Truyện ngắn của DU PHAN
Vi ôm bụng, nhăn nhó. Trên kia, tiếng ông thầy vẫn oang oang qua cái micro. Ở những bàn trên, đứa thì chống tay vào cằm vẻ chăm chú nghe, đứa cúi chằm xuống mặt bàn, tay bấm điện thoại liên hồi. Thầy đang cơn phấn kích, nói như hát văn, huơ tay như lên đồng.
Vi thấy ù ù bên tai. Cô rục mặt xuống bàn, tay ôm bụng, tay rờ trong ngăn bàn để lấy túi xách. Tiếng túi bóng lạo xạo. Vi chợt nhớ ra gói xôi ông Hạ mua cho cô lúc sáng, cô còn đang ăn dở. Một cơn đau nhói nổi lên, lan từ giữa bụng ra tận xương sườn. Ôi không có lẽ nào ...?
* * *
Hôm nay Vi có buổi học tập huấn nghiệp vụ trên thành phố. Sáng sớm tiếng chuông báo tin nhắn đã đánh thức cô: “Dậy đi bé ngoan của anh!”.
Thế là dù thèm ngủ nướng thêm ít nữa, cô vẫn vùng ra khỏi chăn. Bên ngoài trời còn mờ mờ sương. “Sao anh dậy sớm thế?”. “Anh thao thức không ngủ được em à!”. “Hi hi, thao thức gì?”. Vi hỏi trêu vậy. Chính cô cả đêm qua cũng chộn rộn khó tả, giờ vẫn thèm ngủ. Sau bao nhiêu lần né tránh, trưa nay Vi sẽ ở lại, đi ăn cùng với ông Hạ.
Cô xuống tầng. Duy - chồng cô vẫn đang say giấc. Vẫn cái điệu nằm xếp gọn chân tay ngay đơ ấy. Mùi mồ hôi nồng nồng ấm ấm toả khắp phòng. Nếu phải ngày trước cô đã đứng lặng một lúc, cố hít cho đầy lồng ngực mùi hương cơ thể ấy, để rồi đánh thức bao nỗi khát khao và cũng khơi dậy cảm giác ê chề tuyệt vọng. Nhưng sáng hôm nay thì không. Vi đi nhanh qua phòng như để trốn chạy. Cô nhịn thở một lúc. Cứ như thể nếu cô tiếp tục thở, cô sẽ chết ngập trong sự vây toả của mùi hương đó. Anh đã bỏ mặc em! Anh đã lừa dối em! Anh đã xúc phạm em! Em không cần anh nữa! Vi đã lẩm nhẩm điều đó như đọc thần chú suốt từ lúc cô xuống tầng. Nó cũng thật hiệu nghiệm. Cô không còn cảm giác tội lỗi hay bất an. Cô đi học kia mà.
Vi đang với tay lấy bát thì lại nghe tiếng chuông tin nhắn quen thuộc: “Em đi học chưa bé con?”. “Em chuẩn bị cơm nước đã rồi mới đi anh ạ, nay em đi cả ngày mà!”. “Thế thì muộn mất em à”. “Biết thế!”. “Kệ ông xã nhà em đi. Có phải trẻ con đâu mà em cứ phục vụ như osin vậy nhỉ? Nay đi ăn sáng với anh nhé?”. Vi bối rối. Lôi bó rau trong ngăn tủ ra, cô lại cất vào. “Em đi chưa?”. “Chờ em tý!”. Vi đi qua phòng ngủ, lại hít vào cái mùi mồ hôi, hơi thở của chồng, nồng nồng ấm ấm. Vi bước vội lên cầu thang. Nhưng được mấy bậc cô quay xuống. Mình phải nấu thức ăn mặn, cắm sẵn nồi cơm để đó đã.
“Em đâu rồi? Anh đang đợi em ở đầu đường Xuân Hương”.
Vi vội vàng khoá cổng, lên xe phóng thật nhanh ra khỏi con ngõ vắng. Đường Xuân Hương cách nhà cô ba dãy phố. Đi lòng vòng cũng mất chục phút. Chắc là ông Hạ đợi tận đó để tránh những con mắt nhòm ngó buôn chuyện. Ở cái thị xã nửa quê nửa tỉnh này hầu như ai cũng nhẵn mặt nhau. Vi với ông Hạ cùng cơ quan, chuyện gặp gỡ cũng chẳng có gì lạ. Nhưng biết đâu đấy…
- Trời ơi, sao em chậm thế!
Ông Hạ ló đầu ra khỏi cửa xe khi Vi vừa xịch đến sát cửa. Cái trán ông cau lại kéo những nếp nhăn rõ hơn. Vi chưa kịp nói gì thì ông đã giúi vào tay cô một túi bóng đựng hộp xốp.
- Anh mua xôi cho em đây, mình chẳng kịp đi ăn sáng nữa đâu. Để bữa trưa nhé!
- Thôi anh! Không kịp thì thôi.
Vi bối rối đẩy gói xôi lại, cảm thấy hụt hẫng. Thế mà vừa lúc nãy Vi đã loay hoay mãi với cái vụ ăn sáng này.
- Ngoan nào, đừng đẩy đưa nữa kẻo người ta nhìn thấy... Trưa anh ra mà. Trưa anh đền. – Ông Hạ nhẹ giọng nịnh, nháy mắt tình tứ.
Vi nhìn quanh, một vài người đi xe máy qua, Vi không dám quay mặt ra đường. Cô đành treo vội gói xôi vào móc xe. Tự dưng cái cục tức nghèn nghẹn lên cổ.
- Vậy em đi đây!
Cô buông sõng câu nói rồi rồ máy, lướt lên phía phía trước. Người đâu, đã hẹn mình thế… Nhìn qua gương chiếu hậu cô thấy ông Hạ cũng quay đầu xe, về thị xã.
Vi đến lớp lúc chuông báo chuẩn bị vào giờ học. Cô ngồi riêng một bàn ở cuối phòng. Từ lúc nãy nghĩ miên man, cô đã nguôi giận. Người ta đợi lâu quá, người ta cũng đã mua xôi cho mình rồi còn gì! Trưa nay… Cô không muốn để cảm xúc tiêu cực làm hỏng cuộc hẹn ngọt ngào này. Vì vậy, dù chẳng có cảm giác đói hay thích thú gì, Vi cũng giở gói xôi ra.
* * *
Bây giờ cơn đau bụng mỗi lúc một tăng. Không có lẽ nào? Lúc nãy, Vi không nhận ra món xôi gấc quen thuộc cô vẫn thường mua ở gần cổng cơ quan. Lúc Vi ăn, gói xôi đã nguội rồi, có cảm giác rời rổng, nhạt nhẽo. Vậy mà cô vẫn cố nuốt. Bây giờ thì…. “Ting”, chuông báo tin nhắn. Vi quay nghiêng người xem, bụng lại nhói đau. “Em iu ơi! Em học chưa? Anh xin lỗi nhé. Anh đợi em mãi rồi con trai gọi nên anh phải về. Hẹn em trưa nay nhé. Anh mong nhanh đến trưa quá!”. Cô với tay gấp quyển vở lại, lấy túi xách trong ngăn bàn rồi lom khom lủi ra.
Nhà vệ sinh giáp ngay bên lớp học nên từ đây Vi vẫn nghe thấy tiếng giảng bài của thầy. Vi nghe thật rõ, nhưng cô không hiểu lắm. Vi giở điện thoại, nhắn tin lại cho ông Hạ. “Em đang phải nghe giảng trong nhà vệ sinh”. “Ui, sao lại thế em?”. “Em bị đau bụng. Buồn…”. Vi chẳng biết từ bao giờ cô không ngại nói những chuyện rất trần đời như thế, với một người đàn ông. “Ui, khổ thân em tôi!”. “Tại xôi của anh hay sao ấy!”. “Ôi, sao lại thế được? Anh vào tận cái hiệu xôi nổi tiếng nhất mua cho em đấy!”. “Em không biết, giờ em đang đau đây này”. “Khổ thân em tôi! Em vào phòng y tế xem sao. Trưa anh ra”. Vẫn những dòng tin ngọt ngào Vi đã quen nhận, cũng như Vi đã quen cả việc ôm điện thoại khi đi ngủ, lúc vào nhà vệ sinh. Ông Hạ không nhắn thêm nữa, Vi cũng không nhắn lại. Cô cất điện thoại để xoa dịu một cơn đau vừa nhói lên và âm ỉ lan ra hai bên sườn. Cố không nghĩ tới cơn đau. Vi nhớ lại cái thời khắc cô đã lần đầu tiên chao đảo bởi một người đàn ông đáng tuổi cha chú mình.
Trưa hôm ấy, không được báo trước, Vi phải ở lại dự liên hoan ra mắt Phó Giám đốc mới - người trực tiếp phụ trách phòng của cô. Đó là một người đàn ông có mái tóc cổ điển, thỉnh thoảng lại xòa tay luồn vào tóc, hất ngược về phía sau rất kiểu cách. Giấu sau cặp kính là đôi mắt đã sụp một phần mí nhưng ánh nhìn rất sắc. Và Vi chưa bao giờ thấy một người đàn ông nào, đã qua cái tuổi ngũ tuần rồi mà đường môi vẫn còn tươi roi rói thế kia. Sếp mới nói chậm và trầm, rành rõ từng tiếng: “Tôi tên là Hoàng Hạ. Nghĩa là nắng hạ vàng. Tuổi tôi đã qua trưa, sắp xế chiều, nhưng vẫn là nắng hạ vàng tràn đầy sinh lực trong cương vị mới đấy nhé!”. Nói ngắn gọn thế thôi, rồi ông Hạ cười thật tươi. Nếu có những nụ cười tỏa nắng thì đây là nụ cười tỏa nắng của một người đàn ông lớn tuổi, khiến cả những nếp nhăn không còn là dấu hiệu của tuổi tác nữa mà là của một niềm vui sướng hồn nhiên lây lan sang cả người khác. Vi nhớ cả căn phòng yên lặng rồi rộ lên tiếng cười. Mọi người ăn uống, chúc tụng và hát hò tưng bừng. Sẵn dàn Karaoke ở sân khấu mini, phòng Vi hôm đó ai cũng phải lên hát một bài tặng sếp mới. Lúc Vi lên, dù đã rất hào hứng cô vẫn lạc giọng ở mấy câu đầu, giọng cô lẫn vào những tiếng ồn ào vui vẻ. Từ trên sân khấu, cô thấy ông sếp mới tay cầm cốc bia đang nhanh nhẹn đi đến dãy bàn cuối để giao lưu. Ông Hạ đến bàn nào, bàn đó rộ lên tiếng chào, tiếng cười, tiếng chúc. Không bị hàng chục con mắt đổ dồn vào mình, Vi thấy thoải mái hơn. “…Em là cánh én nhỏ chao xuống giữa đời anh, cho lòng anh xao động thành mùa xuân ngọt lành…”. Giọng Vi vút lên trong trẻo lạ, và ngay lập tức, Vi chỉ còn nghe thấy mỗi giọng hát của mình hòa cùng tiếng nhạc. Cả căn phòng như ngừng hết những tiếng ồn ào. Tự nhiên Vi bối rối. Vi nhìn thấy ông Hạ ở cuối phòng, đang đứng yên lặng nhìn cô, tay vẫn cầm cốc bia. Và rồi, người đầu tiên vỗ tay, tán thưởng nồng nhiệt nhất, chính là ông Hạ.
Thế là Vi bị cuốn vào không khí vui vẻ, ồn ã của buổi liên hoan, không nghe thấy chuông điện thoại reo lên mấy lần từ lúc nào. Chỉ đến lúc ra ngoài, giở điện thoại cô mới giật mình. Có năm cuộc gọi từ số máy của chồng. Cô gọi lại, chưa kịp nói gì, chồng cô đã lên giọng: “Cô có biết bây giờ là mấy giờ rồi không? Trưa không về cơm nước cho chồng con mà đi đàn đúm ở đâu không nghe điện thoại? Cô được lắm!”. Tất cả những vui vẻ, rộn ràng vừa nãy đã vụt tan biến như ảo ảnh. Cô dựa vào tường và ôm ngực. Điện thoại cho chồng không được, cô mới phải viết tin nhắn, thế mà chẳng hiểu sao cô đã gõ mà chưa nhấn nút gửi. Bây giờ phân trần qua điện thoại, Duy không thèm nghe, cho rằng cô trí trá. Cô cúi đầu, những giọt nước mắt cứ tự nhiên ứa ra, lăn dài trên gò má.
- Trời ui! Có phải giọng ca vàng vừa nãy đây không? Em làm sao thế?
Vi thảng thốt, vội lấy tay lau nước mắt, ngước mặt lên. Đó là ông Hạ. Ông sếp mới nhìn cô, ánh nhìn thăm dò, như sẵn sàng chia sẻ:
- Nhân viên mới của tôi có chuyện gì thế? Ai bắt nạt em à?
Vi thoáng thấy cái nheo mắt như cười đùa, nhưng giọng nói thật ấm áp, vẻ chân tình.
- Dạ, không, không có gì đâu ạ! Em ổn thưa sếp!
Vi cố gắng nở một nụ cười.
- Ổn thật không nào? Có chuyện gì thì cũng nghĩ nhẹ nhàng lên em ạ! Em vào trong vui với đồng đội nào! Lấy tinh thần chiều còn làm việc chứ?
- Dạ vâng ạ!
Trước khi đi qua Vi, ông Hạ vỗ vai Vi nhẹ nhẹ, thật trìu mến.
Từ bữa đó, cô nhận thấy sếp mới luôn dành cho cô một sự quan tâm đặc biệt. Ngoài công việc, ông Hạ tìm hiểu cả chuyện gia đình, đời tư của tất cả các nhân viên trong phòng, nhưng Vi là người mà ông hay hỏi chuyện nhất. Thế rồi những tin nhắn chia sẻ cứ ngày một nhiều, bắt vào nỗi buồn, vào niềm vui của Vi từ lúc nào. Đến nỗi thành quen. Nếu thiếu đi những dòng tin ấy, Vi thấy trống trải, hụt hẫng vô cùng.
Bây giờ, điện thoại vẫn nằm im trong túi sách. Vi đứng ôm chặt bụng, dựa vào bồn rửa mặt trước gương. Ở tư thế này, Vi thấy đỡ đau bụng hơn. Trong gương là một khuôn mặt người đàn bà tuổi ba mươi, tàn nhang đã điểm vài nốt thời gian lên đôi gò má hơi cao. Vi không xinh. Chưa bao giờ Vi thấy mình xinh. Gương mặt Vi có những đường nét góc cạnh, đường môi cong cong. Vi không hiểu ông Hạ thấy Vi hấp dẫn ở điểm nào. Sự quan tâm của ông Hạ khiến Vi nghĩ ngợi. Một người đàn ông thành đạt, tự do, có thiếu gì cơ hội cặp kè những bông hồng xinh tươi ở đây? Vậy mà… Đã vài lần Vi nhắn tin hỏi. Ông Hạ lúc thì bảo vì cái ấn tượng khó phai hôm gặp gỡ; lúc nói vì thương Vi, vì Vi duyên ngầm… Dù thế nào Vi cũng thấy tự tin về mình hơn trước - điều mà Vi không bao giờ có được trong mối quan hệ với chồng. Lúc hậm hực chuyện gì, Duy thường xoáy sâu vào nỗi tự ti của Vi bằng cách đem cô so sánh với những người khác mà Duy từng theo đuổi. Vi chỉ là người lấp vào chỗ trống, bù đắp những thiếu thốn của Duy khi phải rời bỏ thủ đô hoa lệ về cái phố núi hẻo lánh này. Đối với Duy, cô chỉ là người vợ bếp núc mà Duy tặc lưỡi lấy về để chiều lòng mẹ mình thôi.
* * *
- Tùng! Tùng! Tùng!
Tiếng trống vang lên báo hiệu giờ học đã hết. Thầy giáo ngừng giảng, dặn bài về nhà và thông báo chiều nay nghỉ. Vi nghe thấy liền sau đó những tiếng ồn ào. Tiếng gấp sách vở loạt xoạt; tiếng bàn ghế va vào nhau, kéo xoèn xoẹt trên nền nhà; tiếng cười nói vui vẻ. Bụng Vi lại quặn lên. Có những bước chân gấp gáp về phía nhà vệ sinh, rồi Vi thấy ai đó giật cửa. Cái móc khoá rung lên. Một giọng nữ khàn đục :
- Ai ở trong đấy? Nhanh lên cho nhờ tý nào!
- Chị chờ một lát nhé!- Vi trả lời
Vi không thấy người kia nói gì. Một vài tiếng bước chân nữa.
- Có người rồi
- Lâu thế không biết.
- Thôi, về nhà vậy!
Những tiếng giày dép quèn quẹt trên nền gạch hoa nhỏ dần, xa dần. Tất cả trở nên vắng lặng. Vi biết còn một mình mình, với cơn đau bụng đang quặn lên từng hồi.
Mồ hôi Vi vã ra, tan nhè nhẹ dọc sống lưng, chảy dòng hai bên thái dương. Vi thấy ớn lạnh. Tiếng chuông điện thoại lại reo. “Em đỡ chưa em yêu?”. “Em còn đau lắm”. “Ôi, anh thương em quá!”. “Giá mà anh ở đây với em”. “Ừ nhỉ. Tiếc thật em iu ơi! Trưa nay anh lại bận, không ra đó với em được rồi”.
Vi cảm thấy hụt hẫng. Lần thứ hai trong ngày Vi cảm thấy rõ mình như đang rơi. Bỗng nhiên một lúc lâu Vi không thấy bụng mình quặn lên nữa.
“Em thông cảm cho anh nhé. Yêu em nhiều lắm”.
Vi thấy những dòng chữ đó cứ len len trong cuống họng mình. Nó có vị ngọt. Nhưng là vị ngọt lợ của thứ gia vị khiến Vi muốn nôn. Vi ôm cổ, vuốt xuôi xuống. Không được rồi. Cảm giác lạnh lạnh sống lưng lúc nãy giờ lại nổi lên, và Vi thấy gai gai khắp người. Vi bụm miệng quay lại toa lét và nôn thốc nôn tháo. Bụng Vi co thắt dữ dội, mỗi đợt trào lên nó thoát ra như vòi ô roa. Có những hạt cơm màu cam trong cái thứ vừa xổ ra từ miệng Vi ấy. Rồi sau đó là từng đợt nước chua khét miệng. Vi thổn thức, tim đập thình thình, nước mắt nước mũi tứa ra. Cơn co thắt dần ít đi, thành bụng đau đau nhưng Vi thấy dễ chịu hẳn. Vi lại đứng trước gương. Nhìn cái hình người trong gương, Vi chẳng nhận ra mình nữa. Đôi mắt lờ đờ, mệt mỏi. Tóc mái loà xoà và tóc ở hai bên rũ ra, rối tung trên gò má nhợt nhạt. Đôi môi nhợt nhạt. Từ lúc nãy Vi đã vũm nước xúc miệng, vã nước rửa trôi hết cả son phấn rồi. Ừ, nhìn mình tả tơi như vừa lâm trận.
Vi chợt nhớ lại cái hôm cãi nhau với chồng xong cô cũng đứng trân người trước tấm gương trong nhà tắm. Qua tấm gương, Vi cứ nhìn trân trân vào bên má còn hằn dấu tay thô bạo của Duy. Nước mắt lúc ấy đã khô rồi, nhưng Vi vẫn còn thấy tê rát, dấp dính trên mặt. Một vệt tóc dính bết vào bên má phải, vẹt một nét đen sì như vết rạch trên má cô. Đôi mắt cô đỏ ngầu, và cũng mệt mỏi như bây giờ. Đã quá nhiều tan vỡ trong cô. Việc hôm ấy chẳng có gì to tát nhưng Duy cũng kiếm cớ gây sự.
- Anh với tôi á? - Duy dằn giọng - Mày dám xưng tôi với tao à! Láo toét!
Và Duy hùng hổ giơ tay. Vi không kịp né. Má cô in trọn năm ngón tay như dùi cui của người chồng gia trưởng, vũ phu. Cô loạng choạng sau cú tát đó. Cô im bặt, không nói thêm lời nào, và cũng không khóc như mọi lần nữa. Vi mở to mắt nhìn thẳng vào đôi mắt đục ngầu của Duy. Có vẻ Duy cũng bất ngờ trước ánh mắt như nòng súng đã lên đạn ấy của cô. Bàn tay xoè ra vẫn còn đang dang ra từ từ nắm lại và thả xuống, môi Duy rung lật bật:
- Mày... mày dám, mày dám...
- Tôi xin lỗi.
Giọng Vi lúc ấy thật nhỏ, nhẹ, nhưng rõ từng tiếng. Nói xong, cô quay lưng bước vào nhà tắm khoá trái cửa lại. Cô cũng nghe thấy tiếng Duy ngồi phịch xuống ghế ngoài phòng khách, liền sau đó tiếng ti vi ầm ầm lên. Lúc nào có gì bực tức, Duy làm như thế. Nhưng cô không nghe thấy rõ ràng một thứ âm thanh nào. Tai cô ù ù và tâm trí cô thì rơi xuống tận một vực thẳm nào đó. Cô cứ đứng lặng nhìn mình trong gương. Đôi mắt trong gương đang nhìn lại cô, lúc thất thần ngơ ngác, lúc ánh lên vẻ đau khổ tột cùng. Tại sao Vi cứ phải chịu đựng? Vì con ư? May mà thằng bé hôm nay không ở nhà... Còn yêu thương gì không mà níu kéo? Không. Vốn dĩ Duy đã không yêu cô, mà nếu có, cũng chỉ là chút tình cảm chóng vánh của một thời nông nổi sau khi đã chán chê chơi bời nơi phố thị. Vi tỉnh ra nhanh chóng, ngay sau ngày cưới vội vã với cái thai trong bụng, để nhận ra điều ấy. Dẫu cả hai vẫn làm ra vẻ như không có chuyện gì để cho bố mẹ chồng vui lòng, nhưng những lúc về nhà riêng cãi vã, đã nói với nhau những lời cay đắng, đã dùng bạo lực để nói chuyện với nhau thì có gì yêu thương, trân trọng nhau nữa... Có còn là của nhau không? Trớ trêu thay, đã từ lâu Duy chẳng gần gũi cô. Cái chỗ của cô, Vi nghĩ, Duy dường như đã dành cho người nào khác mất rồi. Vi phải làm gì bây giờ? Vi nhìn vào mình trong gương. Dòng nước mắt lặng lẽ bò trên má, lấp lánh dưới ánh điện. Vi phảng phất nghĩ đến ông Hạ. Tiếng chuông điện thoại đột nhiên reo lên làm Vi giật mình. Tiếng chuông tin nhắn. Vi lục tìm trong túi áo. “Vi đang làm gì đấy Vi ơi ?”
Vi đã nhè nhẹ tan theo dòng tin nhắn ấy. Nghĩ đến người, người đột nhiên xuất hiện! Phải chăng là duyên? Vi nhấn nút gửi : “Em đang khóc!”. “Trời ui, sao thế bé con? Em đang ở đâu?”. “Em đang ở nhà”. “Khổ thân em tôi, ông xã lại bắt nạt em à?”. Vi bụm miệng chặn tiếng nấc lại. Trời ơi, Vi cảm thấy lạnh, Vi thèm một vòng tay ôm ấp, che chở biết mấy. “Vi ơi, nín đi, thương em quá. Chiều nay em có rỗi không?”. Vi lúng túng. “Chiều nay mấy anh em trong cơ quan rủ đi liên hoan, em đi cùng cho vui nhé!”. “Sao không trả lời anh? Em đi đi em, không phải ngại đâu. Vui lên nào!”. Vui lên nào! Từ nãy Vi đã thôi không khóc, thôi não nề. Vi nhắn tin lại “Vâng anh ạ!”. Và chiều hôm đó, Vi nhớ mình đã cười rất nhiều. Vi đã uống rượu, đã để ông Hạ đưa về.
Về nhà, Vi đi vội vào nhà tắm. Vi lại nhìn mình trong tấm gương ấy. Vi thấy mắt mình long lanh, má mình đỏ hồng, môi mình như một quả dâu tây thật khêu gợi. Rượu hay niềm vui đã trang điểm lại gương mặt Vi? Hay cái nhìn tình tứ của ông Hạ suốt cuộc vui đã khiến Vi đỏ mặt như một thiếu nữ lần đầu trong cuộc hẹn hò? Lúc ấy Duy đi đâu chưa về. Mà Duy có về, cũng không thể làm hỏng mất những phút giây thăng hoa này trong tâm hồn cô. Vi cứ say sưa ngắm mình trong gương như thế.
Có phải Vi của ngày hôm đó đây không? Đã trưa lắm rồi, cơn đau bụng cũng biến mất từ lúc nào, nhưng trông Vi nhợt nhạt quá. Vi lục tìm trong túi xách thỏi son. Vi tô lên đường môi hơi cong cong của mình. Duy, chồng cô, mỗi lần to tiếng lại bực tức bảo: “Cụp ngay cái miệng lại. Ai cho cô cứ cong môi lên mà cãi chồng như thế! Trông mà phát kinh!”. Nhiều lúc Vi thèm được chồng hôn, nhưng nhớ lại những lần anh ta nói thế, Vi lại thấy tủi hờn. Tại sao Vi lại phải khuếch trương mặc cảm về mình chỉ vì những lời nói bẽ bàng của chồng như vậy chứ! Có lần ông Hạ nhắn tin: “Vi có làn môi thật gợi cảm. Đường cong mềm mại và mịn màng như một cánh hồng khiến người ta phát thèm!”. Vi biết ông Hạ lả lơi tán tỉnh vậy, nhưng cô thấy vui vui. Trước đây, Vi hầu như chẳng bao giờ đụng đến phấn son. Vi nghĩ đã có chồng rồi, điểm tô để làm gì. Với lại bỗng dưng mất thêm một khoản phí nhan sắc, Vi không nỡ. Đằng nào cũng chót đời rồi. Vi thường tự nhủ như vậy, và chỉ chăm chăm lo bếp núc cho chồng, cho con.
Bây giờ, nhìn đôi môi mình vừa tô son, Vi thấy đẹp. Đúng là cánh môi cong nơi khoé miệng, giống như đường viền của một cánh hồng đang hé nở. Và đôi mắt Vi, đã như một khoảng trời tạnh ráo sau cơn mưa. Vi lục túi lấy hộp phấn hồng. Ai đó đã từng nói người phụ nữ như một đoá hoa mà năm tháng tỉa dần từng cánh. Vi chỉ mới bước qua tuổi ba mươi thôi, vẫn đương là đóa hoa đang nở. Vi biết mình không nuột nà, hấp dẫn nhưng cũng có những đường nét duyên dáng dễ nhìn. Không có người đàn bà xấu, chỉ có người đàn bà không biết làm đẹp! Đúng thế! Vi không nhớ mình đã có thói quen trang điểm, chú ý tới hình thức của mình khi nào. Vi chỉ nhớ vào cái hôm cô đứng trong nhà tắm nhận tin nhắn của ông Hạ xong, cô đã ra phố mua một thỏi son, một hộp phấn. Thỏi son, hộp phấn cô đang dùng đây là quà 8/3 của ông Hạ tặng.
Vi nghiêng một bên má sát vào tấm gương, cô nhìn rõ những nốt tàn nhang trên gò má hơi cao. Vi lấy bông phấn vỗ nhẹ lên đó, rồi xoa nhẹ khắp bên má. Bên kia cô cũng làm thế. Lòng cô nhẹ bỗng khi ngắm gương mặt mình đang rạng rỡ dần trong gương. Ánh mắt Vi đen láy, đang lóng lánh niềm vui. Trưa nay không có ông Hạ ra đây, Vi cũng sẽ lang thang ở phố thị đến chiều mới về. Vi sẽ đi ngắm nghía mấy cái shop quần áo. Tháng lương tới Vi sẽ mua một cái váy. Duy chắc sẽ hậm hực nhưng Vi cứ sẽ mua. Mình cần phải yêu mình, trước khi quá muộn. Vi nghĩ như vậy!
Đang mải nghĩ trong đầu thế, tiếng chuông điện thoại lại reo lên. Lần này là cuộc gọi. Vi mở máy. Mẹ chồng Vi gọi.
- Dạ, con nghe đây ạ !
- Vi à con, con đang còn học hay đã nghỉ rồi?
- Dạ, con vừa nghỉ mẹ ạ. Có việc gì thế mẹ?
- Thế chiều có học nữa không con?
- Dạ, con không, con nghỉ, nhưng...
- Không học thì về đây mẹ có việc nhờ tý! Bé Bi vẫn ngoan con nhé!
Vi đã định nói dối mình bận để ở lại, nghe mẹ chồng thông báo con vẫn ngoan, cô chột dạ, mặt tự nhiên nóng bừng. Thường thì trưa nào gửi con cho ông bà, Vi cũng gọi về nhà hỏi thăm xem con thế nào, để nghe con trai bi bô qua điện thoại. Thế mà hôm nay...
- Sao thế con? Có được không con?
Vi bối rối:
- À, à, được mẹ ạ, con về luôn đây mẹ ạ!
- Được, vậy mẹ phần cơm cho con nhé! Con đi cẩn thận nhé!
- Dạ vâng ạ !
Vi nhìn màn hình thấy bên kia mẹ chồng tắt máy rồi cô mới bỏ điện thoại vào túi xách. Vi nhìn lại mình trong gương. Lớp phấn hoá trang hẳn không phải là nguyên cớ khiến má cô hồng rực lên như thế này. Ôi không! Cô đã nghĩ gì thế? Đã định làm gì thế?
Vi vặn vòi nước, lấy tay vũm nước vã lên mặt. Cô rửa trôi tất cả lớp phấn son vừa mới bôi! Cô rút tờ khăn giấy trong túi ra thấm nước. Mặt cô vẫn hồng, tươi, nhưng không phải vì phấn son. Mắt cô long lanh. Cô nhíu mày. Ánh mắt này có gì đó lẳng lẳng, không phải của cô ngày trước. Vi buộc gọn tóc lại rồi bước ra ngoài.
Vi đi qua lớp học. Những cánh cửa mở toang. Có tiếng bàn ghế va vào nhau lạch cạch phía cửa sổ đằng trước.
- Chào bác ạ! Trưa rồi mà bác chưa nghỉ ạ?
- Chào cô! Cô về muộn thế - Bác lao công ngẩng đầu đáp lại, rồi lúi húi dúi chổi khua ngăn bàn.
- Dạ!
- Ối giời! Cô xem này!
Vi đã rảo bước qua ô cửa ấy rồi, cô ngoái đầu lại.
- Cô xem này, còn hẳn một gói xôi to đùng!
Vi nhận ra ngay chỗ ngồi quen thuộc của mình.
- Mình mà không thò vào ngăn bàn thì hôm sau có mà nó bốc mùi lên, ai ngồi được! Ai mà vô ý thế không biết!
Tự nhiên chân cô chùng xuống, ngượng ngùng.
- Ôi, vậy bác vứt đi hộ!
- Thế này thì phí phạm quá! Chả biết của ai! Ăn không hết thì mang về cho ai đó chứ!
- Vâng, chắc nó hỏng nên họ mới bỏ thế, bác vứt đi hộ ạ!
- Phải thế thôi!
Vi đi xuống hành lang vẫn còn nghe tiếng bác lao công già than vãn về cái sự lãng phí, vô ý thức của ai đó. Bỗng nhiên cô thấy buồn cười. Vi muốn cười thật to. Cô đưa tay nén chặt bụng lại. Không còn cảm giác đau nữa, Vi thấy hơi đói. Vi đi nhanh ra nhà xe. Vi phải về với con trai yêu quý của mình thôi!
Cô như đang nghe thấy bên tai tiếng reo líu ríu của bé Bi: “Mẹ Vi! Mẹ Vi đã về! Mẹ về đón Bi này!”. Và đôi bàn tay bé xíu giơ ra phía trước, những bước chân chao chao chạy về phía Vi. Còn mẹ chồng cô, đứng trên thềm cười tít mắt mắng yêu: “Bố nhà em, thấy con đẻ về là tíu tớn lên!”. Vi cười, bé Bi cười, và mẹ chồng cô cười thật mãn nguyện.
Lúc lên xe, đang định nổ máy thì Vi lại nghe có chuông báo tin nhắn. “Em iu ui, em khỏi chưa?”. “Em khỏi rồi anh ạ.”. “Ôi thế à, khỏi sao không nhắn tin cho anh? Giờ anh ra với em nhé!”. “Thôi, giờ em về đón con anh ạ”. “Ô, chiều em được nghỉ à? Tốt quá, đừng về nữa. Đợi anh nhé!”. Vi không trả lời. Cô tắt điện thoại và nổ máy.
D.P
(Nguồn: VNNB 234/ 1-2020)