Truyện ngắn của NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH
Tôi không nhớ là trào lưu này đã xuất hiện ở thành phố tôi từ bao giờ, nhưng có lẽ là gần đây thôi. Ấy là việc cứ vào những buổi sáng tinh mơ hay những buổi chiều chạng vạng, khi đã hết giờ làm việc thì từng tốp người, nam có nữ có lại nhẩy lên những chiếc xe đạp mới mua mà phóng như bay trên những con đường mới mở.
Mà nghe đâu những chiếc xe đạp thể thao này đắt lắm. Phải đến mấy chục triệu cơ đấy. Thấy hay hay lại phù hợp với tuổi tác nên tôi cũng học theo để luyện rèn thân thể. Thế là vào một buổi sáng mùa thu đầy sương thu và đầy gió lạnh, tôi đã nhẩy lên một chiếc xe đạp Thống Nhất, vật quý hiếm của tôi từ những năm còn làm việc trong thời bao cấp, rồi thong thả lướt trên những con đường quen thuộc. Nắng thu đã bắt đầu lên và rải vàng trên cánh đồng dứa mênh mông và xanh thẳm. Bầu trời thu ở vào thời điểm này sao mà đẹp thế. Trong xanh cao vút thỉnh thoảng lại điểm những đám mây màu xanh đậm mang hình những con vịt con ngan như đang bơi giữa mặt hồ sóng sánh. Đi được một đoạn đường khá dài, bất chợt tôi nhận ra một con đường mới mở rất rộng, chưa đổ bê tông, cũng chưa rải nhựa và ở hai bên thì còn ngổn ngang những ụ đất mới vừa được ủi ra. Thấy mặt đường rất phẳng và mịn màng tôi liền phóng xe đi luôn. Thì ra đây là con đường cao tốc bắc nam đi qua thành phố đang được gấp rút thi công cho mau chóng hoàn thành. Đi được chừng dăm mười cây số thì hết đường đang làm. Tôi quyết định là không quay về nữa mà đạp xe đi tiếp trên con đường nhỏ ngoằn nghèo uốn lượn theo những thung lũng của cây xanh và núi đá. Phong cảnh vùng này thật đẹp. Có cả bóng núi và cây rừng in hình xuống những hồ nước nhỏ nhắn xinh xinh và trong xanh văn vắt. Vừa đi vừa ngắm cảnh, bỗng tôi nghe thấy một tiếng gọi rất to nhưng niềm nở:
- Ông già ơi vào nhà cháu nghỉ ngơi chút đã.
Thì ra là người quen. Ngơ ngác một lúc, tôi định thần lại:
- Sao cậu lại ở đây.
- Bác quên cháu rồi à. Cháu là Sáu, công nhân lâu năm của nông trường. Khi đã nghỉ hưu rồi thì đa số các gia đình đều rủ nhau về ở trong thành phố, nhưng cháu thì không. Cháu vẫn chung thủy mà ở lại với đội Lam Sơn này đấy bác ạ.
Vừa nói Sáu vừa hăm hở dắt xe tôi vào trong sân rồi mời tôi vào trong nhà. Tôi ngạc nhiên đến vô cùng trước cơ ngơi hoành tráng và tiện nghi của Sáu ở giữa một vùng xa xôi hẻo lánh này. Một con đường bê tông mới mở. Một cổng vào kiểu cách. Một sân gạch đỏ. Một ngôi nhà một tầng mái ngói đỏ au nổi lên giữa một khu vườn cây ăn quả đang trong thời kỳ chăm sóc. Uống một chén nước chè nóng hổi từ tay chủ nhà đưa cho, tôi thủng thẳng:
- Nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như ngày trước nhà của cậu ở mãi trong khu dân cư của đội kia mà.
Sáu cười vui:
- Bác nhớ đúng rồi đấy. Bây giờ thì cả vùng dân cư của đội cháu ngày trước đều đã lọt thỏm vào con đường cao tốc đang thi công. Nhờ số tiền đền bù của nhà nước mà cháu mới xây dựng được cơ ngơi này vào năm ngoái đấy bác ạ.
Tôi tiến đến chỗ Sáu đang ngồi rồi nắm chặt lấy bàn tay gân guốc của chủ nhà để nói lên một câu chúc mừng. Sáu vui vẻ hẳn lên. Vừa lúc đó một cậu con trai chừng ba tuổi từ trong căn buồng bên cạnh chạy ra ôm chặt lấy chủ nhà. Thấy có cái gì đó hơi là lạ, tôi hỏi Sáu:
- Cháu nội hay cháu ngoại của cậu đấy.
Như có vẻ bẽn lẽn, chủ nhà cười vui:
- Con của cháu đấy.
- Cậu thật có phúc, hơn sáu mươi tuổi mà vẫn đẻ được một cậu con trai khôi ngô tuấn tú này.
Sáu thành thật:
- Là con người vợ sau của cháu đấy.
- Thế vợ trước của cậu đâu rồi.
- Mất rồi bác ạ. Cô ấy đã qua đời vì tai nạn giao thông gần mười năm về trước.
- Tôi vô tình quá. Cho tôi xin lỗi.
- Không có gì đâu bác ạ.
Khi những câu chuyện của tôi và Sáu, hai người công nhân lâu năm của nông trường, đã nhiều năm không gặp được nhau cứ mỗi lúc một đậm đà và ngạc nhiên hơn thì bất chợt có một người đàn ông chừng hơn năm mươi tuổi đẹp trai phong độ phóng xe máy đi tận vào sân. Người khách đến bắt tay và chào hỏi tôi rất nhiệt tình. Còn chủ và khách thì hình như đã quá quen thuộc rồi nên không chào hỏi nhau nhưng cả hai đều có những cử chỉ thân thiện. Chủ nhà đẩy một chiếc ghế đến bên tôi như để mời khách ngồi rồi đưa tay về phía tôi:
- Ông đây vừa là đồng hương vừa là công nhân nông trường với tôi. Lâu rồi mới gặp nhau. Tôi muốn làm một bữa cơm để đãi khách. Chú đã đến đây rồi thì giúp tôi làm con gà rồi cùng ngồi uống rượu cho vui nhé. Được không.
- Tiếc quá. Hôm nay em lên đây để xin phép bác cho em được đón cháu về nhà ông bà nội ăn giỗ. Bác thông cảm.
Người khách nói xong thì một bé gái chừng bẩy, tám tuổi rất xinh và bụ bẫm từ trong nhà chạy ra đến gần rồi ngồi vào lòng của ông khách nũng nịu:
- Bố ơi. Hôm nay chủ nhật bố cho con được đi thuyền ở Tràng An nhé. Bố đã hứa với con rồi mà.
Người khách âu yếm nhìn con gái:
- Ừ. Bố đã hứa với con như vậy nhưng hôm nay thì chưa đi được đâu con gái ngoan của bố ạ. Bố đến để đón con về ăn giỗ ở nhà ông bà nội. Con vào chuẩn bị đi.
Nhìn hai bố con người khách lên xe rời khỏi căn nhà tôi cứ ngơ ngác nhìn theo. Tôi muốn hỏi ngay một câu gì đó để giải đáp cho sự việc khó hiểu này. Biết ý, chủ nhà nhỏ nhẹ:
- Cậu ta là chồng cũ của vợ cháu đấy.
Sáu nói mà cứ tỉnh bơ như không có chuyện gì xẩy ra. Còn tôi thì trái lại. Cứ mải mê suy nghĩ về những điều chẳng liên quan gì đến mình, nhưng lại thường gặp trong cuộc sống. Chồng cũ, người cũ, tình cũ của vợ Sáu đây ư. Không biết Sáu có đọc báo mạng không. Ở đó người ta hay kể về những câu chuyện rất đau lòng có liên quan đến tình cũ, người cũ, chồng cũ của vợ kia mà. Những người này đều coi những người mới, chồng mới, tình mới của vợ mình trước kia là tình địch, không đội trời chung. Đúng như câu tục ngữ quen thuộc “tình cũ không rủ cũng đến”. Nhiều đôi vợ chồng đã ra tòa ly hôn rồi nhưng cứ vin vào cớ là đi thăm con mà vẫn thậm thụt đi lại với nhau để rồi dẫn đến những cuộc đánh ghen kinh hoàng. Nhiều anh chàng tuy đã bỏ vợ, nhưng vì tính ích kỷ nên không muốn cho vợ cũ của mình có hạnh phúc mới. Cứ nhìn thấy họ đi bên nhau, tình cảm với nhau là máu ghen nổi lên, không làm chủ được mình nữa và kết quả là đi vào con đường tù tội. Những giả dụ ấy vừa qua đi trong ý nghĩ, tôi bình tâm lại rồi hỏi Sáu một câu mà đáng lẽ ra tôi không nên hỏi:
- Hai cậu vẫn thân mật với nhau như vậy à.
Sáu cười hồn nhiên:
- Cái gì đến thì nó sẽ đến thôi bác ạ. Có lẽ là do số phận tất cả. Trong lá số tử vi mà một ông thầy giỏi nhất vùng lấy cho khi cháu vừa lọt lòng mẹ có ghi là cháu sẽ có vợ hai trước sáu mươi tuổi. Lá số này đã được bố cháu diễn ca thành lục bát cho dễ nhớ. Chính vì thế mà mọi người đều nói vui là cháu lấy vợ theo tử vi. Cháu nghiệm thấy câu nói cha mẹ sinh con, trời sinh tính cũng thật là đúng. Có lẽ vì thế mà nhân cách cúa cháu, cuộc đời của cháu cũng hơi khác với mọi người một chút đấy.
Tôi thấy thích những câu nói vừa rồi của Sáu, nên chiều theo ý muốn của tôi, ngay buổi sáng hôm ấy Sáu đã kể cho tôi nghe tất cả. Thì ra những năm tháng về trước, Sáu đã có một gia đình hạnh phúc. Ngày ấy cũng như nhiều gia đình công nhân khác sống trong thời bao cấp, đôi vợ chồng trẻ được phân cho một gian nhà cấp bốn, tự lên rừng chặt cây về làm một căn nhà bếp nho nhỏ, một mảnh vườn cỏn con ở phía sau để trồng rau trồng ớt. Hằng ngày đi làm theo tiếng kẻng mãi trong rừng cà phê. Đêm về dưới ngọn đèn leo lét, nhờ tiếng nói tiếng cười và tiếng ru con dìu dặt, họ đã có một gia đình ấm cúng. Năm tháng qua đi, vợ chồng Sáu đã sinh được hai đứa con xinh xắn đủ cả nếp lẫn tẻ. Đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, công việc làm ăn theo kiểu “cha chung không ai khóc” không còn nữa, nông trường bắt đầu chia đất để người công nhân được làm chủ thật sự trên thửa ruộng của mình. Qua một đêm suy nghĩ, vợ chồng Sáu đánh liều nhận một hécta đất cà phê vừa phá đi để trồng dứa. Ở thời bao cấp, những tấn dứa quả của công nhân làm ra, các nhà máy chế biến chỉ mua theo một khung giá rất thấp, như là cho không, nhưng khi bước vào cơ chế mới thì lại được mua theo giá thị trường. Rồi khi đã giao nộp đủ kế hoạch thì công nhân được tự do bán sản phẩm của mình ra ngoài. Nhờ ăn nên làm ra, Sáu đã mua được xe máy và làm được một ngôi nhà gạch ngói khang trang, tiện lợi cho việc học hành của các con, các cháu.
Kinh tế gia đình tạm ổn, nhưng Sáu lại không toại nguyện với sự học hành của các con mình. Cả hai đều học rất đuối. Mà cũng phải thôi. Bởi vì đã nhiều đời nay, dòng họ Bùi của Sáu có ai được đỗ đạt khoa bảng bao giờ đâu. Đi theo con đường của các cụ đã chọn. Không học được thì làm ruộng. Thừa dịp có một gia đình hàng xóm vừa chuyển về quê sinh sống, muốn bán đất. Chớp thời cơ thuận lợi, Sáu tậu ngay một hécta dứa nữa, tạo sinh kế lâu dài cho cậu con trai vừa học xong lớp chín, nhưng không vượt qua được kỳ thi vào lớp mười của trường trung học phổ thông. Có đất cắm dùi, lại không học lên được nữa thì phải tính đến chuyện yên bề gia thất. Vì thế mà cả con gái lẫn con trai của Sáu đều được dựng vợ gả chồng vào năm chúng mới ngoài hai mươi tuổi. Để rồi khi cả hai còn dăm sáu năm nữa mới đến sáu mươi thì vợ chồng Sáu đã trở thành ông nội ông ngoại cả rồi.
Giữa những năm tháng đang tràn ngập trong niềm vui của một gia đình hạnh phúc thì một sự kiện bất ngờ và khủng khiếp đã ập đến với Sáu. Người vợ hiền thục và đảm đang của Sáu đã qua đời vì một tai nạn giao thông thảm khốc khi đang trên đường từ chợ về nhà. Sáu buồn đau đến cùng cực. Còn các con thì ngơ ngác như không còn hồn vía nào nữa. Để giữ vững được gia đình, Sáu đã xin về hưu sớm và bàn giao mọi công việc đồng áng cho vợ chồng con trai, còn mình thì dồn hết sức lực vào việc nuôi dưỡng và chăm sóc hai đứa cháu nội còn đang thơ dại. Từ việc hầm cháo nấu bột đến việc cho ăn tắm giặt ngủ nghê Sáu đều làm được tươm tất. Mọi khó khăn theo ngày tháng dần đã qua đi. Cho đến khi hai đứa trẻ đã cứng cáp lên, theo học được ở lớp bán trú của trường mầm non, Sáu mới nghĩ đến những công việc còn lại của đời mình. Trước hết là sang tên cho con trai hơn một hécta dứa vụ một sắp được thu hoạch và làm một căn nhà cấp bốn nho nhỏ ngay bên cạnh ruộng dứa cho vợ chồng nó ăn ở riêng. Sắp xếp đâu vào đấy rồi, Sáu lại tiếp tục đi vào công việc đang làm dở dang ở một thung lũng hẻo lánh xa nhà. Đây là một vùng đất xấu lởm chởm đá lồi đầu được chia cắt bởi những ngọn núi đá chơ vơ và những con suối cạn nên ít người dòm ngó đến. Chỉ có Sáu là người dám làm nên đã mạnh dạn viết đơn xin xã được đến để xây dựng cơ nghiệp. Vào dịp đó, doanh nghiệp xây dựng nổi tiếng của tỉnh đã làm một con đường vào khu mỏ lấy đất đá đi qua đã làm cho trang trại nhỏ xinh của Sáu mỗi ngày một khởi sắc. Vận may đang đến, Sáu đã làm việc đến quên cả mệt nhọc. Vừa ở trang trại vừa quán xuyến ở vườn dứa nên Sáu đã phải thuê người làm công nhật.
Vào một buổi sớm mai, khi chuẩn bị vào vườn để hướng dẫn việc xử lý đất đèn cho dứa ra trái vụ thì Sáu có khách. Bà Hạnh người cùng đội dẫn theo một thiếu phụ đến xin làm công nhật. Lâu nay vì ít tiếp xúc với người khác giới nên Sáu không nhìn tận mặt, nhưng thấy cô gái kia có vẻ quê mùa khỏe mạnh nên Sáu đồng ý ngay. Những ngày sau đó, cô gái ấy vẫn đi làm bình thường và Sáu cũng chẳng quan tâm gì thêm. Rồi cũng thông qua bà Hạnh, Sáu mới biết cô gái kia có tên là Hòa, người dân tộc Mường. Một bà mẹ đơn thân có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bà Hạnh đã giúp Hòa có nơi tin cậy để gửi con, được làm thuê và được ở nhờ ngay trong căn nhà cũ của Sáu. Một buổi gần trưa, trời nắng chang chang, khi nhớ ra hôm nay có thuê người bón phân cho cây ăn quả trong vườn nhà mình, Sáu vội chạy ra và đó cũng là lần đầu tiên người chủ trang trại giáp mặt với người làm công của mình. Hòa ngừng tay cuốc ngẩng lên, bỏ khẩu trang ra rồi nở một nụ cười không thành tiếng để thay cho lời chào. Sáu ngẩn người ra. Trời ơi. Bà mẹ đơn thân hay là một bông hoa rừng chính hiệu đây. Đôi mắt tròn to trong trẻo. Nước da trắng mịn màng đang hồng lên. Cho đến khi Hòa bỏ nón ra như vô tình để bung ra một mái tóc đen dài sóng sánh trên đôi vai thon thả thì Sáu cứ đứng như trời trồng, không nói được câu nào nữa. Cả hai cùng im lặng. Mãi sau Sáu mới lên tiếng:
- Em làm thế này có mệt lắm không.
- Em vất vả từ bé nên quen rồi anh ạ. - Hòa nhỏ nhẹ.
- Muộn rồi nghỉ đi, nếu anh không ra đây thì em làm cả trưa à. - Nói xong câu này Sáu thấy hơi chột dạ vì không hiểu tại sao hôm nay mình lại xưng hô được tiếng anh tiếng em tình tứ như vậy.
Đi qua nhà, Hòa chào ông chủ rồi đi về. Bất chợt Sáu cầm lấy tay Hòa giật lại: “Em phải về đón con à.”
- Không ạ. Con em lớn rồi. Cháu đang chơi với mấy đứa cháu ở nhà bác Hạnh. Đến tối em mới phải đón cháu về.
- Thế thì ở lại, ăn với anh một bữa cơm đạm bạc cho vui.
Hòa ngần ngừ một lát rồi cùng Sáu đi vào trong lán trại. Bữa cơm trưa hôm ấy thật giản dị, không mâm không bàn, thức ăn chỉ có một nồi cá rô kho tộ, một đĩa rau muống luộc, một bát nước rau vắt chanh mà sao cả hai đều cảm thấy ngon lành như chưa bao giờ ngon lành đến thế. Sau bữa cơm đáng nhớ này, cả hai đều không nghỉ trưa và Hòa đã kể cho Sáu nghe không giấu diếm một điều gì về cuộc đời của mình. Sáu chăm chú ngồi nghe:
- Nhà em nghèo lắm anh ạ. Vừa học xong cấp hai em đã phải đi làm công cho một nhà hàng ăn uống rất sang trọng ở thành phố này để có tiền giúp đỡ cho gia đình. Ở đó được một năm em đã lọt vào mắt xanh của một thanh niên cùng phố. Hắn khỏe mạnh, đẹp mã và ăn nói rất bẻm mép. Hắn ta theo đuổi em nhiệt tình lắm. Mỗi lần dẫn bạn bè đến ăn uống là hắn ta lại ngang nhiên giới thiệu em là vợ chưa cưới của nó. Qua tìm hiểu, biết bố mẹ hắn đều là công nhân về hưu, gia đình tử tế nên em tặc lưỡi mà đồng ý. Hắn đòi cưới ngay nhưng em không chịu. Hắn phải chờ đợi. Rồi khi vừa bước sang tuổi mười tám em đã phải về làm dâu nhà hắn. Đến khi em sinh bé gái đầu lòng thì hắn mới lộ nguyên hình là một người bố thiếu trách nhiệm, chỉ biết ăn chơi trác táng. Một thời gian sau hắn theo bạn bè vào Sài Gòn tìm kiếm việc làm. Rồi hàng năm trời sau đó hắn không về nhà và cũng chẳng gửi đồng nào cho em nuôi con nữa. Không có tiền em bị nhà chồng khinh bỉ chán ghét. Còn hắn ta thì đã lấy thêm một cô vợ mới rồi. Em ráng sức chịu đựng để nuôi con khôn lớn. Mãi đến chín năm sau hắn mới mò về. Em chìa tờ giấy ly hôn cho hắn. Hắn không ký ngay và bảo với em rằng dù đã xa nhau lâu ngày nhưng trên danh nghĩa cô vẫn còn là vợ tôi, vậy thì cô phải cho tôi làm cái nghĩa vụ của người chồng. Hắn khỏe mạnh. Em là đàn bà. Kết quả là em lại có thai đứa thứ hai mới khổ cho em chứ. Ly hôn xong mẹ con em gồng gánh về nhà bố mẹ đẻ để nương thân. Lại bắt đầu những ngày cơ cực đến với em. Đến nay khi đứa con gái thứ hai của em đã học lớp một, đang nghỉ hè, được bác Hạnh đưa đường em mới xuống đây làm thuê để lấy tiên nuôi con. Được anh giúp đỡ em không biết lấy gì để cảm ơn anh nữa.
Được nghe những lời tâm sự như mở lòng của Hòa, Sáu thấy cay cay nơi khóe mắt. Không ngờ cuộc đời của cô gái đang ngồi trước mặt mình lại nhiều nỗi đau buồn đến thế. Sự thương cảm dâng lên trong lòng, Sáu chỉ muốn chạy đến ôm chặt lấy tấm thân đang rung lên của Hòa như để thay cho nói “đã có anh bảo vệ cho em rồi, từ nay em không còn phải khổ nữa”, nhưng Sáu đã dừng lại được. Rồi như một sự trùng hợp lạ kỳ, buổi chiều hôm ấy bà Hạnh đến chơi và nói rằng:
- Tôi nghe người ta nói chú quyết tâm ở vậy cho đến già, nhưng người tính không bằng trời tính. Số phận của chú đã an bài. Đã đến lúc chú phải “đi bước nữa” rồi. Cái Hòa xứng đáng để chú yêu thương che chở. Chú xúc tiến đi. Vận may chỉ đến một lần thôi đấy.
Trải qua một đêm dài suy nghĩ, đến trưa hôm sau và cũng bằng một bữa cơm đạm bạc nữa, hai con người cô đơn đang khao khát nỗi niềm yêu thương đã đến được với nhau. Sau những thủ tục ăn hỏi cưới xin rất đơn giản và nhanh chóng, mẹ con Hòa đã dọn về sống chung với Sáu. Những ngày sau đó, Sáu bỗng trở thành một người chồng đảm đang và hết lòng vun vén cho gia đình nhỏ bé của mình. Sáu đón con gái lớn của Hòa về nhà và ngày nào cũng vậy, với bốn lần đi về, Sáu đã đều đặn chở con gái thứ hai đến trường. Rồi một năm sau, Hòa sinh cho Sáu một cậu con trai kháu khỉnh. Rồi khi được nhà nước đền bù cho khu nhà vườn trong đội cũ, Sáu đã làm cho gia đình mình một ngôi nhà tuy không đồ sộ nhưng rất tiện nghi và khang trang. Rồi, lại một chữ rồi nữa, khi nhà vừa xây xong thì cô con gái lớn của Hòa dẫn về một cậu con trai cũng vừa tròn mười tám tuổi đòi cưới. May sao nhà trai cũng là một gia đình tốt nên đám cưới của hai đứa đã diễn ra rất chu toàn và suôn sẻ. Theo như lời kể thì vợ chồng Sáu rất khổ sở với cô con gái này. Cũng giống như bố, nó không chịu học hành làm lụng, chỉ thích chơi bời ngao du với bạn bè cả trai lẫn gái. Đã hai lần nó đem xe máy của nhà đi cầm cố và đến lần thứ ba thì nó bán hẳn, Sáu đem tiền đi nhưng cũng không chuộc về được nữa.
Khi câu chuyện rất có hậu mà Sáu kể cho tôi đang đi đến phần cuối thì tôi thấy một bóng người đi vào nhà bằng cửa phụ. Rồi một lát sau từ trong nhà, người vợ trẻ của Sáu tươi cười bước ra trong bộ quần áo mát màu xanh da trời rất phù hợp với dáng người thanh nhã của chủ nhân. Sáu giới thiệu tôi rất thân tình và Hòa thì bẽn lẽn mời tôi ở lại dùng bữa cơm trưa với gia đình rồi quay lại hỏi chồng:
- Con gái đi đâu rồi anh.
- Bố nó đón về nhà ông bà nội ăn giỗ rồi.
Hòa sửng sốt: “Lại quay về hang cũ rồi à.”
- Làm ăn không được. Nghe đâu con bồ nó đuổi đi rồi.
- Sao anh lại cho con đi.
- Anh làm sao mà can thiệp đến tình cha con máu mủ của nó được. Phải để bố con nó gặp nhau chứ.
- Đã đành là thế, nhưng lúc này đang có dịch, trẻ con ở nhà là tốt nhất.
Tôi đứng lên xin phép được từ chối lời mời của vợ chồng Sáu, hẹn lần sau sẽ ở lại sẽ ăn một bữa cơm để mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng tuy “rổ rá cạp lại” nhưng tâm đầu ý hợp. Tiễn tôi ra cổng, như hiểu ý của tôi, Sáu nói nhỏ:
- Vợ cháu biết ý lắm đấy bác ạ. Cô ấy luôn khuyên cháu hai ông bố không nên gặp nhau là tốt nhất, nên mỗi lần hắn đến là cô ấy lại bỏ đi chỗ khác. Bác thấy vợ cháu có được không ạ.
Cúc Phương, 11/2021
(Nguồn: TC VNNB 261- 02/2022)