Truyện ngắn của MAI THỊ HỒNG QUẾ
“Con gái, con định tránh luôn cả cô à? Chiều nay cô chờ con ở vườn chùa nhé”. Đọc đi đọc lại tin nhắn của bà Hạnh, Vân vẫn chưa hết bồi hồi. Cô hình dung ra dáng điệu lo âu của người phụ nữ ấy khi những hồi chuông điện thoại cứ kéo dài một cách vô vọng.
Bà đã gọi cho cô không biết bao nhiêu cuộc gọi, kiên nhẫn như ngày nào ngóng tin tức của ông Xuân.
- Cô! Cô đợi con lâu chưa?
Nhìn dáng ngồi lưng đã hơi còng xuống của bà Hạnh, bỗng nhiên Vân nghẹn giọng. Bà Hạnh quay lại, mắt cũng đã đỏ hoe.
- Cô vừa mới tới thôi. Con đi gì tới đây?
- Con đi xe máy, lát nữa con mời cô đi ăn tối nhé.
Bà Hạnh dịu dàng cầm tay Vân. Cô ngồi xuống bên cạnh bà, trên chiếc ghế đá của nhà chùa. Một hồi chuông ngân nga, làm không gian ngưng đọng của buổi chiều như được giãn ra. Hai người phụ nữ ngồi lặng thinh, tâm tư đắm chìm trong những âm thanh giải thoát.
- Con buồn lắm phải không? – bà Hạnh nhìn thẳng vào gương mặt xinh đẹp vướng vất những nét buồn của Vân. Trong phút chốc, bà lại thấy hình ảnh của con bé xinh xắn dễ thương lẽo đẽo chạy theo bà vào mỗi chiều nhá nhem.
- Cô ơi - giọng Vân nghẹn ngào – con không muốn xa cô. Nhưng con chỉ sợ con không cầm được lòng mình.
- Tội nghiệp con tôi! – bà Hạnh kéo nhẹ Vân về phía mình. Vân tựa đầu lên bờ vai mảnh khảnh của người phụ nữ mà cô vô cùng yêu quý. Vẫn cảm giác bình yên như hồi còn bé, tìm hơi ấm của mẹ ở người phụ nữ hàng xóm, người vẫn dúi cho cô những thức quà quê và lời gửi gắm “chơi với anh Nam ngoan nhé!”
- Hôm nay, Nam hỏi cô có biết con ở đâu không? Nó cũng có ý tìm kiếm con mấy ngày hôm nay rồi.
Vân bật dậy, lắc đầu quầy quậy:
- Đừng, cô ơi! Con xin cô đừng cho anh Nam biết con ở đâu. Con không muốn gặp anh ấy nữa.
Bà Hạnh lại thở dài. Bà nhớ lại ánh mắt thất thần của con trai. Nỗi mất mát trong ánh mắt ấy bà đã nhìn thấy cách đây gần ba mươi năm, trong buổi chiều thằng bé con tội nghiệp của bà đứng bên bờ giậu nhìn hai ông bà sang trọng đưa bạn của nó đi đến thành phố phương nam xa xôi. Ôi phải chi đừng có những cuộc chia ly, nếu không thì ông trời cũng đừng run rủi những cuộc gặp gỡ khi đã quá muộn màng.
***
Bên bức tường này, Nam đã từng bần thần đứng dựa vào mà nhìn mãi về con dốc vắng. Mình đã đi, trên chiếc xe sang trọng và hết dốc, mình không còn nhìn thấy bóng Nam bé nhỏ nữa.
“Chị đang ở nhà cũ của em đấy.”
“Thật sao? Chị đi đâu mà vào đó?”
“Chị đi lang thang chụp choẹt”
“Mà sao biết đó là nhà em vậy?”
Bất cứ thứ gì liên quan đến em, tôi đều có thể biết mà. Tôi đã chẳng nói với em tôi là người gan lì, thứ gì tôi muốn biết là phải biết bằng được.
Tôi đứng dựa lưng vào bức tường quét xi măng xám, cao quá đầu người, giống như tất cả những bức tường trong xóm. Cánh cổng gỗ ngày nào có lẽ đã thành củi đun từ lâu.
“Có phải cổng nhà em ngày xưa làm bằng gỗ, tường rào là bờ giậu mồng tơi, rau ngót không?”
“Ồ, họ vẫn giữ nguyên à chị?”
Tôi đứng sững, thở dốc. Lẽ nào tôi đã hiện diện đâu đó trong những tháng ngày xa vắng của em.
***
- Xin lỗi! Cô cho cháu hỏi thăm một chút! Cô có phải là cô Hạnh không ạ?
Nghe có người nhắc đến tên mình bằng giọng nói rất tình cảm của người miền trong bà Hạnh khá bất ngờ. Bà chăm chú nhìn thiếu phụ xinh đẹp đứng trước mặt, gương mặt phảng phất nét quen thuộc nhưng không nhớ ra được là ai. Thiếu phụ ngồi xuống, hai tay ôm chầm lấy đôi tay bà lúc này vẫn đang lần lần chuỗi hạt:
- Đúng là cô Hạnh rồi. Con đây! Con Vân đây cô ơi! Vân, cháu bà Nga đây cô!
Bà Hạnh giật mình, buông rơi chuỗi hạt:
- Vân! Vân thật sao con? Ừ đúng rồi! Đúng con rồi, đôi mắt này, cái lúm đồng tiền này! Cả cái sẹo trên trán này!
Đôi tay gầy guộc của bà Hạnh run rẩy, lần lần trên khuôn mặt thiếu phụ:
- Trời ơi! Con lớn lên khác nhiều quá! Con ở đâu từng ấy năm trời?
Những giọt nước mắt cũng lăn trên gò má thiếu phụ. Không ngần ngại, cô ôm lấy đôi vai nhỏ bé của người phụ nữ hàng xóm, người đã để lại cho cô những cảm giác thật ngọt ngào của tuổi ấu thơ:
- Cô ơi! Gần ba mươi năm rồi còn gì ạ. Con ở Sài gòn, rồi đi Mỹ, bây giờ thì về Hà Nội. Đã có một lần, cách đây mười năm, con có trở về chốn cũ. Mọi người nói cô và anh Nam mới chuyển đi nhưng không ai biết cô chuyển đi đâu.
- Thế ư con? Sao lại có thể như thế! Chúng ta ở đó chờ con, cho đến mãi ngày ông Xuân đột ngột quay về
Nghe bà Hạnh nhắc đến tên người chồng bội bạc, Vân lại thấy lòng rưng rưng. Ngày bé, thỉnh thoảng bà Hạnh vẫn kể với cô bé hàng xóm về người vắng mặt. Con bé mười tuổi, xa bố mẹ từ nhỏ, sớm tỏ ra là một đứa hiểu chuyện, có khi ngồi hàng giờ bên mẹ của cậu bạn nghe bà kể về tình yêu đẹp thời thanh xuân của bà, nỗi thất vọng khi ông không vượt qua được cám dỗ.
- Chú ấy đã quay về rồi sao cô? Vậy tại sao cô với Nam lại dời đi – Vân nghe thấy giọng mình thảng thốt. Kí ức của cô vẫn hằn in nỗi đau đớn của mẹ con bà Hạnh khi người đàn ông họ tin tưởng chà đạp lên lòng tin ấy bằng một cuộc ra đi không ngoảnh lại.
- Quay về rồi con ạ. Thất bại thảm hại thì quay về. Con nghĩ cô có thể tha thứ được không? – đột nhiên bà Hạnh như người trút được gánh nặng. Nỗi day dứt bao năm qua không tâm sự cùng ai, bỗng dưng cuộn lên khi bà gặp lại cô bạn bé nhỏ ngày nào – Giá như ông ấy sống tử tế thì cô chỉ hận, đằng này ông ấy lại trở về thảm hại, con nghĩ là cô có thể tha thứ cho ông ấy không! Cô không thể cho thằng Nam biết bố nó là một kẻ thất bại.
Bà Hạnh bật khóc. Có lẽ lâu lắm rồi bà mới khóc, những giọt nước mắt ít ỏi lăn trên gò má đã bắt đầu nhăn nheo. Vân ngồi yên lặng, sau những đổ vỡ của mình, cô thấm thía nỗi đau khổ của người đàn bà không giữ được hạnh phúc trong mái ấm của mình. Cô ôm lấy vai người mẹ, vỗ về như ngày xưa bà vỗ về mỗi lần cô nhớ mẹ.
- Con nghĩ ông ấy không có quyền phá vỡ cuộc sống đã bình yên của cô và Nam nữa. Bây giờ cô vui lên nha, con về đây với cô rồi nè, về để ăn bánh đúc cô nấu, về để nghe cô kể chuyện mỗi chiều.
Bà Hạnh ngẩng lên, đôi tay vụng về lau nước mắt của chính mình, rồi cầm tay thiếu phụ giữ yên trong bàn tay mình:
- Tốt quá! Con về rồi! Bây giờ về nhà với cô! Nam chắc sẽ bất ngờ lắm đấy!
***
“Tranh của em dịu dàng quá!”
“Dạ, chị cảm nhận thấy thế à? Mọi người nhận xét là màu sắc, đường nét táo bạo, khác với phong cách lâu nay của em.”
“À không, chị không nhận xét về kĩ thuật. Chị cảm nhận sự dịu dàng ở những chân dung này, những người phụ nữ đang gồng gánh”
“Em vẽ mẹ em đấy!”
Tôi không kìm được tiếng ồ ngạc nhiên. Không phải vì câu nói của cậu họa sĩ đang đứng trước mặt mà vì sắc thái đầy tự hào, yêu thương trong câu nói ấy. Nó làm tôi bỗng chốc nhớ con trai ghê gớm.
“Có sao không hả chị?”
“Ồ không, không sao. Chị hơi bất ngờ với câu chuyện của em thôi”
Tôi bỏ dở cuộc thảo luận xung quanh những bức tranh của người dự triển lãm. Trên chiếc bàn đá ở sảnh nhà trưng bày có một tích chè tươi ủ trong giỏ tre. Vị chát của chè vườn làm tôi tỉnh táo lại rất nhanh.
Chiếc radio nhỏ của người gác cổng đang phát đi một làn điệu chèo quen thuộc. Tôi lẩm nhẩm hát theo. “Đào liễu có một mình, em đi đâu, cô nàng ơi…”
“Chị hát hay quá! Mẹ em cũng biết hát chèo đấy!”
Có một sợi dây nào đó đã gắn em vào tôi từ buổi gặp gỡ ấy. Tôi thấy nhớ em và thường hay nghĩ về những câu nói ít ỏi chúng tôi trao đổi với nhau. Tôi nghĩ nhiều về bà mẹ gồng gánh trong bức tranh.
***
Tôi lang thang một mình, có cảm giác mình sắp đi gần hết mọi ngóc ngách của cái thành phố nhỏ này mà vẫn không muốn dừng lại. Tôi nhớ em, muốn được nhìn vào ánh mắt trong vắt của em. Nhưng chỉ nghĩ đến việc dừng lại trước con đường có ngôi nhà xinh xắn buông rèm bằng những chùm cát đằng tím biếc tôi đã thấy mình run lên như một tên trộm bị bắt quả tang.
“Em khỏe chứ”
“Dạ, em khỏe. Chị cũng thế chứ ạ?”
Những tin nhắn nhàn nhạt như thế không làm lòng tham của tôi được thỏa mãn. Tôi cần nhiều, nhiều hơn nữa.
Tôi trở về vùi mình trong phòng làm việc. Tôi lôi xuống từ giá sách tất cả những cuốn truyện liên quan đến tình ái nhưng không câu chuyện nào làm tôi giải tỏa. Tôi mở máy tính và bỗng dưng trước màn hình trắng xóa, câu chuyện về tôi và em chầm chậm chảy, mỗi lúc một thêm ào ạt.
***
Bà Hạnh không thể quên được cảm xúc của con trai bà tối hôm đó. Nam nhận ra Vân ngay lập tức. Suốt bữa ăn tối, Nam nhìn người bạn gái ngày thơ ấu như bị thôi miên, dường như quên cả sự có mặt của Hương ở bên cạnh. Niềm hạnh phúc của con trai khiến trái tim của người mẹ nhói đau như bị một vết dao cứa. Nó từng chỉ vui vẻ khi có bé Vân bên cạnh. Sự ra đi của người cha mà nó vô cùng ngưỡng mộ đã để lại một vết thương sâu hoắm trong lòng, không khác gì nỗi đau vón cục của mẹ. Kì lạ thay, sự có mặt của cô bé hàng xóm đã cùng lúc xoa dịu nỗi đau buồn của họ. Cô bé xinh xắn, có đôi mắt nâu trong veo nhìn vào ai là như thấu suốt tâm tư người ấy. Con bé có thể ngồi hàng giờ xem bà Hạnh vừa vặn chổi rơm vừa kể về tài đàn hát của người đàn ông vắng mặt. Còn Nam, dường như nó chỉ cười vui khi được chơi cùng con bé. Thậm chí, khi nó sốt cao, chỉ mình con bé dỗ dành được nó uống thuốc.
Con bé vẫn thế, cái cảm giác nó mang lại cho mọi người thật ấm áp, nhưng nó vẫn né tránh kể chuyện riêng của mình. Bằng sự nhạy cảm của người mẹ, bà Hạnh linh cảm về những câu chuyện không vui. Con bé tinh tế, nó nói chuyện rất nhiều với Hương, chỉ đến khi về nhà rồi mới nhắn tin lại cho bà Hạnh “Bao năm qua, anh Nam vẫn không hết lặng lẽ cô ơi!” Bà Hạnh giật mình, bao nhiêu năm xa rồi mà con bé vẫn cảm nhận được những ẩn ức trong lòng con trai bà. Nỗi chống chếnh ấy, Hương không chia sẻ được nên bà hiểu, dù cố gắng bao nhiêu, khoảng cách giữa con trai bà với người bạn đời của nó không thể lấp đầy.
- Con sẽ ở lại Hà Nội chứ?
- Trước khi về đây, con đã nghĩ thế. Nhưng có lẽ không được rồi cô ơi! Con sợ làm xáo trộn mọi thứ!
Nhìn ánh mắt thẫn thờ của Vân, trong lòng bà Hạnh dâng lên một nỗi buồn se sắt. Tất cả những danh giới đều quá mong manh mà chính bà cũng nửa muốn căng lên, nửa muốn dứt bỏ.
**“
Chào cháu, cô là mẹ của em Nam. Cô có thể gặp cháu được không?”
Tôi đến điểm hẹn, không dám nhìn thẳng người phụ nữ đối diện.
“Cô biết cháu quý em Nam. Cô rất cảm kích vì điều đó. Nhưng…”
Người phụ nữ vẫn còn vương lại dáng vóc của một người nhà quê quen gồng gánh, giọng nói hiền hậu khiến tôi bình tĩnh trở lại.
“Cháu xin lỗi cô, cháu đang cố gắng gỡ bỏ sự ám ảnh từ em ấy”
“Nam đã có một tuổi thơ nhiều nỗi buồn, nó bắt đầu mọi thứ rất khó khăn. Cô mong cháu hiểu và thông cảm cho nó”
Câu chuyện dài của người mẹ với mục đích kết thúc những ảo tưởng của tôi, vô hình chung lại khiến tôi thương bà nhiều hơn lúc tôi nhìn thấy trên những bức tranh của em. “Cháu hứa, mọi chuyện sẽ dừng lại ở đây thôi. Cuộc sống của cô và Nam đã đủ buồn rồi ạ!”
***
Trong nỗi thống khổ tột cùng, con cáo rụt rè thò một chân qua cánh cổng gỗ khép hờ. Nó thèm hơi ấm của ánh lửa bập bùng trong gian bếp nhỏ kia biết bao. Nhưng nguồn năng lượng cực mạnh của hạnh phúc bao trùm quanh căn nhà đã lập tức giáng xuống bàn chân xấu xí vừa đặt lên bậc cổng gỗ. Trước khi bị đánh bật ra và nện lưng xuống đất đau điếng, con cáo nhận ra ánh mắt hốt hoảng của người đàn bà trồng rau. Và trong thiêm thiếp nỗi đau rơm rớm trong lồng ngực, nó thấy một bàn tay ấm áp đặt mình xuống thảm lá khô trong rừng sòi. “Ở đây không còn chỗ của mày rồi, về rừng đi nhé con” Một giọt nước ấm ấm lăn dài lên má nó…
M.T.H.Q