Truyện ngắn của THÚY HOÀNG
Hoàng Anh đứng ngồi không yên, chờ đến lượt dự thi của mình. Trong người bồn chồn khó chịu, con vò, xoắn mười ngón tay vào nhau, thỉnh thoảng gõ cùi tay vào trán.
Bố mẹ của mấy thí sinh dự thi, cùng ngồi trong phòng chờ, tỏ ra khó chịu. Họ nhìn từ đầu đến chân con bằng ánh mắt xăm soi. Họ chau mày, lắc đầu. Thấy vậy, tôi đến gần con, kéo con về ghế chờ đợi. Vừa vỗ vai con, tôi vừa thì thầm vào tai con. Con cười tươi, lại thì thầm vào tai tôi. Tôi đưa ngón tay trỏ lên miệng ra hiệu im lặng, con hiểu ý và mím chặt môi. Con lại thì thầm bên tai tôi:
- Sắp đến lượt Hoàng Anh thi chưa mẹ Phương?
Tôi nói khe khẽ, chỉ là một luồng hơi thoát ra đủ con nghe và hiểu:
- Mẹ nghĩ...
Tôi chưa kịp dứt lời thì tiếng người dẫn chương trình vui vẻ cất lên, vừa đủ để kết thúc phần dự thi của thí sinh bằng một lời khen ngợi chúc mừng. Những loạt pháo tay không ngớt dành cho thí sinh có bài dự thi xuất sắc. Người dẫn chương trình khéo léo chấm dứt sự phấn khích, reo hò của khán giả bằng vài câu lệnh ngắt nghỉ gây sự chú ý. Cuối cùng, khán giả trở về trạng thái bình thường. Hoàng Anh nghển cao cổ, nghiêng đầu, căng tai chờ đợi. Hai cùi tay con lại đập vào nhau. Người dẫn chương trình bắt đầu xướng tên thí sinh tiếp theo. Những sắc màu ánh sáng rực rỡ, đặc biệt là màu đỏ, biến mất. Sân khấu trở nên nhẹ nhàng với gam ánh sáng xanh dương dìu dịu. Vừa nghe người dẫn chương trình hào hứng xướng tên mình, Hoàng Anh lao thẳng ra sân khấu, không kịp để tôi đập tay khích lệ. Nhanh như cắt, con lao thẳng về phía cây đàn piano để hơi lệch về một bên và hơi lùi về phía sau sân khấu, rồi ngồi vào vị trí luôn, không chào khán giả. Phía dưới, ánh đèn sân khấu hắt xuống những mảng màu không đều, chỗ đậm chỗ nhạt, hòa trộn màu xanh dương, màu xanh lá với tím nhạt, có lúc trông nghìn hoa đậu biếc lấp loáng trong tưởng tượng. Khán giả bắt đầu khó chịu. Một vài người nghến cổ, cằn nhằn. Một vài người la ó. Một vài người bắt đầu bật màn hình điện thoại, lơ đãng lướt mạng như một thói quen. Hoàng Anh quên cả thế giới đang vây quanh mình. Và những nốt nhạc đầu tiên reo lên trong trẻo. Tôi thấy, có một thế giới xanh tươi vừa được con hé mở cánh cửa. Mẹ ơi, đó là bầu trời xanh trong veo. Ba ơi, đó là mặt nước biển xanh thăm thẳm với thế giới diệu kì con muốn khám phá, ở đó có những ngôi nhà rong rêu xanh mướt, những chú cá kì diệu khoác trên mình tấm áo choàng đuôi dài như chiếc áo của nhạc trưởng. Mẹ ơi, đó là cánh đồng lúa xanh bát ngát con đã được đi qua. Ba ơi, có cả một cánh đồng cỏ mênh mông, toàn những bông hoa xanh ngọc được tắm nắng vàng. Có một ngày con đưa mẹ đến một nơi xanh được dệt nên bởi những giai điệu ngọt ngào trầm bổng của tiếng đàn nàng công chúa tí hon trên thảo nguyên xanh. Cả đôi khi con thấy những chùm ánh sáng đỏ chói và cái vỗ vai của ba mẹ. Những tiếng xì xào, la ó của khán giả bắt đầu im bặt. Họ cố gắng tưởng tượng để hiểu một thế giới không như họ thấy. Hoàng Anh vẫn say sưa trên từng phím đàn. Cả người con lúc lắc, đong đưa theo giai điệu. Nốt nhạc cuối cùng đã kết thúc, khán giả ngồi ngây người ra, không thực sự hiểu chuyện gì đang xảy ra. Người dẫn chương trình đứng trơ như trời trồng ở góc sân khấu, thì Hoàng Anh bất ngờ chạy đến, giật micro và nói vào hệ thống âm thanh:
- Cô ơi, Hoàng Anh chơi đàn có hay không ạ? Cô có biết Hoàng Anh vừa ở đâu về không ạ?
Bị bất ngờ, người dẫn chương trình lúng túng mất vài giây. Cô ấy mỉm cười để lấy lại bình tĩnh. Hoàng Anh nhanh chóng trả micro cho người dẫn chương trình, mong nhận một câu trả lời. Người dẫn chương trình vỗ nhẹ vào vai con, dắt tay con ra giữa sân khấu, hướng xuống khán giả:
- Vâng, đó là phần thi của thí sinh cuối cùng trong chương trình. Quý vị thấy thế nào ạ? Quả là một bài dự thi đặc biệt. Tôi sẽ nhường phần đánh giá, bình luận cho người có chuyên môn.
Hồi hộp nối tiếp hồi hộp. Căng thẳng nối tiếp căng thẳng. Rồi cũng đến lúc công bố kết quả cuộc thi. Hoàng Anh đạt giải thưởng Triển Vọng. Không được đứng trên bục cao nhất của cuộc thi âm nhạc công bằng dành cho lứa tuổi thiếu niên, điều này không phải là điều con cần hiểu, có thể hiểu. Con vui mừng cuống quýt, đi loanh quanh trên sân khấu, mặc cho Ban tổ chức mấy lần kéo về vị trí trao giải. Lúc này, tôi đang đứng gần cánh gà sân khấu, nóng lòng, muốn chạy ra thì thầm vào tai con, để con trấn tĩnh. Đúng lúc con quay nhìn ra cánh gà, bắt gặp tôi đứng gần đó, tôi kéo váy voan mềm mại màu xanh dương xuống che kín đùi, đứng trong tư thế nghiêm trang chào cờ, lập tức con hiểu mà đi về đúng vị trí trao giải. Cầm giải thưởng trên tay, không chào khán giả, con chạy nhanh về phía tôi. Tôi đưa bó hoa hồng trắng ánh xanh được bó bằng giấy xanh cốm, thắt dây nơ xanh lá cây chúc mừng con. Con ôm chặt bó hoa và cúi đầu xuống hít hà hương thơm ngan ngát, rồi ngẩng lên cười tít mắt. Tôi vỗ mạnh vào vai con:
- Người đàn ông tuyệt vời của chúng ta!
- Con sắp lên thanh niên rồi! – Hoàng Anh vừa nói vừa kéo tay tôi đi.
Chúng tôi đi đến chỗ gửi xe, trò chuyện vui vẻ. Trong niềm xúc động đặc biệt, tôi nhắc nhẹ Hoàng Anh:
- Lần sau, con cố gắng làm theo lệnh của người tổ chức chương trình nhé.
- Vâng. Có phải con không làm theo lệnh của người khác thì họ bảo con là thằng dở không, mẹ?
Chạnh lòng, tôi chùng giọng, an ủi con:
- Không phải thằng dở, mà con chỉ hơi không giống mọi người một chút thôi. Điều ấy đôi khi cũng không sao. Mẹ yêu con. Mẹ tự hào về con. Mọi người cũng vậy.
- Mẹ Phương ơi, có phải hôm nay Hoàng Anh đã chiến thắng Hoàng Anh không?
- Ừ, nghĩa là con đã chiến thắng chính mình. Hoàng Anh đã chiến thắng Hoàng Anh, mẹ vui lắm.
- Vậy còn các bạn khác có chiến thắng không?
- À, bạn thì chiến thắng mình, bạn thì chiến thắng người khác. Mẹ thấy bạn nào cũng giỏi, cũng đáng yêu. Con vui chứ?
- Hoàng Anh vui lắm.
- À, bình thường mẹ thấy bản nhạc hoặc bài hát đều có cao trào để dồn đến kết thúc. Và để gây ấn tượng, người nghệ sĩ, ca sĩ thường lên tone. Tại sao hôm nay, con lại xuống tone bất ngờ, nghe giai điệu bản nhạc như bị rù đi?
- Rù đi là gì hở mẹ?
- Rù đi là... có vẻ yếu đi ấy. Mẹ xin lỗi, thực sự mẹ không hiểu về âm nhạc lắm.
- Thì thầm. Là thì thầm đấy mẹ.
- Ồ, hóa ra vậy! Con thì thầm điều gì?
- Lúc đó bố Hoàng Anh đang đứng trong đầu con, nghe con chơi nhạc. Con đã thì thầm với bố: con nhớ bố, con yêu biển xanh trời xanh của bố.
- Ồ, mẹ và khán giả chắc lần sau nghe con chơi đàn, sẽ hiểu hơn.
Vừa đúng lúc chúng tôi đến bãi để xe. Có một vài khán giả đã kịp ra lấy xe. Nhìn thấy chúng tôi, một chị trạc ngoài bốn mươi tuổi chỉ trỏ, nói nhỏ với cô con gái đi bên cạnh. Bằng sự nhạy cảm và trải nghiệm thực tế, tôi đủ hiểu người mẹ ấy nói gì với cô con gái. “Kìa, nó đấy. Kiểu như tâm thần sao ấy mà cũng dự thi. Giám khảo tai điếc, mắt mù!”.
Tôi xoay người, chắn ngang mặt Hoàng Anh, dù tôi biết con không hiểu người khác nghĩ gì về mình. “Mẹ ơi, hôm nay bạn Tuấn bảo con là đồ khuyết tật. Đồ khuyết tật là gì hở mẹ?”. Đã có lần, vừa đi học về đến nhà, Hoàng Anh đã gọi điện thoại cho tôi, bằng một giọng hồn nhiên vui vẻ mà kể với tôi như thế. Lòng tôi quặn thắt, đau đớn. Chưa kịp trả lời con thế nào, nước mắt mặn chát cứ trào ra, nghẹn lời. “Vì sao mẹ khóc?”. “Không, mẹ không... Mẹ chỉ muốn ôm con vào lòng và truyền cho con sức mạnh...”. Rồi cậu bé lại vô tư kết thúc cuộc gọi. Tôi biết chắc, con bỏ điện thoại đấy, rồi chạy lòng vòng quanh sân nhà. Còn lúc này, mắt tôi tối sầm lại, người phụ nữ trung niên kia vẫn không hết liếc trộm, rồi chỉ trỏ, thầm thì với con gái đứng bên mình. Tôi giữ tay con đứng im. Hai mẹ con người phụ nữ trung niên cười ré lên: “Xã hội lắm loại người nhỉ”. Nói xong, họ đi ngang qua chúng tôi, lối đi lấy xe chật hẹp, họ va mạnh vào người chúng tôi mà không một lời xin lỗi. Tôi tức điên người, cố tự trấn tĩnh bản thân. Chìa vé xe trước mặt Hoàng Anh và chỉ tay về phía người trông xe, nói dõng dạc với con:
- Hoàng Anh đưa cho bác bảo vệ giúp mẹ.
Thấy con lơ đãng, tôi vỗ vai con và chỉ tay về phía người trông xe, nhắc lại:
- Con cầm vé xe đưa cho bác bảo vệ giúp mẹ.
Hoàng Anh lật đật đi theo hướng tay tôi vừa chỉ, vừa đi vừa đong đưa người. Thấy con đi xa rồi, tôi đuổi theo hai mẹ con người phụ nữ trung niên. Tôi nói nhẹ nhàng với đứa con gái của chị ấy:
- Xin lỗi cháu, cô là... bạn cũ của mẹ cháu. Cô có chuyện muốn nói nhỏ với mẹ cháu.
Đứa con gái trợn trừng mắt lên nhìn tôi từ đầu đến chân. Người phụ nữ trung niên nhìn sắc mặt đang kìm nén giận dữ vì tổn thương của tôi, đoán già đoán non. Một thoáng bối rối, người phụ nữ trung niên đẩy người con gái. Đứa con gái vừa dán mắt vào màn hình điện thoại, vừa bước đi vừa cười thích thú. Nhìn nhanh người phụ nữ trung niên từ đầu tới chân, tôi nói nhỏ, giọng gằn, đủ để chị ta hiểu thái độ:
- Này, chị nhìn lại mình đi. Loại rách nát! Hãy xéo thẳng!
Chị ta cúp đuôi đi thẳng về phía đứa con gái. Tôi thấy mình đáo để. Giá tôi có thể cho con một chút sức mạnh, một chút thôi, cũng được, đủ để con có thể hiểu và tự vệ khi con ra khỏi vòng tay chúng tôi. Trong khi tôi đang suy tư, Hoàng Anh chạy đến vui vẻ:
- Hoàng Anh giúp mẹ rồi.
Chúng tôi lấy xe ra khỏi bãi, tôi lái thẳng hướng ngoại ô thành phố. Hai ba con Hoàng Anh đã hẹn nhau: khi nào cuộc thi kết thúc, mẹ chở Hoàng Anh về căn nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố để phát trực tiếp chương trình ăn mừng chiến thắng. Phải đúng buối tối muộn thì ba mới có thời gian cho con. Con đường về ngoại ô thẳng tắp, vắng bóng người qua lại. Nhìn qua gương, tôi thấy con ngả người xuống ghế lim dim mắt:
- Bao giờ thì ba về đón con ra biển?
Tôi lái xe chậm lại:
- Chắc không lâu. À, là mẹ đoán nhé. Có thể đúng có thể sai.
Hoàng Anh tỏ ra khó chịu:
- Không, hoặc mẹ chọn đúng hoặc mẹ chọn sai.
Tôi giải thích để trấn an con:
- Là mẹ đoán. Mọi việc không phải lúc nào cũng theo ý mình được. Mình phải chấp nhận cả những gì xảy ra với mình mà mình không thích.
Cậu bé vặn vẹo:
- Chấp nhận là gì?
- Thì là... nếu ba về thì con vui, ba không về được thì con buồn nhưng con không được buồn lâu.
- Mình sắp về đến ngôi nhà xanh của chúng ta chưa ạ? Còn bao nhiêu cây số nữa? Vận tốc mẹ đi là mấy kilomet trên giờ? Quãng đường bằng vận tốc nhân với thời gian.
Tôi bật cười, dù đã quen với cách nói chuyện kì lạ của con:
- Để mẹ tăng tốc chút xíu nhé.
Xe lao nhanh hơn một chút. Đi qua quãng đường có dãy cột đèn đường phát ra ánh sáng đỏ ối, tôi cố ý lảng chuyện:
- Con nhìn xuống chân con, xem đôi giày của con có đẹp không?
Vừa liếc xuống chân đang đi đôi giày trắng có chi tiết màu xanh, cậu bé đã ngẩng mặt lên hoảng hốt trong ánh mắt tò mò nhìn vào những cây cột đèn đường hắt ra ánh đỏ ối. Tay trái tôi cầm vô lăng, tay phải tôi nắm chặt tay con:
- Khi mẹ được nghỉ, mẹ sẽ cho con ra đảo thăm ba. Tàu chúng ta lướt nhẹ trên sóng biển. Nước với trời hòa nhau làm một sắc xanh.
Hoàng Anh nheo mắt nhìn trộm ánh đèn đường, rồi nhìn sang tôi hi vọng:
- Có hải âu mang đôi cánh xanh xanh không mẹ?
- Mẹ nghĩ nó đã có trong tranh vẽ của bạn Minh rồi. Cho nên, nếu ra đấy mà không gặp hải âu mang đôi cánh xanh xanh, con cũng không nên buồn. Chỉ cần trong đầu con có nó là được.
Vậy là chúng tôi vừa đi qua được đoạn đường có dãy cột đèn phát ra ánh đỏ ối. Tôi đánh tay lái rẽ phải, men theo con người nhỏ không một ánh đèn đường. Từ đây về đến ngôi nhà xanh của chúng tôi, còn chừng vài trăm mét. Ánh đèn từ xe chúng tôi chiếu rọi loang loáng mặt đường. Tôi nói nhỏ với Hoàng Anh:
- Con nhìn hai mép đường xem. Chúng ta đã làm gì với nó nhỉ?
- À, trồng đậu biếc và cả bìm bìm leo.
- Đúng rồi, con nhìn kĩ xem, trong đêm tối, chúng thế nào?
Cậu bé căng mắt nhìn hai bên đường, quan sát:
- Chắc chúng đi ngủ rồi. Xanh biếc. Xanh biếc. Xanh biếc.
- Òa, đến nhà mình rồi. - Tôi dừng xe, tắt máy và reo lên vui mừng như một đứa trẻ con.
Tôi mở cửa xe, đi xuống mở cổng. Cánh cổng sơn xanh nước biển, được cậu bé trang trí thêm bằng mấy dây hoa leo màu xanh lá vừa mở ra, tôi lên xe, đánh xe vào lán ngay phía trái từ cổng đi vào. Xe dừng, Hoàng Anh mở cửa xe, rồi lao người lao xuống, vụt chạy trước. Được mươi bước, con quay người lại, đứng chờ tôi. Đá cuội rải trên lối dẫn vào sân nhà đang lạo xạo dưới chân. Hai bên lối đi là hàng rào tre, những hố đậu biếc đang leo lên thành bè. Hoàng Anh nắm tay tôi, kéo nhanh đến cửa nhà, bật điện sáng. Cả sân vườn bừng sáng. Cây cối đứng bình yên. Con giục giã tôi mở cửa nhà. Tôi mở khóa cửa, đẩy nhẹ cánh cửa màu xanh lá he hé, dắt tay con vào nhà. Bóng tối bao trùm. Hoàng Anh khẽ rùng mình. Tôi nắm chặt tay con, kéo con men theo tường nhà, với tay bật điện. Điện bật sáng, tất cả đồ đạc trong nhà đều màu xanh mát mắt. Cậu bé chạy nhanh về phía góc phòng khách, nơi để đàn piano, ngồi đúng tư thế chơi đàn, rồi giục tôi:
- Mẹ Phương gọi video cho ba Hoàng Anh đi.
Tôi lật đật chốt cửa chính và mở tung cửa sổ. Những con hạc giấy màu xanh trong như sắc trời mùa thu được xâu những thành dây thả dài tạo thành rèm cửa đặc biệt, khẽ đong đưa. Ngoài kia, những luồng khí mát nhè nhẹ đang len qua ô cửa sổ vào phòng. Tìm được đúng vị trí đẹp, tôi bắt đầu mở điện thoại kết nối cuộc gọi video với ba Hoàng Anh. Con quay mặt lại, liếc nhìn màn hình:
- Oa, là ba Hoàng Anh. Hoàng Anh chào ba.
- Ba chào Hoàng Anh, ba chào mẹ Phương. Ba chúc mừng hai mẹ con. Ba chúc mừng con trai. Con trai cố lên!
Hoàng Anh thích chí, hai cùi tay lại gõ vào nhau. Tôi lắc đầu, giật giọng:
- Này, Hoàng Anh!
Tức thì con cố nhìn tập trung vào mắt tôi. Hiểu ý tôi, con dừng tay lại và bắt đầu chơi đàn. Giai điệu cất lên, tôi nhận ra không phải là bản nhạc vừa giúp con vượt lên chính mình mà là giai điệu bài hát quen thuộc: “Ba con là lính hải quân”. Tôi nín thở làm nhiệm vụ của nhà quay phim chuyên nghiệp.
Trên màn hình là hai hình ảnh hai người... đàn ông đang chuyện trò đặc biệt với nhau. Hoàng Anh đang nhấn nhá từng phím đàn lúc lơ đãng, lúc say mê đến điên cuồng, toàn bộ cơ thể lắc lư cuống quýt: “Bao lâu rồi ba chưa về thăm nhà, ba nhỉ/ Mẹ bảo lính hải quân điều ấy chuyện thường/ Đảo cát trắng là nhà, hải âu chân sóng chờn vờn là bạn/ Nắng gió mặn mòi nhuộm đỏ màu da”.
Ánh mắt ba Hoàng Anh đăm đắm biết bao cảm xúc khó tả. Người đàn ông trung niên có gương vuông, nét mặt cương nghị, màu da nâu rám nắng ấy đang cắn chặt môi, cố nén không để nước mắt trào ra. Còn tôi thì sắp bật khóc. Hoàng Anh không để ý đến cảm xúc của người nghe đàn. Con vẫn dồn tất cả tưởng tượng và cảm xúc lạ vào giai điệu quen thuộc: “Biển trời mênh mang sóng vỗ bao la/ Tàu dềnh lên trong cả giấc mơ thơ bé/ Con theo bước chân ba cùng trời khắp bể/ Thả trôi dòng sông xanh biếc lá thuyền/ Con thấy ba đứng trên mũi tàu vẫy gọi ánh mắt trời nghiêng/ Ba con mình giơ tay chào nghiêm trang: chúng ta là chiến sĩ/ Cánh hải âu liệng chao con cười vui thích chí/ Ba dắt con bay trước mũi tàu/ Trên đầu con là bầu trời bình yên/ Thăm thẳm xanh bóng mây nhởn nhơ trò đuổi bắt/ Bạn bè nói cười trong veo quên mình vừa dỗi hờn nhòe nước mắt/ Dưới chân con đáy đại dương ẩn hiện chập chờn/ Cả thế giới diệu kì mở đôi mắt to lặng lẽ nhìn con/ Ô kìa ba! Có chú cá heo tung mình làm xiếc/ Nước bắn tóe tung hình hài ngọc bích/ Chào mừng anh chiến sĩ tí hon mang đôi cánh thiên thần”.
Hoàng Anh bỗng nhiên dừng đàn:
- Có phải con là thiên thần cụt cánh của ba mẹ không?
- Hình như vậy. Ba mẹ đã cắt đôi cánh của con để con được sinh ra làm con ba mẹ. Nếu con muốn, con thật ngoan, chơi đàn thật tốt, con sẽ có đôi cánh của riêng mình. Là đôi cánh tưởng tượng, con ạ.
Cậu bé thích chí, xòe hai cánh tay, nghiêng người, bay bay:
- Con sẽ bay ra biển với ba.
Trên màn hình, ba Hoàng Anh đã trào nước mắt. Ba lấy tay bịt miệng để tiếng khóc khỏi bật ra. Tôi cho con xem màn hình điện thoại, tôi giải thích ba Hoàng Anh khóc vì vui sướng, vì Hoàng Anh chơi đàn hay quá.
- Mấy ngày nữa thì ba về? Ba đoán đúng đi!
- Ba không dám hứa mấy ngày... Nhưng nhất định ba sẽ về đón con, đón cả mẹ Phương... Con chơi đàn tiếp đi.
Hoàng Anh lại say mê, toàn bộ cơ thể lắc lư theo nhịp đàn: “Con phấn chấn nhìn về phía mênh mông/ Vượt qua đường chân trời ta bay vào vũ trụ/ Bên con... ba dang đôi cánh rộng/ Lấp lánh sắc cầu vồng sải cánh cùng con”.
Bỗng có tiếng đồng đội nhắc nhỏ:
- Thưa anh, đã đến giờ chúng ta...
Ba Hoàng Anh quay mặt ra, gật đầu ra hiệu cho đồng đội, rồi quay lại, giơ ngón tay trỏ đặt trên miệng, rồi vẫy tay chào vội. Hoàng Anh vẫn đang say mê với đoạn kết: “Sáng nay lớp học con có giấc mơ ba/ Cả lớp trầm trồ ước ao: lớn lên chúng tớ giống như ba cậu/ Cô vỗ về con: có cón tàu mang dáng hình Tổ quốc/ Lướt sóng khơi xa nhất định sẽ về...”
Chơi hết bài, Hoàng Anh quay ra nhoẻn cười với tôi:
- Cho con xem mặt ba.
Màn hình điện thoại tối, không khuôn mặt được kết nối. Hoàng Anh hét toáng lên, rồi chạy lùng quanh phòng. Tôi lấy hết sức giữ con lại mà không được. Con vùng mạnh tay, đẩy tôi ngã. Tức giận tột độ, con đập trán vào tường liên hồi. Máu đỏ chảy ròng ròng. Con ngồi sụp xuống đất ôm đầu, hét toáng. Trong đêm tối, tiếng la hét nghe như to hơn, lại như đổ vọng lại căn phòng. Tôi vùng chạy đến, kịp ôm con vào lòng. Không để con nhìn thấy màu đỏ của máu chảy, tôi kéo vạt áo lên lau máu, cầm máu, rồi tôi nắm chặt tay con, ngón tay cái của tôi lần lần khoảng giữa lòng bàn tay con, bấm mạnh vài cái thật đau. Con trấn tĩnh lại, quay ra ôm chặt tôi òa khóc. Tôi vuốt mái tóc con đang rối xù:
- Ba đã ra hiệu gửi lời xin lỗi con rồi. Kì nghỉ tới, mẹ con mình đi thăm ba Hoàng Anh. Lần này, mẹ chắc chắn đúng.
Hoàng Anh có vẻ mệt, vừa khóc vừa ngả trên tay tôi. Một lúc sau thì con ngủ, cả cơ thể con đè nặng trên hai cánh tay tôi, lên người tôi. Tôi cứ ngồi yên như thế, cho con giấc ngủ yên lành, không muốn làm con giật mình. Nhìn ngắm gương mặt thánh thiện của con, tôi ngỡ đấy là thiên thần vì duyên cớ... đến bên cuộc đời chúng tôi. Con, một đứa bé kém may mắn... Có cho tôi sinh ra trên đời một lần nữa, tôi cũng không nghĩ là người mẹ ấy đã bỏ con mà đi. Có sinh ra trên đời ngàn lần nữa, tôi vẫn không nghĩ tôi chỉ là cô giáo đặc biệt của con. Ngủ ngoan, con yêu! Nhất định kì nghỉ sau, mẹ con mình sẽ đáp một chuyến ra đảo. Ba Hoàng Anh sẽ dạy con những cú đấm mạnh như thép. Mẹ Phương sẽ tình nguyện làm bao cát cho con tập đấm. Con cứ đấm mạnh vào, đấm mạnh vào! Con có sợ mẹ đau không? Khi ấy, chắc chắn Hoàng Anh của ba mẹ sẽ nói: “Con sợ làm mẹ đau lắm!”. Nhưng con ạ, con hãy ra nắm đấm tự vệ khi cần thiết. Đừng để người ta ăn hiếp con, như các bạn lớp con đã từng vùi đầu con vào hố cát trong giờ thể dục nào đó. Ba mẹ cho phép con được quyền làm thế. Sẽ có một ngôi sao xanh sáng cùng những ngôi sao xanh khác trên bầu trời bao la. Ánh sáng xanh ấy át cả những ánh sáng rực rỡ ối đỏ đã từng làm con bất an, hoảng loạn. Phải cố lên, chúng ta phải cố lên, không có cách nào khác, Ngôi Sao Xanh đáng yêu của ba mẹ!
T. H
(Nguồn VNNB 234/ 1-2020)