Truyện ngắn của NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH
1. Làng quê của ông thật đẹp. Ai đến cũng có nhận xét như vậy. Theo như lời của một tác giả khuyết danh viết trong cuốn lịch sử còn lưu lại đến ngày nay thì làng quê ông có những một trăm quả đồi bát úp lớn nhỏ nằm kề bên nhau tạo thành một quần thể hội tụ rất là thơ mộng.
Trong con mắt của tác giả gần như là thần tiên ấy thì có đến chín mươi chín ngọn đồi hướng về một phía, chỉ có một ngọn là đơn độc quay về hướng khác. Chính vì thế mà trong khi tất cả đều có tên và có dân cư sinh sống thì ngọn đồi lẻ loi ấy không có tên và cũng không có ai đến ở.
Cơ ngơi của ông là một trong chín mươi chín ngọn đồi có tên ấy. Từ ông bà nội đến bố mẹ ông đều sinh cơ lập nghiệp ở ngọn đồi này. Ông sinh ra ở đây, nhưng từ năm mười bảy tuổi ông lại đi theo chúng bạn xin vào làm công nhân ở nông trường lớn nhất miền Bắc thời bấy giờ. Hơn ba mươi năm ăn cơm nhà nước. Khi đã đủ các tiêu chí của chế độ hưu trí mất sức, ông lại trở về sống với cha già mẹ héo ở một trong những ngọn đồi ấy để làm tròn chữ hiếu với gia tộc tổ đường. Năm ấy ông vừa tròn năm mươi tuổi. Ông về quê một mình. Còn bà vợ của ông thì phải ở lại nông trường, nay đã là trung tâm của một thành phố trẻ, thêm một vài năm nữa cho đủ tuổi về hưu và còn phải trông nom hai đứa con trai chưa yên bề gia thất.
Ngọn đồi ấy của ông tuy không rộng lớn như những quả đồi khác, nhưng độ dốc thì vừa phải, chỉ ở mức thấp hơn năm phần trăm. Ở phía dưới lại có một nhánh của con suối nhỏ, quanh năm đầy nước nên rất thuận lợi cho việc canh tác, gieo trồng. Bằng sức lực trời cho của mình, ông đã phủ kín cả ngọn đồi bằng một thảm rừng xanh của cây keo tai tượng. Còn giải đất bằng phẳng hơn ở dưới chân đồi thì được ông phủ lên một màu xanh êm dịu của cây dứa. Ông trồng đủ mọi cây, nuôi đủ mọi con nên trang trại của ông phong phú lắm. Ai đến cũng không muốn về.
Vào một buổi sáng muộn của mùa hè nắng nhẹ. Trời xanh trong nhưng đây đó điểm thêm những đám mây lang thang với hình thù rất lạ nên thời tiết trở nên dễ chịu hơn. Ông đang ngồi lặng ngắm những quả dứa chính vụ cứ thẳng hàng thẳng lối san sát vươn lên để hít thở khí trời mà vui thầm trong bụng khi nghĩ đến một mùa dứa bội thì tiếng còi ô tô inh ỏi từ phía con đường trước mặt vang lên. Ông nhìn ra. Một chiếc ô tô màu tím nhẹ đang từ từ đi vào sân nhà. Cửa mở. Một người đàn bà không còn trẻ nữa nhưng ăn mặc lịch sử gọn gàng, nhanh nhẹn bước ra như chạy về phía ông. Ông vội vàng đứng lên. Khi chỉ cách ông vài bước chân nữa thì người đàn bà ấy bỗng sững lại, hai con mắt cứ tròn xoe nhìn thẳng vào ông:
- Trời ơi anh Khoả. Có phải anh là Trần Ngọc Khoả không.
Trong khi ông chưa kịp phản ứng gì và cũng chưa nhận ra người đàn bà đang đứng trước mặt mình là ai thì người đàn bà ấy cứ từng lời từng lời trong niềm xúc động đang dâng lên trong lòng:
- Đúng là anh Khoả rồi. Anh đã nhận ra em chưa. Em là Hạnh, Con bé Hạnh nhộn nhịp hay cười hay hát của anh đây. Mấy chục năm rồi em cứ đi tìm hoài tìm mãi hình bóng của anh mà vẫn bặt vô âm tín. Hôm nay em phải cất công đi đến tận làng Đất Đỏ này để tìm anh và để mua ít cây sim già về trồng làm cây cảnh. Em vẫn đinh ninh làng này là quê anh. Ngày xưa anh thường nói với em như vậy mà. Đến đầu làng em hỏi thăm thì người ta bảo: Cô cứ đi theo con đường bê tông mới mở này khoảng hơn một cây số nữa là đến nhà ông Bổng. Ông ấy có cả một đồi sim đấy. Em đến đây thì may quá. Ông trời đã cho em gặp lại anh.
- Bây giờ thì tôi đã nhận ra cô. Cô là Nguyễn Thuý Hạnh, quê Thái Bình.
Ông mới nói được một vài câu như vậy thì Hạnh đã hỏi liên hồi:
- Sao anh lại có tên là Bổng.
- Đấy là tên ông cụ thân sinh ra tôi.
- Ông có khoẻ không anh. Tý nữa anh nhớ cho em vào thăm. Đồi sim của anh đâu. Cho em đi xem với.
- Tôi có cây sim nào đâu.
Ông chưa nói hết câu thì bất thình lình Hạnh đã ngắt lời:
- Anh vẫn như này xưa. Lại nói dối em rồi. Em đã nhìn thấy cả một rừng màu tím hoa sim trên đồi của anh. Ta đến đấy xem đi anh.
Biết không thể nói dối được nữa, ông đành dẫn Hạnh đi lên đồi. Dù đã xa cách nhau đến mấy chục năm trời mà ông vẫn nhìn thấy ở Hạnh hình bóng một cô công nhân trẻ xinh đẹp ngày nào. Hạnh cứ tung tăng như con chim chuyền, vừa đi vừa khe khẽ hát những bài ca về nông trường thuở xưa vừa ngắm nhìn như thôi miên vào những bông hoa sim màu tím nhạt. Hạnh như ôm lấy cả một cây sim sum suê cành lá và hoa thì ngây ngất hương thơm:
- Anh có thấy hoa sim đẹp không. Anh chụp cho em thật nhiều kiểu ảnh vào điện thoại nhé. Đối với em hoa sim không những rất đẹp mà còn để lại trong em biết bao nhiêu là kỷ niệm không thể nào mờ phai theo ngày tháng. Thuỷ chung tình bạn màu hoa tím. Anh có biết câu thơ này của ai không. Của Tố Hữu đấy. Em rất thích câu thơ ấy, vì nó như là định mệnh của đời em vậy. Em đã gửi tâm tình cho ai thì em giữ mãi cho đến khi không còn sống trên đời này nữa.
Ông cứ hờ hững như vô tình làm theo những đề nghị rất nhẹ nhàng của Hạnh, nhưng trong ông thì hình như đã quên hết những câu nói của Hạnh, kể cả khi Hạnh nói về câu thơ định mệnh của mình. Ông đang bồi hồi sống về dĩ vãng và cứ lặng yên để suy nghĩ của mình trôi theo thời gian hai chiều.
2. Đó là những ngày tháng giữa thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước. Một buổi chiều ông đang làm những công việc của một tổ trưởng chăn nuôi bò rất lớn của nông trường thì anh đội trưởng cho người tìm về. Đến văn phòng đội ông thấy đội trưởng đang nói chuyện với một cô gái còn rất trẻ và khá là xinh đẹp. Anh đội trưởng chỉ tay vào cô gái:
- Giới thiệu với cậu đây là cô Hạnh, Nguyễn Thuý Hạnh, công nhân mới vừa được nông trường cử về đội ta. Cô Hạnh sẽ về làm việc ở tổ chăn nuôi của cậu. Cậu cố gắng giúp đỡ để cô Hạnh quen dần với công việc.
Trên đường trở về khu chăn nuôi, nghĩ đến sự phân công không một chút tình người của đội trưởng, tự nhiên trong ông cảm thấy phân vân đến lạ thường. Nếu như ông, một thanh niên sức dài vai rộng mà đi chăn bò thì là lẽ thường, nhưng đằng này, một cô thôn nữ, tuổi mới đôi mươi mười tám, mảnh dẻ và nhỏ bé như hạt kẹo mà bắt đi theo đuôi đến mấy chục con bò thì làm sao mà chịu nổi. Những ngày tạnh ráo thì không nói làm gì, nhưng những ngày đông giá rét, gió bấc mưa phùn, là thân gái dặm trường thì biết làm sao đây.
Ngày ấy khu chăn nuôi của ông đang còn có những cánh đồng cỏ mênh mông và rộng lớn. Vì nhân công khan hiếm nên nông trường mới chỉ khai hoang, đánh gốc bốc trà được mấy chục héc ta gần khu chuồng bò, còn lại toàn là rừng hoang và cây lùm bụi. Những người đã có lâu năm trong nghề khi lùa đàn bò vào rừng cũng có nhìn thấy con nào đâu. Nhưng khi chiều về vì đã quen với tiếng hú nên cả đàn bò với cái bụng căng phồng no nê cứ lũ lượt theo nhau kéo về chuồng, không thiếu một con. Nhưng đấy là việc làm của những thanh niên trai tráng, còn những cô gái như Hạnh thì làm sao mà làm như vậy được. Ông cứ nghĩ thế rồi giao cho Hạnh giữ một đàn bò mẹ con để được chăn trên khu đồng cỏ bằng phẳng gần khu chuồng bò. Cũng may là Hạnh đã nhanh chóng thông thạo và dần say mê với công việc của mình. Sáu tháng đầu tiên qua đi, Hạnh chưa một lần về quê, cô làm việc rất chuyên cần, đạt ngày công cao và được bình bầu là lao động tiên tiến. Thấy Hạnh quá vất vả, đã có lần ông chuyển cô sang làm việc ở bộ phận làm thức ăn cho bò sinh sản, nhưng mới được ngày đầu khi nhìn thấy những ánh mắt soi mói nghi ngờ của những chị lớn tuổi, cô đã xin được trở về công việc cũ.
Ngày ấy công nhân ở tập thể sống thiếu thốn và khổ cực trăm điều. Suất cơm buổi sáng vừa ăn xong đã thấy đói. Ấy thế mà mãi tận chiều mới được ăn bữa thứ hai. Từ buổi trưa cho đến buổi chiều dài dằng dặc, Hạnh luôn cảm thấy đói cồn cào tưởng như không chịu nổi. Vào những lúc ấy, Hạnh lại nhìn thấy bóng dáng của người tổ trưởng đi đến chỗ mình. Ông mang đến những củ sắn vừa nhổ trong vườn. Khi thì ông mang theo cả xoong nồi để luộc. Bữa thì ông lại xếp củi đốt lên một đống lửa to như lửa trại để nướng sắn. Ông bảo rằng phải nướng bằng than hồng thì sắn mới ngon mới thơm được. Những lúc ấy sao mà hương vị của sắn nướng lại đậm đà thơm ngon như thế. Cảm giác ấy không bao giờ Hạnh quên được.
Có những buổi chiều khi đàn bò đã yên ả nằm nhai lại trong chuồng, Hạnh và ba bốn người nữa đang định ra về thì ông bảo ở lại có công việc mới. Ông đưa ra một xoong nhôm đầy ắp những thớ thịt hồng tươi mềm nhũn còn lẫn máu bò:
- Đố cô Hạnh biết đây là cái gì?
Hạnh nhanh nhẹn trả lời:
- Em biết rồi. Đây là nhau bò. Anh lấy được từ lúc nào mà được nhiều thế.
- Suốt từ trưa đến giờ đấy. Đây là ba cái nhau bò mới đẻ còn tươi nguyên, rất sạch. Để lấy được nó, anh và cậu Nguyên này đã phải đánh vật với mấy con bò mẹ hám con hung dữ đấy.
Xoong nhau bò được đưa lên bếp. Không hành không tỏi, không mỡ không dầu, không mì chính nước mắm mà sao món nhau bò này lại hấp dẫn, lại ngon lành đến thế. Đấy là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, Hạnh được thưởng thức món ăn có một không hai ấy. Đúng là một bữa ăn nhớ đời.
Cuộc sống đang êm ả trôi qua thì bỗng nhiên Hạnh gặp một sự cố bất thường làm cho cô lo lắng suốt một đêm không ngủ. Hôm ấy, vì đội phải huy động toàn bộ nam giới đi làm một công việc đột xuất nên Hạnh phải đi làm thay cho một anh để chăn một đàn bò lớn. Khi nhận nhiệm vụ, anh công nhân ấy nói với Hạnh là em đừng lo. Cứ bám sát con chủ đàn, đến chiều hú lên vài tiếng là chúng nó sẽ theo nhau về chuồng cả thôi. Hạnh đã làm đúng như lời dặn của anh ấy, nhưng không hiểu làm sao chỉ có lác đác vài chục con về chuồng. Hạnh đếm đi lại vẫn thấy thiếu đúng bốn mươi con. Hạnh không biết làm sao cả nên cứ ngồi ở khu chuồng bò mà khóc. Đội trưởng biết chuyện đã cử một số người thông thạo đường đất đi tìm, nhưng có không kết quả gì. Đúng lúc ấy, ông đã đến bên Hạnh:
- Em đừng lo. Không mất được đâu. Bây giờ tối rồi, em về nghỉ đi. Ngày mai các anh đi tìm cho.
Đúng như lời hứa, sáng hôm sau ông và cậu Nguyên, người năng nổ nhất tổ khăn gói lên đường. Hai người cứ theo lốt chân bò mà đi. Đi mãi đi mãi qua rừng ổi, rừng sim rồi đến một thung lũng hoang vắng. Nguyên nói với ông đây là thung lũng chưa có tên, chỉ có một lối duy nhất để vào ra. Có lẽ đàn bò ấy đã vào đây. Đồng xanh cỏ tốt, sau trận mưa lại có nước đọng. Mải mê ăn rồi không biết đường về nữa. Phỏng đoán của Nguyên đã thành hiện thực. Chỉ một lúc sau họ đã tìm thấy đàn bò ấy. Ở nhà Hạnh đứng ngồi không yên, thấp thỏm chờ mong. Đến khoảng bốn giờ chiều thì hai người đã dẫn về chuồng đủ bốn mươi con bò bụng no kềnh càng. Hạnh sung sướng vô cùng. Cô nhìn hai người như muốn khóc để nói nên lời cảm ơn. Từ ngày đó thung lũng hoang vắng này đã có tên. Đó là thung Bốn Mươi.
Vào một buổi trưa hè tháng sáu, ông lại “bí mật” mang theo mấy củ khoai lang vừa mới luộc xong còn đang nóng hổi thơm phức đến vùng đồng cỏ của Hạnh. Hai người vừa ăn khoai vừa chuyện trò vui vẻ. Hạnh với tay cầm lấy một quả ổi còn xanh rồi hỏi:
- Em đã tìm ra mấy cây ổi, nhưng chưa tìm thấy một cây sim nào. Nghe mấy chị nói mấy năm trước vùng này là một rừng sim. Phải không anh.
- Đúng như vậy đấy. Cách đây ba năm, nông trường đã chặt hết đi để làm đồng cỏ chăn bò. Bây giờ em có muốn đến rừng ổi rừng sim không.
- Em muốn lắm. Anh dẫn em đi ngay nhé. Đàn bò của em đang nghỉ trưa trong rừng cây rậm rạp kia rồi.
Theo những lối mòn trên những cánh rừng quen thuộc, ông đã dẫn Hạnh đi đến một khu rừng ổi đang trĩu quả. Tuy chưa phải là mùa ổi chín, nhưng trên cây đã nhìn thấy những quả bắt đầu chuyển sang màu vàng nhạt và dưới gốc cây đã xuất hiện nhiều quả ổi chín rụng. Hạnh khe khẽ đọc:
- Đã nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se. Thơ của Hữu Thỉnh đấy anh ạ. Nhiều người nói hương ổi làm sao mà thơm đến mức phả vào trong gió được. Nhưng đến đây em mới nhận ra chỉ có ổi rừng chín mới có hương thơm như vậy.
Đi một đoạn đường nữa thì Hạnh đã bắt đầu chìm đắm trong phong cảnh ngây ngất của rừng sim thuần chủng đang mùa nở hoa rực rỡ. Hạnh len lỏi trong rừng cây ken dày rồi ngắt một chùm hoa đang trong độ tím sẫm cài lên mái tóc đen dày của mình:
- Em cài hoa sim như thế này có đẹp không anh?
- Hoa sim đã đẹp và người cài hoa sim lại càng đẹp hơn.
- Anh lại nịnh em rồi.
Cứ thế ông đã để cho Hạnh thoả thích với rừng sim đang mùa hoa nở rộ. Cô cứ chạy đi chạy lại, đứng lên ngồi xuống như không muốn để sót một chi tiết nào của rừng sim hoa tím. Nhìn Hạnh bên rừng sim, ông cũng thấy vui vui trong lòng. Bỗng chốc ông thấy sốt ruột khi nhìn thấy bóng chiều đã ngả, ông đành đi trở về theo lối cũ. Hạnh cảm thấy tiếc nuối nhưng đành phải chạy gằn theo ông về nơi đồng cỏ của mình.
Mỗi lần được đi bên Hạnh trên đồng cỏ như thế là ông cảm thấy mình đang được sống trong rung động, trong nhớ nhung và trong đợi chờ. Ông biết Hạnh cũng có cùng cảm giác ấy như ông, nhưng cả hai đều không biết thể hiện điều ấy như thế nào. Nhưng ông đâu có biết cái buổi đi thăm rừng sim đang nở rộ ấy lại là buổi cuối cùng trong cuộc đời làm cô công nhân nông trường của Hạnh.
Sáng hôm sau, khi Hạnh đang chuẩn bị thay quần áo để đi chăn bò thì anh đội trưởng gọi cô vào văn phòng. Anh cho biết một năm qua cô đã hoàn thành nhiệm vụ của đội giao một cách xuất sắc, không có biểu hiện tiêu cực gì. Nông trường đã nhận ra điều đó nên quyết định cho cô đi đào tạo dài ngày ở các trường của Bộ. Cô được chọn một trong bốn trường trung cấp là chăn nuôi, trồng trọt, cơ khí và kế toán, nhưng cô phải làm xong thủ tục ngay trong ngày hôm nay.
Được sự giúp đỡ của anh cán bộ phòng Tổ chức, Hạnh đã nhanh chóng viết xong bản lý lịch tự thuật và đơn xin đi học ngành kế toán của Trường Quản lý Xuân Mai. Xem xong các văn bản của Hạnh, anh đội trưởng cười lớn:
- Cô chọn ngành thật khôn khéo và thông minh. Thời gian học của ngành kế toán rất ngắn, chỉ có chín tháng thôi. Học xong về lấy chồng là rất đẹp. Nhưng gấp rút lắm. Đúng một tuần nữa cô phải tựu trường rồi. Trước khi đi học cô được nghỉ phép mấy ngày để về thăm gia đình.
Rời khỏi văn phòng đội, Hạnh chạy ra chuồng bò, gặp ông ở nhà thú y, Hạnh nắm chặt lấy tay ông mà lắc lắc đến liên hồi:
- Anh mừng cho em đi. Em được nông trường cho đi học lớp kế toán trung cấp ở Xuân Mai. Thời gian gấp rút lắm. Ngày mai em được đội cho về nghỉ phép thăm bố mẹ. Trong em lúc này đang xốn xang nhiều suy nghĩ lắm. Buồn có. Vui có. Em chỉ tiếc là phải xa anh và các anh, các chị trong tổ thôi. Em đã mượn được xe đạp của đội trưởng, sáng sớm mai anh đèo em ra bến xe nhé. Được không.
- Sẵn sàng. Em không biết à. Hôm qua anh đã được mua một chiếc xe đạp rồi. Là tổ trưởng lại kiêm thư ký công đoàn bộ phận nên mới được mua theo chế độ cung cấp đấy. Em cứ lấy xe của anh mà về quê cho chủ động.
- Thế thì còn gì bằng. Em cám ơn anh vô cùng.
Chuyến về phép của Hạnh ngày ấy đã trở thành một sự kiện lớn nhất trong cuộc đời một chàng trai hai mươi nhăm tuổi như ông. Ông chán chường và hoài nghi tất cả. Thế là tất cả những dự định của ông, những tình cảm của ông dành cho Hạnh đã chất chứa từ lâu chưa được nói ra thì đã tan đi như mây khói. Gia đình Hạnh đã không cho cô trở lại nông trường nữa:
- Bố mẹ đã biết tất cả rồi. Con ở trong ấy vất vả và khổ cực lắm. Rừng sâu nước độc. Mờ mịt tương lai. Bố đã xin cho con vào làm công nhân ở công ty dâu tằm tơ của huyện rồi.
Nghe bố nói như vậy, Hạnh như điên lên. Cô muốn nói với bố rằng công việc của con đang vui và ổn định. Con đã tình nguyện sống ở nông trường cả đời này rồi. Con không về đâu. Nhưng biết tính ông là một người rất quyết đoán, đã nói là làm nên cô lập kế hoãn binh:
- Chỉ còn mấy ngày nữa là con phải lên Xuân Mai học kế toán rồi bố ạ. Học xong con sẽ về quê ngay. Thời gian học có chín tháng thôi. Với lại con phải vào nông trường để trả xe cho anh tổ trưởng chứ.
Nghe con gái nói như vậy, ông trở nên nhẹ nhàng hơn, nhưng ý định thì không hề thay đổi:
- Không học hành gì hết. Con phải ở nhà. Mai bố sẽ cử người vào nông trường trả xe và làm thủ tục nghỉ việc cho con. Con gái mười chín hai mươi rồi. Phải đi lấy chồng chứ.
Buổi tối hôm ấy, nhà Hạnh có khách. Một chàng trai ưa nhìn, dáng vẻ thư sinh. Bố giới thiệu đây là anh Tuấn, kỹ sư trồng trọt đang làm việc ở huyện nhà. Nhận thấy chủ nhà và khách trẻ như đã thân thiết từ lâu, Hạnh biết là chuyện gì sẽ đến nên tính đường thoái lui. Đêm ấy thấy con gái vui vẻ, tưởng như đã ưng thuận nên cả nhà không đề phòng gì cả. Nào ngờ đâu từ bốn giờ sáng Hạnh đã dắt xe đạp ra cổng rồi phóng một mạch về nông trường. Lòng dạ sôi như lửa đốt, Hạnh tìm ngay đến tổ trưởng, nhưng ông đã đi dự một cuộc họp lớn ở nông trường Bộ. Mãi đến buổi chiều hôm sau, khi Hạnh vừa nhìn thấy ông đang trên đường ra khu chuồng bò thì bất chợt Hạnh nhận ra một chiếc xe con mang biển số tỉnh nhà. Biết là xe chở bố vào nông trường để bắt con gái về, nhưng Hạnh vẫn lẳng lặng chạy nhanh ra chuồng bò. Gặp ông, Hạnh không để ý đến chung quanh nữa, vội vàng ôm chặt lấy ông trong tiếng nấc nghẹn ngào:
- Bố em vào bắt em về quê lấy chồng đấy anh Khoả ơi. Anh tìm cách cứu em đi. Ngay lúc này anh hãy đưa em lên Xuân Mai để nhập học thì bố không làm gì được đâu. Anh có thương em không anh Khoả.
Sự việc đột ngột quá, ông không kịp nghĩ ngợi gì thì hơi nóng rất êm từ cơ thể người con gái đang độ thanh xuân mỗi lúc một lan toả trên khắp người ông. Ông muốn giúp Hạnh lắm, nhưng điều kiện không cho ông làm theo Hạnh được. Vừa lúc đó có tiếng người từ sân đội vọng ra gọi cô về văn phòng. Đến lúc này ông mới tỉnh ra, ôm thật chặt Hạnh và gấp gáp:
- Em và anh có duyên nhưng không có phận. Số mệnh đã an bài rồi. Em là người con gái ngoan hiền nên phải theo đạo lý tam tòng tứ đức của người đời đã dành cho con gái thôi.
Sau câu nói của ông, Hạnh buông ông ra rồi chạy vụt về văn phòng. Hai người xa nhau từ đấy.
3. Đến đây người viết xin được trở lại phần đầu của câu chuyện. Ấy là khi Hạnh và ông đang trò chuyện thì một đoàn người nam có nữ có, phải đến hai mươi người phóng xe máy lên đồi sim của ông. Người lớn tuổi nhất đến chào và xin phép được thăm quan đồi sim đang mùa hoa nở trong trang trại của ông. Ông vui vẻ đồng ý. Khi người khách hỏi mua vé tham quan thì ông cười và nói rằng miễn phí. Người khách rạp mình cám ơn rồi hoà cùng tốp người len lỏi trong rừng sim. Hạnh đến bên ông:
- Em không ngờ là trang trại của anh lại trở thành một địa chỉ du lịch đặc biệt đấy. Làm sao anh lại tìm ra sáng kiến này.
Ông nói với Hạnh là rất tự nhiên thôi. Xem trên tivi thấy ở cao nguyên đá Hà Giang chỉ có đá và đá thôi mà người ta trồng hàng trăm héc ta cây tam giác mạch để thu hút du lịch. Khi mùa hoa tam giác mạch nở hồng tím trên khắp mọi nơi thì cũng là lúc du lịch Hà Giang phát triển với tốc độ chưa từng thấy. Nhiều đoạn đường bị tắc nghẽn vì người đến dự lễ hội quá đông. Ông cứ tự hỏi người ta làm được sao mình không làm được. Tỉnh mình nổi tiếng về du lịch nhất cả nước. Làng quê Đất Đỏ của ông là miền đồi rất là thơ mộng, lại gần các trung tâm du lịch hàng đầu của đất nước, sao không làm du lịch.
Trong một đêm không ngủ, bất chợt ông nghĩ đến cây sim ở quê nhà. Cây sim và hoa sim rất đẹp, lại dễ trồng và chịu đựng được kham khổ. Hơn ba mươi năm sống ở vùng sim năm nào ông cũng thấy hoa sim nở rất đẹp và cũng chưa bao giờ ông thấy mất mùa sim cả. Hôm sau ông leo lên xe máy phóng một mạch đến vùng sim quen thuộc với ông ngày trước. Ông đi nhiều nhưng không nhìn thấy bóng dáng của một cây sim nào nữa. Người ta khai hoang hết rồi. Ông lại vào thung Bốn Mươi và thật may ở thung lũng hoang vắng này vẫn còn những cây sim già. Ông ở lại và thuê người đánh gốc theo đúng quy trình của người chơi cây cảnh. Mấy tháng trời vất vả ông đã đưa về được hơn hai trăm cây sim về trồng trên đồi.
- Anh lấy tiền ở đâu mà đầu tư vào dự án rừng sim đấy.
Hạnh hỏi và ông trả lời tất cả là dựa vào số tiền bán đi một nửa rừng keo tai tượng đấy. Anh không thu tiền tham quan thì lấy đâu mà chi phí. Hạnh lại hỏi nữa và ông nói rằng. Mấy năm nay sim đã cho nhiều quả và năm nào cũng được mùa. Đến mùa sim chín, khách du lịch bắt đầu đến thì ông thuê người hái sim. Khách mua nhiều lắm. Mua về để làm quà cho trẻ con và để ngâm rượu. Họ kháo nhau rượu sim ngon không thể chê vào đâu được. Còn với những người vào ngắm hoa, tuy không thu tiền nhưng khách tham quan có ý lắm. Họ vẫn dúi tiền vào tay ông. Tuy chỉ vài chục nghìn nhưng không lấy họ không nghe.
- Thằng con trai út của em vào Cúc Phương nhìn thấy trước cửa nhà bảo tàng có ba cây sim già, nó mê lắm. Cứ bắt em vào đây mua cho nó. Hôm nay anh kỷ niệm cho em một cây sim đi.
Nghe Hạnh nói như vậy ông phân vân lắm nhưng đành vỗ về:
- Khách vào đây ai cũng muốn mua một cây sim làm kỷ niệm, nhưng anh chưa bán được em ạ. Biết thế nên anh lại có một mặt hàng mới cung cấp cho khách hàng rồi. Đấy là cây sim giống. Anh phải vất vả lắm mới tìm ra bí quyết này đấy Hạnh ạ. Em lấy về bao nhiêu cây cũng được.
Sau câu nói của ông, Hạnh vui vẻ hẳn lên. Vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ của con trai giao phó. Vui vì ông, người mà cô thầm yêu trộm nhớ thuở nào đã chuyển câu xưng hô thân mật như xưa. Hạnh ghé sát vào anh thủ thỉ:
- Anh Khoả vẫn tuyệt vời như ngày xưa. Anh cho em vào đây để cùng đầu tư vào rừng sim của anh nhé.
Những ngày cuối năm 2022
(Nguồn: TC VNNB 277 tháng 2/2023)