Chủ nhật, 06/10/2024

Hoa hồng trở lại

Thứ sáu, 23/02/2024

Truyện ngắn của NINH ĐỨC HẬU

Mấy ngày cuối năm nay, trời không mưa, không rét, có hôm còn loe hoe nắng. Thời tiết đẹp, cho nên chợ hoa tết thành phố đông đúc nhộn nhịp hơn mọi năm. Chiều nào tan trường tôi cũng tranh thủ tạt vào chợ hoa thăm quan, ngắm nghía. Sắc màu, hương thơm của hàng trăm loại hoa trái quyến rũ tôi. Năm nay tôi dự định sẽ mua hoa chơi tết nhiều hơn, vì Mai Hương con gái tôi đang du học ở Đức được nghỉ đông, cháu về chơi đúng dịp tết nguyên đán.

Trong các loại hoa, tôi thích nhất hoa hồng. Vào chợ, tôi hay “la cà” ở những nơi người ta trưng bày hay bán hoa hồng. Hoa hồng có đủ loại, đủ sắc màu, lại có hương thơm mơn man, mướt mát, một vị thơm tinh khiết, chả thế mà hoa hồng được mệnh danh là “biểu tượng của tình yêu”. Chiều nay tôi đang ngắm những bông hồng vừa lên hương khoe sắc. Tôi đang mê mẩn với những bông hồng vàng, đen...của Đà Lạt, ngất ngây với những bông hồng bạch, xanh... của Sa Pa... Bất chợt một tiếng gọi:

-Thương... Có phải là Thương không?

Tôi giật mình, quay người ngơ ngác, tìm xem tiếng gọi ấy từ đâu, trong bạt ngàn người vào chợ hoa. Một chút thảng thốt nữa, bởi, dễ chừng hơn hai mươi năm đã không ai gọi mình bằng tên không như vậy. Ở trường, học sinh gọi tôi là “cô giáo Thương”. Bạn đồng nghiệp ít tuổi hơn gọi “chị Thương”. Trong các cuộc họp người ta điểm danh là “đồng chí Thương”. Ở nơi dân cư, đã lác đác có những người gọi tôi là “bà Thương”. Lúc đầu nghe gọi “bà” cũng hơi hoảng. Soi gương, mái tóc đã sợi bạc tranh chỗ với sợi xanh. Trên mặt đã bắt đầu có những vết nhăn nheo. Vết chân chim trên khóe mắt hiển hiện lên rõ nét. Lốm đốm vết đồi mồi đã bắt đầu xuất hiện. Phải làm quen dần với từ “bà” thôi, tôi nghĩ vậy. Vả lại, con gái Mai Hương của tôi cũng đã hai mươi tuổi, chẳng mấy nữa tôi lên chức bà ngoại.

Ngó nghiêng, tìm kiếm, tôi chợt thấy, một người đàn ông đang nhìn tôi, nửa như bỡ ngỡ, nửa như hân hoan. Trong đầu tôi, người đàn ông kia có gì là lạ, mà lại cũng có nét gì quen quen. Phải một lúc, tôi mới nhận ra... Đó là Hoàng! Hơn hai mươi năm qua tôi không còn nghĩ đến Hoàng. Tất cả những gì “dính” đến Hoàng tôi đều đã cho vào lửa. Lửa bùng lên dữ dội. Lửa đốt thành tro bụi hình ảnh Hoàng, con người ấy với tôi là kẻ phản bội, kẻ đã làm tôi bẽ bàng, đau khổ. Kẻ đã làm thẫm đẫm nước mắt tuổi thanh xuân đẹp nhất của tôi.

***

Năm ấy, một cô bé “nhà quê” ở miền núi xa xôi xuống thành phố học sư phạm và mối tình đầu của cô bé ấy với chàng thanh niên có tên là Hoàng, thật không ngờ lại có một kết cục u ám. Hoàng, anh thợ ảnh có khuôn mặt thanh tú, sống mũi cao, thẳng, miệng cười tươi, mỗi lần cười phô ra hàng răng hơi bị khấp khểnh tạo nên một nét duyên riêng biệt. Hoàng có đôi mắt sáng trong và anh ta nhìn ai cũng như “hớp hồn” người ta. Hiệu ảnh của Hoàng mở gần trường sư phạm. Trong khuôn viên hiệu ảnh có một mảnh vườn nhỏ, trồng hoa hồng. Tuy mảnh vườn nhỏ nhưng Hoàng cũng trồng đến mấy loại hoa hồng. Nào là hoa hồng Sa Pa, giống hoa hồng quý hiếm,  cánh kép, màu hồng sen, hương thơm quyến rũ. Nào là hoa hồng bạch, thân cành mảnh mai, sắc màu hơi tim tím trông rất bắt mắt. Nào là hoa hồng đào cánh hoa màu phơn phớt nhàn nhạt nhưng gợi nhớ về những kỷ niệm. Rồi nữa có cả hoa hồng son môi, bông chùm, màu sen đậm... Vườn hoa hồng nho nhỏ được Hoàng chăm sóc cẩn thận nên quanh năm lúc nào cũng có hoa nở. Hoàng thích hoa hồng và hoa hồng trở thành đạo cụ để Hoàng chụp ảnh cho khách.

Như những người con gái trẻ trung, tôi cũng rất thích chụp ảnh, nhất là được tạo dáng chụp ảnh bên những cây hoa hồng đang nở bông. Tiền tiết kiệm, thậm chí tôi dành cả tiền mẹ cho ăn sáng để chụp ảnh. Cuốn an bum của tôi dầy cộp, mà phần lớn ảnh tôi chụp trong mảnh vườn hoa hồng của Hoàng. Tôi cũng chẳng biết, mình lọt vào cặp mắt trong veo veo của Hoàng lúc nào. Một lần Hoàng chụp chân dung tôi ngả đầu, buông tóc bên một bông hồng, sau khi in ảnh, anh nắn nót viết đằng sau tấm ảnh mấy câu thơ tôi không biết thơ anh làm hay thơ sưu tầm: “Ơi này yêu dấu của tôi/ Mắt trong như thể trời vừa tan sương...”. Tôi run run nhận tấm ảnh, còn Hoàng mạnh dạn nắm lấy tay tôi. Chỉ một thời gian không lâu sau, một buổi tối Hoàng mời tôi đi cà phê. sau đó anh rủ tôi đi dạo và ngồi hóng gió bên bờ sông Vân. Hôm ấy anh thì thào: “Thương ơi... Anh yêu em...”. Bất ngờ làm tôi sửng sốt. Anh rạn rĩ hơn, ôm chặt tôi rồi lại thì thào: “ Thương ơi, tốt nghiệp xong làm vợ anh nha!”. Thú thực, hồi ấy tôi cũng để ý đến anh, trong thâm tâm tôi cũng thích anh. Trong vòng tay anh, trái tim con gái mười tám tuổi xao xuyến. Bên bờ sông Vân mơ mộng, tôi đón nhận nụ hôn nồng nàn của Hoàng.

Không những chụp ảnh đẹp, Hoàng còn biết làm thơ tình, và đặc biệt anh còn có tài đàn hát. Những lúc thư thái, rảnh rỗi ở bên tôi, Hoàng ôm ghi ta vừa đàn vừa hát “Triệu bông hồng” đến “Câu chuyện tình yêu” rồi “Tình ca”... tiếng đàn thánh thót, giọng hát du dương, cứ bập bồng dìu tôi vào với cõi mênh mang. Chi đoàn nhà trường kết nghĩa với chi đoàn địa phương, thường xuyên có những buổi giao lưu, gặp gỡ. Một lần hai chi đoàn tổ chức đi dã ngoại ở động Người Xưa trong Vườn Quốc gia Cúc Phương. Chuyến dã ngoại, Hoàng nổi bật lên như một ngôi sao chói lọi. Anh vừa chụp ảnh cho mọi người, vừa đàn hát lại còn kiêm luôn vai trò của một hướng dẫn viên du lịch. Giọng nói của anh ấm áp, truyền cảm, không riêng gì tôi, hầu như tất cả bọn con gái đều như nuốt lấy từng lời của anh, nhất là những lúc anh đọc thơ: “Chênh vênh ở giữa vách cao/ Hú tình da diết tan vào mênh mông/ Nhóm lên một ngọn lửa hồng/ Ngày đêm che chắn bão bùng gió reo..”. Rồi nữa là : “Đêm trăng hò hẹn mà thành lứa đôi/ Ngàn năm vọng lại à ơi/ Mẹ ru con trẻ võng nôi giây rừng...”. Đọc thơ xong anh nhìn tôi, đôi mắt của người đang yêu đắm đuối, mê man. Đêm ấy tôi không sao ngủ nổi. Trằn trọc mãi cho đến gần sáng tôi bỗng thấy tôi và anh đang bay, mặt đất, làng mạc, phố phường, núi rừng, biển cả... xa dần... xa dần. Bầu trời, tầng tầng lớp lớp mây ngũ sắc, mây trắng nõn nà, bay lượn xung quanh. Gió dìu dặt, nhè nhẹ bồng tôi và anh đến một lâu đài nguy nga tráng lệ. Đó là lâu đài hạnh phúc tạo hóa dành riêng cho hai người...

***

Hoàng mời tôi vào quán cà phê gần chợ hoa. Bấy nhiêu năm ngỡ quên, ngờ đâu ngọn lửa giận dữ lại bùng cháy. Những tro tàn thủa nào lại thành hình hài múa may trước mắt. Tuy nhiên tôi cố ghìm mình. Dẫu sao cũng đã mấy chục năm rồi, mọi chuyện đã trôi vào dĩ vãng, vết thương tình đầu đời cũng đã liền da từ lâu.

Tôi trấn tĩnh, thong thả nhìn Hoàng. Một chút bỡ ngỡ và kinh ngạc. Đâu rồi anh chàng thợ ảnh to cao, đẹp trai, đa tài, lịch thiệp ngày nào? Trước mắt tôi, một người đàn ông mái đầu phơ phơ bạc, da mặt nhăn nheo... Một lúc, tôi hỏi xã giao:

-Anh ở Sài Gòn ra à?

-Không! - Anh ở Đức về.  Hoàng chậm rãi.

Tôi ngạc nhiên:

            - Thế ra, hồi ấy anh đi nước ngoài?

            Hoàng trả lời tôi, nhưng đôi mắt anh lại nhìn vào khoảng trống trước mặt:

-Ngày ấy, bán hết nhà cửa, cả hiệu ảnh và vườn hoa hồng nhỏ, anh đưa bố mẹ vào Nam. Vài năm sau, bố mẹ anh mất, anh quyết định đi làm ăn ở nước ngoài.

- Ra thế. - Tôi gật gật đầu. Hoàng nói tiếp:

- Anh làm ăn qua mấy nước, cuối cùng thì trụ lại ở Đức. Mấy chục năm, nay mới có dịp về lại quê ăn tết. Ngoài sự kiện anh về dự Xuân quê hương, còn một lý do đặc biệt nữa ấy là có một mối nhân duyên kỳ lạ.

Câu nói của Hoàng làm tôi tò mò. “Mối nhân duyên?” Linh tính mách bảo, có điều gì đó không bình thường đang đến với tôi. Không hiểu sao, những điều không bình thường lại hay đến với tôi vậy!

            ***

Chỉ còn mấy tháng nữa tôi tốt nghiệp và sẽ trở thành cô giáo. Ước mơ cháy bỏng của một cô bé miền sơn cước đang dần thành sự thật. Tôi tưởng tượng ra khi mình đứng trên bục giảng, và dưới lớp những cặp mắt tròn trĩnh trong veo ngước lên nhìn tôi... Những ngày ấy, tôi lại nhớ câu nói thì thào của Hoàng hôm nào: “Thương ơi... Tốt nghiệp xong làm vợ anh nha!”. Tôi lại tưởng tượng khung cảnh ngày cưới, hạnh phúc gia đình lung linh, tổ ấm lúc nào cũng khúc khích tiếng cười trẻ con.

Ấy vậy mà... Đường đột Hoàng bỏ đi không rõ lý do, chẳng một lời từ biệt. Hiệu ảnh của Hoàng im ỉm khóa. Tôi ghé mắt nhìn vào. Vườn hồng khô héo, đang chết dần vì thiếu người tưới tắm, bắt sâu tỉa cành. Tự dưng thấy Hoàng bỏ bẵng tôi cảm thấy băn khoăn, khó hiểu. Một chút nghi ngờ lởn vởn. Hay là Hoàng đã... Để làm cho ra nhẽ, tôi đến gặp bác Huy, bác là thương binh nặng thời chống Mĩ, Hoàng là con một của vợ chồng bác. Bác trai lúng túng giải thích cho tôi những điều không thỏa đáng. Bác gái ngồi bó gối sụt sịt khóc. Bác trai buồn bã nói:

-Nó cũng khổ tâm lắm. Nó bảo nó vào Nam tiền trạm rồi về đón hai bác vào trong đó. Nó nhờ bác nói với cháu là quên nó đi. Bác hỏi nó sao con không nói với cháu. Nó im lặng. Ngẫm nghĩ, bác thấy nó nói đúng đấy. Quên nó đi, cháu còn trẻ, cháu sẽ hạnh phúc.

Bảo quên ngay thì thật dối lòng. Tôi đã trải qua một thời gian khá dài trong vật vã đau khổ. Thậm chí, có lúc tôi đã nghĩ đến hành động tiêu cực. Hầu như đêm nào nước mắt cũng đầm đìa trên gối. Mãi sau này khi đã trở thành giáo viên lại được dạy ở một trường trong thành phố, rồi tôi và Thành, kỹ sư nông nghiệp đến với nhau, tôi mới chấm dứt được nỗi ám ảnh từ Hoàng. Tôi đã có được hơn chục năm sống hạnh phúc với Thành. Cháu Mai Hương, rồi cháu Tuấn Anh ra đời, tổ ấm của tôi ngày nào cũng rộn rã, tiếng nói tiếng cười.

Tôi không tin vào số phận, nhưng không sao cái bất bình thường lại vận vào tôi. Gia đình đang yên lành thì tai họa ập đến. Một lần đi làm về, anh Thành chẳng may bị tai nạn giao thông, không qua khỏi, khi cháu Mai Hương mới hơn mười tuổi, Tuấn Anh bắt đầu vào lớp một. Lại là những ngày tháng đau đớn vì mất mát và vất vả vì chỉ một mình nuôi nấng hai đứa con thơ. Thật may các con ngoan ngoãn, chịu khó học tập, cả hai cháu đều là học sinh giỏi cấp tỉnh. Tốt nghiệp lớp mười hai, cháu Mai Hương nhận được học bổng toàn phần đi học đại học ở Đức.

Còn Hoàng? Người đàn ông đã từng “chà đạp” mối tình đầu của tôi đang ngồi đối diện kia thì sao? Tôi muốn biết từ bấy đến nay Hoàng sống như thế nào? Gia đình anh ta ra sao? Nhưng tôi không hỏi và càng không muốn hỏi. Tôi nghĩ, anh ta sống như thế nào, vợ con anh ta ra sao cũng chẳng liên quan gì đến mình. Trước hai li cà phê, hai người im lặng. Khoảnh khắc im lặng kéo dài khiên tôi hơi khó chịu. Bên kia đường chợ hoa tết vẫn đang sôi động. Sắc màu, hương vị của hoa hồng cuốn hút tôi, chứ người đàn ông bội bạc kia chỉ gợi lại kỷ niệm buồn tủi, chua chát.. Dường như biết được tâm trạng tôi, Hoàng khẽ khàng:

- Ngày ấy chắc Thương giận anh lắm. Anh bỏ đi đường đột vì không đủ can đảm để nói lời chia tay phũ phàng.

Hoàng ngập ngừng, hình như anh ta đang xúc động. Lúc sau anh mới khẽ khàng trở lại:

- Bây giờ xin lỗi Thương cũng chẳng để làm gì, nhưng không xin lỗi, anh sẽ áy náy và mặc cảm suốt quãng đời còn lại.

Hoàng dừng lời, lần này anh nhìn thẳng vào mắt tôi. Cái nhìn theo tôi là thành thật. Nghỉ một lát, anh lại nói, chừng như sợ nếu không nói sẽ không bao giờ nói được:

-Anh đã định “sống để dạ, chết mang theo” lý do bỏ dở cuộc tình với Thương. Cuộc tình đầu tiên và cũng là cuộc tình duy nhất của anh. Bao năm qua anh sống trong sự dằn vặt, khổ đau. Hai năm lại đây, anh mới bớt đi sự áy náy, là khi tình cờ gặp cháu Mai Hương ở Đức. Qua cháu Mai Hương anh mới biết hoàn cảnh của gia đình Thương.

“Trời ạ!” Tôi thốt thầm. Hoàng đã gặp con gái tôi ở Đức? Tại sao anh ta lại biết Mai Hương là con gái tôi?

- Chắc Thương ngạc nhiên về chuyện hai bác cháu anh gặp nhau ở Berlin, chuyện ấy dài lắm. Anh về ăn tết năm nay cũng do động lực từ cháu Mai Hương. À mà cũng nói cho Thương yên tâm, anh chưa hề nói một lời nào với cháu về mối quan hệ của chúng ta hồi trẻ.

Nghe Hoàng nói vậy tôi cũng yên lòng một chút. Mối tình hồi ấy có cái kết chẳng hay ho, chôn nó đi nói với các con làm gì. Giong Hoàng nhè nhẹ:

- Thương ơi, anh nói thật lòng, hồi ấy anh yêu Thương còn hơn yêu chính bản thân mình. Từ khi đưa gia đình vào Nam, rồi sang định cư ở nước ngoài, tình yêu với Thương còn trào dâng da diết hơn nhiều.

Tôi không tin. Yêu tôi ư! Yêu tôi mà anh ruồng bỏ dễ dàng như vậy ư! Anh ra đi mà không nghĩ tôi sẽ sống chết ra sao, đứa con gái nhà quê mới mười tám, đôi mươi lần đầu bước vào tình yêu đã nhận về “quả đắng”.

- Hãy tha lỗi cho anh vì anh giấu kín lí do khi dời bỏ Thương. Hồi ấy nếu nói ra anh sẽ xấu hổ. Xấu hổ có thể dẫn đến tự tử đấy. Hồi còn làm thợ ảnh, nhiều khi anh thấy mình rất mỏi mệt. Đàn hát làm thơ hay những lúc ở bên em vui thì vui vậy, hết mình thì hết mình thế, nhưng trong anh lại quặn thắt, nỗi đau cả thể xác lẫn tâm hồn.. Bố anh rất lo cho sức khỏe của anh, bởi hơn ai hết ông là người thừa biết sự suy nhược sức khỏe của con trai bắt đầu từ đâu. Đợi cho em gần tốt nghiệp, anh đã đi khám sức khỏe... Và sau đó, anh chán máy ảnh, chán đàn ghi ta và cả vườn hoa hồng, anh cũng muốn từ bỏ. Bây giờ có tuổi, già rồi, có nói cũng không còn xấu hổ nữa. Bác sĩ bảo, anh bị bệnh vô sinh.

Không hiểu sao bỗng dưng chân tay tôi bủn rủn. Tôi mường tưởng về những năm trước, Hoàng to cao, khỏe mạnh, vậy cớ gì?

- Thương ạ, Những năm ở chiến trường đơn vị của bố không may nằm trong tọa độ rải chất độc da cam, đi ô xin của Mĩ. Bố anh bị nhiễm nhưng cũng không hề biết. Ra quân, bố hồn nhiên lấy mẹ, rồi sinh ra anh lành lặn như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng có ai ngờ được di chứng và hậu quả! Anh yêu Thương, nhưng anh thương em hơn cả tình yêu. Nếu cứ đi đến tận cùng của mối tình ấy, em sẽ suốt đời không được làm mẹ.

Kể từ ngày anh Thành chồng tôi mất, mười mấy năm tưởng rằng tôi không còn nước mắt, vậy mà giờ đây nước mắt lại ứa ra nhòe nhoẹt trên mắt trên mặt tôi. Hoàng bỏ đi không một lời từ biệt là thế! Vậy mà bao năm qua tôi căm giận người phụ tình đến mức chỉ muốn cấu xé anh ta ra hàng trăm hàng ngàn mảnh. Bất giác tôi gục đầu xuống bàn.

***

Có lẽ anh Hoàng đã gọi điện cho Mai Hương, con bé ào vào quán cà phê. Tôi bất ngờ, nó xà đến ôm lấy cổ Hoàng và ríu rít gọi Hoàng là bố. Sau đó nó hớn hỏ bảo tôi:

- Là con mời bác Hoàng về nhà gặp mẹ đấy.

Tôi trau mày, nguýt con gái. Hoàng cười bảo tôi:

- Con nuôi anh nó mời rồi, không biết mẹ nó có mời anh về nhà không nhỉ?

Chẳng cần biết tôi có đồng ý hay không, Hoàng nói luôn:

-  Anh sẽ đến nhà Thương, hai mẹ con chờ anh một lát, anh sẽ quay lại ngay.

Về nhà, tôi nghiêm nghi hỏi con gái:

- Thế này là thế nào?

Mai Hương nhoẻn miệng cười:

- Mẹ ơi, bác Hoàng là một trong những doanh nhân người Việt thành đạt ở Đức. Bác ấy sống độc thân và là người giúp đỡ sinh viên chúng con rất nhiều. Một lần giao lưu sinh viên với cộng đồng người Việt, con được biết bác ấy là đồng hương, nên con đã tâm sự chuyện nhà mình. Bác Hoàng hỏi rất kỹ về bố, về mẹ về hoàn cảnh nhà mình. Bác rất cảm thông và rất quý con, thương con và bác ấy nhận con làm con nuôi. Năm nay con được biết bác Hoàng về Việt Nam làm từ thiên, nghe đâu bác ấy chọn miền núi mà lại chính là quê mẹ để xây dựng trường học, cho nên con mạnh dạn mời bác ấy về nhà mình. Mẹ đồng ý đón tiếp bố nuôi của con nhá.

Thì ra anh Hoàng vào chợ hoa. Tay anh ôm một bó hoa hồng rực rỡ. Anh trao bó hoa hồng cho tôi, anh nói, vừa nghiêm trang vừa vui vẻ:

- Xin được tặng mẹ đẻ của con nuôi tôi hai mươi lăm bông hoa hồng.

Tay tôi run run nhận hoa. Mai Hương thì thào:

- Mẹ ơi sao lại là hai mươi lăm bông hồng?

Tôi khẽ mỉm cười. con gái ơi, làm sao con biết được, hai mươi lăm bông hồng tượng trưng cho hai mươi lăm năm xa cách, và con càng không biết được, mùa xuân này hoa hồng đã trở lại.

N.Đ.H

(Nguồn: TC VNNB Số 290-2/2024)

Bài viết khác