Thứ sáu, 04/10/2024

Hàng xóm

Thứ năm, 17/10/2019

Truyện ngắn của NINH ĐỨC HẬU

Sắp xếp nhà cửa xong, Khương thở phào, bảo vợ:
- Anh thề, đây là lần cuối cùng chuyển nhà, mỗi lần “dịch chuyển” là một lần mệt mỏi đến tổn thọ. - Vợ Khương “xì” một tiếng:

 

            - Lần trước và cả lần chuyển nhà trước nữa anh cũng nói vậy. -Khương cười:

            - Thì tại hoàn cảnh thôi… Nhưng lần này dứt khoát lần cuối. – Giọng Khương trầm xuống –  Chuyển đi chuyển lại ngại chết đi được.

            Vợ Khương không nói gì nữa, cầm cái chổi đi vào bếp. Khương nhìn theo, miệng tủm tỉm, cũng chẳng biết tủm tỉm vì cái gì. Khương đảo mắt, ngó nghiêng phòng khách, xem sự bầy biện, tủ kệ, bàn ghế có chỗ nào bất hợp lý không. Phòng khách có hơn hai mươi mét vuông nên bày biện cũng khó, chỉ riêng 2 cái tủ sách to tổ bố đã chiếm gần nửa, lại cả bộ xa lông kềnh càng cũng chiếm thêm gần nửa nữa rồi. Tuy nhiên sự sắp đặt theo ý vợ nên Khương cũng thấy ưng ý. “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, cô ấy vừa tham gia bầy biện sắp đặt vừa lẩm bẩm câu ngạn ngữ này. Chật thì chật, nhưng khéo sắp xếp nên cuối cùng cũng tươm tất. Cảm thấy không thể không hài lòng, Khương khoan khoái ngả mình xuống đi văng. Suốt mấy tiếng đồng hồ, hết khuân vác lại kê đặt, nâng lên hạ xuống, chuyển chỗ này, dịch chỗ kia… giờ Khương thấy mình mẩy ê mỏi. Anh thả lỏng, hít một hơi dài, hai mắt lim dim, rồi dần chìm vào giấc ngủ.

            - Ối mẹ ơi! Ối bố ơi! – Tiếng thằng Dũng thất thanh. Khương giật bắn mình, bật ngay dậy. Theo bản năng anh hỏi trong sự hốt hoảng:

            - Gì thế con? Gì thế hả Dũng? - Thằng Dũng hớt hả chạy từ khoảng trống nối nhà trên với dưới bếp lên phòng khách:

            - Cứt… cứt … cứt…

            - Cái gì? – Khương cau mày quát!

            - Là cứt bên kia họ vừa ném sang.

            Khương thừ người. Anh thở dài. Đầu anh lởn vởn những ý nghĩ vừa thoáng rất nhanh. Thôi rồi … Hàng xóm “bầy nhầy” rồi. Anh tự trách “Mình ẩu quá, chẳng tìm hiểu kỹ càng gì, hấp tấp chuyển nhà”. Bất chợt anh nghĩ đến gia chủ vừa nhượng lại nhà cho anh “Thảo nào người ta bán tống bán táng… Thảo nào mình đưa ra điều kiện gì người ta cũng Okê… Okê… gật đầu lia lịa…”

            Vợ Khương một tay bịt mũi một tay cầm gói phân vào toa lét. Chị xách nước dội xối xả vào chỗ gói phân vừa rơi, rồi cầm chổi rễ quét đi quét lại. Bên kia tường rào có những tiếng cười khục khục và những tiếng khẹt khẹt hỉ hả phát ra bằng giọng bịt mũi: “Thối quá… Thơm quá… Thối quá… Thơm quá… ha ha ha…”

           

 

            Thay vì sự hân hoan, thích thú của việc chuyển đến nhà mới mà mình ưng ý, vợ chồng Khương cảm thấy buồn rười rượi. Buổi tối cơm nước xong chẳng thèm trò chuyện như mọi khi, thay vào đó cả hai vợ chồng ngồi bó gối, hẳn trong đầu cả hai đang thầm tính toán cách đối phó. Thỉnh thoảng họ cùng đánh mắt về phía bên kia.

            Ngày chủ nhật, Khương ngủ dậy muộn. Khi anh mở mắt, Thảo vợ anh đã đi chợ về. Cất đồ vào bếp, quay ra chị thì thào: “Sáng nay một đống rác tú hụ chềnh ềnh trước cửa nhà mình.” Khương chẳng biết nói gì, anh ngao ngán lắc đầu. Thảo thì thào: “Họ còn đứng trước cửa chửi: “Mẹ cha chúng nó ăn ở bẩn thỉu quá”. - Khương an ủi: “Chấp nhận vậy thôi, vừa mới đến, chả nhẽ lại treo biển bán nhà.” - Thảo bảo: “Về lâu về dài cũng phải tính.” - Thằng Dũng bảo bố mẹ giọng hơi to: “Ở nhà con nghe bên ấy cứ quay sang nhà mình chửi: “Sư cha cái lũ ăn trắng mặc trơn”. - Thảo vội lấy tay bịt miệng con: “Họ nói gì, chửi gì cũng phải im nghe con.”

            Một tháng liền, nhà Khương như sống trong địa ngục. Thi thoảng lại một gói phân, vài đống rác, dăm xô nước thải… kèm đó là những lời tục tĩu quăng sang.

Bỗng dưng, đã hơn một tuần không thấy có vật thể lạ bay sang, vợ chồng Khương vừa mừng vừa lo. Mừng vì không phải dọn, lo nhỡ đâu họ có trò gì khiếp hơn. “Thám tử” Dũng đi dò la về nhà báo cáo. Lão San chủ nhà hàng xóm bị ốm nặng. Thảo bảo chồng: “Tệ thì tệ thật, nhưng họ là hàng xóm, mình cũng nên sang thăm hỏi.”

            Khương gật đầu. Thảo đi mua ít trái cây. Buổi tối hai vợ chồng sang nhà lão San. - Khương bảo:

            - Từ ngày chúng tôi về đây cũng chưa có dịp sang chào hai bác.

            Vợ con San chẳng nói chẳng rằng chỉ lừ lừ mắt. Đang nằm co quắp trên giường thở khò khè mệt nhọc, lão San cũng cố ngóc đầu nghẹo cổ, bĩu mỏ, rồi lại đổ người xuống. Khương mạnh dạn đến sát giường lão San, anh hoảng hốt:

            - Anh ấy bị nặng thế này sao chị và các cháu không đưa đi bệnh viện?

            Vợ San không nói gì. Thằng con trai “hừm”:

            - Đ… có bảo hiểm, mà tiền thì cũng có đ… đâu. - Thảo nghe vậy, bảo:

            - Chúng tôi là giáo viên lương soạn cũng chẳng nhiều nhặn, xong tiết kiệm được mấy triệu, chị và các cháu cứ đưa anh ấy đi viện, rồi lúc nào có thì trả chúng tôi. - Thằng con há hốc mồm ra, mắt trợn lên: “Thật á!”

            Đận ấy nếu không vào viện, chẳng biết chuyện gì đã xảy ra với lão San.  Vài ngày sau, lão San xuất viện. Vài ngày sau nữa thằng con trai lão mang tiền sang trả. Nó sẵng giọng:

            - Nói nhanh cho nó vuông, tính lãi bao nhiêu? - Khương bảo:

            - Giúp nhau lúc khó, lãi lời gì cháu.

           Nó chẳng cám ơn, đặt tiền xuống bàn về luôn. Từ bữa đó, phân không thấy ném sang nữa, nhưng rác thi thoảng vẫn giăng vãi trước cửa nhà Khương. Thảo vẫn âm thầm quét dọn, không kêu ca, cũng chẳng phàn nàn.

***

         Hơn tám giờ, lão San ăn sáng xong, vừa xỉa răng, vừa nhổ phì phì, cọng rau, sơ thịt, bắn lung tung xuống nền nhà. Vợ lão càu nhàu: “Bẩn!” San lườm, vứt cái tăm khỏi mồm, hàng răng vàng sộm nhe ra lởm khởm: “Bẩn thì quét, lắm mồm!” Vợ San lườm lại, nhưng không cãi, bởi biết, giờ mà văng ra một câu nữa lão nổi máu điên, đập ấm đập chén, lại mất tiền mua. Tuy nhiên, vợ lão vẫn tỏ thái độ bực tức bằng cách cầm cái chổi khua đi khua lại trước mặt lão. San lạu bạu: “Sạch rồi, quét đ… gì mà quét lắm thế?”. Cầm cái ấm chuyên trên bàn, ngửa cổ, kề cái vòi ấm vào mồm, không một giọt nước nào giỏ xuống, lão San trợn ngược mắt, dằn cái ấm xuống bàn: “Đ…mẹ…Đ… còn giọt nước nào !” Quay mặt vào nhà trong lão gắt: “Con Miên có đấy không, ra bảo”. Tiếng con gái hơi khàn khàn: “Bảo gì bảo đi!” San nghiến răng: “Ra đây!”. Tiếng dép loẹt quẹt, rồi con Miên mặc bộ đồ ngủ nhầu nhĩ, tay cầm cái điện thoại, mặt mày nhăn nhó: “Đang bận… Bảo gì?” “Mày con gái mà lười thối thây ra. Có ấm nước cũng đ…đun.” “Thì giờ đun”, con Miên vùng vằng đi xuống bếp.

            Đúng lúc, thằng Bằng, máu me đầy mặt, loang đỏ áo sống, từ ngoài sồng sộc chạy vào, lao vội xuống bếp, cầm con dao phay Thái, định chạy đi, San quát: “Đứng lại” Thằng Bằng trợn mắt: “Bố bảo gì” “Mày mang dao đi đâu?” “Không chém sể thịt nó con đ… làm giống người” San đứng lên, giơ tay túm lấy tay cầm dao của thằng Bằng: “Ngu hơn chó. Mày đã có tiền án, giờ chém nó rồi tù rũ xương. Thiếu đ… gì cách trả thù.” Thằng Bằng chững lại, lấy tay quệt dớt dãi đang rỉ ra hai bên mép. Lão San hỏi: “Chuyện gì? Đứa nào đánh mày?” Thằng Bằng gườm gườm hai con mắt vằn những tia đỏ: “Bọn chó ngoài bãi cát. Chúng tranh khách của tôi, rồi cậy đông.” “Xe đâu?” “Vẫn đang ngoài bãi” “Tao biết rồi. Để bọn nó cho tao. Mày vào thay áo, lau sạch máu me đi. Trông khiếp đ… chịu được.” San lấy chai rượu, tu một hơi, cầm cái mũ cối chụp lên đầu, cởi bớt một khuy áo để lộ mảng ngực có săm hình đầu hổ nhe răng, mở ngăn kéo bàn lấy con dao găm dắt cạp quần. Vợ lão nhìn thấy run bần bật: “Đừng đâm người ta nhá” “Đ… phải việc của bà”. Vừa ra đến cửa, lão đụng Khương. Khương hơi thoáng giật mình, tuy nhiên anh nhanh miệng:

            - Chào anh San. - Hắn định không bắt lời, nhưng không hiểu sao lại buột miệng:

            - Vâng! - Thấy mặt lão hằm hằm, Khương biết có chuyện, nhưng anh vẫn hỏi:

           - Anh đi công việc?

           - Vâng!

Không nói thêm lời nào nữa, San nhảy lên xe, định nổ máy, nhưng xe hết hơi. Lão nhẩy xuống, vừa lẩm bẩm “chết tiệt… chết tiệt…” vừa lấy chân đá đá vào lốp xe, làu bàu: “Tức đ… chịu được, đang có việc cần lại hết hơi”. Khương đã định đi, xong anh tắt máy, cầm chìa khóa đến bên lão:

         - Nếu có việc cần anh lấy xe tôi mà đi. - Lão San tròn xoe hai mắt, nhìn Khương như nhìn một người ngoài hành tinh:

        - Ơ… Ơ… Mà thôi… anh cứ đi làm đi… để tôi gọi taxi.

        - Tôi thật lòng đấy- Khương bảo- Hôm nay tôi dạy hai tiết cuối, cũng không có việc gì khẩn cấp, tôi đến trường muộn tí cũng không sao. - Lão San ngần ngừ giây lát, suy nghĩ chút đỉnh, bảo:

        - Thôi được, mượn anh một tí thôi, ra muộn chúng nó lại biến hết. - Khương cười:

        - Xem ra anh đang nóng…- Bớt nóng đi anh. Cứ bớt được một cơn nóng giận nào là mình nhẹ người, khoẻ ra tí đấy.

 Khương nhìn theo San rạp người phóng xe như một “thằng điên” đoán chắc lại đi sinh sự với một ai đó.

            Mấy tháng nay chuyển nhà đến làm hàng xóm của nhà San, Khương đã nhiều lần chứng kiến cảnh đấm đá, vung dao doạ nạt đâm chém, chẳng khác nào trong phim bạo lực, mà các nhân vật trong phim đều là cha con nhà San và những đối tác làm ăn hoặc chơi bời của họ. Vợ chồng lão San có hai con. Thằng Bằng là con cả, và em nó là con Miên. Nghe nói trước thằng Bằng vợ lão cũng đã hai lần sinh nở nhưng đều không thành. Năm nay thằng Bằng cỡ chừng hăm lăm, hăm sáu. Nó cao to, mặt vuông vức, mắt khá sáng, cặp lông mày đều đặn, đôi môi mọng dày… Những lúc nhìn nó không nóng giận, hung hăng hùng hổ, trợn mắt, nhăn mày, méo mồm, phải công nhận thằng Bằng có bề ngoài khá bắt mắt. Vài năm trước nó bị bắt tại một sòng bạc, tuy chỉ là chân chầu rìa, bài bạc ăn theo, nhưng nó cũng bị lãnh án mười tám tháng tù giam. Ra tù, lão San mua cho nó con xe tải, chạy vật liệu xây dựng, chuyên chở thuê loanh quanh trong thành phố. Hồi đầu, còn chở thập cẩm, gạch ngói xi măng, sắt thép, sau rồi nó chỉ chở rặt có cát.

            Bãi cát Hà Tiến, của doanh nghiệp tư nhân, là bãi cát lớn nhất trong gần mười bãi cát nằm bên sông Đáy, chuyên cung cấp cát xây dựng cho thành phố và một số huyện lị kề bên. Hàng ngày có gần trăm xe tải lớn nhỏ vận chuyển cát đến các công trình. Xe của thằng Bằng phần lớn chạy vài khối cho các công trình nhỏ, nên cũng ít bị bọn “tai to mặt lớn” ở bãi cát chèn ép, hoặc bắt nạt. Tuy nhiên gần đây, có dăm bảy xe tải nhỏ như xe của thằng Bằng xuất hiện, bắt đầu có sự tranh giành khách. Tranh giành, kiểu gì cũng dẫn đến ẩu đả. Chuyện đánh nhau ở bãi cát đã trở thành chuyện bình thường.

            Sau những ngày “dằn mặt” hàng xóm mới, thấy nhà Khương xem ra có vẻ cam chịu. Nhất là sau vụ vợ chồng Khương cho vay tiền để đưa lão San đi viện, phía nhà lão San cũng ít “này nọ”. Hơn nữa hai vợ chồng Khương đều là giáo viên, lại có thái độ cử chỉ nhã nhặn, thành thử bên nhà lão San cũng có phần vị nể. Lâu nay có vứt rác, vứt phân, hoặc chửi đổng, chửi bóng gió gì, bên nhà Khương cũng âm thầm chịu đựng. Khi bên nhà mình có chuyện ốm đau hoặc cơ nhỡ gì, họ đều chủ động sang thăm hỏi và sẵn sàng giúp đỡ. “Du côn du kề” “đểu giả” mấy đi chăng nữa, nhà San cũng nhận ra rằng hàng xóm mới của nhà mình là những người tử tế. Một lần San bảo vợ con, từ nay thôi không đụng chạm đến nhà thầy cô giáo nữa, họ hiền lành và chẳng làm gì tổn hại đến nhà mình.

            Một lần thấy thằng Bằng đứng ngoài cửa Khương gọi nó vào nhà uống nước. Nó lấc láo nhìn hai tủ sách to đùng trong nhà Khương, bảo:

            - Chú nhiều sách quá. - Khương bảo:

            - Toàn sách hay đấy, cháu có thích đọc không? - Thằng Bằng cười:

           - Cháu văn hoá lùn thì sách vở gì.

  Lần khác thằng Bằng sang chơi, nó thật thà:

- Hồi đầu chú chuyển về đây, cháu biết chú là trí thức nên ghét lắm.

- Sao lại ghét trí thức? – Khương hỏi lại. - Thằng Bằng ngượng ngùng:

- Ghét thì ghét thôi cũng chẳng biết sao ghét. Cháu ném phân ném rác sang đấy, giờ chú đừng giận cháu nhé.

            Khi đã thực sự tin tưởng vào Khương. Thằng Bằng kể:

            - Hôm đầu đánh xe ra bãi cát, thằng bảo vệ ở đây đòi cháu phải làm luật. Cháu hỏi, bao nhiêu. Năm lít. Năm lít cái mả mẹ mày. Thằng này láo, không năm lít thì biến. Tao đ… biến. Mẹ mày chứ, bố mày chở cát là mày có phần ở đấy rồi. Thằng bảo vệ sấn tới, vung tay đấm vào mặt cháu. Nó có biết đâu cháu vừa ở tù về, mà trong tù vì bảo vệ tính mạng mình nên cháu cũng học lỏm được các “đại ca’ vài chiêu. Cháu né mặt sang một bên, rồi nhanh như cắt cháu tung người song phi một phát. Cái chân giầy của cháu xơi ngay vào cái mặt như mặt chuột của nó.

            - Cháu liều nhỉ!- Tôi bảo

            - Không thế nó bắt nạt. Ở đời nhút nhát quá hay bị bắt nạt. Cũng như…

            - Cũng như mấy tháng trước nhà chú chuyển về đây chứ gì. - Thằng Bằng cười khục khục:

            - Hôm nọ chú bảo hết giận rồi cơ mà.

            - Thì chú nói vui thôi.

***

Lão San đi chừng mười lăm phút đã quay về, mặt mày vẫn hằm hằm:

- Chúng biến hết rồi. - Khương bảo:

- Vậy là may… À mà tôi bảo bọn chúng gặp may. - Lão “sì”, định văng tục, nghĩ sao lại thôi:

- Tôi trả xe, anh đi làm đi kẻo muộn.

Thực ra ở ngoài bãi cát, mấy đứa tranh khách với thằng Bằng vẫn còn đó. Lão San hùng hổ lao đến mấy cái xe đang “ăn cát”:

- Đ… mẹ thằng nào lúc nãy đánh con tao.

Mấy đứa nhìn lão phanh ngực, rút dao huơ huơ lên, cũng chờn. Chẳng đứa nào nói gì. Lão càng điên tiết hơn. Thấy thằng lái xe đỗ xe bên cạnh xe nhà mình, lão nghĩ có thể là thằng này. Chẳng cần hỏi han ai, lão hùng hổ mở cửa xe, lôi thằng lái xe xuống. Mặc dù đã ngoài năm mươi nhưng xem ra lão còn săn gân rắn cốt lắm, vả lại đang cơn hăng nên sức khoẻ cũng tăng. Lão túm ngực cậu lái xe, hai hàm răng nghiến lại ken két:

            - Đ… mẹ, hôm nay thì bố phải cho mày ra bã…

Nhưng không hiểu sao, đang dữ tợn là thế, tự nhiên lão San lại chững lại. Cơn nóng giận hầm hập lúc nãy tự dưng biến đâu mất. Lão thấy bực với chính mình. Đấy không phải, hoàn toàn không phải với bản chất của lão. Từ trước đến nay, chưa lần nào lão thấy mình như lần này. Nhụt trí, hèn nhát… không biết gọi là gì cho đúng nữa. Mà sao lạ, trong đầu lão lúc này, hình ảnh của ông giáo hàng xóm lại hiện lên mồn một, đó là con người, hiền lành, điềm tĩnh, nhẹ nhàng, nhẫn nhịn, cư xử chân thành… Rồi nữa là câu nói của anh giáo cứ văng vẳng bên tai. Bớt nóng giận tí nào là… Là gì nhỉ? Xưa nay trong mình đâu có cái phân vân do dự thổ tả ấy. Thằng Bằng về bê bết máu. Chúng nó tranh khách, tức là chúng nó tranh miếng ăn. Chúng nó đáng phải xử chứ. Lẽ nào anh giáo hàng xóm là nguyên nhân khiến lão không còn là lão. Thế thì đếch chịu được. Ta cứ phải là ta. Ngang tàng, bất chấp, sẵn sàng đổ máu. Đáng lý ra vụ này cứ để thàng Bằng tự đi giải quyết, nhưng nhìn bộ mặt đằng đằng sát khí với con dao phay Thái sắc lẻm cầm tay, lão thấy không ổn. Nhỡ đâu… Chém người ta bị thương còn giải quyết được, còn làm người ta giãy đành đạch thì có mà dựa cột. Dẫu sao nó cũng là con lão, không thể để nó dựa cột. Thâm tâm, lão muốn đến đấy cho mấy thằng tranh cướp kia vài bài học, để chúng kiềng mặt thằng Bằng. Vậy mà… đúng là thổ tả. Lão hoang mang, chẳng biết anh giáo thổ tả hay chính lão mới là thổ tả.

Tự dưng, khi ấy như có thế lực vô hình nào đó xui khiến, không phải xui khiến mà là ra lệnh… lão buông áo ngực cậu lái xe ra, rồi gọi mấy đứa lái khác, chúng cũng chỉ sàn sàn tuổi thằng Bằng nhà lão, lại gần. Lão nhìn hết lượt từng đứa, dắt con dao vào cạp quần, lấy vạt áo lau mồ hôi mặt, sau đó hạ giọng. Đều là kiếm cơm cả, chúng mày bảo nhau làm ăn, đừng tranh giành đánh nhau làm gì. Bọn kia há toác mồm ngạc nhiên. Lão San, cả thành phố này ai chẳng biết. Ngôn ngữ của lão thường vung chân vung tay, lão nói chuyện, giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm hoặc dao găm. Vậy mà bữa nay…Ngạc nhiên chưa!

***

 “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, thằng Bằng “văn hoá lùn” sao hiểu nổi ý nghĩa sâu sắc của câu ngạn ngữ ấy. Tuy nhiên trong đầu nó, hơn năm nay, vợ chồng nhà thầy giáo, không anh em họ hàng nội ngoại gì, xong nó tin tưởng vì họ không thù hận gì mặc cho nhà nó toàn gây chuyện mà đáng lẽ ra họ phải thù hận.

Bây giờ… Chả là, dăm tháng trước, thằng Bằng chở cát vào cho nhà ông Thạch cán bộ chi cục Thống kê thành phố, đang xây dựng ở Tân Mai. Thực ra đó là công việc hàng ngày, người ta thuê thì chở, đổ hàng xong lấy tiền là xong. Nhưng, hôm ấy, người ra nhận cát không phải là ông Thạch, cũng không là ông chủ thầu công trình, mà là Xuân, con gái của ông Thạch. Một cô gái da trắng, đôi mắt mở to trong sáng, sống mũi cao, đôi môi hình trái tim, và mái tóc đen nháy xoà ra làm viền xung quanh khuôn mặt bầu bĩnh. Trời! Thằng Bằng thầm thốt lên trong lòng. Nó trộm nghĩ “Đẹp, đẹp quá… Giá mà…”

Bằng mở cửa xe, nó cố gắng nói bằng cái giọng nhẹ nhàng nhất, và đương nhiên nó cố gắng để không thể buột miệng bung ra một câu nói tục tằn mà vốn dĩ luôn thường trực khi nó mở mồm:

- À… em nhận cát à. - Thay vì câu trả lời là một nụ cười nở ra từ đôi môi trái tim mọng đỏ, và một cái gật đầu thật dễ thương.

- Anh ơi… Anh có thể lùi xe đổ giúp em vào góc sân cho khỏi vướng đường đi không ạ? – Giọng nói Xuân trong veo.

- Ồ… Được… Được chứ em.

Thành thực mà nói, nếu như không phải Xuân thì có cho thêm tiền Bằng cũng không bao giờ lùi xe vào góc sân ấy. Cổng vào hẹp, lại sát bờ ao, cái bờ ao xem ra cũng đã lở lún rồi, chỉ non tay lái chút thôi chắc chắn cái xe  sẽ “tùm” xuống ao ngay. Nhưng đây là lời thỉnh cầu của một cô gái đẹp. Có lẽ đây là lần đầu tiên thằng Bằng được tiếp cận với cái đẹp thực thụ. Cái đẹp làm tăng hứng phấn, xúi giục cảm xúc, khiến tay lái của nó như được thăng hoa, nó khéo léo cho cái xe vào góc sân rồi từ từ hạ ben đổ cát xuống…

Sau đận ấy, chắc hẳn có sự sắp đặt của tạo hoá, cũng có thể “cái duyên ông trời xe” mà Bằng đến được với Xuân. Nhưng thằng Bằng nghĩ, ông trời xe duyên chỉ một phần, tạo hoá sắp đặt cũng chỉ một phần… phần cơ bản nhất phải ở thầy giáo Khương.

- Có tâm sự gì cháu cứ nói, nếu giúp được gì chú sẵn sàng.

- Cháu và Xuân cũng đã mấy cuộc hẹn hò … nhưng cháu… cháu…

- Cháu giấu giếm chuyện nhà và giấu cả lỗi lầm trước đây của mình.

- Sao chú biết?

- Chú đoán là như thế.

   - Không những giấu giếm mà cháu còn nói dối, gia cảnh nhà cháu thế này thế nọ, bản thân cháu cũng thế này thế nọ… tất nhiên toàn những này nọ cực hay ho. Cháu còn bảo với Xuân, cháu có ông chú là thầy giáo, ruột thịt nội ngoại nhà cháu thì toàn “đầu đường xó chợ” đào đâu ra giáo với gươm cơ chứ, là cháu nhận sằng chú là chú ruột đấy, chú đừng trách cháu nhé.

 - Ừ… không sao mà… thực ra chú cũng coi cháu như con cháu của cô chú…

            - Cháu bảo với Xuân, chú của anh là trí thức là người hiểu biết lẽ đời… Nhận sằng để sĩ như vậy cháu đúng là đồ trí trá… Càng yêu Xuân cháu càng thấy mình không xứng đáng tí nào.

            - Cháu đã nghĩ được vậy là tốt lắm… Bây giờ thì cháu phải mạnh dạn nói với cô bé ấy sự thật tất cả… rồi… cô ấy sẽ tha thứ thôi, vấn đề là…

            - Là gì hả chú?

            - Là những gì mình làm, mình sống tiếp theo…

            - Vâng! Cháu hiểu.

            Nghe lời thầy Khương. Bằng thú tội với Xuân. Xuân không nói gì, chỉ nước mắt chảy đầm đìa trên khuôn mặt bầu bĩnh. Bằng cứ ngỡ nó sẽ không bao giờ được Xuân tha thứ, như vậy lần đầu tiên trong đời “bập” vào yêu nó đã là kẻ bại trận. Mà đúng vậy, Xuân giận lắm, giận đến mức cô tuyên bố sẽ chia tay với Bằng.

 Bằng hiểu rằng đây là việc hệ trọng của đời người. Gặp gỡ với Xuân, mong cô ấy tha thứ cho Bằng. Việc quan trọng này bố mẹ nó chắc chắn không làm nổi. Họ hàng anh em nhà nó cũng không làm được. Phải nhờ thầy giáo Khương thôi. Hy vọng thầy giáo Khương sẽ giúp được nó cũng như lâu nay thầy đã giúp cả nhà nó đang dần thay đổi cuộc đời.

 

N.Đ.H

 

Bài viết khác