi ăn chốn ở của con, thấy con trai không nói gì, ông cũng không đòi hỏi thêm. Ông là bộ đội về hưu chứ có phải là lão già thiểu năng gì đâu mà không nhận ra cái cố tình lảng tránh của con trai. Đành rằng nó phải ở nhờ nhà vợ, nhưng chả lẽ cho bố lên thăm một lần cũng khó thế. Chắc nó có gì khó xử, chứ con ông đẻ ra nuôi dạy lớn lên ông biết nó cũng đâu đến nỗi nào. 

Ông Khan thường động viên bà Mận, bà Dim rằng, con cháu đủ lông đủ cánh rồi, không phụ thuộc vào mình là tốt rồi, mỗi người mỗi phận, không ai phải ràng buộc ai hết. Ông Khan nói vậy là nói cho quên cái nhớ cái ngóng cháu ngóng con thôi, chứ lần nào nhà Khuê cho con về, các ông các bà ấy cũng kiếm cớ sang xin nắm rau, mượn cái bật lửa, chỉ để nhìn mấy đứa trẻ con, nghe chúng nó nói, có khi còn được cầm tay chúng nó một tí… Thằng Sim, con Dím mỗi lần về rồi đi, là mấy ông bà già trong làng có chuyện buôn cả tuần, có khi cả tháng không hết. Nào là nó cười thế này, nói nghịch thế kia, nó nhìn tôi, nó đối đáp với tôi, nó hỏi cái này, nó nhờ cái nọ, nó bẻ gãy cành chanh, nó giẫm nát luống rau, nó làm què con chó, nó ôm con mèo lên giường để mèo đái khai khắm cái chiếu… Mỗi lần kể về hai đứa cháu bà Dim, các ông bà già lại được cười xả láng với nhau, cứ như chính các ông các bà đang nghịch ngợm ngô nghê cùng chúng nó vậy. Chúng nó về quê động vào cái gì cũng vụng về, thích thú, các ông bà nghe chúng nó kể chuyện ở phố, chuyện nào cũng lạ lùng hấp dẫn, thế là được vui.

Tiếng gà mái lại cục cục ầm ĩ ngoài bờ ao, bà Dim chưa kịp ngó ra, ông Khan đã bảo:

- Cái bà Mận này chưa chết đã thiêng. Vừa mới nghĩ đến đã thấy.

Bà Mận chưa vào đến sân gạch, lại nặng tai nên chắc không nghe thấy ông Khan nói, bà Dim bảo:

- Ngày nào bà ấy chả sang đây lúc nắng xiên vào viên gạch thứ tư nhà tôi, việc gì đợi ông nghĩ đến.

Bà Mận dụi chân lên cán chổi, bỏ dép ra, đi chân không vào sân gạch, vừa đi vừa bảo:

- Quét sân sạch thế này chắc thằng Sim con Dím sắp về hử.

Ông Khan vừa đập đập cái gậy xuống nền sân di con kiến càng vừa nói:

- Hay nhỉ, nó về hay không thì liên quan gì đến bà. Ngày nào sân nhà bà ấy chả sạch vầy.

- Vậy chứ ông sang đây làm gì?

- Ao nhà tôi có con cá ngắc ngoái, tôi mang sang gửi tủ đông.

- Ông kiếm cớ vậy chứ ngác ngoái cái gì. Mà hôm nay mấy đứa nhỏ về thật không bà Dim, giữa tuần chúng nó được nghỉ à, mấy tuần nay nó không về rồi nhỉ.

Bà Dim chưa kịp trả lời, ông Khan đã nói:

- Đâu như hai ba hai bốn ngày rồi ấy bà Dim nhỉ.

- Ừ, hai cái ông bà này, cứ như cháu mình ấy à.

Bà nói vậy, chứ bà biết chả phải riêng gì cháu bà, bất kể nhà nào có trẻ con ở xa về chơi, cũng đều khiến các ông các bà vui vẻ hồn nhiên như thể họ đang lớn lên với chúng, rồi cùng chành chọe với chúng. Họ cũng như bà, không ai được lớn lên bên ngoài cái làng này, có người chưa biết phố xá là gì nên gặp bọn nhỏ phố là họ thấy mình được gần với phố lắm. Bọn trẻ về rồi đi, mấy ông bà già có chuyện để kể cả tuần, cả tháng, cả năm không hết. Không đứa nào biết mình được người làng quan tâm nhiều đến thế, từ cái cười, lời nói, thói nghịch, thói ăn, đến cái quần cái áo, cái dép cái mũ… Ai nhìn thấy đều lưu rất lâu, kể rất kỹ, truyền từ người này đến người khác. Bà Dim đôi khi tự hào, đôi khi thấy cũng phiền bực, cũng thấy ghen ghen, cháu mình mà người ta làm như cháu người ta ấy… Nhưng rồi bà lại nghĩ, cháu mình làm cho người ta có cái để nhớ, có chuyện để kể, có cớ để vui để buồn thế là cũng có phúc rồi… Chúng nó càng lớn, càng ít về làng, không chỉ bà nhớ mà bao nhiêu người già trong làng đều nhớ. Nhớ thì lại mang chuyện hồi chúng nó bé tí ra kể. Có những chuyện chẳng đứa nào nhớ được thì người già trong làng nhớ hết. Các ông bà già nhà quê vô tình thành cái kho lưu giữ tuổi thơ cho bọn trẻ, giữ nhiều hơn cả cái kho ảnh trong máy tính với điện thoại của bố mẹ chúng nó.

Làng cũng có vài nhà có trẻ con. Mỗi đứa mỗi cảnh. Đứa thì bố mẹ bỏ nhau, gửi con về cho ông bà nuôi. Đứa thì bố mẹ chưa bao giờ đi khỏi làng nên chúng nó đương nhiên được sinh ra và lớn lên ở làng. Bà Dim, bà Mận, ông Kha và nhiều ông bà già khác trong làng nhớ tên nhớ mặt từng đứa, nhớ cả thói quen của chúng nó. Bọn trẻ thì thường thích sang nhà bà Dim, vì theo chúng, bà Dim giàu nhất làng, lại dễ tính, chúng nó có thể xin đá lạnh về uống nước, cũng có đứa mới học cách làm kem, mang sang gửi nhờ tủ lạnh của bà để làm đông. Mỗi lần chúng nó gửi kem, bà Dim lại ước giá thằng Sim, con Dím ở gần, bà dạy chúng nó làm kem, khỏi đi mua, vừa đắt vừa không an toàn. Ngày xưa bà làm trong nhà máy kem của huyện, người ta pha cả xô nguyên liệu chỉ có một thìa bột đậu, còn lại là phẩm màu, mùi thơm rồi nước và các thứ bột khác. Phần lớn bột đã có mọt, bà phải đổ ra thúng vỗ cho mọt chạy bớt đi rồi mới chuyển sang bộ phận chế biến. Bây giờ chả biết người ta làm thế nào, chả chắc có khá hơn ngày xưa. Còn nhà bà thì bao nhiêu đỗ xanh, dừa xiêm, rồi trứng gà, rồi bột nếp… cái gì cũng ngon ơi là ngon mà cháu bà nó không thích ăn kem bà làm, nó còn bảo, ăn kem nhà máy cao cấp, được rút thăm trúng thưởng, biết đâu trúng hẳn cái ô tô thì nó sẽ chở bà nội đi chơi khắp thủ đô… Bà không biết cháu bà đã trúng gì chưa, nhưng lâu lâu ăn một que kem, nếu chẳng may họ làm ẩu như các bà ngày xưa thì chắc cũng không sao, ăn ít thì việc gì. Cháu bà ăn ít thức ăn không an toàn thì không ảnh hưởng, còn ít về thăm quê, thăm bà thì có ảnh hưởng gì không nhỉ… Bà Dim cứ hay tự đặt ra những câu hỏi khó rồi lại tự trả lời. Chỗ nào không trả lời được thì buồn, có khi buồn cả tuần, cả tháng. Cháu bà, mỗi lần về, chỉ đủ thời gian ra vườn vặt rau, hoặc vãi cho đàn gà ít lúa, nhiều lắm là đào giun ở góc vườn để câu cá, rồi chụm củi nhóm lửa giữa vườn vừa nướng vừa ăn. Nhìn các cháu thích thú ăn uống vui chơi bằng những thứ có trong vườn nhà, bà Dim sướng lắm. Vậy nên dù già, đôi khi thấy mình không khoẻ, nhưng bà Dim vẫn chăm chỉ nuôi nuôi trồng trồng, đợi các cháu về thu hoạch. Thu hoạch là nhìn thấy sản phẩm, là thích ngay, chỉ bà ngồi nhìn cây rau lớn lên, con gà lớn lên là không sốt ruột thôi. Nhưng bà cũng thích thu hoạch hơn. Bằng chứng là đến mùa gặt, nhà ai thiếu người bà vẫn đi gặt giúp, người ta trả công thì trả, không trả cũng không sao. Mấy sào ruộng của bà, anh Khuê không cho bà cấy nữa, bà cho người ta khoán lại, đến mùa bà lấy ít thóc, cả người cả gà ăn hết mùa mới hết. Không được cấy hái, bà cũng buồn chân buồn tay nên thi thoảng xin chúng nó cho đi gặt… đi gặt làm vui. Nói chung, bà già rồi, làm gì cũng chỉ để vui, để quên cái cảnh ngồi đầu hè nhớ con, ngóng cháu.

Bà Dim đã lọc xong thịt, vừa trả lời ông Khan vừa tháo khớp đôi cánh với đôi chân gà. Mấy cái đó lọc chả có thịt mà con dâu bà thì thích gặm cánh với chân nên bà tháo khớp bỏ cả vào túi. Bà lấy xương nấu cháo, nhưng chỉ lấy những chỗ không đứa con đứa cháu nào thích ăn thôi. Tay bà yếu, chặt dao không đúng khớp, nó rơi vào đoạn xương, xương nó dập ra, lúc nấu, mấy cái miếng xương dập ấy nó lẫn vào thịt thì ăn lại vướng răng, mà chả may cháu bà tham ăn, bỏ cả vào miệng rồi nhai qua loa rồi nuốt, rồi bị hóc xương thì cơ khổ.

Bỏ hết chỗ thịt đã rút xương vào túi, bà Dim bỏ bộ xương gà vào nồi, vừa đi ra bể nước, vừa nói:

- Khéo tôi hầm bộ xương này nấu nồi cháo nhỉ, ông với bà ở đây ăn cùng tôi cho vui, chứ mình tôi có mà ăn cả tuần mới hết.

Bà Mận nhanh mồm bảo:

- Gớm rõ, tí nữa chúng nó về có mà nhoằng cái hết cả nồi, có chúng tôi ở đây nó chả thích đâu. Tôi sang chơi tí, xem chúng nó có lớn thêm tí nào không thôi.

Ông Khan đứng lên, vừa nhìn ra vườn vừa bảo:

- Có hai chục ngày thì lớn nhìn thấy à. Mà chúng nó có ăn ổi không, tôi bất cho vài quả, ổi chín trắng cây rồi kia kìa.

- Ừ, tôi chưa kịp bất đấy. Bà Dim bảo.

Bà Mận vào bếp, lấy cái rổ nhựa to ra, vừa đi theo ông Khan vừa nói:

- Để tôi đi cùng ông, bất cho chúng nó một rổ mới bõ ăn chứ, nó còn cho bạn cho bè, rồi cho hàng xóm láng giềng nhà chúng nó nữa, có quả ổi nhà bà nội mà khoe với bạn chắc chúng nó thích lắm đấy nhỉ.

Hai ông bà già ra vườn bất ổi, bà Dim cũng ra bất thêm ít quả đậu cô-ve, đậu đến cữ ăn bất xuống luộc hay xào luôn thì ngọt vị. Vừa bất ổi, vừa hái đậu, vừa hái rau, ba người già vừa chuyện phiếm với nhau. Không ai bảo ai nhưng thi thoảng một trong ba người vẫn nhóng ra đường xem có ai rẽ vào ngõ không, vẫn lắng tai xem có tiếng xe ô tô nào tiến gần về làng không.

Đến lúc nắng không còn vẽ hình thù gì lên sân, lên cửa, lên vườn nữa thì có tiếng xe máy chạy vèo vào sân. Cậu thanh niên phanh khực xe lại, vừa thả chân chống xuống, vừa gọi rõ to:

- Bà Dim ơi, bà Dim có nhà không đấy. Cháu lên phố bây giờ, thấy anh Khuê bảo qua hỏi xem bà có gửi cái gì lên không thì cháu cầm đi cho, anh chị ấy bận không về được bà ạ.

Ba người già thoáng chút tẽn tò với cậu thanh niên trẻ rồi vội vã mỗi người mỗi tay lấy túi gói gói bọc bọc nào ổi, rau, đậu, trứng, cá, thịt gà, thịt lợn… Chẳng ai bảo ai, họ cố gắng làm nhanh nhất có thể, hình như ai cũng nghĩ nhanh tay lên cho cậu thanh niên kia đi sớm, kịp cho nhà Khuê nấu bữa tối thì tốt.

Cậu thanh niên buộc các loại đùm dúm vào xe rồi phóng vút đi. Những người già lắng tai nghe tiếng xe máy xa dần và mùi khói tan chầm chậm trong đám sân xẩm tối. Đám sân tối khiến những người già không sợ có ai nhìn thấy mắt mình châng lâng. Ướt.

Tháng 12/2018

(Nguồn: TC VNNB 268-8/2022)

Bài viết khác