Truyện ngắn của NINH ĐỨC HẬU
Những ngày gần tết, hơn trăm khẩu của 30 hộ trong ngõ Mỹ Tân, phố Nhị Giang chộn rộn cả lên. Những khuôn mặt rạng ngời hoan hỉ. Những ánh mắt nhìn nhau lúng liếng. Những tiếng cười réo ra réo rắt…Ông Tiến Napan lấy vợ, cô dâu là bà Đăng đồng nát. Tôi xung phong bắc rạp. Tôi chịu trách nhiệm nấu nướng. Đoàn đại biểu đi đón dâu phải đầy đủ thành phần đấy… Lời ra, lời vào… cứ gọi là vui như tết.
***
Mùa hè năm nay, ngày nào cũng từ sáng sớm nắng đã tung tưởi mọi ngóc ngách. Gần trưa trời đất như hoả lò. Người cứ như bị rang lên. Chẳng làm gì mà mồ hôi cứ vã ra đầm đìa. Trong ngõ Mỹ Tân nhà nào nhà nấy sử dụng các công cụ làm mát hết công suất. Dùng quá đà đâm ra đồ điện nhanh hư, chính vì vậy cửa hàng sửa chữa điện dân dụng của ông Tiến Napan bận rộn hơn. Các loại quạt điện, quạt trần, quạt bàn, loại to, loại nhỏ, cái hỏng, cái cháy… nhiều, thực tình ông Tiến làm ngày rồi tranh thủ làm tối, vậy mà lúc nào cũng còn dăm bẩy cái chỏng chơ đấy.
Khách hàng, chủ yếu bà con ngõ Mỹ Tân và mấy ngõ kề bên cứ nheo nhéo, nheo nhéo: “Nóng quá bác ơi, không xong thì tối nay bọn trẻ nhà tôi ngủ sao được”, “ Ưu tiên cho em đi bác, nhà em bụng mang dạ chửa, nóng sốt thế này bức xúc lắm”… Ai nói gì ông Tiến cũng chỉ cười, lấy tay gạt những dòng mồ hôi bám lên những vết sẹo nham nhở trên khuôn mặt gầy guộc của mình, rồi nhẹ nhàng “ Được rồi… Được rồi… Xong ngay… xong ngay thôi mà…”
Gọi là cửa hàng cho sang, thực ra chỉ là gian nhà ngoài, cỡ chừng hơn chục mét vuông, trước đây là phòng khách, bây giờ ông Tiến lấy làm nơi sửa chữa đồ điện cho bà con. Nhà ông ở đầu ngõ Mỹ Tân, có hai mặt đường, đường vào ngõ và đường ngoài phố, vị trí đặt làm cửa hàng thật đẹp và thuận lợi. Ấy là nói về người nào có đầu óc kinh doanh, buôn bán, còn ông Tiến, kinh doanh buôn bán ông chẳng thiết, có tay nghề điện bậc cao, ông sửa chữa lặt vặt cho bà con, vui là chính. Tiền công, tiền nguyên liệu thay thế ông Tiến lấy gọi là, thành thử ra, ngoài phố đầy cửa hàng sửa chữa nhưng bà con ở đây chỉ mang đồ hỏng đến nhờ ông.
Ông Tiến Napan tuổi Mùi, năm nay đã ngoài sáu mươi. Ông đi bộ đội từ năm mười bảy tuổi. Hồi ấy để được nhập ngũ ông chữa giấy khai sinh tăng thêm một tuổi. Vào bộ đội, anh được cử đi đào tạo thợ cơ khí, thợ điện. Thành nghề, anh đi B, đơn vị anh là một binh xưởng. Sau này rời trại thương binh, làm lại giấy tờ anh khai đúng năm sinh. Hồi mới vào quân đội, anh Tiến là một trong những thanh niên đẹp trai, to khoẻ nhất nhì ở phố Nhị Giang. Hôm anh lên đường, ngoài bố mẹ, anh em, còn có Loan, bạn gái, đưa anh lên thị đội.
Bữa ấy cô Loan khóc đỏ mọng hai con mắt thương nhớ người yêu. Nhưng chưa đầy nửa năm sau Loan đã lấy chồng. Ở chiến trường anh Tiến nhận được thư em trai: “Chị ấy về làm dâu nhà bác Hạnh Chủ tịch Uỷ ban thị xã anh ạ…” Bảo không buồn thì nói dối, nhưng quả thực anh Tiến cũng chẳng có thời gian buồn lâu. Xưởng quân giới của anh ngập tràn công việc. Nhiều trang thiết bị, vũ khí, khí tài hư hỏng, bọn anh phải xoay trần người làm ngày làm đêm. Xưởng ở sâu trong rừng, cứ ngỡ đã là an toàn tuyệt đối, vậy mà đùng cái địch phát hiện ra, chúng cho máy bay bắn phá, rồi dội bom napan, trận cháy xưởng kinh khủng ấy làm anh Tiến biến dạng khuôn mặt. Đang từ một thanh niên đẹp trai anh trở thành người có những vết sẹo loang lổ. Dễ chừng mấy năm ròng anh Tiến không hề soi gương. Mỗi đận đi cắt tóc anh đều có yêu cầu thợ cạo che lại cái mặt gương.
Dần dần cũng quen đi. Anh không cần che mặt mỗi khi tiếp xúc với mọi người nữa, vì thực ra cứ che đậy đôi khi cũng bất tiện. Thống nhất đất nước được vài năm anh Tiến phục viên về nhà với bố mẹ và chú em ruột tên là Hải.
Rồi vài năm sau bố mẹ anh lần lượt qua đời, chú Hải lấy vợ sau đó hai vợ chồng chuyển vào Nam, vậy là anh Tiến trở thành chủ hộ ngôi nhà ở phố Mỹ Tân. Rồi nữa không hiểu từ đâu, và từ lúc nào mọi người ở đây gọi anh bằng cái tên ghép Tiến Napan. Với anh cũng chẳng sao cả, thậm chí còn gợi cho anh kỷ niệm một thời chiến tranh khốc liệt.
Tuy nhiên, khuôn mặt chằng chịt những vết sẹo cũng làm cho anh Tiến tăng thêm tính tự ti. Tự ti nhất, chính là việc anh rất ngại tiếp xúc với người khác giới. Trở ngại đó làm anh mất đi nhiều cơ hội kết nối, để rồi giờ đây ông Tiến Napan ngoài sáu mươi vẫn sống một mình.
***
Một buổi trưa tháng bẩy. Trời như hắt lửa xuống đất. Đường phố vắng ngắt. Cũng phải thôi, nắng nóng thế này ra đường làm gì? Nhựa đường trên con đường trước nhà ông Tiến mềm nhũn ra. Đang lúc ông cặm cụi sửa quạt, ngoài đường có tiếng xe đổ, và tiếng một người đàn bà kêu “ Giời ơi!”. Ông Tiến ngừng tay, quay đầu nhìn ra. Một bà đồng nát với một khối lượng hàng hoá đủ loại chất ngất trên cái xe đạp cà tàng, đổ kềnh. Vài cái quạt hỏng, mấy cái vành xe đạp, ít lon bia đựng trong bao tải… rơi xuống. Sau tiếng kêu, người đàn bà nằm im lìm trên mặt đường nóng rãy. Ông Tiến liền đứng phắt lên, chạy vội ra.
- Cô gì ơi… Cô gì ơi…
Thấy người đàn bà nằm im, ông Tiến lấy tay đập nhẹ vào vai, lo lắng:
- Cô… Cô có sao không? – Bà đồng nát mắt nhắm nghiền, bất động, ông hốt hoảng – Có ai không… Giúp tôi một tay nào.
Phố xá vắng ngắt, không có ai đến. Ông Tiến loay hoay, lúng túng giây lát, đoạn ông cúi xuống, đưa hai cánh tay luồn qua lưng người đàn bà, ông nghĩ “Gì thì gì cũng phải đưa cô ấy vào nhà cho mát đã”, ông dùng sức lực bế bổng bà đồng nát lên, cũng may, chị mảnh người nên không hề nặng tí nào.
Ông đặt chị đồng nát lên giường, vào nhà lấy khăn mặt nhúng nước đắp lên trán, để cái quạt bàn gần giường rồi mở số nhỏ. Cánh quạt quay từ từ, một làn gió thoang thoảng nhè nhẹ lan toả trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi của chị đồng nát. Ông Tiến xuống bếp, pha sẵn một li nước chanh, mang lên để cạnh chị. Sau đó ông ra đường nâng cái xe lên, đẩy vào sát hè nhà mình, tiếp tục thu dọn những thứ văng vãi, mang vào xếp lại lên xe.
Chừng nửa tiếng sau, chị đồng nát tỉnh lại. Chị ngơ ngác nhìn. Ông Tiến đưa li nước chanh:
- Cô bị ngã, hình như cảm nắng đấy, uống li nước cho mát đã.
Chị đồng nát đưa tay run run nhận li nước chanh, lí nhí:
- Em xin, em cảm ơn bác.
- Cô cứ nằm nghỉ chiều mát hẵng đi.
Ông Tiến lại tiếp tục công việc của mình. Chị đồng nát uống xong li nước chanh định đứng lên, nhưng đầu óc còn choáng váng, trước mắt như có hàng ngàn con đom đóm lập loè, đành ngồi lại, rồi ngả lưng xuống giường.
***
“Trời không lấy đi của ai tất cả”, có lẽ điều này hợp với ông Tiến Na pan, và cũng hợp với chị Đăng, người đàn bà đồng nát. Cuộc gặp gỡ trong tình huống không ai mong muốn đó lại trở thành một cuộc gặp định mệnh. Phải chăng đó là cái duyên ông Trời se. Phải chăng đó là những gì ông Trời muốn bù đắp những thiệt thòi của họ.
Chị Đăng, người ở Bồ Canh, một làng nhỏ của tỉnh bên giáp ranh với thành phố. Hồi trẻ chị cũng thuộc loại hoa khôi của làng. Đi chăn trâu, đi cấy, đi gặt, hay đi tát nước…
chị luôn trở thành trung tâm theo dõi của trai làng Bồ. Khuôn mặt bầu bĩnh, con mắt tròn to, đôi má lúm đồng tiền, mái tóc dài thường thả xuôi xuống bờ vai thanh mảnh của thân hình thon thả, da mềm, ngực căng, môi hồng… Gái quê như vậy thì trai làng không mê mới là lạ. Nhưng chị Đăng chưa kịp hẹn hò cùng ai thì chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt. Hầu hết trai tráng khoẻ mạnh làng Bồ lên đường nhập ngũ. Không thể ngồi yên khi đất nước đang lâm nguy trước kẻ thù xâm lược, vậy là chị cùng nhiều bạn bè trang lứa gia nhập đội ngũ Thanh niên xung phong, hăm hở vào Trường Sơn mở đường. Chị Đăng không thể ngờ được, chỉ vài năm lăn lộn với những cung đường bom đạn cày xới suốt ngày đêm, rồi ăn ở nơi “rừng thiêng nước độc” chị thay đổi hẳn. Chẳng còn mềm da căng ngực nữa, mái đầu chỉ vương lại ít tóc lơ thơ… Nhưng những cái ấy không là gì với việc khi trở lại làng Bồ chị còn bị ảnh hưởng của chất độc da cam, đi o xin.
Thời gian đầu khi về lại quê, cũng vài ba đám ngỏ lời muốn kết bạn trăm năm cùng chị. Có lẽ do sợ di chứng của chất độc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh nở, dẫn đến tổn hại hạnh phúc gia đình, nên chị Đăng chối từ tất cả. Chị ở một mình, sống nhờ cấy hái trên vài sào ruộng xã chia cho, ngày nông nhàn chị đạp xe sang thành phố, thu mua đồ phế thải. Thời gian trôi đi quá nhanh, chị trở thành “người có tuổi” lúc nào không hay.
Ngay chính bản thân mình, chị Đăng cứ ngỡ rằng, con tim, cõi lòng đã như dòng suối cạn, chỉ còn trơ lại đá cuội cằn khô. Chị luôn tự nhủ, sống một mình quen rồi, còn sức lực ngày nào thì cố mà kiếm tiền giắt lưng để mai kia về già, đau ốm có cái mà lo liệu…
Ấy thế mà… Bị cảm nắng, ngã vật xuống mặt đường bỏng rãy, và khi nằm gọn trong vòng tay ông Tiến lúc ông đưa chị vào nhà, mặc dù mê man, song, như một ứng báo, dự cảm của tâm linh huyền diệu, ngỡ đã vào cõi âm mịt mùng đen tối, bỗng dưng chị thấy le lói lên ánh nắng kỳ ảo.
Li nước chanh, làn gió nhè nhẹ từ cái quạt, hơn một giờ nằm trên cái giường của người đàn ông xa lạ, khiến chị Đăng ngượng ngùng. Cho đến lúc tỉnh lại, chị thấy ông Tiến vẫn mải miết bên cái quạt hỏng. Mồ hôi chảy trên khuôn mặt chằng chịt những vết sẹo, không hiểu sao, chị Đăng lại cảm như khuôn mặt của ông Tiến thánh thiện đến kỳ lạ. Những vết sẹo kia, có sao đâu, nó là chứng tích của một thời hào hùng thôi. Chị đảo mắt nhìn nhanh ngôi nhà… Trời ạ! Đúng là ngôi nhà vắng tay người đàn bà. Có lẽ nào, người đàn ông tốt bụng kia cũng đang cô đơn như chị.
Ông Tiến đã chuẩn bị một đống “đồng nát” gồm cánh quạt gẫy, dây đồng cháy, sắt thép vụn… ông đưa một cái bao tải bảo chị Đăng:
- Chẳng đáng bao nhiêu đâu cô mang đi mà bán.
Chị Đăng lúng túng:
- Ai… ai lại vậy hả bác – Rồi chị lập cập mở túi lấy tiền. Ông Tiến thấy thế phì cười:
- Tiền bạc gì cơ chứ… Tôi giúp tí chút để cô nuôi các cháu.
Chị Đăng nghe ông Tiến nói vậy mặt trĩu xuống, buông một tiếng thở dài não nề, nói với ông mà giọng nghẹn ngào:
- Cám ơn bác… em … em không có chồng con.
***
Sự đồng cảnh, đồng cảm đã đưa ông Tiến và bà Đăng đến với nhau như một sự sắp đặt. Người viết chuyện không muốn kể chi tiết về việc họ đến với nhau như thế nào. Bởi nhẽ, mối tình của hai ông bà đơn giản thôi, cả hai đều muốn nương tựa vào nhau lúc hoàng hôn, vừa như cái nghĩa tình người, vừa như trách nhiệm của những người đồng đội. Dẫu hạnh phúc đến với họ muộn màng, nhưng không sao, hạnh phúc của họ vẫn như mùa xuân về, đất trời lung linh nắng và hoa.
Tết năm nay ngõ Mỹ Tân vui hơn những tết trước rất nhiều.
N.Đ.H