Thứ sáu, 04/10/2024

Mái nhà ấm áp

Thứ sáu, 07/02/2020

Truyện ngắn của NINH ĐỨC HẬU

Thương về gần đến nhà, thằng Linh nghe tiếng xe máy của mẹ, chạy ra cổng, theo sau nó, con Mực ngoe nguẩy cái đuôi cũn cỡn. Theo thói quen, Thương dừng xe, tắt máy, gạt chân chống, ngồi xổm xuống, hai tay giang ra, đợi thằng con trai bốn tuổi sà vào lòng.

 Nhưng lạ quá, hôm nay thằng Linh không như mọi khi… Nó chạy đến bên mẹ, cái mặt biểu lộ sự “căng thẳng”:

- Mẹ ơi, nhà ta có khách.

 Thương ôm con vào lòng, chị cúi đầu khẽ hôn lên mái tóc của con:

 - Vậy à! Ai thế hả con?

Thằng Linh ngước đôi mắt tròn vo lên nhìn mẹ: - Có bà nào ấy, bảo là bà nội của con.

- Hả! - Thương buông ra một tiếng sửng sốt, đồng thời đôi tay ôm con cũng bị lỏng ra, làm thằng Linh ngạc nhiên:

- Mẹ… mẹ làm sao vậy?

- À… à… Mẹ không sao… Thế chị Thảo đâu hả con?

 - Chị Thảo đang nói chuyện với bà ấy.

 Bỗng dưng Thương thấy trống ngực đập dồn dập, hơi thở gấp gáp. Cảm giác vừa âu lo, vừa sợ hãi, khiến Thương thấy bần thần, rồi trong lòng run lên lập cập. Thực sự, lúc này Thương không biết phải làm gì, định bế thằng Linh lên, nhưng đôi tay nặng trĩu, và bàn chân thì như găm chặt vào đất.

* * *

Thương và người yêu là Tráng, cùng tốt nghiệp trường trung cấp Y, họ xung phong lên công tác ở một huyện miền núi. Mỗi người về một trạm xá xã cách nhau gần ba chục cây số. Khoảng cách đó tuy cũng không đến nỗi xa, chỉ tội đường rừng núi đi lại khó khăn, dẫu vậy họ vẫn thường xuyên gặp nhau. Khi Tráng về với Thương, khi Thương lội đèo vượt suối đến với Tráng. Thời gian gần gũi làm nồng thắm hơn tình yêu của họ. Hơn một năm sau, vào mùa hoa đào nở thắm núi rừng hai người làm lễ cưới. Rồi bé Thảo xinh xắn, bụ bẫm ra đời. 

Cuộc sống, tuy không thể nào so sánh được với dưới xuôi, thậm chí còn rất nhiều vất vả thiếu thốn, song vợ chồng Thương cũng không hề kêu ca phàn nàn, hay tìm cách bỏ núi rừng, ngược lại họ còn coi nơi đây như quê hương thứ hai và bà con dân tộc như người thân yêu ruột thịt của mình. Tuy chỉ là y tá, song họ chịu khó học hỏi, nâng cao kiến thức nghề nghiệp, hơn nữa ở nơi heo hút này dường như hết thảy các loại bệnh tật đều phải đến tay họ, cho nên trình độ nghiệp vụ của họ ngày một cao. Họ nhiệt tình, cứu chữa, chăm sóc người bệnh, nên bà con cả một vùng quý mến, kính trọng họ.

Thế nhưng… tai họa ập đến… Một lần xuống bản cấp cứu bệnh nhân, Tráng gặp trận lũ quét bất ngờ. Anh không kịp né tránh, và bị lũ cuốn đi. Dân bản đổ đi tìm, hai ngày sau mới thấy xác anh mắc vào những tảng đá to bên bờ suối. Những ngày tháng ấy, Thương tưởng chừng như không sống nổi. Cô suy sụp cả tinh thần lẫn thể xác. Cũng may, bà con, chính quyền sở tại, bạn bè an ủi động viên, giúp đỡ nhiều mặt, nên Thương cũng nguôi ngoai phần nào.

Thương đã định sẽ không đi bước nữa, một phần trong tâm trí cô hình ảnh Tráng dường như không bao giờ phai nhạt, một phần Thương không muốn bé Thảo bị sẻ chia tình cảm. Nhưng người tính đâu có bằng trời tính…

Dạo này ở bản Pa Na, rồi bản Sâng, dịch sốt rét lại phát sinh. Từ sáng sớm Thương đã phải xuống bản. Cô đến từng nhà, vào thăm bệnh nhân. Hết nghe tim, phổi, đo huyết áp, bấm mạch, tìm bệnh, rồi người thì tiêm, người thì phát thuốc. Thương cẩn thận, căn dặn tỉ mỉ từng người bệnh, có trường hợp sợ họ quên, Thương phải viết chữ to vào giấy rồi dán ngay đầu giường người bệnh. Mấy hôm liền mặc dù vất vả nhưng Thương không mệt mà chỉ lo. Không lo cho mình mà thương lo cho bà con, nếu không kịp thời dập ngay được “dịch” thì hậu quả không biết đường nào mà tính.

Suốt từ sáng đến chiều, lúc ấy cũng đã khá muộn Thương định thu xếp về, vì cũng sốt ruột bé Thảo phải ở nhà một mình, nhưng có người bảo nhà bà Lò đang có người bị sốt, Thương vội đến ngay. Ở một góc nhà, bên bếp lửa đang cháy leo lét, ông Lò nằm co rúm, thở khò khè và người đang run cầm cập. Bắt mạch, rồi lấy tai nghe kiểm tra tim, phổi của ông Lò, sau đó tiêm cho ông một mũi, lấy thuốc dặn đi dặn lại chị Sính con gái ông cách thức, thời gian cho bố uống thuốc rồi Thương mới về. Trời tối sập xuống. Đêm lại không trăng sao. Tuy vậy vì đã quen đường xá nên Thương vẫn cứ phăm phăm đi.

Thương sửng sốt, ô hay, sao lại có nhiều người đứng ngồi lố nhố trong nhà mình thế kia. 

- May quá cô Thương đã về. - Ai đó nói.

- Chuyện gì đấy các bác – Vừa hỏi Thương vừa vội vào nhà. 

Trời ạ, con bé Thảo bị làm sao thế kia. Chị đến bên giường cúi xuống ôm lấy con. Người con bé Thảo mềm nhũn, da thịt lạnh toát, toàn thân đang run lên bần bật. Một bà sốt sắng kể:
- Nó bị ngã từ trên dốc xuống suối, may có anh cán bộ kiểm lâm đây xuống cứu. 

Thương nhận ra có một người lạ mặt đang ở trong nhà, anh ta còn trẻ, to cao, da hơi đen, mắt sáng, gặp ánh mắt của Thương anh ta có vẻ ngượng ngùng mồm lí nhí:
- Cháu không sao là may rồi. - Nói xong anh ta vội đi ra cửa.

Hai hôm sau, Thương đến Trạm Kiểm lâm cám ơn người đã cứu con gái mình. Anh tên Hùng, tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp được điều động lên miền núi công tác. Hùng bảo:

- Có gì mà ơn với huệ, gặp trường hợp vậy ai mà chẳng làm như tôi.

Những ngày tiếp sau đó nữa, Hùng thường xuyên đến nhà Thương. Bé Thảo rất quý chú Hùng. Chú vui tính hay kể chuyện cổ tích, thi thoảng lại cho quà, khi mấy gói bim bim, khi một cuốn truyện tranh. 

Ngược lại, thêm nhiều lần, Thương đến Trạm kiểm lâm chăm sóc cho những người bị sốt rét, cảm cúm, hoặc khám sức khoẻ định kỳ cho toàn trạm, lần nào Hùng cũng ân cần, tận tuỵ giúp Thương làm tròn trách nhiệm.

Hôm ấy, làm việc ở Trạm Kiểm lâm xong thì trời tối. Ở miền núi, bóng tối xuống rất nhanh, thoắt cái trời đã mù mịt. Hùng sốt sắng đưa Thương về. Dọc đường Hùng không nói gì cả, nhưng linh tính báo cho Thương biết Hùng đang cố giấu đi sự bối rối, lúng túng. Đến một đoạn đường dốc, hai người đi chậm lại. Gió lành lạnh từ dưới thung sâu và cả từ đỉnh non cao phảng phất đến. Thương khẽ so vai, rùng mình. Bất chợt vòng tay của Hùng giang rộng ra, rồi đường đột anh ôm Thương. Thương giật mình, định nhoài ra, nhưng vòng tay Hùng chắc quá, đến cựa quậy còn không nổi. Thương nhận thấy, từ Hùng làn  khí nồng nàn đang lan toả và như muốn sưởi ấm cho cô. Giọng Hùng gấp gáp:

- Thương ơi, anh yêu em.

Mặc dù trong thâm tâm, Thương quý mến và có nhiều cảm tình với Hùng, nhưng lúc này, sự tỏ tình khá đường đột của Hùng làm Thương bối rối. Tuy nhiên, Thương đã không có phản ứng chối từ, cô chỉ biết nhắm mắt, và thầm thì cầu mong mọi việc tốt lành.

Tình yêu của họ có thể được bắt đầu từ buổi tối hôm ấy. Nhưng mọi sự không hề thuận buồm xuôi gió. Khi Hùng đưa Thương về quê, gia đình anh phản đối quyết liệt. Ngay buổi tối ở nhà Hùng, mẹ anh đã nói thẳng với Thương:
- Thằng Hùng là trai tân, hơn nữa cháu lại hơn nó 2 tuổi, bác nghĩ là không hạnh phúc đâu. Vả lại bác đang chạy chọt, xin cho nó về xuôi đấy. Cháu hãy bỏ ý định yêu rồi cưới xin với nó đi.

Thương chủ động nói với Hùng:
- Mẹ anh nói đúng… Anh còn trẻ và chắc chắn sẽ tìm được người phù hợp, không những với anh mà còn cả với gia đình anh nữa.
Hùng xoè tay che miệng Thương, nói:
- Không có chuyện anh về xuôi, không có chuyện anh yêu người khác!
- Không được đâu anh… Chúng mình chia tay đi.
- Nếu không lấy được em, anh sẽ ở vậy suốt đời – Hùng ôm lấy Thương, rồi khẳng định – Anh không bao giờ từ bỏ ý định lấy em đâu. 

Thương biết, tình yêu đâu có đơn giản và khi từ biệt lại dễ dàng được. Thương đã dằn vặt mình, con tim như nát tan khi mỗi lần thấy vẻ mặt đau khổ, ủ rũ, thất vọng đến tột độ của Hùng. Cho đến một lần Hùng ốm nặng, Thương gửi bé Thảo, đưa Hùng về bệnh viện huyện, cô ở lại chăm sóc anh cả nửa tháng trời. Thương nhận ra, dường như Hùng sống không thể thiếu cô, và ngược lại Hùng là một phần tất yếu trong cuộc đời của Thương. Ra viện, Thương đưa Hùng về quê chồng cũ, xin ông bà nội của bé Thảo cho cô đi bước nữa. Thương đưa Hùng đến bên mộ Tráng, Hùng xin Tráng được cưới Thương và anh hứa sẽ chăm sóc bé Thảo như con đẻ của mình.

* * *

Bà Bảo mẹ Hùng lên đây đã hai ngày, bà không đến Trạm Kiểm lâm nơi Hùng công tác, cũng không đến nhà của Thương. Bà lân la qua các bản để hỏi mọi người về Thương. Mấy năm trước khi biết tin Hùng và Thương đã cưới nhau, thoạt đầu bà uất ức lắm, bà đã thầm thề rằng “không còn mẹ con gì với nó cả” mặc dù bà chỉ có nó là đứa con duy nhất. Nhưng rồi dần dần sự giận dỗi của bà cũng nguôi ngoai. Cũng đúng thôi, vết thương nào rồi cũng mọc da non, kể cả vết thương lòng, hơn nữa, người mẹ nào chẳng thương con. Giờ đây nghe mọi người khen ngợi, bày tỏ lòng biết ơn với Thương, trong lòng bà Bảo cũng thấy như được an ủi. Bà Bảo cũng không ngờ, Thương lại có tấm lòng nhân hậu, trách nhiệm và tình thương rộng lớn. Bất cứ ai ở đây cũng đều hết lời ca ngợi Thương. Thôi thì sự việc đã rồi, có gì nó vẫn là con mình, con nó vẫn là cháu nội của mình, vả lại, biết đâu lấy được Thương con trai bà lại gặp những điều may mắn.

Nấn ná một lúc, hít sâu một hơi thở dài, Thương mới dũng cảm vào nhà. Cô đến bên bà Bảo, quỳ xuống dưới mẹ chồng, giọng cô da diết:

 - Mẹ ơi, chúng con có lỗi với mẹ… Hãy tha thứ cho con.

Bà Bảo đỡ cô dậy :

- Thôi được rồi… Hãy sống với nhau cho tốt, đừng để con cái khổ. Hãy giữ cho ngôi nhà mình luôn ấm áp.

Thằng Linh nhìn bà, nhìn mẹ bằng đôi mắt xoe tròn ngơ ngác và sợ sệt. Con Thảo thì khác hẳn, nó tươi tắn, cười tít mắt, ôm ra một đống quà rối rít nói với mẹ:

- Quần áo này, đồ chơi này… Bà cho con với em Linh đấy mẹ ạ.

Ngoài đường có tiếng xe máy. Rồi đường đột Hùng hớn hở lao vào nhà. Anh gọi “Mẹ… mẹ…” rối rít chẳng khác nào một đứa trẻ:

- Con biết ngay mà… thể nào mẹ cũng lên với chúng con.

Bà Bảo khẽ tủm tỉm, nhưng cố giấu cái mỉm cười ấy, tuy nhiên bà không nén nổi cảm xúc, bà nhìn cậu con trai bằng ánh mắt trìu mến, rồi nhẹ nhàng “mắng yêu”:

- Sư bố anh… chỉ vậy là nhanh… À, sắp tết rồi đấy… Năm nay liệu mà thu xếp đưa ba mẹ con nó về quê ăn tết với tôi… Không về là không xong với tôi đâu nhá.

 

N.Đ.H

(Nguồn VNNB 235/ 2-2020)

Bài viết khác