Truyện ngắn của NGUYỄN ĐĂNG TRÌNH
1. Vào khoảng đầu năm 1980, khi đang làm đội trưởng một đội sản xuất xa tít tắp gần sát với khu rừng Cúc Phương, ông Trung được Giám đốc nông trường ưu tiên cho về khu miền trung, giáp ranh với làng Quang Sỏi để được gần gũi với gia đình.
Đó là Bãi Sải, một đội chăn nuôi bò rất lớn, có cánh đồng cỏ pănggôla mênh mông đang được đầu tư hiện đại để chăn dắt luân phiên theo mô hình của CuBa. Nhận bàn giao được đúng một tuần thì theo kế hoạch ông phải hướng dẫn cho đội thi công cơ giới ủi một con đường thẳng tắp theo chiều dài của đồng cỏ về đến khu chuồng bò. Ông Trung nhớ như in cái buổi sáng mùa xuân năm ấy. Ngồi trên chiếc máy kéo có lưỡi ben khổng lồ C100 cùng với cậu Tầng, người ÊĐê, một chân sút nổi tiếng trong đội bóng đá chân giầy của nông trrường chạy suốt từ chân đập Núi Vá về đến gốc cây đa gần khu chuồng bò, tự nhiên ông Trung thấy hai vai mình nặng trĩu, mồ hôi toã ra, mắt nổ đom đóm và từ phía trước như có một vầng hào quang rực rỡ phát ra từ cây đa. Bất chợt ông hét lên:
- Dừng lại - Tiếng hét rất to và đanh của ông Trung đã làm cho cậu lái máy kéo còn rất trẻ giật mình nhưng cũng kịp phanh lại khi những hàng bánh xích của chiếc máy kéo đồ sộ đã tiến sát vào cụm rễ bên ngoài của cây đa. Ông Trung thở dốc:
- Cậu định phá cây đa này chăng. Ai bảo cậu làm việc này?
Rất bình tĩnh, Tầng lấy ra một tấm bản đồ rải thửa rồi đưa cho ông:
- Em được lệnh của đội trưởng máy kéo là phải ủi cây đa này đi vì nó nằm đúng giữa con đường trục của đồng cỏ dài bốn cây số từ Núi Vá về khu chuồng bò. Anh không cho em ủi thì em không hoàn thành nhiệm vụ và biết nói với đội trưởng của em như thế nào.
- Cậu yên trí. Tôi sẽ trực tiếp xin ý kiến của Giám đốc và chịu trách nhiệm trước nông trường. Các cậu còn trẻ nên không lường trước được việc này đâu. Cậu xem cả một vùng đất rộng lớn khô cằn mà chỉ có một cây đa cổ thụ xum xuê xanh tốt như thế này là quý lắm chứ. Ủi đi thì chỉ mất vài tiếng đồng hồ, nhưng có được nó thì phải mất hàng trăm năm đấy chú em ạ. Tôi tin là Giám đốc sẽ có suy nghĩ giống như tôi thôi.
Nhờ thế mà cây đa cổ thụ có một không hai ở vùng Bãi Sải vẫn còn tồn tại cho đến nay và con đường ấy vẫn thắng tắp nhưng đến gốc cây đa thì khuỳnh như một vòng bán nguyệt. Rồi sau đó ít ngày tranh thủ thời gian đội Xây dựng của nông trường đang làm cho Bãi Sải một căn chuồng bò mới, ông Trung đã cho chi đoàn thanh niên làm ngoài giờ để xây và kè đá chung quanh gốc đa tạo thành một vòng tròn nhìn thấy hay hay như cây trong công viên vậy. Một buổi chiều trong trẻo, ông Trung ra đứng dưới gốc cây đa và cảm thấy vui vui khi nhìn ra con đường vừa được hoàn thành đã như một nét chì thẳng tắp nổi lên trên màu xanh của cánh đồng cỏ mịn màng. Từ cây đa và con đường ấy đi qua một cái sân phơi được lát bằng gạch đỏ rộng chừng một sào là đến văn phòng đội. Những ngày đầu ở trong căn nhà ấy, mặc dầu phải bù đầu vào công việc của một đội chăn nuôi lớn, nhưng ông Trung cũng được nghe và chứng kiến khá nhiều chuyện xảy ra có liên quan đến cây đa này.
Đầu tiên là chuyện của ông Tòng, người đội trưởng tiền nhiệm của ông ở đội Bãi Sải. Đang yên đang lành, bỗng nhiên ở lưng ông mọc lên một cái nhọt bọc. Tưởng là chỉ ngày một ngày hai cái mụn ấy sẽ vỡ ra và liền da liền thịt nên ông chẳng đi khám chữa làm gì. Nhưng rồi người ông cứ mỗi ngày lại gầy rộc đi trông thấy. Cái mụn ấy cũng to lên nhanh chóng. Cảm thấy đau đớn và mỏi mệt đến vô cùng, buộc lòng ông phải vào điều trị ở bệnh viện. Xét nghiệm rồi thuốc thang chạy chữa được một tuần mà bệnh tình không thuyên chuyển, ông được các bác sĩ cho về nhà vì căn bệnh ung thư của ông đã di căn và ở vào giai đoạn cuối. Nhận được tin ấy, ông Trung cùng một số người ở đội vội vàng đạp xe ba chục cây số để đến nhà ông. Người ông thì bé tý mà một cánh tay thì sưng húp lên, căng tròn, mọng to như thân cây chuối hột. Ông không nói được nữa. Nhìn ông, không ai cầm được nước mắt. Buổi tối hôm ấy, sau cuộc họp đội, ông Nhã nhân viên quản lý nhà ăn tập thể, người cao tuổi nhất trong đội, đã kéo ông vào căn phòng dành riêng cho đội trưởng để nói cho ông biết một sự việc bí ẩn đang rì rầm nhỏ to trong đội:
- Bệnh tình của ông Tòng không phải là bình thường đâu đội trưởng ạ. Có liên quan đến vấn đề tâm linh đấy. Bà vợ ông Tòng có nói với tôi rằng trong thời gian công tác ở nông trường không hiểu làm sao mà ông nhà bà đã phạm vào một tội rất lớn với các thần các thánh. Bà ấy đã sắm lễ vật đi cầu khẩn khắp nơi, nhưng các thày đều nói là quá muộn rồi nên không thể cứu vãn được nữa. Đầu đuôi sự việc là thế này. Chỉ mới cách đây hơn một năm. Khi làm nhà Văn phòng đội, ông Tòng đã để khuôn cửa chính căn phòng ông ấy ở, cũng chính là gian phòng này đây quay về hướng tây, tức là nhìn thẳng vào cây đa. Rồi đêm nào cũng vậy, cứ mỗi lần mót đi tiểu, ông ấy lại đi qua sân gạch ra rồi tè vào gốc đa. Có người đã cảnh báo rồi, nhưng ông Tòng vẫn bỏ ngoài tai. Đã thế ông ấy lại mắc thêm một sai lầm nữa là cùng với một cậu công nhân trẻ bàn bạc hợp tác với nhau làm kinh tế gia đình. Cụ thể là trèo lên cây đa chặt đi mấy cành to nhất đem về làm nguyên liệu nuôi mộc nhĩ. Rồi mộc nhĩ thì chẳng thấy đâu mà ông Tòng thì như vậy, còn cậu công nhân trẻ kia thì đang hoang mang đến tột độ vì gia đình cứ liên tiếp gặp hết tai họa này đến tai họa khác.
- Ông nói sao. Căn phòng này nhìn về hướng đông kia mà. - Ông Trung thảng thốt. Ông Nhã nói luôn:
- Đó là thành tích của bà đội phó. Trong khi ông Tòng đi cấp cứu ở bệnh viên thì bà ấy nghe theo lời khuyên bảo của một số bà con trong đội đã chuyển cái cửa này từ hướng tây sang hướng đông đấy.
Dù câu chuyện này là bán tín bán nghi, có thể chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên như bao nhiêu câu chuyện khác đã xảy ra trong đời sống muôn màu muôn vẻ của con người nhưng cũng làm cho ông Trung phải suy nghĩ. Rồi sau đó một vài hôm, khi đi kiểm tra công việc ở khu chuồng bò, ông đã bước vào ngôi nhà nhỏ dành riêng cho kỹ thuật chăn nuôi. Cậu cán bộ thú y mời đội trưởng ngồi trên một chiếc ghế băng và pha trà tiếp khách. Thấy là lạ, ông vội lật chiếc ghế băng lên rồi nhìn vào mặt gỗ phía sau. Dưới lớp sơn son thiếp vàng đã ngả màu thời gian, ông Trung phát hiện ra có một vài chữ nho còn sót lại. Dù chỉ nhớ được không nhiều kiến thức của thời học tiếng Trung, nhưng ông Trung cũng đọc được ba chữ khắc trên tấm gỗ mà cậu thú y lấy làm ghế băng để ngồi. Ông cảm thấy ớn lạnh trong người:
- Cậu lấy tấm gỗ này ở đâu đấy.
Cán bộ thú y chột dạ:
- Ở trong hốc của cây đa anh ạ. Thấy miếng gỗ nhẵn nhụi em đóng lên tường để làm giá sách. Gần đây em mới lấy xuống rồi biến nó thành cái ghế băng để ngồi ăn cơm. Có vấn đề gì không anh.
- Cậu có biết đây là một phần của câu đối trong đền thờ không. Ngày xưa chữ nho được gọi là chữ thánh hiền nên các cụ nhà ta kính trọng lắm. Thế mà cậu lại dám làm ghế ngồi. Trả ngay về chỗ cũ đi.
- Chết thật. Có ai mách bảo cho em biết đâu. Thảo nào mấy đêm nay cứ nhắm mắt vào là em lại toàn mơ thấy những chuyện kinh hoàng thôi. Hôm kia trong lúc tiêm vắc xin em bị con bò đực giống hùng hổ nhẩy lên rồi đâm thẳng vào người. May có chiếc xe bò chắn ngang nên em thoát nạn.
Từ lúc tận mắt nhìn thấy ba chữ “Phú Ốc Từ” có nghĩa là Đền Phú Ốc còn lại trên một đoạn câu đối ở nhà cậu cán bộ thú y, ông Trung lại cảm thấy bàng hoàng trong tâm trạng của một người vừa tìm được một món đồ quý giá. Thứ tìm được này không những chỉ là đồ vật bình thường mà nó còn là một cái tên làng, tên đất thiêng liêng đã bị đánh mất, bị người đời lãng quên đến hàng trăm năm trời. Cái tên mà ông đã hỏi han, đã đi tìm khắp nơi khắp chốn nhưng cho đến bây giờ ông mới tìm thấy một chút dấu tích ban đầu. Đem lại cho ông một niềm vui, dù là rất nhẹ nhưng cũng đủ để cho ông tin rằng cái tên đó là có thật và nó đã được tồn tại trong đời sống của nhân dân của vùng đất Đồng Giao Tam Điệp này.
2. Ấy là năm 1962, vừa tốt nghiệp trường Trung cấp Nông lâm trung ương Chèm Hà Nội, ông Trung được phân công về nhận công tác ở Nông trường Đồng Giao. Năm đó ông vừa tròn hai mươi tuổi. Đêm đầu tiên được nằm trên chiếc giường cá nhân trong một ngôi nhà được làm ra từ thời đồn điền thuộc Pháp theo kiểu “đông ấm hè mát” vì nó được bao bọc bởi những bức tường đá xếp dầy đến hai thước ta, ông đã có một giấc ngủ ngon lành. Nhờ thế mà sáng hôm sau, ông đã có đủ sức khoẻ để làm một cuộc cuốc bộ rất dài và rất xa với đoàn cán bộ đi khảo sát cánh đồng cỏ rộng lớn nằm về phía tây nam của nông trường. Gọi thế cho nó vui chứ thực ra đoàn chỉ có ba người, nhưng cả ba đều xa lạ với vùng đất khỉ ho cò gáy này nên trưởng đoàn, một ông người Nam bộ chính gốc phải mời thêm ông Cường, người bản xứ đi theo để dẫn đường.
Cứ đi, đi mãi, đến gần trưa thì đoàn dừng lại trên một quả đồi đất rất đẹp. Từ đây nhìn về bốn phía là những dẫy núi đá vôi trùng điệp bao bọc nên vùng này trở thành một thung lũng rộng lớn, một vùng đồi khá bằng phẳng, một cánh đồng cỏ “mênh mông và bát ngát”. Ông Cường cho biết đây là nơi cao nhất của “con đường Thiên Lý”, con đường độc đáo vào nam ra bắc vắt qua đỉnh đèo Tam Điệp. Nơi mà nhiều tao nhân mặc khách đã từng đi qua đây và để lại những bài thơ tuyệt tác. Nơi mà nhờ hai câu thơ “Nhãn trung thu đại địa/ Hải ngoại kiến như chu”(*) trong bài “Quá du Tam Điệp sơn” của Nguyễn Du nên chúng ta mới biết được rằng cách đây chưa đầy hai trăm năm, biển khơi hoàn toàn không xa lạ với con đèo. Bởi thế nên tác giả mới nhìn thấy những cánh buồm xa xa ngoài biển.
Dứt lời, ông Cường dẫn đoàn đến một mô đất bằng phẳng cách đó không xa. Ở đó hiện ra một tấm bia đá được trang trí bằng những họa tiết và hoa văn rất đẹp. Ở giữa là những giòng chữ Hán khắc chìm. Ông Cường rút từ trong túi ra một chiếc khăn mùi xoa rồi lau nhẹ trên mặt bia. Từng dòng chữ hiện lên như còn nguyên vẹn từ thuở ban đầu. Đeo mục kính lên, ông đọc chậm phiên âm từng chữ một cho mọi người cùng nghe. Thì ra đó là một bài thơ của Vua Thiệu Trị sáng tác trong chuyến kinh lý Bắc Hà lần đầu năm 1842. Bài thơ có tựa đề là Quá Tam Điệp sơn: “Đương lộ sầm khâm tích thuý nùng/ Tằng tằng túng bộ khoá loạn long/ Bất Vi Vương Ốc không lưu kính/ Cánh tác La Phù thặng biệt tung/ Viễn nhạ tưởng phùng lâm nhất lĩnh/ Cao phan điệt xuất thượng trùng phong/ Toàn ngoan phân trấn Thanh Ninh cảnh/ Khởi phục bàn hồi diệu tú chung.”
Rồi ông đọc cho cả đoàn nghe toàn bộ bài thơ đã được dịch nôm từ trước: “Qua núi Tam Điệp/ Đường núi gồ ghề rợp bóng cây/ Non cao lớp lớp dáng rồng bay/ Tích xưa Vương Ốc không đường tắt/ Còn đó La Phù in dấu mây/ Xuống thấp lưa thưa non lẩn khuất/ Lên cao lớp lớp núi giăng bày/ Ninh Bình Thanh Hoá chia hai tỉnh/ Cảnh đẹp non tiên hội chốn này.”(**)
Trong bài thơ, Vua Thiệu Trị đã ví đèo Tam Điệp hiểm trở như Vương Ốc, một ngọn núi rất cao, không có đường đi lại, nằm phía nam Kỳ Châu bên Trung Quốc. Có thể dùng làm nơi phòng ngự chống lại quân xâm lược. Còn La Phù là một làng thuộc xã Bồ Xuyên, huyện Yên Mô, cách Tam Điệp chừng 10 cây số. Là nơi Trần Ngỗi nhà Hậu Trần lên ngôi. Ở đó có Long Kiều, một bến đò mà Nhà Vua chuẩn bị đến để lên thuyền theo đường thuỷ về kinh đô trong chuyến tuần du Bắc Hà năm 1842.
Nghe xong, ông trưởng đoàn người Nam Bộ vỗ tay tán thưởng: Thật là hay, thật là sâu sắc. Được thể ông Cường phụ họa thêm:
- Những bài thơ về Tam Điệp từ cổ đến kim toàn là những bài hay cả, nhưng tuyệt tác nhất phải kể đến bài thơ nôm “Đèo Bà Dội” của Hồ Xuân Hương.
Thế là không ai bảo ai, mọi người đều đồng thanh đọc say sưa bài thơ ấy như đã thuộc lòng từ thuở xa xưa rồi. “Một đèo một đèo lại một đèo/ Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo”. Còn ông Trung thì cứ tròn xoe con mắt:
- Tôi đã thuộc bài thơ này từ thời còn để chỏm, thế mà cứ tưởng Ba Dội ở tận đẩu tận đâu kia đấy. Hoá ra lại là Tam Điệp. - Rồi quay sang ông Cường. - Ông học ở đâu mà biết nhiều thế.
- Trong sách cả đấy chú em ạ. Nhưng biết nhiều làm gì cho nó khổ vào thân. Tôi vì biết chút ít vài ba chữ Hán chữ Nôm, vài câu tiếng Pháp nên trong Cải cách ruộng đất năm 1955 người ta đã quy cho tôi là phần tử phản động, làm tay sai cho giặc Pháp đấy.
Mải mê với công việc và cảnh đẹp trên thảo nguyên xanh, mãi đến xế chiều đoàn mới ra về được. Qua ga Đồng Giao, ông Cường đột nhiên dừng lại hỏi những người cùng đi:
- Các anh đã đọc truyện “Tiếng hát giữa rừng khuya” của Đới Đức Tuấn chưa. Không thấy ai trả lời, ông Cường lại kể tiếp. Vùng ga này chính là địa điểm trung tâm của câu chuyện kỳ dị hoang tưởng theo kiểu “Liêu Trai chí dị” của Bồ Tùng Linh bên Tầu. Nhưng cũng chính nhờ tác phẩm này mà ta mới biết được chỉ hơn mười năm về trước vùng đất Đồng Giao quả thật là ma thiêng nước độc, là hùm beo rắn rết, là vàng da sốt rét, là chết chóc kinh người.
Đi một đoạn đường chừng dăm ba cây số nữa và cũng là đường về, ông Cường mời cả đoàn vào một ngôi nhà gỗ khang trang nằm giữa khu dân cư thưa thớt trên cánh đồng cỏ hoang vu rộng lớn, rồi niềm nở:
- Đây là nhà tôi, ở làng Quang Sỏi. Ngôi làng độc nhất của vùng này. Cả làng có khoảng bảy tám trăm hộ gia đình. Nguồn sống chính là dựa vào cây chè xanh nên nghèo lắm, nhưng ông trời lại cho làng tôi một đặc sản thật quý giá. Đó là cây chè xanh mà sản phẩm của nó là nước chè tươi thơm ngon mát bổ, rất gần gũi, thân thiết và không thể thiếu được đối với đời sống hằng ngày người nông dân ở Đồng bằng Bắc Bộ. – Vừa nói ông vừa đưa mắt về phía nhà trong. Ở đó hai người đàn bà, một chừng bốn mươi, một rất trẻ xinh, có lẽ là vợ và con gái ông đang bưng ra hai khay gỗ khảm trai mà trên đó là những bát nước chè xanh sóng sánh còn toả hương nghi ngút. - Bây giờ, trước khi dùng bữa cơm đạm bạc với gia đình tôi, xin mời các anh thưởng thức chè xanh Quang Sỏi, xem có đúng như lời giới thiệu của tôi không.
Trịnh trọng đón lấy những bát nước chè xanh thơm lừng và nóng hổi, cả đoàn ai nấy đều xuýt xoa khen ngợi. Riêng ông Trung thì chỉ một ngụm nước đầu đã tròn xoe con mắt:
- Tôi nghiện chè từ thuở bé mà cũng chưa nhận ra cái hương vị là lạ trong nước chè của ông đâu ông Cường ơi. Nó vừa thơm vừa ngan ngát lại cay cay nhè nhẹ.
Ông Cường vui vẻ:
- Ông Trung thật tinh. Đấy là mùi hương của nẫy bưởi đấy. Nó trăng trắng giống như vỏ hến chỉ mọc lên từ thân cây bưởi ngon và già cỗi.
Cơm rượu đã no say. Trước khi ra về, ông Cường lại hướng mọi người nhìn về phía tây rồi trịnh trọng:
- Chắc các anh đã biết, nằm về phía sau dặng núi đá nhấp nhô như sóng biển kia là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Ở đó là vùng Bái Đô Bái Đền, có xã Hà Long, có làng Gia Miêu ngoại trang là quê hương của Triệu tổ Nguyễn Kim, là nơi phát tích của các đời vua đời chúa nhà Nguyễn. Chính vì thế mà mỗi khi có dịp kinh lý Bắc Hà, các ông Vua nhà Nguyễn đều về nơi đấy để bái yết tổ đường. Theo lời kể truyền kỳ của các cụ già để lại thì vào năm 1842, sau khi vượt đèo Ba Dội hiểm trở và để lại bài thơ bất hủ trên đỉnh đèo, Nhà Vua đã đến thăm làng chè xanh thơm ngon nổi tiếng một vùng, thời ấy mang tên là làng Ba Trại. Vinh dự quá lớn ngoài sức tưởng tượng, dân làng không biết làm gì hơn, ngoài việc kính dâng lên Nhà Vua những bát nước chè xanh đặc sánh của dân làng. Thưởng thức xong, Nhà Vua cứ tấm tắc khen mãi. Ngài phán rằng một vùng đất đẹp lại có đặc sản chè xanh thơm ngon như thế này thì nhất định sẽ trở thành là một vùng đất giàu có. Rồi Nhà Vua ban tặng cho dân làng một đặc ân là từ nay làng được mang tên mới là Phú Ốc, tức là làng giàu.
Kể đến đây, trong dáng điệu thâm trầm, ông Cường tự nhiên dừng lại rồi thủng thỉnh: “Chỉ tiếc rằng cái tên làng danh giá ấy đã không còn tồn tại ở vùng đất này cho đến ngày nay nữa.”
3. Đến đây người viết xin được phép trở lại với câu chuyện đang dang dở ở phần đầu. Sau khi ông đội trưởng Cao Như Tòng qua đời và cậu cán bộ thú y nọ đem tấm gỗ có khắc chữ nho treo lên một cành to và cao nhất của cây đa, thì ông Trung còn nghe được một vài chuyện không thể giải thích được về cây đa nữa, nhưng trong suốt thời gian ông làm đội trưởng thì không có xảy ra một chuyện kỳ bí nào.
Cho đến một ngày bình thường như bao ngày khác, văn phòng đội của ông Trung được đón tiếp hai vị khách lạ. Khi vị khách đầu tiên bước vào, ông đã nhận ra người dẫn đường năm nào:
- Trời ơi ông Cường. Hơn hai mươi năm rồi mà chẳng thấy ông thay đổi chút nào. Vẫn khoẻ mạnh và nhanh nhẹn như trước.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Rồi chẳng phải đợi lâu, ông Cường vào đề luôn:
- Hôm nay chúng tôi tới đây, trước hết là đến thăm sau đó là muốn xin phép ông đội trưởng một việc. Vừa nói ông Cường vừa chỉ tay vào cụ già cùng đi. Đây là cụ Rơi chín mươi hai tuổi ở xóm Hạ với tôi. Quê cụ ở mãi Hưng Yên. Năm mười tám tuổi, vì không thể sống được ở đất quê, cụ đã phải trôi dạt vào tận vùng đất “đi dễ khó về” này để làm phu cho mỏ than mỡ của Pháp. Cụ là người đã tận mắt chứng kiến vụ sập hầm thương tâm của mỏ than Bãi Sải năm 1924 làm chết rất nhiều người, trong đó có bố mẹ và các anh trai của cụ. Hiện giờ cụ là người cao tuổi nhất cũng là người biết rõ mọi nguồn ngạch của vùng này. Nói đến đây, ông Cường dừng lại, uống một chén trà rồi từ tốn. Lớp già trong xóm chúng tôi muốn được xây lại một ngôi đền nhỏ dưới gốc đa kia để ghi nhớ công ơn người đã ban tặng cho làng chúng tôi tên chữ Phú Ốc.
Lời đề nghị đột ngột của ông Cường đã làm cho ông Trung cảm thấy hơi chột dạ. Đắn đo vài giây, ông trả lời:
- Ta chỉ được phép xây đền khi có đủ bằng chứng xác minh ở đấy trước kia đã có một ngôi đền thờ tự.
Đến lúc này, cụ già mới đứng lên xin phép được phát biểu:
- Tôi đã sống ở đây hơn sáu mươi năm rồi. Tôi xin bảo đảm với ông là ngày xưa ở chính gốc đa kia đã có một ngôi đền gọi là đền Phú Ốc. Vào những ngày tư rằm mồng một, thày bu tôi thường ra đền để thắp hương. Chiều qua chúng tôi, trong đó có cả những người là công nhân của ông đã đến gốc đa đào bới tìm kiếm và đã phát hiện ra một đoạn móng nhà xây bằng gạch đỏ. Bây giờ mời ông ra thăm.
Ra tận nơi, ông Trung không ngờ các cụ già trong xóm lại có một cuộc “khai quật” táo bạo như thế. Dưới gốc đa già cỗi và xum xuê, may mà năm trước ông đã cho xây kè đá xung quanh, đã có những nén hương đang tỏa khói. Thì ra hôm nay là ngày đầu tháng. Ông Cường chỉ tay lên một cành to của cây đa rồi nói:
- Trên kia là một tấm gỗ có ba chữ nho khắc nổi. Đấy chính là một đoạn của câu đối được treo trong đền này ngày xưa. Cách đây ít ngày tôi đã cho người tháo xuống cất đi để làm bằng chứng, nhưng tháng ngày và mưa gió đã làm cho mảnh gỗ có câu đối ấy đã mục nát mất rồi. Thật là tiếc. - Nói đến đây, ông Cường dừng lại rồi cầm lấy một tay của ông Trung thân mật. - Ông còn nhớ chuyến đi thăm đồng cỏ năm nào không nhỉ. Hôm nào đẹp trời tôi lại mời ông du ngoạn Đèo Ba Dội một chuyến nữa. Đến đấy ông sẽ thấy tấm bia đá khắc bài thơ của Vua Thiệu Trị không còn đứng chơ vơ giữa trời mây non nước như ngày xưa nữa. Sở Văn hoá tỉnh Thanh Hoá đã làm một nhà bia rất đẹp để gìn giữ lâu dài cho di sản văn hoá quý giá này. Vì vậy tôi thiết nghĩ ta cho tôn tạo lại ngôi đền này cũng là phải đạo thôi. Theo như tôi biết thì từ khi trở thành thị xã đến nay, ở Tam Điệp ta đã có nhiều di sản văn hoá được phục hồi và nâng cấp. Dưới chân núi Vương Ngự, nơi mà Hoàng đế Quang Trung, theo truyền thuyết đã tập kết quân sĩ ở đây trước khi tiến quân ra Thăng Long, tiêu diệt hai mươi chín vạn quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789, đã xây dựng một ngôi chùa rất nghiêm trang và bề thế rồi đấy ông ạ.
Trở lại văn phòng cho đến lúc phải tiễn biệt hai ông già, ông Trung cũng không dám hứa cụ thể một điều gì. Ông chỉ nói hiện tại cây đa đang ở phần đất do nông trường quản lý nên ông phải xin ý kiến của Giám đốc. Có thế nào ông sẽ thông báo cho hai ông biết sau. Nhưng đúng một tuần sau, khi chưa kịp lĩnh hội ý kiến của Giám đốc nông trường thì ông Trung đã phải bàn giao chức đội trưởng cho người khác để theo học khoá chuyên tu hai năm ở Trường Đại học kinh tế kế hoạch Hà Nội. Tốt nghiệp, ông không được trở về Đồng Giao nữa mà phải điều đến công tác ở một nông trường xa lơ xa lắc mãi tận Việt Lâm thuộc tỉnh Hà Giang miền Tây Bắc.
Cho mãi đến ngày 12 tháng 10 năm 2015, nhận được giấy mời về dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập nông trường Đồng Giao thì ông Trung mới có dịp trở về đội Bãi Sải thân yêu của mình. Hơn hai mươi năm trời xa cách, ông bàng hoàng trước sự đổi thay đến diệu kỳ của vùng đất ma thiêng nước độc này. Từ quốc lộ đi vào hồ nước dài đến bốn, năm cây số là một con đường nhựa rộng rãi thênh thang. Còn Bãi Sải của ông thì trở thành một thôn thuộc xã mới Quang Sơn, một xã đang được xây dựng theo mô hình nông thôn mới. Cũng đường phố ngang dọc như bàn cờ. Cũng vỉa hè lát gạch khang trang. Cũng biệt thự xe hơi nhà lầu như các vùng quê lâu đời khác. Ông đi đến cây đa cổ thụ và kinh ngạc đến bồi hồi khi thấy trước mặt là một ngôi đền mái ngói đỏ tươi, tuy nhỏ bé khiêm nhường dưới sự chở che của tán lá đa xum xuê xanh mát, nhưng khang trang và bề thế. Ông kính cẩn vào trong đền thắp nén hương thơm rồi nhìn lên ba chữ Đền Phú Ốc màu đỏ ở đỉnh đền. Tự nhiên ông cảm thấy trong lòng mình nhẹ tênh như mây gió. Ông cảm ơn những người đã dựng lại ngôi đền này, những người đã tìm lại được một tên làng đã mất, những người đã đưa con chữ Phú Ốc trở về với đời sống tâm linh và hiện thực của con người.
N.Đ.T
(Nguồn: VNNB 239 - 6/2020)
(*): “Trong mắt thu đất lớn. Ngoài khơi thấy thuyền xa”. Hai câu thơ trong bài “Lại vượt đèo Ba Dội” của Nguyễn Du.
(**): Toàn bộ phần phiên âm và dịch thơ đều được trích dẫn từ bài “Thành phố Ba Đèo và bài thơ vua Thiệu Trị” của Nhà nghiên cứu Hán Nôm Tạ Ngọc Hùng đăng trên tạp chí “Văn Nghệ Ninh Bình” số 234 tháng 01 năm 2020.