

Truyện ngắn của PHẠM THỊ BÌNH NHƯỠNG
Tiếng nói cười át cả tiếng ve râm ran. Mùa hè rực cháy trên cành phượng. Hôm nay họp lớp, sau khi làm một số nghi thức và chụp ảnh kỉ yếu xong, chúng tôi đến một nhà hàng để ăn cơm trưa. Nét mặt rạng ngời, nụ cười tươi như hoa trên môi hòa lẫn tiếng kêu leng keng của những ly rượu va vào nhau nghe thật vui tai.
Mỗi người giờ đều có cuộc sống riêng, công việc, gia đình ai nấy đều trông có vẻ rất hạnh phúc…
- Xin lỗi các bạn mình đến hơi trễ.
- Thành à! Vào đi, Hoàng kéo ghế gọi bạn vào
Thành vẫn vậy, trông không già đi là mấy, vẫn dáng người cao, khuôn mặt hiền từ, làn da ngăm đen, đôi mắt hơi sầu nhìn tôi với ánh mắt của ngày xưa…
Thành vốn là một cậu bé nhà nghèo, bố mẹ cậu mất sớm, cậu phải ở với ông bà trong căn nhà nhỏ, lụp xụp. Tuy nhà nghèo nhưng Thành luôn là một cậu học sinh giỏi của lớp. Chính vì cái tài lẻ vẽ tranh rất đẹp của cậu ấy mà ngay từ hồi lớp 10 tôi đã rất mến bạn. Cái tuổi học trò thật thơ ngây và đẹp biết bao. Thành cũng rất mến tôi luôn đứng phía sau giúp đỡ, che chở cho tôi mỗi khi tôi gặp chuyện. Nhưng vì cái tính ít nói và hay e ngại mà đến khi ra trường rồi chúng tôi vẫn lỡ hẹn với nhau một câu “Tôi thích bạn”. Thấm thoát giờ đã 15 năm ra trường, tôi đã có gia đình và chúng tôi cũng không còn liên lạc với nhau nữa...
***
Chiều hoàng hôn ở quê thật đẹp. Mặt trời đỏ như trái hồng khổng lồ núp sau dãy núi, gió thổi nhẹ nhàng mùi rơm nếp thật ngọt dịu. Dáng ai kia giống Thành vậy? Cậu ấy đang tiến gần đến phía tôi.
- Quyên chưa lên thành phố à?
- Mình chưa, lần này về chơi lâu cậu ạ.
- Thế à?
Chúng tôi đi bên nhau trong chiều tà vương chút nắng. Thành vẫn kiệm lời như xưa, vẫn như ngày ấy chúng tôi còn nợ nhau một lời nói từ tận đáy lòng.
- Sao ngày ấy cậu đỗ Đại học Mỹ thuật Công nghiệp mà lại không đi? Tôi hỏi Thành.
- Quyên biết rồi đó, hoàn cảnh mình không cho phép mình đi học. Ông bà cứ động viên mình mãi nhưng mình nhất quyết không đi vì mình biết mình đi học thì sẽ là gánh nặng cho ông bà.
- Thế giờ Thành làm nghề gì rồi?
- Mình ở nhà theo nghề gốm, sứ của ông bà truyền lại. Giờ cũng mở được một xưởng nho nhỏ của riêng mình.
Gốm, sứ Bồ Bát - Yên Thành - Yên Mô là làng nghề truyền thống của quê hương chúng tôi. Từ bao đời ông cha đã sống và nuôi lớn chúng tôi bởi cái nghề gốm sứ này. Sản phẩm gốm Bồ Bát có những nét đặc trưng mà không nơi nào có được từ chất đất sét trắng đến màu men bóng, mịn và không bị rạn nứt, các họa tiết gắn liền với hình ảnh non nước Ninh Bình cũng tạo nét riêng biệt, khác với dòng gốm khác. Màu sắc của gốm thường là các tông màu ấm như màu nâu, màu vàng, hoặc màu xanh ngọc, tạo cảm giác gần gũi và ấm cúng.
- Quyên có muốn đi thăm xưởng gốm của Thành không?
Tôi gật đầu!
Ngồi sau xe Thành. Vẫn mùi hương quen thuộc, mái tóc đen bồng bềnh. Kí ức ngày xưa lại ùa về trong tôi. Ba năm cấp ba học xa nhà, chúng tôi luôn chở nhau đi học trên chiếc xe đạp cũ, mùa hè đường phơi đầy rơm nặng trĩu nhưng Thành vẫn cố gồng mình lên chở tôi đi học. Hoàng hôn hôm nay thật đẹp! Tôi thả hồn theo mây trời, mái tóc dài nhẹ bay theo chiều gió.
- Đến nơi rồi. Quyên xuống đi.
Trước mặt tôi là một xưởng gốm nhỏ xinh mang tên “Thành Lan” tôi thầm nghĩ chắc Lan là tên vợ của Thành. Xung quanh xưởng gốm được treo nhiều những giỏ hoa lan đầy màu sắc trông rất đẹp mắt. Gian ngoài được bày rất nhiều các sản phẩm như: Vòng cổ, lọ hoa, chuông gió, ấm chén, bát đĩa… Tiến sâu vào bên trong xưởng có khoảng 15- 20 người công nhân đang làm việc. Mùi đất sét khiến tôi nhớ quê da diết, vùng quê nghèo với nghề gốm truyền thống đã nuôi sống biết bao thế hệ lớn khôn. Nhìn bàn tay điêu luyện, thoăn thoắt trên chiếc bàn xoay đang nhào nặn, lọc loại bỏ tạp chất, vuốt, chà sát, tạo hình những chiếc bình khiến lòng tôi sao xuyến.
Thành cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:
- Quyên à, đây là đến khâu vẽ trực tiếp lên bình, thường được lựa chọn những họa tiết mang đậm truyền thống, văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh được những bàn tay điêu luyện vẽ rất tỉ mỉ, tinh xảo của các nghệ nhân lành nghề tài giỏi. Sau đó là tô màu và đem đi nung. Công đoạn nung này rất đặc biệt bởi nó phải qua khâu nung khử chì nên sản phẩm gốm sứ quê mình không có chì rất an toàn cho người tiêu dùng.
- Quyên có muốn thử không?
- Tớ… tôi ngập ngừng
- Ngồi xuống đây Thành chỉ cho.
Bàn tay Thành áp sát vào tay tôi, nhìn những ngón tay thô ráp của cậu ấy là tôi đủ hiểu bao nhiêu năm qua cậu đã vất vả như thế nào để có được thành công như ngày hôm này, lòng tôi bỗng trào dâng lên một cảm giác khó tả.
- Quyên sao thế? Tiếng Thành gọi làm tôi giật mình.
- À không có gì!
- Thế lần này về lâu vậy mà sao không cho chồng con về chơi.
- Mình và chồng đã chia tay hơn 1 năm rồi, chúng mình không có con chung nên thủ tục cũng nhanh chóng.
- Tớ thật sự xin lỗi- Thành ngập ngừng nói.
- Không sao đâu, tớ cũng quen rồi. Thôi không nói chuyện của Quyên nữa. Thế chị Lan nay không có nhà à?
- Lan nào? Thành ngơ ngác.
- Thì lúc nãy mình vào xưởng gốm thấy tên biển “Thành Lan” nên mình nghĩ vợ Thành tên là Lan.
Thành nhìn tôi cười. Vẫn ánh mắt nụ cười hiền khô ngày nào nhìn tôi mỗi khi tôi làm sai điều gì?
- Mình chưa lập gia đình Quyên ạ.
- Thế Lan là ai?
- Thành nhìn tôi trìu mến. “Lan” là một loài hoa mà ngày xưa Quyên vẫn từng nói yêu nhất loài hoa Phong Lan vì nó không chỉ đẹp mà còn kiên cường giữa bão giông, nắng hạn mà nó vẫn hiên ngang tươi đẹp giữa những vách núi đá treo leo…
Tôi thẫn người, không ngờ sau 15 năm Thành vẫn nhớ những câu nói thơ dại của một cô bé học trò. Mắt tôi ngấn lệ ngoảnh nhìn những giỏ Phong Lan khẽ đưa trước gió…
- Thế giờ Quyên định sẽ như thế nào?
- Mình định về quê lập nghiệp. Định sẽ về phát triển và đưa nghề gốm Bồ Bát của làng mình vươn xa để nhiều người biết đến. Thành nắm chặt tay tôi, mắt ánh lên niềm vui khó tả.
- Đau tay tớ! Thành như chợt nhận ra, vội buông tay, nhìn tôi ngượng ngùng...
Gió mùa hè mát rượi, trăng sáng vằng vặc. Bóng chúng tôi đi bên nhau lặng lẽ, không ai nói gì nhưng chắc hẳn cả 2 tâm hồn ấy đang đồng điệu để viết tiếp những gì còn dang dở, lỡ hẹn với nhau quá nhiều năm rồi…
Một năm sau…
“Bản tin thời sự: Kính thưa quý vị! Gốm Bồ Bát - Yên Thành - Yên Mô đã có từ bao đời nay nhưng với tài năng, sức trẻ của 2 doanh nhân Thành Quyên đã đưa nghề làm gốm truyền thống đi khắp mọi miền, làm cho nhiều người biết đến, nhờ lòng yêu nghề truyền thống của địa phương mà 2 doanh nhân trẻ Thành Quyên đã đăng tải lên các trang mạng xã hội như Facebook, zalo, TikTok và thu được rất nhiều đơn đặt hàng lớn, doanh số tăng cao lợi nhuận lớn. Từ đó truyền cảm hứng cho giới trẻ phát triển nghề truyền thống với những nét đặc trưng riêng của địa phương mình”.
Chúng tôi nhìn nhau với ánh mắt trìu mến. Thành nắm tay tôi đi trên con đường làng quen thuộc. Nắng chiều dịu nhẹ. Mây trôi lang thang. Thời gian như ngưng lại. Thành trao cho tôi những lời nói yêu thương như thuở ban đầu…
P.T.B.N
(Nguồn: TC VNNB số 298/11/2024)