Truyện ngắn của MAI THỊ HỒNG QUẾ
Loan vừa mở cửa phòng thì thấy Việt dẫn tới một em nữ sinh. Gương mặt thầy Bí thư Đoàn trường căng thẳng trong khi cô nữ sinh gương mặt tỉnh bơ.
- Đây, em vào đây - giọng Việt kiềm chế - Cô Loan tiếp nhận giúp em học sinh này, là người cố tình xăm hình lên mặt.
- Vâng, cảm ơn thầy. Thầy cứ để cô trò tôi ở đây nhé.
Việt đi ra, mặt vẫn còn nặng nề, dường như định nói thêm điều gì nữa, khi quay lại nhìn thấy cô Loan đã vẫy học trò ngồi xuống ghế mới khép cửa đi ra.
- Thảo học lớp 11H em nhỉ? - Loan rót một cốc nước cho mình, một cốc để trước mặt cô nữ sinh.
- Sao cô biết ạ? - Thảo mạnh dạn cầm cốc nước uống một hơi - Chắc do em nổi tiếng quá à cô.
- Cô biết mà - Loan cười to - Em đứng đầu trong nhóm nhảy hiện đại hôm khai giảng còn gì. Em nhảy rất đẹp.
- Cô không biết thôi, hôm đấy biểu diễn xong, cô chủ nhiệm mắng cho em một trận, bảo em to gan mang cả sexy dance lên sân khấu học đường.
Thảo nhếch miệng cười, hạ giọng xuống.
- Thật ra bọn em có đổi vài động tác so với lúc duyệt, cứ tưởng các thầy cô không nhận ra. Sau vụ đấy, cô chủ nhiệm cho em trực nhật một tuần.
- Ờ, thầy cô nào chẳng từng là học trò, ai chẳng trải qua thời nghịch ngợm sau ma quỷ.
- Úi không - Thảo trề môi nguýt dài - cô em bảo ngày xưa cô em học giỏi mà ngoan, được thầy cô quý lắm.
- Ồ thế hả? Tốt quá! Bây giờ thì cho cô biết chuyện của em xem nào - Loan lảng chuyện, mỉm cười. Cô bé ranh mãnh này định bẫy cả người tư vấn.
Đang vui vẻ, cô nữ sinh mặt trở nên lạnh băng, ánh mắt lảng tránh cái nhìn của người đối diện.
- Cô có thể nhìn hình xăm đó được không?
Thảo gật đầu, vâng nhẹ rồi giơ tay vén mái tóc dài ép rất suôn lên. Một hình thù kì dị kéo dài từ sau vành tai tới tận gần xương quai xanh. Loan giật mình nhìn chằm chằm vào hình xăm kì quái, nhớ tới một con rết đen xì.
Thảo rũ tóc xuống, chiếu vào người đối diện một ánh nhìn ngạo nghễ:
- Cô thấy em chơi lớn không?
Loan nhìn vào mắt Thảo. Một hình ảnh lướt qua rất nhanh trong đầu, cô hạ giọng nói khẽ:
- Người ta làm như thế với em từ khi nào?
Ánh nhìn ngạo nghễ tắt hẳn. Thảo cụp mắt xuống. Khi bàn tay Loan đặt lên vai nữ sinh thì cô bé oà lên khóc.
* * *
Loan ở lớp xuống thì đã thấy mẹ Thảo đang ngồi chờ ở phòng làm việc. Khác với hình dung của Loan, đó là một người phụ nữ có dáng vẻ khá trẻ trung và sành điệu. Vừa thấy Loan bước vào, chị ta đã nói như cướp lời:
- Ôi cô ơi, cái con giặc cái nhà tôi, cô mất công tư vấn tư viếc làm gì cho mệt. Tôi coi như không có nó từ lâu rồi.
Loan tròn xoe mắt nhìn người phụ nữ. Cô chưa thấy phụ huynh nào nói về con mình như thế.
- Nó lại gây chuyện gì à cô? Cái con này thì các cô cứ già đòn non nhẽ. Đánh cho nó chừa chứ phí lời với nó làm gì.
Ánh mắt buồn rầu của cô học trò lướt qua rất nhanh. Ánh mắt ấy ở trên một gương mặt y như gương mặt người phụ nữ này.
- Chị có biết em Thảo có hình xăm trên mặt không?
Người phụ nữ đang mải bấm bấm gì đó trên điện thoại. Chị ta vừa cắm cúi nhìn điện thoại vừa trả lời.
- Vậy à cô? Con ranh đấy thì có thứ gì nó không dám làm, kể cả đi làm…
Người phụ nữ vội vàng giơ tay bịt miệng, liếc vội xung quanh rồi nói nhanh:
- Thật đấy cô ạ, nó làm bồ nhí của một thằng già. Tôi biết mà không làm gì được. Hôm trước mụ vợ gọi điện cho tôi, nhục ơi là nhục.
Mẹ Thảo đột nhiên khóc lên tu tu. Loan hơi hoảng, lần đầu tiên cô gặp cảnh trớ trêu này. Người phụ nữ khóc một thôi một hồi rồi dừng lại, mặt ráo hoảnh như không.
- Thực ra tôi biết sớm muộn nó cũng như vậy. Ông thầy bói xem cho nó lúc nó mới năm tuổi đã bảo nó sẽ làm kĩ nữ.
- Và chị đã nói điều ấy với Thảo à?
Người phụ nữ ngừng bấm điện thoại, giọng lạnh lùng như người vô can:
- Phải nói chứ cô, tôi phải nói để cho nó tránh, nhưng không tránh được. Nhưng tôi không nghĩ cái ngày đó nó lại đến sớm như thế. Đau lắm cô ơi. Sinh ra một đứa con mà biết sau này nó sẽ làm kĩ nữ thì không đau lòng sao được.
Bà ta lại gào lên khóc. Loan không kiềm chế được nữa, đập mạnh tay xuống ghế:
- Chị biết ai là người hại con chị không? Chính là chị đấy!
* * *
Đọc xong lá đơn tố cáo từ tay hiệu trưởng Hoàng, Loan thấy xây xẩm mặt mày. Cô thực sự sốc vì những lời lẽ đầy hăm doạ trong tờ đơn này. Người phụ nữ kia đã kể lại không thiếu chi tiết nào về mối quan hệ của học sinh Thảo với chồng bà ta cùng lời yêu cầu cuối cùng “đề nghị nhà trường đuổi học em này vì những hành vi vô đạo đức”.
- Mọi việc đã đi quá xa, ngoài sức tưởng tượng của tôi rồi cô Loan ạ. Không ngờ trong môi trường giáo dục trong lành của chúng ta lại có những học sinh như thế này.
Hiệu trưởng Hoàng đi đi lại lại trong phòng, hết nhìn lên những tấm bằng khen treo trên tường lại nhìn ra ngoài sân, nơi những tán lá xanh um đang rợp mát. Một lát, hiệu trưởng hạ giọng:
- Cô trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và Bí thư đoàn để hoàn thiện hồ sơ.
Loan bước ra khỏi phòng Hiệu trưởng, vẫn chưa hết bàng hoàng. Cô suýt va vào cô Hạnh, giáo viên chủ nhiệm của Thảo đang hốt hoảng chạy vào:
- Báo cáo thầy hiệu trưởng, gia đình vừa báo tin tới em Thảo tự cắt cổ tay, để lại thư tuyệt mệnh.
Hiệu trưởng Hoàng đánh rơi cuốn sổ trực nặng trĩu trên tay xuống đất, hỏi vội vàng:
- Sao? Em Thảo tự tử à? Bây giờ sao rồi?
- Gia đình đã đưa em vào bệnh viện cấp cứu. Em báo cáo thầy để thầy cho ý kiến chỉ đạo.
- Chỉ đạo gì nữa. Cô sắp xếp tới luôn bệnh viện xem tình hình như thế nào! Trời ơi, sao lại dại dột như thế chứ?
Cô Hạnh quay lưng đi như chạy. Loan chạy theo:
- Em đi cùng chị với!
* * *
Thảo nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, gương mặt trắng bệch, cổ tay trái đã băng bó cẩn thận. Mẹ Thảo nhìn thấy cô chủ nhiệm đến thì vội vàng kéo cô ra ngoài nhỏ to điều gì đó. Loan đến ngồi xuống chiếc ghế cạnh giường bệnh, im lặng nhìn gương mặt xinh xắn của cô học trò. Cô chợt nhìn thấy nơi những lọn tóc đổ xuống, hình xăm kì dị hôm trước ửng đỏ rớm máu. “Bà ta bắt em phải mang hình xăm này suốt đời, nhưng em phải xoá, nhất định phải xoá”. Xoá hình xăm là được rồi, sao lại định xoá cả cuộc đời mình vậy cô gái đáng thương…
Loan cầm tay cô học trò lên. Đôi bàn tay của một đứa trẻ, đáng lẽ chỉ cầm giấy bút…
- Cô Loan.
Thảo đã hồi tỉnh, mắt he hé nhìn và môi mấp máy rất khẽ. Loan mỉm cười nhìn cô gái, trái tim rung động nỗi xót xa. Cô bé mới chỉ hơn con gái Loan hai tuổi.
- Em thấy thế nào? - Loan nói khẽ - cô gọi mẹ nhé!
Thảo lắc đầu:
- Em ổn rồi cô ạ. Cô không phải gọi mẹ em đâu.
Loan lấy nước, rót vào miệng người bệnh một chút nước. Đôi môi khô héo nhợt nhạt run run.
- Sao lại dại dột thế hả em?
- Em xin lỗi cô. Hôm trước em hứa với cô như thế nhưng em không làm được. Họ dồn em đến đường cùng. Với lại, em cũng thấy mình nên trả giá.
Tiếng nói còn nhỏ nhưng đanh đến đáng sợ. Loan hiểu những dồn nén chịu đựng bấy lâu nay của cô gái. Giá như cô ý thức được trách nhiệm sớm hơn.
- Em có thể cho cô số điện thoại của ông kia được không?
Thảo nghiêng người định ngồi dậy. Cô gái có vẻ hốt hoảng khi Loan nhắc tới ông ta.
- Là do em chủ động gài bẫy ông ấy cô ạ. Em nói dối em trên mười tám tuổi. Cô đừng tố cáo ông ta.
- Cô cần đảm bảo sự an toàn cho em. Không ai chắc rồi sẽ còn điều gì xảy ra nữa.
* * *
Thảo ra viện. Cô Hạnh rủ Loan đến thăm. Cô bé đã hồng hào trở lại, mặt mũi tươi tỉnh hơn. Mẹ Thảo thì thầm với Loan: “Hú hồn cô ạ. Tôi thiếu hiểu biết sinh ra ngu muội, không biết việc mình làm nó lại tệ hại đến thế.”
Cô Hạnh tỉ tê khuyên nhủ nhưng Thảo vẫn quyết định sẽ chuyển trường. “Em vào miền Nam với bố. Em chưa đủ can đảm để đối diện với mọi người. Khi nào trưởng thành, em sẽ quay trở lại”.
Thảo gục đầu vào vai Loan, khóc một hồi lâu: “Em cảm ơn cô đã đồng cảm, sẻ chia với em suốt những ngày qua. Em hứa với cô em sẽ trở thành một người lương thiện.”
Lần đầu tiên, vượt qua giới hạn vững vàng của một người giáo viên tư vấn tâm lí cho học trò.
M.T.H.Q
(Nguồn: TC VNNB 279-4/2023)